Suy niệm: Chúa Nhật 23 Thường Niên B

Thứ bảy - 04/09/2021 22:05
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B

LỜI CHÚA (Mc 7,31-37)
31 Hôm ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

SUY NIỆM


Sau khi tranh luận với những người Biệt phái và Luật sỹ về luật “thanh sạch" và "ô uế", Chúa Giêsu sang vùng dân ngoại, nơi mà người Do Thái cho là ô uế, cần tránh tiếp xúc. Nhưng Chúa Giêsu không ngần ngại đến với vùng đất này, vì sứ mạng của Ngài còn là đem ơn cứu độ cho cả những người ngoại giáo. Ngang qua miền Tyrô và Siđôn (ngày nay là hai thành phố lớn thuộc Libăng), Chúa Giêsu vào vùng Thập Tỉnh, tức là Mười tỉnh lỵ nhỏ nằm ở phía Đông sông Jordan, còn được gọi là Decapolis. Địa danh mà thánh Maccô xác định ở đây có tính cách thần học hơn là địa lý, vì người Do Thái coi nơi này như là vùng đất của ngoại giáo. Tại đây, Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người vừa điếc vừa câm. Câu chuyện này chỉ có thánh sử Maccô ghi lại.

Có người bảo rằng khi thực hiện việc chữa bệnh cho người câm điếc dân ngoại này, Chúa Giêsu đã không thực hiện 5K. Ngài còn tiếp xúc quá gần với bệnh nhân nữa cơ đấy! Cũng may là người này không phải là bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu không thì Chúa Giêsu sẽ là F1, còn các môn đệ sẽ là F2, và khi trở về lại Palestine, cả Thầy và trò đều bị người ta đưa đi cách ly rồi.

Thật ra, ở đây Chúa Giêsu tiếp xúc với một người khuyết tật (vừa khiếm thính vừa khiếm ngôn). Ta thấy việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh ta với hai hành động rất dị thường. Điều dị thường thứ nhất là Ngài đặt ngón tay vào lỗ tai của anh. Theo tác giả bộ chú giải Noel Quesson, trong bản văn Hy Lạp, người ta còn nói mạnh hơn: “Chúa Giêsu thọc ngón tay vào lỗ tai của anh”. Hành động dị thường thứ hai là Ngài lấy nước miếng của mình bôi vào lưỡi anh (nếu có bệnh truyền nhiễm thì chắc chắn anh ta sẽ bị lây bệnh). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì đây cũng là cách chữa bệnh thông thường của các thầy lang ngoại giáo và Do Thái thời bấy giờ. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu làm những cử chỉ này ở đây là dấu chỉ tiên báo các bí tích mà Ngài sẽ thiết lập sau này, để ban ơn chữa lành và thánh hóa linh hồn chúng ta. Hãy chúc tụng tạ ơn Chúa vì kho tàng ân sủng mà ta đang được hưởng nhận qua các Bí tích.

Có một chi tiết rất đáng lưu ý nữa, đó là trước khi thực hiện việc chữa lành cho người bị câm điếc, Chúa Giêsu đã đưa anh ta ra khỏi đám đông. Vì sao vậy? Đơn giản vì Chúa Giêsu không muốn thu hút người ta bằng các phép lạ. Chúa Giêsu cũng không muốn lôi kéo người ta đi theo Ngài bằng những điềm thiêng. Hơn nữa, Ngài không muốn người ta ngộ nhận rằng sứ mạng chính của Ngài khi đến trần gian là để chữa lành bệnh tật phần xác. Căn bệnh phần hồn quan trọng hơn nhiều, vì nó mới chính là căn nguyên khiến cho người ta phải chết đời đời. Và con người chỉ được chữa lành căn bệnh này nhờ tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ.

Nếu sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian chỉ là để chữa lành bệnh tật phần xác, thì nơi mà Ngài lưu ngụ có lẽ sẽ là các bệnh viện và các trung tâm chăm sóc người khuyết tật. Thực tế, con số các bệnh nhân được Chúa Giêsu chữa lành là không nhiều. Ngài chữa lành cho một số các bệnh nhân là để bày tỏ quyền năng của mình, và làm cho lời các ngôn sứ được nên trọn: “Người mù được thấy, người điếc được nghe, người què đi được, và người câm nói được” (Bài đọc I). Nhờ đó mà họ tin vào Ngài, và nhờ tin mà được cứu độ.

Trong những ngày đại dịch, nhiều người vẫn cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho các bệnh nhân bị Covid thể nặng, nhưng rồi họ thấy nhiều bệnh nhân trong số đó vẫn chết. Điều này có thể khiến cho một số người thất vọng, trách móc Chúa: Tại sao Chúa là Đấng giàu lòng thương xót mà Chúa lại không ra tay cứu chữa? Tại sao Chúa là Đấng quyền năng mà Chúa vẫn để cho nhiều bệnh nhân phải chết? v.v,…

Chúng ta biết rằng sinh-lão-bệnh-tử đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống con người nơi cõi trần ai. Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, nhưng cái chết của Ngài không cứu chúng ta khỏi cái chết về thể xác, nhưng cứu chúng ta khỏi cái chết về linh hồn, cái chết đời đời, vốn là hậu quả của tội.

Vì thế, trong cơn đại dịch, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các bệnh nhân được ơn chữa lành, nếu đó là điều Chúa muốn. Tuy nhiên, thiết tưởng điều quan trọng hơn mà chúng ta cần cầu xin Chúa, đó là cho những người bệnh được ơn Đức Tin - tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, và đặt trọn niềm tín thác cậy trông nơi Ngài, để rồi nếu như Chúa có cất họ đi nữa, thì chắc chắn họ cũng được cứu độ, tức là được hưởng sự sống, hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Chúng ta cũng cầu xin cho chính mình được ơn luôn trung thành với Chúa trong đức tin và trở thành chứng nhân về niềm hy vọng Phục sinh trong Đức Kitô cho con người và thế giới ngày hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây