Thứ Hai tuần 22 thường niên.
"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình".
Lời Chúa: Lc 4, 16-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"
Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình"; "điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông". Người nói tiếp: "Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Suy Niệm 1: Trả lại tự do
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sabát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc 13, 16),
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Suy Niệm 2: Chúa Kitô niềm hy vọng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Có gì đó cay đắng và đau xót. Bao năm mòn mỏi đợi chờ Đấng Cứu Thế, nhưng khi Chúa Giê-su đến thực hiện lời hứa, ứng nghiệm những tiên báo trong Lề Luật và các Tiên Tri thì người Do thái không những không tin, thậm chí còn chối bỏ và muốn giết Người. Còn gì đau đớn hơn khi: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Chúa Giê-su đã dành hết tâm huyết cho quê hương. Loan báo lời I-sai-a ứng nghiệm. Loan báo chương trình cứu nhân độ thế khởi đầu. Công bố chương trình hành động của việc cứu độ. Nhưng chuyến trở về quê hương thật bẽ bàng. Có lẽ vì họ có thiên kiến Người xuất thân nghèo hèn, trong gia đình bác thợ mộc Giuse. Và họ đã lỡ cơ hội. Đánh mất niềm hi vọng.
Họ có ngờ đâu chính sự nghèo hèn, sự thất bại của Chúa Ki-tô, đặc biệt cái chết nhục nhã trên thánh giá của Người chính là cơ hội cho một đức tin chân thực hoàn toàn khác biệt với niềm tin dựa trên những giá trị trần gian. Chính vì thế, với giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chỉ rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Đó là một sứ điệp thô nhám, mộc mạc, không trau chuốt, tô vẽ. Nhưng đó là chân lý, là niềm hi vọng. Để những ai tin Chúa có một đức tin nguyên tuyền không dựa vào sự khôn ngoan của người đời. “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì hác ngoài Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá…Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (năm chẵn).
Chính nhờ Chúa Giê-su Ki-tô chịu chết và sống lại mà ta có niềm hi vọng. Vì ta cũng sẽ được sống lại với Chúa. Và cả những người thân yêu của chúng ta cũng thế. Vì thế thánh Phao-lô an ủi dân Tét-xa-lô-ni-ca: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su…. Rồi đến chúng ta là những người đang sống, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (năm lẻ).
Đó chính là niềm hi vọng lớn lao cho chúng ta. Đó chính là niềm an ủi, là động lực giúp ta vượt qua quãng đường trần thế đầy chông gai thử thách. Đó cũng chính là đích tới của chúng ta những người đặt trọn niềm tin nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Quả thật Thiên Chúa đã dùng sự yếu hèn mà thắng vượt những sự hùng mạnh của thế gian. Dùng sự điên rồ của thánh giá mà thắng sự khôn ngoan của con người.
Suy Niệm 3: Bí Quyết Nên Thánh (Lc 4,16-30)
Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng ở vùng gần Giêrusalem bên bờ sông Giócđan nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ. Ở đó dân chúng đã nghe nói về nội dung lời rao giảng của Ngài, ở đó người ta cũng nghe nói tới một số phép lạ Ngài đã làm. Tin đồn này làm cho những người đồng hương bỡ ngỡ: "Ông ta đã học được những điều đó ở đâu? Ông không phải là con ông Giuse đó sao?" Ðó là một thắc mắc rất chính đáng.
Người dân Nazareth, nhất là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu hẳn có đủ lý do để tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì trong suốt ba mươi năm sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất cứ một dấu thánh thiện siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu đã có thể sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ bản tính của Ngài? Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn ấy trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả lời chỉ có thể là Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đồng hương và cả chúng ta nữa. Thời Ngài, thánh thiện có nghĩa là tuân giữ chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong tục vốn được xem là biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ như thế. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ, tất cả những ai đã từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và bỡ ngỡ. Quả thật, tất cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một người như họ mà thôi, Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm nào.
Ðiều đáng làm cho chúng ta suy nghĩ là không nơi nào trong các sách Tin Mừng viết rằng Chúa Giêsu là một con người đạo đức, chúng ta chỉ đọc được rằng Ngài đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện mà thôi. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giêsu có một quan niệm về sự thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đương thời. Ðối với Ngài, thánh thiện là sống hoàn toàn như một con người, là làm người như Thiên Chúa đã dựng nên, đó là câu giải đáp thắc mắc tại sao những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu thắc mắc và bỡ ngỡ khi Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh. Ðối với lối suy tư của họ, Ngài xem ra quá trần tục, quá là người cho nên không thể làm được những chuyện cả thể như người ta đã đồn thổi. Tuy nhiên đây chính là một mạc khải sâu xa: Thiên Chúa nhập thể làm người để sống như một con người như mọi người, hầu dạy chúng ta biết sống cho ra người. Chính cuộc sống đơn giản và bình thường ấy lại chứa đựng một sự thánh thiện tuyệt vời.
Trong các thứ học thì hẳn học làm người là điều khó nhất, người ta có thể đỗ đạt thành tài trong cuộc sống, người ta có thể nắm vững được lãnh vực chuyên môn của mình, nhưng học làm người là một thứ trường học mà con người sẽ chẳng bao giờ tự cho là mình đã tốt nghiệp và thôi học. Sống như một con người, như Chúa Giêsu đã sống ba mươi năm âm thầm tại Nazareth, âm thầm đến độ những người quen biết không thấy có gì đáng chú ý trong cuộc sống ấy. Sống như một con người chính là sống một cách sung mãn từng giây phút của cuộc sống. Sống một cách phi thường những việc tầm thường nhất trong đời thường, sống bằng một tình yêu cao cả những việc làm nhỏ bé nhất hàng ngày, đó chính là bí quyết để nên thánh vậy.
Suy Niệm 4: Không có thứ thanh niên đó nơi chúng tôi
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” (Lc. 4, 21-22)
Giờ Thiên Chúa đã điểm cho Đức Kitô xuất hiện. Ngài vừa chuẩn bị sứ mệnh trong một cuộc tình lâu dài và kham khổ trong hoang địa. Ngài định thi hành sứ vụ công khai bằng cuộc thăm viếng ngôi làng nhỏ bé nơi sinh trưởng của Ngài là Na-gia-rét. Ngài vào hội đường lúc giờ kinh phụng vụ và lên tiếng giải thích bài sách tiên tri I-sai-a: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, cho kẻ bị tù đầy được tự do và cho người mù được thấy ánh sáng, giải phóng cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”
Đức Giêsu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” những người đồng hương ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài, họ chưa hiểu Ngài. Ngài nói với họ: Tôi, Người đang nói với ông bà anh chị em là chàng thanh niên của ông bà và anh chị em đều biết rõ tôi, tôi là Người Chúa đã truyền đi thực hiện những điều lạ lùng như tiên tri I-sai-a đã nói.
Nhưng bây giờ tôi không còn là chàng thanh niên đó nữa nên các ông bà anh chị em không chấp nhận tôi, không nghe tôi, không muốn có tôi. “Tôi bảo thật: không có một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Quá khứ đã chứng tỏ hùng hồn cho điều đó. Bao nhiêu ngôn sứ như Ê-li-a và E-li-sê đã không thể làm điều gì lạ ở nơi quê mình và các ông bà anh chị em tiếp tục theo lề thói xưa nên đã khinh thường tôi. Tôi chỉ là con ông Giu-se. Tôi không thể thông thái hơn các ông bà. Không có gã thanh niên nào nơi các ông bà, giám yêu sách đòi làm ngôn sứ cho các ông bà. Đó có phải là trò đùa không.
Đó là thứ dỡn mặt quá trớn, cần phải trừ khử đi! Quả thực, “Họ đã phẫn nộ phải đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi làng, khéo lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực. Nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi”. Vì giờ rao giảng của Ngài đã tới, giờ chết của Ngài chưa điểm.
Chúng ta cũng có những ngôn sứ của chúng ta. Những gã thanh niên, thanh nữ này... Họ đang mang sứ điệp của Đức Kitô đến mọi nơi. Họ âm thầm, hiền lành và khiêm nhường trong lòng! nhưng lại không có nơi chúng ta sao?
Chúng ta đối xử với họ thế nào?
GF
Suy Niệm 5: Bụt Nhà Không Thiêng
Không thể làm tiên tri mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các tiên tri từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những tiên tri giả; còn các tiên tri thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Yêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.
Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.
Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.
Nhờ phép Rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 6: Loan báo tin mừng cho người nghèo
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài được mời lên để đọc Sách Thánh. Đoạn sách mà Đức Giêsu công bố hôm nay được lấy từ sách Tiên tri Isaia nói về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những người nghèo. Đọc xong, Ngài tuyên bố: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".
Thấy vậy, mọi người trong Hội Đường hy vọng Đức Giêsu sẽ ưu ái đặc biệt với họ. Tuy nhiên, điều mà họ mong muốn lại không được Đức Giêsu đáp ứng. Thay vào đó, Đức Giêsu muốn cho họ hiểu rằng: ơn gọi, sứ mạng của Ngài là đến với muôn dân, và đối tượng số một là những người nghèo. Nghèo về tinh thần, nghèo về vật chất, những người cô thế cô thân, thấp cổ bé họng... chứ không chỉ dành cho một số người ưu tuyển hoặc đặc quyền thân quen...!
Khi bị Đức Giêsu lật ngược ván cờ, họ sinh ra lòng căm nghét, vì thế, dân chúng đã trục xuất Đức Giêsu ra khỏi Hội Đường.
Khi suy niệm tới đây, hẳn chúng ta xầm xì về những hành vi phũ phàng của người Dothái với Đức Giêsu! Nhưng nếu hồi tâm một chút, hẳn chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa.
Thật vậy, đã biết bao lần chúng ta mang trong mình tâm thức: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Và như một hệ lụy, nhiều người đã vất vả, khó khăn khi phải đối diện với sự chọn lựa theo tinh thần của Đức Giêsu.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quý trọng quê hương, gia đình. Vì quê hương là nơi “chôn nhau cắt rốn”, là nơi cung cấp cho chúng ta những truyền thống tốt đẹp thủa ban đầu. Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên thành người...
Tuy nhiên, quê hương chỉ là nơi cưu mang chúng ta một thời. Gia đình là chỗ ta đi về và thể hiện tình nghĩa. Còn khi chúng ta đã trưởng thành, Chúa mời gọi chúng ta hãy đi và phải vươn xa tầm nhìn để mở rộng trái tim, để ôm ấp những người bé mọn, ốm đau, bị áp bức, bất công...
Cần phải vượt ra khỏi những kỳ thị vùng miền, giai cấp địa vị để đến với muôn dân, mọi nơi.
Được như thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Đức Giêsu và trở thành người mang Tin Mừng của Ngài đến cho người nghèo...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu Chúa cần chúng con hiện diện. Xin cũng ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con vượt qua mọi ranh giới, ngõ hầu đến được với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Người nhà không chịu tiếp đón Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian. Nhưng những người Do thái đồng hương với Chúa đã từ chối tiếp nhận Ngài, vì Ngài đã không thỏa mãn những tham vọng trần thế của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhớ trong đoạn mở đầu Phúc âm thứ tư, Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ngài đến nhà mình nhưng người nhà đã chẳng chịu tiếp đón Ngài”.
Lạy Chúa, điều ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi những người đồng hương với Chúa tại Na-da-rét, và ngày hôm nay cũng đúng với chính con nữa.
Vâng lạy Chúa, con đã không tiếp nhận Chúa. Con quên rằng Chúa là bạn của người nghèo, của người bệnh tật, của kẻ khổ đau. Vì thế con đã xua đuổi Chúa đi khi con hất hủi anh em, khi con nhẫn tâm từ chối giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau, sa chân lỡ bước. Con đã không tiếp nhận Chúa, vì trong lời nguyện hằng ngày, con chỉ đòi hỏi Chúa ban ơn theo ý con mà không bao giờ xin cho con biết vâng theo Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh cuộc đời. Con đã không nhìn ra Chúa thật gần gũi với con qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Con đã xô đẩy Chúa xuống vực thẳm khi con nhào xuống vực sâu tội lỗi.
Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con. Xin cho con nhận ra những ân huệ mà Chúa đã yêu thương phủ đầy đời con. Xin ban thêm đức tin, để con tin thật Chúa là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian và Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Xin cho con được sống mãi trong nhà Chúa, được luôn kết hợp với Chúa qua các bí tích, để con xứng đáng là người nhà và là người môn đệ trung thành của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.
Suy Niệm 8: Giải thoát trong tác động của Thánh Thần
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một linh mục truyền giáo tại Uganđa ở châu Phi, kể chuyện việc đi dự thánh lễ ngày Chúa nhật một cách kỳ lạ như sau: Hai vợ chồng Benedetto và Filomena bị mù. Họ sống cạnh một thiếu nữ bị bại hai chân, tên là Formosa. Mỗi sáng Chúa nhật, ba người này đi dự thánh lễ tại nhà thờ cách xa hai cây số.
Cách họ đi dự lễ như sau: Formosa thấy đường nhưng không đi được, nên phải bò hai tay. Filomena đui, đi sau Formosa, cầm chân của Formosa lên. Còn Benedetto thì vừa vịn vào vai vợ, vừa đi. Cả ba người, hai đui, một bại, giúp nhau đi dự thánh lễ mỗi ngày Chúa nhật như vậy!
Suy niệm
Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do, công bằng hoàn toàn cho con người, có một người đã vượt lên trên tất cả, vượt trên mọi cuộc cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại, đó chính là Đức Giêsu Kitô.
Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ, tù đày, áp bức và dẫn đưa con người đến một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giêsu với tước hiệu Kitô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại mà thánh sử Luca đã trình bày với lời của ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).
Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến và đầy tràn Thánh Thần. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo: những kẻ nghèo tiền nghèo bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói, nghèo cả trong thân phận cùng đinh của họ. Đức Kitô cũng được sai đến với những kẻ bị giam cầm: giam cầm bởi cảnh tù đày áp bức do chính anh em đồng loại gây nên, giam cầm trong chính bản thân mình do sự tự ti mặc cảm và loay hoay mãi để tìm lối thoát mà vẫn không tìm ra. Ngài đến trong đời để giải thoát chúng ta khỏi mọi cảnh tù đày: tù đày bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài đem đến cho người mù niềm tin, người mù hy vọng, mù lý trí và ý chí được thấy ánh sáng trong tâm linh với niềm tin. Đức Kitô đem lại tự do cho người bị áp bức và cả người gây áp bức bóc lột bằng tinh thần hối cải trong đức ái. Những trang Tin Mừng đã chỉ cho ta thấy rõ sứ mạng giải thoát của Ngài, cùng với những lời rao giảng là những dấu lạ: người què đi được, người mù được thấy, kẻ tội lỗi được ơn trở lại…
Như Đức Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Từ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.
Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế, chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.
Ý lực sống:
“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tối tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”. (Lc 1,78-79)
Suy Niệm 9: Chúa Giêsu về thăm quê hương
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu về thăm quê hương với tình cảm thân thiện, chân thành; Người vào hội đường chia sẻ Kinh thánh với anh em đồng hương của Người. Qua đoạn sách tiên tri Isaia, Ngài thẳng thắn tuyên bố: lời sấm này đã ứng nghiệm nơi Người. Dân thành Nazareth rất thán phục ân sủng và sự khôn ngoan của Đức Giêsu với lời tuyên bố kia. Nhưng thực tế họ khó chấp nhận vì thân thế Người quá bình thường, hơn nữa khó do điều khiển được Người làm những điều họ mong muốn, họ đầy căm phẫn và định thủ tiêu Người.
Người đời vẫn nói: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương” hoặc “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn chứng minh rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương của mình, yêu nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương.
Còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giêsu nói trong Tin mừng: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài, tại quê hương Nazareth của Ngài (Lm. Phạm Văn Phượng).
Sau hơn một năm đi giảng dạy nhiều nơi, làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài đã vang đi khắp nơi và về tới cả quê hương mình, Chúa Giêsu trở về thăm quê hương là Nazareth. Theo thói quen Ngài vào hội đường cầu nguyện và nghe Sách thánh. Ngài được mời đọc Sách thánh và mở đúng đoạn sách tiên tri Isaia nói về vai trò và sứ mạng của người Tôi tớ Thiên Chúa... Ngài gấp sách lại và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe”.
Theo câu nói đó, Chúa Giêsu muốn tự giới thiệu mình một cách xa xa: Ngài là ai, là người được Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi. Ngài hơn cả tiên tri Êlia và Elisê. Nghe Chúa nói vậy dân làng Nazareth hết sức tức giận, kéo Ngài ra khỏi hội đường, đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi, nhưng giờ Ngài chưa tới, nên họ không làm gì được Ngài.
Tuy tỏ ra tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giêsu, nhưng người Nazareth chỉ nhìn thấy một phương diện của Đức Giêsu là con ông Giuse, họ không thể nhận ra nơi Người, vị tiên tri cuối cùng mà Is 61 đã ám chỉ, tức là họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi lẽ họ đã có thành kiến với Ngài. Thánh Luca đã mô tả thái độ thành kiến của dân chúng bằng những lời lẽ như sau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Câu hỏi đó chứng tỏ bắt đầu họ hoài nghi về Chúa Giêsu. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng: Tưởng ai chứ ông đó thì chúng ta quá biết rồi, vì ông ấy ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giuse hàng xóm, chứ ai đâu mà lạ.
Hiểu rõ tâm trạng mù tối của dân nơi quê hương, Đức Giêsu đã diễn tả tâm tình ấy bằng kiểu nói vấn nạn: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình... Đòi hỏi này sẽ được lặp lại ở chân thánh giá rằng: “Nếu ông là Đấng Messia thì hãy tự cứu mình đi”. Đáp lại yêu sách này, Đức Giêsu trả lời bằng một câu tục ngữ: “Không một tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình”. Ý tưởng này cũng đồng nghĩa: “Bụt nhà không thiêng”.
Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi”, lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng vuông”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen, để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu, mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Tránh thành kiến với người khác
Một hôm cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh tỏ vẻ khinh và nói: “Dở lắm”. Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bĩu môi nói: “Thơ mày là thơ thẩn”.
Tagore mới nghĩ ra kế sách. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích trong cuốn thơ cổ. Cậu ta lại quên đề tên của cuốn thơ cổ đó. Nhưng lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt! Tuyệt!” Rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học: “Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này”.
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên mặt báo của ông... Bấy giờ ông anh cũng như thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia, để đối chiếu chứng minh và cũng dễ bề ghi xuất xứ khi đăng báo.
Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cách dàn cảnh bịa đặt của cậu Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với ánh mắt thán phục và hối hận cho thái độ thành kiến của mình.
Suy Niệm 10: Người Nazareth nghe Chúa giảng nơi hội đường
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Bắt đầu từ hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc Tin Mừng của thánh Luca.
1. Hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu trở về Nazareth để rao giảng cho những người đồng hương như một biến cố đầu tiên trong cuộc đời công khai của Ngài.
Theo thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, và với việc chiến thắng sự cám dỗ của ma quỉ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng tại miền đất Galilê, sau đó Chúa mới về Nazareth để rao giảng Tin Mừng tại đó. Ngài về đó đúng vào ngày nghỉ Sabat và rao giảng nơi hội đường của làng.
Trong biến cố này chúng ta có thể để ý đến hai điều:
* Trước hết là là thái độ nội tâm của Chúa. Chúa ý thức rất cao về sứ mạng truyền giáo của mình.
* Thứ đến là những phản ứng của những người nghe Chúa rao giảng. Có thể nói đây là những khó khăn tiêu biểu trong việc truyền giáo của Chúa cũng như của các tông đồ sau này.
Chúng ta hãy nhìn lại những chi tiết thánh Luca dùng để mô tả lại những người Nazareth nghe Chúa giảng nơi hội đường của họ.
+ Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc đoạn sách của Isaia, theo lời thánh Luca thì mọi người chăm chú nhìn Chúa. Chi tiết “chăm chú nhìn” nói lên thái độ nội tâm đầu tiên của những người nghe Chúa hôm đó. Chăm chú nhìn có nghĩa là thích nghe Chúa nói. Nếu không thích nghe thì chắc chắn họ sẽ chẳng cần phải chăm chú nhìn người nói chuyện với mình. Chúa Giêsu đã gặp được thái độ khá sẵn sàng nơi dân chúng tại Nazareth.
+ Rồi sau khi nghe Chúa tuyên bố đoạn trích sách tiên tri Isaia ấy được ứng dụng nơi Ngài, dân chúng đã có thái độ hồ hởi. Từ thái độ chăm chú nhìn và lắng nghe Chúa nói, dân chúng đã tiến thêm một bước nữa là rất hồ hởi. Một bước tiến bộ thật đẹp.
+ Thế nhưng, thái độ hồ hởi này đã không kéo dài được lâu. Dân chúng không đủ kiên nhẫn và can đảm. Họ đã bị vấp phạm bởi khía cạnh nhân loại của Chúa Giêsu. Thánh sử Luca đã mô tả thái độ thụt lùi của dân chúng bằng những lời lẽ như sau: “Họ bảo: ông này không phải là con ông Giuse hay sao?”(Lc 4,22) Ông ta không phải là con ông Giuse đó sao? Câu hỏi đó chứng tỏ họ bắt đầu hoài nghi về Chúa Giêsu. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng: “Tưởng ai chứ ông đó thì chúng ta quá biết rồi, vì ông ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giuse hàng xóm, chứ ai đâu!”
Họ tưởng họ biết rõ Chúa, nhưng thật ra họ chẳng biết gì cả. Họ mới biết cái bề ngoài là con ông Giuse, nhưng họ chưa biết Ngài còn là Con Thiên Chúa.
Và rồi từ thái độ nghi ngờ này chẳng mấy chốc nó đã biến thành thái độ tức giận chống đối và cuối cùng là muốn thủ tiêu Ngài.
2. Còn Chúa thì sao?
Chúng ta hãy thử xem thái độ ứng phó của Chúa ra sao trước sự khước từ của những người đồng hương. Chúa đã không nao núng. Thánh sử Luca kết thúc bằng một nhận định gọn ghẽ nhưng rất ấn tưọng: “Chúa băng qua họ mà đi”(Lc 4,30). Cách nói băng qua giữa họ mà đi không có nghĩa như một sự tàng hình biến đi, nhưng nó nói lên một thái độ đáng nể phục: Chúa bình tĩnh tiếp tục chương trình của Ngài, không để cho những chống đối thù ghét cản trở công việc của Chúa.
Một tín đồ Ấn giáo xuống dòng sông Hằng để thanh tẩy và cầu nguyện.
Ông đang ngụp lặn giữa dòng sông, thì bỗng đâu rác rưởi tụ đến. Trong đống rác có con bò cạp đang chao đảo, chơi vơi giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung, ông chìa tay ra để cứu vớt con vật. Cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật chích. Nhưng ông không mất kiên nhẫn. Con vật càng hung hăng, ông càng chịu đựng để nó chích liên tiếp, miễn là cứu sống được nó.
Có người theo dõi cảnh tượng đó mới trách ông:
- Ông thật là mất thời giờ vô ích. Nó là con bò cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích thôi.
Người tín đồ Ấn giáo điềm nhiên trả lời:
- Bản chất của con bò cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất con người là cứu vớt.
Vâng, Chúa đã không ngã lòng trước sự khước từ của người dân. Nơi này không đón nhận, Chúa đi nơi khác và tiếp tục rao giảng. Như chúng ta biết, theo Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu đã xuống thành Capharnaum thuộc xứ Galilê để giảng dạy ở đó vào các ngày Sabat.
Chúng ta hãy đến với Chúa để học lấy sự kiên nhẫn của Ngài.
Shiela Murray Bethel nói: “Một trong những điều đáng khích lệ nhất mà bạn có thể làm là tự xác định chính mình - biết mình là ai, tin vào cái gì và muốn đi tới đâu”.
Xin Chúa cho chúng ta đừng quá thất vọng mỗi khi gặp khó khăn.
Xin cho chúng ta luôn biết vuợt qua những khó khăn để tiếp tục những nhiệm vụ mà Chúa trao phó.
Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa, nhất là khi gặp những trở ngại trên con đường rao giảng Tin Mừng. Amen.
Suy Niệm 11: Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Bắt đầu từ hôm nay, Phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Luca
Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương Ngài:
1. Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.
2. Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không của riêng ai.
3. Thất vọng, dân Nadarét đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.
B.... nẩy mầm.
1. Sứ mạng của chúng ta nối tiếp sứ mạng Chúa Giêsu, là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những người nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con bạn bè thân thuộc của chúng ta.
2. Thế nào là “loan Tin Mừng cho người nghèo khổ”? Những người nghèo khổ quanh tôi là ai? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc loan Tin Mừng cho họ chưa?
3. Hai chuyện Cựu Ước cho thấy các ngôn sứ Êlia và Êlisê ưu ái những người ngoại. Chúa Giêsu cũng thế. Còn tôi, hình như tôi xa lánh người ngoại, tôi e dè với họ, tôi còn giữ nhiều thành kiến về họ, tôi có thái độ tự tôn coi mình hơn họ v.v.
4. Đối với Chúa Giêsu, người dân Nadarét chỉ mong Ngài nể tình đồng hương mà ưu tiên ban cho họ nhiều đặc ân. Khi ước muốn đó không đạt thì họ quay mặt phản đối và trục xuất Ngài. Đó là một thái độ hoàn toàn vụ lợi. Phải chăng thái độ của tôi đối với Chúa cũng vụ lợi như thế?
5. Bài Tin Mừng này làm tôi nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè v.v. Những người này thực sự là một nguồn an ủi và trợ lực cho tôi. Xin Chúa thay tôi đền ơn vì những điều họ đã làm cho tôi. Xin cho họ luôn là trợ lực chứ đừng bao giờ là trở lực cho sứ mạng Tin Mừng của tôi.
6. Trợ lực và trở lực: Hai thanh niên lớn lên trong gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.
Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”
Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi?” (Góp nhặt)
7. “Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)
Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn chòi phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẫu bánh mì ăn trưa. Còn nửa trái quít, cảm thấy ăn không nổi nữa, tôi lén nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì khác mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.
Một niềm vui bé con được thắp lên chỉ từ một hành động vô tình. Niềm vui ấy có lẽ sẽ được nhân lên gấp đôi trong tôi nếu tôi biết san xẻ cho em phần ăn với tất cả tấm lòng yêu thương, nhân ái.
Lạy Cha, xin cho con biết luôn luôn đem niềm vui đến mọi người, để niềm vui được nhân lên và trở thành hồng ân Chúa tuôn tràn trên nhân loại trong từng phút giây. (Hosanna)
SUY NIỆM
Khi Ngài tràn đầy Thần Khí (c. 14), Đức Giê-su mới bắt đầu giảng dạy. Vì thế, lời của Người chính là “Lời Chúa”, và chúng ta hãy ngạc nhiên về điều này: Đức Giê-su vẫn chưa làm phép lạ nào, chưa làm điều gì lạ thường, Ngài mới chỉ nói thôi; và lời của Ngài đánh động người nghe đến độ Ngài được mọi người tôn vinh:
Mọi người đều tán thành và thán phục
những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (c. 22)
Ước gì chúng ta cũng biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, kể từ hôm nay, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu (ăn mặc, nhà cửa, sức khỏe, học tập, việc làm, phương tiện đủ loại), nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế.
1. “Hôm này đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”
Nhưng Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Cả bốn Tin Mừng sẽ kể lại cho chúng ta những lời ân sủng của Chúa. Nhưng, Tin Mừng theo thánh Luca kể lại một trong những lời giảng của Chúa, và đó là một lời giảng vô cùng đơn giản: Ngài mở Sách Thánh, đọc một đoạn; sau đó cuộn lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống; cuối cùng Ngài nói:
Hôm này đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe. (c. 21)
Xin cho chúng ta hiểu được phần nào tầm mức của biến cố trọng đại này. Lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (c. 18-19), được thực hiện nơi những gì Đức Giê-su nói và làm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dấu chỉ của ơn tha thứ, chữa lành và tái sinh cho sự sống hôm nay và cho sự sống mới bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, lời ngôn sứ được ứng nghiệm hướng tới và phải được hiểu ở mức độ toàn bộ Kinh Thánh: toàn bộ Kinh Thánh loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh (x. Lc 24, 44). Thực vậy, ý định muốn giết Đức Giê-su và Ngài “vượt qua” giữa họ mà đi (c. 28-30) mời gọi chúng ta hiểu biến cố hạn hẹp ở Nazareth ở mức độ mầu nhiệm Vượt Qua !
Và bởi vì Kinh Thánh kể lại lịch sử của những con người cụ thể giống như mỗi người chúng ta, đầy những thăng trầm, lầm lỗi và bị Sự Dữ chi phối, cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng “loan báo” Đức Ki-tô và Đức Ki-tô cũng đã “hoàn tất” cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng “con tim bừng cháy” cho hai môn đệ Emmau (x. Lc 24, 22) và cho chúng ta hôm nay.
2. Biết và tin
Những người cùng quê với Đức Giê-su, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại :
Mọi người đều tán thánh và thán phục
những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (v. 22a)
Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giê-su :
Ông này không phải là
con ông Giuse đó sao ? (c. 22b)
Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3; x. Mt 13, 55-56).
Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình » (c. 23). Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu Nazareth ; nhưng nghiên cứu một hồi, thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ?
Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin : lòng tin đến từ kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người, sống nhờ Người và bởi Người, và đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa » (Mc 15, 39).
Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, trong tâm tình biết ơn, chia vui và chia sẻ, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen gị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng. Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » (c. 23) Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Elia va Elisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình » (c. 24).
3. “Người băng qua giữa họ mà đi”
Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực :
Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành
-thành này được xây trên núi.
Họ kéo Người lên tận đỉnh núi,
để xô Người xuống vực. (c. 29)
Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi. Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực:
Người băng qua giữa họ mà đi. (c. 30)
Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giêsu thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới.
Đó là cung cách của mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả » (1Cr 13, 7). Đó chính là dấu vết thần linh được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa để dẫn họ đến lòng tin và sự sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Monday (August 30):
“No prophet is acceptable in his own country” Scripture: Luke 4:16-30 16 And he came to Nazareth, where he had been brought up; and he went to the synagogue, as his custom was, on the Sabbath day. And he stood up to read; 17 and there was given to him the book of the prophet Isaiah. He opened the book and found the place where it was written, 18 “The Spirit of the Lord is upon me, because he has anointed me to preach good news to the poor. He has sent me to proclaim release to the captives and recovering of sight to the blind, to set at liberty those who are oppressed, 19 to proclaim the acceptable year of the Lord.” 20 And he closed the book, and gave it back to the attendant, and sat down; and the eyes of all in the synagogue were fixed on him. 21 And he began to say to them, “Today this scripture has been fulfilled in your hearing.” 22 And all spoke well of him, and wondered at the gracious words which proceeded out of his mouth; and they said, “Is not this Joseph’s son?” 23 And he said to them, “Doubtless you will quote to me this proverb, `Physician, heal yourself; what we have heard you did at Capernaum, do here also in your own country.'” 24 And he said, “Truly, I say to you, no prophet is acceptable in his own country. 25 But in truth, I tell you, there were many widows in Israel in the days of Elijah, when the heaven was shut up three years and six months, when there came a great famine over all the land; 26 and Elijah was sent to none of them but only to Zarephath, in the land of Sidon, to a woman who was a widow. 27 And there were many lepers in Israel in the time of the prophet Elisha; and none of them was cleansed, but only Naaman the Syrian.” 28 When they heard this, all in the synagogue were filled with wrath. 29 And they rose up and put him out of the city, and led him to the brow of the hill on which their city was built, that they might throw him down headlong. 30 But passing through the midst of them he went away. |
Thứ Hai 30-8
Không có ngôn sứ nào được đón tiếp nơi quê hương mình Lc 4,16-30 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi. |
Meditation: How would you react if Jesus spoke this message from the pulpit of your church? It was customary for Jesus to go weekly to the synagogue to worship and on occasion to read the Scriptures and comment on them to the people. His hometown folks listened with rapt attention on this occasion because they had heard about the miracles he had performed in other towns. What sign would he do in his hometown? Jesus startled them with a seeming rebuke that no prophet or servant of God can receive honor among his own people. He then angered them when he complimented the Gentiles who seemed to have shown more faith in God than the “chosen ones” of Israel. They regarded Gentiles as “fuel for the fires of hell.” Jesus’ praise for “outsiders” caused them offense because they were blind-sighted to God’s mercy and plan of redemption for all nations.
The word “gospel” literally means “good news”. Isaiah had prophesied that the Messiah would come in the power of the Holy Spirit to bring freedom to those oppressed by sin and evil (see Isaiah 61:1-2). Jesus came to set people free from the worst tyranny possible – the tyranny of slavery to sin and the fear of death, and the destruction of both body and soul. God’s power alone can save us from emptiness and poverty of spirit, from confusion and error, and from the fear of death and hopelessness. The Gospel of salvation is “good news” for us today. Do you know the joy and freedom of the Gospel?
“Lord Jesus, you are the fulfillment of all our hopes and desires. Your Holy Spirit brings us grace, truth, life, and freedom. Fill me with the joy of the Gospel and inflame my heart with love and zeal for you and for your will”. |
Suy niệm: Bạn sẽ ứng xử thế nào nếu Đức Giêsu nói lời này nơi bục giảng nhà thờ của bạn? Đức Giêsu có thói quen mỗi tuần đi đến đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa và nhân dịp đó đọc Kinh thánh và giải thích cho mọi người. Lúc này, những người làng của Chúa lắng nghe một cách say sưa, bởi vì họ đã nghe nói về các phép lạ Người đã làm trong những làng khác. Người sẽ làm phép lạ nào nơi quê hương mình? Đức Giêsu đã làm họ sững sốt với một lời nói có vẻ như khiển trách rằng không một vị ngôn sứ hay tôi tớ Chúa nào có thể được đón tiếp nồng hậu nơi quê hương mình. Người còn làm cho họ giận dữ khi Người nhận xét những người ngoại giáo xem ra có đức tin vào Thiên Chúa hơn “những người được chọn” của dân Israel. Họ xem người ngoại như “chất đốt cho lửa Hoả ngục”. Lời khen của Đức Giêsu đối với “những người bên ngoài” khiến cho họ chống đối, bởi vì họ bị mù quáng trước lòng thương xót của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ cho mọi dân tộc. Hạn từ “Tin mừng” theo nghĩa đen là “tin tốt”. Isaia đã nói tiên tri rằng Đấng Mêsia sẽ đến trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để đem tự do cho những người bị tội lỗi và sự dữ áp bức (Is 61,1-2). Đức Giêsu đến để giải thoát con người khỏi quyền lực áp bức tệ hại nhất có thể, sự chuyên chế nô lệ cho tội lỗi và sự sợ hãi cái chết, và sự hủy hoại thân xác và linh hồn. Chỉ cần quyền năng của Chúa cũng có thể cứu chúng ta thoát khỏi sự trống rỗng và nghèo nàn tinh thần, khỏi sự hoang mang và sai lầm, và khỏi sự sợ hãi cái chết và tuyệt vọng. Tin mừng giải thoát là “tin vui” cho chúng ta hôm nay. Bạn có biết niềm vui và sự giải thoát của Tin mừng không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng làm thỏa mãn mọi hy vọng và ước muốn của chúng con. Thần Khí Chúa đem lại cho chúng con ơn sủng, sự thật, sự sống, và tự do. Xin Chúa lấp đầy lòng con niềm vui của Tin mừng, và đốt lên trong lòng con lòng mến và nhiệt tâm vì Chúa và vì thánh ý Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn