Vài suy nghĩ về việc phát biểu cảm ơn trong thánh lễ

Thứ sáu - 10/05/2019 21:07
Vài suy nghĩ về việc phát biểu cảm ơn trong thánh lễ
Mấy ngày qua trên trang facebook (FB) của một số linh mục có đăng tải câu chuyện ĐGM Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục giáo phận Bà Rịa, tỏ ra không vui về nội dung phát biểu cám ơn sau thánh lễ của vị đại diện giáo dân của giáo họ nơi ngài về ban bí tích Thêm sức. [1]
Mấy ngày qua trên trang facebook (FB) của một số linh mục có đăng tải câu chuyện ĐGM Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục giáo phận Bà Rịa, tỏ ra không vui về nội dung phát biểu cám ơn sau thánh lễ của vị đại diện giáo dân của giáo họ nơi ngài về ban bí tích Thêm sức. [1]
 
 
Chuyện kể rằng trong thánh lễ ban phép Thêm sức tại nhà thờ giáo họ biệt lập Vô Nhiễm, giáo hạt Bình Giã, giáo phận Bà Rịa, sau khi nghe vị đại diện cộng đoàn phát biểu cám ơn đại ý là Đức cha dù bận bịu trăm công ngàn việc, đường sá xa xôi, nắng nóng oi ả...nhưng ngài vẫn đến giáo xứ ban bí tích Thêm sức cho các em... Sau đó, đến lượt Đức cha đáp từ. Ngài đã thẳng thắn góp ý với vị đại diện là lần sau không nên cám ơn như thế nữa, vì đối với vị mục tử của giáo phận, đây là bổn phận, nhiệm vụ chính yếu của chủ chăn, nếu không làm công việc này thì không còn là chủ chăn nữa. Không nên khách sáo với nhau làm gì mà cứ thật lòng ứng xử với nhau, đừng dùng sáo ngữ hay xông hương nhau nữa.
 
Dịp này, Đức cha Emmanuel cũng nhấn mạnh thêm là, làm mục tử là để phục vụ vô vị lợi. Chúa đã ban chức mục tử cho các vị mục tử cách vô vị lợi. Khi xã hội chạy theo bề ngoài, hình thức thì Giáo hội hơn bao giờ hết cần nội dung và lòng chân thành. Nếu không thì Giáo hội chẳng khác gì xã hội.

Nếu không thì Giáo hội chẳng phát triển được. Xin hãy cám ơn nhau bằng những lời mộc mạc, đơn sơ, chân thành tự tận đáy lòng. Giám mục mà không ban phép Thêm sức cách nhưng không, thì không còn là Giám mục nữa. Linh mục mà không thi hành trách nhiệm của mình cách nhưng không, thì không còn là linh mục nữa.

Quả thực câu chuyện về lời phát biểu cám ơn của vị đại diện giáo họ Vô Nhiễm và lời nhắn nhủ góp ý của ĐGM giáo phận Bà Rịa đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Ngay khi nội dung câu chuyện trên được đăng tải trên FB, nhiều giáo dân đã đọc và đưa ra bình luận (comment) ngay, đa số tán đồng ý kiến của Đức cha Emmanuel và mong rằng các cha xứ cũng nên giúp giáo dân thay đổi não trạng, để khi phát biểu cám ơn, thì biết phải nói gì, nói như thế nào cho thích hợp, làm sao cho đơn giản, chân thành, tránh sáo ngữ, bôi bác...  
 
- Ai cám ơn, cám ơn ai, cám ơn gì?

Hiện nay không khó để thấy tại nhiều giáo xứ, giáo dân có nhiều cơ hội tổ chức các lễ lạy, đình đám, tiệc tùng. Cứ thử hình dung, một giáo xứ khoảng ba bốn ngàn giáo dân, thì ít nhất cũng có khoảng vài giáo khu, khoảng hơn chục hội-đoàn-nhóm. Như vậy trong một năm, ít nhất giáo xứ cũng sẽ có mấy chục lễ có kèm theo tiệc tùng, liên hoan.
 
Trước hết, trong phạm vi giáo xứ cũng phải kể đến lễ mừng bổn mạng giáo xứ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường giáo xứ...Bên cạnh đó là lễ của quý cha trong giáo xứ, chẳng hạn lễ mừng bổn mạng, lễ kỷ niệm thụ phong, lễ mừng sinh nhật, rồi đến lễ bổn mạng của Hội đồng Mục vụ, của các giáo khu và các đoàn thể, các ca đoàn. Như vậy tính bình quân mỗi tháng giáo xứ sẽ có khoảng 2 lễ mừng có kèm tiệc mừng.

Vào các dịp lễ mừng này, giáo xứ được sự đồng thuận của cha xứ, sẽ quan tâm đầu tư nhiều mặt để có bầu không khí trang trọng, vui tươi, đoàn kết. Tất nhiên trong các ngày này, thánh lễ sẽ được tổ chức cách đặc biệt, trong đó không thể bỏ qua phần phát biểu cám ơn sau thánh lễ. Vị đại diện cộng đoàn sẽ đảm nhiệm phần phát biểu với nội dung tri ân cha xứ và quý cha. Bài phát biểu dài ngắn là tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Thông thường sẽ là một bài “ca” công đức này nọ, luôn kèm theo lẵng hoa hay vòng hoa tươi thắm để biểu lộ lòng tri ân...    
 
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi, vậy “Ai cám ơn? Cám ơn ai? Cám ơn gì?”.
 
Trong hầu hết các phát biểu, giáo dân thường bày tỏ lòng quý mến và cám ơn quý cha thế này thế kia. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các dịp lễ, đáng lẽ ra quý cha phải cám ơn giáo dân mới là hợp lẽ. Chẳng hạn, dịp lễ bổn mạng Hội đồng Mục vụ giáo xứ, lễ bổn mạng các ca đoàn, ban giáo lý viên, ban lễ sinh... Cha xứ phải cám ơn họ, vì họ là cánh tay nối dài của cha xứ trong việc phục vụ giáo xứ, vì họ là những thành phần ưu tuyển của giáo xứ mà nếu không có họ cha xứ khó hoàn thành vai trò mục tử trong cộng đoàn.
 
ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, trong bài giảng tĩnh tâm các linh mục giáo phận Đàlạt tháng 2-2009, đã mở đầu như sau: “Sau cuộc tĩnh tâm, chúng ta lại trở về với đời thường của chúng ta. Đối với đa số các cha, trở về đời thường có nghĩa là trở về với giáo dân. Có thể nói được rằng giáo dân chính là cuộc đời, là bổn phận, là gia đình thiết thân nhất của linh mục. Xét cho cùng thì chúng ta làm linh mục là vì giáo dân, cho giáo dân và với giáo dân. Vì thế, thành hay bại đời linh mục phần lớn tùy thuộc cách ứng xử của linh mục đối với giáo dân”. [2]

Xét như vậy thì cái “địa chỉ thân thương” mà quý cha nhắm tới chính là giáo dân, là cộng đoàn nơi các ngài đang phục vụ. Việc giáo dân tỏ lòng tri ân các ngài là việc bình thường của người được chăm sóc, nâng đỡ. Nhưng các mục tử cũng không thể bỏ qua việc khơi gợi những công sức âm thầm của rất nhiều tín hữu trong giáo xứ, mà nếu vắng họ thì mọi việc sẽ ngừng trệ và không hoàn thành. Cách này hay cách khác, họ là những người đáng tri ân.
 
“Anh em đừng rập theo thói đời này” (Rm 12, 2)

LM Giuse Nguyễn Kích, trên trang FB của mình, đã đưa ra “Lời bàn” về sự việc nêu trên, như sau: 

“Thánh Phao-lô đã dạy: ‘Anh em đừng rập theo thói đời này’ (Rm 12, 2). Một vĩ nhân đã nhận định: ‘Lời nói đẹp thì thường không được thật. Lời nói thật thì thường không được đẹp’.
 
“Chúa đã dạy: ‘Chỉ có sự thật mới giải thoát các con’ (Ga 8, 32).
 
“Khi tâm hồn không thực sự có Chúa, thì sẽ sung sướng và thèm khát những lời nịnh bợ đường mật giả tạo của thế gian.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là những liều thuốc cực độc tiêu diệt linh hồn chúng ta.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng giống như nụ hôn của Giu-đa bán Chúa. Hắn dùng phương tiện tốt để đạt mục đích xấu.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng làm chúng ta đánh mất chính mình, không còn nhớ mình là ai và đang ở đâu.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là thứ thuốc mê ru ngủ làm chúng ta quên mất thân phận mong manh tro bụi và mỏng dòn tội lỗi của mình.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng lôi chúng ta ra rất xa tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta rớt xuống hỏa ngục.
 
“Những lời tung hô và tâng bốc quá đáng là thức ăn vô cùng độc hại nuôi lớn rất nhanh cái tôi kiêu ngạo của chúng ta” v.v...
 
Giáo xứ là cộng đoàn quy tụ những Ki-tô hữu yêu thương nhau, liên kết nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến. Họ được đào tạo, giáo huấn để trở nên chứng nhân của Tin Mừng Ki-tô giáo. Họ cũng được nhắc nhở về nhiệm vụ truyền giáo của mình, trở thành ánh sáng, men, muối cho đời. Những hoạt động trong giáo xứ, bên cạnh Phụng vụ thánh, phải là những dấu chỉ của Tin Mừng Đức Ki-tô. Mà một trong những dấu chỉ nổi bật nhất của Hội thánh, đó là sống khó nghèo, vì người nghèo, là thực hành sự đơn giản, tiết kiệm và khiêm tốn noi gương Chúa Ki-tô. ĐTC Phan-xi-cô đã từng khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo”./.    
 
  Aug. Trần Cao Khải
 
- - - - - - - - - - - -
 
THAM KHẢO:
 
[1] FB LM Giuse Nguyễn Kích bài “Đừng sáo ngữ!” – FB LM Phêrô Nguyễn Đức Thắng bài “Đừng xông hương nhau” – FB LM Ngọc Bảo bài “Đừng sáo ngữ!” 

[2] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, bài “Linh mục và giáo dân”, tĩnh tâm thường niên linh mục giáo phận Đalạt tháng 2-2009, nguồn VietCatholic News.

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây