Thứ ba tuần 32 thường niên – Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
* Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo chính thống giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na hiệp nhất với Rôma.
Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hiệp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh công giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.
Lời Chúa: Lc 17, 7-10
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Suy Niệm 1: Đầy tớ vô dụng
Suy niệm:
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối cùng với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Sau khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Nô lệ không đòi gì
“Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả theo lênh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi.” (Lc. 17, 10)
Đức Giêsu dùng nhiều thí dụ cụ thể trong đời sống thường ngày để loan báo sứ điệp của Người. Hôm nay Người tiếp tục giáo huấn về đức hạnh của các phần tử của Hội thánh.
Chỉ lo phục vụ chủ mình:
Biệt phái quan niệm giao ước như là một bản hợp đồng về những luật lệ của Thiên Chúa đối với con người. Khi người ta hoàn tất những giới răn như luật dạy, Thiên Chúa mắc nợ với con người: người ta có quyền đòi con nợ của mình. Quan niệm này là nền tảng cho kiêu ngạo và tự mãn của họ.
Trong khi dạy các phần tử của Hội thánh sống khiêm tốn và nương tựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đức Giêsu đối lập lại với thái độ của biệt phái. Người kể gương người nông phu đã nêu cao tinh thần phục vụ lên hàng đầu, vừa đi cày về, còn mau mau dọn cơm cho chủ ăn. Ở đây, Đức Giêsu không muốn dạy bài học luân lý. Người muốn hơn nữa: không những vô vị lợi mà còn chỉ cho con người phải sống như đầy tớ của Thiên Chúa. Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật.
Người đầy tớ làm ruộng như một nông nô không có quyền gì với ông chủ của nó. Nó phải làm điều chủ đòi nó làm. Nó không được chờ đợi bất cứ điểm tốt nào hay bất cứ một lời cảm ơn gì. Cũng thế, con người ta là một đầy tớ cùng khốn đối với Thiên Chúa. Nó không được quyền gì để cho mình có giá trị. Thiên Chúa không phải trả công hay tưởng thưởng nó. Nó chẳng đáng gì, ngoài ra phải làm phận sự đầy tớ của mình, vì chính Thiên Chúa đã ban đời sống cho nó, gìn giữ nó sống và nâng cao đời sống nó lên.
Không một phần thưởng
Các tông đồ bỏ tất cả theo Đức Giêsu và chấp nhận mọi yêu sách cốt yếu nhất của Chúa. Như Phê-rô đã hỏi: “Vậy chúng con sẽ được gì?”. Cả các ông cũng chỉ là những đầy tớ vô dụng ư? Câu đáp của Đức Giêsu là các anh đã chỉ làm việc bổn phận mình thôi. Các anh không có quyền đòi cung cấp chi hết. Do lòng thương yêu của Chúa, Chúa đã tặng không mọi sự cho con người, con người phải làm vinh danh và nhớ ơn Thiên Chúa.
Giáo huấn của Đức Giêsu muốn duy trì sự bình an trong Giáo hội. Mỗi người là một đầy tớ vô dụng, được kêu gọi làm theo lệnh Chúa, với tinh thần hoàn toàn khiêm tốn. Không ai có thể dành riêng cho mình một địa vị ưu tiên nào, vì Thiên Chúa là chủ mọi ân huệ và phân phát cho ai tùy Ngài muốn.
RC
Suy Niệm 4: ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ (Lc 17, 7-10)
Xem thêm CN 27 TN C
Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời...! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển...
Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ... Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa chứ không phải cho mình được nổi trội.
Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão... Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ...
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.
Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người.
Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và hy vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được vai trò của người môn đệ, và xin cho chúng con biết can đảm lựa chọn trong tinh thần của người tôi tớ. Amen.
Ngọc Biển SSP
II. SUY NIỆM:
1. Sức mạnh của lòng tin
Để giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của lòng tin, như có lần Người nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Lc 7, 50) và cầu xin lòng tin mỗi ngày, trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giê-su dùng những hình ảnh thật cụ thể để nói về sức mạnh thiêng liêng của lòng tin:
Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: « Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ! » Nó cũng sẽ vâng lời anh em. (c. 6)
Lòng tin có sức mạnh chuyển dời sự vật, không phải một cách ngoạn mục ở bên ngoài, nhưng những sự vật ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Không có niềm tin “bằng hạt cải” nơi Chúa, khiến cho chúng ta không dám tin tưởng nhau bất chấp tất cả, chúng ta không thể xây dựng mái ấp yêu thương được. Như các Tông Đồ, mỗi người chúng ta hãy ước ao tận đáy lòng:
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.
Tin Chúa yêu thương và bao dung “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn, từng người trong chúng ta, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, để con tim của chúng ta được mở rộng để có thể yêu thương và bao dung lẫn nhau, như Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu nguyện trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót:
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa/
cũng là những người mang lấy sự yếu đuối/
để có thể cảm thông thực sự với những người mê muội lầm lạc.
Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài/
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
mong chờ, yêu mến và thứ tha.
2. “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”
Để sống được với nhau và qua đó xây dựng đời sống chung, chúng ta cần tin nhau biết bao, và để có thể tin nhau, chúng ta cần tin vào Chúa biết bao. Vì thế, ngay sau đó như bài Tin Mừng kể lại, Đức Giê-su dùng hình ảnh người tôi tớ quên mình phục vụ chủ nhân của mình, chắc chắn với sự tín thác.
Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói:“chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”(c. 10)
Nhưng con người thời nay, trong đó có chính chúng ta nữa, lại thích làm chủ hơn, làm đại gia hơn, thích bình đẳng hơn, thích quyền lợi hơn, thích sòng phẳng hơn. Vì thế, hình ảnh chủ tớ có thể không đánh động chúng ta ; và nhất là những gì Đức Giê-su nói về người tôi tớ trong bài Tin Mừng chắc chắn gây cho chúng ta khó khăn.
Chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn này, khi lắng nghe lời của Đức Giê-su không như chữ viết hay lề luật, nhưng như là tinh thần, là năng động, là hướng đi của con tim. Hơn nữa, Đức Giê-su cố ý nói thật tận căn, thật triệt để (chẳng hạn, phải móc mắt, chặt tay, cột cối đá vào cổ quăng xuống sông, quăng vào lửa không hề tắt…) để chúng ta không áp dụng theo chữ viết được và buộc phải hiểu theo thần khí. Lắng nghe lời Đức Giê-su như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hình ảnh chủ tớ mà Đức Giê-su mô tả trong bài Tin Mừng, mặc khải cho chúng ta sự thật về chính chúng ta và mở ra cho chúng ta cả một hướng đi của tự do, bình an và niềm vui khởi đi từ lòng tín thác và yêu mến.
3. « Phận Nữ Tỳ hèn mọn »
Xét cả về bản chất lẫn thực tế, chúng ta không phải là chủ và cũng không thể làm chủ : sự sống và ơn gọi của chúng ta là được ban cho ; và không phải được ban cho một lần trong quá khứ, nhưng từng ngày ; và trong mọi sự, nhất là hoàn cảnh, thân phận, gia đình, ơn gọi, sứ vụ… chúng ta chẳng bao giờ làm chủ tuyệt đối được điều gì.
Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta sống, làm việc và hành động như thể mình là chủ nhân, thì sẽ là tai họa, bởi vì chúng ta sẽ đánh mất tất cả, những gì mình có, những gì và những người mình được giao phó, và chính bản thân chúng ta. Và đó chính là một trong những vấn đề nghiêm trọng của loài người chúng ta hôm nay : chính khi con người tự coi mình là chủ sự sống, là chủ môi trường sống, là chủ thiên nhiên, là chủ cả một dân tộc, là chủ gia đình, là chủ cộng đoàn, là chủ cách sống, hướng đi… , con người đang phung phí và đánh mất nhân tính, như người con hoang đàng (x. Lc 15, 11-35).
Hơn nữa, khi chúng ta hành động như là chủ nhân, chúng ta sẽ không bao giờ được bình an : ganh đua, ghen tị, thành công thì kiêu ngạo, thất bại thì suy sụp; và sẽ suy sụp hoàn toàn khi con người đến một lúc nào đó, và cái « lúc đó » có thể xảy ra bất cứ lúc nào, phải bớt, phải bỏ và phải buông tay mọi sự, cả sự sống của mình nữa.
* * *
Như vậy, chúng ta được mời gọi sống và làm việc như người phục vụ, như người tôi tớ, như người nữ tỳ khởi đi từ sự nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, khởi đi từ sự thật của chúng ta, và làm cho đời mình, ơn gọi mình trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa, Đấng là Nguồn và Cùng Đích của mọi sự. Chính kinh nghiệm sâu đậm được tin tưởng, được yêu thương và được thương xót, sẽ giúp chúng ta sống tâm tình của người tôi tớ và người nữ tì, như Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Đó là cách tốt nhất để chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giê-su ; và một khi chúng ta trở nên môn đệ của Đức Giê-su, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành những người con đích thực của Thiên Chúa Cha, và trở thành anh chị em đích thực của nhau. Bởi vì chính Đức Ki-tô, Ngài là Thầy và là Chúa, nhưng đã đến sống ở giữa chúng ta, không như chủ nhân, nhưng như người tôi tớ phục vụ: rửa chân cho chúng ta, dọn bàn cho chúng ta, ban lời hằng sống cho chúng ta và ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta làm của ăn để tái sinh chúng ta. Và Ngài phục vụ chúng ta như thế mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tuesday (November 12): “We have only done our duty”
Scripture: Luke 17:7-10 7 “Will any one of you, who has a servant plowing or keeping sheep, say to him when he has come in from the field, `Come at once and sit down at table’? 8 Will he not rather say to him, `Prepare supper for me, and gird yourself and serve me, till I eat and drink; and afterward you shall eat and drink’? 9 Does he thank the servant because he did what was commanded? 10 So you also, when you have done all that is commanded you, say, `We are unworthy servants; we have only done what was our duty.’ |
Thứ Ba 12-11 Chúng tôi chỉ làm tròn bổn phận của mình
Lc 17,7-10 7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”,8 chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” |
Meditation:
Are you ready to give the Lord your best, regardless of what it might cost you? Perhaps we are like the laborer in Jesus’ parable who expected special favor and reward for going the extra mile? How unfair for the master to compel his servant to give more than what was expected! Don’t we love to assert our rights: “I will give only what is required and no more!” But who can satisfy the claims of love? We are called to serve God and neighbor selflessly and generously Jesus used this parable of the dutiful servant to explain that we can never put God in our debt or make the claim that God owes us something. We must regard ourselves as God’s servants, just as Jesus came “not to be served, but to serve” (Matthew 20:28). Service of God and of neighbor is both a voluntary or free act and a sacred duty. One can volunteer for service or be compelled to do service for one’s country or one’s family when special needs arise. Likewise, God expects us to give him the worship and praise which is his due. And he gladly accepts the free-will offering of our lives to him and to his service. What makes our offering pleasing to God is the love we express in the act of self-giving. True love is sacrificial, generous, and selfless. The love of God compels us to give our best How can we love others selflessly and unconditionally? Scripture tells us that God himself is love (1 John 4:16) – he is the author of life and the source of all true relationships of love and friendship. He created us in love for love, and he fills our hearts with the boundless love that gives whatever is good for the sake of another (Romans 5:5). If we love one another, God abides in us and his love is perfected in us (1 John 4:12). God honors the faithful servant who loves and serves others generously. He is ever ready to work in and through us for his glory. We must remember, however, that God can never be indebted to us. We have no claim on him. His love compels us to give him our best! And when we have done our best, we have simply done our duty. We can never outmatch God in doing good and showing love. God loves us without measure. Does the love of God compel you to give your best?
“Lord Jesus, fill my heart with love, gratitude and generosity. Make me a faithful and zealous servant for you. May I generously pour out my life in loving service for you and for others, just as you have so generously poured yourself out in love for me.” |
Suy niệm:
Bạn có sẵn sàng dâng hiến cho Chúa điều tốt nhất của mình, bất kể những gì nó có thể đòi hỏi bạn không? Có lẽ chúng ta giống như người đầy tớ trong dụ ngôn của Đức Giêsu, người mong mỏi tiền công cho ngày làm việc của mình đó sao? Thật bất công biết bao khi người chủ bắt buộc họ làm nhiều hơn những gì được mong đợi! Không phải chúng ta đòi quyền lợi cho mình khi nói rằng: “Tôi chỉ làm những gì được yêu cầu chứ không làm hơn!” đó sao? Nhưng ai có thể làm thỏa mãn những khát vọng của tình yêu? Chúng ta được kêu gọi để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân cách vị tha và quảng đại Đức Giêsu dùng dụ ngôn này của đầy tớ biết vâng lời để giải thích rằng chúng ta không bao giờ có thể nghĩ Chúa mắc nợ mình, hay cho rằng Thiên Chúa nợ chúng ta một điều gì đó. Chúng ta phải coi mình là tôi tớ của Chúa, cũng giống như Đức Giêsu đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20:28). Việc phục vụ Chúa và tha nhân cả hai đều là một hành động tự nguyện hay tự do, và một nhiệm vụ thiêng liêng. Người ta có thể tình nguyện phục vụ hoặc bị buộc phải phục vụ cho đất nước hay gia đình của mình, khi những nhu cầu đặc biệt phát sinh. Tương tự như vậy, Thiên Chúa mong đợi chúng ta thờ phượng và chúc tụng Người theo bổn phận của mình. Và Người vui lòng chấp nhận lễ tế tự nguyện của cuộc sống của chúng ta cho Người và cho công việc phục vụ của Người. Điều làm cho lễ tế của chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa là tình yêu chúng ta thể hiện trong sự hy sinh quên mình. Tình yêu thật sự là hy sinh, quảng đại, và vị tha.
Tình yêu Thiên Chúa thúc bách chúng ta cho đi hết Chúng ta có thể yêu người khác một cách vị tha và vô điều kiện như thế nào? Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chính Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:16) vì Người là Tác giả của sự sống và Nguồn gốc của tất cả các mối quan hệ. Người đã tạo dựng nên chúng ta trong tình yêu và cho tình yêu, và Người lấp đầy trái tim chúng ta với tình yêu vô biên đến nỗi cho đi bất cứ điều gì là tốt lành vì lợi ích của nước khác (Rm 5:5). Nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người trọn hảo nơi chúng ta (1 Ga 4:12).
Thiên Chúa yêu thương người đầy tớ trung thành, người yêu thương và phục vụ những người khác một cách quảng đại. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để làm việc trong và thông qua chúng ta vì vinh quang của Người. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ mắc nợ chúng ta. Chúng ta không được than trách về Người. Tình yêu của Người đòi buộc chúng ta dâng hiến cho Người những gì tốt nhất của mình! Và khi chúng ta đã làm hết sức mình, chúng ta chỉ đơn giản hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng ta không bao giờ có thể trổi vượt hơn Thiên Chúa trong việc làm điều tốt và bày tỏ tình yêu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không gì có thể đo lường được. Liệu tình yêu của Thiên Chúa có đòi buộc bạn phải cho đi điều tốt nhất của mình không? Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy lòng con với tình yêu, lòng biết ơn và lòng quảng đại. Xin biến con thành một người đầy tớ trung thành và nhiệt tâm cho Chúa. Chớ gì con quảng đại cho đi cuộc sống mình trong sự phục vụ yêu thương cho Chúa và cho tha nhân, giống như Chúa đã quảng đại hiến thân mình vì yêu thương con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn