SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B

Thứ sáu - 03/05/2024 05:02

 
 
 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B
Ga 15,9-17

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  
9Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 
11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

CÁC BÀI SUY NIỆM
  1. Suy niệm 1: Thiên Chúa Là Tình Yêu – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
  2. Suy niệm 2: Tình Yêu Mở Ra Và Trao Ban – Lm. Fx. Nguyễn Phạm Hoài Thương
  3. Suy niệm 3: “Như Thầy Đã Yêu” – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
  4. Suy niệm 4: Thiên Chúa Là Tình Yêu  - Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  5. Suy niệm 5: Phúc Nào Hơn Được Làm Bạn Với Chúa – Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
  6. Suy niệm 6: Yêu Như Thầy Giêsu – Lm. Antôn
  7. Suy niệm 7: Niềm Tâm Sự Của Chúa Giêsu  - Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
  8. Suy niệm 8: Yêu Mến  - Lm. Giuse Phạm Quốc Phong
  9. Suy niệm 9: Thầy Gọi Các Con Là Bạn – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 

Suy niệm 1: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Lời Chúa: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì, Thiên Chúa là tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương. Đó là dấu chỉ của người môn đệ Chúa:
Tình yêu Thiên Chúa tỏ ra,
Qua Con yêu dấu tên là Giê-su.
Chết đi để xóa hận thù,
Giao hòa nhân loại, nhịp cầu tương giao.
Đáp đền ơn nghĩa dầy cao,
Tin theo Lời Chúa đừng bao giờ ngừng.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta học được bài học yêu thương của Chúa bằng cách sống yêu thương anh chị em mình, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần gian. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh khải hoàn để đem ơn bình an và niềm vui ơn cứu độ cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy các môn đệ hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là suối nguồn tình yêu của Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Con người là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa. Hạnh phúc của con người là được mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Tình yêu của con người được kín múc từ nơi Thiên Chúa. Vì, chính Ngài là suối nguồn của tình yêu. Chính vì thế, con người được sinh ra trong trần gian này đã là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta không tồn tại như những cá thể độc lập mà hạnh phúc đích thực chỉ nảy sinh khi chúng ta được tắm trong suối nguồn của tình yêu thương. Vì vậy, lòng yêu thương con người là một trong những tố chất làm nên ý nghĩa cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.
Thưa anh chị em, Thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định với chúng ta: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7). Bởi vì, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trong trần gian để đền thay cho tội lỗi loài người bằng một hành động cao cả là hiến thân chịu chết trên thập giá. Đây là một hành động tột cùng của tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Tình yêu ấy, hôm nay qua Con Một của Ngài là Chúa Kitô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là phải yêu thương hết thảy mọi người không trừ ai, vì tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa. Lòng yêu thương con người đem lại hạnh phúc cho nhân loại, vì vậy chúng ta hãy dành tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người thật nhiều. Bởi yêu thương để sống, sống để yêu thương, đó mới chính là hạnh phúc cần có của con người. Nhất là trong thế giới hôm nay, chúng ta cần phải có lòng yêu thương nhiều hơn, yêu thương để học tập, yêu thương để cống hiến. Chỉ có yêu thương mới có thể xoa dịu những ngăn cách giữa người giàu và nghèo, những bất đồng nghi kỵ. Chỉ có yêu thương mới có thể gắn bó, cảm thông chia sẻ và đôi lúc phải nhẫn nhục, nhường nhịn để giải quyết những vấn đề bất đồng chứng kiến. Có như thế, chúng ta sẽ tạo ra một thế giới hòa bình, con người an vui và hạnh phúc. Yêu thương còn là động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc tốt hơn, có hiệu quả cao hơn. Ví như trong một gia đình, nếu mọi thành viên thật sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống thì chắc chắn sẽ tạo nên một không khí gia đình đầm ấm, yêu thương và hạnh phúc.
Chuyện kể rằng, một cậu bé bước vào tiệm giải khát, cậu hỏi: "Một hộp kem dâu bao nhiêu tiền hả chị?". Cô bán hàng trả lời "50 xu!". Cậu bé thò tay vào túi đếm, rồi rụt rè hỏi: "Vậy một ly thì bao nhiêu?". Đang có nhiều khách, cô bán hàng bực bội vì cậu bé hỏi tới hai lần, cô nói gắt: "35 xu!". Cậu bé ôn tồn nói: "Cho em một ly." Cô đem đến, đặt hóa đơn lên bàn rồi vội vã đi. Cậu bé ăn xong, bỏ tiền trên hóa đơn rồi về. Cô phục vụ đến lấy tiền và lau bàn. Cô chợt thấy hối hận và nghẹn ngào: cậu bé nghèo đã ăn ly kem chứ không ăn hộp kem để còn 15 xu thưởng cho cô.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câu chuyện trên đây muốn nói với chúng ta, nếu mỗi người chúng ta biết sống yêu thương với tất cả mọi người, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ tận tình sẽ là sự hân hoan và mang hạnh phúc đến cho người khác. Đó hoa trái mà Chúa Giêsu nói tới chính là phục vụ trong tình yêu. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy giáo dục buông lơi, đạo lý phai nhạt, tình người xuống cấp, bạo lực lan tràn, lừa dối có mọi nơi, nhân phẩm bị coi rẻ. Chúng ta cần phải lên án lối sống thiếu tình yêu thương, ích kỉ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Trong thế giới chúng ta đang sống, chiến tranh, hận thù, nghèo đói và cả cái chết đang diễn ra hằng ngày quanh ta. Chúng ta được mời gọi sống giới luật yêu thương dấn thân trong việc thực thi đức bác ái, góp phần xây dựng hoà bình đích thực, ngõ hầu làm tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của con người.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Xin cho chúng con biết thực thi lệnh truyền của Chúa, sống yêu thương như Chúa đã yêu thương để kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho mọi người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang. 

SUY NIỆM 2: TÌNH YÊU MỞ RA VÀ TRAO BAN

Bài đọc 1 trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại cho chúng ta câu chuyện mang một ý nghĩa rất lớn  đối với việc “Thiên Chúa muốn cứu độ hết thảy mọi người”.
Thật vậy, thánh sử Luca thuật lại: ...Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”. Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc... (Cv 10,34-35.44-48)
Vâng, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một để những ai tin vào Người Con thì được sống. Chúa Giêsu trở nên là một Tình Yêu không giới hạn, một Tình yêu được mở ra để đón nhận hết thảy mọi loài thụ tạo. Tình Yêu đó đã được cụ thể hóa và đạt đến tột đỉnh chính qua cuộc Tử nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15,12-13).
Lời mời gọi cũng là lệnh truyền, nên các môn đệ Chúa Giêsu đã mau mắn thi hành, áp dụng trong đời sống cộng đoàn “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.
Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47). Tình yêu thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên rằng: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào”.
Tình yêu thương đó còn được thể hiện qua chính sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ trước khi Người được Rước Lên Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ...” (Mc 18,15-16). Vâng, đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai, một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người được hưởng ơn cứu độ. Tình yêu đó đã mở ra sự sống và niềm hy vọng cho hết mọi loài.
Thánh Gioan trong bài đọc thứ hai cũng mời gọi các Kitô hữu: Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. (1Ga 4,7). Thế nhưng, thực tế cho chúng ta thấy một sự thật của thế giới hôm nay và của chính bản thân mỗi người. Thực tế đó là: Nói yêu bao giờ cũng dễ, thế nhưng khi thực hành yêu thương người ta mới thấy hết những nét quyết liệt của lệnh truyền này. Ở quy mô hẹp của một gia đình, đã có những va chạm nhiều khi đưa đến ‘cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’, sứt mẻ, chia ly...; ở quy mô rộng hơn như một giáo xứ, lại cho thấy những đụng chạm có nguy cơ rơi vào đổ vỡ, bè phái...; rộng hơn nữa là quy mô của một xã hội, ở đó thường diễn ra cảnh huynh đệ tương tàn, chém giết, hận thù, chiến tranh… cũng chỉ vì tính nết ích kỷ, đầu óc hẹp hòi, nếp nghĩ giới hạn, tầm nhìn phe cánh…; cũng chỉ vì quyền lợi hay quyền lực của mình, để rồi nhắm mắt trước giới luật yêu thương.
Cho nên để con người hết là lang sói của nhau, không còn là hỏa ngục của nhau, thì lệnh truyền yêu thương nhau của Chúa Giêsu phải là một trăn trở thường xuyên trong cuộc đời của một Kitô hữu, và nhất là nó cần được đem ra áp dụng trong cuộc sống hàng ngày bằng quyết tâm sống yêu thương chan hòa. Có như vậy chúng ta mới đạt được niềm vui đích thực mà Đấng Phục Sinh đã đem lại:  “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. (Ga 15,9). Có sống được tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi, thì ơn cứu độ mới có thể đến tận cùng trái đất và các dân ngoại hân hoan ca tụng Chúa.
Mỗi thánh lễ là một hiện tại hóa về Tình Yêu cao cả nhất, qua đó Chúa Kitô tiếp tục hiến thân cứu độ muôn người. Xin cho mỗi người chúng ta được ngụp lặn trong suối nguồn Tình Yêu, để biết chân thành yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa. Xin cho Lời Tình Yêu vang lên trong mỗi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo xứ, để cuộc sống đức tin là một minh chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu.
Lm.Fx. Nguyễn Phạm Hoài Thương

SUY NIỆM 3: “NHƯ THẦY ĐÃ YÊU”

Các bài đọc phụng vụ hôm nay hướng về chủ đề: “Yêu thương”.
Thánh Phêrô nhìn nhận Cornêliô và cả gia đình ông đều là những người rất đạo đức và thực hành yêu thương. Cornêliô rất kính sợ Thiên Chúa và quảng đại cứu trợ. Vì thế, ông đã được Chúa nhìn tới (Cv 10,4) và được Thánh Thần ngự đến, sau đó Phêrô đã làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (Cv 10, 44.48).
Trong bài đọc hai, Thánh Gioan mời gọi: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-9).
Bài Tin Mừng tiếp nối Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về dụ ngôn cây nho và cành. Nhựa sống luân chuyển nuôi dưỡng cây nho và cành sinh ra hoa trái. Tình yêu từ cội nguồn Thiên Chúa chính là nguồn sống phong phú nuôi dưỡng và làm phát triển người tín hữu. Có ở lại trong tình yêu của Chúa mới sinh hoa kết trái: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.
Chúa Giêsu ban điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; x. Mt 8,26-27 // Mc 4,39-41 // Lc 8,24-25; Mt 28,19-20; Mc 1,25-27 // Lc 4,35-36; Mc 5,43 // Lc 8,56; Mc 9,25; Ga 15,12.17).
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn dạy phải yêu thương những người thân cận như chính mình. Những người thân cận là ai? Đó những người quen biết trong họ hàng, khu xóm, những người không thân nhưng có quan hệ với mình. Nói chung là những người mình quen biết trong cuộc sống.
Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn cho những người theo đạo cũ. Khái niệm người thân cận được minh họa qua câu chuyện người Samaritanô trên đường Giêricô xưa. Vì người bị cướp, bị đánh đập không phải là người đồng đạo, không phải là người quen biết, nên những luật sĩ, tư tế bỏ đi, không coi họ là người thân cận. Còn người Samaritanô là người ngoại, nhưng lại xem nạn nhân giữa đường như người thân cận với mình. Cái “mới” là ở chỗ đó. Yêu thương như Thầy đã yêu thương là yêu thương không loại trừ ai, không tính đến là lương hay giáo, quen hay không quen. Yêu thương cả những người nghịch lại với mình, chứ không phải chỉ chọn lựa yêu thương những người hợp với mình…”.
Chúa Giêsu gọi là điều răn mới và nhấn mạnh nơi chữ như “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.
Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài (x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban. Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Sự Rạng Ngời Chân Lý”Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy. (số 20).
Yêu “như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào?
Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
“Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”. Ngài là Thầy, là Chúa. Các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Ngài. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.
Cả cuộc đời của Chúa đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…
Tình yêu của Chúa Giêsu cao đẹp quá, quý giá vô ngần. “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu”. Lời này quả thật là quá khó đối với con người ! Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại. Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R.Tagore)
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho chúng ta được “ở lại trong tình yêu của Chúa”.
Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?
Vị tu sĩ đáp: có chứ.
Người thanh niên hỏi: Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được?
Vị tu sĩ đáp: Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.
Người thanh niên hỏi: nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?
Vị tu sĩ đáp: Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.
Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi: Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.
Vị tu sĩ đáp: Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.
“Anh em hãy yêu thương nhau”, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, thiết thực nhất để nhận ra ai là người thuộc về Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 4: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Khởi đi từ định nghĩa của Thánh Gioan và dựa vào Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16, phải chăng Tin Mừng của Chúa Nhật 6 Phục Sinh cũng là đề tài về “Tình yêu”. Nhưng tình yêu thì có muôn vàn cách để hóa giải, Xuân Diệu cũng đã có lần bất chợt thốt lên rằng:
“Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Con người thì không thể, nhưng Thiên Chúa thì có thể, bởi vì Ngài chính là Nguồn của mọi tình yêu. Là con người, ai cũng cũng biết yêu thương,chỉ trừ ra những người không còn khả năng, không có lý trí, hay bị mất trí, bị tâm thần… thì không biết yêu là gì, còn tất cả, bao lâu tim còn đập là bấy lâu con người vẫn phải yêu: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Khi nói như vậy thì có quá lắm không, vì những anh em theo các tôn giáo khác hoặc không theo một tôn giáo nào, họ đâu đã biết Chúa, vậy họ không biết yêu? Không hẳn như vậy, tình yêu cũng như những cơn sóng cuồn cuộn trong đại dương bao la bất tận. Nó cũng như những thác nước ầm ầm vượt mọi chướng ngại vật đổ xuống. Tình yêu là trừu tượng, nhưng con người là cụ thể. Người Hy lạp dùng động từ”Eros” để diễn tả tình yêu. Còn Kitô Giáo thì dùng động từ” Agapê”. Ở giữa hai từ này còn có từ” Philia.
Eros là tình yêu vụ lợi, là một sự ham muốn, một tình cảm lôi cuốn của người khác khi nơi họ có điều gì đó hợp với mình. Eros là một khát vọng, một sự thèm muốn để chiếm đọat. Eros như những nấc thang giúp con người đi từ thế giới khả giác đến thế giới tâm linh. Đức Thánh Cha trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu đã sử dụng động từ Eros rất nhiều lần. Còn philia là tình yêu vô vị lợi, thường dùng để chỉ tình bạn, tình bạn này chỉ căn cứ ở sự hợp tính nhau, nó giới hạn trong một số người. Còn tình yêu của người Kitô Hữu, nó có sức mạnh và vượt lên trên thứ tình cảm của eros và Philia. Đó chính là AGAPÊ, Agapê là tình yêu vô vị lợi, tự do và dựa trên sự tín nhiệm, không căn cứ trên sự hợp tính nhau. Người kitô hữu thương mến nhau không chỉ là bạn hữu, nhưng còn là chi thể, là anh em trong Chúa Kitô. Tình yêu này phổ quát, vì mọi người là chi thể của Chúa Kitô. Như vậy phải có yếu tố mến Chúa như là lý lẽ tối hậu của lòng yêu người. Người Kitô Hữu nhìn thấy Chúa trong con người anh em. Vậy đối tượng của đức mến là Thiên Chúa và anh em là tạo vật của người. Agapê không nằm trong sự chiếm hữu mà là sự cho đi. Thiên Chúa là tình yêu cho đi một cách trọn vẹn nhất. Tình yêu Agapê xuất phát từ Thiên Chúa, nó không đòi hỏi một sự đáp đền, Agapê là tình yêu dâng hiến hòan tòan và trọn vẹn cho tha nhân, tình yêu vô vị lợi. Chính tình yêu này(Agapê) đã làm cho Đức Giêsu chịu chết trên thập tự Giá để mang lại ơn cứu độ cho con người: “không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”(Ga 15, 13).
“Tình yêu chính là đặc thù của nhân bản con người”, ” Con người không thể thiếu tình yêu và con người được kêu gọi để trở nên những người có khả năng yêu”(Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu). Suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, triết gia KierKegaard viết:”Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất.
Lm. Giacôbê Tạ Chúc

SUY NIỆM 5: PHÚC NÀO HƠN ĐƯỢC LÀM BẠN VỚI CHÚA

Có người nói vui rằng Chúa Giêsu ở trên trời không có mẹ, không có anh em, không có bạn hữu. “Buồn quá”, nên Ngài đã tự nguyện nhập thể làm người để được làm con một người mẹ (Đức Maria), được làm anh em và đặc biệt là được làm bạn hữu với loài người. Nói thế cũng đúng phần nào nếu đặt trong bối cảnh của bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.
Quả vậy, Chúa Giêsu khi đến trần gian, Ngài không viết một tác phẩm nào, cũng không xây một ngôi nhà thờ nào. Nhưng Ngài đến để thiết lập một tương quan mới với con người, tương quan bằng hữu.
Dĩ nhiên tình bằng hữu của Chúa Giêsu đối với chúng ta vượt lên trên tất cả tình bạn tự nhiên của con người. Bởi vì tình bạn ấy được mặc cho một giá trị vô cùng cao quý nhờ cái chết hy hiến của Ngài trên thập giá: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình”.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại đưa con người vào trong tương quan tình bạn, chứ không phải là một tương quan nào khác?
Người ta nói rằng mọi thứ tình, kể cả tình yêu đôi lứa, khi phát triển đến mức hoàn hảo đều qui về tình bạn. Nếu đúng như vậy thì rõ ràng đây quả là một quà tặng, một diễm phúc lớn lao mà Thiên Chúa ân ban cho con người chúng ta. Không lớn lao sao được khi con người thân hèn phận mọn được cất nhắc lên địa vị ngang hàng với con Thiên Chúa. Không cao cả sao được khi kẻ thụ tạo yếu đuối tội lỗi được biết tất cả, tất cả chứ không phải chỉ 1/4 hay 1/2 những gì thâm sâu bí nhiệm của cõi thiên giới, như lời Chúa Giêsu quả quyết: “Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết”.
Từ đây, con người được được sống trong mối thân tình với Đấng hoá công, được trở nên đồng vai đồng vế với Con Thiên Chúa. Vì là bạn hữu mà! Được gọi danh Giêsu một cách thân thiết, danh mà cả triều thần thiên quốc phải kính tôn; được tâm sự với Ngài một cách thân thương và cởi mở đến độ không còn khoảng cách nữa.
Trước hồng ân cao vời đó, chúng ta được mời gọi sống thế nào, nếu không phải là luôn mặc lấy tâm tình cảm tạ tri ân. Cảm tạ Chúa Cha vì Ngài đã đưa ta vào trong tương quan tình bạn với Ngài. Tri ân Chúa Con vì Ngài đã để lại cho ta một kiểu mẫu tình bạn tuyệt vời, tình của người “hiến mạng sống vì bạn hữu mình”.
Chuyện kể rằng: Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoi, đang đi ngang qua đó. Tolstoi dừng lại, lấy tiền cho người ăn xin, nhưng không còn đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: “Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng mang theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà lớn nhất rồi”.
Chúa Giêsu không những gọi chúng ta là anh em, Ngài còn gọi chúng ta là bạn hữu, nghĩa là cho ta được trở nên ngang hàng với Ngài. Lẽ nào ta lại không có được tâm tình như người ăn xin trong câu chuyện trên?
Chúng ta còn được gọi mời sống thế nào nữa, nếu không phải là sống tốt tương quan tình bạn với Chúa Giêsu và với anh em mình. Sống tốt tình bạn với Chúa Giêsu, qua việc ở lại trong tình yêu của Ngài, tức là giữ các giới răn. Đồng thời để cho Lời của Ngài ở lại trong ta, cụ thể là năng tâm sự với Ngài và lắng nghe Lời Ngài. Sống tốt tình bạn với anh em, qua việc nổ lực yêu thương anh em bằng chính tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho ta. Được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là bạn hữu đúng nghĩa của Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 6: YÊU NHƯ THẦY GIÊSU

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, các bạn trẻ thân mến,
Ngày nay người ta nói rất nhiều về Tình yêu. Tình yêu được ca tụng trong mọi lãnh vực, từ phim ảnh, tiểu thuyết, báo chí, đến thi ca; và đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Bởi tình yêu luôn truyền cho con người nguồn cảm hứng và ý nghĩa để tiếp tục sống.
Nhưng nghịch lý thay, cũng chưa bao giờ con người lại sống thiếu tình yêu như ngày hôm nay. Hằng ngày trên các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về các vụ chém giết lẫn nhau, con cái hất hi cha mẹ, anh chị em ruột thịt kiện tụng để tranh giành đất đai. Mỗi năm có đến hàng chục ngàn thai nhi vô tội bị giết bỏ. Ngay cả vợ chồng từng thề non hẹn biển sẽ yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, ấy vậy mà hở một chút là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay, hở một tý là ly thân ly dị… Chắc không khó để mỗi người nhận thấy điều đó xung quanh cuộc sống của chúng ta.
Tại sao lại như thế thưa anh chị em? Tại sao ngày nay chúng ta nói nhiều về tình yêu nhưng lại không sống trọn vẹn được hai tiếng “yêu thương” ngọt ngào ấy?
Thưa, là tại vì chúng ta không nhắm đến một tiêu chuẩn nào để sống yêu thương. Chúng ta yêu thương chủ yếu dựa trên cảm xúc “lúc nắng lúc mưa”: vui thì yêu mặn nồng tha thiết-yêu chẳng biết điểm dừng, còn buồn thì lại lừng khừng hết yêu.
Đã đến lúc chúng ta cần dừng lại để lắng nghe lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Và “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình.".
Chúa Giêsu đã dùng mạng sống mình để minh chứng tình yêu chân thật mà Ngài dành cho nhân loại. Và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy làm một điều gì đó để chứng tỏ mình là những người thật sự biết yêu thương và yêu thương thật sự.
Tất nhiên có rất nhiều cách để chúng ta thể hiện tình yêu của mình dành cho người khác, nhưng đừng bao giờ thiếu hai điều này:
Thứ nhất, tình yêu là phải có hy sinh. Hãy nhìn vào các bậc sinh thành thì chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính này của tình yêu. Tin chắc không một người làm con nào dám phủ nhận sự hy sinh của cha mẹ dành cho mình. Các ngài hy sinh cho chúng ta như thế nào và hy sinh những gì, thì thiết nghĩ mỗi người đã biết quá rõ. Chỉ muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ một điều là, sự hy sinh đó phát xuất từ tình yêu phụ mẫu thưa các bạn.
Phận làm con, chúng ta được mời gọi tiếp tục hy sinh và hy sinh nhiều hơn nữa cho cha mẹ của mình. Bằng không, tình yêu của chúng ta dành cho các ngài chỉ là một tình yêu rỗng tuếch.
Thứ hai, yêu là phải tha thứ. Một tình yêu đúng nghĩa không bao giờ đòi hỏi sự công bằng, cũng không bao giờ ganh đua thua thiệt. Một tình yêu đúng nghĩa thì luôn chiến thắng những lỗi lầm của người khác để thứ tha … Và thiết nghĩ những ai đã là vợ là chồng cần đặc biệt lưu ý điều này. Hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau khi người này làm điều gì có lỗi với người kia. Những lúc như thế, chúng ta hãy để cho tình yêu thuở ban đầu hướng dẫn mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bằng không tình yêu mà bấy lâu nay vợ chồng dành cho nhau chỉ là một tình yêu ích kỉ.
Hôm nay chúng ta học yêu thương như Chúa Giêsu. Chúng ta hãy bắt đầu trong hai mối tương quan nghĩa thiết nhất đối với mỗi người, đó là tình yêu giữa cha mẹ và con cái, và giữa vợ chồng với nhau. Điều quan trọng là trong khi thể hiện tình yêu ấy đừng bao giờ quên hy sinh và tha thứ cho nhau. Rồi chúng ta cũng hãy sống yêu thương như thế với anh chị em mình
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng sẵn sàng hy sinh và tha thứ cho tất cả chúng ta, giúp mỗi người sống được trọn vẹn 2 tiếng “yêu thương”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 7: NIỀM TÂM SỰ CỦA CHÚA GIÊSU

Lệnh truyền của Chúa Giêsu là một lời tâm sự của người yêu nói với người yêu, đó là: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9).
Lệnh truyền này không mang tính nghiêm khắc nhưng là trao ban, là chia sẻ hạnh phúc của tình yêu. Chúa Giêsu đã nâng các tông đồ lên ngang tầm với mình, Ngài nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, Thầy gọi các con là bạn hữu”. Từ hàng tôi tớ trở nên bạn hữu là sự cách nhau một trời một vực. Người tôi tớ không được phép biết việc chủ làm; người tôi tớ chỉ biết hầu hạ. Ngược lại, bạn hữu là người chia sẻ, là người đồng hành. Nhưng từ tôi tớ lên bạn hữu, con người đâu có thể thực hiện được, nếu không phải là chính Thiên Chúa nâng con người lên. Vậy lý do nào để Chúa Giêsu kết luận điều này? Ngài giải thích: “Vì tất cả những gì Cha Ta nói với Ta, Ta cũng tỏ cho các con biết” (Ga 15, 15). Chúa Giêsu đã không dấu điều gì. Đó là tiếng nói của người yêu để trao cho các tông đồ và qua các tông đồ tiếng nói của Chúa Giêsu đến với toàn thể Hội Thánh, đến với toàn thế giới về một sứ điệp Tình yêu dành cho tất cả mọi người, rằng: “Thiên Chúa yêu thương con người và yêu đến tận cùng”.
Tại sao lại gọi là “Yêu đến tận cùng”? Vì lời mời gọi của Chúa Giêsu đã nêu rõ “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Ở lại trong tình yêu của Thầy có nghĩa là Chúa Giêsu gìn giữ, Chúa Giêsu thánh hóa. Chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta nên bạn hữu với Thầy. Trò lại được gọi là bạn hữu. Tất cả những điều này là đặc tính của tình yêu. Tình yêu đích thực không tính toán, luôn đi bước trước, quảng đại cho đi và chấp nhận tất cả. Chúa Giêsu đã không đòi một điều kiện nào, ngoại trừ một yếu tố duy nhất là “Các con hãy giữ lệnh truyền của Thầy”(Ga 15,10). Và lệnh truyền của Thầy rất ngắn gọn, đầy đủ mà không ra ngoài tình yêu. “Điều Thầy truyền là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 15,17).
Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa mà còn trao cho chúng ta một mẫu gương để chúng ta “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”(Ga 15,12). Với một tiêu chuẩn và cách thức trên, Đức Giêsu đã tự hạ mình xuống để trao ban cho con người những gì là cao cả nhất của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên, trao ban cho con người là Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng với Ngài. Chúng ta không hiểu theo nghĩa tuyệt đối việc Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của loài người để diễn tả. Gọi là bạn hữu, có nghĩa là nâng lên ngang hàng, để đồng hưởng một tình yêu như Đức Giêsu là đầu nói với thân mình, hay như Đức Giêsu là chồng nói với Hội Thánh là hiền thê. Vậy còn gì nữa mà Ngài không cho chúng ta giá trị của một tình yêu đích thực? Còn gì nữa để chúng ta dám đòi hỏi? Cho nên, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền hôm nay không phải là một mệnh lệnh nghiêm khắc nhưng chúng ta khẳng định lại một lần nữa, đó là một niềm tâm sự.
Một niềm tâm sự của một người đã cho người mình yêu đến tận cùng. Đây cũng là tiêu chuẩn để trắc nghiệm: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng vì người mình yêu”(Ga 15,13). Đức Giêsu đã cho đến tận cùng. Cho Máu, cho Nước từ Trái Tim Ngài chảy ra; cho quyền năng của Thiên Chúa hạ cố đến viếng thăm con người. Cho tình yêu đích thực của Thiên Chúa đến với một tình yêu bất trung, bội phản và hay thay đổi của con người. Cho hạnh phúc vĩnh cửu đi vào trong thế giới của con người. Một hạnh phúc của con người nay còn, mai mất nay lại được đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời đời. Chẳng lẽ, chúng ta không thấy tất cả những điều ấy là một huyền nhiệm sao? Chúng ta không thấy đó là một đặc tính đích thật của tình yêu, trao ban, hiến thân hay sao? Vì vậy, chúng ta không còn gì để nói, không còn gì để đòi hỏi mà chỉ còn lãnh nhận với lòng biết ơn. Và lòng biết ơn đó là gì? Là hãy sinh hoa trái cho Thiên Chúa. Hoa trái ấy không phải là tự chúng ta làm được nhưng là hoa trái mà Chúa sẽ ban cho, chúng ta đừng để hư mất. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn tiên liệu trước cho chúng ta trong những gì vượt quá khả năng của con người, Ngài căn dặn: “Những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con”(Ga 15, 16). Vì vậy, hãy lấy danh Đức Giêsu Kitô để xin và Thiên Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta.
Điều mà Chúa Giêsu tâm sự: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” và “ở lại trong tình yêu của Thầy”, chính là để bảo vệ và nâng đỡ. Thế nên chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Với tất cả điều này, người Ki tô hữu hôm nay không còn gì phải phàn nàn, không còn gì phải lo âu hay sợ hãi. Họ được từng bước mời gọi, họ được từng bước trao ban. Chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày, không phụ tình yêu thương của Chúa:
– Hãy biến những trìu tượng thành thực tế;
– Hãy hiện thực hóa khái niệm về một tình yêu cao vời và siêu nhiên;
– Hãy thực hành trong chính những người thân yêu của gia đình, những người bé mọn trong xã hội để chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa đã được thể hiện trong đời sống của mỗi người chúng ta;
– Hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng việc chúng ta đối xử với nhau theo gương của Đức Giêsu Kitô đã yêu và đã ban trao.
Một lần nữa, Chúa lại cho chúng ta một đơn vị, một mô hình thực tế nhất và dễ dàng nhất để chúng ta thực hiện mỗi ngày, đó là YÊU THƯƠNG NHAU. Với tiêu chí đó, chúng ta sẽ không thiếu bất kỳ một cơ hội nào, chúng ta không thiếu một giây phút nào, vì lúc nào chúng ta cũng có thể yêu thương nhau. Và đó cũng sẽ là những nét đặc trưng để chúng ta đáp lại tình yêu cao vời và nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúng con chỉ còn biết im lặng, để tôn thờ và yêu mến Chúa. Vì Chúa đã dùng tất cả quyền năng và thượng trí, để trao cho chúng con một tình yêu lớn lao.
Xin cho chúng con biết thực hành trong đời sống mỗi ngày, với Chúa và với nhau, để chúng con không phụ tình yêu thương muôn đời của Chúa, để cho mỗi người chúng con được ở lại trong tình yêu Chúa đến muôn đời.
Xin cho mỗi người chúng con khi được lời Chúa hứa, là được bảo đảm cho sự sống đời đời. Và trong tình yêu ấy, chúng con cũng sẽ hy vọng được gặp lại nhau như Chúa đã yêu chúng con và chúng con được ở lại trong tình yêu Chúa muôn đời. Amen.

 Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

SUY NIỆM 8: YÊU MẾN

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11)
Một ước muốn duy nhất và cũng là điều hạnh phúc nhất trong sâu thẳm con tim của mỗi người chúng ta, không có gì khác, đó chính là “yêu” và “được yêu”. Điều này đúng ngay cả đối với những người cứng cỏi và nguội lạnh nhất, những người bị đang bị tổn thương cũng như những người đang trong thất vọng, những người bi quan và mỏng giòn, ước muốn “cho đi” hay “lãnh nhận” “Tình Yêu” này hiện diện trong mỗi chọn lựa và trong từng nỗi đau đớn của chúng ta. Chúng mong ước yêu thật nhiều và được yêu thật nhiều, và rồi chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta không đạt được ước muốn đó: “yêu và được yêu”, mặc dù chúng ta đã cố gắng tìm đủ mọi cách thức để có được nó. Vậy thì làm cách nào chúng ta có thể yêu và được yêu?
Tin Mừng hôm nay của Thánh Gioan trả lời cho chúng ta rất rõ ràng câu hỏi ở trên. Tình yêu trước tiên đó là một tiến trình đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận để được yêu, ở lại trong tình yêu mà mình khám phá ra. Tình yêu do đó, trước là “ý thức” và rồi “cảm nhận”, sau đó “rung cảm” rồi đến “cảm xúc”. Chính những đặc tính đó làm thước đo cho tình yêu như thánh Tông đồ đã chỉ cho chúng ta. Chúng ta, và nhất là người trẻ ngày nay, thường hay hiểu lầm từ ngữ “Tình yêu”. Tình yêu không chỉ là “đam mê” và “dấn thân vào đam mê đó”, nó không chỉ là hương thơm của hoa Violet hay “niềm hạnh phúc vô tận”, nó không chỉ là “cảm nhận mình có giá trị” và được người nào đó “tìm kiếm” (một người tình, một người con, hay một người bạn). Tình yêu còn phải mang những thuộc tính: cụ thể và thực tại, mỗi ngày một cách đều đặn, mệt mỏi và lao nhọc, trung thành nhất là trong lúc khó khăn và thử thách, và có khỉ là “cuộc khổ nạn”. Tất cả những thuộc tính này, chúng ta đều tìm thấy nơi “Con Người” Giêsu một cách trọn vẹn.
“Hãy để cho chúng ta được yêu!” nhưng bằng cách nào? Thông thường tình yêu của chúng ta bị gián đoạn, có khi bị hủy diệt bởi sự chậm trễ hay đóng kín cõi lòng chúng ta, hoặc bởi sự mệt mỏi và tội lỗi của chúng ta. Tất cả những thứ này làm chúng ta mệt mỏi và xấu hổ với chính mình, sợ hãi và ngại ngùng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta: hãy để cho chúng con được yêu, hãy để cho lòng Nhân Từ của Cha đến được với chúng con, hãy để cho Tình yêu của Cha đến và ở lại với chúng con trong sự quan phòng và sự hiện diện của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở nhiều lần với chúng ta: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta, chỉ có chúng ta mới mệt mỏi khi phải đi hòa giải với Ngài mỗi khi chúng ta phạm tội, rằng lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa là Vô hạn lượng”. Và một cách tất yếu rằng: Tình yêu sẽ biến đổi chúng ta.
“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu mong muốn niềm vui, một niềm vui đích thực, một niềm vui tròn đầy. Kitô giáo là một tôn giáo của niềm vui: niềm vui vì càm nhận mình được yêu và có khả năng yêu. Có thể rất nhiều lần, chúng ta đã để mình đi vào con đường của sự buồn chán, lo lắng hay rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Những khó khăn, những vấn đề rắc rối, sự yếu đuối, sự đau khổ làm cho chúng ta chao đảo, và có khi làm chúng ta ngã quỵ. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi để phản tỉnh: “vậy chúng ta được gì, nếu cứ mãi ở lại trong sự đau khổ và buồn bã đó”? Thiên Chúa sẽ biến đổi “sự than khóc của tôi thành điệu ca”, nghĩa là Ngài biến đổi và ban cho chúng ta niềm vui đích thật. “Hãy đến với Ta hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho…” lời mời gọi yêu thương đầy thông cảm của Chúa Giesu phải là một lời nhắc nhở mỗi khi chúng ta cảm thấy chùng chân mỏi gối trên đường lữ thứ trần gian, và Lời ấy chính là Ngài, một Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với mỗi người chúng ta, một Thiên Chúa luôn cảm thông và tha thứ luôn luôn cho chúng ta, bởi vì Ngài muốn: “để niềm vui của anh em được nên trọn”.

Lm. Giuse Phạm Quốc Phong

SUY NIỆM 9: THẦY GỌI CÁC CON LÀ BẠN

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật thứ VI Phục Sinh trước lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong các Chúa nhật trước, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình là Mục Tử Nhân Lành, là cây nho thật, chúng ta là cành phải kết hợp với cây. Nhưng hôm nay, Người cho chúng ta thấy một Trái Tim rung động đầy tình yêu.
1. Tình yêu không biên giới
Trong Trái Tim này tất nhiên chúng ta chỉ thấy tình yêu. Tình Yêu là mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu. Tình yêu là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Các bản văn của Gioan (1 Ga 4,7 – 10; Ga 15,9 – 17) mạc khải rõ: “Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16) người ấy sẽ sinh trái.
Từ tạo dựng đến cứu chuộc, Thiên Chúa làm tất cả vì tình yêu. Chúa đợi chờ chúng ta đáp trả bằng tình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta làm một cuộc xuất hành nội tâm tình yêu đi từ chính mình qua con người của mình bằng cầu nguyện với trái tim lắng nghe, vứt bỏ sau lưng những gì không cần thiết khiến chúng ta mất đi điều tối cần là: Thiên Chúa và tình yêu của Người.
Chúa Giêsu thật là có lý khi dạy chúng ta: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (x. Ga 15,12.17). Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Con Thiên Chúa đã trở nên mẫu mực, nguyên tắc, nguồn suối và thước đo, để chúng ta yêu: “Như Thầy đã yêu mến các con”. 
Một trong những hoa trái của tình yêu là niềm vui: “Thầy nói với các con điều ấy để niềm vui của Thầy ở trong các con” (Ga 15,11). Nếu cuộc sống chúng ta không chiếu tỏa được niềm vui của đức tin, nếu chúng ta để cho những phiền toái choáng ngợp lòng chúng ta khiến chúng ta không nhận ra Chúa đang ở đó, là vì chúng ta không biết Chúa Giêsu cho đủ, chưa yêu “như Chúa”.
Tình yêu của Thiên Chúa là không biên giới. Người đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Dù bạn hữu không hiểu Chúa, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Người. Ðiều này nói với chúng ta rằng Người yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!
2. Tên mới của các môn đệ là: BẠN
Thiên Chúa là người chủ động. Người khẳng định: “Chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Chúng ta luôn bị cám dỗ để tin rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong thực tế, chúng ta chỉ là người đáp lại tiếng Chúa gọi. Người đã chọn chúng ta một cách nhưng không để trở nên “Bạn”:  “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa (…) Thầy gọi các con là bạn” (Ga 15,15).
Ban đầu, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Ađam như một người bạn nói với bạn mình. Đức Kitô, Ađam mới, đã lấy lại và không chỉ gọi chúng ta là bạn nhưng là bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu: “Như Thầy đã yêu các con”. Trong tình yêu của Chúa Giêsu, chiều kích nhưng không là nền tảng và tình yêu của chúng ta phải có. Yêu như Chúa là phải yêu nhưng không. Tình yêu của Chúa không có sở hữu. Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta làm cuộc xuất hành tình yêu hướng về người khác. Dâng tặng tình yêu thương cho anh em và đáp lại tình yêu của Chúa để trở nên BẠN.
3. Tình yêu hỗ tương: tình bạn
Nói đến tình bạn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự có đi có lại trong tình yêu. Vậy, trong nghĩa nào thì tình bạn khác với tình yêu? Tình bạn là một tình yêu hỗ tương. Theo thánh Augustinô, tình bạn là có đi có lại, nhưng không có tính toán vì không có sự giả vờ trong tình bạn thật.
Sự tương hỗ Kitô giáo được sinh ra từ sự nhưng không, không có nghĩa là “dịch vụ chưa thanh toán, hay làm mà không cần lý do”, nhưng được thi hành với lý do cao cả: tình yêu được sinh ra bởi đức tin.
Tình yêu Kitô giáo là sự đảo nghịch, nhưng không đối xứng: cho và nhận không cùng đẳng cấp. Tin Mừng về sự có đi có lại không đơn giản chỉ là một sự đổi chác. Nếu chúng ta chỉ yêu đến mức trao đổi, đây không phải là tình yêu đích thực. Và nếu chỉ vì chúng ta cho mà chúng ta được yêu, thì đây không phải là ta được yêu thực sự. Chỉ những ai hiểu được sự nhưng không tự nhiên này, mới có thể hiểu được Thiên Chúa và chính mình. Con người với hình ảnh giống Thiên Chúa, được tạo dựng và trao ban nhưng không. Đây là cách còn người tìm thấy sự thật của chính mình và thể hiện bản thể mình là giống “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Đặc tính của mối liên hệ tình bạn này tối thiểu có ba điều: hoàn toàn hiến thân (“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”) (Ga 15,13); Tín nhiệm  (“Ta đã giao phó cho các con tất cả những gì Ta đã nghe được từ nơi Cha Ta”); lựa chọn ơn gọi là tiền định nhưng không (“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”) (Ga 15,16).
Tất cả có thể tóm gọn trong từ: “YÊU”. Người Thầy nhân lành yêu cầu chúng ta làm việc bác ái như là một điều răn duy nhất có thể. Không có bác ái, tất cả đều không không vậy. Thực tế, Đức ái phải dẫn con người tới các nhân đức khác để làm cho con người tốt.
Là những người thừa hưởng sự ưu đãi này, các môn đệ được “nâng lên” làm BẠN của Thiên Chúa: “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” Nó có nghĩa gì? Rất đơn giản, có nghĩa là chúng được Chúa Kitô yêu mến và nếu tình yêu là một cuộc xuất hành ra khỏi chính mình, chúng ta phải ra khỏi chính mình và đặt mình vào trong Trái Tim Chúa và sau đó tự hỏi Chúa yêu thương chúng ta thế nào và Chúa đợi gì, chúng ta làm như Chúa: yêu mến người khác như Chúa yêu mến chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây