SUY NIỆM THỨ 2 TUẦN VI PHỤC SINH
(Ga 15, 26-16,4a)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
26Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
1Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.
3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.
SUY NIỆM 1: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý. Hai chức năng quan trọng và rất cần thiết cho thời đại chúng ta.
Chúng ta cần Đấng Bảo Vệ vì chúng ta không ngừng bị tấn công. Mà không có phương tiện gì chống trả hay tự vệ. Chúa Giê-su đã từng bị tấn công rồi. Sau đó Giáo hội liên tục bị như thế. Bắt bớ 3 thế kỷ ở Rô-ma. Bắt bớ 3 thế kỷ tại Việt nam. Ngày nay các thừa sai vẫn bị giết. Nhiều cộng đoàn Kitô hữu vẫn bị ngược đãi. Ngày nay các cuộc tấn công còn tinh vi bạo tàn hơn nữa. Vì không tấn công thể lý nữa, nhưng tấn công luân lý. Người ta tố cáo Giáo hội ngược đãi trẻ em. Trọng nam khinh nữ. Ràng buộc lương tâm khiến con người không được hạnh phúc…
Chúng ta cần Thần Chân Lý vì kẻ tấn công nguy hiểm nhất chính là sự gian dối. Những đánh tráo khái niệm. Những từ ngữ hoa mỹ phỉnh gạt. Phá thai thì gọi là pro choice. Tôi có quyền lựa chọn nhưng sao không cho bào thai có quyền được sống.
Sự thật trần gian đã khó biết. Sự thật Nước Trời còn khó nhận hơn. Và Chúa kêu gọi chính chúng ta phải cùng với Thần Chân Lý làm chứng cho sự thật. Sự thật về Thiên Chúa, về Nước Trời có thực sự chiếu tỏa nơi ta hay không? Ta có sống thật vui tươi vì cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời trong một đời sống quên mình, nghĩ đến người khác không?
Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã sống sự thật theo Thần Chân Lý. Nên thánh Phao-lô không còn tha thiết gì với những gì xưa kia ngài coi là lợi lộc nữa. Sau khi gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngài chỉ còn biết một mình Chúa và coi đây là mối lợi lớn lao nhất. Ngài đi tìm dấu vết những người tin Chúa để cùng hợp đoàn với họ. Ngài không còn sống theo xác thịt nữa, chỉ theo Thần Chân Lý hướng dẫn.
Bà Ly-đi-a cũng để cho Thần Chân Lý hướng dẫn nên gặp được Phao-lô, gặp được Lời Chúa. Từ đó bà không coi trọng việc buôn bán vải điều nữa. Nhưng dành hết tâm trí sức lực vào đức tin, thực hành đức bác ái, mong được đón tiếp các tông đồ, phục vụ anh chị em.
Ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần đến trong ta và trong xã hội hôm nay. Ta hãy kiên quyết sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Sống và Bảo vệ Chân Lý.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM 2:
Sứ điệp: Kitô hữu là người được kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người trong mọi nơi mọi lúc. Chính Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ và an ủi chúng ta trong sứ mạng làm chứng này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa bị bắt và bị đóng đinh, các môn đệ yêu dấu đã bỏ trốn. Các ngài không có đủ can đảm theo Chúa để biện hộ cho Chúa, các ngài đã trở về nhà tìm nơi an thân ẩn náu. Và ngay cả khi Chúa sống lại, hiện ra và cùng ăn uống với các ngài, các ngài vẫn chưa vững vàng tin vào Chúa và làm chứng cho niềm tin ấy.
Mãi cho tới lúc Chúa ban Thánh Thần xuống, các ngài mới mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Từ lúc đó, cái chết cũng không thể ngăn cản bước chân rao giảng của các ngài.
Lạy Chúa, Chúa cũng thương cho con được tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa như các tông đồ xưa. Xin cho con luôn xác tín rằng con là một ánh đèn chiếu sáng, một sứ giả loan truyền tình thương, một nhân chứng Tin Mừng của Chúa.
Vậy lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì đã bao lần con sống bê tha, tội lỗi, không những không làm chứng cho Chúa, mà lại làm người khác mất niềm tin vào Chúa. Xin ban cho con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để cho dù con bé nhỏ, nghèo hèn yếu đuối, con vẫn cố gắng sống thánh thiện hơn, biết quảng đại yêu thương, biết cho đi cách vô vị lợi. Xin giữ con đừng bao giờ kiêu căng cậy vào tài sức của mình, nhưng luôn tin tưởng vào quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Amen.
Ghi nhớ: “Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 3:
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.
• Sau khi nói với các môn đệ thế gian không những ghét Ngài nhưng còn ghét các môn đệ những người theo Đức Giêsu, Ngài nói về Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sẽ đến. Lý do Đấng Bảo Trợ đến là để tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa. Thế gian ghét Đức Giêsu nên đã giết Ngài. Nhưng Đức Giêsu đã Phục Sinh. Công trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người được tiếp tục bởi Thần Khí.
• Thần Khí tiếp tục mời gọi dẫn con người sống theo Sự Thật. Thần Khí làm chứng cho Đức Giêsu. Công trình cứu độ của Thiên Chúa là một dòng chảy liên tục củng cố và nâng đỡ bảo vệ nhau. Thần Khí đồng hành nâng đỡ các môn đệ và Giáo Hội để Giáo Hội tiếp nối sứ mạng lãnh nhận đem ơn cứu độ cho con người.
• Con người ngày nay ít dám sống cho nhau và ít dám bảo vệ nhau. Có chăng đi nữa thì chỉ là bảo vệ quyền lợi của cá nhân hay lợi ích nhóm. Người ta không dám để Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời. Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ và làm chứng cho nhau. Đây là một bài học rất cụ thể và gần gũi với mỗi người chúng ta.
→ Tôi học được gì từ bài học của Ba Ngôi Thiên Chúa? Tôi để Thần Khí hướng dẫn cuộc đời tôi ra sao? Tôi được mời gọi làm chứng cách cụ thể trong đời sống của tôi như thế nào?
→ Lạy Chúa, xin cho con luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 4: ĐẤNG AN ỦI SẼ ĐẾN
Trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến việc Chúa Giêsu sắp từ giã thế gian để về cùng Cha. Vì thế, các môn đệ lo lắng sẽ không biết theo hướng nào một khi không còn Thầy bên cạnh mình. Ðứng trước sự lo lắng ấy, Chúa Giêsu đã gởi Ðấng Phù Trợ đến, nhưng công việc của Ðấng Phù Trợ cũng không gì khác ngoài việc làm chứng về Ðức Giêsu, để rồi một khi lòng tin vào Ðức Giêsu được vững mạnh, các tông đồ sẽ là nhân chứng về Thầy.
Họ phải làm chứng không chỉ về hành động và cuộc đời của Ðức Kitô, nhưng luôn cả ý nghĩa các việc làm của Ngài. Ðấng Phù Trợ là Thần Chân Lý từ Cha đến sẽ cho họ thấy công việc phải làm và con đường phải đi, và chắc chắn các tông đồ sẽ không tránh khỏi sự bách hại.
Người ta đã hành hạ họ một cách không thương tiếc vì tưởng rằng làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa. Như Saolô đã hăng hái xin phép lên đường để bắt bớ giết các Kitô hữu. Chúa Giêsu biết trước điều này, Ngài không ra tay ngăn cản mà chỉ tiên báo cho các tông đồ vì đã có Ðấng Phù Trợ ở với họ và sự bách hại sẽ là lời chứng hùng hồn nhất.
Trong bách hại, người môn đệ sẽ tỏ lộ lòng trung thành hoàn toàn đối với Thầy. Nhờ bách hại, họ sẽ trở nên giống Thầy, Ðấng đã chịu bắt bớ và bị giết chết trên Thập Giá. Qua thái độ người môn đệ đón nhận sự bách hại, thế gian sẽ nhận ra vẫn còn một nguồn hạnh phúc khác giá trị hơn những gì đang có trước mắt nhiều, và bách hại thể hiện một đường lối chiến đấu khác, đó là tình yêu thắng vượt hận thù. Người bách hại tưởng là họ chiến thắng chứ thật ra không phải vậy. Giọt máu của người bị bách hại dù có đổ ra một cách âm thầm nó sẽ chẳng bao giờ bị quên lãng nơi chính người bách hại hoặc trong lịch sử.
Chúa Thánh Thần đến để làm chứng cho Chúa Giêsu, nhưng Ngài không cất đi vai trò chứng nhân của các tông đồ. Bởi thế, khi tiên báo sự bách hại, Chúa Giêsu muốn các ông sống trọn vẹn vai trò làm chứng nhân của mình, và Chúa Thánh Thần, Ðấng phù trợ sẽ đến giúp các ông: “Thánh Thần của Cha sẽ nói với các ông”.
Kitô hữu, người môn đệ của Chúa Giêsu ngày nay cũng nhận sứ mạng làm chứng về Thầy. Họ đã được trao ban Thánh Thần để hiểu biết về sự thật. Có thể con đường trước mắt nhiều chông gai, thử thách và còn nhiều con đường khác dễ dàng thoải mái đang mời gọi họ. Tất cả các con đường sẽ dẫn đến đâu? Chưa một ai có kinh nghiệm, nhưng tin nhận vào con người Ðức Giêsu và nhất là được Thánh Thần Chân Lý làm chứng, họ sẵn sàng bước theo Ngài, chấp nhận con đường chông gai của Ngài.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng ngày sống của mỗi người trong chúng ta sẽ là một diễn tả của lời chứng về Ðức Giêsu. Dù cho ngày sống có thêu dệt bằng những an hòa tươi đẹp thì cũng không thể nào tránh được những chông gai nhọc nhằn, nhưng nếu biết lợi dụng thì đó là những cơ hội để chúng ta làm chứng về tình yêu đối với Ngài.
Missionaries in Asia
SUY NIỆM 5: THẦN CHÂN LÝ SẼ LÀM CHỨNG VỀ THẦY
Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1). Người đã mạc khải cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ “thổi hơi” và nói : “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22 )… thế là Chúa Thánh Thần đến làm cho họ tràn ngập niềm vui, kẻ ưu sầu vui sướng hân hoan, đúng như lời Người nói là biến “sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui” (x. Ga 16, 20).
Chúa Thánh Thần được Chúa Ki-tô Phục Sinh gửi đến trên các môn đệ như khai mở một cuộc sáng tạo mới. Qua các vết thương dấu đinh hằn trên thân thể: “Người cho họ thấy tay chân và cạnh sườn Người. Các môn đệ mừng rỡ, vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). Đó là chứng tích của những vết thương nhưng đầy tình yêu mến.
Việc cử Chúa Thánh Thần đến không thể xảy ra mà không có thập giá và sự sống lại như lời Người nói: “Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra” (Ga 15, 26). Sứ mạng của Chúa Con một nghĩa nào đó được thực hiện trong sự cứu chuộc và sứ mạng của Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng” (Ga 15, 26 – 27). Ơn cứu chuộc được thực hiện hoàn toàn do Chúa Con là Đấng được xức dầu đã đến trong thế gian và hoạt động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, khi dâng chính thân mình làm lễ hy thật trên bàn thờ thập giá, và sự cứu chuộc không ngừng được hoàn tất trong trái tim, trong lòng nhân loại và trong lịch sử của thế giới, nhờ Chúa Thánh Thần là “Thần Chân lý” (Ga 15, 26).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến dạy dỗ chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 6: LOAN BÁO LÀ LÀM CHỨNG
Trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).
Bài trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.
Khi giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng: khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.
Thật vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã thực hiện lời nói đi đôi với hành động.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo lời Chân Lý, chấp nhận mọi thử thách đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP