Lời Chúa: Lc 11, 29-32
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy.
Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Suy niệm 1: Tìm kiếm dấu lạ
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô,
“Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ,
còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22).
Có vẻ người Do Thái thích dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin.
Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân thực của lời rao giảng.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng.
Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm.
Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại.
Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain,
và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại.
Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết,
như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió.
Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều.
Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).
Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương.
Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng.
Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài,
nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại.
Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ.
Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng
hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô.
Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha.
Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo.
“Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35).
Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình.
Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá.
Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như người Do Thái xưa.
Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta,
nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn tượng từ trời.
Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi được
để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn sự dữ ở quanh ta.
Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng ẩn mình,
và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao dung khiêm hạ.
Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta,
nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ.
Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà lại rất đỗi bình thường,
những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho đời tôi?
Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của đời tôi cũng là dấu lạ?
Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều người coi là tự nhiên,
tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi tình yêu là dấu lạ.
Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều ngoạn mục, ly kỳ,
tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những điều đơn sơ nhỏ bé.
Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình thường Chúa ban cho đời tôi.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con. Amen.
Suy niệm 2: Dấu chỉ ơn cứu độ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa đã làm muôn vàn điềm kỳ dấu lạ. Tuy nhiên dấu lạ quan trọng nhất là dấu chỉ ơn cứu độ. Chính vì thế Chúa Giê-su cho biết sẽ tái diễn dấu lạ Gio-na.
Dấu lạ Gio-na là tình thương của Chúa. Muốn cứu độ dân Ni-ni-vê. Nên sai Gio-na đến. Đó là dấu lạ của quyền năng. Cho Gio-na vào bụng cá ba ngày vẫn còn sống. Trên hết đó là dấu lạ của ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu độ chỉ đến được với người có niềm tin. Dân Ni-ni-vê ngoại đạo nhưng lại tin vào Chúa và tin lời Gio-na. Ăn năn sám hối nên được ơn cứu độ.
Chúa Giê-su còn hơn Gio-na. Nếu Gio-na là người được Chúa sai đến. Thì Chúa Giê-su là Thiên Chúa đích thân đến. Nếu Gio-na miễn cưỡng đến rao giảng. Thì Chúa Giê-su yêu thương con người, tự nguyện đến tìm con người. Nếu Gio-na được Chúa cho vào bụng cá ba ngày không chết. Thì Chúa Giê-su tự mình sống lại sau khi chết thật. Đó là dấu lạ lớn lao của ơn cứu độ. Tiếc rằng người Do thái không tin. Vì thế họ sẽ bị phán xét nặng nề. “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa”.
Thư Rô-ma cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa có từ muôn ngàn đời. Muốn cứu độ con người qua các sứ giả. Nhưng đến thời sau cùng Thiên Chúa ban chính Con Một. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su cho thấy quyền năng và tình yêu cứu độ của Chúa. Vì thế thánh Phao-lô nguyện suốt đời đem Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người. Để tình yêu và quyền năng Thiên Chúa được rạng rỡ: “Nhờ Người chúng tôi nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ”(năm lẻ).
Chúa Giê-su ban ơn cứu độ. Để ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Để ta được tự do. Chúa mặc lấy thân nô lệ để ta được tự do. Chúa chịu chết cho ta được sống. Ta hãy biết trân trọng tự do. Vì nó được chuộc lại bằng giá rất đắt. Ta hãy biết trân trọng sự sống. Vì nó được chuộc lại bằng giá Máu Chúa. Đó là dấu lạ lớn lao. Đó là dấu chỉ vĩ đại. Dấu chỉ tình yêu. Dấu chỉ ơn cứu độ. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (năm chẵn).
Suy niệm 3: Dấu Lạ Cả Thể
Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa.
Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày.
Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người.
Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Dấu lạ ông Giôna
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: "Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con", kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan". Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: "Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy". Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Lạy Chúa, Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.
Lạy Chúa, Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch. Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin còn non yếu nơi con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Căn cước của Đấng Mê-si-a
Đức Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)
“Người ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.
Từ chối đòi hỏi của họ:
Đức Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người, “của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn, không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ phải tin.
Chính Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm, ấn chứng phụ nữa.
Kêu gọi lòng tin
Gio-na không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.
Ở mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã hội của Người trước khi nghe Người?
RC
Suy niệm 6: Đừng thách thức Thiên Chúa trong sự kiêu ngạo
Xem thêm thứ Tư tuần 1 MC, thứ hai tuần 16 TN
"Tôi đã đi khắp vũ trụ, nhưng không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”. Đó là lời thốt lên từ một phi hành gia của Liên Xô sau chuyến thám hiểm vũ trụ.
Thật vậy, tâm thức của con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Pharisêu thời Đức Giêsu.
Sẵn có sự hiềm khích đối với Đức Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Hôm nay, họ đòi hỏi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người, nên Đức Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.
Thật vậy, nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi...! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thật vậy, nếu Chúa không yêu thương và đại lượng với chúng ta, hẳn chúng ta đã không bao giờ có được như ngày hôm nay!
Đồng thời cần khiêm tốn để sẵn sàng biến đổi đời sống, trở nên người hiền lành, khiêm nhường. Có thế, chúng ta mới hy vọng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó, chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Người Do thái không tin Chúa Giêsu
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Những phép lạ Chúa làm đủ để chứng tỏ Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Thế nhưng người Do thái đã không tin. Đây cũng là thảm kịch của con người ngày nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không tin vào các phép lạ Chúa làm.
Lạy Chúa, đôi lúc nghĩ về dân Do thái ngày xưa, con tức giận và thầm oán trách họ cứng lòng tin. Nhưng khi nhìn lại con, có thể con đã không tốt hơn họ bao nhiêu, mà có lẽ còn tệ hơn. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng đánh mất ý thức về sự thánh thiêng, và không còn nhận ra quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới. Con cũng đang quay cuồng trong đời sống vật chất, ảnh hưởng các trào lưu tục hóa, làm niềm tin của con bị lung lay tận gốc rễ. Có những lúc vì quá thất vọng, chán nản ê chề, con đã cầu mong Chúa thực hiện một phép lạ nào đó như là dấu chỉ Chúa vẫn thương con. Khi không được như ý, con lại oán trách Chúa và nghi ngờ Chúa.
Lạy Chúa, một cách vô tình, con đã coi Chúa như là đầy tớ phải làm theo ý con muốn. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con. Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa. Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống thường ngày nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Suy niệm 8: Giúp con sáng mắt
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở nước Anh. Mỗi sinh viên được phát một mũ bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước mũ có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên mũ bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên mũ”. Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”.
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêricô thì gặp anh hành khất mù, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tước hiệu “Con Vua Đavít”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. “Xin thương xót tôi”, tiếng Hy Lạp là “Kyrie Eleison”. Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng sa mạc... Phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại một cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót”.
Anh mù tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Anh được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nadarét con vua Đavít mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành. Chúng ta tín thác vào Thầy Giêsu, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng trong lời cầu: Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Ý lực sống
Giúp con sáng mắt Chúa ơi!
nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan.
Tin tưởng, phó thác, bình an
giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin. (Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).
Suy niệm 9: Cảnh cáo những kẻ cứng lòng tin
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Khi Đức Giêsu cứu chữa một người bị quỷ câm ám, thì dân chúng chia làm ba nhóm khác nhau: nhóm tin, nhóm không tin, còn nhóm thứ ba cũng không tin, nhưng đòi phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” để chứng minh Người là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Đức Giêsu từ chối vì biết họ chỉ có ý khiêu khích. Người hứa cho họ xem một dấu lạ lớn lao, tuyệt hảo nơi bản thân Người khi dựa vào câu chuyện ông Giona đã làm thời xuất hành để hứa ban một dấu lạ nơi chính bản thân Người là sự tử nạn và phục sinh của Người để kêu gọi mọi người sám hối.
Chắc mọi người chúng ta ít nhiều đều đã trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi. Họ đòi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ “từ trời” xuống thì họ mới tin. Nhưng Chúa không làm theo ý họ.
Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa Giêsu và các Tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Bài Tin mừng hôm nay kể về việc người biệt phái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ.
Ngày xưa, tiên tri Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa tha thứ. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiêu việc sai trái trong ‘bóng tối’. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, trở về với Chúa qua bí tích Hoà giải và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện (Hiền Lâm).
Trước khi đi chợ, mẹ dặn hai cậu con trai ở nhà, không được đi chơi xa kẻo kẻ trộm vào nhà. Hai đứa bé không tin vì nghĩ kẻ trộm không đến vào ban ngày. Cả hai cùng đi chơi. Thế là trộm vào nhà. Hôm nay, dân Do thái, đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ. Trước đó, Người đã làm nhiều phép lạ khi còn ở giữa họ, sao họ còn đòi thêm một dấu lạ? Chẳng lẽ họ đã quên phép lạ Chúa đã làm cho con trai bà góa thành Naim sống lại, hay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê rồi sao, hay vì họ muốn trốn tránh lời kêu gọi sám hối của Chúa?
Khi tiên tri Giona đến rao giảng và kêu gọi sám hối, dân thành Ninivê tin lời ông và ăn năn hối cải. Dân Do thái đã thấy dấu lạ Chúa Giêsu làm, nhưng vì không chịu tin Người là Con Thiên Chúa, nên họ đóng cánh cửa lòng mình trước lời kêu gọi sám hối của Người.
Để tin nhận Chúa, cần phải thực hiện cuộc ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giona ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giona là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì con người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ (R. Veritas).
Truyện: Đức Kitô là một mầu nhiệm
Một người đàn ông đến với vị linh mục và muốn thắc mắc các cớ về đức tin, ông nói:
- Làm sao mà bánh, rượu biến thành Mình, Máu Chúa Kitô được?
Linh mục trả lời: - Có gì đâu. Bản thân ông cũng biến thức ăn thành máu thịt ông đấy. Thế thì lẽ nào Chúa Kitô không làm được như vậy?
- Nhưng, làm sao mà Chúa Kitô toàn thể ở trong tấm bánh nhỏ tí được?
- Này, cả vùng trời bao la trước mặt còn nằm gọn trong mắt ông, thì Chúa Kitô cũng vậy đấy.
- Vậy cùng một Chúa Kitô làm sao có thể hiện diện đồng thời ở khắp các nhà thờ?
Lúc bấy giờ linh mục cầm chiếc gương cho ông ấy soi mình vào. Sau đó, ngài thả rơi chiếc gương xuống đất nó vỡ thành nhiều mảnh, rồi nói với kẻ hoài nghi:
- Đấy chỉ có một mình ông thôi, vậy mà ông có thể thấy gương mặt mình trên từng mảnh gương vỡ. Chúa Kitô cũng thế (Willi Hoffsuemmer).
Người đời thường nói: “Mặt trời vẫn có đó nhưng chỉ có những ai không dùng bàn tay che kín mắt mình lại, thì người ấy mới có thể thấy được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó”.
Suy niệm 10: Dấu chỉ giúp người hiểu ta là môn đệ Chúa
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
1. Văn mạch: Ở đoạn trước (Lc 11,14-22), Thánh Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau: nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Trong đoạn này, Chúa Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó.
2. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “Thế hệ này” có nghĩa xấu, hàm ý nói về những người cứng tin (x. Đnl 1,30): Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna
3. Câu 31-32: Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng hai thí dụ (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) để cho thấy Ngài biết trước người do thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài chứ không như dân Ninivê ngày xưa đã chịu nghe lời giảng của Giôna Bởi thế, tới ngày phán xét, tôi của họ sẽ nặng hơn.
B.... nẩy mầm.
1. Đối với Kitô hữu: Phải chăng chúng ta cũng chính là “thế hệ này” mà Chúa Giêsu đã trách. Chúng ta cứng lòng tin. Chúng ta đòi thấy dấu lạ rồi mới tin. Ngày xưa chính Chúa Giêsu là một dấu lạ phô bày hằng ngày trước mắt người do thái nhưng họ đâu có nhận ra và tin Ngài. Ngày nay cũng có rất nhiều dấu lạ diễn ra hằng ngày: trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v. Thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra được những dấu lạ đó và đã rơi lệ vì cảm động. Phải có cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến mới nhận ra được những dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy thì lại càng thêm tin tưởng và yêu mến Chúa hơn.
2. Câu đố: Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ bỗng dừng lại, vì phía trước có dấu chỉ đèn đỏ. Một người bước vào một ngôi nhà thấy một dấu chỉ nên vội dụi tắt điếu thuốc của mình. Dấu đó thế nào? là hình một điếu thuốc bị gạch chéo... Trên đây là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài ra còn những dấu chỉ “thiên nhiên tạo” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu báo trời sắp mưa. Loại thứ ba là những dấu chỉ nhắc ta nhớ đến Chúa. Loại thứ tư là những dấu chỉ Chúa muốn ta làm đề nhắc người khác nhớ đến Chúa. Đố bạn nghĩ ra một số dấu chỉ thuộc loại thứ ba và thứ tư...
3. Đối với những người quanh ta: Chúng ta còn được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ. “Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ... phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. Dấu chỉ: dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói (vì nó không nói) nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ: khi ta thấy một lá cờ cắm trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước; khi ta thấy áo một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế v.v. Vậy thử hỏi: khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là môn đệ Chúa Giêsu không? (Frank Mihalic)
5. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
6. “Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Tôi đi tìm Thiên Chúa.
Tôi tin chắc Ngài đang hiện diện bên tôi.
Tôi kêu cầu Ngài.
Tôi chờ đợi Ngài.
Và tôi những muốn xin Ngài cho tôi một dấu lạ về quyền năng của Thiên Chúa để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài. Tôi muốn được như dân thành Ni-ni-vê xưa...Tôi đã không đủ lòng tin để hiểu rằng chính bản thân Ngài, và lời rao giảng của ngài mới là dấu lạ tuyệt vời nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những dấu chỉ của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, óc tò mò, mà để canh tân và sám hối. (Hosanna).
Suy niệm 11: Dấu chỉ Chúa nói với ta hằng ngày
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về dấu chỉ.
Công Đồng Vaticanô II cũng nhắc lại và nói nhiều đến vai trò các dấu chỉ trong đời sống hằng ngày.
Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ, bỗng thấy phía trước có đèn đỏ, người đó dừng lại. Đèn đỏ là một dấu chỉ.
Một người bước vào một ngôi nhà thấy hình một điếu thuốc lá bị cắt ngang bởi một gạch chéo. Hình đó là một dấu chỉ. Dấu chỉ đó ngầm nói: Không được hút thuốc ở chỗ này. Những dấu chỉ chúng ta vừa nói là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài những dấu chỉ nhân tạo ra, chúng ta còn thấy những dấu chỉ “của thiên nhiên” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu chỉ báo cho ta biết là trời sắp mưa.
Xét như thế thì còn rất nhiều những dấu chỉ khác. Thí dụ như những trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v.
2. Vấn dề là làm sao để chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được ý nghĩa của những dấu chỉ Chúa nói với chúng ta hằng ngày như thế? Thưa, phải có cặp mắt đức tin và nhất là phải có lòng yêu mến.
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề: “Ánh sáng đô thị”. Cuốn phim thuật lại một câu chuyện tình giữa một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỉ phú trong rừng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô gái bán hoa tưởng là người tỉ phú. Thế là một giấc mộng đã sớm chớm nở nối kết hai linh hồn. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa cho nàng.
Nhưng sau đó, chẳng may vì một sự ngộ nhận, chàng bị cảnh sát bắt giam. Sau một thời gian bị cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù bán hoa, nhưng không thấy. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái mù đó đã được chữa lành và hiện đang đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng cúi xuống nhặt. Người con gái thấy vậy thì cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười rất quen nên chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: - Cô đã thấy được rồi sao?…
Người con gái nhận ra tiếng nói rất quen thuộc của chàng. Nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: - Anh đấy sao?
Thế là cả hai bên đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Một giọng nói quen thuộc của một người trước kia mới chỉ nghe thấy giọng nói chứ chưa một lần được nhìn thấy bằng mắt, vậy mà qua giọng nói họ đã nhận ra nhau.
Trong Tân Ước, chúng ta có rất nhiều bằng chứng về vấn đề này. Maria Mađalêna khi gặp thấy Chúa lúc Người sống lại, lúc đầu cứ tưởng là người giữ vườn, thế nhưng chỉ sau một lần Chúa gọi là Maria đã nhận ra Chúa ngay. Gioan cũng như thế: Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự Phục Sinh, vì ông nhớ lại lời Kinh Thánh: “Ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” và phép lạ “Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Gn 2,1).
Trên bãi biển Galilê, khi các tông đồ khác chưa ai nhận ra Chúa thì Gioan đã nhận ra. Ông nhận ra nhờ mẻ cá lạ mà người khách lạ đang đứng ở trên bãi biển truyền lệnh cho các ông. Tại sao thế? Tại vì ông tin và yêu mạnh hơn những tông đồ khác. Như vậy chúng ta thấy, chính Kinh Thánh đã soi sáng và hướng dẫn cho con người nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi: - Bằng dấu chỉ nào mà các người khác nhận ra các con là người Công giáo?
Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại nhiều lần câu hỏi và lần cuối cùng ngài kín đáo vẽ một dấu Thánh Giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời.
Bất chợt một ứng viên trả lời: - Đó là “Tình yêu”.
Vị Giám mục rất ngạc nhiên! Khi định mở miệng nói “Sai”, nhưng rất may ngài kịp thời ngậm miệng lại.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra ý của Chúa qua những dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày và nhất là xin cho mỗi người chúng ta biết trở thành những dấu chỉ để qua đó mọi người có thể nhận ra được Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn