Kiến Thức Trong Tâm Hồn
Nguyễn Hoài Huy
Với sự phát triển của xã hội, nền giáo dục cũng tiến bộ hơn, đa dạng và phong phú hơn so với trước đây. Nhiều môn học mới, nhiều nguồn kiến thức mới được cung cấp cho học sinh. Thêm vào đó, với sự phát triển của Internet, con người ngày nay có thể thu thập được rất nhiều thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thế nhưng, đời sống đạo đức của con người lại đi xuống. Tại sao vậy? Nếu như con người biết nhiều hơn thì phải văn minh và đạo đức hơn chứ? Một trong những nguyên nhân ở đây là do chúng ta không biết chuyển hoá những kiến thức chúng ta học được thành kiến thức trong tâm hồn. Chúng ta phải nhớ rằng kiến thức không chỉ nằm trong đầu mà phải được tích lũy trong trái tim, trong tâm hồn. Có một khoảng cách rất xa giữa biết và làm. Chúng ta biết hút thuốc và uống rượu bia có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn lạm dụng. Chúng ta biết môi trường đang bị ô nhiễm nhưng nhiều người vẫn xả rác và làm những việc hủy hoại môi trường. Chúng ta biết nếu chúng ta không tuân thủ luật giao thông thì rất dễ xảy ra tai nạn nhưng nhiều người vẫn muốn phá luật… Do đó, chúng ta rất cần kiến thức trong tâm hồn để cải hoá xã hội ngày nay.
Vậy kiến thức trong tâm hồn nghĩa là gì? Tác giả của Sách Châm Ngôn dạy ta: “Ai là người khôn ngoan và hiểu biết trong các ngươi? Hãy để họ chứng minh điều đó bằng đời sống lương thiện của họ, những hành động họ làm với lòng khiêm nhượng đến từ sự khôn ngoan” (Châm Ngôn 13:3). Chúng ta có kiến thức trong tâm hồn là khi chúng ta để cho những kiến thức tốt mà chúng ta học biết được biến đổi tâm hồn chúng ta và áp dụng những kiến thức đó vào trong đời sống thực tiễn với mục đích là để đào luyện bản thân trở thành một người tốt và nỗ lực xây dựng một xã hội văn minh, đạo đức. Vì thế, một người có kiến thức thật sự không được đánh giá bằng bao nhiêu bằng cấp họ có nhưng phải được đánh giá bằng chính đời sống của họ trong xã hội và với mọi người. Một người có bằng tiến sĩ mà thiếu đạo đức thì cũng không được yêu mến kính trọng bằng một người chỉ tốt nghiệp phổ thông nhưng lại rất lương thiện. Do vậy, chúng ta phải cố gắng hằng ngày để tích lũy kiến thức trong tâm hồn, giúp chúng ta trở thành người có ích cho xã hội.
Vậy đâu là những đặc tính của người có kiến thức trong tâm hồn. Đặc tính đầu tiên là tình yêu. Người có kiến thức trong tâm hồn là người có một tình yêu đích thực dành cho kiến thức. Họ khao khát tìm kiếm và học hỏi những điều mới, họ yêu mến và trân trọng những điều họ học được, họ nỗ lực và quyết tâm áp dụng những điều học được vào trong đời sống của họ. David Wilkerson, một mục sư Tin Lành ở Mỹ, đã từng nói, “Tình yêu không phải là một cảm xúc nhưng là một hành động.” Khi yêu thực sự, ta sẽ hành động và sống với tình yêu đó. Cũng vậy, khi một ai đó có một tình yêu đích thực đối với kiến thức mà họ đạt được, họ sẽ chuyển hoá kiến thức đó thành hành động cụ thể. Và khi họ làm như vậy, họ trở thành một tấm gương cho người khác noi theo. Lúc đó kiến thức của họ có khả năng cảm hoá và biến đổi những người xung quanh, giúp họ trở thành những người tốt hơn. Và nếu xã hội có nhiều người tốt, xã hội sẽ tốt đẹp và văn minh hơn.
Một đặc tính khác của những người có kiến thức trong tâm hồn đó là sự khiêm tốn. Thật vậy, tất cả những gì ta nhận được trong cuộc sống không tự thân ta mà có: Chúng ta không tự mình sinh ra, không tự mình lớn lên, không tự mình biết được điều này điều kia, không tự mình phát triển và thành công. Do đó, nguồn kiến thức mà ta có được là quà tặng mà chúng ta nhận từ những nguồn khác nhau: gia đình, thầy cô, bạn bè, xã hội,... Tất cả là hồng ân, và chính Chúa là nguồn mạch mọi hồng ân. Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng nguồn kiến thức là vô tận. Chúng ta không thể nào biết hết được mọi sự trên đời. Chỉ có Chúa là Đấng biết hết mọi sự. Chúng ta chỉ cố gắng tích lũy kiến thức hết mức có thể theo khả năng và điều kiện của mình. Thế nên, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không phải là người giỏi nhất. Sẽ có người giỏi mặt này và có người khác khá về mặt kia để bổ trợ cho nhau. Khi chúng ta thoát khỏi sự kiêu ngạo cho rằng mình biết nhiều và kiến thức mình đầy đủ, chúng ta sẽ mở lòng mình ra để học hỏi thêm nhiều điều mới từ những người xung quanh. Nhờ đó, chúng ta nâng đỡ nhau để cùng phát triển.
Kiến thức trong tâm hôn thật cần thiết trong xã hội ngày nay. Chúng ta có thể học rất nhiều điều, nhưng điều cần thiết nhất mà chúng ta cần học đó là học cách chuyển hóa những kiến thức ta có thành hành động ý nghĩa và có ích cho xã hội. Chúng ta cần bỏ tình yêu vào trong quá trình tích lũy kiến thức. Chúng ta cũng cần học tính khiêm tốn để biết ơn những người đã giúp ta có kiến thức, học hỏi lẫn nhau và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chúng ta không nên học vì điểm số hoặc bằng cấp, vì chúng không phải là thước đo phẩm chất của một con người. Hy vọng rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi thành phần trong xã hội biết cố gắng tích lũy những kiến thức trong tâm hồn.