Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay.

Thứ sáu - 19/03/2021 09:32

Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay.

"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

 

 

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?"

Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người.

Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật".

Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ông này là Đấng Kitô

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô

vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.

Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).

Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu.

Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng

đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).

Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15).

Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).

Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,

còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).

Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.

Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.

Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).

Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,

chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.

“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).

Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.

Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.

Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế.

Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,

Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.

Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,

nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).

Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.

Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.

Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).

Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17).

Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.

Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.

Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:

“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).

Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê.

Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25).

Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.

Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.

Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô.

Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.

Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,

và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.

 

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2TÔI CHỌN GIÊ-SU

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa hôm nay trình bày một thế giới chia rẽ vì Chúa Giê-su. Kẻ tin người không. Kẻ theo người chống. Với những đặc tính sau.

Những kẻ chống Chúa có nhiều quyền lợi trên trần gian. Đó là những nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo. Họ điều khiển người khác. Sai vệ binh đi bắt Chúa. Còn những kẻ tin Chúa lại là những người dân nghèo. Bị lớp người trên nguyền rủa là “dân đen”, là “đáng nguyền rủa”.

Những kẻ chống Chúa có nhiều kiến thức. Họ thông hiểu Lề Luật và Thánh Kinh. Họ tự bảo: “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao”? Trái lại những người tin Chúa lại là những người bình dân ít học. Những người bị khinh miệt là “thứ người không biết Lề Luật”.

Những kẻ chống Chúa dựa trên lý thuyết. Căn cứ vào sách vở. Còn những người tin Chúa là do trực tiếp tiếp xúc với Chúa. Xem Chúa làm. Nghe Chúa nói. “Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ”. Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô”... “Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”.

Những kẻ chống Chúa thì dữ tợn. Đòi bắt và giết Chúa. Như Giê-rê-mi-a đã loan báo từ xưa: “Chúng bảo nhau: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống”. Còn những người tin Chúa thì hiền lành. “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt”.

Mùa Chay đòi tôi phải tiến đến một chọn lựa quyết liệt. Chọn Chúa hay trần gian. Chắc chắn tôi muốn chọn Chúa. Chọn Chúa tôi chấp nhận bị thế gian khinh miệt. Bị coi thường. Bị coi là thiếu hiểu biết. Chọn Chúa tôi phải tránh xa quyền lực. Và đừng quá lý thuyết. Chúa Giê-su không phải là một lý thuyết. Chúa Giê-su là một ngôi vị sống động. Phải đến trực tiếp gặp Người. Như Ni-cô-đê-mô. Như lính vệ binh. Như dân nghèo. Phải xem việc Người làm. Phải nghe lời Người nói. Đừng lý sự. Hãy quỳ xuống cầu nguyện. Rồi đức tin sẽ đến. Rồi tình yêu sẽ bừng lên. Và tôi sẽ được sức sống mới.

 

SUY NIỆM 3: Dư luận về Chúa Giêsu.

Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh ta là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Nirgara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không? Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên: “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai, thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta cũng sẽ trả lời: “Thày là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa. Thái độ của chúng ta có lẽ cũng giống như của những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay: người thì xem Ngài như một tiên tri, kẻ nhận Ngài là Chúa Kitô, đa số thì dựa vào những hiểu biết trong Kinh Thánh để lý giải về thân thế của Ngài.

Sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải là một hiểu biết trên lý thuyết hoặc chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải là vác Thánh giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và Ngài đề ra như một mệnh lệnh: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và đi theo Ta”. Danh hiệu Kitô gắn liền với Thập giá. Không thể tuyên xưng Chúa Kitô mà lại chối bỏ Thập giá của Ngài, không thể tự cho mình biết Chúa Kitô mà không liên kết với Ngài trong cuộc tử nạn. Thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm của ngài: “Phần tôi, tôi chỉ biết có một Đức Kitô chịu đóng đinh”. Biết theo nghĩa Kinh Thánh là môt sự kết hợp thâm sâu. Biết do đó phải là một cam kết. Biết Đức Kitô như thánh Phaolô diễn tả chính là nên một với Chúa Kitô trong mầu nhiệm tử nạn. Biết Đức Kitô chịu đóng đinh chính là bổ túc nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Ngài.

Mùa chay là mùa thanh luyện, chúng ta được mời gọi để sống một cách ý thức hơn bản sắc đích thực của người kitô hữu, đó là để Đức Kitô chiếm hữu và sống bằng chính sức sống của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là người kitô hữu không chỉ mang danh hiệu của Đức Kitô, lời tuyên xưng của họ không chỉ đọng lại trên môi miệng, mà phải là một cuộc sống kết hiệp với Ngài, với những cố gắng không ngừng của từ bỏ, quảng đại, yêu thương và phó thác.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Ðón nhận sự thật

Những người chống đối Chúa Giêsu kiên quyết bảo vệ lập trường sai lầm của mình. Họ tự hào rằng mình am hiểu Kinh Thánh, rằng mình thông thạo lề luật, và họ khư khư căn cứ vào sự hiểu biết của họ để mô tả hình ảnh của một Chúa Kitô theo trí tưởng tượng của họ và kết quả là họ đã không gặp được Ngài.

Nhóm người tán thành Chúa Giêsu thì ứng xử theo lối khác. Họ lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói, quan sát những việc Chúa Giêsu làm. Họ thấy cả những lời nói và việc làm này có một sự thật, một tình thương, một sức giải phóng tâm hồn. Thế là họ tin vào Người, họ không lý luận bằng chữ nghĩa, họ chỉ nghe ngóng với con tim. Lời lẽ của họ thật là đơn sơ: "Ông này là vị ngôn sứ. Ông này là Ðấng Kitô". Người ta có thể nói rằng hãy nhắm mắt lại để thấy, hãy bịt tai lại để nghe. Quả thật, có nhiều điều chúng ta chỉ có thể thấy được, nghe được, hiểu được bằng cách vượt lên khỏi lối nhìn, lối nghe và lối hiểu thông thường dựa vào hình tướng bên ngoài.

Lạy Chúa, lắm lúc con cũng thường đánh giá mọi chuyện dựa theo cái vỏ bên ngoài của chúng và giải thích chúng dựa theo những kiến thức tôn giáo xã hội mà mình thụ đắc được, những lúc đó, con tưởng mình đã nắm gọn chân lý trên tay và con lớn tiếng phê phán chỉ trích đủ điều, con không ngờ rằng nhiều lúc mình chỉ như gã mù xem voi. Mù vì thiên kiến hẹp hòi, mù vì kiêu căng tự mãn, mù vì những ghen ghét giận hờn. Làm nô lệ cho những tật xấu, những tội lỗi, những mù quáng tinh thần này, con không thể nào gặp được Chúa. Xin Chúa cho con biết đón nhận sự thật với tâm hồn đơn sơ và một con tim đổi mới, cởi mở. Xin ban cho con Thánh Thần Chúa, thanh tẩy con với mọi tội lỗi, giúp con thoát khỏi mọi sự mù quáng để nhận ra Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Họ chia rẽ vì Người

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? nào kinh thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. (Ga. 7, 40-43)

Không phải hôm qua họ đã chia rẽ vì Đức Giêsu. Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy họ chia rẽ nhau. Họ đã chia rẽ ở thời Đức Giêsu, họ vẫn còn chia rẽ nhau cho đến ngày nay. Một ngày nào đó, chỉ cần đến Đền thờ Mộ Thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì thấy rõ sự chia rẽ đó. Tất cả đều nói về Đức Kitô, nhưng lại tranh luận xem những phần nền nhà này, bến đậu kia là đất thuộc về tôn giáo nào! Xin Người mau chóng lập lại trật tự đi.

Hẳn đó không phải là điều Đức Kitô đến dạy chúng ta. Nhưng đó là sự kiện thật như Đức Kitô đã nói: “Tôi mang gươm giáo đến, ai thuận với Tôi và ai chống lại Tôi”. Không có chuyện nửa vời. Thuận với Người thì phải từ bỏ những lý lẽ của lý trí, ít ai chịu bỏ. Muốn nhận biết Người cần phải trở nên bé nhỏ và khiêm nhường mới hợp với giáo lý và những đòi hỏi của sứ điệp Đức Giêsu và đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Người.

Bản văn thánh Gio-an cho chúng ta thấy những ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề Đức Giêsu, còn xa mới đi tới nhất trí.

Kết cục, chính các vệ binh có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự công cộng, tuy ít học, nhưng đã có những suy nghĩ rất chính xác và rất rõ nét: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Câu nói ngây ngô trước những ông biệt phái, đã xúc phạm nặng nề đến các ông nhưng nhận xét của những kẻ mà các ông coi là dân đen lại thật sáng suốt và có lương tri rất tốt.

Các ông trách họ tàn tệ: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh và giới trí thức biệt phái có ai tin vào tên ấy đâu? Chỉ có bọn hạ lưu cặn bã như các anh mới phạm sai lầm xét đoán như thế thôi”. Các ông biệt phái luôn luôn có thái độ kiêu ngạo, khinh bỉ quá khích đối với những người đã khâm phục sự khôn ngoan của Đức Giêsu.

Đức Kitô sẽ không bao giờ đạt tới kết quả là quy tụ được tất cả loài người. Xin đừng ngạc nhiên vì Người đã tiên báo về chính Người: “Tôi sẽ là dấu chỉ gây ra sự mâu thuẫn”.

Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ hiểu dấu chỉ đó, chúng ta sẽ chịu đau khổ vì thế, nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận: “Cùng chịu hấp hối với Người cho đến tận thế”. Câu nói tuyệt vời của Pascal.

G.F.

 

SUY NIỆM 6: TẠI SAO LẠI VẤP NGÃ?  (Ga 7, 40-53)

Đã có lần Đức Giêsu nói Ngài đến không phải để đem bình an, nhưng là đem chia rẽ: cha chống lại con trai, và ngược lại. Con dâu chống lại mẹ chồng và mẹ chồng chống lại nàng dâu. Anh em chống đối nhau...

Hôm nay, sự xuất hiện và lời giảng dạy của Ngài cũng làm cho dân chúng trong mọi tầng lớp chia rẽ.

Họ chia rẽ bởi vì có những nhận định về Đức Giêsu khác nhau. Kẻ thì cho rằng Ngài là vị ngôn sứ; người khác lại khẳng định Ngài là Đấng Kitô, nhưng lại có nhóm phủ nhận tính Kitô nơi Ngài vì cho rằng Ngài không xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít mà lại từ Galilê!

Rồi đến những nhận định về tài giảng dạy của Ngài, trong đó phải kể đến nhóm vệ binh, họ nói: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Nicôđêmô, một người trong nhóm Pharisêu thì đứng lên bênh vực Ngài nhưng không mạnh mẽ, mà chỉ khơi khơi...

Trước những phản ứng đó, các thượng tế và người Pharisêu không tin vào dân chúng và tỏ ra tức tối khi dân này ca ngợi Đức Giêsu...

Lý do họ không tin vào đám dân này là vì họ gọi những người ấy là lũ dân xứ này. Với họ, những người dân này chỉ như là hạng bọt bèo, hạ đẳng, không đáng để họ khinh miệt chứ đừng nói gì đến chuyện tin hay không! Họ còn khinh bỉ những người thường dân này đến độ coi họ không có chút học thức hay đạo đức gì, bởi vì nếu có thì không thể tin vào Đức Giêsu được, chỉ những người ngu xuẩn mới tin vào Đức Giêsu mà thôi!

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn có nhiều người như Pharisêu và Thượng Tế, họ vẫn tự hào là người học cao hiểu rộng, có một số vốn kiến thức đây đó, rồi từ đó sinh ra tự tôn, kiêu ngạo, để rồi Đức Giêsu là Đấng chỉ để họ bàn tán, còn tin và yêu mến cũng như thực hành những điều Ngài dạy thì không có. Hay có những người cho mình là đạo đức, sống đạo tại tâm, không cần đi lễ, nhà thờ hay cầu kinh sớm tối, cho rằng những chuyện đó là dư thừa, phù phiếm...

Nghĩ như thế, ấy là lúc chúng ta tách đạo ra khỏi đời sống, mà đạo của chúng ta là đạo sống, tức là gắn liền với mọi chiều kích cũng như các mối tương quan trong xã hội, chứ không phải là một mớ ý niệm, định nghĩa...

Trong khi đó, nhiều người bình dân học vụ thì họ lại nhận ra Thiên Chúa cách rõ nét ngang qua tình thương của Ngài ban cho họ trên cuộc sống.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật và can đảm làm chứng bằng cả cuộc sống. Mặt khác, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để được ơn cứu độ từ Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong Mùa Chay này biết ý thức rằng: “Đức tin mà không có hành động thì đức tin chết”. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa hiện diện mỗi ngày nơi người nhỏ bé

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một hoàng đế nọ mở đại tiệc và nhiều người được mời. Đến giờ ăn, một cơn bão dữ dội ập tới và chẳng ai đến được. Tức giận với “thần bão”, hoàng đế ra lệnh cho lính bắn lên trời để trả thù.

Những mũi tên rơi trở lại và gây thương tích cho rất nhiều lính, còn thần mặt trời Jupiter không bị phương hại gì. Những lời than trách của chúng ta cũng giống như những mũi tên bắn lên Chúa. Chúng sẽ quay lại và làm ta thêm đau khổ..

Suy niệm

Sau khi lắng nghe và nhìn thấy những việc Đức Giêsu làm, giữa những người Do Thái, có người nhận Ngài là Ðấng Tiên Tri, người khác nhận là Ðức Kitô - Đấng Thiên Sai… Vì thế, Ngài trở nên nguyên nhân chia rẽ trong dân Do Thái…

Nhưng giới lãnh đạo Do Thái là các thượng tế và biệt phái vì Đức Giêsu lên án sự cố chấp, giả hình của họ, nên muốn bắt Người. Họ cắt nghĩa Thánh Kinh lệch lạc để không muốn nhìn nhận Ngài là Ðấng Kitô, và kết án Ngài kiêu ngạo tự nhận là Con Thiên Chúa, họ tìm cớ để lên án tử cho Ngài.

Căn tính của Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến cứu chuộc trần gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) và Ngài cũng là người thật như khởi đầu Tin Mừng thứ tư xác định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Thiên Chúa qua Người Con nhập thể trở thành con người ở giữa chúng ta - thân phận bất toàn hữu hạn, nhưng là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ngài hoàn toàn chấp nhận kiếp con người, hòa nhất với chúng ta, để Ngài dẫn chúng ta về với Thiên Chúa qua sự chết và phục sinh của Ngài.

Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa vẫn nói với chúng con trong đời thường: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37)

Và với con mắt đức tin trong sáng, chúng con nhìn thấy Chúa hiện diện nơi những anh em nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Ý lực sống: “Tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ bằng sự dâng hiến của chính Con Một Ngài để cho nhân loại sống” (Thánh Hilaire de Poitiers).

 

Suy Niệm 8: Dư luận chia rẽ về Đức Giêsu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Khi nghe Đức Giêsu giảng trong Đền thờ, dân chúng đã dị nghị về Ngài. Và khi nghe bài giảng xong, dư luận càng chia rẽ về nguồn gốc của Ngài. Bài Tin Mừng cho biết dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Belem thành của Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Nicôđêmô lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.

2. Đức Giêsu là ai? Đứng trước Đức Giêsu, kẻ thì nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa làm người, kẻ thì nghĩ Ngài là một vĩ nhân, một tiên tri có sứ mệnh đặc biệt nào đó, kẻ khác nữa thì cho là một người phàm như mọi người. Thế là người ta hoang mang chia rẽ nhau. Đó cũng là thái độ của người Do thái thời Đức Giêsu như được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta sẽ lần lượt nói đến những hạng người đó.

3. Thứ nhất: đây là những con người bình thường ngay lành có lương tâm trong sáng, không bị dư luận xấu chi phối. Họ thuộc giới bình dân. Họ đã nghe lời Chúa giảng, hoặc đã được hưởng việc lạ Chúa làm, và tuyên xưng Chúa là Đấng đến giải phóng cho muôn người, như tiên tri Isaia đã báo trước: “Ngài làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại và tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Như vậy, những người này đã nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Kitô.

4. Thứ hai: Những nhà lãnh đạo tôn giáo như thượng tế, biệt phái và luật sĩ chối bỏ tất cả, họ không công nhận Ngài là một tiên tri, cũng không phải là Đấng Thiên Sai hay Đấng Kitô, vì không hội đủ những điều kiện về địa dư và dòng tộc, họ coi Ngài chỉ là người tầm thường như mọi người, một người như thế không thể là Đấng Kitô được, thế mà tự nhận cho mình địa vị và vai trò đó. Cho nên họ tức giận và ra lệnh cho binh lính tìm bắt Ngài.

5. Thứ ba: Những người lính  được các thượng tế sai đi bắt Chúa giải về cho họ xử. Những người này không dám bắt Ngài vì một phần còn sợ dân, nhất là khi nghe Ngài giảng như Đấng có uy quyền. Họ trở về trình diện các thượng tế với dáng vẻ sợ sệt mà trình bầy với họ bằng những lời: “Chúng tôi chưa từng gặp một người nào nói năng như ông ấy”. Như vậy, mặc nhiên họ đã công nhận  Chúa là một người khác biệt, một siêu nhân.

6. Thứ tư: Ông Nicôđêmô, là một người trong nhóm biệt phái, một người có thế giá, một thành viên hội đồng lập pháp, đã bênh vực Đức Giêsu khi ông nói: “Luật pháp của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không”?  Như vậy ông đề nghị trước khi kết án Đức Giêsu thì phải điều tra cho cẩn thận; nhung đề nghị của ông không được họ chấp nhận, đúng là họ theo luật rừng.

7. Đức Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?”. Thật ra điều kiện chính yếu để có thể nhận biết Thiên Chúa, đó là thái độ khiêm tốn, vô tư, trung thực, gạt bỏ tự cao tự đại, thay đổi quan điểm, thành kiến, hy sinh quyền lợi riêng tư để theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Người Do thái xưa đã không tin nhận Đức Giêsu là vì họ thiếu những điều kiện kể trên.

Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin nhận Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thực hiện Lời Chúa dạy bảo không? Đức tin không việc làm là đức tin chết.

Mùa Chay là ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống, chúng ta hãy nghe Lời Chúa kêu gọi: “Hôm nay nếu anh em nghe Lời Chúa, thì đừng cứng lòng nữa”.

8. Truyện: Đức tin phải có việc làm.

Blodin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không”? Giữa tiếng thác đổ âm ầm, cậu bé thét lên: “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta sẽ trả lời: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những Kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa” (Mỗi ngày một tin vui).

 

Phản ứng lời của Đức Giêsu – SN song ngữ ngày 20.3.2021

Saturday (March 20):  Reaction to Jesus’ words

 

Gospel Reading:  John 7:40-53

40 When they heard these words, some of the people said, “This is really the prophet.” 41 Others said, “This is the Christ.” But some said, “Is the Christ to come from Galilee? 42 Has not the scripture said that the Christ is descended from David, and comes from Bethlehem, the village where David was?” 43 So there was a division among the people over him. 44 Some of them wanted to arrest him, but no one laid hands on him. 45 The officers then went back to the chief priests and Pharisees, who said to them, “Why did you not bring him?” 46 The officers answered, “No man ever spoke like this man!” 47 The Pharisees answered them, “Are you led astray, you also? 48 Have any of the authorities or of the Pharisees believed in him? 49 But this crowd, who do not know the law, are accursed.” 50 Nicodemus, who had gone to him before, and who was one of them, said to them, 51 “Does our law judge a man without first giving him a hearing and learning what he does?” 52 They replied, “Are you from Galilee too? Search and you will see that no prophet is to rise from Galilee.” 53 They went each to his own house.

Thứ Bảy 20-3  Phản ứng lời của Đức Giêsu

 

Ga 7,40-53

40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.”41 Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? “43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? “46 Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! “47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! “50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? “52 Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Meditation: 

 

When resistance and opposition to God’s word rears its head how do you respond? With fear and doubt? Or with faith and courage? The prophet Jeremiah was opposed by his own people because the words he spoke in God’s name did not sit right with them. They plotted to silence him and to “cut him off from the land of the living” (Jeremiah 11:19).  Jeremiah responded with meekness and prophetic insight “like a gentle lamb led to the slaughter” (Jeremiah 11:18).

Are you willing to take a stand for the Lord Jesus?

No one can be indifferent for long when confronted with Jesus and his claim to be the Messiah and Savior of the world. Jesus’ message and the miraculous signs he performed caused division for many in Israel. Some believed he was a prophet, some the Messiah, and some believed he was neither. The reaction of the armed officers was bewildered amazement. They went to arrest him and returned empty-handed because they never heard anyone speak as he did. The reaction of the chief priests and Pharisees was contempt. The reaction of Nicodemus was timid. His heart told him to defend Jesus, but his head told him not to take the risk.

Who is Jesus for you? And are you ready to give him your full allegiance? There will often come a time when we have to take a stand for the Lord Jesus and for the truth of the Gospel – the good news of God’s kingdom and the free gift of salvation which Jesus came to bring us. To stand for Jesus and his kingdom may provoke mockery and opposition. It may even entail suffering and hardship – such as the loss of job, reputation, or life.The Lord Jesus richly rewards those who suffer for his name’s sake. 

 

Costly grace versus cheap grace

There are fundamentally only two choices that determine the course of our lives and the final destiny that awaits us: the choice to live for God’s kingdom of peace, joy, and righteousness or the pursuit of the world’s kingdom which stands in opposition to God’s authority and commandments. We can choose to obey God’s word and believe in his promise of blessing or we can choose to follow the voice of those who promise success and happiness apart from God’s truth and laws. The costly grace and freedom – which the Lord Jesus offers to those who embrace the cross for his sake – leads to joy and blessing in this life as well as the promise of eternal happiness with God. Cheap grace – which tries to bypass the cross for the sake of being my own master and the ruler of my own destiny – leads to emptiness and endless futility. Who do you choose to be the master and ruler of your life and destiny?

“Lord Jesus, your Gospel brings joy and freedom. May I be loyal to you always, even though it produce a cross on earth, that I may share in your crown of victory for all eternity”.

Suy niệm:

 

Khi sự đối nghịch và chống đối lời Chúa nổi lên trong đầu, bạn phản ứng thế nào? Với sự sợ hãi và nghi ngờ hay với niềm tin và lòng can đảm? Ngôn sứ Giêrêmia đã bị dân mình chống đối bởi vì những lời ông nói nhân danh Thiên Chúa không phù hợp với họ. Họ đã âm mưu làm cho ông câm miệng và “cất ông khỏi miền đất của người sống” (Gr 11,19). Giêrêmia đã đáp lại với sự hiền từ và hiểu rõ lời tiên báo “như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt” (Gr 11,18).

Bạn có sẵn sàng đứng về phía Chúa Giêsu không?

Không ai có thể dửng dưng hoài khi đối diện với Ðức Giêsu và lời tuyên bố là Đấng Mesia và là Đấng cứu thế của Người. Sứ điệp và các dấu lạ Đức Giêsu làm đã gây ra sự chia rẽ cho nhiều người trong dân Israel. Một số đã tin Người là ngôn sứ, số khác tin Người là Đấng Mêsia, và số khác cho rằng Người chẳng là gì cả. Sự phản ứng của những người lính thật đáng kinh ngạc. Họ đi tới để bắt Người và trở về tay không bởi vì họ chưa bao giờ nghe ai nói như Người. Sự phản ứng của các thượng tế và những người Pharisêu thì coi thường. Sự phản ứng của Nicôđêmô là sự phản ứng của người nhút nhát. Lòng ông bảo ông bênh vực Ðức Giêsu nhưng đầu óc ông bảo đừng có mạo hiểm.

Ðức Giêsu là ai đối với bạn? Bạn có sẵn sàng dâng cho Người lòng trung thành trọn vẹn của mình không? Thường sẽ có lúc khi chúng ta phải đứng về phía Đức Kitô và cho sự thật của Tin Mừng – tin vui về vương quốc của Thiên Chúa và ơn cứu độ nhưng không mà Đức Giêsu đem lại cho chúng ta. Đứng về phía Ðức Giêsu và vương quốc của Người có thể khơi dậy sự chế nhạo hay chống đối. Thậm chí nó có thể đưa đến sự đau khổ và thử thách – chẳng hạn bị mất việc, danh tiếng, hay mạng sống. Chúa Giêsu sẽ quảng đại ban thưởng cho những ai chịu đau khổ vì Người.

Ơn sủng đắt giá và ơn sủng rẻ tiền

Căn bản, chỉ có hai lựa chọn, xác định dòng đời của chúng ta và số phận cuối cùng đang chờ đón chúng ta: chọn lựa sống cho vương quốc bình an, niềm vui, và công chính của Thiên Chúa hoặc theo đuổi vương quốc của thế gian luôn chống lại uy quyền và các điều răn của Thiên Chúa. Chúng ta có thể chọn vâng lời Thiên Chúa và tin vào lời hứa phúc lành của Người hoặc chúng ta có thể chọn đi theo tiếng nói của kẻ hứa hẹn sự thành công và hạnh phúc xa lìa với chân lý và các lề luật của Thiên Chúa. Ơn sủng và sự giải thoát đắt giá – mà Chúa Giêsu ban cho những ai đón nhận thánh giá vì danh Người – sẽ dẫn tới niềm vui và phúc lành ở đời này cũng như lời hứa hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa nữa. Ơn sủng rẻ tiền – luôn tìm cách bỏ qua thánh giá vì lợi ích cho chính bản thân và cho kẻ thống trị số phận của mình – nó dẫn tới sự trống rỗng và vô ích mãi mãi. Bạn chọn ai làm chủ và là người cai quản cuộc đời và số phận của bạn?

Lạy Chúa Giêsu, Tin mừng của Chúa đem lại niềm vui và sự giải thoát. Chớ gì con luôn trung thành với Chúa, thậm chí khi nó mang lại thánh giá trên trái đất này để con có thể chia sẻ triều thiên chiến thắng của Chúa trong cõi vĩnh hằng.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây