Thứ Năm tuần 8 thường niên.
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Lời Chúa: Mc 10, 46-52
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Suy Niệm 1: Xin thương xót tôi
Con mắt là một bộ phận hết sức mong manh,
dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng,
nhất là trong điều kiện vệ sinh ngày xưa.
Chúng ta không rõ nguyên nhân khiến anh Báctimê bị mù,
chỉ biết anh không mù từ lúc lọt lòng mẹ.
Anh đã từng được thưởng thức ánh nắng ban mai
hay nhìn ngắm những người thân yêu, bè bạn.
Bây giờ chỉ có bóng tối triền miên.
Anh Báctimê sống bằng nghề hành khất,
ngồi ăn xin bên vệ đường, sống bên lề xã hội.
Danh tiếng của Ðức Giêsu Nadarét, anh đã được nghe nhiều.
Ngài có thể làm người mù bẩm sinh sáng mắt.
Anh tin vào Ngài, thầm mong có ngày được gặp.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hạnh ngộ ấy.
Rất tình cờ, Ðức Giêsu đi ngang qua đời anh.
Anh mù lòa, ngồi đó như chỉ chờ giây phút này.
Khi nghe biết là Ðức Giêsu cùng với đám đông đi qua,
anh thấy cơ may đã đến.
Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu,
tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ,
nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”
Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu.
Nhiều người muốn bịt miệng anh,
nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa.
Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều.
Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Ðức Giêsu.
Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh,
vì Ngài cũng chưa rõ anh đang ở đâu.
Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng
vất bỏ cái áo choàng vướng víu,
nhẩy cẩng lên mà đến với Ðức Giêsu.
Anh đi như một người đã sáng mắt,
bởi thực ra mắt của lòng anh đã sáng rồi.
Khi được khỏi, lòng tin của anh thêm mạnh mẽ hơn.
Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng cho anh ánh sáng.
Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Ðức Giêsu.
“Xin thương xót tôi. Xin cho tôi nhìn thấy lại.”
Ðây có phải là tiếng kêu của tôi không?
Khả năng thấy là một khả năng mỏng dòn.
Ta có thể thấy điều này mà không thấy điều kia.
Tôi có thể lúc thấy lúc không, hay cố ý không muốn thấy.
Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi sự mù lòa của mình.
Tôi có kêu gào với Chúa để xin được ơn thấy lại không?
Một người mù chữ, dù đã được xóa mù, vẫn có thể mù lại.
Chính vì thế tôi cứ phải xin cho mình được thấy luôn.
Thấy mình bé nhỏ, thấy Chúa bao la, thấy anh em dễ mến.
Thấy là đi vào một con đường dài hun hút.
Chúng ta phải được Chúa xóa mù suốt đời.
Chỉ trong ánh sáng của Chúa, tôi mới nhìn thấy ánh sáng.
Cầu Nguyện
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Suy Niệm 2: XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và quyền năng. Người làm ra biết bao điều kỳ diệu. “Vinh quang Đức Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo. Các thánh của Đức Chúa không tài nào kể lại mọi kỳ công của Người”. Vì những công trình quá lớn lao. Vượt quá tầm hiểu biết của con người. Bao thiên niên kỷ qua rồi mà người ta chưa hiểu thấu hết những bí mật Chúa đặt vào trong vũ trụ. Bao nghiên cứu tìm hiểu, nhưng “những gì thấy được chỉ như một ánh lửa” nhỏ bé. (năm lẻ).
Chính vì thế mà điều con người cần cầu xin là xin cho được thấy. Thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Thấy những bí mật của đời mình. Và quan trọng nhất thấy Chúa và thấy được con đường mình phải đi để đạt tới Chúa. Đó chính là điều anh mù Ba-ti-mê đã xin. Trong cảnh mù loà anh tuyệt vọng. Vì chẳng ai có thể cho anh được thấy. Chỉ mình Chúa Giê-su. Anh đã tin Người là Đấng Cứu Thế khi anh tuyên xưng Người là Con Vua Đa-vít. Lòng tin lớn mạnh vượt qua được những chướng ngại. Nên đã được Chúa nhận lời. “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Và khi được thấy anh đã làm điều cơ bản nhất. Không dùng ánh sáng để đi tìm trần gian. Tìm tiền của. Nhưng anh “nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Thật khôn ngoan. Và cơ bản. Thấy Chúa và đi theo Chúa. Đó là đi vào điều cốt lõi trong đời sống. Đi vào ơn cứu độ. Đi vào sự sống đời đời. Đó là thành đạt lớn nhất đời.
Đó chính là điều thánh Phê-rô khuyên nhủ ta. “Hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ”. “Hãy tiến lại gần Đức Ki-tô”. Vì do lòng thương xót, Chúa “mời gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. Chúng ta đang trên đường từ bỏ bóng tối để tiến về ánh sáng. Chúng ta hãy noi gương anh mù Ba-ti-mê đi theo Chúa trên đường Chúa đi. Nghĩa là “tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn”. Hãy làm chứng cho Chúa bằng đời sống ngay chính giữa ban ngày. “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu không, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm, mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (năm chẵn).
Lạy Chúa, xin cho con được thấy ánh sáng của Chúa. Đi theo ánh sáng của Chúa. Và chiếu sáng ánh sáng của Chúa.
Suy Niệm 3: Ðến với Chúa
Trước cửa Thiên Ðàng, một tu sĩ gõ cửa và cầu khẩn: "Lạy Chúa, xin cho con được vào". Cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi: "Con có mang theo điều gì không?". Vị tu sĩ đáp: "Con mang theo một bị chứa đầy những nhân đức của con". Có tiếng vọng lại: "Ðiều ấy tốt, nhưng Ta không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa để xin được vào. Lần này, khi được hỏi có đem theo điều gì không?, ông cho biết có đem theo công nghiệp của việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ nhận được lời này: "Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này, ông chỉ đến với con người của ông mà thôi. Nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ tinh thần cần phải có để đến với Chúa, đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người mình; bằng tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là dựa vào sức riêng của mình. Ðó cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Yêricô mà Tin Mừng hôm nay ghi lại.
Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: "Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh mù, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con". Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Người mù thấy rõ hơn những kẻ sáng mắt
Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nagiarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy con vua Đa-vít xin dủ lòng thương tôi!” (Mc. 10, 47-48)
Thời Chúa Giêsu y khoa chưa phát triển, những bệnh tật về mắt ở thời đó thật là bi thảm, hy vọng chữa khỏi thực tế coi như không có. Người mù chẳng có cách thế phục hồi và sớm muộn phải lâm vào số phận những người đi ăn xin. Việc chữa khỏi mù thời ấy hầu như mang tính chất một cuộc cải tử hoàn sinh. Người ta coi những người mù và phong hủi là những “đại diện ưu tiên” của nỗi khốn khổ của con người. Trong mọi tập tục tôn giáo, thể thức chữa trị tật nguyền này đóng một vai trò quan trọng. Ở thời Chúa Giêsu, người ta coi đó là dấu chỉ thiên sai. Chẳng thế mà khi người ta hỏi Người có phải thật là Đấng Mêsia không, thì Người đã trưng dẫn việc Người chữa lành những người mù dể làm bằng chứng.
Người mù Giêricô phát hiện ra
Ai cũng biết rằng những người mù phát triển một sự chú ý mà những người sáng mắt hiếm khi có được. Điều họ cảm nhận dù chỉ nhỏ nhoi, thì họ lại suy nghĩ sâu xa, và nhờ sự chú tâm như thế, họ cảm nhận được bằng trực giác nhiều thực tại mà ta không thấy; phương ngôn ta đã chẳng nói “kẻ có tật, có tài” là gì. Đám đông đi theo Chúa Giêsu mù tịt về sứ mệnh đích thực của Người, đang khi người mù Giêricô, trong mịt mù đêm tối của đôi mắt, anh lại thành công: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít! Xin dủ lòng thương tôi!”
Tiếng kêu của anh lạc lõng trong tiếng huyên náo của mọi người. Vậy mà Chúa Giêsu nghe thấy và gọi anh. Giữa đám đông, một người nào đó nhận ra Người và người nào đó ấy lại mù cả đôi mắt. Một người không trông thấy Người lại nói đúng tên Người!!! Từ vực sâu khốn khổ của đời anh, người con trai ông Timê đã thấy rõ được cái bí mật thiên sai, đang khi các môn đệ của Người là những chứng nhân thường ngày nghe Người nói thấy Người làm, thì lại luôn luôn mơ tưởng những địa vị đặc biệt người ta dành cho mình trong cái tôi chẳng biết là vương quốc trần gian nào.
Chuyện đẹp mắt trong câu chuyện này không phải là chuyện người mù đã được chữa khỏi, mà là chuyện con người hèn mọn này, con người bé nhỏ này của Nước Trời đã là người, trước cả mọi người, làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Nếu có bao giờ câu nói “Tin là thấy” có được trọn vẹn ý nghĩa, thì đúng là ở đây Với lòng khiêm tốn, chúng ta hãy cầu xin cho những người chưa có hay đã từ bỏ con đường của Chúa.
Suy Niệm 5: NHẠY BÉN ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ (Mc 10,46-52)
Trước mỗi dấu chỉ hay sự kiện, mỗi người nhìn dưới góc độ khác nhau. Người thì trầm trồ khen ngợi; người thì chê bai không ngớt, kẻ thì dửng dưng...
Sự xuất hiện của Đức Giêsu cũng vậy. Ngài đi đến đâu cũng có nhiều người tin và theo Ngài, nhưng cũng không thiếu kẻ chống đối kịch liệt, lại có những người vô tình đến vô tâm, nên họ không cần quan tâm gì đến sự xuất hiện của Ngài.
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy phản ứng nhạy bén của anh mù. Anh vừa nghe thấy nói là Đức Giêsu thành Nazarét, anh ta đã cố nhoi lên và không ngừng kêu xin: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Lời kêu cầu này của anh mù không chỉ đơn thuần là lời van xin, mà còn là lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt của anh vào một Đức Giêsu đã được loan báo từ bao đời nay, hôm nay anh đã được gặp. Điều này đã được chứng minh bằng lời khen ngợi và sự chữa lành của Đức Giêsu: “Đức tin của anh đã cứu anh”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về tinh thần sống đạo. Liệu trong cuộc sống, chúng ta có nhạy bén với Lời Chúa, với các dấu chỉ, hay nhiều khi chúng ta dửng dưng với những sứ điệp mà hằng ngày Thiên Chúa không ngừng gửi đến cho chúng ta qua nhiều hình thức???
Thực tế, nhiều khi thay vì nhạy bén và thi hành, chúng ta lại ngụy biện và phớt lờ như người không biết. Như vậy, anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ mù về thể lý, còn tâm anh thì sáng, trong khi đó chúng ta thì ngược lại!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con luôn biết nhạy bén với sứ điệp Lời Chúa, để chúng con thi hành và được cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Trong các kinh chúng ta đọc, có kinh Lạy cha là quan trọng và đủ ý nghĩa nhất của việc cầu nguyện. Trong kinh này, Chúa dạy chúng ta hai điểm:
1. Cầu nguyện là cầu nguyện với chính Chúa chứ không ai khác.
2. Cầu nguyện là tương giao với Chúa chứ không phải để thỏa mãn những nhu cầu tiêng tư.
Phân tích lời cầu nguyện mẫu này, chúng ta thấy có hai phần rõ rệt: phần đầu là tôn thờ Chúa, phần thứ hai là xin cho mỗi người.
Kinh lạy Cha cho chúng ta thấy hai chiều: chiều dọc thẳng lên là Thiên Chúa và chiều ngang là anh em cùng con một Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đầy yêu thương bằng một tên gọi là Cha. Trong gia đình còn gì đoàn tụ thân tình, hạnh phúc, uy quyền hơn chữ Cha.
Chữ Cha gợi lên sự gần gũi, tin tưởng, âu yếm, bao che, thương mến. Trước hết Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy đối tượng của lời cầu xin là ai ? Thưa, là Thiên Chúa Cha, một người Cha gồm mọi tình phụ tử của trần gian. Một người Cha biết cả sợi tóc trên đầu, bông huệ ngoài đồng và chim trên trời (Mt 6,25t) bay lượn nhởn nhơ. Một người cha biết trước cả nhu cầu của con cái trước khi nó xin (Mt 6,32). Ngài đã dự bị sửa soạn sẵn tất cả, đến nỗi Ngài bảo chúng ta đừng lo gì cho ngày mai (Mt 6,34). Một người cha đã ban Ngôi con (Ga 3,16). Ban Chúa Thánh linh (Lc 11,13). Đó là một người cha thật tình vì con cái. Cho nên khi chúng ta cầu nguyện, là cần xác tín rằng chúng ta đang cầu nguyện với một người Cha tốt lành, luôn dọn phần tốt nhất cho con mình (Lc 10,42). Đấng mà chúng ta cầu xin không phải là một vị hung thần sẵn sàng giáng họa như cái kiểu “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Ngài cũng không phải là vị phúc thần chuyên môn mở kho ban ơn khi ta biết nịnh hót. Vậy thì đối tượng của lời cầu nguyện là một người cha yêu thương.
Có thể anh chị em đã từng chứng kiến cảnh tâm sự một người con đối với cha mẹ chưa. Nhất là những trẻ lên ba hầu như lúc nào cũng có chuyện để hỏi, để nói. Đấy có lẽ là hình ảnh của chính chúng ta đứng trước Thiên Chúa Cha. Cho nên cầu nguyện là thưa chuyện với một người cha đầy hiểu biết chứ không phải có gì phải lo âu sợ hãi, mà trái lại rất thân tình. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha ở trên trời là để cho chúng ta thấy rằng chúng ta thật là con cái Ngài và chúng ta có thể cầu nguyện với tất cả tin tưởng vui mừng, biết rằng cha chúng ta trên trời sẽ trả lời việc chúng ta cầu nguyện hôm nay.
Khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (c.9). Trời là nơi Chúa ngự. Trời diễn tả tính siêu việt, huyền nhiệm khôn tả, ở ngoài tầm tay của chúng ta. Trời là hạnh phúc, nơi Chúa ngự trị. Điều này hàm ý Chúa điều khiển muôn lòai muôn vật. Vậy nếu chúng ta gọi Thiên Chúa Cha ở trên trời mà quên đi Ngài có quyền trên muôn loài muôn vật và trên cả chính chúng ta, thì chúng ta trở thành nao núng buồn phiền. Giả sử chúng ta có một người cha có địa vị trong xã hội, chúng ta có hãnh diện không ? Ở đây chúng ta có một người cha ở trên trời thì sao ? Hãy nhớ rằng Ngài đang điều khiển mọi sự dù nhỏ nhặt đến đâu, nếu Ngài không muốn thì không thể nào xảy ra được đâu.
Phần thứ hai của Kinh lạy Cha dạy chúng ta cầu nguyện là cầu cho phần hồn trước, phần xác sau. Cho phần hồn, là cầu cho mình sống xứng đáng là Con trời, là biết tha thứ , biết thắng vượt chước cám dỗ mà về trời.
Hãy ý thức rằng chúng ta đang cầu xin với một Thiên Chúa Cha tốt lành đang dành phần cho con cái.
Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau:
Một người kia đọc Thánh kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy cho ông. Vị Tu sĩ mời người khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.
Một ngày kia vị Tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị Tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị Tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông thế nào là cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông làm theo thói quen như vị Tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa” khi ông thở ra, ông đọc tiếp “ Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã trở thành hơi thở của ông. Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành lời cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu: “Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng”.
Thao thức của một tập sinh:
Ngày kia một tập sinh đến hỏi Đức Viện Phụ cao niên của đan viện:
- Thưa Cha, xin Cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.
Vị Viện Phụ già trả lời:
- Con hãy vào phòng, đóng kín cử lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.
Thầy tập sinh trả lời:
- Thưa Cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực ?
- Ô, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái đĩa bẩn, hay như một người nói hay nhưng có hơi thở hôi thối.
Thầy tập sinh lại hỏi tiếp:
- Thưa Cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện. Làm sao để khỏi chia trí đây ?
Đức Viện Phụ đáp:
- Các chia trí cũng giống như con chim sẻ bay ngang trên trời. Không thể ngăn cản chúng bay qua mái nhà con ở. Nhưng con có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên mÿi nhà của con chứ ? Riêng đối với ngững tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu. Nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ càng bổ nhào đến hành hạ con.
Thầy tập sinh lại hỏi thêm:
-Tại sao khi cầu nguyện con lại hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha ?
Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là gương mặt tuyệt vời của Thiên Chúa.
-Thưa Cha, cho con hỏi câu cuối cùng:
- Lời cầu nguyện có quan trọng thực không ? Nó có quan trọng hơn hành động không ?
- Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho lời cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích.
Người mù thành Giêricô (Mc 10, 46-52)
Nói chi đến thực tại siêu nhiên, người ta mù tịt trước những vấn đề thiêng liêng. Anh mù Bartimê đã nhìn ra Đức Giêsu là ai, là Đấng Cứu Thế trong khi đám đông chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Họ có con mắt sáng, nhưng lòng họ vẫn còn u tối. Họ cần được Chúa soi sáng cho họ để họ nhìn ra chân lý.
Còn chúng ta, những người sáng mắt thì sao? Không những chúng ta phải cảm tạ Chúa, phải quí trọng giữ gìn, bảo vệ tâm hồn nữa. Nếu chúng ta đã lỡ để cho tâm hồn không còn trong sáng vì nhìn xem những hình ảnh xấu... thì chúng ta hãy bắt chước anh Bartimê cương quyết, can đảm và dứt khoát ném áo choàng, đến với Chúa Giêsu trong phép Giải tội để xin Ngài chữa lành, lấy lại ánh sáng tươi đẹp cho đôi mắt.
Có một người mù, một đêm kia đến thăm người bạn thân. Hai người trò chuyện thân mật với nhau cả mấy tiếng đồng hồ. Trời đã khuya, khi chia tay nhau, người bạn sáng mắt tặng anh một chiếc đèn lồng để đi đường cho an toàn. Nhưng người mù nói:
- Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng như nhau.
Người bạn trả lời:
- Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái đèn thì trời tối người ta có thể đụng phải anh, nguy hiểm lắm, anh nên cầm đi.
Nghe hợp lý, anh mù ra về với chiếc đèn lồng trong tay. Đi được một quãng đường, đột nhiên anh bị một người đụng phải anh. Với vẻ tức giận, anh mù nói:
- Người nào kỳ vậy, đui hay sao mà không thấy đèn của tôi?
Người kia đáp:
- Xin lỗi anh, đèn của anh tắt rồi nên tôi không trông thấy. Mong anh thông cảm.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy anh mù tưởng mình “thấy”, còn người kia không thấy đèn. Nhưng ngược lại, chính anh mù mới không thấy đèn mình tắt. Tác giả câu truyện kết luận: con người tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng lại quên hay cố ý quên nhiều cái mình không thấy.
Nhiều khi cuộc đời chúng ta chỉ là chiếc lồng đèn bị tắt lửa không còn ánh sáng để soi chiếu cho người khác, chúng ta bắt chước anh mù Bartimê mà kêu lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn