Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay.

Thứ năm - 11/03/2021 07:35

Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay.

"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người".

 

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?"

Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

 

 

SUY NIỆM 1: Điều răn đứng đầu

Suy niệm:

Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật,

các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu.

Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema,

kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày:

“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi,

tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4).

Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).

Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.

“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18).

Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).

Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh.

Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến.

Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân:

đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm.

Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay.

Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.

Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30).

yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác,

vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.

Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước.

Ăn ngay ở lành không đủ.

Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành.

Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân.

Thương người như thể thương thân.

Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống?

Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ…

Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.

Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu.

Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài.

Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí.

Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ,

dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa.

Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.

Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình

để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó.

Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn,

nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: YÊU THƯƠNG LÀ LẼ SỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Do thái có một rừng luật. Và họ bị lạc lối trong rừng. Không biết điều luật nào là chính. Hôm nay Chúa cho họ biết những điều cơ bản nhất trong luật. Biết nguyên tắc cơ bản, nội dung thiết yếu và cách thế để tuân giữ lề luật.

Nguyên tắc cơ bản là luật để sống chứ không phải để giữ. Khi sống người ta làm chủ lể luật. Khi giữ người ta làm nô lệ cho lề luật. Biết luật để sống ta sẽ đi tìm luật như đi tìm không khí để thở, nước để uống.

Vì luật để sống, nên yêu mến Chúa hết lòng hết sức lực hết trí khôn là điều tự nhiên và cần thiết. Vì Thiên Chúa sinh thành ra ta. Người ban sự sống cho ta. Tất cả những gì ta có, ta là, đều bởi Chúa. Vì thế mến Chúa là điều luật quan trọng nhất. Ta giữ điều đó là vì chính ta chứ không phải vì Chúa.

Nhưng yêu mến Chúa chỉ được chứng tỏ bằng yêu mến tha nhân. Khi hiểu rằng Thiên Chúa và tha nhân thực sự cần thiết cho đời sống, cho hạnh phúc của ta, ta sẽ giữ hai điều răn này một cách dễ dàng. Cũng như ta tự nhiên tha thiết giữ gìn sức khỏe, giữ gìn tính mạng của mình vậy.

Nếu hiểu luật chính là để sống ta sẽ càng yêu mến Thiên Chúa. Càng yêu mến Thiên Chúa sự sống càng tràn đầy sung mãn nơi ta. Chính vì muốn ta đạt đến sự sống sung mãn nên Chúa Giêsu mời gọi ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hết tâm hồn và hết trí khôn.

Hiểu biết Thiên Chúa là lẽ sống, là nguồn mạch hạnh phúc, ta sẽ chẳng còn vương vấn thế gian. Biết Thiên Chúa là nguồn sức mạnh, ta sẽ chẳng còn cậy dựa vo thế lực trần gian, như Ít-ra-en đã từng cậy dựa vào thế lực của Át-sua

Không vương vấn thế gian, nhưng ta sẽ yêu mến thế gian, yêu mến tha nhân vì Chúa. Đó không còn là tình yêu thế gian, nhưng ta yêu thế gian, yêu tha nhân bằng tình yêu của Chúa. Như thánh Phao-lô nói: Từ nay tôi không còn biết người nào, điều gì theo xác thịt, nhưng là trong Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh.

 

SUY NIỆM 3: Giới Răn Trọng Nhất

Sau thế chiến thứ nhất 1914-1918 và thế chiến thứ hai 1939-1945, nhân loại đã rất lo sợ chiến tranh, và mong ước có một thế giới hoà bình, yêu thương. Người ta đã lập ra những hội khác nhau, như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, để kiểm soát và ngăn ngừa thế chiến thứ ba, vì nếu thế chiến thứ ba xảy ra, thì với những vũ khí tối tân, qui mô chắc chắn nhân loại sẽ bị huỷ diệt. Người ta kêu gọi hoà bình khắp nơi trên thế giới. Tôn giáo cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hoà bình.

Trong Tin mừng hôm nay, một luật sĩ đã hỏi Chúa Giêsu trong các giới răn, điều nào trọng hơn cả. Chúa Giêsu đã trả lời: “Giới răn trọng nhất là ngươi hãy yêu mến Chúa hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chúa tể vũ trụ, cho nên không được tôn thờ một Chúa nào khác. Ngài là Chúa hay ghen, nghĩa là không chấp nhận chia sẻ tình cảm cho bất cứ một ai khác. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì họ sẽ yêu chủ này mà ghét chủ kia” và ngược lại. Ngài đòi hỏi một sự trung thành trong tình yêu đối với Ngài.

Giới răn thứ hai, đó là “ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi”. Chúng ta tin Chúa ngự trong tâm hồn và chúng ta tuân giữ giới răn thứ nhất là yêu mến Ngài trên hết mọi sự, thì cũng phải giữ giới răn thứ hai vì có Chúa ở trong mọi người. Kinh thánh đã xác định với ta: nếu ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em, thì đó là kẻ nói dối.

Tất cả chúng ta đều thuộc mười giới răn Thiên Chúa được gồm tóm trong hai điều này là mến Chúa và yêu người. Mười giới răn Thiên Chúa ban cho con người qua Môsê trên núi Sinai tóm trong hai ý đó, và hôm nay được Chúa Giêsu lặp lại qua câu đáp trả cho người luật sĩ.

Chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, mỗi ngày trở thành anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời hơn. Ở đây tác giả tập sách Đường Hy vọng nhắn nhủ như sau:

“Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và của thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp những phiền phức, những thách thức đòi buộc lòng bác ái của chúng ta phải mở rộng ra. Bác ái không có biên giới, nếu có biên giới thì không còn là bác ái nữa. Chúng ta cần một con tim rộng mở như Chúa để có thể yêu thương như Ngài và với Ngài”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Một câu hỏi, hai câu đáp

“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc. 12, 28b-31)

“Một luật sĩ hỏi Đức Giêsu: Giới răn nào trọng nhất? Người đáp: Anh phải yêu mến Thiên Chúa, là Chúa anh và yêu mến người lân cận anh, không còn giới răn nào lớn hơn hai điều đó”.

Chúng ta thấy đây là toàn thể mầu nhiệm nhập thể: Con Thiên Chúa làm người để làm vinh quang Thiên Chúa bằng cứu độ nhân loại. Chính khi giải thoát con người khỏi vòng nô lệ mà chúng ta làm sáng danh Chúa. Anh em của chúng ta là mọi người, đó là con đường độc nhất nối kết chúng ta với Chúa Cha. Lý do này đủ giúp ta yêu người với hết trái tim ta. Câu đáp này của Đức Giêsu là một lời giải phóng cho người luật sĩ và cả cho chúng ta nữa. Nơi dân Do thái, tôn giáo được phát triển ngày càng theo chiều chủ nghĩa thuyết duy luật lệ, nghĩa là cứ giữ luật lệ nhiều là được cứu rỗi. Luật Tôra có 613 điều. Người ta không thể làm sao tóm tắt lại cả được, cũng không biết đâu là bến bờ, không biết đi về đâu nữa.

Nếu Đức Giêsu mạnh mẽ chống đối biệt phái, chỉ vì thái độ tôn thờ pháp luật đã trói buộc con người. Tình yêu của Thiên Chúa đã bị hóa thành vong thân làm hủy hoại con người.

Ngôi lời Thiên Chúa đã hóa thành xác thân. Tình yêu của con người không đòi buộc phải thoát xác. Mỗi khi Giáo hội tập họp mọi người để cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và mọi người là để nói lên rằng chỉ có những con người đoàn kết trong tình yêu mới thực sự làm sáng danh Thiên Chúa.

Có người nói: “Phúc cho tôi có Thiên Chúa như lòng tôi mong, cho tôi biết chịu đựng thân phận làm người”. Đúng lý hơn cho ai nói rằng: “Hạnh phúc biết bao khi Thiên Chúa cho tôi có nhiều người anh em, nhờ đó, tôi có thể yêu mến Thiên Chúa biết chừng nào”.

J.G

 

SUY NIỆM 5: YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN (Mc 12,28-34)

 “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.

Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa: là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.

Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa: là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc...

Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.

Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.

Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc  “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu...”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Mến Chúa – yêu người

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Martinô có lòng mến Chúa và luôn đi đôi với lòng yêu người. Martinô coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy ngài thực hiện việc yêu người. Martinô yêu tất cả mọi người dù già hay trẻ, nam hay nữ, da trắng hay da màu, quý tộc hay bình dân, bản xứ hay kiều cư, tự do hay nô lệ… Nhưng cách đặc biệt ngài dành tình yêu nhiều hơn cho những người xấu số phải sống trong những hoàn cảnh hẩm hiu về cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là đối với những người nghèo khó. Martinô hằng đem lòng bác ái rất đặc biệt mà đối xử với anh em; lòng bác ái đó phát xuất từ một đức tin toàn vẹn và một tâm hồn khiêm nhu.

Trong bài giảng của lễ phong thánh cho chân phúc Martinô Porres, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nhận định: “Qua gương sáng đời sống của mình, thầy Martinô cho thấy: Chúng ta có thể được cứu độ nhờ và nên thánh bằng con đường Đức Giêsu Kitô đã vạch ra, nghĩa là nếu trước hết chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn chúng ta, rồi sau đó nếu chúng ta yêu người thân cận như chính mình”.

Suy niệm

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, rồi yêu người thân cận như chính mình. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho một kinh sư đến hỏi Đức Giêsu: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”. Người Do Thái có 613 khoản luật. Giữa một rừng luật như vậy, Đức Giêsu đã trả lời bằng cách nối kết từ sách Đệ nhị luật 6,5 với sách Lê vi 19,18, khi khẳng định bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất, đó là yêu mến Thiên Chúa hết sức lực có được. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…” (Mc 12,30): Đức Giêsu đã trích Đnl 6,4-5, là một trong ba bản văn được những người Do Thái mộ đạo đọc mỗi ngày hai lần (x. Đnl 6, 4-9; 11,13-21; Ds 15, 37-41). Yêu mến Chúa hết lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực (Mc 12,30): Đnl 6,5 nói đến lòng/tim, linh hồn sức lực (LXX: kardia, psychê, dynamis). Maccô nêu ra bốn từ lòng/tim (kardia) là khả năng ý chí, linh hồn (psychê) là khả năng trí thức, trí khôn (dianoia = sức mạnh của trí tuệ; thay vì dynamis) và sức lực (ischys = tất cả sức mạnh của tâm hồn). Như thế, nhấn mạnh rằng toàn thể con người phải yêu mến Thiên Chúa với mọi tài nguyên có thể có được. Yêu mến Thiên Chúa duy nhất với tất cả sức mạnh và khả năng ban cho con người là tổng hợp tối hậu về ý muốn của Thiên Chúa.

Dù chỉ trả lời cho điều răn thứ nhất, nhưng Đức Giêsu nói đến một điều răn thứ hai: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” rất gần với câu tục ngữ Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”. Tình yêu chúng ta có cho chính mình được đề ra như tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu phải có đối với người thân cận. Yêu thương chính mình là chấp nhận bản thân, theo ý muốn của Thiên Chúa. Tình yêu đối với người thân cận cũng phải có cùng một bản chất với tình yêu đối với chính bản thân mình.

Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất: Yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương họ đến vô cùng. Hai điều răn được liên kết với nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận như một giải thích cô đọng trên hai bia đá mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho Môisê trên núi Sinai. Chính vì thế trong kinh Mười điều răn, phán kết ghi nhận: Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy.

Thật thế, tình yêu Chúa là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”(1 Ga 4,8). Chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài, thánh Gioan nhấn mạnh: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em” (1Ga 4,20).

Yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như thánh Gioan nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11).

Ý lực sống: “Lệnh truyền chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4,20-21).

 

Suy Niệm 7: Giới răn trọng nhất

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Hôm nay một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trọng nhất, Ngài khẳng định một giáo lý mới mẻ: “Mến Chúa – yêu người” là hai giới răn quan trọng nhất. Hai điều này liên kết chặt chẽ với nhau vì cùng xuất phát từ một tình yêu. Mến Chúa một cách tuyệt đối: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Tình thương đối với tha nhân cũng phải tới mức độ cao nhất: như yêu thương chính mình. Vì tự nhiên ai cũng quí trọng và yêu mến bản thân mình hơn hết.

2. Tại sao ông luật sĩ lại đến hỏi thử Đức Giêsu về điều này? Thưa, vì bộ luật của người Do thái lúc đó có 613 khoản, gồm có 248 việc phải làm, và 365 việc không được làm. Người ta khó lòng chọn được khoản luật nào cao trọng nhất. Có người thì cho là luật nghỉ ngày sabat, người cho là luật cắt bì, người cho là luật dâng của lễ, rửa tay trước khi ăn... thật khó mà chọn luật nào quan trọng nhất. Những luật sĩ và biệt phải tưởng rằng Đức Giêsu sẽ lúng túng không trả lời được.

Nhưng Đức Giêsu điềm nhiên trả lời: “Điều luật trọng nhất là: “Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Rồi Chúa nói tiếp: “Điều luật thứ hai cũng trọng không kém là “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Đó là hai luật rất quan trọng. Nhưng hai luật ấy đã bị biết bao nhiêu điều cấm đoán hay bó buộc khác lấn át làm cho nhiều người quên lãng hay không để ý tới sự quan trọng của chúng.

3. Tình yêu mà Phụng vụ đề cập đến hôm nay là một tình yêu hoàn hảo, tinh luyện, cao thượng, phổ quát và phong phú nhất. Tình yêu trong phụng vụ  chính là “Bác ái Công giáo” (Caritas). Bác ái là yêu thương một cách rộng rãi như thánh Augustinô đã nói: “Giới hạn tình yêu là không có giới hạn nào”. Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Hai tình yêu này khác nhau chăng? Thưa không. Chẳng những hai tình yêu này không tách rời nhau mà còn quyện lấy nhau: chỉ có một. Chính tình yêu này giúp chúng ta yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.

Theo Đức cha Arthur Tonne thì yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa” và yêu tha  nhân là “làm điều thiện hảo cho họ”. Tình yêu đối với Chúa cũng như đối vói tha nhân luôn phải kèm theo những đặc tính là hy sinh, phục vụ và dâng hiến. Bất cứ làm việc gì cũng phải được thực hiện trong tình yêu thì mới có giá trị: “Ama et fac quod vis” (Thánh Augustinô): yêu mến đi rồi làm gì thì làm.

4. Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất. Yêu người thân cận như chính mình: “Yêu người như thể thương thân”. Người thân cận là hết mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa ta mới có thể yêu thương họ đến tột cùng. Hai điều răn được liên kết với nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận như một giải thích cô đọng trên hai bia đá mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen trên núi Sinai. Chính vì thế trong kinh Mười điều răn chúng ta đọc trong các ngày Chúa nhật, phần kết ghi nhận: Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

5. Thật thế, tình yêu Chúa là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7). Chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài, thánh Gioan còn nhấn mạnh: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em” (1Ga 4,20).

Yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như thánh Gioan nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”(1Ga 4,11).

6. Truyện: Chị nữ tu phục vụ.

Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ  với vẻ mắt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với đầy lòng căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có được nghị lực để yêu tha nhân được”.



 

 SUY NIỆM

1. “Ông ta trả lời khôn ngoan”

Người kinh sư trả lời Đức Giê-su với sự khôn ngoan, nghĩa là ông khen ngợi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng!” (c. 32), và nhắc lại, chắc chắn với sự hiểu biết và xác tín, những điều răn “đứng đầu” và “ lớn nhất”, Người vừa nêu ra và nhấn mạnh. Vì thế, Người khen ông:

Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy,
thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” 
(c. 34)

Trong đời sống đức tin, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh đến việc làm, mà không chú ý đủ đến việc hiểu. Làm mà không hiểu, thì chúng ta sẽ làm như thế nào và có làm được không? Chính chúng ta đã từng gặp khó khăn này: tại sao lại dạy tôi phải làm điều này, và phải tránh điều kia? Và chúng ta cũng gặp khó khăn này khi giáo dục các em bé hay những người trẻ: họ đòi được giải thích để hiểu, trước khi làm; nếu không họ sẽ không làm, hay nếu có làm cũng chỉ làm ở bên ngoài, hoặc chỉ làm trước mặt người lớn hay người có trách nhiệm mà thôi.

Trí khôn là một khả năng quan trọng làm nên chính con người chúng ta; và còn hơn cả quan trọng, vì trí khôn là khả năng đặc trưng của loài người so với loài vật. Vậy mà, trong đời sống đức tin, trí khôn hay bị bỏ quên, đôi khi còn bị xem thường nữa. Chúng ta gặp khó khăn trong việc sống Lời Chúa, sống đức tin, sống đạo, sống ơn gọi, một trong những nguyên nhân chính, đó là vì trí khôn của chúng ta không được soi sáng, không được chăm sóc, không được nuôi dưỡng, không được làm cho vui thỏa.

Đức Giêsu thường hay mời gọi, khi kết thúc bài giảng, nhất là sau khi kể một dụ ngôn: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe” (Mc 4, 9). Đó là lời mời gọi lắng nghe Lời của Ngài với cả con người, và nhất là với trí khôn của mình. Bởi vì nghe đích thực là nghe được ý nghĩa, chứ không phải là nghe được âm thanh. Và đối với Đức Giê-su, nghe và hiểu Lời Chúa tất yếu sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, như Người đã nói khi giải thích dụ ngôn “Người Gieo Giống”: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23). Hơn nữa, nghe được ý nghĩa của Lời Chúa, nghĩa là hiểu được lời Chúa, chính là con đường tốt nhất giúp chúng ta hiểu chính Chúa và tình yêu đến cùng của Người dành cho chúng ta nơi mầu nhiệm Vượt Qua, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.

Hiểu Chúa, hiểu Chúa là ai và nhất là hiểu Chúa là ai đối mình, chính là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến lòng mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Bởi lẽ vô tri thì bất mộ.

2. Điều răn “đứng đầu, lớn nhất”

Người kinh sư hỏi Đức Giêsu điều răn nào đứng đầu trong mọi điều răn. Đức Giê-su trả lời, đó là điều răn yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận:

Điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (c. 29-31)

Như thế, “điều răn đứng đầu” là điều răn đặc biệt, không như bất cứ điều răn nào khác. Bởi vì, điều răn đúng nghĩa, là điều cấm, chẳng hạn, “người không được giết người; hay là điều buộc, chẳng hạn, hôm nay phải ăn chay; và mọi người đều phải tuân giữ, dù thích hay không thích. Thế mà, lòng mến là chuyển động của con tim, là sự gắn bó nội tâm, là sự lựa chọn tự do, và vì thế không thể ép buộc được, không thể là đối tượng của luật cấm hay luật buộc.

Do đó, “điều răn lòng mến” là điều răn đứng đầu, theo nghĩa điều răn lòng mến là khởi đầu và là cùng đích của mọi giới răn và của mọi lề luật. Giữ luật và giới răn, chính là khởi đi từ lòng mến, ở lại trong lòng mến và hướng tới lòng mến (giống như chúng ta tập cho em bé yêu mến cha mẹ, người thân, người khác). Bởi vì, giữ mọi lề luật, giữ giới răn mà không có lòng mến, thì chẳng có ý nghĩa gì, vì chỉ là bề ngoài thôi; không có lòng mến chúng ta cũng chẳng giữ được; và nếu có giữ được thì cũng chẳng giữ được lâu!

3. Chúng ta được yêu mến trước

Nhưng tại sao chúng ta lại phải yêu mến Thiên Chúa? Đó là vì Thiên Chúa yêu mến chúng ta trước. Nếu không, lời mời gọi này sẽ vô nghĩa, thậm chí không chấp nhận được. Chúng ta được mời gọi yêu mến cha mẹ, vì cha mẹ yêu mến chúng ta trước, trước khi mình có mặt trên đời. Đối với Thiên Chúa cũng vậy.

Dân Israen được mời gọi yêu mến Đức Chúa của mình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” và yêu mến người thân cận như chính mình, bởi vì Israel được Thiên Chúa “sinh ra” cách nhưng không, khi giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, bởi vì chúng ta cũng được Thiên Chúa sinh ra và tái sinh, bằng cách giải phóng chúng ta khỏi hư vô và sự chết nơi Đức Giêsu (x. Rm 8, 38-39). Hằng năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta “ôn lại” tình yêu này trong Đêm Canh Thức Vượt Qua.

Kinh nghiệm được yêu mến, là nền tảng cho tình yêu của chúng ta với Chúa, và với nhau. Vì bản chất của tình yêu là lan truyền, như Đức Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bầu khi của Bữa Tiệc Ly:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. 
(Ga 15, 9)

Anh em hãy yêu thương nhau,
như Thầy yêu thương anh em. 
(Ga 15, 12)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ông không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu – SN song ngữ 12.3.2021

Friday (March 12): “You are not far from the kingdom of God”

 

Gospel Reading:  Mark 12:28-34

28 And one of the scribes came up and heard them disputing with one another, and seeing that he answered them well, asked him, “Which  commandment is the first of all?” 29 Jesus answered, “The first is, `Hear, O Israel: The Lord our God, the Lord is one; 30 and you shall love the Lord your God with all your heart, and with all your soul, and with all your mind, and with all your strength.’ 31 The second is this, `You shall love your neighbor as yourself.’ There is no other commandment greater than these.” 32 And the scribe said to him, “You are right, Teacher; you have truly said that he is one, and there is no other but he; 33 and to love him with all the heart, and with all the understanding, and with all the strength, and to love one’s neighbor as oneself, is much  more than all whole burnt offerings and sacrifices.” 34 And when Jesus saw that he answered wisely, he said to him, “You are not far from the kingdom of God.” And after that no one dared to ask him any question.

Thứ Sáu     12-3                Ông không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu

 

Mc 12,28-34

28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? “29 Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Meditation: 

 

What is the best and sure way to peace, happiness, and abundant life? The prophet Hosea addressed this question with his religious community – the people of Israel. Hosea’s people lived in a time of economic anxiety and fear among the nations. They were tempted to put their security in their own possessions and in their political alliances with other nations rather than in God. Hosea called his people to return to God to receive pardon, healing, and restoration. He reminded them that God would “heal their faithlessness and love them freely” (Hosea 14:4). God’s ways are right and his wisdom brings strength and blessing to those who obey him.

The grace and power of love and obedience

How does love and obedience to God’s law go together? The Pharisees prided themselves in the knowledge of the law and their ritual requirements. They made it a life-time practice to study the 613 precepts of the Old Testament along with the numerous rabbinic commentaries. They tested Jesus to see if he correctly understood the law as they did. Jesus startled them with his profound simplicity and mastery of the law of God and its purpose.

What does God require of us? Simply that we love as he loves! God is love and everything he does flows from his love for us. God loved us first and our love for him is a response to his exceeding grace and kindness towards us. The love of God comes first and the love of neighbor is firmly grounded in the love of God. The more we know of God’s love and truth the more we love what he loves and reject what is hateful and contrary to his will.

The love which conquers all

What makes our love for God and his commands grow in us? Faith in God and hope in his promises strengthen us in the love of God. They are essential for a good relationship with God, for being united with him. The more we know of God the more we love him and the more we love him the greater we believe and hope in his promises. The Lord, through the gift of the Holy Spirit, gives us a new freedom to love as he loves (Galatians 5:13). Do you allow anything to keep you from the love of God and the joy of serving others with a generous heart? Paul the Apostle says: hope does not disappoint us, because God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit which has been given to us (Romans 5:5). Do you know the love which conquers all?

 

“We love you, O our God; and we desire to love you more and more. Grant to us that we may love you as much as we desire, and as much as we ought. O dearest friend, who has so loved and saved us, the thought of whom is so sweet and always growing sweeter, come with Christ and dwell in our hearts; that you keep a watch over our lips, our steps, our deeds, and we shall not need to be anxious either for our souls or our bodies. Give us love, sweetest of all gifts, which knows no enemy. Give us in our hearts pure love, born of your love to us, that we may love others as you love us. O most loving Father of Jesus Christ, from whom flows all love, let our hearts, frozen in sin, cold to you and cold to others, be warmed by this divine fire. So help and bless us in your Son.” (Prayer of Anselm, 12th century)

Suy niệm:

 

Con đường đúng đắn và chắc chắn nào dẫn tới cuộc sống bình an, hạnh phúc, và sung mãn? Ngôn sứ Hôsê đã đưa ra câu hỏi này với cộng đồng tôn giáo của mình – dân Israel. Dân của Hôsê sống trong thời gian lo lắng về kinh tế và sợ hãi các quốc gia. Họ bị cám dỗ đặt sự an toàn của mình vào trong những sở hữu vật chất của mình và trong các mối đồng minh chính trị với các quốc gia khác hơn là Thiên Chúa. Hôsê đã kêu gọi dân mình trở về với Thiên Chúa để lãnh nhận sự tha thứ, chữa lành, và sự phục hồi. Ông nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa sẽ “chữa họ khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương họ hết tình” (Hs 14,5). Các đường lối của Người đúng đắn và sự khôn ngoan của Người đem lại sức mạnh và phúc lành cho những ai vâng phục Người.

 

 

Ân sủng và sức mạnh của tình yêu và vâng phục

Làm thế nào tình yêu và sự vâng phục lề luật Thiên Chúa gắn kết với nhau? Những người Pharisêu tự hào về sự hiểu biết lề luật và những đòi hỏi của nghi thức lề luật. Họ phải bỏ thời gian cả đời để học hỏi 613 khoản luật Cựu ước, cùng với vô số những lời giải thích lề luật của các bậc thầy. Họ đã thử Đức Giêsu để xem Người có hiểu đúng lề luật như họ không. Đức Giêsu đã khiến họ phải kinh hãi với sự dễ hiểu sâu sắc và thành thạo luật Chúa và mục đích của nó.

 

 

Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì? Đơn giản là yêu như Chúa yêu! Thiên Chúa là tình yêu và mọi việc Người làm đều phát xuất từ tình yêu đối với chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và tình yêu của chúng ta dành cho Người là sự đáp trả ơn sủng và lòng nhân hậu bao la của Người dành cho chúng ta. Tình yêu của Chúa đi trước, và tình yêu của Chúa là nền tảng vững chắc cho tình yêu tha nhân. Chúng ta càng hiểu biết tình yêu và chân lý của Chúa, chúng ta càng yêu những gì Người yêu, và loại bỏ những gì đáng ghét và trái ngược với ý của Người.

Tình yêu chiến thắng tất cả

Điều gì làm cho tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và các điều răn của Người được lớn lên trong chúng ta? Niềm tin tưởng vào Chúa, và lòng hy vọng vào những lời hứa của Người củng cố chúng ta trong tình yêu của Chúa. Chúng rất cần thiết cho mối quan hệ tốt đẹp với Chúa, cho mối thông hiệp với Người. Chúng ta càng hiểu biết Chúa bao nhiêu, chúng ta càng yêu mến Chúa bấy nhiêu. Và chúng ta càng yêu mến Chúa bao nhiêu, chúng ta càng tin tưởng và hy vọng vào những lời hứa của Người bấy nhiêu. Đức Giêsu, ngang qua ơn huệ của Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta sự tự do mới để yêu như Ngài yêu (Gl 5,13). Bạn có cho phép bất cứ điều gì ngăn cản, để bạn không yêu mến Thiên Chúa và vui vẻ phục vụ tha nhân với một trái tim quảng đại không? Thánh Phaolô tông đồ nói: niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng, bởi vì tình yêu của Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban tặng cho chúng ta (Rm 5,5). Bạn có biết tình yêu chiến thắng tất  cả không?

Lạy Thiên Chúa, chúng con yêu mến Chúa, và chúng con ước ao yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn. Xin ban ơn cho chúng con, để chúng con có thể yêu mến Chúa nhiều như chúng con ao ước, và nhiều như chúng con phải yêu mến. Ôi người Bạn thân thiết nhất, Đấng rất đáng yêu mến và đã cứu chuộc chúng con, tư tưởng của Chúa quá ngọt ngào và luôn luôn gia tăng sự ngọt ngào hơn nữa, xin hãy đến cùng với Đức Kitô và ở lại trong linh hồn chúng con, để Ngài canh giữ môi miệng của chúng con, bước chân của chúng con, những việc làm của chúng con, và chúng con sẽ không phải lo lắng cho linh hồn hay thân xác của mình nữa. Xin ban cho chúng con tình yêu, sự ngọt ngào nhất của mọi ân huệ, không hề có thù địch nào. Xin ban cho lòng chúng con tình yêu tinh ròng, được sinh bởi tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để chúng con có thể yêu thương người khác, như Chúa yêu thương chúng con. Ôi Cha đáng yêu mến của Đức Giêsu Kitô, từ nơi Cha tuôn đổ tất cả mọi tình yêu thương, xin cho tâm hồn chúng con, đang băng giá trong tội lỗi, đang khô khan với Cha và với tha nhân, được sưởi ấm bởi ngọn lửa thần linh này. Xin trợ giúp và chúc lành cho chúng con trong Con của Cha. (Lời cầu nguyện của Anselm, thế kỷ thứ 12) 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây