Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay.
“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Lời Chúa: Lc 11, 29-32
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.
Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.
SUY NIỆM 1: Con người sẽ là một dấu lạ
Suy niệm:
Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày.
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống.
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa.
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ.
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải,
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm.
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa.
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài.
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài.
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ.
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục.
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối:
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.”
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống.
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông.
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng,
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước ngài.
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
“Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này.
dù lời giảng của ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna.
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình.
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên.
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ.
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ.
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: NHẠY BÉN VỚI DẤU CHỈ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giêsu khen nữ hoàng Saba và dân thành Ni-ni-vê. Họ có những phẩm chất của Tin Mừng.
Nhạy bén. Họ nhạy bén lắng nghe. Từ Sa-ba xa xôi mà nữ hoàng cũng nghe được tiếng tăm Sa-lo-mon. Dù đang phạm tội, dân thành Ni-ni-vê cũng nghe được tiếng Gio-na. Họ nhạy bén đón nhận. Họ lắng nghe chăm chú. Họ đón nhận, Họ để sứ điệp đụng chạm bản thân, thấm nhập tâm hồn. Họ nhạy bén hành động: đón nhận rồi họ hành động tức khắc. Nữ hoàng rong buồm ra đi, dân Ni-ni-vê cải đổi đời sống.
Khiêm nhường. Họ nhạy bén vì họ rất khiêm nhường. Nữ hoàng biết mình kém hiểu biết nên khao khát nghe sự khôn ngoan của Sa-lo-mon; dân Ni-ni-vê biết mình tội lỗi nên đã hối cải theo lời khuyên của Gio-na.
Thành tâm. Khiêm nhường vì thành tâm, khao khát điều tốt. Khi biết điều hay lẽ phải lập tức tuân hành. Những người thời Chúa Giê-su không được như thế.
Người thời Gio-na đã nghe lời ông. Người thời Chúa Giê-su không nghe lời Chúa. Dù Chúa trổi vượt hơn Gio-na về tất cả. Gio-na được Thiên Chúa sai đến. Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa đích thân đến. Gio-na miễn cưỡng đến Ni-ni-vê. Chúa Giê-su tự nguyện xuống trần. Gio-na ở trong bụng cá ba ngày nhưng không chết. Chúa Giê-su chịu vùi chôn trong lòng đất vì đã chết thật. Gio-na không tự mình sống lại. Chúa chiến thắng thần chết và sống lại hiển vinh.
Nữ hoàng Sa-ba ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Sa-lo-mon. Người thời Chúa Giê-su không hiểu sự khôn ngoan của Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su trổi vượt Sa-lo-mon muôn ngàn lần. Sa-lo-mon được Thiên Chúa ban sự khôn ngoan. Chúa Giê-su là Ngôi Lời, là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sa-lo-mon chỉ là sự khôn ngoan của trần gian. Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Nước Trời. Sự khôn ngoan của thập giá. Sự khôn ngoan của tình yêu. Sự khôn ngoan dẫn ta đến sự sống đời đời.
Mùa Chay là mùa rèn luyện tâm hồn nhạy bén. Để nhận được những tín hiệu Chúa gửi. Để sứ điệp của Chúa thấm sâu vào tâm hồn. Biến thành hành động tức khắc và cụ thể.
SUY NIỆM 3: Dấu lạ của Thiên Chúa
“Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả người Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.
Người Do Thái xưa kia luôn đòi các luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đời dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.
Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập giá, lúc ấy Ngài bị thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, những luật sĩ và biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến, qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy. Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giôna nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngay ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin vào sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của luật sĩ và biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn. Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng là phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Dấu lạ cả thể
Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa.
Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 65 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu đã thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu; Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông; Ngài chữa lành bệnh tật; Ngài là cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do Thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt, họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Giôna để nói về Ngài. Tiên tri Giôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại sự thách thức của những người Biệt Phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài: chết để nên lời, và lời ấy là lời của yêu thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt Phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cả thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế, Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người. Sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ ấy cho những người chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Dấu lạ cá voi
Quả thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc phán xét nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của Sa-lô-mon; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-mon nữa. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng; mà đầy thì còn hơn Gio-na nữa. (Lc. 11, 30-32)
Người Do thái đòi Đức Giê-su làm một dấu lạ. Một đòi hỏi gây cấn luôn có trong đầu óc của họ về Đấng Messia đã được hứa trong Cựu ước: Ngài phải làm những dấu lạ để chứng tỏ sứ mệnh của Ngài. Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã làm phép lạ rồi. Nhưng lần này Người từ chối và từ chối khá quyết liệt, lại còn tố lại họ nữa: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác: chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Dấu lạ độc nhất Đức Ki-tô bằng lòng cho họ là dấu lạ an táng Người ba ngày trong lòng đất như Gio-na ở trong bụng quái vật của biển cả ba ngày.
Thái độ thực đáng kinh ngạc của Đức Giê-su đã đánh lạc hướng những người muốn tin Ngài, nếu họ được chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Đức Ki-tô chẳng những từ chối đòi dấu lạ của họ mà còn dồn họ vào chân tường. Ngài đưa ra lý lẽ chứng minh họ không tin Ngài. Lý lẽ mà Đức Giê-su cho thấy là: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng …”. Dân Ni-ni-vê không đòi Gio-na làm dấu lạ. Ngôn sứ chỉ rao giảng đã đủ làm họ sám hối trở về. Chính ra dân Do thái phải nghe lời Đức Giê-su như vậy, hơn nữa, lời đầy uy quyền của Ngài đủ để là dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Đức Giê-su từ chối yêu sách của họ vì dấu lạ bên ngoài chỉ thỏa mãn tò mò thôi. Chính bên trong con người lời Ngài mới làm cho họ thấy được tiếng vang dội của niềm tin cậy để nhận ra Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, chứ không phải phép lạ hào nhoáng trước mắt.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải đón nhận lời Chúa bằng một đức tin độc nhất vào Đức Giê-su. Chúng ta phải đón nhận cái chết ngược đời của Ngài làm chướng tai gai mắt những kẻ tham sân si. Nhờ đó chúng ta mới có thể đối mặt với những cái chết của chúng ta hàng ngày như thất bại, bệnh tật, buồn tủi đang chôn vùi chúng ta trong bụng thủy quái. Dù phải chết trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn sống tin cậy vào Đấng đã phục sinh và đừng đòi hỏi những phép lạ từ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, không muốn biểu diễn quyền phép để tìm kiếm lợi lộc, nhưng chỉ lo cứu độ. Thế là đủ cho chúng ta còn đòi chi nữa!
SUY NIỆM 6: KHÔN NGOAN THẬT (Lc 11 , 29 –32)
Ở đời, người ta hay đề cao những kẻ nói hay, hót giỏi, tức là nịnh bợ tốt. Họ cũng hay khen những kẻ biết dùng mánh khóe để lừa thầy phản bạn... Người ta cũng không tiếc đưa ra những lời ca ngợi những người thành đạt, giàu có và có chỗ đứng trong xã hội, bất luận điều đó đến từ đâu!
Sống trong một xã hội như vậy, chúng ta không lạ gì khi có rất nhiều người khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những hành động lưu manh mà không hề áy náy!
Tuy nhiên, những điều mà người đời cho là khôn ngoan trên đây thì lại là dại dột, ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là người biết sám hối.
Tại sao thế? Thưa! Bởi vì, sám hối là biểu hiện của một tâm hồn khiêm nhường, công chính. Sám hối còn là dấu chỉ của người thuộc về Chúa. Sám hối là điều kiện cần để được cứu độ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các Luật Sĩ và Pharisêu đòi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ thì họ mới tin. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm và ngược lại, Ngài đã dạy cho họ phải biết sám hối, nếu không thì không thể được cứu độ. Đức Giêsu đã cảnh báo họ, khi đưa ra hình ảnh nữ hoàng phương nam, dân Ninivê sẽ được cứu độ, vì họ đã đi tìm kiếm sự khôn ngoan, biết ăn năn sám hối, còn con cái trong nhà sẽ bị loại vì không biết sám hối.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết đi tìm lẽ khôn ngoan là biết ăn năn sám hối chân thành để được cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Dấu lạ Giôna
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cưỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cưỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả”.
Vợ ông bước ra tiếp lời: “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”.
Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình.
Suy niệm
Trong thư gửi giáo hữu Côrintô, thánh Phaolô nhận định: “Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1Cr 1,22), người Do Thái đòi hỏi dấu lạ để tin…
Chúa Giêsu chỉ nói dấu lạ Giôna. Trước khi đến Ninivê loan báo sám hối, tiên tri Giôna ở trong bụng cá ba ngày, là hình ảnh báo trước về Ðức Giêsu cũng sẽ đi vào lòng đất ba ngày qua cái chết và Phục Sinh vinh quang để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Cho nên, dấu lạ Chúa Kitô trong lòng đất là dấu lạ vĩ đại nhất mà ai muốn được cứu độ chỉ cần phải tin vào dấu lạ đó.
Khi nói về dấu lạ Giôna và so sánh với việc Ngài được chôn trong lòng đất, Chúa Kitô cảnh tỉnh về sự cố chấp không tin của người Do Thái. Nếu như xưa kia, dân thành Ninivê đã hối cải khi nghe lời giảng dạy của Giôna. Nữ hoàng Saba từ phương Nam xa xăm nghe biết Salômôn nổi tiếng khôn ngoan vì danh Chúa, nên cất bước đến Giêrusalem lãnh hội. Nay dân Do Thái, đặc biệt là biệt phái và tiến sĩ luật kiêu căng, tự phụ vào sự hiểu biết và đạo đức của mình không chịu lãnh nhận và tin theo giáo huấn của Đấng Cứu Thế - Đấng hơn cả ngôn sứ Giôna, có lời khôn ngoan hơn vua Salômôn đang hiện diện và giảng dạy giữa họ, nên họ chết trong sự cố chấp, cứng tin. Vì thế, trong ngày phán xét dân thành Ninivê và nữ hoàng Saba sẽ tố cáo sự cố chấp, cứng tin của họ.
Ðể được ơn cứu độ, chúng ta phải tin vào Ðức Giêsu, nghe giáo huấn và sám hối như lời dạy: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Thật thế, hãy sống theo Tin Mừng trong từng giây phút của cuộc sống…
Ý lực sống: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105).
Suy Niệm 8: Hãy thay đổi chính mình
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Ngày xưa tiên tri Giona đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.
Còn các luật sĩ và biệt phái đã từng nghe Đức Giêsu giảng dạy và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài đã làm, nhưng họ đã không nhận ra thân thế của Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ còn đòi Ngài phải làm phép lạ lớn trên trời để họ tin. Khi nhắc lại chuyện Giona, Đức Giêsu cảnh cáo những người Do thái thời Ngài: “Dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân này đã sám hối khi nghe ông Giona rao giảng”. Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.
2. “Ông Giona đã ở trong bụng cá ba ngày...”
Hồi Đức Giêsu ở Galilê, các luật sĩ đã xin Ngài cho xem điềm lạ trên trời. Nay các biệt phái ở Giudê cũng lại yêu cầu điều đó. Cũng như lần trước, Ngài không cho, vì biết họ chỉ có ý khiêu khích Ngài. Ngài hứa cho họ xem một phép lạ cả thể: đó là việc Ngài chết và sống lại. Nhưng Ngài mượn tích chuyện ông Giona để nói với họ.
Theo tích truyện, ông Giona khi bị ném xuống biển thì có một con cá lớn nuốt ông vào bụng , giữ ba ngày đêm, rồi nhả ông ra trên bãi biển. Câu chuyện này có ý nói đến việc Đức Giêsu sẽ chịu chết, nằm trong mộ ba ngày rồi sẽ sống lại ra khỏi mồ.
3. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dựa vào câu chuyện về điềm lạ Giona để kêu gọi sự sám hối. Đáp lại lời kêu gọi đó, thánh Luca cho chúng ta thấy có ba thái độ:
- Các biệt phái cứng lòng và gian ác, họ đòi một điềm lạ trên trời, vì họ đã không tin vào những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Đó là tội từ chối ánh sáng, tội phạm đến Thánh Thần.
- Dân thành Ninivê mau mắn nghe lời và nhiệt tâm sám hối theo lời kêu gọi, nên họ đã được Thiên Chúa thứ tha.
- Nữ hoàng Sêba không những cảm phục những lời lẽ khôn ngoan của vua Salomôn, mà bà ta còn trở thành người rao giảng các lời ấy cho dân nước của mình.
4. Muốn sám hối thì cần phải biết mình, biết mính có tội để sám hối, nhưng trong thực tế, biết mình là một truyện khó vì người ta thường nói: “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”: việc người thì sáng, việc mình thì quáng, chỉ biết người mà lại không biết mình.
Nhân đây chúng ta hãy xem ý kiến của Lm Carôlô như thế nào khi nói: Trong chuyện Giona, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giona tiên tri. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giona sám hối. Thật lạ lùng: người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, Linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này?
5. Khi được hỏi làm sao để có thể giúp đỡ cho rất đông người nghèo khó như vậy, Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời: “Chúng tôi không phục vụ để thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa Tình yêu”.
Trong niềm tin của người Do thái, câu chuyện tiên tri Giona là một câu chuyện lạ lùng. Ông là một người nước ngoài, nhưng đã đến thành Ninivê để loan báo Lời Thiên Chúa. Dân ở đây tin tưởng ông và hoán cải. Đức Giêsu cũng đã đến, đã làm nhiều phép lạ và kêu gọi dân sám hối, nhưng họ không nghe vì không tin Người đến từ Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã đến trần gian 2000 năm, nhưng ngày nay, còn có rất nhiều người chưa tin Người là Thiên Chúa. Thế giới hôm nay ngập tràn bạo lực, vô cảm và thiếu vắng tình thương. Chúng ta phải làm gì để dấu lạ tình yêu Thiên Chúa được tỏ ra trong trần gian này?
6. Truyện: Hai chữ S và T.
Tại một miền quê ở nước Mỹ vào thời mới lập quốc, có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn cắp cừu, dân chúng trong làng đã mở tòa án nhân dân để trừng phạt.
Sau khi nghe báo cáo về tội trạng của họ, mọi người nhất trí trừng phạt bằng cách khắc trên trán tội nhân hai cữ viết tắt S T, có nghĩa là “người ăn cắp cừu”. Người ta đã dùng sắt nung đỏ khắc trên trán họ hai chữ S T rồi thả về. Hai chữ ST thành hai vết sẹo rõ ràng trên trán họ, khiến họ xấu hổ vô cùng. Vì thế, một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự xỉ nhục nên đã trốn sang một vùng khác để sống. Nhưng anh không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ người lạ nào gặp anh đều hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh lại rời bỏ nơi ấy và lang thang sang miền khác, nhưng đến đâu anh cũng bị người ta hỏi về hai chữ tắt ấy. Cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.
Đó là người anh, còn người em thì sao? Anh ta nghĩ rằng: “Nếu anh mình đã bị sự nhục nhã gậm nhấm đến độ phải trốn suốt cả cuộc đời, thì anh lại tự nói với mình, tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn cắp mấy con cừu, tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin tưởng nơi những người xung quanh và nơi chính tôi”. Với quyết tâm đó, anh đã ở lại trong xứ sở của mình, và không bao lâu anh đã xây dựng được cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.
Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ ST vẫn còn ghi đậm tên vầng trán của anh. Ngày kia, một người lạ mặt hỏi cụ già trong làng về ý nghĩa hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng chữ viết tắt ấy có nghĩa là “thánh thiện”.
Wednesday (February 24) The sign of Jonah for an evil generation
Gospel Reading: Luke 11:29-32 29 When the crowds were increasing, he began to say, “This generation is an evil generation; it seeks a sign, but no sign shall be given to it except the sign of Jonah. 30 For as Jonah became a sign to the men of Nineveh, so will the Son of man be to this generation. 31 The queen of the South will arise at the judgment with the men of this generation and condemn them; for she came from the ends of the earth to hear the wisdom of Solomon, and behold, something greater than Solomon is here. 32 The men of Nineveh will arise at the judgment with this generation and condemn it; for they repented at the preaching of Jonah, and behold, something greater than Jonah is here. |
Thứ Tư 24-2 Dấu lạ Giôna dành cho thế hệ xấu xa
Lc 11,29-32 29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. |
Meditation:
Do you pay careful attention to warning signs? Many fatalities could be avoided if people paid attention to such signs. When the religious leaders demanded a sign from Jesus, he gave them a serious warning to avert spiritual disaster. It was characteristic of the Jews that they demanded “signs” from God’s messengers to authenticate their claims. God warns us for our good – do you listen? When the religious leaders pressed Jesus to give proof for his claims he says in so many words that he is God’s sign and that they need no further evidence from heaven than his own person. The Ninevites recognized God’s warning when Jonah spoke to them, and they repented. And the Queen of Sheba recognized God’s wisdom in Solomon. Jonah was God’s sign and his message was the message of a merciful God for the people of Nineveh. Unfortunately the religious leaders were not content to accept the signs right before their eyes. They had rejected the message of John the Baptist and now they reject Jesus as God’s Anointed One(Messiah) and they fail to heed his message. Simeon had prophesied at Jesus’ birth that he was destined for the falling and rising of many in Israel, and to be a sign that will be opposed so that inner thoughts of many will be revealed (Luke 2:34-35). Jesus confirmed his message with many miracles in preparation for the greatest sign of all – his resurrection on the third day. Let God’s word of truth set you free from sin and ignorance The Lord Jesus came to set us free from slavery to sin and hurtful desires. Through the gift of the Holy Spirit he pours his love into our hearts that we may understand his will for our lives and walk in his way of holiness. God searches our hearts, not to condemn us, but to show us where we need his saving grace and help. He calls us to seek him with true repentance, humility, and the honesty to see our sins for what they really are – a rejection of his love and will for our lives. God will transform us if we listen to his word and allow his Holy Spirit to work in our lives. Ask the Lord to renew your mind and to increase your thirst for his wisdom and truth.
James says that the wisdom from above is first pure, then peaceable, gentle, open to reason, full of mercy and good fruits, without uncertainty or insincerity (James 3:17). A double-minded person cannot receive this kind of wisdom. The single of mind desire one thing alone – God’s pleasure. God wants us to delight in him and to know the freedom of his truth and love. Do you thirst for the holiness without which no one will see the Lord (Hebrews 12:14)? “Lord Jesus, change my heart and fill me with your wisdom that I my love your ways. Give me strength and courage to resist temptation and stubborn wilfulness that I may truly desire to do what is pleasing to you.” |
Suy niệm:
Bạn có chú ý đến những dấu chỉ cảnh báo không? Nhiều tai họa đã có thể tránh khỏi nếu như người ta biết nhìn ra những dấu chỉ cảnh báo một cách nghiêm túc. Khi những nhà lãnh đạo tôn giáo đòi hỏi Đức Giêsu một dấu lạ, Người đã đưa ra cho họ lời cảnh báo để ngăn chặn tai họa thiêng liêng. Đặc điểm của người Dothái là đòi hỏi “những dấu lạ” từ những sứ giả của Chúa để xác nhận những lời tuyên bố của họ. TC cảnh báo chúng ta vì lợi ích chúng ta – bạn có lắng nghe không? Khi những nhà lãnh đạo tôn giáo ép buộc Đức Giêsu đưa ra bằng chứng cho những lời rao giảng của Ngài, Đức Giêsu nói rằng Người chính là dấu lạ của Thiên Chúa và họ không cần đến một bằng chứng nào từ trời ngoài bản thân Người. Dân thành Nivê đã nhận ra lời cảnh báo của Chúa khi ngôn sứ Giôna nói với họ, và họ đã thống hối. Nữ hoàng Sheba đã nhận ra sự khôn ngoan của Chúa nơi vua Sôlômon. Giôna là dấu chỉ của Thiên Chúa và lời rao giảng của ông là sứ điệp của Thiên Chúa dành cho dân thành Nivê.
Tiếc thay, những nhà lãnh đạo tôn giáo đã không sẵn lòng tiếp nhận những dấu lạ ngay trước mắt họ. Họ khước từ sứ điệp của Gioan tẩy giả và giờ đây họ cũng loại trừ Đức Giêsu, là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức, và họ từ chối lắng nghe lời rao giảng của Người. Simêon đã nói tiên tri về hài nhi Giêsu rằng Người là “duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên, và là dấu hiệu cho người đời chống báng, để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ được bộc lộ” (Lc 2,34-35). Đức Giêsu xác nhận lời rao giảng của Người bằng nhiều phép lạ để chuẩn bị cho phép lạ lớn nhất – sự sống lại của Người vào ngày thứ ba.
Hãy để lời sự thật của Chúa giải thoát bạn khỏi tội lỗi và sự ngu dốt Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và những ước muốn tai hại. Qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, Người đỗ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để chúng ta có thể hiểu biết thánh ý Người về cuộc đời chúng ta, và bước đi trong đường lối thánh thiện của Người. Thiên Chúa tìm kiếm các tâm hồn, không phải để giáng phạt chúng ta, nhưng để bày tỏ cho chúng ta nơi chúng ta cần đến ơn sủng cứu thoát và trợ giúp của Người. Người kêu gọi chúng ta tìm kiếm Người với lòng thống hối chân thành, khiêm hạ, và thành thật để nhìn thấy tội lỗi của mình thật sự là gì – sự khước từ tình yêu và thánh ý của Người dành cho đời sống của chúng ta. Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta, nếu chúng ta biết lắng nghe lời Người, và để cho Thần Khí hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Hãy cầu xin Chúa đổi mới tâm trí bạn và gia tăng lòng khao khát sự khôn ngoan của Người. Thánh Giacôbê nói rằng Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi, và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình (Gc 3,17). Một người hai lòng không thể đón nhận loại khôn ngoan này. Tâm hồn đơn thành ao ước một điều duy nhất – làm vui lòng Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Người, và nhận biết sự tự do của sự thật và tình yêu của Người. Bạn có khao khát sự thánh thiện, mà không có nó thì không ai có thể nhìn thấy Chúa (Hr 12,14) không? Lạy Chúa Giêsu, xin thay đổi tâm hồn con và lấp đầy con với sự khôn ngoan của Chúa để con có thể yêu thích những đường lối của Chúa. Xin ban cho con ơn sủng và lòng can đảm để chống lại sự cám dỗ và tính bướng bỉnh ngoan cố để con có thể thật sự ước muốn thực hiện những gì làm vui lòng Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn