Thứ Năm – Ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

Thứ tư - 30/12/2020 07:55

Thứ Năm – Ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

"Ngôi Lời đã làm người".

 

LỜI CHÚA: Ga 1, 1-18

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý. Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi". Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

 

 

Suy Niệm 1: Ngôi Lời đã thành người

Suy niệm:

Ông Soren Kierkegaard, một triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau.

Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo.

Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ.

Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu.

Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn.

Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng,

trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô.

Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu.

Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua.

Nhưng nhà vua vẫn dám liều, vì ông quá yêu cô thôn nữ,

và ông muốn đây là một mối tình thực sự.

Câu chuyện cảm động trên đây đưa ta vào chuyện tình

đã xảy ra giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và nhân loại.

Ngôi Lời còn cao trọng hơn vị vua kia bội phần.

Ngài là Thiên Chúa Con Một, dựng nên vạn vật (cc. 3. 18).

Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa,

nên chỉ Ngài mới có thể bày tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c.18).

Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14).

Tất cả những điều ấy là quà tặng của Ngôi Lời cho con người.

Nhưng quà tặng lớn lao và bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui,

đó là biến cố Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14).

Con Thiên Chúa trở nên con của loài người và mang tên Giêsu (c. 17).

Ngài mang khuôn mặt của ta, đứng chung một dòng tiến hóa với ta.

Ngài dựng lều trên trái đất, một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời,

vì đã được ghi dấu chân Con Thiên Chúa.

Ông Luther viết: “Ngài đã ăn, uống, ngủ, thức;

Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui.

Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện,

đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không,

ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội.”

Khác với vị vua không muốn làm vua nữa để thành nông dân,

Ngôi Lời khi thành người vẫn là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy.

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.

Nếu Ngài chỉ là một con người hay một bậc vĩ nhân,

thì Ngài chỉ đáng ta kính trọng chứ không phụng thờ.

Nếu Ngài chỉ là một Thiên Chúa đội lốt người, chứ không là người thật,

thì Ngài không thể cứu độ và thần hóa con người.

Lễ Giáng sinh là lễ hội của mọi người trên mặt đất

vì Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ phận người của chúng ta.

Ngài đã đến với thế giới này như nhà của Ngài (cc. 9. 11).

Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12)

là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ.

Có ai mở cửa cho Ngài không? (Kh 3, 20).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: LỊCH SỬ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ngày cuối cùng của năm cũ, thánh Gioan mời ta ngược về khởi thủy. Đến ngọn nguồn của lịch sử. Đến lịch sử của Thiên Chúa. Đó là lịch sử tình yêu.

Lịch sử khởi nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông trong tình yêu. Ba Ngôi không ngừng hướng về nhau trong một chuyển động tình yêu liên lỉ và phong phú từ đời đời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”.

Từ đó phát sinh lịch sử tình yêu sáng tạo. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi tràn trào ra trong sáng tạo muôn loài. Sự sống chính là ánh sáng chói lọi đẹp đẽ nhất phát xuất từ Thiên Chúa: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành…Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.

Nhưng buồn thay lịch sử bị hoen ố vì tình yêu bị phản bội: “thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”. Thật đáng buồn. Thánh Gioan cho biết đó là những Phản-Kitô, chẳng phải ai xa lạ, chính là người trong nhà, cùng một nguồn cội yêu thương: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta”. Vì chúng đã thay lòng đổi dạ. Đó là tình yêu giả dối, phản bội.

Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn tiếp tục với lịch sử cứu chuộc bằng cách gửi Con Một yêu dấu đến ở với loài người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Lời tức là những tinh túy nhất của một con người. Lời chính là người. Vì thế Ngôi Lời chính là Thiên Chúa yêu thương đến giữa loài người.

Và Thiên Chúa lại tiếp tục yêu thương bằng lịch sử ân sủng tuôn đổ dư tràn trên nhân loại qua Con Một yêu dấu: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.

Thật lạ lùng tình yêu của Thiên Chúa. Với Con Chúa giáng trần, Chúa muốn sinh ra một nhân loại mới, “được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, nhưng do bởi Thiên Chúa”.

Với con người mới sống theo ơn Chúa Thánh Thần, ta sẽ mở lòng đón nhận Thiên Chúa. Ta sẽ hoàn toàn sống cho tình yêu. Và năm mới sẽ lại tiếp tục với lịch sử tình yêu của Thiên Chúa trong đời ta.

 

Suy Niệm 3: Ngôi Lời Ðã Hóa Thành Nhục Thể

Khởi đầu Tin Mừng của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy xuất xứ của Ðức Giêsu Kitô bởi Thiên Chúa mà ra. Ðức Giêsu Kitô được sinh ra không do xác thịt, cũng không bởi ý muốn của người đàn ông kết hợp với người đàn bà, nhưng bởi Thiên Chúa. Cho nên Ðức Maria đã thắc mắc với thiên thần Gabriel: "Chuyện ấy xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam". Thiên thần Gabriel đã giải thích cho Ðức Maria: "Chúa Thánh Thần đến với Trinh Nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ Trinh Nữ. Vì thế, Ðấng Trinh Nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa".

Vậy, Ðức Kitô sinh ra bởi quyền phép Thiên Chúa và được gọi là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, Ngài mặc lấy thân xác con người như chúng ta và như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của ông: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian" và ông cũng làm chứng bằng lời nói sau đây: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo, Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".

Theo lẽ thường bà chị họ của Ðức Maria là Elizabeth mang thai Gioan Tẩy Giả trước sáu tháng, thì Gioan được nhìn nhận là sinh ra trước Chúa Giêsu. Nhưng Gioan Tẩy Giả lại nói: "Ngài có trước tôi", nghĩa là Gioan muốn nói lên bản tính Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô.

Như vậy qua đoạn Tin Mừng này, Gioan Tẩy Giả muốn dẫn chứng cho chúng ta con người của Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính:

- Bản tính Thiên Chúa.

- Bản tính nhân loại.

Xét theo bản tính Thiên Chúa: thì từ nguyên thủy đã có Ngài, Ngài vẫn ở với Thiên Chúa và Ngài vẫn là Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho nên mọi vật đều được Người làm nên, và nếu không có Người thì không có vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Nơi Ngài có sự sống và chính Người là Thiên Chúa.

Theo bản tính nhân loại: Chúa Giêsu đã được sinh ra ở làng quê Belem bé nhỏ, nước Do Thái do một Trinh Nữ tên là Maria và một dưỡng phụ là Giuse. Chúa Giêsu đã sống ẩn dật ba mươi năm ở Nazareth, ba năm đi rao giảng nước Thiên Chúa rồi cũng bị bắt bớ, đánh đập và chết trên Thập Giá, an táng trong huyệt đá như mọi người đều biết.

Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn nhắc nhở đến sứ mệnh là phải chu toàn công việc Cha Ngài ủy thác, Ngài luôn luôn đề cao sự kết hợp mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha và cả hai cùng làm việc không ngừng. Ngài cũng nhắc đến Chúa Thánh Thần sẽ được sai đến để tiếp tục công việc cứu rỗi của Ngài ở trần gian cho đến khi Ngài lại đến.

Chúa Giêsu đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại, vì trước Chúa Giêsu, chưa có ai nhận được ơn cứu rỗi kể từ lúc Adam và Evà phạm tội. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến sự sung mãn của Chúa Giêsu mà hết thảy chúng ta được tiếp nhận từ ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì được ban qua Ðức Giêsu Kitô.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử đã giúp chúng ta thêm niềm tin vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến làm người để đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại tội lỗi.

Lạy Chúa, trong Mùa Giáng Sinh năm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng con thêm vững niềm tin để chúng con xác tín mạnh mẽ hơn: Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể đem tình thương tha thứ vô biên đến cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con sống thực sự với mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người ở với chúng con. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Ánh sáng cho nhân loại

Mỗi dịp cuối năm, tạp chí Time có thói quen chọn một nhân vật làm người nổi bật của năm. Người được chọn cho năm 1994 là Đức Gioan Phaolô II. Trong số ra cuối năm, tạp chí Time đã đưa ra lý do chọn lựa này như sau:

“Đức Giáo Hoàng không cảm thấy bối rối về lối sống đê hèn đang lan tràn khắp nơi. Cách đây 2 tuần, ngài đã giải thích với tạp chí Time rằng: cuốn sách bán chạy của ngài và đường lối ngoại giao không mấy được ưa thích của ngài đều có cùng một trọng tâm triết lý, đó là qui về sự thánh thiện của con người, và ngài nói thêm: “Giáo Hoàng phải là một sức mạnh tinh thần”. Trong một năm mà nhiều người than phiền về sự suy đồi của những giá trị luân lý hoặc bào chữa cho những hành động xấu, thì Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng đề ra cái nhìn của ngài về cuộc sống tốt đẹp và thôi thúc thế giới sống theo cuộc sống đó. Chính vì sự can đảm đó, ngài được chọn làm người của năm”.

Nhận định trên của tạp chí Time về Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của ngài trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”. Như tựa đề mà Đức thánh cha chọn cho tác phẩm này đã có thể gợi lên: Hy vọng là sứ điệp mà ngài muốn nhắn gửi cho cả nhân loại trong giai đoạn này. Xuyên suốt qua cuốn sách, ngài không ngừng lặp lại câu nói ngài đã gióng lên tại quảng trường Phêrô khi được bầu làm Giáo Hoàng: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thiết tưởng đó phải là ý tưởng hướng dẫn những suy tư của chúng ta trong ngày cuối năm này.

Nhìn lại một năm qua với bao biến động đã xẩy ra cho thế giới, cho Giáo Hội, cho dân tộc, cho gia đình, cho chính bản thân, ai trong chúng ta cũng dễ bị cám dỗ buông xuôi theo đà chán nản thất vọng. Chính trong tâm trạng này mà chúng ta cần lắng nghe lời kêu gọi của Đức thánh cha: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Quả thật, Chúa Kitô đang gõ cửa tâm hồn của từng người. 2000 năm qua, như thánh Gioan đã viết trong lời tựa Tin mừng của ngài: “Chúa Kitô là ánh sáng nhân loại đang chìm ngập trong u tối của chiến tranh, hận thù chết chóc, 2000 năm qua, hận thù và chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng nhìn chung vào lịch sử của 2000 năm qua, không ai chối cãi được rằng ánh sáng của Chuá Kitô đã thực sự chiếu dọi vào trong tăm tối. Nói như Đức Gioan Phaolo 2 mãi mãi con người sẽ không bao giời có thể loại bỏ được Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình. “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” Mãi mãi Chúa Kitô luôn có mặt trong lịch sử con người. Đó chính là niềm hy vọng của các Kitô hữu: Chúa Kitô đang có mặt trong cuộc sống chúng ta. Với Ngài thì cho dù sóng gió có bao phủ, chúng ta không có gì để sợ hãi. Với Ngài thì cho dù tăm tối có phủ kín, chúng ta vẫn còn thấy ánh sáng để tiến bước, với Ngài thì cho dù thử thách thất bại có ngập tràn, chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng.

Đó phải là tâm tình của chúng ta trong giờ phút này khi nhìn lại đất nước, gia đình, Giáo Hội, bản thân trong năm qua. Chúng ta hãy dâng lên Chúa niềm cảm mến tri ân và tin tưởng cậy trông của chúng ta.

 

Suy Niệm 5: HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ CHÚA NHÂN TỪ (Ga 1, 1-18)

Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết.

Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng...

Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa. Có lẽ đây là dịp để mỗi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ...!

Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.

Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.

Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.

Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: “Có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức”.

Và:

“Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm”.

Lạy Chúa, một năm đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con cũng xin tạ lỗi với Chúa vì những bất xứng chúng con đã vô tình, tệ bạc mà quên ơn Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng năm sống mới lên Chúa, để xin Chúa tiếp tục yêu thương, gìn giữ và chúc lành cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Ngôi Lời nhập thể (Ga 1,1-18)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Theo bài tự ngôn của thánh Gioan, Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là tiếng nói của Chúa Cha. Ngay từ đầu, Người vẫn ở với Chúa Cha. Người là sự sáng soi thế gian. Chính thánh Gioan đã làm chứng cho Người. Người đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người. Ai tiếp nhận Người thì Người cho được làm con Thiên Chúa.

Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ nghèo hèn là Thiên Chúa, là tiếng nói tình thương  Chúa Cha gửi đến cho loài người, để cứu rỗi mọi người. Chúng ta chỉ hiểu được mầu nhiệm nhập thể khi chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu... Nhờ Ngôi Lời nhập thể, chúng ta mới được sống và sống nên con cái sự sáng, vì Chúa Cứu Thế là sự sống và là sự sáng thế gian.

2. Thánh  Gioan làm chứng :”Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đây là một mầu nhiệm vĩ đại vì Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh Francois de Sales nói :”Ngài là vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới :”Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.  Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, “Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gioan đã nói :”Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

3. Một lần nữa, thánh Gioan chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể đã diễn tả bằng câu rất ngắn :”Và Ngôi Lời đã thành xác phạm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người. Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.

Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Ngài cho họ quyền làm con Thiên Chúa.  Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người (Mỗi ngày một tin vui).

4. Mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là Thiên Chúa làm người. Nhưng còn là chính con người được ơn trở về trong cung lòng Thiên Chúa, vốn đã bị xa lìa bởi tội nguyên tổ. Với sự kiện Ngôi Lời nhập thể, chúng ta trở về với tình thương bao la của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã chia sẻ :”Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người” (Tt 2,11). Vì thế văn sĩ Origène đã nói đến sự nên Thánh của con người qua Ngôi Lời nhập thể :”Khi đi vào trong nhân loại, Người đã xây dựng sự hiệp thông với tất cả thụ tạo. Người mang sự Thánh đến cho tất cả”. Thiên Chúa làm người chia sẻ cuộc sống với cuộc sống  con người và truyền thông cho con người có được khả năng tham dự và chia sẻ cuộc sống Ngôi Lời  trong Ba Ngôi, như chính đời sống Thiên Chúa (R.Veritas).

5. Thánh Gioan làm chứng rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác thịt người phàm và đã ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý  làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế ra đời làm người để cứu chuộc nhân loại.

Sứ mạng của gia đình Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Giêsu luôn hiện diện. Bằng cách nào? Theo gương Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: Đây là Đấng tôi loan báo. Người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Người trổi vượt hơn tôi, bằng lời nói và hành động. Gia đình Kitô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác và sống theo Lời Chúa.

6. Truyện: Thiên Chúa nhập cuộc.

Khi Thiên Chúa làm người thì sống như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi thôi. Chúng ta sống thế nào thì Người sống như vậy, hết sức hòa đồng. Câu truyện sau đây nói lên khía cạnh đó:

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều  ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này  khi xuống  xe  đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc.

Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ nữa (Góp nhặt).

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ ban ngày mừng Chúa Giáng Sinh là trang đầu tiên của sách Tin Mừng theo thánh Gioan ; bài Tin Mừng này chiếu rọi một ánh sáng rực rỡ, một ánh sáng chỉ có thể đến từ mặc khải của Thiên Chúa, vào một sự kiện rất âm thầm, đơn sơ và nghèo khó, đó là sự hiện diện của « Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ » ở giữa chúng ta, như sứ thần nói với các mục đồng trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh (x. Lc 2, 1-14).

Một ánh sáng rực rỡ đến từ mặc khải của Thiên Chúa, ngày nay được diễn tả qua vô số ánh sáng đủ màu mà chúng ta trang hoàng cho hang đá với lòng mến, sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm biến cố sinh ra của Đức Giê-su ở chiều sâu và nhất là mời gọi chúng ta thực hiện cùng một kinh nghiệm thiêng liêng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, như thánh Gioan diễn tả trong phần mở đầu sách Tin Mừng của mình.

Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngắm « Hài Nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ », nhưng lần này, chúng ta sẽ chăm chú lắng nghe, với đôi tai và con tim của Đức Maria, lời của thánh Gioan, « Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến », nói về mầu nhiệm Giáng Sinh.

 1. Đón nhận sự sống như là ánh sáng, từ Ngôi Lời sự sống và ánh sáng (c. 1-9)

Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhớ lại ơn huệ sự sống nhờ Ngôi Lời : « Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành ». Thực vậy, theo St 1, Thiên Chúa đã sáng tạo bằng Lời (chúng ta có thể đếm được mười lần công thức : « Thiên Chúa Nói »). Chúng ta thường nghĩ rằng trước khi Thiên Chúa sáng tạo, chỉ có hư vô mà thôi. Tuy nhiên, trình thuật St 1, được long trọng công bố đầu tiên trong đêm canh thức Vượt Qua, mặc khải cho chúng ta rằng, trước hành động sáng tạo của Thiên Chúa, đã có cái gì rồi: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm » (St 1, 1-2). Như vậy là đã có nhiều thứ (đất, vực thẳm, nước…), nhưng tất cả còn ở trong tình trạng hỗn mang và tăm tối. Hỗn mang và tăm tối, là nơi chốn của sự chết, của chết chóc.

Tất cả chúng ta đều đang sống, chúng ta có nhận ra, sự sống này được Ngôi Lời ban cho chúng ta mỗi ngày không ? Cuộc sống của mỗi chúng ta, đời sống cộng đoàn của chúng ta, thế giới chúng đang sống, nếu không đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa tiếp tục sáng tạo soi sáng, dẫn dắt, nuôi sống thì cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang và tăm tối như thế, nghĩa là rơi vào tình trạng chết chóc.

Và thật là kì diệu, khi Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan, mặc khải cho chúng ta rằng : « Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. » Thực vậy, theo St 1, công trình sáng tạo đầu tiên, chính là ánh sáng : Thiên Chúa Nói : « Hãy có Ánh Sáng » (St 1, 3) ; và từ Ánh Sáng phát sinh mọi sự, và nhất là Sự Sống. Vậy, chúng ta có sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng không, hay như là bóng tối ? Như ở nơi Ngôi Lời, ánh sáng và sự sống là một.

Ước gì sự sống của chúng ta bừng sáng và làm cho bừng sáng, nghĩa là đầy sức sống của Thiên Chúa và làm cho lan tỏa sức sống của Thiên Chúa, ngang qua cách chúng ta hiện diện mỗi ngày. Chúa vẫn ban cho chúng ta Lời của Người, Sự sống của Người, để cho lời chúng ta, sự sống của chúng ta trở thành ánh sáng ; hay đúng hơn, lời và sự sống của Người bừng sáng trong lời và sự sống của chúng ta.

 2. Làm con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa (c. 10-15)

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì được ơn « đón nhận » Ngôi Lời nhập thể, như thánh Giuse, Đức Mẹ và như các mục đồng. Bởi lẽ, đón nhận sự sống từ Ngôi Lời và sống sự sống như là ánh sáng, chính là ơn huệ và hành trình tái sinh trở nên con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa.

Hành trình tái sinh bởi Thiên Chúa để trở thành con Thiên Chúa và trở thành anh chị em của nhau thật không dễ dàng, cũng giống như mọi cuộc cưu mang và sinh ra đều lâu dài và khó khăn. Vì thế :

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta
. (c. 14)

Đó chính là để trở nên khuôn mẫu và đường đi cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta mỗi ngày, với sự cảm thông và lòng bao dung, bằng Lời của Ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài. Trong đời sống dâng hiến, các tu sĩ nam nữ được mời gọi dâng hiến tương quan huyết thống, để đón nhận, sống và làm chứng cho ơn tái sinh bởi Thiên Chúa, theo gương Thánh Gia :

Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (c. 13)

Xin cho chúng ta đón nhận Ngôi Lời nhập thể mỗi ngày và suốt đời. Và đó chính là ý nghĩa sâu xa của Đêm Canh Thức Giáng Sinh : chúng ta thực sự đón nhận Người và sống sự đón nhận này cả đời và mỗi ngày.

3. Lãnh nhận « hết ơn này tới ơn khác » (c. 16-18)

Với kinh nghiệm tái sinh làm con Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đọc lại đời mình, để nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », nhất là vào thời điểm kết thúc năm dương lịch này, để tạ ơn và ca tụng Chúa, cách hồn nhiên như các mục đồng. Bởi vì, chỉ với tâm tình của người con thảo, giống như Đức Giê-su đối với Thiên Chúa cha, chúng ta mới có thể nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », mà Thiên Chúa tình yêu đã ban cho chúng ta.

« Hết ơn này tới ơn khác », nhưng ơn lớn nhất và bền vững nhất, chính là ân sủng và sự thật mà Đức Ki-tô thông truyền cho chúng ta, bởi vì Ngài là « Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật ». Ân sủng và sự thật mà Ngôi Lời thông truyền cho chúng ta, chính là khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, khuôn mặt mà Lề luật của Mô-sê và mọi thứ Lề Luật không bày tỏ hết được và nhiều khi còn che đậy, và nhất là bị ma quỉ, vốn là bóng tối và dối trá, làm cho sai lệch nơi tâm trí chúng ta, ngay từ nguồn gốc của sự sống (x. St 3, 1-7).

Khởi từ những kinh nghiệm này, giống như thánh Gioan Tẩy Giả và cả thánh Gioan, « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » nữa, chúng ta được mời gọi làm chứng và loan báo về Ngôi Lời :

  • Là Sự Sống và là Ánh Sáng.
  • Là Con Một Thiên Chúa.
  • Và là Đấng ban cho chúng ta ân sủng và sự thật.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta – SN song ngữ 31.12.2020

Thursday (December 31): “The Word became flesh and dwelt among us”

 

Scripture: John 1:1-18

1 In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God. 2 He was in the beginning with God; 3 all things were made through him, and without him was not anything made that was made. 4 In him was life, and the life was the light of men. 5 The light shines in the darkness, and the darkness has not overcome it. 6 There was a man sent from God, whose name was John. 7 He came for testimony, to bear witness to the light, that all might believe through him. 8 He was not the light, but came to bear witness to the light. 9 The true light that enlightens every man was coming into the world. 10 He was in the world, and the world was made through him, yet the world knew him not. 11 He came to his own home, and his own people received him not. 12 But to all who received him, who believed in his name, he gave power to become children of God; 13 who were born, not of blood nor of the will of the flesh nor of the will of man, but of God. 14 And the Word became flesh and dwelt among us, full of grace and truth; we have beheld his glory, glory as of the only Son from the Father. 15 (John bore witness to him, and cried, “This was he of whom I said, `He who comes after me ranks before me, for he was before me.'”) 16 And from his fulness have we all received, grace upon grace. 17 For the law was given through Moses; grace and truth came through Jesus Christ. 18 No one has ever seen God; the only Son, who is in the bosom of the Father, he has made him known.

Thứ Năm    31-12                Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta

 

Ga 1,1-18

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Meditation: 

Why does John the Evangelist begin his Gospel account with a description of the Word of God and the creation of the universe and humankind? How might the beginning of John’s Gospel be linked with the beginning of the first book of Genesis (John 1:1-3 and Genesis 1:1-3)? The “word of God” was a common expression among the Jews. God’s word in the Old Testament Scriptures is an active, creative, and dynamic word. “By the word of the Lord the heavens were made” (Psalm 33:6). “He sends forth his commands to the earth; his word runs swiftly” (Psalm 147:15). “Is not my word like fire, says the Lord, and like a hammer which breaks the rock in pieces” (Jeremiah 23:29)? 

The eternal Word leaped down from heaven The writer of the (deutero-canonical) Book of Wisdom addresses God as the one who “made all things by your word” (Wisdom 9:1). God’s word is also equated with his wisdom. “The Lord by wisdom founded the earth” (Proverbs 3:19). The Book of Wisdom describes “wisdom” as God’s eternal, creative, and illuminating power. Both “word” and “wisdom” are seen as one and the same. “For while gentle silence enveloped all things, and night in its swift course was now half gone, your all-powerful word leaped from heaven, from the royal throne, into the midst of the land that was doomed, a stern warrior carrying the sharp sword of your authentic command” (deutero-canonical Book of Wisdom 18:14-16).

Truly man and truly God

John describes Jesus as God’s creative, life-giving and light-giving Word that has come to earth in human form. “God so loved the world that he gave his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life” (John 3:16). Jesus is the wisdom and power of God which created the world and sustains it who assumed a human nature in order to accomplish our salvation in it. Jesus became truly man while remaining truly God. “What he was, he remained, and what he was not he assumed” (from an early church antiphon for morning prayer). Jesus Christ is truly the Son of God who, without ceasing to be God and Lord, became a man and our brother. From the time of the Apostles the Christian faith has insisted on the incarnation of God’s Son “who has come in the flesh” (1 John 4:2) . 

 

Gregory of Nyssa, one of the great early church fathers (330-395 AD) wrote: Sick, our nature demanded to be healed; fallen, to be raised up; dead, to rise again.  We had lost the possession of the good; it was necessary for it to be given back to us. Closed in darkness, it was necessary to bring us the light; captives, we awaited a Savior; prisoners, help; slaves, a liberator.  Are these things minor or insignificant?  Did they not move God to descend to human nature and visit it, since humanity was in so miserable and unhappy a state?

 

 

Christians never cease proclaiming anew the wonder of the Incarnation. The Son of God assumed a human nature in order to accomplish our salvation in it. The Son of God …worked with human hands; he thought with a human mind. He acted with a human will, and with a human heart he loved.  Born of the Virgin Mary, he has truly been made one of us, like to us in all things except sin (Gaudium et Spes).

 

 

We become partakers of Christ’s divine nature

If we are going to behold the glory of God we will do it through Jesus Christ. Jesus became the partaker of our humanity so we could be partakers of his divinity (2 Peter 1:4). God’s purpose for us, even from the beginning of his creation, is that we would be fully united with him. When Jesus comes God is made known as the God and Father of our Lord Jesus Christ. By our being united in Jesus, God becomes our Father and we become his sons and daughters. Do you thank the Father for sending his only begotten Son to redeem you and to share with you his glory?

 

 

“Almighty God and Father of light, your eternal Word leaped down from heaven in the silent watches of the night. Open our hearts to receive his life and increase our vision with the rising of dawn, that our lives may be filled with his glory and his peace.”

Suy niệm:

 

Tại sao thánh sử Gioan bắt đầu Tin mừng của mình với sự trình thuật về Ngôi Lời Thiên Chúa, và sự tạo dựng vũ trụ và con người? Sự khởi đầu Tin mừng Gioan được liên kết với sự khởi đầu của sách Sáng Thế như thế nào? (Ga 1,1-3 và St 1,1-3)? “Lời Chúa” là một thành ngữ phổ biến của người Dothái. Lời Chúa trong Cựu ước là lời sống động, sáng tạo, và năng động. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời” (Tv 33,6). “Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hỏa tốc chạy đi” (Tv 147,15). “Chúa phán: chẳng phải lời Ta giống như lửa, như búa đập tan tảng đá sao?” (Gr 23,29)?

 

 

 

Ngôi Lời hằng hữu từ trời giáng thế

Tác giả sách Khôn ngoan nói Thiên Chúa là Đấng “sáng tạo mọi sự bởi Lời của Người” (Kn 9,1). Lời Chúa cũng được đồng hóa với sự khôn ngoan của Người. “Thiên Chúa dùng khôn ngoan lập nền cho trái đất” (Cn 3,19). Sách khôn ngoan mô tả “sự khôn ngoan” là sự vĩnh cửu, sáng tạo, và sức mạnh soi sáng của Thiên Chúa. Cả hai “lời” và “khôn ngoan” được xem là một và giống nhau. “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Người đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của Người như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18,14-16).

 

 

Người thật và Thiên Chúa thật

Gioan mô tả Đức Giêsu là Lời sáng tạo, Lời ban sự sống, và Lời ban ánh sáng của Thiên Chúa, đã đến thế gian trong hình dạng con người. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đức Giêsu là sự khôn ngoan và là sức mạnh của Thiên Chúa, đã tạo dựng vũ trụ và duy trì nó, Đấng đã mặc lấy bản tính nhân loại để hoàn thành ơn cứu độ của chúng ta trong nó. Đức Giêsu trở nên người thật trong khi vẫn là Thiên Chúa thật. Người là sao, Người vẫn vậy, và những gì Người không phải, Người đã nhận lấy (từ một bài kinh sáng tán dương của Giáo hội sơ khai). Đức Giêsu Kitô thật sự là Con Thiên Chúa, Đấng không ngừng là Thiên Chúa và Đức Chúa, đã trở nên con người và trở nên anh em với chúng ta. Từ thời các Tông đồ, niềm tin của các tín hữu đã gắn liền với sự nhập thể của Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành xác phàm” (1Ga 4,2).

Gregory thành Nyssa, một trong các Giáo phụ danh tiếng thời đầu của Giáo hội (330-395 AD) đã viết rằng: Bệnh tật, bản tính của chúng ta đòi hỏi được chữa lành; sa ngã, phải được đứng dậy; chết, phải được sống lại. Chúng ta đã đánh mất tình trạng sống trong sự tốt lành; nó cần được trả lại cho chúng ta. Khép kín trong bóng tối, chúng ta cần được đưa ra ánh sáng; là những người bị giam cầm, chúng ta chờ đợi vị cứu tinh; là những tù nhân, chúng ta cần giúp đỡ; là những nô lệ, chúng ta cần người giải thoát. Có phải những điều này là nhỏ mọn và vô nghĩa chăng? Chẳng phải chúng đã khiến Thiên Chúa xuống thế làm người, bởi vì loài người đang ở trong tình trạng quá đau khổ và bất hạnh sao?

Các tín hữu không bao giờ ngưng công bố một lần nữa về việc lạ lùng của mầu nhiệm Nhập thể. Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại để hoàn tất ơn cứu độ của chúng ta trong nó. Con Thiên Chúa làm việc với đôi bàn tay của nhân loại, Người suy nghĩ với trí óc của nhân loại. Người hành động với ý chí của nhân loại, và với trái tim của nhân loại Người yêu thương. Được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, Người đã thật sự làm một trong chúng ta, giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (Hiến chế vui mừng và hy vọng).

Chúng ta trở nên những người tham dự vào thần tính của Đức Kitô

Nếu chúng ta muốn nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thực hiện điều đó qua Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã trở nên người đồng hành của con người chúng ta, để chúng ta có thể trở thành những người tham dự vào thần tính của Người (2Pr 1,4). Mục đích của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thậm chí ngay từ lúc khởi đầu việc tạo dựng của Người, là để chúng ta được hoàn toàn hiệp nhất với Người. Khi  Đức Giêsu đến, Thiên Chúa được hiểu là Thiên Chúa, và là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ sự kết hiệp trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên Cha của chúng ta, và chúng ta trở nên con cái của Người. Bạn có cảm tạ Chúa Cha vì đã gởi Người Con duy nhất của Người đến để cứu chuộc bạn và chia sẻ với bạn vinh quang của Người không?

Lạy Thiên Chúa toàn năng và là Cha ánh sáng, Ngôi Lời vĩnh cửu của Cha từ trời nhập thế trong sự thinh lặng của đêm tối. Xin mở lòng chúng con để đón nhận sự sống của Người và gia tăng tầm nhìn của chúng con với ánh bình minh, để cuộc đời chúng con có thể tràn đầy vinh quang và bình an của Người.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây