Phụng Vụ Mùa Thường Niên Và Các Lễ Trọng Kính Chúa

Thứ năm - 16/05/2019 22:45

Trong bài “Mùa Thường Niên, việc tổ chức và chọn lựa thánh lễ và các bài đọc”, chúng ta đã nói đến những quy định của việc chon lựa thánh lễ và bài đọc tương ứng. Ở bài thứ hai này, chúng ta đề cập đến các lễ trọng Kính Chúa được cử hành trong Mùa Thường Niên: lịch sử và sự phát triển của nó.

Theo cha Pierre Jounel, trong Mùa Thường Niên có tất cả 7 lễ kính Chúa. Trong số đó có 3 được cử hành cả ở Giáo hội Đông và Tây phương: lễ Chúa Biến Hình (ngày 6/8), lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9) và lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bốn lễ thuộc riêng của Giáo hội theo nghi thức Roma: lễ kính Chúa Ba Ngôi (được cử hành sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), lễ kính Mình Máu Thánh Chúa (được cử hành vào ngày thứ 5 thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hoặc vào Chúa nhật kế tiếp), lễ Kính Trái Tim Chúa Giêsu (được cử hành vào ngày thứ 6 thứ ba sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) và lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ được cử hành vào Chúa nhật thứ 34, khép lại năm phụng vụ hoặc chu kỳ Mùa Thường Niên.

Phần trình bày dưới đây được trích dịch trực tiếp từ tác phẩm “l’Eglise en prière” do A. G. Martimort chủ biên với sự cộng tác của các tác giả khác, tái xuất bản năm 1984 với phần chỉnh sửa, tập số 4, trang 112-116; “Le guide dans l’année liturgique”, của Dom Pius Parsch, một tác phẩm giải thích về năm phụng vụ xuất bản trước Công Đồng Vatican II; La Maison-Dieu, tạp chí chuyên về phụng vụ, xuất bản theo chu kỳ tam nguyệt tháng tại Pháp.

***

PHẦN I

CÁC LỄ CHUNG THUỘC VỀ GIA ĐÌNH PHỤNG VỤ

 

Ba lễ được cử hành trong phụng vụ cả Đông và Tây phương:

1.- Lễ Chúa Biến Hình

a.- Nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ

Lễ Chúa Biến Hình được cử hành nhằm tưởng nhớ về việc cung hiến các thánh đường trên núi Thabor. Người ta chỉ biết rằng, lễ này đã được đón nhận từ cuối thể kỷ Ve hoặc đầu thế kỷ thứ VIe bởi Giáo hội Nestorienne và vào thế kỷ thứ VIIe bởi những người Syrie sống ở Tây phương.[1] Nó được cử hành trước lễ Suy tôn Thánh Giá, và vì thế nó lệ thuộc vào ngày lễ này được ấn định ngày lễ.

Theo truyền thống, biến cố biến hình của Chúa Giêsu diễn ra 40 ngày trước khi chịu khổ nạn thập giá. Vì thế, lễ này được ấn định cử hành vào ngày mồng 6 tháng 8, bốn mươi ngày trước lễ Suy tôn Thánh Giá (14 tháng 9).[2] Giáo hội byzantin ghi nhận sự liên hệ giữa hai ngày lễ này khi cùng hát bài về sự Biến Đổi catavasia của cây Thập giá.[3]

Lễ Chúa Biến Hình xuất hiện ở Tây phương vào giữa thế kỷ thứ IXe, ở vùng Naples và trong các quốc gia thuộc vùng lãnh trị của Đức và ở Tây Ban Nha. Lễ này được cử hành ở Pháp vào thế kỷ thứ Xe. Đến thế kỷ XIe và XIIe, lễ này đã lan rộng trong nhiều vùng ở Tây phương và tạo nên những ảnh hưởng lớn về đời sống đạo đức. Lễ này được cử hành trong Vương Cung Thánh Đường Vatican. Phêrô le Vérérable đã thực hiện một cuộc tuyên truyền lễ này với tất cả nhiệt tâm đạo đức và đã soạn thảo một kinh phụng vụ cho ngày lễ. Tiếp đến đan viện Cluny đã giúp cho lễ này được lan truyền cách bao quát[4]trong khi đợi cho lễ này được ghi vào trong Lịch phụng vụ Roma bởi Đức Giáo Hoàng Caliste III, năm 1457, để nghi nhớ và tạ ơn về chiến thắng những người Thổ Nhĩ Kỳ gần Belgrade, ngày 6 tháng 8 năm 1456, bởi Gioan Hunyade và thánh Gioan de Capistran.

b.- Việc cử hành ngày lễ

Ở Đông phương, Lễ Chúa Biến Hình được cử hành theo một cách thức thuộc vào những lễ quan trọng đặc biệt của năm phụng vụ. Tự bản chất, lễ này diễn tả tất cả thần học về sự chia tách thiên tính của con người, nhờ ánh sáng của Đức Kitô: “Trong ngày này, trên núi Thabor, Đức Kitô biển đổi bản chất bị che mờ của Adam bằng ánh sáng của Người bao quanh, Người đã chia tách ánh sáng và bóng tối”,[5] “Đức Kitô Thiên Chúa, bạn của con người, chiếu sáng trên chúng ta ánh sáng vinh quang của Người không bao giờ tắt”.[6]

Ở Tây phương, mặc dù lễ này được cử hành theo cách ít trọng thể hơn so với nghi thức phụng vụ Đông phương, nhưng phụng vụ theo nghi thức Roma đã đón nhận sự ảnh hưởng của Giáo hội Đông phương trong phần Kinh phụng vụ giờ Kinh Sách. Trong giờ Kinh Sách, phụng vụ theo nghi thức Roma đã đọc bài giảng của Anastase le Sinaïre: “Cùng với Đức Kitô chúng ta sẽ được đổi mới và được thần hóa trong những thành phần của tâm hồn chúng ta”. Trong Thánh lễ, chúng ta đọc, bản văn về sự Biển Hình của Đức Giêsu theo một trong các bản văn Nhất Lãm, đó là thị kiến của Đaniel, mà tác giả Tin mừng chắc hẳn đã có trong trí nhớ cũng như bản văn trong thư được cung cấp của thánh Phêrô (thư thứ 2).

Chúng ta tìm thấy trong bản văn này tính chất quan trọng của chứng tá Phêrô về cuộc Biến Hình của Chúa trong đức tin của thế hệ kitô giáo đầu tiên.

2.- Lễ Suy tôn Thánh Giá

a. Nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ

Lễ Suy tôn Thánh Giá xuất hiện trước tiên tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ IVe. Vào thế kỷ thứ Ve, lễ này được cử hành vào ngày 13 tháng 9, kỷ niệm cung hiến các vương cung thánh đường constantes trên đồi Golgotha.[7] Theo Egérie ngày này đã được chọn, bởi vì nó trùng vào dịp và nơi tìm ra Thánh Giá vào năm 335.[8] Sách Bài Đọc Arménien ở Giêrusalem những năm 420 chỉ dẫn rằng, ngày thứ hai trong tuần Bát Nhật trước lễ Phục Sinh (tức là ngày thứ Sáu Tuần Thánh), “sẽ đưa thánh giá cho tất cả toàn dân chiêm ngắm”.[9] Cuối cùng, lễ này đã lan rộng cách nhanh chóng trong toàn vùng Đông phương.[10]

Trong khi đó, tại Roma vào đầu thế kỷ thứ VIe đã xuất hiện một lễ tưởng niệm việc khám phá ra cây Thánh Giá vào ngày mồng 3 tháng 5. Và chỉ đến giữa thế kỷ thứ VIIe, gỗ cây Thánh Giá này mới được đem ra cho dân chúng chiêm ngắm, vào ngày 14 tháng 9 trong Vương Cung Thánh Đường Vatican.[11] Đức Giáo Hoàng Sergius 1er (687-701) đã chuyển mảnh của cây Thánh Giá ở Vatican sang Vương Cung Thánh Đường Latran. Theo Liber pontificalis: “Từ đó, gỗ Thánh Giá được đem ra trưng bày cho dân chúng chiêm ngắm và hôn kính vào ngày lễ Suy tôn Thánh Giá”.[12] Hơn nữa, sự tôn kính dành cho cây Thánh Giá đã trở nên phổ biến trong khoảng thời gian từ năm 614 trước khi những người Ba tư chiếm đóng Giêrusalem, sát hại cư dân và phá hủy những vương cung thánh đường khác và lấy đi cây Thánh Giá. Năm 630 Héralius đã cho đặt và trông giữ cây Thánh Giá tại Constantinople. Vì thế, chỉ có thể nói một cách tình cờ rằng, những sách phụng vụ đã bắt đầu đề cập đến lễ ngày 14 tháng 9 vào giữa thế kỷ thứ VIIe. Từ thế kỷ thứ VIIIe, lễ này lan truyền qua Tây phương, nhưng nó bị lu mờ trong một thời gian dài bởi một lễ khác được cử hành cách trọng thể vào ngày 3 tháng 5. Cuối cùng, lễ ngày 3 tháng 5 bị loại bỏ vào năm 1960.

b.- Việc cử hành ngày lễ

Ở Đông phương “việc Suy Tôn về sự cao trọng và sống động của cây Thánh Giá” được cử hành vào lễ Phục Sinh. Hạn từ, “suy tôn”, được mượn từ Tin mừng thánh Gioan, chương 3 câu 14, phù hợp chặt chẽ với nghi thức, vốn được hoàn thành bởi những tín hữu theo nghi thức Byzantin. Quả vậy, linh mục đưa lên cao gỗ Thánh Giá qua đầu của mình, kế đến ngài sẽ chúc lành cho dân, cùng lúc hướng đến bốn phương chính. Trong lúc này, ca đoàn hát một 100 lần “kyrie eleison” (xin Chúa thương xót chúng con) vào mỗi lần gỗ Thánh Giá được nâng lên cao như vậy. Tiếp đó, các tín hữu sẽ lần lượt đến thờ lạy cây Thánh Giá và nhận một cành hoa trang hoàng trên chiếc điã được để sẵn.[13]

Ở Roma, lễ được cử hành vào ngày 14 tháng 9 đã tạo nên một dấu ấn từ rất lâu bởi một cuộc rước, bắt đầu từ đền thờ Đức Bà Cả đến Vương Cung Thánh Đường Latran nơi đặt gỗ cây Thánh Giá. Tại đậy, mọi tín hữu tôn vinh cây Thánh Giá trước khi cử hành thánh lễ. Hầu hết các Giáo hội Tây phương có cùng một nghi thức giống nhau. Tuy nhiên, cách thực hiện việc tôn vinh cây Thánh Giá lại có chút ít khác biệt: ở một vài nơi, nghi thức tôn vinh cây Thánh Giá được thực hiện vào lúc dâng lễ vật, ở chỗ khác sau kinh Lạy Cha. Ở Rouen (một tỉnh miền nam nước Pháp), trong hành trình cuộc rước, người ta làm trên đường rước chặng đường thánh giá (được làm ở trong trong giữa nhà thờ), nhằm để lau chùi Thánh Giá trước khi linh mục nâng lên cao, trước hết cho những người bệnh, kế đến là các linh mục hay trong hàng ngũ thừa tác viên linh mục và kế đến là cho toàn dân chiêm ngắm.[14]

Trong các phần của lễ Suy Tôn Thánh Giá vinh quang, lời tiền tụng được soạn dựa vào đời sống Thiên quốc; tin mừng được trích dẫn theo thánh Gioan 3, 13-17 và bài thánh thư trong thư thánh Phaolô gởi cho Philiphe (2,6-11) nhấn mạnh đến việc bị đóng định của Đức Giêsu trên cây Thánh Giá, kế đến là vinh quang. Việc bị đóng đinh được loan báo bằng hình ảnh giống như hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc thời Môsê (bài đọc thứ nhất Nbr 21, 4-9): “Khi ta được đưa lên khỏi mặt đất, ta sẽ kéo mọi người lên với ta” (Ga 12,32 và được chọn làm điệp ca phần Hiệp lễ). Trong phụng vụ Các Giờ Kinh, chúng ta hát những bài thánh thi của Fortunat, được soạn bởi giám mục Poitiers vào năm 568-569, pange lingua, Vexilla Regis, với đoạn O Crux ave, được thêm vào khoảng thế kỷ thứ Xe. Trong bài đọc Kinh Sách, chúng ta đọc bài giảng của thánh André de Crète, nhắc lại rằng “cây Thánh Giá vừa đồng thời là sự đau khổ, vừa là thành quả (chiến lợi phẩm) của Thiên Chúa”.

3.- Lễ Cung Hiến Thánh Đường

a.- Nguồn gốc của ngày lễ

Hàng năm, người Do Thái cử hành lễ có tên Hanoukka hoặc lễ Khánh Thành “Encaenia” (Ga 10,22), nhằm tưởng nhớ việc thanh tẩy và cung hiến Đền Thờ (Giêrusalem) sau chiến thắng của những người Maccabe trên những người Syrien (165 AC).[15] Giáo hội Giêrusalem đã thêm vào một truyền thống về lễ tưởng nhớ việc cung hiến các Vương Cung Thánh Đường phần Martyrium (hay Tử Đạo) và Anastasis (nhà thờ Phục Sinh) vào ngày 13 tháng 9 năm 335.

Sách danh mục Tử Đạo đã ghi nhận những ngày lễ cung hiến các vương cung thánh đường được thiết lập ở Roma trong thời gian từ thế kỷ thứ Ve: Đức Bà Cả (ngày 5 tháng 8), thánh Phêrô Aux-Liens (ngày 1 tháng 8), Tổng lãnh Thiên Thần Micae (13 tháng 9), Thánh Laurent ngoại Thành (ngày 2 tháng 11). Tuy nhiên, cần phải đợi cho đến thế kỷ XIe để thấy được sự miêu tả về việc cung hiến thánh đường Latran (ngày 9 tháng 11) và những vương cung thánh đường về Tông đồ Phêrô và Phaolô (ngày 8 tháng 11).

Từ thế kỷ VIIe, nếu các sách phụng vụ ghi nhận một lễ riêng, Terribilis est, được soạn cho lễ cung hiến đền Pathéon (khoảng 610), thì lễ đã được cử hành vào ngày sinh nhật của ngày cung hiến mà không diễn tả mầu nhiệm của Giáo hội, mặc dù vẫn có tước hiệu thánh, giống như chúng ta thấy ngày nay trong Sách lễ Roma, ngày 5 và 18 tháng 11. Cùng ở Latran, cũng bắt đầu bằng việc cử hành giờ Kinh nguyện về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ.[16]

b.- Việc cử hành lễ

Theo luật phụng vụ, trong nghi thức phụng vụ Roma, việc cung hiến Vương Cung Thánh Đường Latran, là Vương Cung Thánh Đường cổ nhất và có giá trị cao nhất (nhà thờ mẹ của các nhà thờ) trong những nhà thờ Tây phương được cử hành hàng năm. Lễ được cử hành trong mỗi địa phận và ở nhà thờ chính tòa địa phận. Nhưng trong các nhà thờ khác sẽ tưởng nhớ về ngày cung hiến riêng của nó.

Lễ cung hiến Thánh Đường diễn tả yếu tố Giáo hội hay tính chất cộng đoàn. Nếu việc xây dựng được thực hiện bởi những con người nhân danh giáo hội, nghĩa là công đoàn, điều này là bởi vì nó trở nên nơi quy tụ chính của dân Thiên Chúa trong ngày Chúa nhật. Vì thế, trong lời tổng nguyện chúng ta đọc: “Lạy Chúa, trong ngôi nhà này mà Người đã ban cho chúng con, Người đã xây dựng cho vinh quang của Người một đền thờ sống động là chính chúng con. Chính nơi đây, Người xây dựng Giáo hội hoàn vũ của Người”. Những điệp ca của phần Hiệp lễ phản chiếu tư tưởng của thánh Phaolô (1Cr 3,16) và thánh Phêrô (Pr 2,5) nói rằng: “Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa”, “Chúng ta là những viên đá sống động”. Những bài giảng khác của các Giáo phụ được đề nghị cho ngày lễ đề cập đến những điều này. Đó là mầu nhiệm mà những thánh thi Angularis fundamentumUrbs Ierusalem beata đã diễn tả.

***

PHẦN II

CÁC LỄ KÍNH CHÚA

CỬ HÀNH TRONG NGHI THỨC PHỤNG VỤ ROMA

 

Trong nghi thức phụng vụ Roma, có 4 lễ kính Chúa.

1.- Lễ Chúa Ba Ngôi

a.- Nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ

Trong sách các Bí tích Gélasien khoảng thế kỷ thứ VIIIe xuất hiện một lời Tiền tụng được đọc trong Chúa nhật trong tuần Bát nhật ngày lễ Hiện Xuống: Qui cum unigenito Filio tuo et sancto Spiritu (unus es Deus). Lời Tiền tụng này khai mở cho thấy giá trị liên kết của mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, khi khẳng định những ngôi vị trong “ba ngôi và sự duy nhất của bản chất của họ”.[17] Đây là một lời nhắc lại có từ xưa và đặc biệt nhất về mầu nhiệm Ba Ngôi vào trong ngày lễ.

Vào năm 800, Alcuin de Tours đã soạn một tập sách mỏng về những lễ cho những ngày trong tuần (bát nhật) và ở đó có một lễ Missa de sancta Trinitate.[18]Tập sách này đã có một ảnh hưởng thật lớn ngày sau đó, nhất là trong những nhà thờ mà không thể tự có một sách bí tích hoàn trọn. Ngay sau đó, lễ về Chúa Ba Ngôi được liệt vào hàng ngũ những lễ ngoại lịch và được đặt vào trong sách các bí tích ở phần đầu hay phần cuối của chuỗi những Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống.[19]

Vào đầu thế kỷ thứ Xe, Etienne, giám mục Liège, đã soạn một bộ kinh nguyện bổ sung nhằm làm cho ngày lễ được hoàn trọn. Các yếu tổ được thêm vào trong từng phần tạo nên một cuộc cử hành phụng vụ đầy đủ về lễ Ba Ngôi Thánh.

Tuy nhiên, mặc cho sự lan rộng của các hình thức cử hành này, Đức Giáo Hoàng Alexandre II (+ 1073) khẳng định rằng, “trong nghi thức Roma, không cần phải giành một ngày đặc biệt để tôn vinh Ba Ngôi Chí Thánh, bởi vì, nói cách khác tước hiệu này đã được tôn vinh trong mọi ngày khi chúng ta đọc trong thánh vinh lời Vinh Danh Cha…”.[20] Một thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Alexandre III (+1181) đã giữ lại (quan điểm này) bằng một ngôn ngữ rõ ràng. Mặc cho sự do dự của Tông Toà, vẫn không thể ngăn cản được sự phát triển nhanh chóng của lễ này trong các miền lãnh thổ khác nhau, đặc biệt trong các đan viện. Chúng ta tìm thấy ở đan viện Cluny vào năm 1030. Đan viện Xitô đã thiết lập lễ này vào năm 1271. Tuy nhiên, vẫn thiếu một sự hoà hợp trong việc chọn lựa ngày tháng. Chính vì thế, đã xẩy ra việc, một vài nơi đã cử hành lễ này vào chính ngày Bát nhật của lễ Hiện Xuống, những nơi khác vào Chúa nhật trước mùa Vọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã ấn định lễ này vào Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, và truyền áp dụng cho tất cả phụng vụ Tây phương. Sách lễ Tridentin đã giữ lại nghi thức thánh lễ theo Alcuin, nhưng phần phụng vụ kinh nguyện thì theo Etienne de Liège đã được sửa lại.

Mặc dù Giáo hội Đông phương không có lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng cũng đã giành một phần lớn đặc biệt cho những bài hát trong ngày Chúa nhật Chúa Hiện Xuống để suy niệm về mầu nhiệm này. Việc tưởng niệm Chúa Thánh Thần được sai đến với các tông đồ được cử hành vào ngày hôm sau.[21]

b.- Việc cử hành ngày lễ

Như chúng ta đã nói, hình thức phụng vụ chính để cử hành lễ Chúa Ba Ngôi vẫn dựa vào lời tiền tụng của sách Bí tích Gélasien cổ. Từ nguồn này, những lời nguyện khác đã được soạn thảo. Tuy nhiên, những chuỗi của ba bài đọc được phát triển nhằm tạo sự hòa hợp cho ý nghĩa của ngày lễ. Những bài đọc trong sách Xuất Hành (năm A) và Đệ nhị Luật (năm B) nói đến về Thiên Chúa: Duy nhất, Tình Thương; bài đọc trong sách Châm Ngôn (năm C) mời gọi chúng ta nghe lời của Đấng Khôn Ngoan của Thiên Chúa, như một người sống động. Bài đọc sách tông đồ khơi dậy hành động của một cá nhân trong Ba Ngôi Thánh trong đời sống tín hữu. Bài Tin mừng liên quan đến việc Chúa Cha sai Chúa Con (năm A), loan báo về cuộc xuất hiện của Chúa Thánh Thần (năm C) và sứ vụ làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được trao cho các Tông đồ bởi Đức Kitô (năm B).

Điệp ca của Giờ Kinh Phụng vụ được lấy theo hình thức Kinh nguyện Trento: Gloria tibi, Trinitas aequalis, una Deitas. Bài đọc giáo phụ được lấy ra từ thư của thánh Athanase, người đã bảo vệ tín điều tại Công đồng Nicée.

2.- Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

a.- Nguồn gốc của ngày lễ

Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành lần đầu tiên tại Liège năm 1247 nhờ những khẳng định thị kiến của một nữ tu Julienne du Mont-Cornillon. Trong một thị kiến được nói đến vào năm 1208, Thiên Chúa đã làm cho nữ tu này hiểu được rằng, cần phải có hằng năm một lễ để tôn kính Bí Tích Bàn Thờ. Lời mặc khải cần được đón nhận, sau những do dự, cuộc đón nhận đã diễn ra cách nhẹ nhàng bởi Giám mục Liège và nhất là trưởng phó tế Jacques Patanléon, sau đó được gọi trở thành Giáo Hoàng Urbain IV (1261). Năm 1264, Giáo Hoàng Urbain IV đã bị ấn tượng bởi phép lạ thánh thể sống động tại Bolsena gần Orvieto, nơi ngài đã sống; chính ngài đã công bố sắc lệnh Transiturus và bởi sắc lệnh này thiết lập một lễ trọng mới được cử hành để tôn kính Bí Tích Thánh Thể vào ngày thứ 5 sau bát nhật Chúa Hiện Xuống. Julienne đã đề nghị một tu sĩ trẻ của Mont-Cornille soạn thảo một kinh nguyện cho lễ mới này.[22] Tuy nhiên, bản soạn thảo mới này lại trở thành  một bản văn khác hoàn toàn so với những gì được gởi đi như sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng, bản văn này được dùng cho đến ngày nay. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định, truyền thống cho rằng, lễ Cibavit và Kinh Nguyện Sacerdos là tác phẩm của thánh Thomas Aquino.

Đó là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng đã truyền đạt có hiệu lực về một lễ mới cho tất cả Giáo Hội Tây phương. Từ lâu, nó cũng được gọi là Nova sollemnitas. Người ta cũng gọi lễ này là Lễ Mình Thánh Chúa, Lễ Thiên Chúa hay Lễ Mình và Máu châu báu, lễ trọng thể về Mình và Máu Chúa Kitô.[23]

Hai tháng sau khi thiết lập lễ mới này, Đức Giáo Hoàng Urbain IV qua đời và sắc lệnh Transiturus đã không đạt được hiệu quả bao nhiêu. Đức Giáo Hoàng Clement V (1311-1312), kế đến Đức Giáo Hoàng Gioan XXII (1317) đã tiếp tục làm cho lễ này được phổ biến. Vì thế, lễ trọng thể kính Mình và Máu Chúa Kitô được đón nhận cách rộng khắp. Chẳng ai trong ba Đức Giáo Hoàng khi cổ vũ lễ này mà không nói đến một cuộc rước thánh thể. Trong rất nhiều nơi, Thánh Thể được mang theo trong những cuộc rước Lá hoặc thuyên chuyển một cách trọng thể từ ngôi mộ biểu tượng Chúa Kitô đến gian cung thánh vào buổi sáng Phục Sinh. Nói cách khác, việc rước kiệu Bí tích Thánh Thể đã xuất hiện cách không liên tục trong những thế kỷ XIVe và XVe. Cho đến thể kỷ XVe, lễ này được đón nhận tại Rome.

b.- Việc cử hành ngày lễ

Thánh lễ và Kinh nguyện về lễ Mình và Máu Chúa Kitô được nhận biết cách khá đầy đủ để không cần một sự giới thiệu nào khác nữa. Vào năm 1970, Thánh lễ được thấy có 9 bài đọc. Các nhà phụng đã chọn lựa trong Cựu ước những bài đọc liên quan đến việc hiến dâng bánh của Thượng Tế Melchisédech (năm C), cho việc thánh hiến Giao ước ở chân núi Sinaï (năm B) và việc thu lượm manna trong sa mạc (năm A). Bài đọc thứ hai được mượn các chương 10 và 11 trong Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Corintô (năm A và B) và chương 9 trong Thư gởi tín hữu Do Thái (năm C). Tin mừng nhắc lại phép lạ hoá bánh ra nhiều (năm C), bài giảng của Chúa Giêsu về bánh sự sống (năm A) và Bữa Ăn cuối cùng (năm B). Hai hình thức phụng vụ được đề nghị cho phần tiền tụng: đó là vào ngày thứ năm tuần thánh và một ngày khác nữa được soạn mới hoàn toàn.

Trong phần Kinh Nguyện, những khiá cạnh khác của mầu nhiệm Thánh Thể được diễn tả một cách ít ỏi. Điệp ca của Thánh Ca Tin mừng Magnificat Kinh chiều 2 đề cập: recolitur memoria passionis eius (lời tung hô thánh thể được dẫn đến quá khứ), mens impletur gratia (thực hiện một hiện tại) et futuroe glorioe nobis datur (ban cho những hành trang cho tương lai).

3.- Lễ kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu

a.- Nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ

Nếu việc chiêm niệm về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu đã nuôi sống lòng nhiệt thành về các mầu nhiệm từ thời Trung Cổ, và ngay cả thời cổ xưa, thì lễ kính Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu chỉ xuất hiện từ nửa thế kỷ thứ 17. Lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 10 năm 1672, một linh mục miền Normand, nước Pháp tên Gioan Eudes đã cử hành lễ này. Một vài năm sau, những mặc khải được đón nhận từ Thiên Chúa bởi một nữ tu Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, Maguerite-Marie Alacoque (1675) đã đóng góp cho việc làm lan rộng hình thức tôn kính này.

Tuy nhiên, lễ kính Trái Tim Rất Thánh Đức Giêsu được biết đến một cách thực sự lộn xộn về các hình thức cử hành. Từ năm 1672 đến 1840, người ta đã đếm được hơn 30 mẫu phụng vụ trong các địa phận nước Pháp hoặc trong các gia đình tu sĩ. Từ năm 1765 đến 1970, tại Rome đã chứng thực 4 mẫu. Chúng ta có trước tiên là lễ Miserebitur, được chấp thuận cho Pologne và Bồ Đào Nha (1765); kế đến là lễ Egredimini do Đức Pio VI chuẩn thuận cho Vénétie, Autriche và Tây Ban Nha (1778). Cùng với lễ Miserebitur, Đức Giáo Hoàng Pio IX đã làm cho lễ về Trái Tim Rất Thánh lan rộng khắp Giáo hội latin (1856), tuy nhiên, ngài cũng để cho lễ Egredimini và Kinh Nguyện được gắn bó vớí Phần Riêng ở một số địa phương.

Năm 1929, Đức Pio XI đã thực hiện việc biên soạn mới sách lễ Cogitationes và một kinh nguyện. Cuối cùng, vào năm 1970, lễ Cogitationes được cải tạo và ấn định trong một chuỗi của 3 bài đọc. Về lễ thứ tư theo truyền thống Roma, nếu cần phải thêm vào thì đó là lễ Trái Tim Thánh Thể của Chúa Giêsu (Sciens Iesus), được chứng nhận vào năm 1921 cho tất cả các địa phận mà họ đã thỉnh cầu. Lễ này bị loại bỏ vào năm 1960.

Việc có rất nhiều hình thức phụng vụ liên quan đến lễ này đã tạo ra những khó khăn mà chúng ta gặp gỡ để ấn định với một sự chính xác chủ đề của ngày lễ. Trong sự khác nhau đó, tồn tại hai hình thức phổ biến, vốn làm nổi bật yếu tố đạo đức trong thời hiện đại đối với Trái Tim Rất Thánh, như những ý tưởng được nói đến bởi thánh Gioan Eudes và thánh Marguerite Marie: hành động tạ ơn vì sự giàu sang không thể nói hết của Đức Kitô (Ep 3,8), và sự chiếm ngắm về Trái Tim bị đâm thâu (Ga 19,37). Lễ Egredimini (lời tiền tụng về lễ Sinh Nhật) liên hệ với hình thức phổ biến đầu tiên; lễ Miserebitur (lời tiền tụng về lễ Suy tôn giáo) thuộc về hình thức thứ hai. Đó cũng là tinh thần để chuẩn bị, giữ chủ đạo trong thánh lễ và kinh nguyện được soạn nhờ ý lệnh của Đức Pio XI.

b.- Việc cử hành ngày lễ

Trong số 9 bài đọc, lễ mới Cogitationes có thể nhận những bài đọc được đề nghị trong Sách lễ Roma và những Sách lễ Pháp. Đặc biệt chúng ta tìm thấy ở đó dụ ngôn về các Chiên lạc được tìm thấy (năm C); lời mời Chúa Giêsu: “Hãy đến với ta, hỡi tất cả những ai đang gánh nặng” (năm A) và bản văn về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô chết trên thập giá (năm B). Hai lời nguyện được đề nghị cho phần tổng nguyện là những hình ảnh giới thiệu về hai hình thức phổ biến liên quan đến lòng mộ đạo kitô giáo đối với Trái Tim Chúa Giêsu: hành động tạ ơn về những điều lạ lụng của tình yêu Chúa Cha đối với con người, và những sự chuẩn bị đối với tình yêu bị tổn thương. Lời tiền tụng nhắc đến truyền thống mà từ thời các Giáo phụ đã thấy Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn của Đức Giêsu, cũng giống như Eva đã được tạo nên bởi xương sườn của Adam đang ngủ sâu; hình ảnh trào tràn của máu và nước là biểu tượng của bí tích thanh tẩy và thánh thể.

Đây cũng cùng chủ để được phát triển bởi thánh Bonaventura với một sự trìu mến đầy cảm xúc được thấy trong Kinh Sách. Thánh thi về Laudes Iesu, auctor clementioe diễn tả cùng một tâm tình tôn giáo, nó giống như một bài thơ được chọn lựa từ những khổ thơ nổi tiếng Jubilus, mà từ lâu đã được cung cấp bởi thánh Bernard.[24]

4.- Lễ Chúa Kitô, vua vũ trụ

a.- Nguồn gốc và tương quan của lễ

Lễ Chúa Kitô - Vua được thiết lập năm 1925 bởi Đức Giáo Hoàng Pio XI, và được xác định cử hành vào Chúa nhật trước lễ trọng Các Thánh. Tuy nhiên, Giáo hội đã chẳng đống ý ngày này để cử hành vương quyền của Đức Kitô: bởi vì vương quyền của Đức Kitô - Vua vốn đã được thấy trong lễ Hiển Linh, Phục Sinh và Lên Trời. Nếu Đức Giáo Hoàng Pio XI đã thiết lập lễ này, là bởi vì, giống như lời giải thích của ngài trong thông điệp Quas primas,[25] trong một mục đích mang tính giáo dục tâm linh. Trước những tiến triển của chủ nghĩa vô thần và tục hoá của xã hội, Đức Giáo Hoàng đã muốn khẳng định vương quyền của Đức Kitô trên con người và trên các thể chế xã hội. Một vài bản văn kinh nguyện đã bày tỏ điều này: Te nationum proesides/ Honore tollant publico/ Coolant magistri, iudices/ Jeges et artes exprimant. Trong phần thánh thi của kinh chiều có thêm: Submissa regum fulgeant/Tibi dicata insignia.

Năm 1970, Giáo hội đã muốn làm cho lễ này được bày tỏ rõ hơn khía cạnh hoàn vũ và cánh chung của vương triều Đức Kitô, vì thế, lễ này trở thành lễ Đức Kitô “Vua vũ trụ” và được cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên (per annum). Với lễ này, chúng ta thấy nhắc lại một điểm đã được ghi dấu trong Mùa Vọng, trong một viễn cảnh về việc Chúa xuất hiện trong vinh quang. Sự chuyển động của phần thứ hai của lời tổng nguyện bày tỏ cách rõ ràng sự thay đổi liên quan đến chủ đề của ngày lễ. Trong lời cầu nguyện năm 1925 chúng ta đọc: Lạy Chúa, “hãy làm cho hoà hợp mọi gia đình của dân Chúa do vết thương của tội lỗi gây lên. Xin làm cho họ biết vâng theo quyền năng yêu thương”, vào sự trị vì của Đức Kitô. Bản văn được thay đổi đã cầu xin Chúa làm cho “tất cả mọi thọ tạo, được tự do trong sự vâng phục, nhận biết quyền năng của Đức Kitô và tôn vinh người không ngơi”.

b.- Việc cử hành ngày lễ

Giống như những ngày lễ khác về Thiên Chúa, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ có thuận lợi trước hết mở rộng với nhiều bài đọc. Trong Tin mừng, nhằm khẳng định về vương triều của Đức Kitô trước Philato (năm B) đã được thêm vào lời loan báo về Con Người trong vinh quang khi Người đến phán xét mọi người về tình yêu của họ đối với tha nhân (năm A) và cách nhìn về Đức Kitô trên thập giá, vua của người Do thái bị đội vòng hoa (năm C). Bài đọc thứ nhất trong sách Ezekiel (vua-mục tử), từ sách Đaniel (Con Người được trao quyền năng cai trị, vinh quang và vương triều) và từ sách thứ hai Samuel (việc tấn phong Đavit làm vua). Trong bài đọc thứ hai theo thánh Phaolô suy tôn chiến thắng trên sự chết (năm A) của Đức Kitô, trong Người tất cả mọi sự được hoàn thành (năm C), và cái nhìn Khải Huyền công bố về Đấng đến trong đám mây (năm B). Lời tiền nguyện được soạn vào năm 1925 thuộc về một cuộc trở lại, không có sự khác biệt nào cả.

Trong Kinh Nguyện Phụng vụ, hai thánh thi được soạn vào năm 1925 bởi một tu sĩ Dòng Tên V. Genovesi được giữ lại và đôi khi có sự điều chỉnh về mặt ngữ pháp, ý tưởng cho chặt chẽ. Giáo Hội đã thêm vào Iesu, rex admirabilis, được lấy ra từ Iesu auctor clementiae của bài Jubilus của thánh Bernard. Bài đọc giáo phụ mườn của Origène, nhắc lại rằng vương quyền của Đức Giêsu thuộc về bên trong: “Chúng ta mang những hoa trái của Thánh Thần: cũng vậy, như trong một thiên đường tâm linh, Thiên Chúa đã tự đồng hành trong chúng ta, trị vì trên chúng ta cùng với Đức Kitô của Người”.

 

 Lm. Joseph Nguyễn Văn Hiển, OP. Catechesis.net

 

Viết Theo:

1/. Deschusses Jean, Le sacramentaire grégoire, t. 2, Fribourg, 1979 (Spicilegium Friburgense 24), các số 1806-1810.

2/.  Chavasse Antoine, Le sacramentaire gélasien, (Vaticanus Reginensis 316), Paris, Tournai, Desclée & C°, 1958.

3/. Gy Pierre Marie, “L’Office du Corpus Christi et la théologie des accidents euchristiques”, Revue des sciences philosophiques et théologiques 66, 1982, tr. 81-86.

4/. Martimort Aimé Georges, L’Eglise en prière, édition nouvelle, t.4, Paris, Desclée, 1984, p. 112-116.

 

 

 


[1] Xem E. Mercenier, La prière des Eglises de rite byzantin, tome II/1, Chevetogne, 1953, tr. 380.

[2] J. Van Goudoever, Fêtes et calendriers bibliques, op.cit, tr. 276-277.

[3] E. Mercenier, op.cit., tr. 382 ss.

[4] Pierre Jounel, Le culte des saints dans les basiliques du Latran et du Vatican au XIIesiècle, Rome, 1977, tr. 268-269. Chúng ta tìm thấy bản văn kinh nguyện được soạn bởi Pierre le Vénérable trong bản monographie của Jean Leclercq, op.cit., tr. 383-390.

[5] E. Mercenier, op.cit, p. 383.

[6] Ibid., p. 383.

[7] Xem La Mais-Dieu, số 75/1963: La Saint Croix. Xem đặc biệt, Pierre Jounel, “Le culte de la Croix dans la liturgie romaine”, La Maison-Dieu, 75/1963, p. 68-91.

[8] Egérie, Journal de voyage, Paris, Cerf, coll. “Sources Chrétiennes” 21,1948. Truyền thống vẫn cho rằng, Thánh Giá thật này được tìm ra bởi thánh nữ Hélène, mẹ của đại đế Constantin vào năm 335 khi bà đi hành hương tại Jerusalem. Cũng nhớ rằng, vua thánh Louis IX nước Pháp cũng đã mua một phần cây gỗ Thánh Giá và đặt trong nhà nguyện của Vua, vào ngày 14 tháng 9 năm 1241, những báu vật này được để trong nhà nguyện của vua vào năm 1348. (Vua Louis IX cũng mua một phần cây sắt của chiếc đòng, một phần của mão gai, một phần cây sậy, mà lính đã dùng để dưa nước cho Chúa uống và một phần của chiếc áo choàng của Chúa). Nhà nguyện này được gọi tên là “La Sainte Chapelle”. Nhà Nguyện nằm chung trong khuôn viên “Palais de la Cité”, vốn là nơi cư ngụ của các triều vua Pháp cho đến Charles V (thế kỷ XIVe), khi vua này chuyển hẳn chỗ ở về tại cung điện Louvre. Từ lâu, Nhà Nguyện này trở thanh điểm du lịch nổi tiếng của Pháp.

[9] A. Renoux, Le Codex arménien Jérusalem 121, II. Edition…, Turnhour, Brepols, 1971 (PO 36), tr. 363; Egerie, Journal de voyage, tr. 233-235.

[10] E. Mercenier, op.cit., tr. 108 ss.

[11] Pierre Jounel, “Le culte de la Croix dans la liturgie romaine”, La Maison-Dieu 75,1963, tr. 75-82 và 87-91.

[12] Trong Liber pontificalis, nói rằng: “Người ta tìm thấy trong phòng thánh của Thánh Phêrô một phần hòm đựng đồ thánh cất giữ một phần rất quý giá và phù hợp với gỗ thánh giá của Đấng Cứu Độ… Vào ngày Suy tôn Thánh Giá, toàn dân kitô giáo hôn kính gỗ Thánh Giá này được trưng bày trong vương cung thánh đương Constantinople của Đấng Thánh-Đấng Cựu Độ”. Vương cung thánh đường này sau này đổi tên là Latran.

[13] E. Mercenier, op.cit. tr. 109-110.

[14] Xem E. Martène, De antiquis Ecclesiae ritibus, IV, 34, tome 3, éd. de Venise, 1764, tr. 213.

[15] Ở Giêrusalem, trong một thời gian, người ta muốn cử hành vào cùng thời gian một lễ cung hiến “tất cả các bàn thờ đã được thiết lập”: xem R. Renoux, op.cit, tr. 229. Dom Botte thấy trong lễ này nguồn gốc chính của các Chúa nhật về lễ Cung Hiến các nhà thờ ở Syrien. Xem, Dom Botte, Les Dimanches de la Dédicace dans les Eglises syriennes, tr. 65-70.

[16] Pierre Jounel, Le culte des saints, tr. 307.

[17] Ge, số 680, xem trong Antoine Chavasse, Le sacramentaire gélasien, (Vaticanus Reginensis 316), Paris, Tournai, Desclée & C°, 1958, tr. 256.

[18] Jean Deschusses, Le sacramentaire grégoire, t. 2, Fribourg, 1979 (Spicilegium Friburgense 24), các số 1806-1810. Chúng tôi sẽ ghi ở đây phần soạn lễ của Alcuin về Missa de sancta Trinitate:

- Số 1086: Omnipotens sumpiterne deus qui dedisti famulis tuis in confesssione uerae fidei aeternae trinitatis gloriam agnoscere, et in potentia maiestatis adorare unitatem, quaesimus ut eiusdem fidei firmitate, ab omnibus semper muniamur aduersis. Per.

- Số 1087: Super oblata. Sanctifica quaesumus domine deus per tui sanctinominis inuocationem huius oblationis hostiam, et per eam nosmetipsos tibi perfice munus aeternum. Per.

- Số 1808: Praefactio. UĐ ae.d. Qui cum unigenito filio tuo et spiritu sancto unus es deus, unus es dominus. Non in unius singularitate personae, sed in unius trinitate substantiae. Quo denim de tua Gloria reuelante te crediums, hoc de filio tuo, hoc de spiritu sancto, sine differentia discretionis sentimus. Vt in confessione uerae sempiternaeque deitatis, et in personis proprietas, et in essenti a unitas, et in maiestate adoretur aequalitas. Quam laudant angeli atque  archangeli, cherubim quoque et seraphin incessabili uoce oriclamant dicentes. Sanctus.

- Số 1089: Ad complendum. Proficiat nobis ad salutem corporis et animae domine deus huis sacramenti susceptio, et sempiterna sanctae trinitatis confessio. Per.

- Số 1810: Super populum. Domine deus pater omnipotens, famolus tuae maiestati subiectos, per unicum filium tuum, in uirtute sancti spiritus, benedic et protege, ut ab omni hoste securi, in tua iugiter laude laetemur. Per

[19] Sách lễ Vetus Missale romanum monasticum Lateranense (Italie centrale, XIIIe siècle), xuấn bản bởi Azevedo, Rome 1752, cho thấy chẳng hạn: một mẫu về ngày lễ Dominica de Trinitate sau Chúa nhật 24, tr. 156.

[20] Bernold de Constance, Micrologus, 60; PL 151, 1019.

[21] E. Mercenier, op.cit., cuốn 2/2, tr. 361-362.

[22] C. Lambot-I.Franssen, L’Office de la Fête-Dieu primitive…, tr. 39-97.

[23] Pierre Marie Gy, L’Office du Corpus Christi… Cũng như L’Office du Corpus Christi et la théologie des accidents euchristiques, trong Revue des sciences philosophiques et théologiques 66, 1982, tr. 81-86.

[24] A. Wilmart đã đưa ra bản văn phê bình trong Le ‘Jubilus” dit de saint Bernard, Rome Edizioni di storia e letteratura, 1944 (= El 57,1943)

[25] Ngày 11 tháng 12 năm 1925, AAS 17, 1925, tr. 593-610. Bản văn kinh nguyện và thánh lễ ở trang 655-668.

 

Nguồn tin: www.betrenthuongcap.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây