Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.
“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.
Lời Chúa: Ga 16, 20-23a
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.
Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời.
Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.
SUY NIỆM 1: Lòng anh em sẽ vui
Suy niệm :
Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn
mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.
Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn,
Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.
Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).
Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời.
Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).
Không có một Kitô giáo buồn.
Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,
bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia :
Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.
Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,
qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,
qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,
qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.
Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.
Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.
Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.
Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.
Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.
Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.
Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền.
Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.
Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.
Thế giới hôm nay là một thế giới buồn.
Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.
Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.
Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,
người ta lại không biết mình sống để làm gì.
Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,
không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,
nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,
nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).
Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,
nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.
Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,
người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Tình yêu và đau khổ.
Trong bài xã luận của bán nguyệt san Công giáo Italia, số tháng 3/1993 có ghi lại gương hy sinh của một người mẹ trẻ tên là Carla Levati, qua đời khi mới chỉ được 28 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ hai, Carla được các bác sĩ cho biết chị bị viêm cột sống mà một cuộc chữa trị có thể phương hại trầm trọng đến mạng sống của thai nhi. Với sự đồng ý của chồng, chị Carla chấp nhận đau khổ và ngay cả cái chết, miễn là đứa con được sinh ra lành mạnh. Nhưng vì quá đau đớn, người mẹ đã qua đời 8 tiếng đồng hồ sau khi đứa con chào đời ngày 26/1/1993.
Cái chết của chị Carla đã gây nhiều phản ứng sôi nổi tại Italia. Những tờ báo lớn xuất bản tại Rôma xem sự hy sinh của chị như một hành động hy sinh cao cả chứ không mù quáng. Nguyên tắc của chị Carla tuân theo chính là tình yêu: chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy người mẹ hy sinh mạng sống mình vì đứa con. Nguyên tắc âý không chỉ bắt nguồn từ Tin mừng, mà còn là một đòi hỏi của tình mẫu tử. Người mẹ là người trao ban sự sống bằng chính đau khổ của mình và nếu cần chết đi để cứu mạng sống của con mình.
Ý nghĩa cao cả nơi cái chết của chị Carla có thể giúp chúng ta đi sâu vào Tin mừng hôm nay. Thật thế, chính Chúa Giêsu đã nhận chân ý nghĩa cao cả nôĩ đau đớn của người đàn bà trong khi sinh con. Niềm đau đớn ấy mang một ý nghĩa cao cả đến độ đã được Chúa Giêsu mượn để nói lên chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Có đau đớn trong khi sinh con, người đàn bà mới cảm nhận được niềm vui khi đứa con chào đời; có trải qua khổ nạn, Chúa Giêsu mới đi vào vinh quang Phục sinh; và từ nỗi đau khổ được chấp nhận trong tinh thần phó thác hiến dâng, người môn đệ Chúa Kitô mới cảm nhận được niềm vui tái sinh.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình: chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Cưu mang: Cứu độ
Để hiểu tầm mức lời này của Đức Giêsu, chúng ta cần tới kinh nghiệm của chúng ta về dự tính, về sinh trưởng và về khởi sự. Cái đà khởi đầu cuộc hành trình xuất phát từ miền phấn khởi, từ mơ ước, chúng ta xây dựng những phương trình đẹp, chỉ huy những giai đoạn thi công, kế hoạch. Chúng ta hình như làm chủ được vận mệnh.
Các tông đồ đã phân phối khi Chúa biến hình lúc đầu sứ vụ truyền giáo, lúc đầu đi chữa các bệnh nhân. Nước Thiên Chúa chẳng bao lâu nữa được thiết lập.
Nhưng sự khó khăn cũng bắt đầu khi bắt tay vào việc: Những vất vả khó nhọc, những bất lực, những hố sâu lòng người. Dù gặp đau khổ, chúng ta cảm thấy vẫn phải cố gắng hy sinh sức lực và mạng sống để đạt tới đích. Đức Giêsu đã biết phải trả giá thế nào để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới, và đến giờ phút treo trên thập giá, Người đã gục đầu xuống. Những kẻ chưa hiểu được công cuộc cứu độ, Đức Giêsu đã tiên báo cho chúng ta biết: Đó là một công việc rất khó khăn. Nhưng Tin mừng đã bảo đảm rằng: mặc dầu có cực khổ, khó khăn, kế hoạch cứu độ của Chúa vẫn được hoàn tất khi đã đặt kế hoạch ban sự sống, thì Người phải thực hiện cho đến cùng.
Theo ý nghĩa đó, hôm nay chúng ta hiểu được sứ điệp đầy hy vọng này là mọi đau khổ được tận hiến đều dẫn đến vui mừng như đau khổ của người mẹ sinh đứa con ra chào đời, cũng thế, mọi kế hoạch được tận tâm thực hiện đều mang lại thành công tốt đẹp, đem lại sự sống.
Muốn thúc đẩy con người tiến đến một đời sống phát triển tươi đẹp, phải mở cho họ thấy chân trời vô tận, nhưng đừng quên rằng hiện tại phải gian lao cùng khổ. Tóm lại hoạt động đem ơn cứu độ đến cho con người sẽ phải cưu mang nhiều giai đoạn đau khổ nhọc nhằn.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm những giai đoạn đó để tham gia vào công việc cứu độ, dù vì thế mỗi người chúng ta phải thiệt thòi đến mạng sống.
CG.
SUY NIỆM 4: Niềm vui của các môn đệ
Ðoạn Phúc Âm vừa đọc nối tiếp với đoạn suy niệm hôm qua về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đồ đệ cần khám phá ra Chúa Giêsu với đôi mắt đức tin và sống kết hiệp khắng khít mỗi ngày một hơn với Người. Sự sống kết hiệp với Chúa là nền tảng vững chắc với niềm vui không bao giờ mất đi nơi tâm hồn người đồ đệ.
Suy niệm bài Phúc Âm vừa đọc lại trên, chúng ta hãy đào sâu thêm về niềm vui mà Chúa muốn trao ban cho mọi đồ đệ của Người. Ðể được hưởng niềm vui của Chúa, người đồ đệ phải thực hiện một điều kiện căn bản, liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa để được ân sủng Chúa thanh luyện. Trong khung cảnh những lời tâm sự mạc khải về cuộc ra đi, tức cuộc vượt qua của Người, Chúa Giêsu long trọng loan báo: “Thật, Thầy bảo thật các con, các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”.
Khóc lóc và than van là hành động của một người thương khóc cái chết của những người thân yêu nhất. Dùng hai từ này để diễn tả hoàn cảnh các môn đệ sắp trải qua, Chúa Giêsu như muốn mạc khải cho các ông về cái chết sắp đến của Người, vừa đồng thời hé mở cho các ông nhìn thấy mối liên hệ của cuộc đời các ông với cuộc vượt qua của Người. Ðây là điều mà sau này thánh Phaolô tông đồ dùng một từ ngữ khác để diễn tả, mang lấy cuộc Thương Khó của Chúa nơi mình, hoàn tất nơi mình những gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa là chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Chúa. “Chúng con sẽ khóc lóc và than van vì Chúa sắp chịu chết trên thập giá tủi hổ”. Trong khi đó thì thế gian, tức những kẻ thù của Chúa Giêsu vui mừng, vì họ nghĩ rằng đã loại trừ được một đối thủ, có những lời nói phơi bày tật xấu của họ và không ngừng quấy rầy lương tâm họ.
“Các con sẽ khóc lóc và than van”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo chết trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”; “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Nhưng cái chết của Chúa Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được, Chúa chết đi để rồi sống lại, Chúa ra đi để rồi trở lại, Chúa phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
Niềm vui của các môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do nào khác. Nền tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ phục hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa Phục Sinh có thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.
Lạy Chúa, xin đến ngự trong con, ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu giữa Cha Con, kết chặt con vào Chúa để con được sống an vui mãi mãi, dù giữa những khó khăn thử thách.
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con luôn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: NIỀM VUI TRỌN VẸN (Ga 16, 20-23)
Một người phụ nữ đang mang thai, bà ta sẽ rất sợ hãi khi biết sắp đến giờ bà sinh. Bà thấu được những cơn đau dữ dội, xé lòng mà mình sẽ phải gánh chịu! Tuy nhiên, niềm vui khôn tả sẽ ập đến với bà khi mắt bà nhìn thấy đứa con của mình cất tiếng khóc chào đời.
Thấy được tâm trạng các môn đệ đang hoang mang lo lắng vì sắp phải lìa xa mình, Đức Giêsu đã trấn an các ông và vén mở cho các ông thấy niềm vui sẽ nên trọn: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được”.
Trong đời sống đức tin của chúng ta, cũng có những lúc đi trong đêm tối của cô đơn, ốm đau, bệnh tật. Những lúc đó, chúng ta chán nản và muốn buông xuôi. Nhưng như bà mẹ mệt nhọc lúc mang thai và đau đớn khi sinh hạ, sau đó, bà sẽ vui mừng khi thấy con mình chào đời. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của cuộc đời đức tin nơi chúng ta.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn của đức tin và hy vọng trong nguồn ơn cứu độ, bởi vì: sau khi mưa trời lại sáng; thất bại là mẹ thành công; và nếu ta cùng chết với Đức Giêsu thì cũng được cùng Ngài sống lại trong vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ, chấp nhận hy sinh, để từ đó, một ngày kia, chúng con được chan chứa niềm vui vì thập giá sẽ nở hoa cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Friday (May 22): “Your sorrow will turn into joy”
Scripture: John 16:20-23 20 Truly, truly, I say to you, you will weep and lament, but the world will rejoice; you will be sorrowful, but your sorrow will turn into joy. 21 When a woman is in travail she has sorrow because her hour has come; but when she is delivered of the child, she no longer remembers the anguish, for joy that a child is born into the world. 22 So you have sorrow now, but I will see you again and your hearts will rejoice, and no one will take your joy from you. 23 In that day you will ask nothing of me. Truly, truly, I say to you, if you ask anything of the Father, he will give it to you in my name. |
Thứ Sáu – 22-5 Đau khổ của anh em sẽ trở thành niềm vui Ga 16,20-2320 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. |
Meditation:
Why did the Lord Jesus tell his disciples that they would weep and be sorrowful? Jesus was neither a pessimist nor a masochist, and he was certainly more than a realist! The way to happiness and joy in the kingdom of God is through the cross. Sin must be brought to the cross of Jesus Christ and evil can only be completely mastered by the power of God’s redeeming love. Jesus told his disciples that it was more blessed to mourn for sin because it would yield the fruit of peace, joy, and righteousness. Jesus knew that the cross would be a stumbling block for those who refused to believe in him. We, too, have a share in the victory and joy of Christ’s resurrection The cross for Jesus was not defeated but victory – victory over sin, over the forces of evil in the world, and over the devil – the arch-enemy of God and the human race. Through his atoning sacrifice on the cross, Jesus won for us new abundant life and freedom over the power of sin, despair, and death. He was raised in power from the tomb on the third day and his glorified body will never taste death again. The Easter victory of the Lord Jesus gives us courage, strength, and confident hope in the face of suffering and death. In the resurrection of Jesus Christ, our fears are laid to rest. His resurrection is total and final triumph over death and for our peace and joy in the confident hope that we, too, will be raised to everlasting life with Christ. We will have trials in this present age – .but, through the eyes of faith, we know the final outcome – complete victory over sin, suffering, and death in Jesus Christ. That is why we can pray confidently now, knowing that the Father in heaven will give us everything we need to live as his children and as disciples of our Lord Jesus Christ. Do you know the Easter joy of Christ’s victory over sin and death?
“Lord Jesus, we are an Easter people, and alleluia is our song. Fill us with your Holy Spirit that we may we radiate the joy of your Resurrection and live in the reality of your great victory over sin and death. |
Suy niệm:
Tại sao Ðức Giêsu nói với các môn đệ về khóc lóc, than van, và lo buồn? Ðức Giêsu không phải là người bi quan, cũng không phải là người quá khích, và chắc chắn Người còn hơn cả người thực tế! Con đường dẫn tới hạnh phúc và niềm vui trong vương quốc Thiên Chúa là ngang qua thánh giá. Tội lỗi phải được đưa qua thập giá của Đức Giêsu Kitô, và sự dữ chỉ có thể hoàn toàn được khống chế bởi sức mạnh của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng thật có phúc hơn để khóc lóc cho tội lỗi, bởi vì nó sẽ sản sinh hoa trái của bình an, niềm vui, và sự công chính. Ðức Giêsu biết rằng thập giá sẽ khối đá làm vấp chân cho những ai khước từ tin tưởng vào Người. Chúng ta cũng được chia sẻ trong sự chiến thắng và niềm vui sự phục sinh của Đức Kitô Thập giá đối với Ðức Giêsu không phải là thất bại nhưng là sự chiến thắng – sự chiến thắng trên tội lỗi, trên những sức mạnh của sự dữ trong thế gian, và trên ma quỷ – kẻ thù không đội trời chung với Thiên Chúa và loài người. Ngang qua hy lễ đền tội trên thập giá, Ðức Giêsu đã đem lại cho chúng ta sự sống mới và sự giải thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi, thất vọng, và sự chết. Vào ngày thứ ba Người đã trổi dậy từ cõi chết trong quyền năng và thân xác vinh hiển của Người sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chiến thắng Phục Sinh của Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự can đảm, sức mạnh, và lòng trông cậy vững vàng trong sự đối diện với đau khổ và sự chết. Trong sự phục sinh của Đức Kitô, những sợ hãi của chúng ta đi đến chỗ kết thúc. Sự sống lại của Người là sự chiến thắng hoàn toàn và cuối cùng trên sự chết, và cho chúng ta sự bình an và niềm vui trong sự xác tín rằng chúng ta cũng sẽ được trổi dậy cho sự sống vĩnh cửu với Đức Kitô. Chúng ta sẽ có những phiền muộn trong thực tại hiện nay. Nhưng qua đôi mắt đức tin, chúng ta biết được kết quả cuối cùng – sự chiến thắng hoàn toàn trên tội lỗi, đau khổ, và sự chết trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể cầu nguyện một cách tự tin hiện nay, vì biết rằng Cha sẽ ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần để sống như con cái của Người, và như các môn đệ của ĐGK, Chúa chúng ta. Bạn có biết niềm vui phục sinh của sự chiến thắng của ĐK trên tội lỗi và sự chết không? |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ
SUY NIỆM
1. “Anh em sẽ khóc lóc than van” (c. 20)
Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó mà Người sắp trải qua; trong cuộc Thương Khó, thế gian sẽ vùi dập Người, và vùi dập Người cho đến chết với tâm trạng vui mừng hả hê; còn các môn đệ, vốn đặt hết hi vọng vào Người, vốn đặt cuộc đời mình vào lời nói, việc làm và ngôi vị của Người, sẽ lo buồn, khóc lóc và than van, như lời thánh sử Mác-cô kể lại: “Bà (Maria Magdala) đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16, 10) và như thánh sử Luca kể về sự buồn bã của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 17)
Nhưng, Đức Giê-su nói: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Niềm vui gặp lại Đức Ki-tô sống động, như thánh sử Gioan kể lại: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). “Được thấy Chúa”, nhưng theo một cách thế đặc biệt, khác với kinh nghiệm gặp gỡ trước cuộc Thương Khó, bởi lẽ Người đã thực sự “băng qua” sự chết.
Các môn đệ cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là sống đời mình như một cuộc vượt qua, nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô phục sinh. Như sách Tông Đồ Công Vụ kể lại cho chúng ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô như được tái hiện lại trong hành trình sống và loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô của các môn đệ, các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ của mọi thời, các môn đệ hôm nay, là chính chúng ta.
Đức Giê-su nói: “Nỗi buồn của anh sẽ trở thành niềm vui”. Lời của Đức Giê-su không chỉ nói tới niềm vui sau thử thách, nhất là thử thách tận cùng là sự chết, nhưng niềm vui ngay trong thử thách hôm nay. Vì cuộc Vượt Qua của Người mang lại niềm hi vọng, và vì thế mang lại ý nghĩa cho cuộc thương khó của người môn đệ. Và nhất là cuộc thương khó của người môn đệ làm cho mình trở nên giống Đức Ki-tô, nên một Đức Ki-tô. Trong tình yêu, thật là niềm vui to lớn, khi được trở nên giống nhau, nên một với nhau.
2. Qui luật muôn đời của sự sống (c. 21)
Nhưng phải chăng con đường của mầu nhiệm Vượt Qua là quá cao vời, quá khó khăn, hay quá xa lạ với chúng ta? Khi nói về kinh nghiệm cưu mang của người mẹ, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc ở khắp nơi, trong sáng tạo và trong lịch sử; và con đường của mầu nhiệm Vượt Qua hoàn toàn phù hợp với quy luật của sự sống:
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là quy luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.
3. “Thầy sẽ gặp lại anh em” (c. 22-23a)
Mầu nhiệm vượt qua của Đức Ki-tô làm cho mọi cuộc vượt qua của loài người và của từng người không bị tan biến, nhưng có niềm hi vọng và như thế, tất cả đều có ý nghĩa. Nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, niềm vui và hoa trái sự sống mới đã có ngay hôm nay, trong hành trình thập giá. Chính vì thế, Đức Giê-su nói:
Niềm vui của anh em,
không ai lấy mất được. (c. 22)
Nhưng không chỉ có niềm vui “gặp gỡ” Đức Ki-tô phục sinh, nhưng niềm vui này còn được đặt nền tảng trên sự hiểu biết thâm sâu Đức Ki-tô, nhờ thánh thần của Người: “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Vì thế, Đức Giê-su nói: “Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa”. Sự hiểu biết có sức biến đổi sâu rộng, mà thánh Phao-lô có kinh nghiệm:
Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn