Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.

Thứ ba - 08/12/2020 07:56

Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.

"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".

 

LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

 

 

Suy Niệm 1: Ách của tôi êm ái

Suy niệm :

Khi quy hoạch thành phố tương lai,

người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.

Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng

cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.

Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.

Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.

Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh

giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.

Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.

Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.

Ðức Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài,

tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.

Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ.

Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.

Gánh nặng phải mang vì người khác...

Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,

chán chường và mệt mỏi.

Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.

Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.

Hãy mang lấy ách của tôi.

Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài

mà những kẻ đến với Ngài phải mang.

Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,

về con đường hẹp mà ít người muốn đi,

về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.

Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban

đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.

Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,

vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.

Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,

thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.

Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.

“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;

mà giả như có vất vả đi nữa

thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)

Hãy học với tôi.

Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.

Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.

Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:

“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”

Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu

thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.

Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,

cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,

cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.

Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,

và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: GIÊSU: THIÊN CHÚA NÂNG ĐỠ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Kiếp sống con người thật vất vả. Tác giả Thánh vịnh nói cuộc đời con người “phần lớn là gian lao khốn khổ” khi sống trong “thung lũng nước mắt”. Không phải chỉ có đau khổ, nhưng còn những gánh nặng: gánh nặng sự sống, gánh nặng bổn phận, nhất là gánh nặng tội lỗi. Isaia cho biết tự sức con người không gánh nổi đời mình. Vì kiếp người quá vất vả gian lao. Đến nỗi “thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”.

Phải đến với Chúa vì “những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt”.

Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa vì chính Chúa đã đến với ta. Như Chúa đã chấp nhận gánh nặng nhân loại, Chúa mời gọi ta hãy chấp nhận gánh nặng của bản thân, của tội lỗi, của trách nhiệm của ta.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để Chúa bổ sức cho ta. Sức riêng ta không vác nổi gánh nặng. Nhưng có sức của Chúa ta sẽ mạnh mẽ như Isaia đã loan báo: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh”.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để thăng hoa thánh giá đời ta khi không coi đó là ách giữa đàng, nhưng coi đó là ách của Chúa. Ách của Chúa là tình yêu. Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng. Ách nặng nề sẽ trở nên ngọt ngào nhẹ nhàng khi ta gánh vác với tình yêu mến.

Mùa Vọng đã qua đi được một nửa, cuộc chờ đợi còn kéo dài, cuộc thanh luyện càng quyết liệt, nhưng ta hãy an tâm tiếp tục lên đường, vì Chúa hằng theo dõi bước đường của ta, Chúa hằng ban ơn trợ giúp ta, và nhất là Chúa Giêsu cùng đi với ta, cùng chia sẻ gánh nặng với ta. Thật là một chặng đường gian khổ nhưng đầy ngọt ngào vì có Chúa và được cùng Chúa chia sẻ.

 

Suy Niệm 3: Những ai khó nhọc hãy đến với Ta

Sách "Liệt Tử" có câu truyện như sau:

Nước Tống có một người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.

Sau đó có ông thầy đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.

Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.

Trước khi trả lời đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở lại bình thương.

Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.

Người ta bắt giữ anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?

Anh ta trả lời: Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?

Anh chị em thân mến!

Nhìn một người điên, người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh nặng của thuyết nhân sinh.

Mở mắt chào đời lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi giục sâu hơn.

Lại cũng có những triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng giận, buồn phiền... có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân phận của kiếp sống con người.

Về phần Chúa Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh trở nên nhẹ nhàng.

Lề luật phải được giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.

Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Ách êm ái.

Trong lịch sử nhân loại, nhiều khi những cuộc cách mạng nhằm lật đổ một tình trạng bất công lãi dẫn đến một tình trạng bất công còn tệ hại hơn. Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã gây ra biết bao nhiêu đổ máu. 80 triệu người Trung hoa đã chết dưới bàn tay của Mao trạch Đông. 2 triệu người Cambốt đã chết trên cánh đồng giết người của Pônpốt. Quả thực, con người mơ ước thiên đàng, nhưng lại rơi vào địa ngục.

Trong tôn giáo có lúc người ta cũng chứng kiến một hiện tượng tương tự: tôn giáo vốn là nơi nương tựa của con người: con người tìm đến với tôn giáo thường là để tìm một sự giải thoát nào đó. Nhưng nhiều khi thay vì tìm được thanh thản nơi tôn giáo, con người lại bị đè bẹp bởi những gánh nặng. Đó là trường hợp đã xảy ra cho những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn. Họ là những người vất vả gồng gánh nặng nề. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo, những người thiệt thòi nhất là những người bé mọn, thất học. Gồng gánh nặng nề mà các luật sĩ chất lên vai họ chính là vô số khoản luật mà họ phải tuân giữ mà không hề hiểu được ý nghĩa và mục đích, họ không đủ khả năng để phân biệt được cái thiết yếu với điều phụ thuộc. Tôn giáo như thế không phải là một giải thoát, nhưng chỉ là một cầm buộc, đi tìm sự giải thoát, con người lại trở thành nô lệ.

Với những người bé mọn ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi hãy mang lấy ách của Ngài, vì ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Thật ra, Chúa Giêsu không rao giảng một tôn giáo mới. Ngài không đạp đổ hệ thống tôn giáo có sẵn. Trái lại Ngài chỉ cho con người thấy đâu là cái cốt lõi của Lề Luật và của đạo. Cái cốt lõi ấy chính là tình yêu thương. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật và các tiên tri, nhưng để kiện toàn”. Và như thánh Phaolô đã giải thích: “Yêu thương là chu toàn cả Lề Luật”. Thật thế, Chúa Giêsu đã kiện toàn Lề Luật bằng giới răn yêu thương, Ngài thu tóm cả Lề Luật thành hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là tình yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ có tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng thật sự. Chỉ có tình thương mới thực sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức.

“Hãy mang lấy ách của Ta, vì ách của Ta thì êm ái. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cái cốt lõi của đạo. Đạo là chính Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là sống bằng sức sống thần linh của Ngài, sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình yêu của Ngài cho mọi người. Đó là cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn tiếp tục qua Giáo Hội và qua mỗi người chúng ta.

 

Suy Niệm 5: Tiếp đón Đức Giêsu là lãnh nhận ơn cứu độ

 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 28-30)

Cho tới hết chương 10 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, việc rao giảng nước trời hầu như không gặp trở ngại gì. Nhưng đến chương 11 và 12, Đức Giêsu bắt đầu gặp chống đối.

Trước hết, Gioan tẩy giả sai môn đệ đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt. 11, 2-6). Tiếp đến là dân chúng: “Thật vậy, Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt. 11, 18-19). Sau là đến những biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu giữ luật ngày Sa-bát (Mt. 12, 1-8. 9-14). Họ còn chụp mũ Người là đồng lõa với tướng quỷ Bê-en-giê-bút (Mt. 12, 22-32).

Đức Giêsu đã ứng xử thế nào trước những phản đối của dân chúng và quyền bính Do-thái? Người ứng xử bằng hai cách: Trước tiên bằng một lời kêu cầu tạ ơn: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt. 11, 25). Thứ đến, Người quay lại phía những kẻ khốn cùng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt. 11, 28-30).

Nhưng Đức Giêsu chống thái độ về giữ luật của biệt phái và những thầy thông luật, không phải Người giải phóng con người khỏi giữ luật luân lý. Trái lại, Người yêu cầu họ phải giữ luật nghiêm chỉnh và đúng căn tính của luật (Mt. 11, 5-7). Người đòi hỏi như vậy vì Người là Thầy có lòng êm ái và khiêm nhường. Quả thực, toàn bộ Tin mừng nhằm giới thiệu Đức Giêsu như là tôi tớ, khiêm nhường trước Thiên Chúa, và êm ái với mọi người. Thái độ của Người không như các nhà luân lý. Trước khi trình bày cho con người những đòi hỏi căn bản về đổi mới một điều luật, Đức Giêsu đã mang đến cho họ niềm vui của nước trời.

Mang lấy ách của Đức Giêsu, chính là gắn bó với Người, đi theo Người, học hỏi với Người về thực chất của lề luật, mà ưu tiên và trước hết, phải cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa Cha.

J.M.R

 

Suy Niệm 6: HÃY MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 11, 28-30)

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi ...”. Đây chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài.

Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách” và “gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Như vậy, khi mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.

Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn..., nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác, thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ.... Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường, là những hy sinh, từ bỏ, và sẵn sàng vác Thập Giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIÊM

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, tuy rất ngắn, chỉ có ba câu, nhưng có một cấu trúc rất hoàn hảo.

(A) Gánh nặng nề,
      nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)

(B) “Vì tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường
” (c. 29a)

(A’) Nghỉ ngơi bồi dưỡng,
       gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)

Chuyển động thiêng liêng từ phần A sang phần A’: gánh của chúng ta thì nặng nề, gánh của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng; tại sao vậy? “Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A, trở thành “tâm hồn anh em sẽ được anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A’; Đức Giê-su hứa ban và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được.

Chuyển động này xảy ra được là nhờ kinh nghiệm mang lấy ách của Chúa và học với Chúa, vì Người “hiền hậu và khiêm nhường” (Phần B ở trung tâm). Nhận ra Đức Giê-su hiền hậu và khiêm nhường thuộc về kinh nghiệm hiểu biết nội tâm mà chúng ta tìm kiếm mỗi ngày và suốt đời. Bởi vì đó là “kinh nghiệm nguồn”, nguồn của đời sống đức tin và hành trình đi theo Người trong một ơn gọi, ơn gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

1. Gánh nặng nề và nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)

a. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề

Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài. Vậy, chúng ta hãy nhận ra mình là “những người đang vất vả mang gánh nặng nề”.

Gánh nặng nề, trước tiên là thân phận làm người của chúng ta. Chúng ta vẫn thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Làm người vừa là ơn huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng cũng đầy thử thách và cả đau khổ nữa: một đàng, thử thách và đau khổ đến từ những gì thuộc về phận người (sinh, lão, bệnh, tử), đàng khác, thử thách và đau khổ đến từ lời mời gọi sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta thường để cho “thú tính” làm chủ bản thân; “thú tính” là vô ơn, ham muốn, nghi ngờ, ghen tị, chiếm đoạt, không tôn trọng ngôi vị và hành trình riêng của ngôi vị, tranh đua, thống trị, loại trừ, bạo lực… Một nhà tâm lí học nói rằng, cuộc đời với tất cả những vấn đề của cuộc đời, mà mỗi người phải mang vác, đã rất nặng nề rồi; nếu chúng ta không mang vác được cho nhau, thì chúng ta đừng có chất thêm! Đức Giê-su đến để cảm thông và mang vác cho chúng ta, để chúng ta được bình an, nghỉ ngơi, được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng ta cảm nếm trong cầu nguyện, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, sự cảm thông, bình an, nghỉ ngơi, sự sống dồi dào mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta.

Gánh nặng nề của chúng ta còn là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình hay trong sống đời sống dâng hiến. Ơn gọi là một ơn huệ lớn lao và đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta, nhưng để sống ơn gọi từng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố; và đôi khi, chúng ta cảm thấy rất nặng nề. Hơn nữa trong đời sống, ai cũng có trách nhiệm, cũng có phận vụ, mà trách nhiệm và phận phận vụ là một gánh nặng; rồi cả những gánh nặng chúng ta mang vác cho nhau; không kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau.

Gánh nặng nề còn là tội lỗi, và nhất là những năng động xấu chi phối nội tâm chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực. Gánh nặng này vừa làm ô nhiễm tâm hồn và vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với mình, với Chúa và với nhau. Cuối cùng, gánh nặng nề còn là những vấn đề, những vết thương, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tư của chúng ta; mà chỉ có Chúa và chúng ta biết mà thôi.

b. “Hãy đến cùng tôi…”

Nhận ra sự thật về mình như thế, chúng ta sẽ thấy mình cần được giải thoát biết bao và đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng không có điều gì và cũng không có ai ở trên đời này có thể mang lại cho chúng ta sự giải thoát, mang lại cho chúng ta sự nghỉ ngời và tự do đích thực.

Chúng ta hãy khát khao ơn giải thoát đến từ chính Chúa, để cho lời của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Thầy” vang vọng thật sâu rộng trong lòng của chúng ta, đụng chạm thật mạnh mẽ con tim của chúng ta. Bởi vì lời của Đức Giê-su có đối tượng nào khác, ngoài đối tượng duy nhất là lòng ước ao và chỉ có thể vang vọng khi đụng chạm được lòng ước ao, vốn được chính Người với tư cách là Ngôi Lời đã gieo vào tâm hồn chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta. Và lời mời gọi của Ngài cũng thật nhưng không, vô điều kiện: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi”.

2. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (c. 29a)

Chúng ta được mời gọi đến với Đức Giê-su để học với Chúa. Học với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện, nhất là trong thời gian tĩnh tâm, vốn là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, Lời của Ngài là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (x. Tv 119, 105). Học với Chúa bằng cách ở lại với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho, ngang qua bí tích Thánh Thể (Ga 15, 1-17).

Đến học với Chúa, đó chính là điều chúng ta được mời gọi ước ao mỗi ngày và suốt đời. Nhưng tại sao, Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến học với Ngài? Lí do Đức Giê-su đưa ra, phải làm cho chúng ta kinh ngạc: không phải vì Người là Đấng Thượng Trí và cũng phải vì Người là Đấng Quyền Năng, cho dù Người là như thế, nhưng vì Người “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Và không ở đâu hơn nơi Thập Giá, Người trở nên hiền hậu và khiêm nhường nhất; và đồng thời, nơi Thập Giá, Người cũng bày tỏ Sức Mạnh và Khôn Ngoan, không phải theo quan niệm của con người, nhưng theo quan niệm của Thiên Chúa.

Đến học với Chúa, chúng ta được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, hoặc đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Ngài làm, là để phục vụ cho sự sống của chúng ta, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, chúng ta không thể không yêu mến Ngài; và chính lòng yêu mến Chúa làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa và vì thế nhẹ nhàng, làm cho ách của Ngài trở nên êm ái và gánh của Ngài trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói, trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi.

Vậy, đâu là ách và đâu là gánh của Chúa, mà chúng ta mang vào mình với lòng yêu mến? Và đâu là ách và gánh của chúng ta, của cuộc đời chúng ta, của những người khác nữa, nhất là những người thân yêu trong ơn gọi và trong gia đình, mà chúng ta được mời gọi gánh vác với tình yêu Chúa? Chắc chắn chúng ta đã có kinh nghiệm này rồi, không nhận ra sự hiện diện và tình yêu đến cùng của Chúa, mọi sự trở nên không thể chịu nổi.

3. Nghỉ ngơi bồi dưỡng và gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)

Xin cho chúng ta nhận được và cảm nếm sự nghỉ ngơi, khi đến với Đức Giê-su để học với Ngài và mang lấy ách của Ngài. Vậy đó là sự nghỉ ngơi nào?

  • Chúng ta cảm thấy bình an, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường; và gánh của Ngài là gánh sự sống và tình yêu.
  • Ra khỏi mình, từ bỏ gánh của mình để gánh cái gánh của Chúa vì lòng yêu mến Chúa. Tự nó mang lại cho chúng ta sự an nghỉ.
  • Chúng ta luôn cảm thấy được nghỉ ngơi, khi đến với Người mà mình yêu mến. Vì thế, khi yêu mến Đức Giê-su, chúng ta luôn cảm thấy sự nghỉ ngơi, khi ở lại với Ngài.
  • Chúng ta được nghỉ ngơi, vì được Ngài giải thoát khỏi sự dữ, nghĩa là được tự do, được Ngài tha thứ và bao dung.
  • Chúng cảm thấy khỏe mạnh trong tâm hồn, vì được Chúa chữa lành.
  • Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Ngài phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa.
  • Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Chúa dẫn chúng ta vào niềm vui tạ ơn và ca tụng, không chỉ trong những lúc thuận lợi, những cả trong thử thách và đau khổ.

Và một cách tuyệt đối, với Thập Giá, Ngài mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Is 53, 4; x. Mt 8, 17).

*  *  *

Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng nghỉ ngơi là cùng đích của con người. Thực vậy, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô kinh nghiệm và nói về căn tính của con người như thế. Thật vậy, nghỉ ngơi là khao khát thẳm sâu của con người, dù ý thức hay không ý thức.

Vì vậy, lúc “nhắm mắt xuôi tay”, chúng ta cầu chúc cho người quá cố: “Hãy nghỉ ngơi trong bình an” (tiếng La tinh: RIP, requiescat in pace, thường được ghi trên bia mộ). Xin cho chúng ta cảm nếm được sự nghỉ ngơi mỗi ngày, khi ở được ở bên Chúa trong kinh nguyện, khi kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc và khi chúng ta nguyện cầu:

Xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng – SN song ngữ 09.12.2020

 

Wednesday (December 09): “Come to me and I will give you rest”

 

Scripture: Matthew 11:28-30 

28 Come to me, all who labor and are heavy laden, and I will give you rest.29 Take my yoke upon you, and learn from me; for I am gentle and lowly in heart, and you will find rest for your souls. 30 For my yoke is easy, and my burden is light.”

 

Thứ Tư     09-12                 Hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng

 

Mt 11,28-30

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Meditation: 

 

What kind of yoke does the Lord Jesus have in mind for each one of us? And how can it be good for us? The Jewish people used the image of a yoke to express their submission to God. They spoke of the yoke of the law, the yoke of the commandments, the yoke of the kingdom, the yoke of God. Jesus  says his yoke is “easy”. The Greek word for “easy” can also mean “well-fitting”. Yokes were tailor-made to fit the oxen well for labor. We are commanded to put on the “sweet yoke of Jesus” and to live the “heavenly way of life and happiness”. Oxen were yoked two by two. Jesus invites each one of us to be yoked with him, to unite our life with him, our will with his will, our heart with his heart.

Jesus carries our burdens with us 

Jesus also says his “burden is light”. There’s a story of a man who once met a boy carrying a smaller crippled lad on his back. “That’s a heavy load you are carrying there,” exclaimed the man. “He ain’t heavy; he’s my brother!” responded the boy. No burden is too heavy when it’s given in love and carried in love. When we yoke our lives with Jesus, he also carries our burdens with us and gives us his strength to follow in his way of love. Do you know the joy of resting in Jesus’ presence and walking daily with him along the path he has for you?

 

 

 

 

In the Advent season we celebrate the coming of the Messiah King who ushers in the reign of God. The prophets foretold that the Messiah would establish God’s kingdom of righteousness, peace, and joy. Those who put their trust in God and in the coming of his kingdom receive the blessings of that kingdom – peace with God and strength for living his way of love, truth, and holiness (Isaiah 40). Jesus fulfills all the Messianic hopes and promises of God’s kingdom. That is why he taught his disciples to pray, “thy kingdom come, thy will be done, on earth as it is in heaven” (Matthew 6:10).  In his kingdom sins are not only forgiven but removed, and eternal life is poured out for all its citizens. This is not a political kingdom, but a spiritual one.

 

Freed from the burden of sin and guilt 

The yoke of Christ’s kingdom, his kingly rule and way of life, liberates us from the burden of guilt and disobedience. Only the Lord Jesus can lift the burden of sin and the weight of hopelessness from us. Jesus used the analogy of a yoke to explain how we can exchange the burden of sin and despair for a yoke of glory, freedom, and joy with him. The yoke which the Lord Jesus invites us to embrace is his way of power and freedom to live in love, peace, and joy as God’s sons and daughters. Do you trust in God’s love and truth and submit to his will for your life?

 

 

“Lord Jesus, inflame my heart with love for you and for your ways and help me to exchange the yoke of rebellion for the sweet yoke of submission to your holy and loving word. Set me free from the folly of my own sinful ignorance and rebellious pride that I may wholly desire what is good and in accord with your will.”

Suy niệm:

 

Loại ách nào Chúa Giêsu nghĩ tới cho mỗi người chúng ta? Và làm thế nào nó có thể ích lợi cho chúng ta? Người Do thái sử dụng hình ảnh cái ách để diễn tả sự quy phục Thiên Chúa. Họ nói về cái ách của lề luật, ách của các giới răn, ách của vương quốc, ách của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói ách của Người thì “dễ dàng”. Tiếng Hylạp của hạn từ “dễ dàng” cũng có nghĩa là “vừa vặn”. Thợ thường làm ách vừa vặn cho con bò. Chúng ta được kêu gọi mang lấy “ách ngọt ngào của Đức Giêsu”, và sống con đường thiên giới của sự sống và hạnh phúc. Bò được đeo ách từng cặp. Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta đeo ách với Người, kết hiệp cuộc đời với Người, ý ta với ý Người, trái tim ta với trái tim Người.

 

Đức Giêsu mang gánh nặng với chúng ta

Đức Giêsu cũng nói rằng “gánh của Người thì nhẹ nhàng”. Có một câu chuyện về một người kia thấy cậu bé đang cõng đứa em nhỏ bị què của mình trên lưng. Người ấy la lên: “Cháu đang mang một gánh nặng trên lưng”. Thằng bé trả lời: “Nó không nặng, vì nó là em của cháu!” Không gánh nặng nào quá nặng khi nó được cho trong tình yêu và được mang trong tình yêu. Khi chúng ta mang lấy ách cuộc đời mình với Đức Giêsu, Người cũng mang lấy những gánh nặng của chúng ta với chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh của Người để bước theo đường lối yêu thương của Người. Bạn có biết niềm vui của sự nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Đức Giêsu, và bước đi hằng ngày với Người trên con đường Người có cho bạn không?

Trong mùa Vọng, chúng ta cử hành việc đến của Đức Vua Mêsia, Đấng mở ra triều đại của Thiên Chúa. các ngôn sứ đã tiên báo rằng Đấng Mêsia sẽ thiết lập vương quốc công chính, bình an, và vui mừng của Thiên Chúa. Những ai đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa và vào việc vương quốc Người sẽ đến đón nhận những phúc lành của vương quốc ấy – sự bình an với Thiên Chúa và sức mạnh để sống đường lối yêu thương và thánh thiện của Người (Is 40). Đức Giêsu thực hiện tất cả mọi hy vọng và lời hứa của triều đại Thiên Chúa về Đấng Mêsia. Đó là lý do tại sao Người dạy các môn đệ cầu nguyện “nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”  (Mt 6,10). Trong vương quốc của Ngài, tội lỗi không chỉ được tha thứ mà còn bị loại trừ, và sự sống đời đời được đỗ vào cho tất cả mọi công dân. Đây không phải là một vương quốc chính trị, nhưng là một vương quốc thiêng liêng.

Thoát khỏi gánh nặng tội lỗi

Ách vương quốc của Đức Kitô, sự thống trị vương quyền và con đường sự sống của Người, giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của tội lỗi và khỏi sự áp bức của tội lỗi và những ước muốn tai hại. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể cất khỏi gánh nặng của tội lỗi và sức nặng của sự tuyệt vọng từ chúng ta. Đức Giêsu đã sử dụng sự nghịch lý của cái ách để giải thích làm sao chúng ta có thể thay đổi gánh nặng của tội lỗi và sự tuyệt vọng thành gánh nặng của vinh quang và ách của sự giải thoát khỏi tội lỗi. Ách mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta mang lấy là con đường ơn sủng và sự giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Bạn có tin cậy vào tình yêu của Chúa và suy phục thánh ý và kế hoạch của Người dành cho cuộc đời bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lòng con với tình yêu dành cho Chúa và cho những đường lối của Chúa và giúp con thay đổi ách của sự nổi loạn với ách của sự suy phục lời thánh thiện và yêu thương của Chúa. Xin giúp con thoát khỏi sự điên rồ của sự ngu dốt tội lỗi và tính kiêu ngạo nổi loạn của con, để con có thể hoàn toàn ước muốn những gì tốt lành và phù hợp với thánh ý của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây