Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay.

Thứ ba - 02/03/2021 08:09

Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay.

“Họ đã lên án tử cho Người”.

 

Lời Chúa: Mt 20, 17-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”.

Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế.

Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con.

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

 

 

SUY NIỆM 1: Anh em không được như vậy

Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị.

Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế.

Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời.

Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn,

đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả,

và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.

Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai.

Vẫn là chuyện những cái ghế.

Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy

khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa.

Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi

Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình.

Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không.

Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ.

Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?

“Các người không biết các người xin gì!”

Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi.

Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ:

quyền lực, tiếng tăm, vinh dự…

“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”

Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai

về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài,

khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống.

Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang.

Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không,

nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi.

Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ,

nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình,

đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.

Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra

cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.

Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời,

khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25).

“Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời.

Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời:

kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27).

Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28).

Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy.

Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình,

cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).

Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không

nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?

 

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

những điều riêng tư thầm kín nhất

trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh,

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng

đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con

luôn thi hành ý muốn của Cha

để trở nên những người em

cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống

phục vụ chúng con như người tôi tớ,

rửa chân cho chúng con như một nô lệ

và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: TỤC HÓA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian chạy theo thế gian. Giá trị Nước Trời trở thành cản đường. Vì thế họ muốn tiêu diệt các tiên tri. Giê-rê-mi-a làm điều tốt lành cho họ. Nhưng họ vẫn muốn giết chết ngài. Họ muốn tẩy trừ tư tế, hiền nhân và tiên tri ra khỏi đời sống để hoàn toàn có thể theo đuổi trần gian.

Thói thế gian len lỏi cả vào hàng ngũ môn đệ thân tín của Chúa. Thật đáng buồn khi Thầy trò đồng sàng dị mộng. Chúa dậy các ông con đường Nước Trời là tự hạ để được nâng lên, quên mình để được tôn vinh, phục vụ để được lãnh đạo, chịu chết để được sống. Nhưng họ vẫn theo con đường trần gian.

Hai người đã cậy thế cậy thân vận động để được chức quyền. Thật là đem cả thói thế gian vào chính trung tâm của sự thánh thiện. Dám đem những lời nhơ uế làm bẩn lỗ tai thánh thiện. Buồn hơn nữa là các tông đồ tỏ ra bất bình. Tại sao? Vì cũng nặng lòng với thế gian. Cũng đang ngắm nghé chỗ cao chỗ thấp. Có cạnh tranh nên có bất bình. Nói ra hay không cũng đều giống nhau cả.

Một lần nữa Chúa phải nói rõ ràng về những khác biệt giữa thói thế gian và thái độ của Nước Trời. Đó là hai con đường ngược chiều. Thói thế gian muốn danh, lợi, thú. Muốn thống trị, ăn trên ngồi trước. Nhưng trong Nước Trời thì phải ngược lại. “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”.

Chính Chúa đã mở ra con đường khiêm nhường phục vụ vì “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dân mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Phục vụ là quên mình. Quên mình đến hiến dâng mạng sống là phục vụ ở mức cao nhất. Là hoàn toàn coi mình là tầm thường, là tôi tớ, là không có giá trị gì. Coi anh em là tuyệt đối, là đáng quí, đáng trọng.

Tôi đang thao thức điều gì? Theo thói thế gian hay theo phong cách Nước Trời? Tôi đi vào con đường của Chúa hay của trần gian?

 

SUY NIỆM 3: Phục vụ đích thực

Alexandre Thompson năm nay 74 tuổi, hiện đang sống tại Thuỵ Sĩ. Mới đây ông đã viết thư cho toà đô chính Copenhagen để báo tin ông sẵn sàng tặng thành phố 40 triệu Mỹ kim để làm bất cứ dự án nào, với điều kiện tên tuổi ông phải được đặt cho một con đường ở thủ đô nơi ông đã sinh trưởng. Nhưng đề nghị của ông đã bị từ chối và dĩ nhiên số tiền ông hứa tặng vẫn còn giữ chặt trong tay ông.

Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ đã tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại khi cho chúng ta lắng nghe trong Tin mừng hôm nay.

Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: “Tôi cho đi để được lấy lại”, “tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn”, “tôi phục vụ để được phục vụ lại”. Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thới đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp nhưng tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo hội.

Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý hướng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.

Ước gì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá mà chúng ta suy niệm trong Mùa Chay này luôn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của người môn đệ, đó là phục vụ, quên mình, và ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì phải làm mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Tinh thần phục vụ

Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó của Người, giữa nhóm mười hai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Càng gần tới thành Giêrusalem, cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn. Họ bàn tán xôn xao: Thầy sắp thực hiện kế hoạch mà Thầy đã ôm ấp bấy lâu. Kế hoạch này xem ra khó hiểu đối với họ, nhưng thôi, đó là công việc của Thầy, hãy để Thầy lo liệu, và họ bàn luận với nhau về tương lai của họ sau khi Thầy được đăng quang. Họ phân chia nhau ngôi thứ, ai lớn ai nhỏ như thế nào đây. Ai là người có công nhiều, ai là người có công ít hơn. Và cuộc tranh luận này không chỉ gói gọn giữa nhóm Mười Hai, mà còn mở rộng ra đến cả người nhà của họ nữa. Hai ông Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đưa mẹ đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Thấy mẹ con bà Dêbêđê hành xử như vậy, mười môn đệ kia tức tối ra mặt. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dạy cho các ông bài học về tinh thần phục vụ mà các môn sinh của Chúa phải có.

Khác với cách thức cai trị của vua quan trần thế là những người đã dùng uy quyền để ổn định dân nước, những người lãnh đạo trong Nước Trời phải dùng quyền hạn mà Thiên Chúa ủy thác cho để phục vụ lợi ích của tha nhân. Ðịa vị càng cao càng phải hạ mình để phục vụ người khác nhiều hơn: "Ai muốn làm đầu các con thì phải làm đầy tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người."

Lời dạy của Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta xét mình. Chúng ta tự hào mình là người có công, là những người cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Chúa ở trần gian. Ðôi lúc chúng ta cũng bỏ công sức, thời giờ, tiền của vào các việc tông đồ truyền giáo. Chúng ta có nhiệt tình, chúng ta lao tâm khổ tứ, chúng ta ăn ngủ không yên, nhưng thử hỏi, chúng ta dấn thân như vậy vì Chúa, vì phục vụ anh em hay vì một cái gì khác. Mỗi người chúng ta hạ cố tự vấn lương tâm mình trong mùa Chay này.

Lạy Chúa, con rất muốn hoạt động cho Danh Cha cả sáng, cho Nước Cha trị đến, cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tuy nhiên, đôi lúc con cũng muốn mặc cả với Chúa, con làm cho Nước Chúa điều này thì xin Chúa hãy làm cho bản thân con điều nọ. Con phục vụ người khác và con cũng muốn mình được người ta phục vụ. Xin Chúa dạy con biết lột bỏ quan niệm trần tục này để mặc lấy tinh thần của người tôi tớ khiêm hạ mà tận tình phục vụ anh chị em vì lòng yêu mến Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Chỉ có một tham vọng là phục vụ

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải là đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt. 20, 26b-28)

1) Qua mẹ con ông Giê-bê-đê, Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta về một điều đắt giá này: Nếu chúng ta muốn theo Chúa, thì đừng mơ ước vinh quang loài người, nhưng hãy chấp nhận chia sẻ cuộc tử nạn của Người để cứu độ thế giới. Không ai gần Đức Giê-su bằng Đức Mẹ, nhưng trước khi được muôn thế hệ ngợi khen Mẹ đầy diễm phúc, Mẹ đã là Mẹ của một người bị kết án tử hình.

2) Dù sao những người con của ông Giê-bê-đê cũng đáng thiện cảm. Lòng tham vọng phàm trần của các ông là dấu chỉ có lòng quảng đại, và chính vì đó mà đã được Đức Giê-su tuyển chọn. Chúa chỉ muốn mở rộng tấm lòng tham vọng của họ ra tới chân trời vô tận, nên Chúa hỏi: “Các anh có uống nổi chén Ta uống không?”. Họ đáp: “Thưa uống nổi”, nhưng Chúa chưa đòi các ông phải lăn xả ngay để chứng tỏ hết sức mình các ông đâu, các ông sẽ uống dần dần bằng việc phục vụ rất khiêm tốn trước đã, vì thế chưa nói phải uống chén đắng.

3) Không chỉ hầu hạ, mà còn “phải hiến mạng sống”. Lời của Thầy có thể vẫn là những chữ chết không có hiệu lực gì, nếu Thầy không cho họ một tấm gương sống động chứng tỏ rõ rệt và có sức thuyết phục đặc biệt, nếu những lời này không được thực hiện từng chữ, thì người ta sẽ nghĩ rằng những lời này chỉ là cách nói có ý phóng đại để gây ấn tượng và đánh động người nghe thôi. Giáo huấn của Đức Ki-tô không phải là thứ yêu sách không thể đạt được. Người ta có thể đọc được nó ngay trong đời sống của con người. Chính Đức Giê-su đã sống hoàn toàn đúng với luật đời sống này. Người bày tỏ đời sống mình làm mẫu cho Giáo hội. Người không đến để cai trị, nhưng đến để phục vụ. Toàn diện sứ mệnh của Người là phục vụ. Thiện chí lôi cuốn Người là ý chí phục vụ. Ơn kêu gọi của Người là phục vụ. Trong bữa tối sau hết, Người đã hoàn tất việc phục vụ dành riêng cho kẻ nô lệ bằng rửa chân cho mười hai môn đệ.

Môn đệ thấy trước mặt mẫu gương phục vụ này, sẽ không chỉ nói lý thuyết phục vụ, nhưng nuôi dưỡng nó như là luật sống của mình để sống phục vụ hết mình. Môn đệ phải đón nhận lấy mẫu gương mà chính Chúa đã ban cho mình, một mẫu gương nổi bật có sức làm phai mờ mọi phần tử khác. Chính bản thân mỗi môn đệ phải thực hiện giá trị cao cả đó: Ơn kêu gọi của tôi là thí mạng sống mình cho mọi người, cho thế giới, vì yêu thương.

 

SUY NIỆM 6: ƠN CỨU CHỘC CỦA CHÚNG TA NƠI THÁNH GIÁ CHÚA (Mt 20,17-28)

Có nhiều người ngày nay, theo tâm lý tự nhiên, họ đều muốn có danh tiếng cá nhân, phần thưởng cá nhân, địa vị cá nhân và sự thành công cá nhân, nhưng ít ai nghĩ đến sự hi sinh cá nhân!

Thật thế, đây là cám dỗ nguy hiểm cho con người thời nay, bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến mình, họ luôn xây dựng cái tôi của mình thật lớn để rồi như một thành trì bảo vệ uy lực cho cá nhân mà không hề nghĩ đến người khác và bổn phận trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Đây cũng chính là mối nguy hại cho các Tông đồ thời Đức Giêsu! Các ông theo Ngài, được Ngài mặc khải nhiều điều, và, nhất là hôm nay, Ngài loan báo cuộc khổ nạn, đồng thời mời gọi họ đi theo trên con đường khổ giá để cùng Ngài cứu chuộc nhân loại, thay vì ưng thuận,  họ đã tỏ vẻ khó chịu, bởi vì các ông đã phỏng chiếu một Đức Giêsu uy quyền, lẫm liệt khi thể hiện quyền năng của mình để đánh đông dẹp bắc theo kiểu binh đao, nhưng đằng này, Đức Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo cái chết sẽ đến với Ngài.

Cám dỗ về uy quyền, danh vọng, sung túc... mà các môn đệ thời Đức Giêsu mắc phải cũng chính là cám dỗ triền miên của mỗi chúng ta ngày nay!

Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào Thánh Giá Chúa để thấy được tình thương của Đức Giêsu, thấy được sứ vụ của cuộc đời chúng ta, khám phá ra ý nghĩa của ơn cứu độ ngang qua đau khổ, nhất là khám phá ra sự vĩ đại, sức mạnh phi thường và ơn giải thoát ở sự phục vụ trong yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống cho người khác như Chúa, luôn mong được phục vụ hơn là tìm sự phục vụ nơi người khác cho mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Con Người đến để phục vụ

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện.

Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

Suy niệm

Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Mêssia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy - Đấng Mêssia - Đấng Cứu Thế. Mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: Cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi vương quốc Mêssia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mạc khải.

Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?”. Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêssia” theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang” là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng. Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như Thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrôn, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).

Trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con…” (Mt 20,26-27). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như “một người đầy tớ”. Ngài đã không như “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ Năm tuần thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacôbê, chúng ta được mời gọi uống chén đắng xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời… Là gánh vác cuộc đời như Chúa Giêsu vác thập giá là chén đắng mà Chúa Cha trao, xuyên qua và trỗi dậy.

Ý lực sống: “Lạy Cha, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).

 

Suy Niệm 8Tinh thần phục vụ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Gần tới lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ và đây là lần sau hết của đời Ngài. Trên đường đi, Chúa giáo huấn các ông, mặc dầu các ông không hiểu. Để giáo dục các ông, Ngài làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết  Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm đầy tớ...” và “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đức Giêsu cho chúng ta một mẫu gương là khiêm tốn phục vụ và hy sinh vì người khác.

2. “Nào chúng ta lên Giêrusalem...”.

Tâm lý của các môn đệ: mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lĩnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem...Con người sẽ bị nộp cho các thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người  (10,32-34), các ông cũng không quan tâm lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì; hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.

3. “Con người đến không phải để được phục vụ...”

Câu Phúc âm này nói lên tất cả cuộc sống của Đức Giêsu: Ngài đã nhập thể làm người để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Chẳng những Ngài đã hy sinh phục vụ, mà còn mời gọi những kẻ tin theo Ngài cũng noi gương sống phục vụ như Ngài.

Trong Tin mừng, đây là lần thứ ba Đức Giêsu nói đến con đường Thập giá mà Ngài sẽ trải qua. Nhưng cứ mỗi lần Ngài loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, các Tông đồ đều phản ứng ngược lại: trong lần loan báo đầu tiên, Phêrô đã ngăn cản Ngài; lần thứ hai các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất; và lần này thì Giacôbê và Gioan xin được chức tước cao nhất làm cớ cho những người khác trong nhóm Mười Hai phân bì ghen tị.

4. Cho đi để được lại...

Cho đi để được lại, đó là tính toán quá thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà người ta gọi là phục vụ.

Các Tông đồ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, đã được Chúa dạy dỗ bằng lời nói và gương sáng của Ngài, thế mà các ông vẫn còn ích kỷ, vụ lợi, tham vọng; và điều đó cho thấy các ông đã từ bỏ với tính toán: cho đi để được cho lại, phục vụ để được phục vụ. Đó là tâm trạng chung của con người. Nhưng Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ cho chúng ta, Ngài đã hoàn toàn phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó, đó là sống cho và sống vì người khác, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích của người khác.

5. Chọn con đường phục vụ nào?

Con người chúng ta trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau: một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.

- Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.

- Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ.

Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình.

6. Truyện: Một sự hy sinh tuyệt vời.

Có hai nhà doanh nghiệp du lịch vòng quanh thế giới. Họ xem được nhiều danh lam thắng cảnh, biết được nhiều lối sống của nhiều dân tộc, thấy được bao điều mới lạ. Nhưng họ nói tại Triều Tiên đã có một hình ảnh đánh động họ nhất, làm họ ghi nhớ mãi.

Một buổi sáng nọ, họ đi dạo trên đường làng, họ thấy cảnh một ông già đang kéo cầy thay trâu, đi sau cầy là một cậu bé. Họ đứng lại xem, bộ mặt ông già không có gì là buồn khổ cả. Họ xúc động, lấy máy ảnh chụp cảnh ấy. Sau đó họ đến thăm một nhà thờ và chìa bức ảnh trên cho cha sở xem. Sau khi nhìn bức ảnh cha nói:

- Vâng, đối với các ông đây là một chuyện lạ. Nhưng tôi biết rõ cha con ông ấy. Họ rất nghèo, và khi nhà thờ này khởi công xây dựng, họ muốn đóng góp vào việc xây cất. Nhưng họ không có tiền, không có lúa để bán, và mùa đông lại sắp tới họ bèn bán con bò duy nhất để lấy tiền giúp nhà thờ. Bây giờ hai cha con phải thay bò kéo cầy làm đất.

Hai người khách nhìn nhau một lát rồi một người nói:

- Thật là một sự hy sinh ngoài trí tưởng tượng! Sao cha cho phép họ làm thế?

Cha đáp:

- Họ xem đó là chuyện bình thường. Tôi đã can ngăn, nhưng họ xem việc hy sinh con bò là dâng một lễ vật cho Chúa.

Anh em có thể uống chén của Đức Kitô không? – SN song ngữ 03.3.2021

Wednesday (March 03):  Can you drink Christ’s cup?

 

Gospel Reading:  Matthew 20:17-28  

17 And as Jesus was going up to Jerusalem, he took the twelve disciples aside, and on the way he said to them, 18 “Behold, we are going up to Jerusalem; and the Son of man will be delivered to the chief priests and scribes, and they will condemn him to death, 19 and deliver him to the Gentiles to be mocked and scourged and crucified, and he will be raised on the third day.” 20 Then the mother of the sons of Zebedee came up to him, with her sons, and kneeling before him she asked him for something. 21 And he said to her, “What do you want?” She said to him, “Command that these two sons of mine may sit, one at your right hand and one at your left, in your kingdom.” 22 But Jesus answered, “You do not know what you are asking. Are you able to drink the cup that I am to drink?” They said to him, “We are able.” 23 He said to them, “You will drink my cup, but to sit at my right hand and at my left is not mine to grant, but it is for those for whom it has been prepared by my Father.” 24 And when the ten heard it, they were indignant at the two brothers. 25 But Jesus called them to him and said, “You know that the rulers of the Gentiles lord it over them, and their great men exercise authority over  them. 26 It shall not be so among you; but whoever would be great among you must be your servant, 27 and whoever would be first among you must be your slave; 28 even as the Son of man came not to be served but to serve, and to give his life as a ransom for many.”

Thứ Tư     03-3               Anh em có thể uống chén của Đức Kitô không?

 

Mt 20,17-28

17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Meditation: 

 

Who or what takes first place in your life? You and what you want to do with your life or God and what he desires for you? When personal goals and ambitions are at odds with God’s will, whose will prevails? The prophet Jeremiah spoke a word that was at odds with what the people wanted. The word which Jeremiah spoke was not his personal opinion but the divinely inspired word which God commanded him to speak. Jeremiah met stiff opposition and even threats to his life for speaking God’s word. Jeremiah pleaded with God when others plotted to not only silence him but to destroy him as well. Jesus also met stiff opposition from those who opposed his authority to speak and act in God’s name. Jesus prophesied that he would be rejected by the religious authorities in Jerusalem and be condemned to death by crucifixion – the most painful and humiliating death the Romans had devised for enemies who opposed their authority.

 

Jesus called himself the “Son of Man” (Matthew 20:17) – a prophetic title for the Messiah which came from the Book of Daniel. Daniel was given a prophetic vision of a “Son of Man” who is given great authority and power to rule over the earth on behalf of God. But if Jesus is the Messiah and “Son of Man” prophesied by Daniel, why must he be rejected and killed? Did not God promise that his Anointed One would deliver his people from their oppression and establish a kingdom of peace and justice? The prophet Isaiah had foretold that it was God’s will that the “Suffering Servant” who is “God’s Chosen One” (Isaiah 42:1) must first make atonement for sins through his suffering and death (Isaiah 53:5-12) and then be raised to establish justice on the earth (Isaiah 42:4). Jesus paid the price for our redemption with his own blood. Jesus’ life did not end with death on the cross – he triumphed over the grave when he rose victorious on the third day. If we want to share in the Lord’s victory over sin and death then we will need to follow his way of the cross by renouncing my will for his will, and my way for his way of self-sacrificing love and holiness.

Seeking privilege and power 

Right after Jesus had prophesied his impending death on the cross, the mother of James and John brought her sons before Jesus privately for a special request. She asked on their behalf for Jesus to grant them a special status among the disciples, namely to be placed in the highest position of privilege and power. Rulers placed their second-in-command at their right and left side. James and John were asking Jesus to place them above their fellow disciples.

Don’t we often do the same? We want to get ahead and get the best position where we can be served first. Jesus responds by telling James and John that they do not understand what they are really asking for. The only way one can advance in God’s kingdom is by submitting one’s whole life in faith and obedience to God. Jesus surrendered his will to the will of his Father – he willingly chose the Father’s path to glory – a path that would lead to suffering and death, redemption and new life.

When the other ten disciples heard what James and John had done, they were very resentful and angry. How unfair for James and John to seek first place for themselves. Jesus called the twelve together and showed them the true and rightful purpose for seeking power and position – to serve the good of others with love and righteousness. Authority without love, a love that is oriented towards the good of others, easily becomes self-serving and brutish.

Jesus does the unthinkable – he reverses the order and values of the world’s way of thinking. If you want to be great then become a servant for others. If you want to be first, then became a slave rather than a master. How shocking and contradictory these words must have rang in the disciples ears and in our own ears as well! Power and position are tools that can be used to serve and advance one’s own interests or to serve the interests of others. In the ancient world servants and slaves had no personal choice – they were compelled to serve the interests of their masters and do whatever they were commanded.

Freedom and servanthood 

The model of servanthood which Jesus presents to his disciples is based on personal choice and freedom – the decision to put others first in my care and concern and the freedom to serve them with love and compassion rather than with fear or desire for reward. That is why the Apostle Paul summed up Jesus’ teaching on freedom and love with the exhortation, “For freedom Christ has set us free… only do not use your freedom as an opportunity for the flesh [for indulging in sinful and selfish desires], but through love be servants of one another” (Galatians 5:1,13). Jesus, the Lord and Master, sets himself as the example. He told his disciples that he “came not to be served but to serve” (Matthew 20:28). True servanthood is neither demeaning nor oppressive because its motivating force is love rather than pride or fear.

The Lord Jesus summed up his mission by telling his disciples that he came “to give his life as a ransom for many” (Matthew 20:28). The shedding of his blood on the cross was the payment for our sins – a ransom that sets us free from slavery to wrong and hurtful desires and addictions. Jesus laid down his life for us. This death to self is the key that sets us free to offer our lives as a sacrifice of thanksgiving and love for the Lord and for the people he calls us to serve.

Can you drink my cup? 

The Lord Jesus asks each of us the same question he asked of James and John,  “Can you drink the cup that I am to drink”? The cup he had in mind was a cup of sacrificial service and death to self – even death on a cross. What kind of cup might the Lord Jesus have in mind for each one of us who are his followers? For some disciples such a cup will entail physical suffering and the painful struggle of martyrdom – the readiness to die for one’s faith in Christ. But for many followers of Jesus Christ, it entails the long routine of the Christian life, with all its daily sacrifices, disappointments, set-backs, struggles, and temptations. A disciple must be ready to lay down his or her life in martyrdom for Christ and be ready to lay it down each and every day in the little and big sacrifices required as well.

An early church father summed up Jesus’ teaching with the expression “to serve is to reign with Christ”. We share in God’s reign by laying down our lives in humble service of one another as Jesus did for our sake. Are you ready to lay down your life and to serve others as Jesus did?

 

“Lord Jesus, make me a servant of love for your kingdom, that I may seek to serve rather than be served. Inflame my heart with your love that I may give generously and serve others joyfully for your sake.”

Suy niệm:

 

Ai hoặc điều gì đứng hàng đầu trong cuộc đời của bạn? Bạn và những điều bạn muốn làm cho cuộc đời mình hay Thiên Chúa và những gì Người muốn cho bạn? Khi những mục đích và những khát vọng cá nhân xung đột với ý Thiên Chúa, mục đích và khát vọng của ai sẽ chiếm ưu thế? Ngôn sứ Giêrêmia đã nói rằng đó là sự xung đột với những gì người ta muốn. Lời lẽ mà Giêrêmia đã nói không phải là quan điểm cá nhân của ông, nhưng chính là lời lẽ đã được linh hứng mà Thiên Chúa ra lệnh cho ông nói. Giêrêmia đã gặp phải sự chống đối quyết liệt và thậm chí cả mạng sống của ông cũng bị đe dọa về việc nói lời Thiên Chúa. Giêrêmia đã cầu khẩn với Thiên Chúa khi người ta âm mưu không chỉ bịt miệng ông lại mà còn tiêu diệt chính ông nữa. Ðức Giêsu cũng đã gặp sự chống đối quyết liệt từ những người chống lại quyền của Người để nói và hành động nhân danh Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã tiên báo rằng Người sẽ bị các nhà cầm quyền tôn giáo loại trừ ở Giêrusalem và bị kết án tử bằng sự đóng đinh – cái chết đau đớn và nhục nhã nhất mà người Rôma dành cho các đối thủ chống lại quyền của họ.

Ðức Giêsu xưng mình là “Con Người” (Mt 20,17) – một danh xưng dành cho Ðấng Mêsia trích từ sách Ðanien. Ðanien đã được thị kiến tiên tri về “Con Người”, Ðấng được ban uy quyền tối thượng để thống trị thế giới nhân danh Thiên Chúa. Nhưng nếu Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia và là “Con Người” như Ðanien đã tiên báo, thì tại sao Người lại bị loại trừ và giết chết? Chẳng phải Thiên Chúa đã hứa rằng Ðấng được Người tấn phong sẽ giải thoát dân Người khỏi sự đàn áp và thiết lập một vương quốc bình an và công chính đó sao? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng ý của Thiên Chúa là “Người Tôi Tớ Ðau Khổ” chính là “Ðấng được Thiên Chúa tuyển chọn” (Is 42,1) trước hết phải đền bù cho những tội lỗi ngang qua đau khổ và cái chết của Người (Is 53,5-12) và rồi sẽ sống lại để thiết lập công lý trên trái đất (Is 42,4). Ðức Giêsu đã trả giá cho sự cứu chuộc chúng ta với máu của chính mình. Cuộc đời của Ðức Giêsu đã không kết thúc với cái chết trên thập giá – Người đã chiến thắng trên sự chết khi Người trổi dậy vinh quang vào ngày thứ ba. Nếu chúng ta muốn chia sẻ chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết, thì chúng ta sẽ cần bước theo con đường thập giá của Người bằng việc từ bỏ ý mình trước ý của Người và đường lối của mình trước đường lối yêu thương tự hiến và thánh thiện của Người.

Tìm kiếm đặc sủng và quyền lực

Ngay sau khi Ðức Giêsu nói tiên tri về cái chết sắp đến của Người trên thập giá, mẹ của Giacôbê và Gioan đưa các con trai của mình tới trước Ðức Giêsu cách kín đáo cho lời thỉnh cầu đặc biệt. Bà đã xin với Ðức Giêsu thay cho các con để Người ban cho họ một chỗ đứng đặc biệt giữa các môn đệ, nghĩa là được xếp vào vị trí cao nhất về đặc sủng và quyền lực. Các nhà lãnh đạo phụ tá của mình ở bên hữu và bên tả. Giacôbê và Gioan đang xin Ðức Giêsu đặt họ trên các môn đệ đồng môn.

Chẳng phải chúng ta cũng thường làm giống vậy sao? Chúng ta muốn dẫn đầu và ở địa vị tốt nhất để chúng ta có thể được phục vụ đầu tiên. Ðức Giêsu đáp lại bằng việc nói với Giacôbê và Gioan rằng họ không hiểu những gì họ thật sự đang cầu xin. Con đường duy nhất người ta có thể được đề cao trong vương quốc Thiên Chúa là phải suy phục toàn bộ đời mình trong đức tin và vâng phục trước Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã nhượng bộ ý mình trước ý của Cha Người – Người sẵn sàng chọn con đường của Cha tới vinh quang – con đường sẽ dẫn tới đau khổ và cái chết, sự cứu chuộc và sự sống mới.

Khi mười môn đệ kia nghe những gì Giacôbê và Gioan đã làm, họ rất phẫn nộ và giận dữ. Thật là bất công biết bao khi Giacôbê và Gioan tìm kiếm chỗ nhất cho chính họ. Ðức Giêsu đã gọi nhóm mười hai lại và chỉ cho họ thấy mục đích thật sự và đúng đắn cho việc tìm kiếm quyền lực và địa vị – phục vụ cho lợi ích của tha nhân với tình yêu thương và ngay chính. Quyền lực mà không có tình yêu, một tình yêu hướng về lợi ích của người khác, rất dễ dàng trở nên tự mãn và tàn bạo.

Ðức Giêsu làm một điều thật ấn tượng – Người đảo lộn thứ tự và giá trị đường lối suy nghĩ của thế gian. Nếu bạn muốn làm lớn thì hãy trở thành người tôi tớ cho người khác. Nếu bạn muốn đứng hàng đầu thì hãy trở nên nô lệ hơn là chủ nhân. Những lời lẽ này thật sốc và nghịch lý biết bao khi lọt vào tai các môn đệ và cả tai chúng ta nữa! Quyền lực và địa vị là những dụng cụ có thể sử dụng để phục vụ và mưu tìm lợi ích cho chính mình hoặc là để phục vụ cho lợi ích của tha nhân. Trong thế giới xa xưa, các gia nhân và nô lệ không có sự chọn lựa cá nhân – họ bị ép buộc phục vụ cho những lợi ích của chủ mình và làm bất cứ điều gì mà họ được chủ ra lệnh.

 

Tự do và nô lệ

Mẫu mực phục vụ mà Ðức Giêsu đưa ra cho các môn đệ dựa trên sự chọn lựa và tự do cá nhân – sự quyết định đặt người khác lên hàng đầu trong sự quan tâm và săn sóc của mình và sự tự do phục vụ họ với tình yêu và lòng trắc ẩn hơn là với sợ hãi hay mơ ước được phần thưởng. Ðó là lý do tại sao thánh Phaolô tông đồ đã tóm tắt giáo huấn của Ðức Giêsu về sự tự do và yêu thương với sự khích lệ “Chính vì để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta… Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt (cho việc theo đuổi những ước muốn tội lỗi và ích kỷ), nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,1.13). Ðức Giêsu là Chúa và là Thầy, đã lấy chính mình làm gương mẫu. Người đã nói với các môn đệ rằng Người “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Sự phục vụ đích thật không làm mất giá trị cũng không bị áp lực bởi vì động lực của nó chính là tình yêu hơn là kiêu ngạo và sợ hãi.

Chúa Giêsu đã tóm tắt sứ mệnh của mình bằng việc nói với các môn đệ rằng Người đến để “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28). Sự đỗ máu trên thập giá là cái giá cho những tội lỗi của chúng ta – giá chuộc đã giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho những ước muốn và đam mê sai lạc và tai hại. Ðức Giêsu đã hiến mạng sống mình cho chúng ta. Cái chết này tự nó là chìa khóa giải thoát chúng ta được tự do để dâng hiến đời mình làm lễ tế tạ ơn và yêu thương cho Chúa và cho những người mà Người kêu gọi chúng ta phục vụ.

Anh em có thể uống chén của Thầy không?

Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cũng cùng câu hỏi mà Người đã hỏi Giacôbê và Gioan “Anh em có thể uống chén mà Thầy sắp uống không?” Chén Người nghĩ tới là chén phục vụ hy sinh và chết đi cho chính mình – thậm chí chết trên thập giá. Loại chén nào Chúa Giêsu có thể nghĩ tới cho mỗi người chúng ta, những người đã chọn làm môn đệ của Người? Đối với một số môn đệ, chén đắng như thế sẽ đòi hỏi sự đau khổ về thể lý và sự chiến đấu đau đớn của sự tử đạo – sẵn sàng chết vì niềm tin của mình vào Ðức Kitô. Nhưng đối với nhiều môn đệ của Ðức Giêsu Kitô, nó đòi hỏi công việc bổn phận hằng ngày dài dẳng của cuộc đời Kitô hữu, với tất cả những hy sinh hằng ngày của nó, những thất vọng, nói xấu, chiến đấu, và cám dỗ. Người môn đệ phải sẵn sàng hiến mạng sống mình trong sự tử đạo vì Ðức Kitô và sẵn sàng chết đi mỗi ngày và mọi ngày trong những hy sinh lớn nhỏ được đòi hỏi.

Một giáo phụ thời Giáo hội sơ khai đã tóm tắt giáo huấn của Ðức Giêsu với câu thành ngữ: “Phục vụ là ngự trị với Đức Kitô”. Chúng ta chia sẻ sự ngự trị của Thiên Chúa bằng việc hiến mạng sống mình trong sự phục vụ khiêm tốn cho nhau như Ðức Giêsu đã làm cho chúng ta. Bạn có sẵn sàng hiến mạng sống mình để phục vụ người khác như Ðức Giêsu đã làm không?

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con trở nên người tôi tớ của tình yêu cho vương quốc của Chúa để con có thể tìm cách phục vụ hơn là được phục vụ. Xin đốt lên trong lòng con ngọn lửa tình yêu của Chúa để con có thể cho đi cách quảng đại và phục vụ tha nhân cách vui tươi vì danh Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây