Thứ Năm tuần 2 thường niên. – Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
"Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người".
* Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305).
Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.
(290-304)
1. Đôi hàng tiểu sử
Thánh Anê là một trong bốn thánh nữ thời danh được Giáo hội tôn kính đặc biệt và được ghi tên trong phần lễ quy. Người ta không được biết rõ tên của thánh nữ là gì. Còn tên Anê mà người ta gán cho Ngài là tên bằng tiếng Hy Lạp có mục đích nói lên tấm lòng khiết trinh và tận hiến của một người con dành cho Chúa Giêsu. Hơn nữa, cho tới nay không có một tài liệu lịch sử nào cho biết chính xác về đời sống thánh nữ. Tất cả những gì chúng ta biết về Ngài đều là do truyền thuyết để lại. Theo truyền thuyết thì Ngài được sinh ra và sống trong một gia đình quí tộc. Thiên Chúa ban cho Ngài một sắc đẹp đầy vẻ quyến rũ chính vì thế mà khi Ngài vừa đến tuổi cặp kê, đã có nhiều thanh niên quí phái ngấm ngầm yêu thương. Vì Ngài đã quyết dâng mình cho Chúa nên mọi lời mời mọc quyến rũ đều bị Ngài cương quyết từ chối. Cuối cùng một chàng thanh niên con một gia đình quyền quí muốn chiếm hữu Ngài nhưng không thành, đã tố cáo Ngài với nhà cầm quyền. Do đó, Ngài đã bị bắt và bị giam giữ.
Theo cuốn “Đời sống các Trinh nữ”, thánh Ambrôsiô đã để lại, thì trong một bài giảng đề ngày 21-1-376 thánh nhân đã cho biết thánh nữ Anê được phúc tử đạo hồi 13 tuổi. Dù thân hình mảnh mai và tuổi còn thơ dại, Anê cũng đã nêu gương anh dũng xán lạn cho mọi người, trong khi nhiều thiếu nữ đồng tuổi đã không làm được việc đó. Những người này đã thối chí hoặc vì thương cha mến mẹ hoặc vì yêu đời hơn yêu Chúa, nên đã sẵn sàng bỏ cuộc trước những thử thách. Trái lại, thánh nữ Anê rất bình thản và can trường không hề run sợ trước những bàn tay sắt đá hung dữ của bọn lý hình khát máu. Anê đã hiên ngang bình tĩnh trước mọi khổ hình. Tắt một lời Anê đã coi cái chết nhẹ như lông hồng và sẵn sàng đón nhận tất cả. Khi được tin sắp phải ra đấu trường, Ngài đã hân hoan vui sướng như một trinh nữ hân hoan sắp được gặp đấng lang quân.
Lúc Anê xuất hiện ở giữa đấu trường. Các khán giả dù ghét đạo đến đâu cũng bùi ngùi cảm thương đến rơi nước mắt trước một cô bé xinh đẹp, dễ thương, trong trắng và ngoan ngoãn, vậy mà đứng trước cái chết không hề biết run sợ là gì.
Phần thánh nữ, không những đã không nao núng, mà ngược lại còn luôn giữ được vẻ mặt vui tươi như một nàng tiên. Mọi người đều sửng sốt nhìn cô trinh nữ hiến thân làm chứng cho đức tin nhất, là khi được nghe những lời đối chất của một cô bé còn quá thơ ngây.
Khi bị quan tòa răn đe, cô chỉ một mực trả lời:
- Tôi chỉ tin một Chúa Kitô, Đấng lòng tôi trìu mến và kén chọn.
Thái độ một cô gái vô tội bình tĩnh trước lưỡi gươm khiến mọi người phải nhỏ lệ. Cả đến quan tòa cũng vậy.
Nhưng dầu sao thì mọi việc đã định. Tên đao phủ tuốt gươm ra. Tay hắn run run và với bộ mặt tái nhợt vì kính sợ và thán phục, hắn để cho lưỡi gươm kết liễu cuộc đời của một người con gái trinh khiết và can đảm để làm lễ vật hiến dâng cho Thiên Chúa.
Vâng! Đó là cái chết của một bậc anh hùng tuổi đời còn quá trẻ. Mới chỉ có 13 tuổi
2. Lời ca tụng dành cho bậc anh hùng.
Đây là lời ca tụng dành cho bậc anh hùng. Lời ca tụng này là của thánh Giám mục Ambrôsiô:
Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương trong trắng của người.
Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng hy lễ.
Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của thánh Anê. Tương truyền rằng thánh nữ đã được phúc tử đạo năm mười ba tuổi. Người ta đã đối xử tàn bạo không nương tay với một thiếu nữ còn ít tuổi. Việc đó đã làm lộ ra sức mạnh lớn lao của đức tin nơi thiếu nữ ấy, vì cô đã dám làm chứng.
Tấm hình hài nhỏ bé ấy, liệu có chịu nổi một vết thương chăng ? Người thiếu nữ không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi những cô bé cùng trạc tuổi không chịu nổi nét mặt nghiêm khắc của cha mẹ, cũng như khi bị kim đâm thì khóc như là đã bị thương nặng.
Người thiếu nữ ấy vẫn bình thản giữa những bàn tay đẫm máu của lý hình, không nhúc nhích khi nghe tiếng xiềng xích nặng nề kéo lê lẻng xẻng. Tuy chưa biết chết là gì, nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn sàng: giờ đây cô đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung bạo. Ngay cả khi bị miễn cưỡng lôi đến bàn thờ tế thần thì ngang qua những ngọn lửa, cô vẫn giơ tay hướng về Chúa Kitô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn vinh Chúa toàn thắng. Giờ đây cô đưa cổ và hai tay cho người ta xiềng lại, nhưng không dây xiềng nào có thể xích được những chi thể quá mềm mại đó.
Đây không phải là một cuộc tử đạo mới sao ? Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng; chiến đấu thì vất vả, nhưng được ân thưởng lại dễ dàng. Tuổi đời còn non dại, nhưng đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Cô đẹp không phải vì tóc bím, nhưng vì thuộc về Đức Kitô. Đầu cô không đội vòng hoa, nhưng được điểm trang bằng đức hạnh.
Mọi người đều khóc nhưng chính cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô dễ dàng xả thân đến thế; chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã cho đi như là đã hoàn toàn mãn nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó, cô chưa làm chủ được chính mình mà đã làm chứng cho Thiên Chúa. Cuối cùng, cô đã làm cho người ta phải tin cô, khi cô làm chứng về Thiên Chúa, trong lúc người ta chưa tin cô được về những vấn đề thuộc con người, bởi lẽ nó vượt quá tính tự nhiên thì lại do Đấng tác tạo thiên nhiên mà có.
Lý hình đã tìm mọi cách làm cho cô khiếp đảm, đã dùng hết lời ngon ngọt thuyết phục cô, hứa hẹn bao điều để cô chịu kết hôn. Nhưng cô quả quyết: “Thật là sỉ nhục cho Hôn Phu, nếu tôi còn mong đợi ai làm tôi vui lòng. Ai chọn tôi trước thì người ấy được. Này đao phủ, còn đợi chi nữa ? Tôi không muốn người ta thích thú nhìn thân xác tôi, hãy để cho nó chết đi!” Cô đứng, cầu nguyện rồi giơ cổ cho người ta chém.
Có lẽ bạn thấy được tên lý hình đang run sợ như chính hắn bị tuyên án, thấy tay tên đao phủ run rẩy giơ lên, sợ xanh mặt, vì cô bé lâm nguy, trong khi cô chẳng sợ nguy hiểm gì cho mình. Vậy trong một lễ vật hy sinh, các bạn có hai lời chứng: lời chứng về tiết hạnh và lời chứng về đức tin. Cô đã giữ vững đức đồng trinh và được phúc tử đạo.
Lạy thánh Anê, xin cầu cho chúng con. (PVGK)
LỜI CHÚA: Mc 3, 7-12
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm.
Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.
Suy Niệm 1: Chữa lành nhiều bệnh nhân
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược
những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.
Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),
nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.
Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem
kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),
giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.
Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).
Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !
Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.
Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.
Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền
để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông.
Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.
Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).
Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.
Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.
Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,
họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.
Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,
nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.
Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành
khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.
Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.
Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,
đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.
Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,
và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo.
Con người hôm nay nhận ra CHÚA GIÊSU
không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa”,
nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”. Amen.
(Thánh Têrêxa Calcutta)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: ÔNG LÀ CON THIÊN CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Mọi người bệnh tật đến với Chúa để được chữa lành. Không phải chỉ dân Do thái, nhưng cả dân ngoại. Không phải chỉ miền Ga-li-lê, nhưng cả miền Giu-đê. Không phải chỉ trong nước, nhưng cả miền I-đu-mê, Tyr và Si-don. Không phải chỉ bệnh thể lý, nhưng cả những người bị tâm thần, bị quỉ ám. Dân chúng chỉ biết có sức mạnh từ nơi Người phát ra. Họ chỉ cần chạm vào áo Người lập tức được khỏi. Nhưng ma quỉ biết rõ nên kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa”.
Là Con Thiên Chúa nhưng mặc xác phàm ở giữa loài người, Chúa Giê-su trở thành người trung gian tuyệt hảo. Muôn dân phải qua Người đến với Chúa Cha.
Hình ảnh thái tử Gio-na-than phần nào diễn tả vai trò trung gian này. Gio-na-than thân phận là thái tử nhưng rất yêu thương Đa-vít. Coi Đa-vít không chỉ như bạn thân thiết mà còn như chính bản thân mình. Đến nỗi bảo vệ bênh vực Đa-vít dù Đa-vít có thể chiếm mất ngai vàng của Gio-na-than. Vì là con vua Sau-un nên Gio-na-than dùng tình yêu và địa vị can thiệp với vua cha cho Đa-vít. Nhiều lần cứu Đa-vít thoát chết (năm chẵn).
Thư Do thái cho thấy vai trò trung gian của Chúa Giê-su là tuyệt hảo. Vì Người yêu thương nhân loại. Trở nên một con người ở giữa loài người, Người trở nên đại diện cho toàn dân. Của lễ của Người toàn hảo vì Người thánh thiện vô song. Hơn nữa Người dâng chính bản thân mình. Địa vị của Người toàn hảo vì Người là Con yêu dấu của Chúa Cha. Ở bên hữu Chúa Cha nên lời chuyển cầu của Người thần thế được Chúa Cha nhận lời. Là Con Thiên Chúa nhưng cũng là Con Loài Người, Chúa Giê-su là trung gian duy nhất. Là giải pháp duy nhất cho thế giới (năm lẻ).
Thế giới hôm nay quá nhiều bế tắc, nhiều vấn đề, nhiều chia rẽ, nhiều đau khổ. Vấn đề lớn lao nhất là ma quỉ đang thao túng, đang tàn phá, thống trị con người và thế giới. Sự dữ khắp nơi. Khủng bố. Phá thai. Tham nhũng. Hối lộ. Nhưng sự dữ lớn lao nhất là con người đánh mất lương tâm và lương tri. Coi sự dữ là sự lành.
Ta không thể giải quyết vấn đề. Hãy noi gương người thời xưa chạy đến với Chúa Giê-su. Người là trung gian duy nhất. Người là cứu cánh duy nhất. Người là giải pháp duy nhất cho con người và cho thế giới. Chỉ cần chạm vào gấu áo Người ta sẽ được khỏi.
Suy Niệm 3: Hiểu biết CHÚA GIÊSU
Có một giai thoại về Trang Tử như sau:
Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: "Tại sao cây này không dùng được?", Trang tử liền nói: "Cây này vì bất tài mà được sống lâu".
Về đến nhà, nguời thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử: - Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?
Trang Tử cười và nói:
- Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Ðông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.
Trong Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người CHÚA GIÊSU. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với CHÚA GIÊSU, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà CHÚA GIÊSUđã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về CHÚA GIÊSU, và đây là lý do tại sao CHÚA GIÊSUtỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết CHÚA GIÊSUlà ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về CHÚA GIÊSU: ma quỷ biết CHÚA GIÊSU, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người CHÚA GIÊSU; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với CHÚA GIÊSU, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà CHÚA GIÊSUđang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Ước gì tâm tình và xác tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Khi người ta quá nhiệt tình
Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì xấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa.” (Mc. 3, 10-11)
Phúc âm Maccô như ta đã biết, có nhiều chi tiết rất ý vị, tỏ ra ngài có một con mắt tinh tường khi nhìn những sự việc bình thường. Hôm nay Maccô kể lại rằng CHÚA GIÊSUmuốn để khỏi bị đám đông chen lấn, nên đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để Người ngồi ở đó mà giảng dạy và chữa bệnh cho dân. Maccô đã tả lại cảnh huyên náo của đám đông bằng những lời giản dị mà sắc bén: “Họ đổ xô đến để sờ vào Người”. Các thánh sử khác chỉ viết nôm na rằng: dân chúng đến với Người; trái lại thánh Maccô nhấn mạnh đến việc người ta chen lấn xô đẩy nhau mà đến.
Những thái độ này có thể giúp ta phân tích lối cư xử của chúng ta. Thực ra chúng ta có nhiệt tình đến với Đức Kitô không?
Hoảng hốt và vội vã
Ta hãy thử phân tách những lúc ta sống vội vã, để biết ta đang đồng hội đồng thuyền với ai, đang chạy theo thần tượng nào.
Chúng ta vội vã để kịp mua được món có lời, để kịp chuyến xe buýt, để mua được tấm vé đi coi tuồng, để làm qua loa cho xong công chuyện của ngày. Chúng ta hối hả đi xem cho được trận đá banh, hay đi nghỉ cuối tuần.
Điều khiến CHÚA GIÊSUlo lắng bồn chồn ngày nay, hẳn không phải là chuyện người ta hồ hởi đổ xô đến với Người như xưa. Chắc chắn là Người sẽ không sợ bị ngộp thở vì lòng nhiệt thành sốt sắng của các tín hữu.
Cõi lòng ngổn ngang
Không, điều khiến Chúa Kitô phải lo láng buồn phiền, có lẽ vì Người thấy chúng ta đến với Người mà lòng ngổn ngang trăm mối. Vì lo hưởng thụ, mà ta xốn xang chạy khắp đó đây để thỏa mãn cơn đói khát ấy, cả ngày chỉ bận rộn về cái gọi là “những nhu cầu của đời sống hiện đại”! Nói cho cùng, chúng ta đi tới chỗ giống như một cửa tiệm sưu tầm đồ cổ, mà trên quầy đã chất đống những món đồ. Và để quên đi cảm tưởng bị ngộp thở vì cảnh bộn bề ngổn ngang này, ta vội chạy đến vớí những cuộc “săn tìm” mới lạ khác.
Nếu CHÚA GIÊSU không muốn để người ta chen lấn, xô đẩy Người trong những điều kiện này, thiết tưởng cũng là chuyện thông thường thôi.
Suy Niệm 5: ĐI THEO CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ? (Mc 3, 7-12)
Có nhiều thái độ đi theo Đức Giêsu. Có người đi theo Đức Giêsu chỉ vì hiếu kỳ; có người vì trục lợi; lại có người theo vì hiệu ứng đám đông; nhưng cũng có người theo Đức Giêsu vì lòng mến. Tuy nhiên, con số này chỉ là thiểu số, đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa số họ theo Ngài vì thực dụng.
Hôm nay, Bài Tin Mừng thánh Máccô thuật lại việc Đức Giêsu được đám đông lũ lượt đi theo Ngài, đến nỗi Ngài phải ngồi trên một chiếc thuyền mà giảng dạy.
Họ đến với Ngài vì nghe danh tiếng và việc làm của Ngài khá nhiều. Thấy họ, Đức Giêsu lại một lần nữa chạnh lòng thương và ra tay tế độ cho họ bằng việc chữa lành nhiều thứ bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ Ma Quỷ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Chúa để được Ngài chữa lành bệnh tật thiêng liêng và nhất là kín múc được nguồn ân sủng phong phú từ tình yêu của Ngài. Đồng thời cũng biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống của cuộc đời, chứ không chỉ thực dụng trước mắt mà thôi.
Hơn nữa, ngang qua những hành động của Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi chạnh lòng thương đến người anh chị em chúng ta như chính Chúa đã chạnh lòng thương đến ta.
Lạy CHÚA GIÊSU, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống và mục đích của cuộc đời. Xin trái tim của Chúa luôn là sự cuốn hút chúng con đến say mê, để chúng con luôn biết rung động trước sự khốn cùng của anh chị em chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: CHÚA GIÊSUgiảng dạy uy quyền
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
Câu chuyện
Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ làm công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của CHÚA GIÊSU. Câu CHÚA GIÊSUcầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó Ishi-I thuật lại: “Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài ? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.
Những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết ngạc nhiên tột độ. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh (Theo Lẽ Sống, Radio Véritas).
Suy niệm
Đức Kitô giảng dạy uy quyền, Lời Ngài vẫn luôn mang sức mạnh. Dân chúng kinh ngạc lời giảng dạy với giáo lý mới mẻ của Ngài, vì Lời Ngài giảng dạy có uy quyền. Sự uy quyền của Ngài chỉ một lời khiến thần ô uế đã phải vâng lệnh, ra khỏi người mà hắn quấy phá.
Thần ô uế (x. Mc 1,23) cũng như quỷ (x. Mc 1,32; 3,11a.15.22) luôn tượng trưng quyền lực sự dữ, luôn đối địch với Thiên Chúa và là sự chẳng lành với sức khỏe thể xác và tâm linh cho con người. Ðức Giêsu dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân bị ám. Lập tức, nó liền lay mạnh người ấy, rồi thét lên một tiếng rùng rợn trước khi xuất khỏi người ấy (x. Mc 1,26). Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khiến ma quỷ, tà thần phải khuất phục Ngài. Lời đó đã làm cho niềm tin của dân chúng đặt vào Ngài - Đấng giảng dạy đầy uy quyền. Đấng Uy quyền đó là Đấng mà sách Đệ Nhị Luật 18,15-20 đã nói về lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân, đó là tất cả niềm hy vọng của họ: Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Thật thế, Người chính là Ðức Giêsu Kitô đã khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Qua mọi thời, Đức Kitô vẫn luôn hiện diện đầy uy quyền, sức mạnh giáo huấn qua lời của Ngài vẫn mang quyền năng, văn sĩ Origene khẳng định rằng: “Nếu sách Thánh là sự thật, Thiên Chúa đã không chỉ nói trong Đại hội của người Do Thái, Ngài còn đang nói trong các Đại hội của chúng ta, trong các cuộc họp mặt của ngày hôm nay. Ngài giảng dạy không chỉ cho chúng ta và cho tất cả những người khác và trên toàn thế giới, những người tìm kiếm tất cả mọi phương tiện để lắng nghe lời của Ngài”.
Ngày hôm nay chúng ta vẫn còn những thần ô uế và sự dữ đang hoành hành trong thế giới, đó là chiến tranh, bệnh hoạn, bất công hiện diện khắp mọi nơi… Vẫn còn thần ô uế trong chính bản thân của mỗi người chúng ta: Đó là những tư tưởng xấu, những sự hận thù, những mưu toan chà đạp anh em, những tính toán gây hại đến người khác… Chúng ta cần chạy đến với Đấng có đầy uy quyền là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đến bên Ngài không chỉ để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên và ngưỡng mộ Đấng Quyền năng như dân Do Thái xưa nghe Ngài giảng và thấy uy quyền trên thần ô uế, cũng như đã mở lòng đón nhận Lời quyền uy như Thánh Vịnh 130,5 dạy:
“Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”.
Ý lực sống: “Ngài ra tay chặn đứng,
lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138,7c).
Suy Niệm 7: Vì sao theo Chúa ?
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Chúa Giêsu và các môn đệ đi ra bờ biển. Dân chúng từ khắp nơi theo Chúa rất đông, nên Người phải xuống thuyền giảng dạy để khỏi bị chen lấn. Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên hết thảy những kẻ đau yếu đều tuốn đến với Người. Còn ma quỉ mỗi khi thấy Người thì sụp lạy và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.. Nhưng Người cấm không cho chúng tiết lộ điều đó để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền, nhất là vì quần chúng còn hiểu lầm về sứ mạng của Người.
2. Thánh Marcô cho biết danh tiếng Người đã đồn đi khắp nơi nên người ta từ mọi miền, các Thành Do thái cũng như các thành ngoại giáo, không biết là bao nhiêu người.
Nhưng có một điều muốn đặt ra ở đây là “động cơ nào” đã khiến người ta đến với Chúa đông như thế vì người ta chưa thực sự biết Chúa: ma quỉ biết Chúa Giêsu, nhưng chỉ biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với mục đích kiếm lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ biết một cách hời hợt; những người biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người của Chúa; chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới biết chính xác về Người.
Như vậy có nhiều động cơ nhưng theo như cách Chúa hành xử trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ đa số người ta đến với Chúa vì động cơ vụ lợi và vật chất. Chính vì thế, nên khi ma quỉ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một “nguồn lợi vật chất”, thì chính Chúa Giêsu đã phải tìm cách lánh xa và ngăn cấm.
3. Phải công nhận rằng, trong cuộc sống, việc con người đến với Chúa thường bị chi phối bởi rất nhiều động lực có tính cách trần thế. Tại sao vậy ? Thưa, vì bản tính con người chúng ta vốn ích kỷ. Lòng ích kỷ đã biến chúng ta thành những người chỉ biết nghĩ đến mình mà không cần biết đến những người khác. Tệ hơn nữa, là nhiều khi chúng ta còn coi Thiên Chúa là một nguồn lợi – các giám mục hai giáo phận Lyon và Saint Étienne bảo: nhiều khi các tín hữu còn biến Thiên Chúa thành một cái kho – để cho chúng ta đến mà khai thác và thủ lợi, hơn là đến để tỏ lòng tôn kính và biết ơn.
Truyện: Jesus only.
Câu chuyện sau đây do mục sư H.A. Ironside kể trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh: Một nhóm Kitô hữu đang họp trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền nhà, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ “Jesus only” (chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi). Một cơn gió mạnh thổi qua làm mất 3 mẫu tự đầu. Hàng chữ trở thành “Us only” (chỉ vì chúng ta mà thôi).
Mục sư kết luận: đối với một số Kitô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu diễn tả đúng ý hưởng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai (Sunday School Times).
4. “Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai”(Mc 3,18).
Tại sao Chúa lại cấm ma quỉ tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa ? Thưa, không phải tà thần tuyên truyền dùm Ngài, thực ra chúng muốn phá hại hoạt động của Ngài, vì khi làm như thế, chúng khiến dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Ngài và do đó sẽ không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là Đấng Messia dùng Thập giá để cứu loài người. Bởi đó việc Ngài “cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai cũng là một biện pháp ngăn chận quan niệm sai lạc ấy (Lm Carôlô).
5. Các Tông đồ theo Chúa một thời gian, nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm mà vẫn chưa hiểu rõ Ngài khi Ngài hỏi: “Phần các con, các con bảo Thấy là ai”(Mc 8,29) ? Các ông cũng chỉ trả lời theo dư luận của quần chúng, trừ ông Phêrô được Thiên Chúa mạc khải cho: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời Ngài chờ đợi các môn đệ và mọi người chắc không phải là một công thức, một lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là tất cả cuộc sống. Sự hiểu biết Chúa Giêsu chờ đợi nơi mọi người chúng ta không phải là một hiểu biết thuần trí thức, mà phải là một tương giao mật thiết.
6. Truyện: Bệ hạ là tất cả của thần.
Ferdowsi (925-1020) thi sĩ người Ba tư, kể câu chuyện: Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là cả triều đình. Họ mang theo vô số vàng bạc của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quị. Từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Người ta thấy được tức khắc sự tham muốn bừng lên trong mắt những người theo hộ giá nhà vua. Bằng một cử chỉ vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng:
- Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác quay về.
Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.
Đang đi ông bỗng nghe thấy có tiếng chân theo sau mình. Ông quay lại và nhận ra đó là người hầu cận được tiếng là trung thành nhất của ông. Ông âu yếm nhìn anh và nói:
- Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng ? Ngươi không biết rằng, với số vàng bạc ấy ngươi sẽ trở nên giầu sang không ?
Người hầu cận trung thành trả lời:
- Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.
Vâng, Giêsu cũng là Đấng quí giá nhất cho mỗi người chúng ta. Chúa phải là tất cả cho mỗi người chúng ta.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Trong đoạn này Mc ghi tóm lược hoạt động chữa bệnh và trừ tà của Chúa Giêsu:
- Chữa bệnh: do biết Chúa Giêsu có khả năng chữa bệnh, người ta từ khắp nơi đi theo Chúa Giêsu rất đông, đến nĩ Ngài phải bảo các môn đệ tìm cho Người một chiếc thuyền nhỏ cho Ngài lên đó"để khỏi bị đám đông xô lấn". Biện pháp này nhằm làm dịu đi phần nào một niềm tin tưởng có phần vụ lợi và một quam niệm có phần sai lạc về Đấng Messia
- Trừ tà: những tà thần khi bị Ngài trục xuất đã tuyên bố lớn tiếng: "Ông là con Thiên Chúa" không phải tà thần tuyên truyền dùm Ngài thực ra chúng muốn phá hủy hoạt động của Ngài vì khi làm như thế chúng khiến dân chúng để ý đến khía cạnh quyền phép của Ngài và do đó sẽ không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là một Đấng Messia dùng Thập giá để cứu loài người. Bởi đó việc Ngài cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai "cũng là một biện pháp ngăn chặn quan niệm sai lạc ấy"
B. Suy niệm (...nảy mầm)
1. Khi người ta chạy theo Chúa vì những động cơ vụ lợi và khi ma quỷ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một nguồn lợi vật chất thì chính Chúa Giêsu phải có biện pháp lánh xa và ngăn cấm.
2. Kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng khi ta thực sự đến với Chúa, Ngài không bao giờ để ta ra về với bàn tay trắng cả chỉ trừ khi ta đến với Ngài mà lòng đầy những tính toán vụ lợi (Phophecy Monthly)
3. Câu truyện sau đây do Mục sư H.A.Ironside kể trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh:
Một nhóm Kitô hữu đang họp trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền nhà, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ "Jesus only" (Chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi).
Một cơn gió mạnh làm bay mất 3 mẫu tự đầu, Hàng chữ trở thành "us only" (Chỉ vì chúng ta mà tôi)
Mục sư kết luận: "Đối với một số Kitô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu tiên diễn tả đúng ý hướng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai. (Sunday school Times).
Cầu nguyện: Xin cho chúng con nhận ra được tình thương và ân sủng đích thực của Chúa.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn