SUY NIỆM THỨ 2 SAU CN V PS NĂM B

Thứ bảy - 27/04/2024 22:35
SUY NIỆM THỨ 2 SAU CN V PS NĂM B
Ga 14, 21-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 14,21-26)
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”


SUY NIỆM 1: VÂNG LỜI LÀ YÊU MẾN

Khi được Chúa Giêsu hỏi “Con có yêu mến Thầy không?”, Thánh Phêrô đã mau mắn trả lời rằng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tuy Thánh Phêrô đã trả lời đến 3 lần như thế, mà thậm chí là 30 lần đi nữa thì vẫn chưa đảm bảo được điều gì. Bởi tình yêu mà Chúa Giêsu muốn chúng ta dành cho Ngài là một tình yêu với những hành động cụ thể và thiết thực, chứ không phải một tình yêu mang nặng cảm tính hay chỉ nằm nơi đầu môi chót lưỡi.
Cụ thể qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta dành tình yêu cho Chúa qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài.
Nói đến việc tuân giữ lời Chúa, có những người rất hăng say. Họ tìm mọi cách, không ngừng n lực cố gắng để mong sao có thể giữ và sống lời Chúa dạy một cách tốt nhất.
Thế nhưng cũng có không ít người, đặc biệt là những người trẻ cảm thấy mệt mỏi nặng nề khi phải sống theo 10 điều răn, thậm chí còn càm ràm cả Giáo Hội. Tại sao lại như thế?
Lý do là ngày nay rất nhiều người coi việc tuân giữ các giới răn của Chúa như là một bổn phận, một trách nhiệm buộc phải làm, chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Bằng chứng là việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật. Vì chỉ coi đó là một bổn phận, không đi thì sợ mắc tội trọng, sợ bị người khác gièm pha; nên nhiều người đi nhưng đi thì muộn mà về thì sớm, tìm mọi cách để cắt đầu cắt đuôi, được khúc nào hay khúc đó; đi nhưng không chịu vào trong nhà thờ, thấy hay không thấy bàn thờ không quan trọng, nghe được gì hay không nghe cũng mặc kệ, miễn là vác xác tới nhà thờ cho xong trách nhiệm là được.
Thành thật mà nói, giữ đạo mà như vậy thì mệt mi lắm thưa anh chị em!
Còn những anh chị em có lòng yêu mến Chúa thật sự ta sẽ thấy họ có những hành động tuy âm thầm, tuy nhỏ bé, tuy nhẹ nhàng nhưng đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Có những anh chị em đi rất sớm để tìm cho mình một chỗ ngồi trong nhà thờ sao cho có thể nhìn thấy rõ Chúa, nghe rõ cha giảng, sau lễ còn ở lại để cầu nguyện cám ơn Chúa.
Như thế việc tuân giữ các giới răn của Chúa không khó, nhưng khó là nằm ở tấm lòng của mỗi người đối với Chúa mà thôi.
Tóm lại lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy gẫm 2 câu nói này:
Câu thứ nhất là câu nói của Chúa Giêsu: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21).
Và câu thứ hai là lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Ai nói rằng mình biết và yêu mến Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy(1Ga 2,4). Amen.
Phương Black

SUY NIỆM 2

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Lời của Đức Giêsu rất rõ ràng: ai có và giữ các điều răn. Điều này cho thấy bước thứ nhất người môn đệ cần có những điều răn trong con người của mình thì mới có thể thi hành bước thứ hai là giữ chúng. Phải coi điều răn đó là quan trọng, là một phần của đời mình và muốn có nó thì mới ra sức để giữ, bảo vệ nó. Khi có hai bước đó thì người đó mới là kẻ yêu mến Đức Giêsu.

 Phần thưởng của người yêu mến Đức Giêsu không những được Đức Giêsu yêu mến mà còn được Cha yêu mến, được sống trong gia đình của Thiên Chúa, và được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa. Đó là phần thưởng quí giá nhất mà con người ai cũng mong ước.

Làm người ai mà chẳng muốn yêu và được yêu. Thế nhưng, có ai lại yêu Thiên Chúa? Điều này vượt quá trí hiểu của con người. Thiên Chúa đã đi bước trước yêu mến con người và ban ơn để con người có khả năng yêu mến và sống trong tình liên đới với Thiên Chúa. Tôi có ao ước để yêu mến Thiên Chúa? Tôi có mong ước nhận được phần thưởng mà Thiên Chúa hứa ban? Tôi cần bắt đầu như thế nào để có được điều đó?

Lạy Chúa, xin cho con có sức yêu Chúa nhờ có và giữ giới răn của Chúa.

Br. Vincent SJ


SUY NIỆM 3: YÊU MẾN THÌ GIỮ LỜI  CHÚA

Chúa Giêsu cho biết dấu hiệu để nhận biết một người yêu mến Ngài là giữ điều Ngài dạy. Tình yêu chỉ dừng lại ở môi miệng, thì tình yêu chóng qua vì lời nói gió bay. Tình yêu cần được minh chứng bằng hành động. Do đó, con người có yêu mến Chúa hay không, tùy thuộc vào hành động của con người. Trong lòng con người yêu mến Chúa, thì sẽ tuân giữ mọi điều Chúa dạy. Còn trong lòng không có Chúa, thì chắc chắn người ta sẽ sống theo ý riêng mình. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rõ: “Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy.”
Chúng ta có yêu mến Chúa không? Câu trả lời trên môi chắc chắn là có. Nhưng có hay không thì chính bản thân mỗi người biết. Lòng yêu mến Chúa quyết định và chi phối mọi việc chúng ta làm. Khi yêu mến Chúa hoặc bất kỳ người nào, chúng ta sẽ cố gắng làm cho đối tượng đó vui lòng. Chúa cũng đang nhìn và chờ đợi chúng ta thể hiện lòng yêu mến Ngài bằng đời sống thánh thiện của mỗi người.
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con phạm tội là lúc chúng con không yêu mến Chúa. Xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để dù chúng con sống giữa thế gian này chúng con vẫn thuộc về Chúa. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
 
A. Phân tích (Hạt giống)
Đoạn Tin Mừng này là một bài giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ… Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng phù trợ, là Cha Thầy mà Cha Thầy sẽ đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Như thế, giáo lý cơ bản về Chúa Ba Ngôi trong đoạn này là:
- Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người.
- Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền.
- Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con. 
- Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi: Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy. Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó. Kết quả: Ba ngôi sẽ ““yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.
B. Suy niệm (Nẩy mầm)
1. Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và là một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.
2. Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì thế tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, và được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta. 
3. Hai cha con thoả thuận: ông sẽ mua cho câu một chiếc xe đẹp hơn nếu cậu cạo râu, cắt tóc dài và đọc Thánh kinh mỗi ngày. Xe mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu. Khi ông đe dọa, cậu nói: “Con đang đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu dài”. Ông bố nói: “Đúng, Ngài đã để râu và tóc, nhưng Ngài luôn thi hành ý Cha”. (Góp nhặt).
4. Trong cuốn sánh 'The Living Stone' có một câu chuyện như sau: Jonathan là được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Jonathan về để gặp lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một niềm vui).

5. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy”.
Mỗi lần, bạn ấy xin cha mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.
Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành Lời Chúa để luôn được hiệp thông với Ngài. (Epphata)

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái


SUY NIỆM 5: YÊU MẾN THẦY LÀ GIỮ GIỚI RĂN THẦY

Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi ngả đôi nơi. Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21). Thầy cũng nói rõ cho trò biết: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14. 23), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và sâu sắc! Lời ấy có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giê-su, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền.
Thực hành lời Chúa Giê-su dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi: Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa: Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung quy lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em.
Chúng ta hãy để ý đến thuật ngữ Đấng Bầu Chữa, Trạng Sư, hay Đấng An Ủi. Trong ngành tư pháp Do thái, vị luật sư hỗ trợ thân chủ của mình và tư vấn, vì khi bào chữa cho thân chủ là lúc luật sư cố gắng bảo vệ chính mình. Điều này ám chỉ về Chúa Thánh Thần. Người nâng đỡ các môn đệ trong hành động cũng như lời nói, “Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự” (Ga 14, 26).
Lạy Chúa Giê-su, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, để dạy chúng con mọi sự.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ


SUY NIỆM 6: BẰNG CHỨNG LÒNG MẾN CHÚA

1. Đức Giê-su tiếp tục cho các môn đệ biết hoàn cảnh sinh hoạt sau khi Ngài ra đi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Đức Giê-su muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thì hành Lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài.  Tình yêu biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.
Điều khát mong của Đức Giê-su được bày tỏ qua lời trăng trối: ”Hãy yêu thương nhau”. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, chúng ta có thể yêu người khác như chính mình.
2. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Đức Giê-su nhắc lại cách tích cực về điều kiện để được Chúa yêu mến và tỏ mình cho, đó là tuân giữ Lời Chúa. Kiểu nói “ở lại” diễn tả hiệu quả của sự liên hệ mới: không chỉ đơn thuần là sự kết hợp với Chúa Giê-su, nhưng còn sát nhập những kẻ giữ Lời Chúa vào trong mối liên hệ mới với Chúa Cha nữa. Như vậy, Ngài trả lời cho ông Giu-đa biết: Chúa tỏ mình ra cho hết bất cứ ai tuân giữ Lời Chúa, chứ không chỉ riêng các môn đệ.
3. Trong cuốn sách “The living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ngài cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì yêu mến”.
Chúa Giê-su trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giê-su không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui).
4. Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà không có bất cứ một ‘hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy gương mẫu diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giê-su. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: ”Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”(Ga 14,23).
5. Yêu là tuân giữ Lời của Chúa: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm xuông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là một nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh Grégoire le Grand đã khẳng định: ”Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.
6. Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của con người đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn vẹn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.
7. Truyện: Thánh Phan-xi-cô Át-si-si và người bạn.
Thánh Phan-xi-cô Át-si-si có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế, anh chia sẻ với Phan-xi-cô rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.
Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: ”Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không”?
Người hành khất trả lời: ”Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.
Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phan-xi-cô quay sang nói với người bạn: ”Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mặt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra  anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh không yêu mến Chúa sao”?
Lm.Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 7:
Có yêu nhau thì mới sẵn sàng lắng nghe và làm theo điều người yêu mình mong muốn. Đứa con có yêu cha mẹ thì mới trân trọng lắng nghe lời cha mẹ khuyên dạy và vui mừng thực hiện điều cha mẹ chỉ bảo. Cũng vậy chúng ta có yêu mến Chúa thì mới nghe lời và sẵn lòng làm theo lời Chúa.
Không phải bất cứ ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì hẳn nhiên trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Nhưng để nên con cái đích thực của Chúa, trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, bằng cách đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời của ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá trị hàng đầu trong cuộc sống mình.
Thứ đến, yêu mến Chúa thì phải gắn bó với Chúa mật thiết. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai thì “ở gần” người đó, yêu ai thì muốn “ở bên” người đó và yêu ai thì muốn “ở với” và “ở trong” người mình yêu để trở nên một với người ấy.
Cuối cùng dấu hiệu người có lòng yêu mến Chúa đích thực đó là luôn tuân giữ lời Chúa. Thước đo của lòng yêu mến nơi chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta có tuân giữ lời Chúa nhiều hay ít. Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thực hành lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”, nhưng chỉ vâng vâng, dạ dạ mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu giả hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Tình yêu đó chỉ là nhãn hiệu, là cái mác mà thôi. Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi ích và giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “Nghe và thực hành lời Chúa giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “hãy làm theo lời Chúa chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải đi đôi mới giá trị và có ích lợi, bởi vì nếu “đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Xin Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời ta. Làm được như thế chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và xứng danh là con cái đích thực của Chúa.
Lm Seokahttps://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-v-phuc-sinh


SUY NIỆM 8:

Tình yêu không ai định nghĩa được, nhưng bất cứ ai cũng cảm nhận được nó khi yêu. Tình yêu được Thiên Chúa phú ban cho loài người và chỉ có loài người mới có để sống và yêu. Hai chữ “tình yêu” đã đi vào huyền nhiệm. Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Tông Đồ Tađêô đã thắc mắc với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ đơn giản là vì ai yêu mến thì được Chúa tỏ mình cho. Nghĩa là, yêu mến chính là điều kiện cần và đủ để được Chúa tỏ mình và đến ở với chúng ta.
Khi hai người yêu nhau, họ dần dần khám phá ra nhau, cảm nhận được tình yêu dành cho nhau và thấu hiểu về nhau mà người ngoài không thể hiểu được. Cũng thế, Thiên Chúa tỏ mình cho những ai yêu mến Người.
Lời Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." Nói một cách ngắn gọn, muốn được yêu thì phải yêu vì TÌNH YÊU ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP BẰNG TÌNH YÊU.
Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu đã có từ đời đời, nghĩa là có trước cả vũ trụ. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu không lệ thuộc một không gian nào, nghĩa là tình yêu ở khắp mọi nơi. Tình yêu ở khắp mọi nơi nên đâu phải dày công đi tìm nó, nhưng tình yêu sẽ đến và ra đi tùy tâm hồn của mỗi người. Vì thế, không phải đi tìm nhưng là hãy phá bức rào chắn của tâm hồn để đón nhận tình yêu và trao ban nó cho đối tượng mình yêu.
Bài Tin mừng hôm nay, sau khi nói về điều kiện để được Thiên Chúa yêu, Chúa Giêsu nói đến sự ưu ái của Thiên Chúa Ba Ngôi (Cha Thầy - Thầy - Đấng Bảo Trợ) sẽ đến ở với những ai yêu mến và giữ lời Chúa Giêsu. Tình yêu Ba Ngôi là tình yêu có từ khởi thủy, phát xuất từ cái nhìn đầu tiên khi Chúa Cha - Chúa Con chiêm ngắm và yêu mến nhau vô cùng, đã phát xuất ra Thánh Thần Tình Yêu.
Tình Yêu đó trào tràn trên nhân loại, và khi ai biết sống tình yêu mến dành cho Thiên Chúa và tha nhân, là phản chiếu hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa và nên một với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu Chúa và yêu người như chính bản thân, để chúng con cũng được Chúa yêu và tỏ mình ra, hầu chúng con vui vẻ dấn thân làm cho mọi người cũng nhận ra tình yêu của Chúa mà chạy đến với Người. Amen.
Hiền Lâm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây