CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM B

Thứ sáu - 26/04/2024 21:20
CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM B
(Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8)

1/ Dẫn lễ, suy niệm 1: Cây nho và ngành nho  - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

2/ Suy niệm 2: Sinh Nhiều Hoa trái- ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

3/ Suy niệm 3: Hiệp thông với Đấng Phục sinh - ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

4/ Suy niệm 4: Thân nho và cành nho - Lm. Giacôbê Tạ Chúc

5/ Suy niệm 5 : Kết hợp và sinh hoa trái - Lm. Nguyễn Hữu An

6/ Suy niệm 6: Ở lại trong Chúa - Lm. Antôn

7/ Suy niệm 7 - Br. Vincent Sj

8/ Suy niệm 8: Như cành liền cây. – Trích “Niềm vui chia sẻ”

 

DẪN LỄ, SUY NIỆM 1:  CÂY NHO VÀ NGÀNH NHO - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang


Lời Chúa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” (Ga 15,5).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 5 Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để nói lên mối liên hệ mật thiết và sống còn giữa các môn đệ với Người như cây nho với ngành nho. Ngành nào gắn liền với thân cây nho sẽ hút được ơn thánh thiêng liêng:
Cây nho đích thực Cha trồng,
Chính là con Chúa, hiệp thông với Ngài.
Ngành nho hoa rộ trái sai,
Khi cùng liên kết gắn vào thân cây.
Ta luôn ghi nhớ từ đây,
Cậy trông phó thác chớ thay đổi lòng.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta được hiệp nhất với Chúa và với nhau, để sự sống của Chúa Kitô và tình yêu thương của Người được đổ đầy lòng trí chúng ta và đem lại cho chúng ta sự bình an và hạnh phúc. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối. 
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là cây nho, chúng con là ngành, ai ở trong Chúa thì sinh nhiều hoa trái. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con sống mật thiết với Chúa như ngành liền cây. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con thực thi giới luật yêu thương của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Tục ngữ có câu: "Đoàn kết là sống - chia rẽ là chết". Nói như thế để chúng ta hiểu được rằng, sức mạnh của đoàn kết tập thể là vô cùng lớn. Chúng ta chỉ có thể trở nên mạnh mẽ nếu chúng ta đoàn kết, hợp tác với nhau để cùng thực hiện một mục đích tốt, hay để cùng đạt đến một điểm đích nào đó. Nếu một tập thể mà chia rẽ thì dù mỗi cá nhân trong tập thể đó có tài giỏi đến đâu đi chăng nữa, thì tập thể đó cũng chỉ là một tập thể thất bại. Đoàn kết có nghĩa là hiệp nhất trong cùng một cộng đoàn, một ý chí, liên kết chặt chẽ với nhau như Chúa Giêsu đã nói: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” (Ga 15,5).
Thưa anh chị em, phụng Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta cảm nhận sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu với chúng ta qua hình ảnh cây nho và ngành nho. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này, và hơn thế nữa, Người tự ví mình là cây nho đích thực, Cha Người là người trồng nho và chúng ta là ngành nho được tỉa gọt cần phải gắn liền với thân cây nho là chính Người để sinh được nhiều hoa trái. Cũng như ngành nho phải tháp nhập vào thân cây nho thì mới có sự sống và sinh hoa trái, thì chúng ta là những Kitô hữu cũng phải kết hợp, gắn bó với Chúa Kitô để có được sức sống thiêng liêng của Người và mới có thể mang lại hoa trái ân sủng, sự thánh thiện, sức sống thiêng liêng. Cũng như thân nho và ngành nho đều cùng một chất liệu lưu thông nuôi sống từ rễ qua thân rồi lên tới ngành, chúng ta cũng có một mối dây liên lạc mật thiết với Chúa Kitô, chúng ta sống cùng một sức sống với Chúa Kitô. Vì thế, để là người Kitô hữu đích thực của Chúa Kitô, điều cần thiết là  phải sống kết hợp với Người và sống chính cuộc sống của Người.
Ngành nho phải lệ thuộc vào thân cây nho để sống và có nhiệm vụ phải sinh hoa kết quả. Nếu lìa khỏi thân cây ngành sẽ khô héo. Cũng thế, nếu chúng ta không kết họp với Chúa Kitô chúng ta cũng sẽ bị chết khô như ngành lìa cây. Ngành nào không sinh trái sẽ trở nên vô ích, làm hại sức sống của thân cây, phải được cắt tỉa để cho thân cây giữ được sức sống mạnh mẽ và sinh được nhiều hoa trái hơn. Cũng thế, chúng ta cũng cần được Chúa Kitô cắt tỉa qua những thử thách, những đau khổ và thất bại để được Chúa Kitô thanh luyện. Vì chính đau khổ làm cho con người được trưởng thành, gắn bó với Chúa hơn và sinh hoa trái tốt tươi.
Có câu chuyện kể rằng, một cặp vợ chồng trẻ và một người da Đỏ dẫn đường lên núi chạy trốn đám người dữ. Tại một nơi, người đàn bà bị vấp ngã và nói, “Tôi không thể cất thêm một bước nào nữa”. Người đàn ông đỡ vợ đứng dậy và nói, “Thế nhưng, em ơi, chúng ta phải tiến tới. Chúng ta không còn đường lựa chọn nữa!”. Cô vợ lắc đầu đáp, “Em không thể đi nổi nữa! Em không thể đi nổi nữa!”. Sau đó, người da Đỏ chỉ đường nói với người đàn ông, “Hãy ôm bà sát vào lòng ông. Hãy để sức mạnh và lòng can đảm của ông truyền sang bà ấy”. Người đàn ông làm như vậy, và chỉ trong vài phút ngắn ngủi, người đàn bà mỉm cười và nói, “Giờ đây, em đã đi được rồi! Giờ đây, em đã đi lại được rồi!”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu ấy được thể hiện qua Người Con Một của Ngài. Chính Người muốn truyền sức mạnh thần linh của Người cho chúng ta để phát huy mối liên hệ mật thiết giữa chúng ta với Người, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh thể làm lương thực nuôi sống chúng bằng chính sức sống của Người. Nhờ việc năng tham dự thánh lễ và hiệp lễ là điều kiện cần thiết để chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và thực thi giới răn yêu thương của Người. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin Chúa giúp chúng con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa. Nhờ gắn bó mật thiết với Chúa đời người Kitô hữu chúng con phát sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: SINH NHIỀU HOA TRÁI-ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.
Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
2- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
3- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
4- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?
 ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

SUY NIỆM 3: HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINH - ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên


Mỗi Chúa nhật trong mùa Phục sinh, Phụng vụ Giáo Hội giới thiệu với chúng ta một khía cạnh, có liên quan đến Đấng Phục sinh. Chúa nhật thứ nhất, Phụng vụ chứng minh với chúng ta: Đức Giêsu đã sống lại thật chứ không phải câu chuyện cổ tích. Người sống lại vì Người là Thiên Chúa quyền năng. Chúa nhật thứ hai, qua câu chuyện ông Tôma, Giáo Hội dạy chúng ta xác tín vào Đấng Phục sinh, mặc dù con mắt thể lý không nhìn thấy Người. Chúa nhật thứ ba, với lệnh truyền của Đấng Phục sinh cho các môn đệ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Đấng Phục sinh giữa đời. Chúa nhật thứ bốn, chúng ta suy tư về cuộc khổ nạn của Chúa như một mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Và, hôm nay là Chúa nhật thứ năm của mùa Phục sinh, Phụng vụ nhắc chúng ta: sức sống của Đấng Phục sinh như dòng chảy phong phú nơi mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn tín hữu. Dòng chảy ấy bắt nguồn từ Chúa Cha, thông qua Chúa Giêsu, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và đến với các tín hữu, qua sự hiệp thông gắn bó với Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sức sống siêu nhiên nơi người tín hữu. Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giêsu là cây nho, người tín hữu là cành nho. Đây là một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu, giúp người nghe dễ lĩnh hội giáo lý cao siêu là sự hiệp thông với Chúa.
Nếu Chúa Giêsu là cây nho và người tín hữu là cành nho, thì như chúng ta thấy trong thực tế, có những cành xanh tươi tràn đầy nhựa sống, vừa có những cành héo úa cằn khô. Hình ảnh này muốn diễn tả đời sống người tín hữu. Thời nào cũng vậy, có những người đạo đức siêng năng, nhưng cũng có những người dửng dưng hờ hững. Người tín hữu không gắn bó với Chúa giống như cành khô, chỉ dùng làm củi. Trong khi đó, những tín hữu gắn bó, giống như cành nho gắn liền với thân, luôn an vui hạnh phúc, khi cầu nguyện họ được Chúa nhận lời. Hình ảnh gắn bó ấy được Chúa diễn tả qua lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Thày”. Động từ “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt. “Ở lại” là gắn bó, là hiệp thông, là yêu mến, là chia sẻ, là đồng cảm, là trung thành. Chúa Giêsu đã nói đến việc Người ở lại trong Chúa Cha, để mời gọi chúng ta ở lại trong Người. Đó là sự gắn kết thân mật đến nỗi nên một với Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi và Cha Tôi là một. Như thế, những ai kết hợp với Chúa Giêsu là được kết hợp với Chúa Cha, được chia sẻ và thông phần sự sống siêu nhiên cũng như hạnh phúc viên mãn từ Chúa Cha. Sự kết nối này chính là mối hiệp thông thân tình giữa ta với Chúa. Nhờ hiệp thông với Chúa, chúng ta được chia sẻ sức sống thần thiêng của Người, được biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa, để rồi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Chúa Giêsu sống trong tôi”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về thái độ sống của mỗi người, với tư cách là tín hữu. Quả vậy, có những lúc chúng ta giống như cành nho bị lìa khỏi thân cây, vì chúng ta dửng dưng đối với Thiên Chúa. Một khi không còn gắn kết với thân nho, chúng ta cũng lìa xa các cành nho khác là anh chị em đồng loại. Không liên kết với Thày Giêsu, chúng ta cũng khó mà liên kết với tha nhân. Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh đến điều này, khi đặt tình yêu thương lên hàng đầu của các thực hành Kitô giáo (Bài đọc II). Khái niệm “ở lại trong Chúa” cũng được tác giả nhấn mạnh: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ”. Đây là sự hòa quyện giữa tâm hồn chúng ta với Chúa Ba Ngôi, nhờ việc Ngài đến ở trong chúng ta, như chúng ta được ở trong Ngài. Theo Thánh Gioan, ở lại trong Chúa còn là trung thành tuân giữ những lời Người truyền dạy. Nhờ việc tuân giữ lời Chúa, chúng ta được tiếp nối sự sống siêu nhiên, như chất nhựa sống thiêng liêng tuôn chảy từ thân nho đến với mọi cành nho, làm cho cành sinh hoa kết trái.
Cây nho muốn sinh hoa kết trái thì phải được cắt tỉa hằng năm. Sự cắt tỉa ấy làm cho cây rỉ máu vì đau đớn, nhưng thật cần thiết, vì nếu không cắt tỉa, cây sẽ cằn cỗi, vô dụng. Mỗi năm, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, các tín hữu cũng được mời gọi chết đi với con người cũ để sống lại với Đấng Phục Sinh. Sự “chết đi” ấy không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng là những hy sinh cố gắng để vác thập giá cuộc đời, để được gắn bó hơn với Đấng đã hy sinh đến cùng vì yêu thương chúng ta.
Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình. Từ một người hăng say tìm giết các tín hữu, cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu trên đường đi Đa-mát đã làm thay đổi cuộc đời ông và biến ông thành một nhân chứng trung kiên loan báo Tin Mừng. Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho thấy Phaolô đã sớm hòa nhập với các tông đồ để thực hiện sứ mạng Chúa trao phó. Ông sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đe dọa tính mạng để làm chứng cho Chúa (Bài đọc I). Ông thực sự gắn bó với Đức Giêsu, đến nỗi sau này ông viết: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà làĐức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).
Thông thường, chúng ta không thấy chất nhựa sống trong thân cây. Cũng vậy, chúng ta không nhìn thấy Đấng Phục sinh bằng con mắt giác quan. Giáo Hội sống động, lớn lên và phát triển là nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội được so sánh như cây nho vĩ đại. Cành của cây nho ấy bao trùm trái đất, và đang không ngừng sinh hoa kết trái. Mỗi cá nhân người tín hữu là một cành nho, vừa hiệp thông với Chúa Giêsu là cây nho, vừa hiệp thông với anh chị em mình, liên đới cộng tác với nhau để đem hoa thơm trái ngọt cho đời. Nhờ liên kết với nhau, chúng ta giới thiệu một hình ảnh sinh động tươi đẹp về Giáo Hội của Chúa Kitô. Thánh Gioan khuyên chúng ta: “Anh chị em đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm cụ thể”. Đúng vậy, tình yêu chân thật sẽ vững bền và có sức lan toả đến mọi môi trường cuộc sống. Tình yêu ấy cũng phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân hậu và là nguồn mạch yêu thương.
ĐTGM. Vũ Văn Thiên

SUY NIỆM 4: THÂN NHO VÀ CÀNH NHO – Lm. Giacôbê Tạ Chúc

  

Bất cứ lòai cây cỏ nào, muốn sinh trưởng và phát triển tốt, thì cần:” Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Ở môi trường và điều kiện thuận lợi, cây sẽ cho nhiều bông hạt. Nếu sống ở đất nước Việt Nam, chắc Chúa Giêsu sẽ dùng hình ảnh cây lúa, cây ngô, cây mì, cây thanh long… thay vì là cây nho.
Người nông dân xứ sở Palestina chắc không xa lạ gì với nghề trồng nho và ép rượu. Cây nho muốn tốt tươi thì cần chăm bón và cắt tỉa. Cành nho muốn có sức sống tràn trề thì không có cách nào khác hơn là gắn liền với thân nho. Thực tại tự nhiên là thế, thực tại siêu nhiên cũng vậy. Đức Giêsu dùng hình ảnh thân thuộc này để diễn tả một Mầu nhiệm Hiệp thông trong Nước trời. Ngài sánh ví Ngài là cây nho, còn các môn đệ là cành:” Thầy là cây nho, anh em là cành”( Ga 15, 5a). Cành chỉ sống được khi tháp nhập vào thân cây, nếu không cành sẽ chết.
Các môn đệ cũng vậy nếu không kết chặt vào thân mình của Chúa Giêsu thì như cành nho sẽ khô héo:” Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho”( Ga 15, 4b). Muốn cành nho ra trái nhiều thì người nông dân cần cắt tỉa, cắt đi những cành sâu bệnh, cắt để cành cây cho ra nhiều cành mới, vào ngày mùa kết quả sẽ gấp bội. Khi chịu để cắt tỉa, chắc chắn cành nho phải trải qua nhiều đau đớn, máu từ nhựa cây sẽ tuôn trào. Người nông dân cũng hiểu được điều này, nhưng đây là cách tốt nhất để giúp cây nho được sai trái.
Người môn đệ theo Chúa Giêsu cũng phải chịu “cắt tỉa”, để nên đồng hình với Đức Kitô Phục sinh. Cắt tỉa những thói xấu, tội lỗi và những đam mê trần thế. Những chướng ngại ngăn trở người môn đệ trên đường nên Thánh, chúng như những ung nhọt, cần bác sĩ giải phẫu để thân thể mạnh khỏe hơn: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa” (Ga 15, 1-2). Các môn đệ được ở lại trong tình yêu của chúa, họ sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong từng giây, từng phút. Mối liên hệ thẳm sâu này được Thánh sử Gioan sánh ví như cành nho gắn liền với cây nho.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài chính là hơi thở của chúng con. Tình yêu Ngài cao vời không gì sánh bằng. Ngài là nguồn sống, từ nơi Ngài ân sủng được trao ban, sự sống được tác thành. Mỗi ngày chúng con đón nhận sự sống đầy sung mãn của Thân mình Chúa Giêsu, trong Bí tích Thánh Thể, lương thực vĩnh cửu cho xác hồn mỗi người.                               
Lm Giacôbê Tạ Chúc

SUY NIỆM 5 : KẾT HỢP VÀ SINH HOA TRÁI – Lm. Nguyễn Hữu An


Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói đến sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa. Cành nho phải gắn vào thân nho để sống và sinh hoa trái.
Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Mỗi người phải “ở lại trong” Thầy, bởi vì: “Không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 14,5).
Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Thiên Chúa nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Cành nho gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống trong thân cây lưu chuyển, cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường nên thánh.
Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiep mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Bài đọc 1, kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trơ thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 3, 20).
“Đức Kitô sống trong tôi”nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc 2: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ơ trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai đi lạc lối. Con ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.
“Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã song chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
“Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Moi liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Từ đó, trở nên chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta là oc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để vánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, và là miệng để nói những lời bác ái ủi an (ĐHY 341).
Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

SUY NIỆM 6: Ở LẠI TRONG CHÚA


Chắc chắn bài Tin mừng hôm nay đã khá quen thuộc với nhiều người, và có lẽ cũng không quá khó để ta hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua hình ảnh “cây nho thật”. Cành phải gắn liền với thân cây như một điều kiện tất yếu để sinh tồn. Cây cung cấp nhựa sống và dưỡng chất để cành đơm bông kết trái là quy luật tự nhiên của các loài thực vật.
Chúa Giêsu muốn chúng ta dựa trên hình ảnh ấy để xác định lại tương quan giữa một người kitô hữu với Chúa là cần thiết như thế nào.
Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều mối tương quan: tương quan trong gia đình, tương quan trong công việc, tương quan bè bạn, và tương quan hàng xóm láng giềng. Có lẽ tất cả các mối tương quan trên đều rất quan trọng với mỗi người.
Bởi vì có người chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ hạnh phúc gia đình; có người đầu tư rất nhiều công sức, tiền của và thời gian để giữ các mối trong công việc làm ăn; có người chấp nhận nhịn nhục để giữ tình nghĩa bạn bè, tình làng nghĩa xóm.
Vậy còn với Chúa thì sao? Chúng ta đầu tư được bao nhiêu để giữ mối tương quan giữa mình với Chúa?
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài để cuộc đời sinh nhiều hoa trái. Người ta cứ đặt vấn đề tại sao thế giới hôm nay lại đầy dẫy hận thù, chiến tranh, và chết chóc? Người ta cứ hỏi tại sao giới trẻ hôm nay lại sa vào các tệ nạn xì ke, ma túy, nạo phá thai hàng loạt…? Câu trả lời rất đơn giản: vì thiếu Chúa là đường là sự thật và là sự sống.
Tạ ơn Chúa vì phần anh chị em tín hữu nhận ra Chúa là lẽ sống và gắn bó đời mình với Ngài. Đó là một tín hiệu đáng vui mừng và cần phải gìn giữ. Mỗi người hãy cùng với Chúa cắt tỉa chính mình, là bỏ đi những thói hư tật xấu, và những đam mê quyến rũ bất chính; để cuộc đời của mỗi người được trổ sinh những hoa thơm trái ngọt là các việc lành phúc đức.
Nhưng điều mà chúng ta cần phải quan tâm nhất lúc này là thế hệ trẻ, là con em của chúng ta, là thế hệ tương lai của giáo xứ và Giáo Hội. Bởi các em đang trở thành nạn nhân của xã hội tục hóa này.
Chúng đang bị cám dỗ và muốn tách mình ra khỏi đường lối huấn lệnh của Chúa, để hòa mình vào các trào lưu phi luân lý của thời đại, và nghĩ rằng như thế mới là tự do. Như cành lìa cây, chúng đâu ngờ rằng, mình đang chết dần chết mòn trong tội.
Là những mục tử, là những người làm cha làm mẹ, chúng ta hãy cùng nhau cứu sống con em của chúng ta.
Hãy thường xuyên bảo ban, nhắc nhở, thậm chí là la rầy để các em quan tâm hơn trong việc giữ đạo và sống đạo, hãy làm những gì có thể để giúp các em gắn bó cuộc đời với Chúa; vì chỉ có những ai ở lại trong Chúa thì mới sinh được nhiều hoa trái thánh thiện.
Ước gì một khi chúng ta biết chăm lo cho đời sống đức tin của mình, thì cũng hãy biết chăm lo cho đời sống đức tin của con cái. Để chúng ta và cả con em chúng ta nữa trổ sinh được những hoa thơm trái tốt, nhờ luôn kết hiệp đời mình với Chúa Kitô
Cầu chúc mối tương quan của mỗi người với Chúa ngày thêm đậm đà thắm thiết. Amen.
Phương Black

SUY NIỆM 7 -Br. Vincent SJ

 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.

- Đức Giêsu nói với các môn đệ Ngài là cây nho thật. Chúng ta hãy để ý chữ thật. Trên đời này bây giờ thật giả lẫn lộn. Chính vì thế, Đức Giêsu đã từng nói Ngài chính là Sự Thật (Ga.16,6), Sự Thật giải thoát cho con người khỏi ràng buộc của tội lỗi.
- Đức Giêsu giới thiệu Cha cho các môn đệ. Cha là chủ của vườn nho, là người trồng nên cây nho Giêsu. Cha là nguồn gốc của Sự Thật. Đức Giêsu muốn các môn đệ biết gốc rễ của điều đó và sống hạnh phúc bên Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn còn những cản trở khiến cho con người không tiếp cận được với Sự Thật Tuyệt Đối. Cản trở đó đến từ lòng tham của con người, vì hám lợi mà sẵn sàng làm hàng giả, thực phẩm giả kể cả người giả nhằm chiếm đoạt và làm nguy hại sức khoẻ và tính mạng của con người. Tôi được mời gọi sống trong Sự Thật cách cụ thể ra sao?
Lạy Chúa, xin cho con yêu mến và sống trong Sự Thật Tuyệt Đối.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 8: NHƯ CÀNH LIỀN CÂY. – Trích “niềm vui chia sẻ”


Một trong những chất liệu cần thiết được sử dụng trong Thánh Lễ đó là rượu nho. Rượu nho này được làm thành từ trăm ngàn trái nho ép lấy nước và để lên men đến một nồng độ và chất lượng do Toà Thánh ấn định để được sử dụng làm rượu lễ. Rượu nho ở nước ta chưa đủ tiêu chuẩn để được phép sử dụng trong Thánh Lễ. Vì thế phải nhập khẩu từ các nước Âu Châu, như Pháp, Tây Ban Nha, những nước có truyền thống trồng nho từ lâu đời và chuyên môn sản xuất những loại rượu nho nổi tiếng thế giới. Rượu lễ chúng ta đang sử dụng được nhập khẩu từ Công ty De Muller, S.A. ở Tarragona, Tây Ban Nha.
Nhìn những vườn nho, ai không có kinh nghiệm trong nghề trồng nho chắc chắn phải tiếc xót khi thấy những cành nho bị cắt tỉa khỏi thân nho. Thế nhưng, đây là định luật cơ bản trong nghề trồng nho: có được cắt tỉa, cành nho mới sinh hoa kết quả. Vào tháng hai, tháng ba, người trồng nho cắt những cành nào thấy không thể sinh trái, nhiều khi để lại thân cây trơ trụi. Đến tháng tám khi nho đâm ngành trổ lá, ông lại tỉa hết những nhánh con, để những nhánh lớn có trái được sức sống của thân cây nhiều hơn..
Hình ảnh của vườn nho và cây nho là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh và thường được dùng để cảnh cáo, đe doạ, khiển trách dân Israel: Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế (x. ls, 1-7).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận là “cây nho thật” và “Chúa Cha là người trồng nho”, để xác minh rằng: đây là cây nho dại sinh trái chua lòm. Cây nho thật này do Chúa Cha trồng tỉa để đem lại hoa trái sự sống dồi dào: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh trái nhiều hơn”… “Thầy là cây nho, anh em là cành”.
Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và làm mồi cho lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là một mối quan hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà Thánh Phaolô gọi là Nhiệm Thể, hay là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một gốc nho. Cũng như nhựa sống giao lưu từ gốc nho đến các cành cây, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một gốc là Chúa Giêsu: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.
Một điểm khác cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là “cành nho phải sinh hoa trái”. Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn phải sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào. Những cành đó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa. Không sinh trái là bằng chứng không còn “ở trong Thầy”. Không còn kết hợp với Thầy, mặc dầu bên ngoài vẫn là một cây “xanh rờn”! Sinh hoa kết quả dồi dào mới trở thành người môn đệ thật của Thầy. Hình ảnh có thể làm cho chúng ta sửng sốt. Đâu phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan, nguội lạnh hay phạm những tôị tầy đình mới bị loại khỏi cộng đoàn của Chúa. Sự sống từ Chúa Giêsu chỉ có hai trạng thái: sinh trái hoặc không sinh trái, không có trạng thái thứ ba, hiểu theo nghĩa “cầm hơi”, “cầm chừng”. Người Kitô hữu trở thành môn đệ của Chúa Kitô bằng chính việc sinh nhiều hoa trái và Thiên Chúa được tôn vinh cũng bằng chính việc người Kitô hữu sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.
Thế nào là sinh hoa kết trái? Chúng ta có thể tìm thấy cây trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng, “sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Phải phục vụ lợi ích thật của anh em, thì mới nói được rằng chúng ta đang ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chỉ có tình thương yêu đích thực, thực từ trong lòng ra hành động, mới là tình yêu thương hiệp nhất, hiệp nhất chúng ta nên một với anh em, hiệp nhất chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô là “cây nho Chúa Cha trồng tỉa” để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.
Hình ảnh của sự cắt tỉa còn gợi lên một sự mất mát, đau đớn. Thế nhưng, mất mát dẫn đến thắng lợi, khổ đau dẫn đến vinh quang, sự chết dẫn đến Phục Sinh. Đó là bài học xuyên suốt cuộc đời, lời rao giảng và cái chết của Chúa Giêsu. Trong suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội đã tiến bước với niềm xác tín ấy. Nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu đã không ngừng nuôi sống Giáo Hội. Với cái nhìn đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất: Qua việc trở lại với những giá trị của Tin Mừng, với cốt lõi của Tin Mừng, Giáo Hội cởi bỏ được chiếc áo của quyền lực và hào nhoáng, để mặc lấy tinh thần phục vụ, khiêm tốn, đơn nghèo. Sự hoán cải của nhiều Kitô hữu trở thành con đường cho những người thành tâm thiện chí tìm gặp được Chúa Kitô. Giáo Hội sinh nhiều con cái là nhờ các chi thể của mình là những cành nho luôn được cắt tỉa.
Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh em. Đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu nào yêu thương mọi người anh chị em một cách chân thành, có hiệu quả bằng việc làm cụ thể, giúp đỡ, bảo vệ, xây dựng xã hội, đồng bào, đất nước… người Kitô hữu ấy mới thật là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây