Ly Hôn có được rước lễ không ?

Thứ ba - 14/05/2019 23:45

 

Hỏi: Ly Hôn có được rước lễ không ?

Đáp:

 Theo nguyên tắc chung: tất cả mọi người đã được chịu phép rửa tội, nếu không bị luật ngăn cấm, đều có thể và phải được rước lễ (xem GL số 912). Trong một số trường hợp, Luật của Giáo Hội đã xác định những hạn chế và ngăn cấm việc rước lễ. Ta có thể nêu lên những trường hợp sau:

- Các trẻ em không hiểu biết đủ và chưa được chuẩn bị kỹ để có thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Kitô theo khả năng của mình để có thể rước lễ với đức tin và lòng sốt sắng;
- Những người bị vạ tuyệt thông hay cấm chế;
- Những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường;
- Những người ý thức mình đang mắc tội trọng.
Chị bạn của Chị nếu không vào một trong những trường hợp trên thì không bị ngăn cấm việc rước lễ. Còn vấn đề ly dị thì sao ?

Luật Chúa và luật Giáo Hội đều cấm việc ly dị.

“Ly dị là một vi phạm nặng nề đối với luật tự nhiên: nó dám phá vỡ giao ước đã được hai vợ chồng tự do ký kết, là sống với nhau cho đến chết. Ly dị gây ô nhục cho giao ước cứu độ mà hôn nhân là dấu hiệu” (GLCG 2384).

Tuy vậy, Giáo Hội cũng nhận rằng: “Có thể một trong hai người phối ngẫu là nạn nhân vô tội của việc ly dị do tòa đời công bố: người này không lỗi luật luân lý. Có một sự khác biệt lớn lao giữa một người phối ngẫu đã thành tâm cố gắng sống trung thành với bí tích hôn phối và bị bỏ rơi cách bất công, - và người phối ngẫu đã do một lỗi nặng của mình mà phá hủy cuộc hôn nhân thành hiệu theo Giáo luật” (GLCG 2386).

“Tuy nhiên có những tình trạng mà sự vợ chồng chung sống trở nên không thể duy trì được nữa, vì những lý do rất khác nhau. Trong những trường hợp đó, Giáo Hội chấp nhận sự ly thân của hai vợ chồng, chấm dứt sự chung sống, nhưng hai người vẫn là vợ chồng của nhau trước mặt Thiên Chúa, họ không được tự do để kết hôn với người khác” (GLCG 1649). Giáo lý Công Giáo còn thêm rằng: “Nếu sự ly dị tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý” (GLCG 2383; xem GL 1151-1155).  **R

Lm  Phi Quang

Nguồn tin: ditimchanly.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây