Ngày 20 tháng 5 Chân phước PHÊ-RÔ GIẮC-GIÔ PHƠ-RÁT-XA-TI (1901-1925)

Thứ bảy - 18/05/2019 21:50

Ngày 20 tháng 5
Chân phước PHÊ-RÔ GIẮC-GIÔ PHƠ-RÁT-XA-TI
Giáo dân Ða Minh (1901-1925)

Tiểu sử
Cậu Phê-rô Giắc-giô Phơ-rát-xa-ti là con của thượng nghị sĩ An-phơ-rê-đô Phơ-rát-xa-ti. Cha cậu là người sáng lập tờ báo “La Stampa”. Cậu chào đời ngày 6-4-1901 tại Tu-rin. Lớn lên, cậu được thừa hưởng những đức tính tốt của gia đình.

Cậu Phê-rô Giắc-giô có một khao khát mãnh liệt là muốn giúp những người túng quẫn và đem lại công bình cho tha nhân. Những nét đặc trưng thời thơ ấu đã bộc lộ phần nào tính cách của cậu : khi mới lên 4 tuổi, cậu nằng nặc xin người chị họ là Ri-ta Pi-e-ra-di ẵm đi xem đoàn rước Ðức Mẹ. Trong khi các trẻ khác tung hoa, thì cậu lại khéo léo đưa bàn tay xinh xắn vào túi áo người chị họ, lấy trộm một cây bút chì bấm bằng vàng và một cây trâm cài tóc, rồi tỏ ra phấn khởi đắc thắng. Một lần khác, khi cậu lên 5 tuổi, có một người phụ nữ ẵm một em bé đến thăm nhà cậu Phê-rô, thấy em bé đi không mang dép, cậu liền tháo lấy đôi giầy và vớ của mình đem tặng cho đứa bé, rồi nhanh chân chạy đi vì không muốn cho ai biết việc làm của mình.

Dù cậu Phê-rô có một trí thông minh khác thường, nhưng rất thực tiễn và không tư lợi. Cậu đã nhận văn bằng kỹ sư địa chất và ngành ngoại giao. Chị Pi-ra đã viết về cậu như sau : “Tên tuổi Phê-rô Giắc-giô chẳng những không bị quên lãng mà còn âm hưởng sâu xa nơi những người trẻ trong thời đại chúng ta. Thiên Chúa đã thắp lên một ngọn đèn rực sáng để soi rọi tâm hồn các bạn trẻ, giúp họ trở nên thanh khiết, rộng mở, tinh tấn, can đảm ; ngọn đèn ấy có quang năng soi tỏ cho nhiều người nhận biết cội nguồn của ân sủng và Chân lý.”

Cậu có vóc dáng mạnh khoẻ như thân hình lực sĩ, được thiên phú về khả năng nhạy cảm và có bản lĩnh. Vì tính khí nóng nảy và sự bốc đồng của tuổi trẻ, nên đôi khi cậu vung tay múa chân làm cho đối phương phải hú vía. Tuy nhiên, cậu đã tự kiềm chế được bản thân và uốn nắn những đam mê của mình theo con đường thiện hảo. Khi lướt thắng những khuynh hướng tự nhiên của bản năng, cậu mới cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Ngày nọ, khi quân phiến loạn xông vào nhà cậu ở Tu-rin, nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô, cậu đã đẩy lui bọn giặc ra khỏi nhà giống như Ðức Giê-su đã giải tán những người buôn bán khỏi đền thờ. Nhân cơ hội này, cha Phi-líp Rô-bốt-ti đã viết thư cho cậu Phê-rô : “Cha đã nghe biết tin tức về lòng dũng cảm của con khi dẹp những tên phiến loại, cha thành thật chúc mừng con.”

Với tinh thần tự do trong công tác tông đồ, cậu Phê-rô luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Vì thế, cậu đã gia nhập tổ chức thánh Vinh Sơn Phao-lô để làm công tác xã hội. Ngày nọ, có người hỏi làm sao cậu có thể vui tươi khi bước vào những khu ổ chuột tanh hôi. Cậu trả lời : “Bạn đừng bao giờ quên rằng, ngay cả những căn nhà lộng lẫy cũng vẫn dơ bẩn ; đón tiếp người bất hạnh chính là đón tiếp Chúa Ki-tô. Hẳn bạn còn nhớ điều Thiên Chúa dạy : ‘Những gì anh em làm cho tha nhân là anh em làm cho chính tôi.’ Quả thực, phần tôi, tôi vẫn thấy một tia hy vọng tỏa sáng nơi những người tàn tật, khốn khổ và bất hạnh.”

Năm 18 tuổi, cậu Phê-rô tốt nghiệp đại học với danh hiệu kỹ sư, cậu bắt đầu liên lạc với dòng Anh em Thuyết giáo. Tại đây, cậu đã tìm hiểu đặc sủng của Dòng. Ngày 28-5-1922, cậu lãnh tu phục và xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh ở Tu-rin, sau đó một năm, cậu xin khấn dòng và nhận tên thánh là Giê-rô-ni-mô để tỏ lòng kính nhớ và noi gương tu sĩ Giê-rô-ni-mô Xa-vô-na-rô-la vĩ đại, bởi lẽ, cậu đã từng là môn sinh nhiệt thành của tu sĩ này. Cậu rất ham đọc các tác phẩm của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la cũng như của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và thánh Tô-ma A-quy-nô.

Cậu Phê-rô muốn quảng bá sứ điệp của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la bằng cách tóm lược các bài giảng Tin Mừng của tu sĩ này dành cho Dòng Ba Ða Minh. Cậu hết lòng ngưỡng mộ tu sĩ Xa-vô-na-rô-la vì người là một nhà giảng thuyết tử đạo có đời sống thánh thiện, cư xử hoạt bát và tinh thần khẳng khái. Nhân dịp cậu Phê-rô lãnh tu phục, cha tu viện trưởng Phan Sinh Rô-bốt-ti đã viết : “Cậu Phê-rô đã xin nhận danh hiệu của tu sĩ Giê-rô-ni-mô, vì nhận ra nơi tu sĩ Xa-vô-na-rô-la tiềm tàng một sự khao khát sống trong sạch vẹn toàn, cổ võ tinh thần dân chủ và xây dựng nhiệt tâm tông đồ nơi các ki-tô hữu.

Mặc dù sống giữa đời, cậu vẫn khao khát noi theo các đức tính của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la. Với tinh thần hăng say phục vụ, cậu đã tham gia vào các hiệp hội Giới trẻ Công giáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi chính nhà cải cách Xa-vô-na-rô-la vĩ đại đã từng lưu tâm và trợ giúp các tổ chức này.”

Cha En-ri-cô Rô-va-xen-đa là bạn đồng liêu của cậu Phê-rô cũng khẳng định : “Cậu Phê-rô là một người hào hiệp vì phục vụ Chân lý. Từ suy nghĩ đến hành động, cậu luôn thoát vượt khỏi những lối sống xu thời hay thoả hiệp, cậu chỉ muốn sao cho chân lý luôn sáng ngời.”

Vì tôn trọng ý kiến cá nhân nên cậu không bao giờ áp đặt ý kiến của mình. Trong mọi tình huống, cậu luôn là một người bạn công bằng, dè dặt, tế nhị ; sáng suốt và khách quan trong khi phải xét xử, khoan dung với tha nhân nhưng lại nghiêm khắc với chính mình.

Sau một thời gian tìm hiểu đời sống tu trì, cậu Phê-rô đã quyết định sống ơn gọi giáo dân Ða Minh. Cậu nói : “Ơn gọi giáo dân chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi đến với công việc phục vụ.” Vì là giáo dân, nên cậu dễ dàng gặp gỡ và chia sẻ đời sống của giới lao động. Là kỹ sư địa chất, cậu có thể đồng hành với những thợ mỏ vốn bị coi là “giới hạ lưu của giai cấp tư sản.” Kỳ thực, có điều gì mà cậu còn tiếc đối với những anh chị em nghèo khổ ! Vài năm sau, tình trạng sức khỏe cậu Phê-rô Giắc-giô ngày càng suy yếu. Kể từ khi sống xa gia đình, những khó khăn lại không ngừng gia tăng khiến cho tình trạng sức khoẻ của cậu càng thêm trầm trọng.

Thật khó mà có thể diễn tả được những nỗi ray rứt của cậu. Càng ngày cậu càng gầy đi đến nỗi dường như người ta không còn nhận ra cậu nữa. Tuy vậy, cậu vẫn tiếp tục thăm viếng những người nghèo sống ở các vùng ô nhiễm. Sức khoẻ ngày một suy giảm, khả năng kháng bệnh cũng kém đi. Chỉ trong vài ngày, căn bệnh bại liệt nhanh chóng nhiễm vào cậu ; người ta cho rằng cậu chỉ bị cúm, nhưng thực ra cậu ngã bệnh bại liệt. Tuy nhiên, cậu vẫn còn tỉnh táo để lãnh nhận các bí tích sau cùng, và lại còn viết một lá thư trăn trối để khuyên nhủ các bệnh nhân, rồi tắt thở vào ngày 4-7-1925.

Ðể bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với vị ân nhân của mình, hàng ngàn người, phần đông là giới lao động chân chất, đã đến dự tang lễ của cậu Phê-rô Giắc-giô. Ðây quả là một bằng chứng xác thực về sự thánh thiện của cậu. Ðức Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong chân phước cho cậu Phê-rô ngày 20-5-1990.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và hay thương xót, Chúa đã ban cho chân phước Phê-rô Giắc-giô Phơ-rát-xa-ti lòng thương yêu và cảm thông với những người nghèo khổ, bất hạnh. Vì lời người chuyển cầu, xin ban cho chúng con biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với mọi khổ đau của anh em chúng con, nhờ đó mọi người nhận ra lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin

Nguồn tin: hddmvn.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây