Thứ Ba 11/10/2022 – Thứ Ba tuần 28 thường niên. – Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu.

Thứ hai - 10/10/2022 06:10

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác.

Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

Suy niệm 1: Bên ngoài, bên trong

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.

Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài.

Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.

Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn.

Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu.

Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi.

Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn,

nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó.

Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,

giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.

Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.

Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ.

Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết.

Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,

nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó

được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.

Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu,

cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa.

“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).

Như thế cái bên trong của chén đĩa

tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người.

Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ.

Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.

Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.

Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,

tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,

khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận.

Nhưng Thiên Chúa thì không.

Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).

Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).

Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.

“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.”

Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong.

Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.

Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.

Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm,

chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.

Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?

Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?

Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,

đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình.

Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

 

Suy niệm 2: Người công chính sống bởi đức tin

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Biệt phái tuyệt đối tin vào Lề Luật. Lề Luật làm cho họ nên công chính. Đến nỗi Thiên Chúa chỉ có việc thưởng công khi họ chu toàn Lề Luật. Và họ chẳng cần nhờ gì đến Chúa. Đó là một sai lầm lớn lao. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Giữ Lề Luật chỉ cần hình thức bề ngoài là đủ. Làm như Lề Luật là bùa chú. Cứ theo công thức là thành. Vì thế đạo của họ không có nội tâm. Bên trong của họ tội lỗi xấu xa. Lại còn tự kiêu tự mãn.

Chúa Giê-su vạch rõ sai lầm của họ. Thiên Chúa là chủ cuộc đời. Không có Chúa con người chẳng làm gì nên công trạng. Người ta chẳng thể tự mình nên công chính. Vì thế phải sống trong đức tin. Đức tin cho thấy ta chẳng là gì. Chúa là tất cả. Ta chẳng có gì. Chúa có tất cả. Nhưng Chúa vô hình. Nên ta phải tin tưởng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng chỉ xét thâm tâm. Vì thế phải thanh tẩy bên trong tâm hồn. Khỏi mọi gian ác. Khỏi mọi tự kiêu tự mãn. Để Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời. Để ta sống hoàn toàn nhờ Chúa. Chính Chúa làm ta nên công chính.

Nhận thức đúng đắn sẽ đưa ta đến đời sống đạo đúng đắn. Không còn dừng lại bên ngoài. Không thờ những thần tượng khả giác của người phàm. Thậm chí cả dưới hình dạng súc vật. “Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết”. Tin vào Tin Mừng vì “Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin…Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải”. Chỉ sống trong đức tin vào Thiên Chúa: “Vì người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”(năm lẻ).

Sống trong đức tin, con người được giải thoát, được tự do. Không còn lệ thuộc vào những gì bên ngoài. Lề Luật. Dư luận. Chỉ sống cho Chúa. Sống trong đức tin vào Thiên Chúa. “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng. Quả thật, trong đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (năm chẵn).

Sống đức tin thực sự. Sống nội tâm thực sự. Tôi chẳng còn bận tâm đến bên ngoài. Đến người ngoài. Chỉ thanh tẩy nội tâm. Để một mình Thiên Chúa chiếm ngự tâm hồn. Thế là đủ.

 

Suy niệm 3: Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Những Kẻ Sống Giả Hình

Việc rửa tay trước khi dùng bữa là một nghi thức, là một nếp sống theo truyền thống chứ không phải là một giới răn bắt buộc. Ðây là một nghi thức tự nó không có tính cách bắt buộc tuyệt đối. Nhưng những người biệt phái đã có thái độ câu nệ vào đó một cách thái quá, đến độ dùng nó như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người. Chúa Giêsu không để mình phải lệ thuộc vào một nghi thức bề ngoài này, và đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, tuân giữ luật Chúa là điều quan trọng hơn. Chúa Giêsu đã trách thái độ giả hình của người Pharisiêu: "Các ngươi lo rửa tay, rửa chén dĩa cho sạch, mà không lo thanh luyện tâm hồn trong sạch, để tâm hồn mình đầy sự gian ác, mánh mung".

Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao. Thái độ sống giả hình, vụ hình thức là một cám dỗ triền miên của con người mọi thời đại. Những lời trách của Chúa Giêsu đối với người biệt phái, thức tỉnh mỗi người chúng ta hôm nay trong nếp sống đức tin của mình.

Phải chăng chúng ta cũng đang rơi vào thái độ vụ hình thức giả hình, chúng ta mang thánh giá Chúa trên mình, đọc kinh trước khi dùng bữa nhưng thật sự tâm hồn chúng ta thì sao? Có đầy lòng mến Chúa, có tình yêu thương chân thành, chia sẻ, khiêm tốn phục vụ anh chị em chung quanh hay không? Chúng ta đến nhà thờ đọc kinh, nhưng tâm hồn chúng ta có đầy lòng yêu mến và tôn thờ Chúa hay không? Hay là giống như dân Do Thái ngày xưa, bị Chúa Giêsu quở trách: "Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì ở xa ta. Không phải chỉ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa" thì được vào nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha Ta thì người ấy mới đáng vào nước Trời". Chu toàn giới răn Chúa, tôn thờ giới răn Chúa trong Thánh Thần và trong sự thật, đó là điều quan trọng nhất. Ðức tin chúng ta cần được trưởng thành mỗi ngày một hơn.

Lạy Chúa

Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự giả hình, xin ban cho chúng con một tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa và nhờ tình yêu này mà chu toàn những lời dạy của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Dành ưu tiên cho nội tâm

Hôm nay chúng ta đề cập tới ít đoạn Phúc Âm nói về lòng thù ghét của nhóm biệt phái đối với Chúa Giêsu. Chúng cho ta phỏng đoán một trong những kích thước của sự thù nghịch con người đối với Thiên Chúa. Đó quả là một mầu nhiệm.

Một phần nào, mầu nhiệm ấy nằm ở chỗ con người cảm thấy khó sống trong “trung tâm” mình, cái trung tâm thiêng liêng của lương tâm. Khuynh hướng của con người, và ngay của tư tưởng nó, những gì điều kiện hóa nó. Cá nhân thường đánh giá mình bằng cách đối chiếu với kẻ khác. Nó tìm cách để được người ta chấp nhận và mến chuộng mình. Trên bình diện tư tưởng (và tư tưởng lắm khi do những sự chọn lựa sâu xa gây nên), một triết thuyết như thuyết mác-xít đang giản lược con người vào điều kiện vật chất của nó. Trong cả hai trường hợp, liên hệ của lương tâm với Thiên Chúa đều không có.

Chúa Giêsu quở trách bọn biệt phái một cái gì tương tự như thế, bởi họ lo lắng về bề ngoài hơn bề trong.

Nhưng lời nói sau đây mới đáng ngạc nhiên: “Vậy hãy làm phúc bố thí… thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ngươi”. Trong mạch văn tổng quát của Phúc Âm, thì của bố thí có giá trị tẩy rửa trong mức độ nó diễn tả tình yêu đích thực đối với tha nhân. Tình yêu này bắt nguồn trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều đó có nghĩa là con người được tẩy rửa tùy theo chỗ nó tiến gần đến Chúa Tình Yêu như thế nào. Nếu con người cố gắng yêu mến thật sự như Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, thì nó sẽ gột bỏ được lòng ích kỷ, sẽ trở nên đơn giản, tinh tuyền.

 

Suy niệm 6: Rửa cái gì mới sạch nhất?

Đức Giêsu nói: “Thật nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc. 11, 39)

Bệnh dễ sợ bị lây nhiễm đủ thứ không hợp thời với mục tử. Từ lâu trước thời Đức Giêsu, luật Mô-sê đã phổ biến nghi thức thanh tẩy rất tỉ mỉ, câu nệ, lại được nhóm biệt phái cố gắng thực hành và áp đặt mọi người tuân theo.

Đối với những vết nhơ

Suốt buổi sáng người ta đi làm phải tiếp xúc với đủ mọi thứ và đủ mọi người, làm họ có thể bị ô uế như luật dạy. Trước bữa trưa, điều quan trọng buộc họ phải thanh tẩy kỹ lưỡng khỏi mọi thứ ô uế nhơ bẩn trước khi đọc kinh tạ ơn Thiên Chúa để dùng bữa.

Đức Giêsu thấy tận căn sâu thẳm: Người ta không thể hư mất do việc không thanh tẩy bên ngoài, sự ô uế bên trong mới đáng sợ. Từ lâu, tác giả Thánh vịnh đã nhận thức được điều đó: “Xin dùng cành hương thảo rửa tội tôi thì tôi được trong sạch, xin rửa tôi thì tôi được trắng hơn tuyết” (Tv. 50, 9). Chính vì thế, Đức Giêsu nhắc nhóm biệt phái. Họ ngạc nhiên thấy Người và môn đệ không rửa tay trước khi ăn. “Các ông chỉ rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong các ông đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu

Có gì khác giữa chúng ta và biệt phái? Chẳng phải chúng ta cũng như biệt phái, đã nồng nhiệt tiếp đón người khác theo dáng vẻ bên ngoài mà không quan tâm đến tính tình bên trong đó sao?

Đức Giêsu nói rằng chính bên trong, tận thâm sâu giữa lòng con người mới đáng kể. Nếu lương tâm mình ô uế thì không còn gì bên ngoài có thể rửa sạch được. Cần phải ăn năn sám hối tội lỗi mình và cầu xin Thiên Chúa, Đấng làm nên cả bên trong lẫn bên ngoài, mới làm cho con tim mình nên trong sạch. Lúc đó, được đầy lòng mến Chúa, mình mới hiến thân đi bố thí giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi và không mong đáp lại. Như vậy, mới có tấm lòng trong sạch hoàn toàn. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân có sức thanh tẩy tận cõi lòng. Thánh Augustinô đã diễn tả sự thật này: “Hãy yêu mến và làm điều anh muốn” thì mới được tốt đẹp.

RC

 

Suy niệm 7: Cái bên ngoài không làm nên đạo đức

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, xầm xì.

Điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.

Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh; hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 8: Tôn thờ Thiên Chúa là sống trong tình yêu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chỉ lo giữ luật lệ tập tục mà ích kỷ với tha nhân là một sự giả hình. Tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành là phải sống trong tình yêu.

Cầu nguyệnLạy Cha là Thiên Chúa tình yêu, ở nơi Cha tất cả chỉ là tình yêu. Cha đã thông ban tình yêu Cha cho con để con biết sống yêu thương. Càng yêu thương, con càng trở nên giống Cha. Và càng yêu thương, con càng là một Kitô hữu sống đạo đích thực.

Đạo của Cha là đạo yêu thương. Đạo của Cha không phải là đạo của luật lệ hoặc đạo của nghi lễ, cũng chẳng phải là đạo của tín điều hay đạo của phép lạ. Nhưng con đã dừng lại ở đó, thay vì từ đó mà đi tìm gặp Cha. Con đã dừng lại ở đó mà quên mất anh chị em con. Bao nhiêu lần con đã chu toàn mọi lề luật, nhưng lại quên sống luật yêu thương. Bao nhiêu lần khi xét mình xưng tội, con đã chú ý tới những việc xấu làm con ra ô uế, nhưng Chúa Giêsu còn cho con hiểu rằng cướp bóc, gian tà, ích kỷ hẹp hòi với người khác, cũng làm con ra ô uế không kém.

Lạy Cha, xin thanh tẩy lòng con khỏi sự gian ác, hận thù, ích kỷ. Xin đừng để con chỉ lo sạch sẽ đẹp đẽ bề ngoài, mà trong lòng thì dửng dưng không quan tâm đến người khác. Xin đừng để con chỉ chú ý tới các tổ chức, các nghi lễ bề ngoài long trọng, mà lại sống ích kỷ hẹp hòi với nhau. Xin đừng để con chỉ lo bảo vệ mọi thứ thủ tục và quy luật, để rồi loại trừ nhau, lên án nhau, bỏ rơi và nghi kỵ nhau.

Lạy Cha, xin đừng để con ung dung bình thản trong một thứ đạo ru ngủ lương tâm. Xin Cha giúp con luôn sống trong tình yêu chân thành. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

 

Suy niệm 9: Sống tâm tình yêu thương đích thực

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một bà mẹ lo lắng nhiều cho đứa con trai không đi nhà thờ, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Vào một ngày Chúa nhật, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm cho mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.

Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói. Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.

Chàng ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ. Kể từ đó, chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn (Theo Lòng nhân từ cảm hóa).

Suy niệm

Với người dân Do Thái, người thu thuế là tay sai cho đế quốc La Mã, đô hộ và bóc lột đồng bào. Hơn nữa, thu thuế là nghề nghiệp có thể lợi dụng chức quyền ăn chặn của công, của tư để trục lợi cho bản thân. Giakêu “sếp thu thuế” là ông trùm người tội lỗi, con người ghê tởm, đáng bị mọi người ghét bỏ.

Giakêu thắc mắc, tò mò về Chúa Giêsu, Người đang được thiên hạ bàn tán xôn xao khắp cùng ngõ hẻm. Không biết hỏi ai, ông cũng hòa với đám đông, nhưng không để đón, mà để xem ông Giêsu thế nào cho thỏa sự tò mò. Người ông thấp bé không thể thấy Đấng Ngôn sứ Giêsu, nên chỉ còn cách chạy lên đằng trước leo lên cây sung nhìn xuống (x. Lc 19,3-4). Chúa Giêsu đi ngang qua Giêricô, Ngài đi ngang chỗ của Giakêu. Ngài dừng lại và ngước nhìn lên chỗ Giakêu, cái nhìn nhân từ và khoan dung, Ngài cất lời: Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).

Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương. Chính tấm lòng đó đã làm thay đổi Giakêu. Giakêu không còn chỉ thấy tiền bạc, quyền lực, giàu sang, nhưng giờ đây mang tâm tình chia sẻ và trao ban: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Ông Giakêu xin đền gấp bốn, nghĩa là ông tự thú công khai: Tội ông quá nặng. Còn theo luật Rôma, đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Cho nên, quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình, vừa là bác ái.

Sống trong tinh thần công bình bác ái khiêm cung là kết quả của ơn cứu độ như Chúa Giêsu có nói: Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19,9). Ơn cứu độ đã khiến cho con tim của Giakêu đổi mới như ngôn sứ Êdêkien nói Lời Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho ngươi một trái tim mới và đặt một tinh thần mới trong người của Ta, hầu các ngươi giữ gìn và hành động theo đúng lệnh Ta” (Ed 36,26).

Hình ảnh đổi mới của Giakêu, gợi cho chúng ta mang tâm tình: Khao khát gặp Chúa Giêsu. Được gặp tình thương của Chúa thanh tẩy, chúng ta bước ra khỏi vùng trũng thẳm sâu tăm tối và tiến lên với một tinh thần mới, tinh thần công bình bác ái như Giakêu. Tinh thần chúng ta vượt qua tăm tối tiến lên Giêrusalem ánh sáng trong niềm vui được cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68).

Ý lực sống

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19,10b)

 

Suy niệm 10: Chúa khuyên đừng vụ hình thức

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Các người biệt phái vẫn chống đối Đức Giêsu, tuy nhiên không phải tất cả, vì một số người có thiện cảm với Chúa và mời Người tới dự bữa cơm gia đình. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những qui định về hình thức; bên trong là lòng đạo thật. Nhóm biệt phái chỉ chú trọng đến cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.

Theo thói thường, việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các biệt phái thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo, để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu nhận lời mời của một trong nhóm biệt phái đến dùng bữa tại nhà minh, và những người này đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, mặc dầu cho nhiều người chống đối xầm xì. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự bất mãn của một số biệt phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?” Đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải, để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn, họ cho rằng đó là lề luật. Đức Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm đó là lối sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là đều tốt bên ngoài nhằm bảo vệ sức khoẻ. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, mà phải thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người (5 phút Lời Chúa).

Lời Chúa nói với người biệt phái cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng “gin” của Tây Âu, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của những kẻ bắt chước. Nhiều người chúng ta tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.

Quan niệm và tâm thức của những người biệt phái thời Đức Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dày đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Đức Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp”, để khẳng định rằng: giá trị bên trong cao quý hơn những gì người ta thấy bên ngoài. Trước những người biệt phái quá chú trọng về hình thức và luôn tự coi mình là công chính, Đức Giêsu nhắc nhở họ hãy nhìn lại bên trong con người mình. Qua lời nhắc nhở này, Đức Giêsu cũng muốn nói với chúng ta hôm nay: Đừng chỉ lo cho bề ngoài tươm tất, thơm tho mà quên mất phần tô điểm cho vẻ đẹp tâm hồn, bằng cách “bố thí” những gì tốt đẹp bên trong. Đó là cách để chúng ta được nên trong sạch.

Truyện: Cần thanh tẩy cõi lòng

Có hai vị thiền sư trên đường về tu viện sau một cơn mưa, tình cờ họ gặp một cô thiếu nữ xinh đẹp đang đứng trước vũng sình to lớn chắn lối đi. Thấy vậy, một trong hai vị liền cõng cô trên vai rồi lội qua vũng sình để qua bên kia bờ. Vị tu sĩ cùng đi chung thấy cảnh tượng đó lấy làm khó chịu và cho đó là một gương mù gương xấu.

Suốt hai tiếng đồng hồ ông ta trách mắng vị tu sĩ đã cõng người con gái qua vũng sình bùn, vì làm như thế là đã phá giới của đạo rồi. Ông nói với vị tu sĩ kia rằng: “Thầy không biết mình là người tu sĩ sao? Tại sao thầy dám đụng đến một người phụ nữ. Hơn nữa, khi thầy cõng cô ta qua vũng sình lầy như vậy dân chúng thấy sẽ suy nghĩ như thế nào? Họ còn tin vào đạo nữa không?”

Vị tu sĩ bị mắng vẫn kiên trì lắng nghe, cuối cùng ông ta đáp lại rằng: “Thưa thầy, tôi đã để cô gái ở lại bên bờ kia rồi, còn thầy mới chính là kẻ cõng cô gái đó trong lòng mình”.

 

Suy niệm 12: Sống con người thật tin vào Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Một người Pharisêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Đây là một người Pharisêu có cảm tình với Chúa và thường nghe Chúa giảng dạy. Chúa không rửa tay trước khi ăn. Người Pharisêu tỏ vẻ ngạc nhiên. Là người Do Thái, Chúa Giêsu thừa biết luật lệ buộc phải rửa tay trước khi ăn, nhưng tại sao hôm nay Chúa lại không làm như thế? Có người nghĩ rằng, Chúa cố ý tạo ra một cơ hội để dạy cho gia đình người Pharisêu này cũng như những người đồng bàn hôm nay một bài học về lối sống giả hình mà họ ưa chuộng. Chúa nặng lời chê trách họ bởi vì họ chỉ biết sống cái mã, cái giả dối bên ngoài, còn bên trong thì họ chẳng đế ý tới.

Truyện kể lại rằng, có một linh mục kia hay trò chuyện với một người đàn bà đẹp, và trò chuyện cả ở những nơi công cộng nữa. Nhà dòng đều lấy làm vấp phạm về điều này.

Cuối cùng, Giám mục gọi ngài lên trách mắng và yêu cầu giải thích sự việc. Vị linh mục nói:

- Thưa Đức Cha, con luôn quan niệm rằng, thà nói chuyện với một người đàn bà đẹp với những ý tưởng hướng về Thiên Chúa, còn hơn là cầu nguyện với Chúa mà có những tư tưởng hướng về người đàn bà đẹp.

Thánh Phêrô đã viết cho các tín hữu của mình như thế này: “Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói dèm pha. Như trẻ thơ, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ.” (1Pr 2,1-2)

Truyện kể rằng: Ngày kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả.

Nhận được hai bó hoa, nhà vua bèn mở cửa sổ cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.

Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.

Những kẻ giả hình cũng như thế: nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chỉ nói suông mà không có thực hành. Họ dung túng cho mình nhưng lại nghiêm khắc với kẻ khác.

Người giả hình có nhiều tật xấu khác mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích. Chắng hạn, tính khoe khoang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là “thầy”.

Phần chúng ta thì sao kính thưa anh chị em?

Giả như có ai đó nói chúng con giả hình, chắc là chúng ta sẽ buốn lắm, nhưng khi đối diện với chính mình, thành thực mà nói nhiều lúc chúng ta cũng thấy mình có ít nhiều giả dối. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tháo gỡ đi những thứ mặt nạ mà bấy lâu nay đã làm cho khuôn mặt chúng ta biến dạng, để chúng ta không còn sống đánh lừa Chúa, đánh lừa nhau và đánh lừa chính mình. Xin Chúa dạy cho chúng ta luôn biết sống chân thành trước mặt Chúa và mọi người. 

2. Rồi khi chỉ trích những người Pharisêu quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục”

Vào một đêm trời lạnh năm l980, thanh niên Paul Keating 27 tuổi đang đi bộ trong khu Greenwich Village, bỗng thấy có hai tên cướp có súng tấn công một sinh viên trẻ tuổi.

Paul Keating là một người hiền lành, thợ chụp ảnh cho tuần báo Time, có đủ lý do để tránh đi cho khỏi vạ lây. Anh ta không hề quen biết chàng sinh viên đó, lại cũng chẳng ai thấy việc gì xảy ra. Hơn nữa, anh ta chỉ có một thân một mình, can thiệp vào chẳng được lợi gì mà còn có thể bị hại. Nhưng Paul Keating vẫn xông vào đánh hai tên cướp. Nhờ đó nạn nhân thoát được và đến một cửa hiệu gần đó kêu cứu. Vài giây sau, hai tiếng nổ vang lên trong đêm tối, hai kẻ cướp chạy mất, bỏ lại Paul Keating nằm chết trên vũng máu.

Thành phố New York về sau đã truy tặng huy chương anh dũng cho Paul Keating. Thị trưởng Edward Koch trong buổi lễ nói:

- Đêm hôm ấy không ai thấy Paul Keating cả. Cũng không ai thúc đẩy anh ta phải xông pha vào lúc nguy biến. Anh ta đã can thiệp vì con người anh ta là như vậy, và chỉ có Thiên Chúa, Ngài biết rõ bên trong tâm hồn của anh ta.

Can đảm đúng là sự biểu lộ con người thật của chúng ta. Những hỗ trợ bên ngoài có thể tạm làm cho ta an tâm, nhưng chỉ có đức tính thật bên trong mới tạo ra sự quả cảm. Người tin vào Chúa phải chứng thực được lòng tin của mình bằng sự can đảm cao thượng.

 

Suy niệm 11: Cái bên ngoài và cái bên trong

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Hoàn cảnh: Một người pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn”: nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14.29). Dĩ nhiên người pharisêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.

2. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.

3. Tiếp theo Chúa Giêsu nói về “sự bố thí”. Ngài khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật: đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.

B.... nẩy mầm.

1. Cái nhìn toàn diện: Khi chỉ trích những người biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

2. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói: “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý: “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)

3. Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm: “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không?” Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn: “Ông vua ở truồng! Ông vua ở truồng!”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.

4. “Đồ ngốc! Đấng làm tra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ?” (Lc 11,40)

Cứ hè đến là nó đi tĩnh tâm hay đi linh thao. Như mọi người, nó cũng thinh lặng, nhận điểm, dự cầu nguyện, dự lễ, xưng tội, và còn nức nở sám hối nữa!!! Ai cũng nghĩ nó là người đạo đức. Nhưng lần này nó lộ nguyên hình là đứa đạo đức giả, đúng hơn, một “diễn viên kịch” đại tài trong đời sống đức tin. Điều lạ lùng là nó cũng thừa nhận như vậy. Khi bị chất vấn, nó cười chua chát: “Phải, tôi chưa tin Chúa, tôi đi tìm Ngài và ước ao được thấy Ngài và ước ao được thấy Ngài qua đời sống của các bạn. Để được đón nhận nhanh nhất, bằng mọi giá, tôi phải có hình thức giống mọi người. Tôi phải trở thành Pharisêu...”

Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những pharisêu chính hiệu. Chúa ơi, xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng. (Hosanna).

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây