Thứ Bảy tuần 2 thường niên.

Thứ sáu - 22/01/2021 06:55

Thứ Bảy tuần 2 thường niên.

"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được.

Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".

 

Suy Niệm 1: Người bị mất trí

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay thật là ngắn, chỉ gồm có hai câu.

Nhưng câu chuyện kể lại có thế làm chúng ta bối rối.

Đức Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu.

Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân,

trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (x. Mc 3, 31).

Khi Đức Giêsu và các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum,

đám đông lại kéo đến.

Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn.

Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng.

Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Đức Giêsu.

Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà.

Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Đức Giêsu phải đi.

Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào chuyện Đức Giêsu không ăn

để vội vã kết luận là Ngài mất trí.

Các thân nhân chẳng để ý đến chuyện đám đông chạy đến với Ngài

để được trừ quỷ, được chữa bệnh và để được nghe giảng.

Làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế ?

Xem ra họ không hiểu mấy về con người và sứ mạng của Đức Giêsu.

Thật ra dưới mắt của các thân nhân,

Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào.

Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác.

Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây.

Dù không phải là người học thức,

Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá,

đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư,

và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài.

Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không,

có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không.

Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu.

Quan hệ máu mủ có khi lại làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai.

Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta thường nghĩ.

Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa

nơi sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: MẤT TRÍ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người bình thường lo cho bản thân. Những nhu cầu tối thiểu trong đời sống hằng ngày: ăn uống, ngủ nghỉ. Nhưng “Chúa Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. Người đời và nhất là thân nhân, những kẻ thương mến Người “liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”. Người đã rất quyết liệt. Nên không để bị bắt trở về. Từ đây Người giã từ gia đình trần thế. Để hiến thân cho gia đình Nước Trời. Để thi hành thánh ý của Cha. Để toàn tâm toàn ý cho tha nhân. Cho gia đình mới của Người.

Anh hùng là những người quên bản thân, quên lợi ích riêng tư, vì quyền lợi chung của đất nước, của dân tộc. Sa-un và Gio-na-than là những bậc anh hùng. Vì đất nước, dân tộc mà tử nạn. Nên Đa-vít và toàn dân khóc thương các ngài. Các ngài quên mình vì dân tộc: “Thiếu nữ Ít-ra-en hỡi, hãy khóc Sa-un, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng”(năm chẵn).

Chúa Ki-tô đáng ca tụng gấp bội. Vì Sa-un và Gio-na-than lo cho đời sống vật chất mau qua của dân Ít-ra-en. Còn Chúa Ki-tô hiến mình vì đời sống vĩnh cửu và vì kho tàng không hư nát của mọi dân tộc trên thế giới.

Sa-un và Gio-na-than bất đắc dĩ chịu chết. Còn Chúa Ki-tô tự hiến thân mình để đền tội muôn dân.

Chúa Ki-tô là Thượng Tế trổi vượt. Các thượng tế dâng lễ vật là súc vật. Còn Chúa Ki-tô dâng chính bản thân mình. Các thượng tế phải dâng nhiều lần. Còn “Người vào chỉ một lần, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” Máu chiên bò chỉ làm cho thân xác trong sạch. “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết”(năm lẻ).

Người không chỉ mất trí. Mà còn điên dại. Yêu ta nên tự hiến mình chịu chết. Đổ máu mình ra. Nhưng chính nhờ tình yêu điên dại của Người ta được ơn cứu độ. Được sống. Được hạnh phúc.

Thế giới hôm nay cần nhiều người mất trí để lo cho tha nhân. Cần nhiều môn đệ bước theo tình yêu điên dại của Thầy Giê-su. Thế giới mới được cứu rỗi.

 

Suy Niệm 3: Vai trò của gia đình

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.

Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.

Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.

Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình.

Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:

"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"

Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.

Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: Người đã mất trí

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của người hay tin ấy, liền bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc. 3, 20-21)

Thân nhân của Chúa Giêsu đã không được chiều chuộng cho lắm. Buổi đầu khi Người xuất thân đi rao giảng, nhứng người thân của Chúa đã phải chịu nỗi phiền hà là có liên hệ bà con với một con người kỳ quặc, tự cao. Sau này khi Chúa Giêsu đã có tiếng tăm rồi và bà con muốn tới gặp Người thì lại bị rầy la, khi Người nói: “Ai là anh chị em tôi?”

Phần chúng ta, chúng ta có hạnh phúc vì được kể vào hàng bà con thân thích mới này- chúng ta sung sướng được gọi là anh là chị của Đức Kitô. Nhưng vấn đề Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta là hãy tìm xem liệu ta có nét nào giống với đám bà con ấy là những người đã coi Chúa Giêsu như kẻ “phá rối” cần sớm cho vào “nhà nghỉ mát” không?

Tại sao có sự phiền hà này

Ta có thể hiểu thế nào về phản ứng của những thân nhân ấy? Phản ứng này một phần lớn là Do thái độ tự phụ của Chúa Giêsu dám coi mình là “Con Người”. Với danh xưng này, Người đòi buộc người ta phải nhìn nhận mình là một nhân vật của Truyền thống có quan hệ thân cận độc nhất vô nhị với Đức Giavê Vì thế, là thân nhân của một con người tự phụ, một anh “ngộ đạo”, thì chẳng có gì là vinh quang cả! Tốt hơn là nên coi Người như một người khùng thay vì đưa ra tòa hoặc bịt miệng Người lại.

Còn chúng ta có “giam tù” Người không?

Những thân nhân của Chúa Giêsu có lập trường rõ ràng. Còn ý định của chúng ta lại tế nhị hơn. Hãy coi xem.

Chúng ta không nói rằng Chúa Giêsu đã mất trí. Nhưng chúng ta để trong ngoặc đơn những đòi hỏi gắt gao nhất của Người.Ta có can đảm như thế nào khi làm chứng Người là Thiên Chúa? Ta làm chứng gì về sự Phục sinh của Người?

Chúng ta không muốn bắt Người để tống vào ngục, nhưng chúng ta gác ra một bên những yêu sách quyết liệt nhất của Người: “… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi!” - “Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai hiền lành!”

Bôi bác Tin mừng của Đức Kitô, làm méo mó chân dung Người, đòi Phúc âm phải hợp với lý luận, đó chính là một cách thế nào đó đã giam giữ Đức Kitô vậy.

 

Suy Niệm 5: VÌ SỨ VỤ (Mc 3, 20-21)

Có một linh mục sống tại một đất nước phồn thịnh, nhưng khi làm linh mục được 5 năm, ngài đã xin phép bề trên để về Việt Nam phục vụ những bệnh nhân sida, nghiện ngập, những bạn trẻ cơ nhỡ và trẻ em mồ côi. Khi quyết định của ngài được thông báo cho gia đình, bà cố đã không chấp nhận và cho rằng con mình có vấn đề...!!!

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu tất bật lo lắng cho dân chúng, đến nỗi không có thời giờ để nghỉ ngơi và ăn uống. Những việc như: giảng dạy, chữa bệnh, xua trừ Ma Quỷ... Ngài làm mọi việc không xuể, nên đã gọi và chọn các môn đệ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình vì sứ vụ khi chăm lo cho người nghèo, bệnh tật, ốm đau thì lại là mối lo của bà con, họ hàng của Ngài khi họ nghe tin đổn thổi Ngài bị mất trí..., vì thế, họ đã đến để tìm cách ngăn cản Ngài.

Thật vậy, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy xuất hiện đây đó những hình ảnh sống động của Đức Giêsu khi những anh chị em Kitô hữu luôn sống chu toàn bổn phận và sẵn sàng đặt lợi ích của cộng đoàn, gia đình lên trên cá nhân của mình. Luôn đứng về phía người nghèo khổ để nâng đỡ và phụ giúp họ... Luôn coi sứ vụ là chính yếu, nhu cầu cá nhân là phụ thuộc...

Nhưng lẽ ra, theo lối suy nghĩ của người đời thì họ phải được tán dương, chúc tụng mới xứng! Tuy nhiên, điều đó có lẽ có nhưng họa hiếm, ngược lại có khi chỉ là những lời dè môi bỉu mỏ cho rằng: họ bị điên, bị khùng thì mới làm những chuyện như thế!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt sứ vụ lên trên hết mọi chuyện. Nếu có phải khinh thường, chỉ trích, thì chúng ta cũng biết vui chịu để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Chỉ khi nào chúng ta trở nên giống Chúa, thì hình ảnh, khuôn mặt của Ngài mới được lộ hiện nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết. Luôn biết trung thành với sứ vụ được trao. Và xin cho chúng con biết đón nhận tất cả, miễn sao anh chị em chúng con được hạnh phúc và Chúa được loan báo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Người đã bị mất trí

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm) 

1. Sau khi đi rao giảng một thời gian, Đức Giêsu và các môn đệ trở về nhà và giảng dạy tại nhà bà mẹ vợ ông Phêrô ở Capharnaum, dân chúng lại đổ xô tới đông đúc, đến nỗi các ngài không có thời giờ ăn uống. Thấy vậy, các thân nhân của Chúa đến bắt giữ Ngài vì được tin người ta cho biết là Ngài đã mất trí. Thân nhân Ngài làm như vậy có ý cho các môn đệ của Ngài được rảnh rỗi nghỉ ngơi, đồng thời cũng để cho họ khỏi bị liên lụy về Ngài. Vì nếu dân chúng kéo theo Ngài đông đảo rùm beng như vậy thì sợ nhà chức trách sẽ làm khó dễ.

2. Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn gọn, nhưng cũng hé mở cho chúng ta biết Chúa nhiệt thành phục vụ đến mức nào. Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng. Ngài phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, Ngài hoạt động ở nơi hội đường, ở ngoài trời và ở đây ngay tại nhà. Điều đó chứng tỏ Ngài hiến thân trọn vẹn cho tác vụ, miệt mài với công việc bổn phận, không còn thì giờ nghĩ đến mình đến nỗi không có cả thời giờ dùng bữa.

3. Trong thời Tam Quốc, khi Lưu Bị khởi quân chống Tào Tháo, nhiều tướng lãnh oai hùng và nhiều hiền nhân lỗi lạc đã đến giúp đỡ ông, vì tin rằng ông chính là minh chủ, sẽ thống nhất sơn hà.       

Thánh Marcô hôm nay kể rằng có nhiều người kéo đến với Đức Giêsu, đông đến nỗi Người không có thời gian để dùng bữa, vì họ tin rằng Người là Đấng uy quyền và bởi Thiên Chúa mà đến. Họ nghe Người giảng và đi theo Người. Chính đức tin đã thúc đẩy họ hành động, thúc đẩy họ tìm đến và bước theo Đức Giêsu.

4. Ngài không phải là con người dễ hiểu, ngay các Tông đồ đã ở với Ngài gần ba năm trời, khi Chúa hỏi các ông cho Ngài là ai, thì các ông cũng chỉ biết lơ mơ như dân chúng hiểu thôi.  Còn đối với quần chúng thì cũng có người, nhất là các biệt phái và luật sĩ còn cho Ngài là bị quỉ ám. Còn hôm nay thì người ta cho là Ngài bị mất trí.

Người ta kể rằng, ngày nay ở bên Mỹ tại nhà quốc hội có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hàng năm có cả ngàn người viết thư đến hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất, đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất”?

Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau

Có 1735 cuốn viết về Napoléon.

Có 1755 cuốn viết về George Washington,

Có 2319 cuốn viết về Abraham Lincoln,

Có 3175 cuốn viết về William Shakespeare,

Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.

5. “Phải chăng  Đức Giêsu là người mất trí, một kẻ điên” ?

Bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu lột tả hết sự thật của tình yêu đôi lứa là: “Em chỉ là người điên trong vòng tay tình ái”. Thật vậy, khi yêu nhau, người ta như một ”kẻ điên” theo sự rung cảm của con tim hơn là lý trí;  người ta biết đau khổ và rắc rối do chính sự lựa chọn đem lại, nhưng vẫn lao vào, thậm chí biết rằng có thể mất tất cả từ danh dự đến sự nghiệp, thậm chí mất cả mạng sống... chỉ vì yêu.

Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như NGƯỜI ĐIÊN.

Nhưng cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”.  Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giêsu ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin chăng ? Quả thật, Ngài đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người. Để rồi từ đó, rất nhiều tâm hồn bước theo Chúa Giêsu và “điên vì Chúa”...

6. Truyện: Phải biết đúng sự thật khi nói.

Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrate, một triết gia Hy lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:

- Này ông Socrate, ông đã nghe chuyện này chưa ?

Socrate vội ngắt lời:

- Khoan đã ! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không ?

Ông hàng xóm ấp úng:

- À, cũng không chắc  lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể thôi.

Socrate mỉm cười bảo:

- Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt không ?

Ông hàng xóm thật sự lúng túng:

- Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.

Socrate vỗ vai ông ta hỏi thêm:

- Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.

Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:

- Ờ... Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được cho ai !

Socrate kết luận:

- Thế này nhé, chúng ta hãy quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.
 

Người ta nói về Đức Giêsu rằng “Ông ta đã mất trí” – SN song ngữ 23.01.2021

Saturday (January 23): “People were saying of Jesus, ‘He is beside himself’ “

Scripture: Mark 3:19b, 20-21   

Then he went home; 20 and the crowd came together again, so that they could not even eat. 21 And when his family heard it, they went out to seize him, for people were saying, “He is beside himself.”

Thứ Bảy   23-1           Người ta nói về Đức Giêsu rằng “Ông ta đã mất trí”

 

Mc 3,19b.20-21

19b Người trở về nhà;20 và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Meditation: 

Is the Lord Jesus honored in your home? Why would Jesus’ relatives be so upset with him when he began his public ministry? On one occasion Jesus remarked that a man’s enemies will be the members of his own household (Matthew 10:36). The Gospel of Mark records the reaction of Jesus’ relatives when he went home: they came to seize him. They, no doubt, thought that Jesus must have gone mad or become a religious fanatic. How could a good home-body from Nazareth leave his carpentry trade and go off to become a traveling preacher? To their way of thinking, Jesus had thrown away the security and safety of a quiet and respectable life close to his family and relatives. 

Do not be afraid to follow Jesus all the way

Jesus probably expected to meet opposition from the highest religious authorities in Jerusalem. For him to meet opposition from his own relatives must have been even harder. When we choose to be disciples of the Lord Jesus and to follow his will for our lives, we can expect to meet opposition from those who are opposed to the Gospel message and Christian way of life. But the hardest opposition may actually come from someone close to us, a family member or close friend who doesn’t want us to take the Gospel message too seriously. Jesus met opposition – whether from family, friend, or foe – with grace and determination to fulfill his Father’s will. Are you ready to obey and follow the Lord Jesus even if others oppose your doing so?

“Lord Jesus, may I always put you first and find joy in doing your will. May your love and charity grow in me, especially in the face of opposition and adversity.”

Suy niệm:  

Ðức Giêsu có được tôn kính trong gia đình bạn không? Tại sao những người thân của Ðức Giêsu quá bực tức khi Người khởi đầu sứ mạng công khai của mình? Vào một dịp, Ðức Giêsu đã lên tiếng rằng kẻ thù của chính mình sẽ là người nhà (Mt 10,36). Tin mừng Máccô ghi lại phản ứng của những người thân của Ðức Giêsu khi người trở về làng: họ đến bắt Người. Rõ ràng, họ nghĩ rằng Ðức Giêsu nhất định bị điên rồ hay trở nên quá cuồng tín. Làm thế nào một người chỉ ru rú ở nhà làng Nagiarét rời bỏ nghề thợ mộc để trở thành một nhà giảng thuyết lưu động? Ðức Giêsu đã bỏ qua sự an phận của một đời sống tĩnh lặng và đáng kính đối với gia đình và những người thân của mình.

 

Đừng sợ đi theo Đức Giêsu hết con đường

Rất có thể Người gặp sự chống đối từ những người cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem. Đối với Người, đối diện với sự chống đối từ người thân chắc hẳn sẽ khó khăn hơn. Khi chúng ta chọn làm môn đệ của Chúa Giêsu và đi theo ý Người dành cho cuộc đời mình, chúng ta có thể gặp sự chống đối từ những ai chống lại sứ điệp Tin mừng và lối sống Kitô giáo. Tuy nhiên, sự chống đối lớn nhất có thể đến từ một số người thân cận với chúng ta, thậm chí từ những người ruột thịt. Ðức Giêsu đương đầu với sự chống đối – từ gia đình, bạn hữu, hay kẻ thù – bằng ơn sủng và quyết định hoàn thành ý định của Chúa Cha. Bạn có sẵn sàng vâng phục và bước theo Chúa thậm chí nếu có người khác chống đối bạn làm điều đó không?

 

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con đặt để Chúa trên tất cả mọi suy nghĩ và quan tâm của con. Chớ gì con luôn luôn tìm kiếm niềm vui trong việc thực thi ý Chúa, thậm chí trong những lúc khó khăn hay chống đối.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây