Thứ Sáu tuần 1 thường niên.
"Con Người có quyền tha tội dưới đất".
LỜI CHÚA: Mc 2, 1-12
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ.
Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được tha".
Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: "Tội lỗi con được tha" hay nói: "Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". - Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà".
Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Suy Niệm 1: Thấy họ có lòng tin
Suy niệm:
Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở Caphácnaum.
Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.
Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào.
Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,
họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức Giêsu.
Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.
Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp nhau.
Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi bệnh.
Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.
Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.
Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.
Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?
Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?
Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.
Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,
chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh lên trên.
Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và nhất trí.
Kế đến là chuyện phân công.
Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm một lỗ hổng,
phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ Đức Giêsu ngồi.
Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,
nhất là cần lòng tin và tình bạn.
Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.
Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.
Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường.
Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người.
Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí.
Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là khiếm nhã.
Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c. 5).
Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.
Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải khiêng nhau nữa.
Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.
Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?
Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?
Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?
Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó khăn không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy Niệm 2: LẮNG NGHE LỜI CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Lời Chúa có hiệu quả khác nhau. Tuỳ cách ta đón nhận. Có lời rơi trên vệ đường. Chim chóc đến tha đi. Có lời rơi vào đất tốt. Sinh hoa kết quả gấp trăm nghìn.
Lời Chúa tăng cường đức tin cho người bị bại liệt. Đức tin đó ảnh hưởng tới những người thân. Nên họ sẵn sàng khiêng anh tới chỗ Chúa Giê-su. Đức tin của anh càng mãnh liệt hơn khi Chúa nói với anh: “Hãy đứng dậy vác giường mà về”. Nhưng Lời Chúa lại gây bất mãn cho người không tin. Những kinh sư lẩm bẩm: “Ông ta nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội nếu không phải là Thiên Chúa”.
Lời Chúa chữa lành người bệnh. Chữa lành nhanh chóng, hiệu quả tức thì. Người bại liệt không đi nổi nay đã tự mình đứng dậy. Trước kia không mang nổi thân mình nay có thể vác giường đivề. Lời Chúa trái lại khiến các kinh sư sinh bệnh. Lúc người bệnh đứng dậy cũng là lúc các kinh sư ngã gục. Lúc người bại liệt vác giường thì các kinh sư lại liệt giường. Lời Chúa nâng dậy người bệnh và xô ngã người kiêu căng cứng cỏi.
Lời Chúa khiến người bại liệt bình an thư thái. Những người lắng nghe Chúa được tràn đầy niềm vui. Chúa đưa họ vào nơi an nghỉ. Vì họ đã có niềm tin yêu phó thác. Tâm hồn được thứ tha tội lỗi hưởng nếm sự ngọt ngào của niềm bình an và tình yêu thương được kết hiệp với Chúa. Đặc biệt người bại liệt không chỉ được Lời Chúa chữa lành thân xác mà còn được chữa lành tâm hồn khi Chúa phán: “Tội con đã được tha”. Vì thế tâm hồn ông tràn đầy bình an. Trái lại, Lời Chúa khiến các kinh sư bất an. Họ trở về tâm hồn bực tức và ganh ghét. Họ càng lún sâu trong tội lỗi nên càng bị bóng tối bất hạnh vây phủ.
Vì thế thánh Phao-lô khuyên nhủ chúng ta “hãy biết sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội”. “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này, kẻo có ai cũng theo gương bất tuân đó mà sa ngã”(năm lẻ).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi. Hãy tuân theo Lời Chúa, dù phải bỏ ý riêng. Như Sa-mu-en không muốn dân Do Thái có vua. Ông sợ họ lìa xa Chúa. Và có thể ông mất quyền lợi. Nhưng ông đã tuân theo ý Chúa. Xức dầu phong cho dân Do Thái một vị vua. Dù thâm tâm ông không muốn. Xin cho chúng ta luôn sống theo Lời Chúa. Để Lời Chúa hướng dẫn tư tưởng, lời nói, việc làm của ta (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Chữa người bất toại
Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay: "Ta chữa lành cho con", nhưng Ngài nói với người bất toại: "Con đã được tha tội rồi".
Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng". Nhưng Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?" Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: "Trong hai điều: một là bảo người bất toại: "Con đã được tha tội", hai là bảo: "Ðứng dậy, vác chõng mà đi", điều nào dễ hơn". Thật ra, hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: "Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà", lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải. Nhờ Bí tích này, tội nhân sau khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quý trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với tác vụ chính của Chúa Giêsu ngay từ đầu: tác vụ tha tội, hòa giải con người với Thiên Chúa. Ước gì chúng ta luôn ý thức về tội lỗi và quý trọng ơn tha thứ qua Bí tích giải tội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Trước tiên, phải tha thứ
Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, và thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc. 2, 3-5)
Thường ta đến cầu nguyện với Chúa, mà lòng nặng trĩu những tâm tư; ta có những nỗi khổ của riêng mình, mà còn mang theo những đớn đau của kẻ khác nữa. Ta muốn phô bày tất cả với Chúa… Ta muốn thả tất cả xuống trước mặt Chúa như người xưa đã làm cho người bại liệt nọ vậy.
Hôm ấy người ta đã khiêng đến một người bại liệt. Vấn đề coi như nan giải, vì dân chúng quá đông, đứng bít cả cửa. Nên người ta đã khéo léo tìm cách rỡ mái nhà để thả được người bại liệt xuống và đặt anh nằm trước mặt Chúa Giêsu. Nhưng kìa Chúa Giêsu lại nói với người ấy rằng: “Này con, con đã được tha tội rồi!”
Có những người nghĩ thầm trong bụng
Khi nghe Chúa nói như vậy, người ta sửng sốt và tỏ ra cứng cỏi. Họ lý luận về hai khía cạnh: ông ta tự coi mình là Thiên Chúa, khi nói lời tha tội. Đó là một thái độ tụ kiêu, ngạo ngược. Sau nữa, cho dù có như thế đi chăng, nói rằng sự tha tội có thể chữa lành bệnh tật, thì quả là một kỳ vọng còn phi lý hơn nữa!
Điều mà các kinh sư xưa nghĩ tưởng, thì nhiều người chúng ta hôm nay cũng suy nghĩ như vậy khi nghe Giáo hội giảng dạy. Phải chăng Giáo hội có thể lấy quyền Thiên Chúa mà tha tội - và nếu có đi chăng, thì làm sao chứng minh được rằng ơn tha tội đem lại một tác động hiệu nghiệm thực? Giải đáp trước nhất cho vấn đề của chúng ta phải chăng là ơn tha thứ?
Phải, tiên vàn phải được ơn tha thứ!
Người ta sẽ có thể giải thích rộng rãi về tầm quan trọng của ơn tha thứ. Tôi chỉ muốn đè cập đến vấn đề này cách dơn giản bằng cách phân biệt ơn tha thứ và ơn chữa lành. Sự khác biệt này càng rõ nét tùy theo tương quan giữa những người liên hệ. Xin đưa ra một thí dụ: một ông bác sĩ có thể chữa trị cái chân của một con bệnh mà không cần phải yêu mến, ngay cả chuyện trò với người ấy. Cũng thế, mỗi người chúng ta có thể tiếp cận người khác theo chức năng hay nghề nghiệp, có thể tham gia vào xã hội hoàn toàn theo những quy tắc luật lệ của môn khoa học hay ngành nghề mình đã theo đuổi. Nhưng con người có những nhu cầu mà nhiều kiến thức chuyên môn sẽ không có thể thỏa mãn được như giữ được niềm tin trong cuộc sống, mặc dầu con người có những yếu đuối và giới hạn; tin theo nghĩa thông thường …
Thực vậy, Thiên Chúa có thể ban ơn tha thứ cho con người thế nào thì chúng ta cũng có thể nhân danh Người mà chuyển giao ơn ấy như vậy, hầu nối kết con người với vận mệnh của mình. Ơn tha thứ khiến cho con người được Thiên Chúa doái nhìn và xót thuơng bù đắp cho những thiếu thốn của con người.
Vậy thì, trưỡc tiên là tha thứ, một người có thể sống trong một thân xác bại liệt, nhưng không thể sống thiếu tình thương.
Suy Niệm 5: Quyền năng của Chúa Giêsu (Mc 2,1-12)
Đã có lần Đức Giêsu phải than phiền vì dân chúng cứng tin vào Ngài, nhất là khi Ngài trở về quê hương. Chính sự khô cứng làm cho lòng họ trở nên trai đá, vì thế, họ không những không tin vào quyền năng của Đức Giêsu, mà họ còn vấp ngã vì Ngài nữa.
Hôm nay, lại một lần nữa, họ nghi ngờ vì Đức Giêsu lấy quyền của Thiên Chúa để chữa lành bệnh tật và tha tội.
Chuyện xảy ra là: có một người bị bại liệt, và người ta khiêng đến với Đức Giêsu để xin Ngài chữa lành. Thấy lòng tin mãnh liệt của những người khiêng cáng và của chính người bại liệt, Đức Giêsu đã ra tay cứu chữa bệnh tật thể xác và giải phóng hệ lụy phần hồn: “Tội con đã được tha rồi”; “Hãy đứng dậy, vác chõng mà về”. Thật là vui mừng và hạnh phúc! Từ nay, anh ta được tung tăng chạy nhảy trên chính đôi chân của mình. Cũng từ nay, anh không bị người đời dè bửu, khinh khi và gán cho mình tội lỗi nên mới bị phạt như vậy nữa!
Cuộc đời của chúng ta nhiều khi không bị đau bệnh phần xác như người bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng chắc chắn trong tâm hồn, nhiều khi chúng ta cũng mắc phải những căn bệnh bại liệt:
Bại liệt khi chúng ta khinh thường và rẻ rúng những người nghèo, bệnh tật, ốm đau;
Bại liệt khi chúng ta có những ánh mắt phân biệt, ghen tỵ với anh chị em mình;
Bại liệt khi chúng ta thiếu sự liên đới, tình huynh đệ và vô trách nhiệm;
Bại liệt khi chúng ta thờ ơ với Chúa, nguội lạnh với đời sống đạo...
Những lúc như thế, chúng ta hãy xin Chúa đến với mình, xin Ngài đụng chạm và chữa lành, để chúng ta được lành sạch.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là kẻ có tội, xin cho chúng con năng đến với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải để chúng con được Chúa chữa lành. Amen.
Ngọc Biển
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu chữa lành người bất toại do 4 người khiêng
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ngày 6/11/1997, sáng nay các dì kể chuyện. Có một người đàn bà sinh con ngay trong đêm bão. Nhà sập rồi, đành ra bụi trúc mà sinh.
Ông cố biết ai đó không ? Mẹ con Mẹt, học trò của mình đấy.
Vậy thì nên đặt tên cho bé là Linda, hoặc Số Năm. Dù bão số 5, dù hồng thủy cũng không tiêu diệt được sự sinh tồn của loài người (Trích Nhật ký truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu).
Cơn bão Linda hay còn gọi là bão số 5 đã vào vùng đất cực Nam của quê mẹ - đất Việt vào tháng 11 năm 1997 đã gây nên bao cái chết của đồng bào, phá hủy của cải, nhà cửa và mùa màng. Nhưng dù cho bão tố nổi lên như thế, vẫn không cản được bước chân tìm kiếm sự sinh tồn cho con mình của một người mẹ, biểu tượng cho sự tìm kiếm sinh tồn của nhân loại. Hình ảnh những bước đi tìm được sinh tồn cho con của người mẹ gợi nhớ cho chúng ta hình ảnh người bị bại liệt trong Tin Mừng, trước bão tố bệnh tật, anh trở nên bại liệt, nằm bất động không thể làm gì được…
Suy niệm
Người bại liệt nằm bất động không thể làm gì được, nhưng từ trong đáy sâu thẳm niềm tin vào Đấng Mêssia, anh làm mọi cách, qua sự giúp đỡ của những người bạn đi tìm sự sống cho chính mình. Anh tin vào Đấng Mêssia, người có thể chữa lành anh, trả lại cho anh sự sống. Chính trong niềm tin đó, qua sự giúp đỡ của anh em bạn bè mang anh trên băng ca, cất bước tìm kiếm gặp Ngài. Anh và họ như chung niềm tin nơi quyền năng của Đấng nhân danh Chúa đến và cùng nhau bước đi tìm Ngài.
Đến nơi Đấng Mêssia đang giảng dạy, vì dân chúng xô lấn tới nghe Ngài đông quá đến nỗi đường vào nhà bị tắc nghẽn, họ gây trở ngại nghiêm trọng cho bất cứ ai ở ngoài muốn gặp Chúa, trong đó có bốn người khiêng một anh liệt đến. Không thể vào nhà gặp Đấng Mêssia, họ liền nghĩ đến một cách là thả người đau bệnh từ trần nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu. Ngài “Thấy lòng tin của họ”:
Đức tin không do dự, suy tính nhưng cương quyết làm tới cùng. Lập tức lên đường, dù bất động bởi bại liệt, nhưng đã quyết là lên đường ngay, đi tìm Đấng mà anh tin với sự giúp đỡ của bạn bè.
Đức tin không chịu lùi bước trước khó khăn, dù đám đông đã lấp kín đường đi, nhưng niềm tin đã tìm ra con đường khác để đến với Đức Giêsu: Không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.
Lòng tin mang tính liên đới tập thể, đồng tâm nhất trí: Người bại liệt được sự đồng tâm của bốn người bạn, họ hiệp ý tin và cùng nhau giúp đưa người bại liệt đến với Đấng Mêssia.
Lòng tin đòi nỗ lực, đục thủng mái nhà. Đục thủng mái nhà như là biểu tượng đục thủng những gì làm tê bại thân xác và làm băng giá tấm lòng con người, đục thủng những thành kiến và những kỳ thị loại trừ của một xã hội… để được gặp Đấng mình tin.
Đó là những bước đi của đức tin, nhìn vào từng bước đi này, chúng ta càng quả quyết những gì thánh Giacôbê xác tín: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Chúa Giêsu nói với anh: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”, đó là lời tha thứ nhưng cũng là lời chữa lành khi Người nói tiếp: “Hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”. Việc Đức Kitô gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh. Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt lớn hơn những người khác. Ngài chỉ muốn khẳng định rằng anh trong tư cách là con người cũng là một tội nhân như bao người khác và tội cũng là một căn bệnh, một căn bệnh của linh hồn. Cả bệnh phần xác và bệnh phần hồn, là những biểu hiện khác nhau của căn bệnh nơi nhân loại. Đức Giêsu nói với một người bại liệt: “Anh đã được khỏi. Đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn hơn” (Ga 5,14). Ngài tha tội và chữa bệnh bại liệt của tâm hồn, anh được giải phóng cả hồn lẫn xác, anh đứng dậy, vác chõng đi về nhà, anh được tự do, và hết bị trói buộc: Trói buộc vào chõng với cơn bệnh bại liệt và trói buộc vào tội vì là tội nhân.
Chúng ta trong kinh nghiệm bản thân, đã từng mang ít nhiều những bệnh tật thể xác và mang những bất toại của tâm hồn trong thân phận của sự yếu đuối, tội lỗi, đó là sự bại liệt của con người. Như anh bại liệt, chúng ta hãy vững tin trong sâu thẳm và làm những bước đi cố gắng của niềm tin.
Ý lực sống: “Nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17).
Suy Niệm 7: Tội con đã được tha
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Nghe tin Chúa Giêsu về Capharnaum, dân chúng khắp nơi tuốn đến chật trong nhà ngoài sân, và Chúa giảng dạy họ. Bỗng có bốn người khiêng một người bất toại đến,nhưng vì dân chúng đông quá, họ phải dỡ mái nhà thòng giường và bệnh nhân xuống trước mặt Chúa. Chúa thấy họ có lòng tin thì nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”. Các luật sĩ nghe vậy thì cho là Chúa đã phạm thượng vì họ không tin Người là Thiên Chúa, nên không có quyền tha tội, chỉ Thiên Chúa mới có quyền đó. Chúa biết họ nghĩ thế, Người muốn tỏ cho họ biết Người là Thiên Chúa có quyền tha tội, nên nói với người bại liệt: “Hãy chỗi dậy, vác giường mà về”. Người đó liền chỗi dậy vác giường đi về trước sự kinh ngạc của mọi người.
2. Phép lạ chữa người bất toại hôm nay không phải là mục đích chính, đó chỉ là cái khung hay cái cớ để Chúa Giêsu nói về cái khác, đó là quyền tha tội. Chúa muốn cho họ biết Người là Thiên Chúa nên có quyền tha tội.
Vì thế, người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa chữa cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
3. Người bất toại có lòng tin Chúa nên đã nhờ người khác khiêng mình tới Chúa. Và chính những người này cũng tin Chúa nên đã chịu khó leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thòng người bệnh xuống trước mặt Chúa. Vì thế, muốn gặp Chúa phải có lòng tin, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và có khi còn cần nhờ người khác giúp đỡ.
Truyện: Căn nhà bỗng nhiên bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh “Ba ơi cứu con với”. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hỏa giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: “Ba đây, đừng sợ, nhảy xuống đi”. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu (Epphata).
4. Người bất toại thì bất lực không làm được gì. Chúng ta phải ý thức bệnh bất toại của người tội lỗi: không làm được việc gì có giá trị trước mặt Chúa vì không có ân sủng, để nhờ đó chúng ta gớm ghét tội lỗi, xa lánh những dịp tội.
Chúng ta nên biết rằng ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người mỏng dòn nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho: con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân: giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.
5. Qua phép lạ chữa người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hòa giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại: “Tội lỗi con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.
6. Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon.
Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác... Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về bình an. Thánh Thần đã ngự trong con”! Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”...
SUY NIỆM:
Lành bệnh và tha thứ đều quan trọng cho sự sống con người: lành bệnh liên quan đến sức khỏe; tha thứ liên quan đến tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Con người không thể sống bình an, thậm chí sống mà như chết, nếu những tương quan này bị tổn thương.
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của con người mang hai chiều kích thể lý (chữa bệnh, cho ăn, hồi sinh) và tương quan, nhưng luôn hướng ơn chữa bệnh đến ơn tha thứ, vốn thiết yếu cho sự sống hôm nay, diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.
Tuy nhiên, trong trình thuật chữa lành kẻ bại liệt, tương quan giữa hai ơn huệ, ơn chữa bệnh và ơn tha thứ, trở nên phức tạp hơn bình thường : lúc cần chữa bệnh, thì Đức Giê-su ban ơn tha thứ, lúc nói về năng quyền tha tội, thì Ngài lại chữa bệnh !
1. Một kẻ bại liệt có bốn người khiêng (c. 1-3)
Người ta sống không chỉ bằng sức khỏe, nhưng còn bằng tương quan liên đới nữa. Vì thế, khi hình dung ra những gì mà bài Tin Mừng kể lại, chúng ta không thể không được đánh động bởi hình ảnh một người bại liệt, được bốn người khiêng ; và chắc chắn chung quanh còn có nhiều người nữa. Và điều đánh động chúng ta nhất, có lẽ không phải là tình cảnh người bại liệt, nhưng là sự liên đới của nhiều người đối với người bại liệt. Hình ảnh này vẫn còn rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nhất là ở bệnh viện và ở những trung tâm hành hương : người bệnh không bao giờ đi một mình và cũng không thể đi một mình ; và cũng không nên, hay thậm chí không được, để người bệnh đi một mình.
Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao ; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những người thân yêu, những anh em, chị em đau yếu, và rộng hơn, những anh em hay chị em yếu đuối, yếu kém hay chịu thiệt thòi do hoàn cảnh hoặc thân phận hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta cũng sẽ được những người thân yêu, anh em hay chị em của chúng ta mang vác, mang vác đi « loanh quanh » (đến thầy thuốc hay bệnh viện để chữa bệnh), và rồi cuối cùng, mang vác chúng ta đến đặt trước mặt Đức Giê-su (trong Nhà Thờ để cầu nguyện tiễn biệt) ! Và lúc ấy, chúng ta chỉ còn có thể cậy vào lòng tin của mọi người, nhất là của những người thân yêu mà thôi.
Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé hay những lúc đau yếu ; và chúng ta vẫn được Chúa và anh em, chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày ; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra. Sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng và đã khiến cho Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải động lòng, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại. Và một ngày kia, trong cuộc Thương Khó, chính Đức Giê-su cũng sẽ để cho người khác mang vác Người, để Người cảm thông và dẫn chúng ta vượt qua đau khổ và sự chết trong tín thác và hi vọng.
Trong bài Tin Mừng, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin ; và chính lòng tin tạo ra tình liên đới trong lời kêu cầu, trong ơn chữa lành và ơn cứu độ. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại :
Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống !
Đó một lòng tin mạnh đến độ có thể nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ. « Lòng tin của họ », nhưng họ là những ai ? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói : « lòng tin của con đã cứu con » (Lc 7, 50), nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, những người còn sống, cũng như những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Như thế, đau khổ bệnh tật thuộc về thân phận phải chết của con người, nhưng trong thực tế, lại là cơ hội làm phát sinh tình liên đới, tình thương, sự hòa giải và hiệp nhất. Đó chính là điều Chúa mong chờ để thi ân và bày tỏ tình yêu và lòng thương xót.
2. Ơn lành bệnh và ơn tha thứ (c. 4-9)
Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt : « Này con, tội con đã được tha tội rồi » ; trong khi tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài Tin Mừng này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lí. Hơn nữa, chữa lành thể lí mới là khẩn cấp và gây ấn tượng cho người xem. Ngoài ra, nếu Đức Giê-su chữa lành ngay, thì sẽ không gây cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án : « Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? »
Bình thường, Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội ; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa :
Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn?
Trong bài Tin Mừng, không có câu trả lời, chính là để cho người đọc thuộc mọi thời trả lời, trong đó có chính chúng ta hôm nay. Quả thực, có người mau mắn trả lời, bảo người bại liệt đứng dậy mà đi thì khó hơn, vì đó là phép lạ làm thay đổi thực tại khách quan mà không tuân theo qui luật tự nhiên, còn tha tội thì chỉ là một lời nói, diễn tả tâm tình của người nói dành cho người nghe, không phải là “phép lạ”. Hiểu như thế, đó là vì người này chưa thực sự có kinh nghiệm về ơn tha thứ và chưa hiểu hết được sự lạ lùng nhân linh và thiên linh của lời tha thứ.
Trước hết về thiên linh, qua lời tha tội, Đức Giê-su mặc khải chính căn tính thần linh của mình, chính tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa. Đúng như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ đã nghĩ : « Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? » ; và Đức Giê-su công bố : « Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội ». Chúa đánh liều chính sự sống của mình khi phục hồi sự sống nhân linh, nghĩa là sự sống, được nuôi dưỡng bởi tương quan liên vị, của người bệnh.
Về nhân linh, chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn đề của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Như thế, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ (x. Tv 51, 12-21). Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh: « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24). Và đây là một việc lâu dài và rất khó khăn : chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ? Nếu không, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha tội (x. Mt 18, 23-35 : người tôi tớ, được tha thứ, nhưng lại độc ác với bạn của mình).
Và giả như, phép lạ chữa lành có xảy ra, thì sức khỏe đâu có tồn tại mãi. Người bại liệt được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị « liệt » trở lại, và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được.
3. Ơn tái tạo (c. 10-12)
Vì thế khi nhìn ngắm hình ảnh người bại liệt đứng dậy vác giường đi về nhà, bằng lời của Đức Giê-su : « Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà », đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhận ra một ân huệ lớn hơn là ơn huệ chữa lành thể lí, mà Chúa muốn ban cho mỗi người chúng ta. Bởi vì chính chúng ta cũng đã từng bị và có thể đang bị bại liệt, trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Bại liệt này vô hình, nhưng lại có hiệu quả hữu hình : chúng ta im lặng, tiêu cực, lẩn trốn, đóng kín, tính toán, tẩy chay… Chính Lời bao dung tha thứ của Chúa làm cho chúng ta đứng dậy, chữa lành, tái tạo chúng ta để chúng ta có sức mạnh và tình yêu để đảm nhận gánh nặng (hình ảnh tự vác giường, thay vì để cái giường nó vác mình), đi về nhà, nghĩa là tái hòa nhập với những người thân yêu trong hòa giải và hiệp nhất.
Đức Giê-su đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống đích thực này được trao ban cho chúng ta, không phải bằng những phép lạ chữa bệnh (xét cho cùng, con người làm được chuyện này bằng nền y học càng ngày càng hiệu quả), nhưng là bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi :
Này anh, anh đã được tha tội rồi.
Và Lời này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời tha thứ tái tạo, tuy vô hình, nhưng lại có những hiệu quả hữu hình, khi làm cho chúng ta hòa giải với bản thân, với người khác và với Thiên Chúa, qua đó, làm cho chúng ta sống dồi dào ngay trong thân phận con người và ngay trong những hoàn cảnh đầy thách đố, sinh lão bệnh tử.
* * *
Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giê-su muốn dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại được sức khỏe, đó là đi vào trong sự sống đích thật ; đồng thời, Ngài cũng mặc khải chính căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế, Ngài đánh liều chính sự sống của mình, và sẽ đánh liều đến cùng bằng cái chết trên Thập Giá, để tha thứ và chữa lành chúng ta một cách bền vững và tận căn.
Chúng ta được mời gọi đi theo Đức Giê-su và cũng dám đánh liều sự sống, vì « tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo » (Tv 139, 13), và cuộc đời để phục vụ sự sống, qua đó « ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta » (Linh Thao, số 23), trong ơn gọi thánh hiến, độc thân hay gia đình Chúa ban cho mỗi người chúng ta, như Đức Giê-su.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Friday (January 15): “We never saw anything like this!”
Scripture: Mark 2:1-12 1 And when he returned to Capernaum after some days, it was reported that he was at home. 2 And many were gathered together, so that there was no longer room for them, not even about the door; and he was preaching the word to them. 3 And they came, bringing to him a paralytic carried by four men. 4 And when they could not get near him because of the crowd, they removed the roof above him; and when they had made an opening, they let down the pallet on which the paralytic lay. 5 And when Jesus saw their faith, he said to the paralytic, “My son, your sins are forgiven.”6 Now some of the scribes were sitting there, questioning in their hearts, 7 “Why does this man speak thus? It is blasphemy! Who can forgive sins but God alone?” 8 And immediately Jesus, perceiving in his spirit that they thus questioned within themselves, said to them, “Why do you question thus in your hearts? 9 Which is easier, to say to the paralytic, `Your sins are forgiven,’ or to say, `Rise, take up your pallet and walk’? 10 But that you may know that the Son of man has authority on earth to forgive sins” — he said to the paralytic — 11 “I say to you, rise, take up your pallet and go home.” 12 And he rose, and immediately took up the pallet and went out before them all; so that they were all amazed and glorified God, saying, “We never saw anything like this!”
|
Thứ Sáu 15-1 Chúng ta chưa từng thấy như vậy bao giờ!
Mc 2,1-12 1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? “8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! “12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! “ |
Meditation:
Do you know the healing power of forgiveness and compassion? Jesus’ treatment of sinners upset the religious teachers of the day. When a cripple was brought to Jesus because of the faith of his friends, Jesus did the unthinkable. He first forgave the man his sins. The scribes regarded this as blasphemy because they understood that only God had authority to forgive sins and to unbind a man or woman from their burden of guilt. Jesus claimed an authority which only God could rightfully give. Jesus not only proved that his authority came from God, he showed the great power of God’s redeeming love and mercy by healing the cripple of his physical ailment. This man had been crippled not only physically, but spiritually as well. Jesus freed him from his burden of guilt and restored his body as well. The Lord is every ready to bring us healing of body, mind, and spirit. Is there any area in your life that cripples you from walking in the freedom of Christ’s transforming love and forgiveness?
Bishop Ambrose of Milan (339-397 AD), an early church father, explains how the healing of the paralytic points not only to Christ’s power to heal the whole person, but also to raise the body to everlasting life as well: But the Lord, wanting to save sinners, shows himself to be God both by his knowledge of secrets and by the wonder of his actions. He adds, “Which is easier, to say, ‘Your sins are forgiven you’’ or to say, ‘Rise and walk?'” In this passage he shows the full likeness of the resurrection. Alongside of healing the wounds of body and mind, he also forgives the sins of the spirit, removes the weakness of the flesh, and thus heals the whole person. It is a great thing to forgive people’s sins – who can forgive sins, but God alone? For God also forgives through those to whom he has given the power of forgiveness. Yet it is far more divine to give resurrection to bodies, since the Lord himself is the resurrection. (excerpt from EXPOSITION OF THE GOSPEL OF LUKE 5.12–13.5) Do you believe in the healing transforming power of Christ’s forgiveness and merciful love? Ask him to set you free and transform your mind and heart to be like his heart.
“Lord Jesus, through your merciful love and forgiveness you bring healing and restoration to body, soul, and mind. May your healing power and love touch every area of my life – my innermost thoughts, feelings, attitudes, and memories. Pardon my offenses and transform me in the power of your Holy Spirit that I may walk confidently in your love, truth, and righteousness.” |
Suy niệm:
Bạn có biết sức mạnh chữa lành của sự tha thứ và lòng trắc ẩn không? Việc ứng xử với những người tội lỗi của Ðức Giêsu đã làm cho các Kinh sư tức tối. Khi người ta mang đến cho Ðức Giêsu một người què do bởi lòng tin của bạn bè của anh, Ðức Giêsu đã làm một điều thật ấn tượng. Trước hết, Người tha thứ tội lỗi cho anh ta. Các kinh sư coi điều này là sự phạm thượng, bởi vì họ biết rằng chỉ duy có mình Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi và cất đi gánh nặng tội lỗi của họ. Ðức Giêsu xác nhận uy quyền mà chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới có thể ban. Ðức Giêsu không chỉ chứng thật rằng uy quyền của Người đến từ Thiên Chúa, Người còn bày tỏ quyền lực cao cả của tình yêu và lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa bằng cách chữa lành cho anh què khỏi đau khổ về phần xác. Người này không chỉ què về phần thể lý, nhưng cả phần thiêng liêng nữa. Ðức Giêsu giải thoát cho anh khỏi gánh nặng của tội lỗi và phục hồi sức khỏe cho thân xác anh. Chúa luôn luôn sẵn sàng đem lại cho chúng ta sự chữa lành phần xác, phần hồn, và phần tâm trí nữa. Có lãnh vực nào trong đời bạn làm tê liệt bạn không đi trong sự tự do của tình yêu biến đổi và sự tha thứ của Đức Kitô không? Giám mục Ambrose thành Milan (339-397 AD) 1 giáo phụ giải thích cách thức việc chữa lành người bại liệt không những chỉ ra quyền năng chữa lành toàn vẹn con người của Đức Kitô mà còn nâng cao thân xác lên tới sự sống vĩnh cửu nữa: Nhưng Chúa, muốn cứu các tội nhân, đã bày tỏ chính mình là Thiên Chúa qua sự hiểu biết của Người về những bí nhiệm và qua sự kỳ diệu của những hành động của Người. Người nói thêm “Nói thế nào dễ hơn ‘tội lỗi ngươi được tha rồi’ hay nói ‘hãy đứng dậy mà đi?’” Trong lời nói này Người bày tỏ cách trọn vẹn trong sự phục sinh. Bên cạnh việc chữa lành các vết thương của thân xác và tâm trí, Người cũng tha thứ tội lỗi của linh hồn, cất đi sự yếu đuối của thân xác và do đó chữa lành trọn vẹn con người. Tha thứ tội lỗi con người là một điều thật tuyệt diệu – ai có thể tha thứ tội lỗi ngoại trừ Thiên Chúa? Và Thiên Chúa cũng tha thứ ngang qua những ai Người ban cho quyền tha thứ. Nhưng còn kỳ diệu hơn nữa để ban sự sống lại cho thân xác, vì chính Chúa là sự sống lại (trích từ khảo luận Tin mừng Luca 5.12-13.5).
Bạn có tin vào quyền năng biến đổi chữa lành của sự tha thứ và tình yêu thương xót của Đức Kitô không? Hãy cầu xin Người giải thoát và biến đổi tâm trí bạn nên giống tâm trí của Người. Lạy Chúa Giêsu, ngang qua tình yêu và sự tha thứ đầy thương xót của Chúa, Chúa đem lại sự chữa lành và phục hồi cho thân xác, linh hồn, và tâm trí. Chớ gì sức mạnh và tình yêu chữa lành của Chúa đụng chạm tới mọi khía cạnh của cuộc đời con – những ý tưởng thầm kín, những cảm giác, những thái độ, và những ký ức của con. Xin tha thứ cho những lần con xúc phạm đến Chúa và xin biến đổi con trong quyền năng Thánh Thần của Chúa để con có thể bước đi trong sự thật và sự công chính của Chúa một cách tự tin. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn