THỨ TƯ TUẦN THÁNH.
"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".
Lời Chúa: Mt 26, 14-25
Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"
Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".
SUY NIỆM 1: Chẳng lẽ con sao?
Suy niệm:
Các thượng tế muốn giết Đức Giêsu, nhưng không tìm được cơ hội.
Nay cơ hội đã đến với sự tiếp tay của chính người môn đệ Đức Giêsu.
Anh Giuđa đã đến gặp các thượng tế và đề nghị nộp Ngài cho họ.
Chúng ta mãi mãi không biết hết và biết rõ những động cơ nào
đã thúc đẩy Giuđa làm chuyện kinh khủng ấy.
Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa,
sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12).
Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo.
Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại…
Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế.
Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6).
Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận,
Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất,
được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu.
Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó.
Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa?
Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn?
Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền.
Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột
khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng,
chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma?
Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế,
anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình?
Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được.
Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu.
Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa
vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ.
Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói:
“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24).
Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ.
Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành.
“Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23).
Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội.
Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?”
Có phải con là người đang phản bội Thầy không?
Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.
Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ,
chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
SUY NIỆM 2: NGƯỜI TÔI TRUNG
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Người tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn để lắng nghe thánh ý. Để nói lời Thiên Chúa. Để “lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Nhưng để thi hành ý Chúa, người tôi trung phải chấp nhận đau khổ: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Trong đau khổ người tôi trung hoàn toàn phó thác tin tưởng. Vì “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn…Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội”?
Hình tượng người tôi trung hoàn thành nơi Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su là Ngôi Lời. Được Chúa Cha sai xuống trần để nói lời Thiên Chúa với nhân loại. Người không nói lời gì ngoài những gì đã nghe nơi Chúa Cha. Để nhân loại biết thánh ý Chúa Cha. Để nhân loại được ơn cứu độ.
Người đến “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Nên đi tìm con chiên lạc. An ủi những ai sầu khổ. “Bổ sức cho những ai vất vả gồng gánh nặng nề”. Chữa lành bệnh tật. Xua trừ ma quỉ.
“Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”. Biết rằng “thời đã đến”. Nên Người chủ động đi vào cuộc khổ nạn. Bằng chủ động chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua. Người trở thành con chiên vượt qua mới. Chịu sát tế để cứu chuộc nhân loại.
Ngài chịu sát tế bằng những phản bội của môn đệ. Giu-đa vẫn đang “tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su”. Ngài không né tránh. Nhưng trực diện: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Thật đau đớn vì đó chính là kẻ thân tín, cùng ăn, cùng ở với Thầy: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”. Và nói thẳng với Giu-đa: “Chính anh nói đó”. Trong cuộc hành hình, Người cũng như người tôi trung của I-sai-a, “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”. Và còn hơn thế, Người chịu vác thánh giá. Chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Chịu chết tức tưởi. Người trung tín đến cùng. Người yêu thương đến cùng. Người vâng phục đến cùng.
Tiến sâu vào cuộc khổ nạn, ta hãy xin Chúa giúp sức. Để ta không phản bội như các môn đệ. Không thay lòng đổi dạ như đám đông. Để ta trung tín với Chúa. Cả trong những khổ sở đau đớn. Để ta cũng trở thành tôi trung của Chúa. Trong xã hội đầy gian dối, lừa lọc hôm nay.
SUY NIỆM 3: Dung mạo kẻ phản bội
Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.
Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu. Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.
Phần Chúa Giêsu, Ðấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc, Ngài vẫn kính trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn". Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này. Không phải tất cả mọi người đều biết khám phá và đáp trả tình yêu của Chúa đối với họ, thời nào cũng vậy, cũng có những người không nhìn nhận tình yêu Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để con sống trong tự phụ mù quáng. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất làm cho con trở nên ngoan cố chống lại Chúa. Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng phần cuộc đời còn lại cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, đến độ có thể nói như Ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã không trở nên vô ích nơi tôi. Ước được như vậy".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Giuđa mưu phản.
“Cả người thân con hằng tin cậy,
Đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
Mà nay cũng giơ gót đạp con”.
Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: “Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: “các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài”.
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cả nhân loại. Nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xẩy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm mười hai mưu phản Thày. Đấy là biến cố gây chấn động dữ dội nơi cộng đoàn kitô tiên khởi chính vì cố đưa ra để tìm hiểu những bí ẩn bên trong dẫn đến ý định bán nộp Thày cho Giuđa. Ngoài lý do tìm thấy trong câu Tv 40 mang ý nghĩa tôn giáo, người ta cũng phân tách con người Giuđa được các soạn giả bốn sách Tin Mừng nhận xét, là con người tham lam, biển lận, ăn cắp của chung. Có người còn cho rằng Giuđa thuộc một đảng chính trị quá khích chủ trương dùng bạo lực để chống lại ách đô hộ của người Rôma; y theo Chúa Giêsu vì thấy Ngài có quyền năng làm nhiều phép lạ hy vọng Ngài sẽ dùng quyền năng đó để đánh đuổi ngoại xâm. Giuđa thất vọng khi thấy Ngài chọn con đường dẫn tới cái chết Thập giá để kết thúc sự nghiệp giải phóng và cứu rỗi của Ngài. Chính sự thất vọng ấy đưa đến bất mãn, và quyết định nộp Thày. Có người chủ trương rằng Giuđa không có ý định giết chết Chúa Giêsu, nhưng qua việc giải nộp Ngài trong tay quân Rôma, Giuđa hy vọng dồn Ngài vào chân tường, buộc Ngài phải chống cự để tự vệ và do đó đánh đuổi quân Rôm ra khỏi bờ cõi. Nếu như thế ngoài tội nộp Thày phản bạn, Giuđa còn vấp phải một lầm lỗi khác là muốn cưỡng bách Chúa Giêsu hành động theo ý riêng mình.
Để hiểu trọn ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải hội tụ chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: vì thế Ngài đã cảnh cáo ý bằng một lời mạnh mẽ: “Con Người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn”. Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Ngài. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm cho Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Tuy nhiên, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là hành động của một vĩ nhân.
Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá của Chúa, để Mùa chay này thực sự biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Giuđa phản bội.
Bấy giờ một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quí vị.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. (Mt. 26, 14-16)
Có nhiều sứ điệp Tin mừng thật nặng nhọc khi phải đọc, tuy không nhiều, sứ điệp mà chúng ta đọc lại hôm nay là một trong những nố đó. Không thể không nặng nề khó chịu khi đọc đến đoạn phản bội của Giu-đa. Người ta tưởng tượng ra sự độc ác và không hiểu tại sao con người đó có thể sa đọa đến thế. Cách cư xử của hắn quá đồi tệ, ti tiện, không còn một chút phẩm giá con người.
Tuy nhiên, xin đừng coi đó là gương mù quá lẹ như vậy, vì gương mù đó xảy ra quá dễ dàng. Dù xấu đến đâu, lịch sử về Giu-đa vẫn mang tính chất nhân loại, nó vẫn có trong con người. Cần phải đọc lại nó để xem xét chính con tim của chúng ta cũng như con tim của mọi người không phải là không thấm nhiễm sự xấu và tội lỗi đâu. Ta thấy cái cảnh phản bội nặng nề khó đọc đó chính là vì ta thấy diễn tả nó trong bản văn. Nếu Giu-đa thiệt tình chơi cái trò này cho ngay thẳng, nghĩa là chống đối Chúa Giêsu ra mặt, khai chiến với Người rõ ràng, thì người ta cảm thấy dễ chịu hơn, ít nặng nề hơn. Nhưng không, Giu-đa diễn cái trò vòng vo quanh co. Hắn thực là kẻ phản bội. Chính đó là cái nặng nề khi phải thấy nó xảy ra.
Về phần Đức Giêsu, cách cư xử của Người có gì làm chúng ta ngạc nhiên không? Người biết rõ môn đệ nào và hắn âm mưu gì.
Nếu chúng ta ở địa vị Người, chúng ta có lẽ đã nổi giận tái mặt đi và tống cổ Giu-đa ra khỏi nhà ngay lập tức. Đức Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Người đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Một lần nữa, Người chia sẻ bánh ăn với hắn. Không phải Đức Giêsu đã đẩy Giu-đa ra cửa. Chính Giu-đa đã quyết định ra đi phản bội và đi tự tử treo cổ chết.
Sẽ hoàn toàn khác, nếu Giu-đa thời đó đã ăn năn trở lại, thì Giu-đa sẽ không còn bị gọi là Giu-đa phản bội nữa, mà ngày nay còn được gọi là thánh Giu-đa. Hắn đã không ăn năn. Hắn từ chối tình bạn thân thiết với Thầy mình. Chính vì lý do đó mà đã để lại một lịch sử buồn sầu đen tối.
J.Y.G
SUY NIỆM 6: “THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?” (Mt 26, 14-25)
Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ...!
Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: "Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?" Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.
Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:
Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.
Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.
Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Tấm lòng Chúa Giêsu với môn đệ
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Dân gian ai cũng biết đến tên Giuđa, người mệnh danh tiêu biểu cho những kẻ phản bội, cứ nghe nói ai là Giuđa thì sẽ hiểu ngay có ý nói đó là kẻ phản bội.
Giuđa là một trong mười hai môn đệ thân tín của Đức Giêsu, được trao trách nhiệm thủ quỹ cho nhóm Mười hai tông đồ (x. Mt 26,14-16; Mc 14,10-11; Lc 22,3-6). Giuđa phản bội Thầy mình để lấy “30 đồng bạc“ do các luật sĩ và kinh sư trả, vì giới cầm quyền Do Thái giáo muốn bắt và giết Ngài.
Giuđa đã chỉ điểm Thầy mình bằng một nụ hôn (x. Mt 26,47-49; Mc 14,43-45; Lc 22,47-48). Nụ hôn này cũng là tiêu biểu cho những nụ hôn giả dối, phản bội…
Suy niệm
Giuđa với những toan tính, những mưu kế phản bội Thầy. Bên cạnh, Ðức Giêsu biết sự thật phũ phàng: Người môn đệ sẽ bội phản: “Kẻ chấm cùng đĩa với Thầy sẽ nộp Thầy”(Mt 26,23). Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,9).
Dù bị bội phản, nhưng Ngài vẫn trong kế hoạch yêu thương: Chuẩn bị mừng lễ Vượt qua sau hết với các môn đệ thân yêu, hành vi yêu thương của Thầy vẫn đầy tràn qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể - bí tích của tình yêu để lại lương thực tình yêu cho muôn đời.
Nơi các môn đệ kẻ thì phản bội, người thì chối Thầy, kẻ bỏ Thầy trốn chạy. Còn Thầy Giêsu vẫn luôn một mực trung tín. Hình ảnh của Giuđa nhắc nhở ta đừng biến mình thành kẻ phản bội nhưng học nơi thầy Giêsu vẫn tín trung, vẫn yêu thương.
Qua mọi thời, Đức Giêsu luôn hứng chịu lấy sự bội phản của con người ở mọi thời đại, nỗi đau gây ra bởi sự phản bội của mọi thời đại, và Người chịu đựng nỗi đớn đau của lịch sử cho đến kết cục cay đắng, mầu nhiệm bội phản xuyên thời gian…
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường đánh mất chính mình để tình nguyện làm kẻ nô lệ cho tiền bạc, danh vọng...
Xin Chúa giúp chúng ta tỉnh thức trỗi dậy bằng sự trung tín và yêu thương. Chỉ khi yêu thương, chúng ta mới thực sự là môn đệ trung tín của Chúa Kitô.
Ý lực sống: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
Suy Niệm 8: Giuđa nộp Đức Giêsu
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu ghi lại sự việc chuẩn bị bữa Tiệc Ly, để giúp chúng ta chuẩn bị tinh thần tham dự Thánh lễ chiều thứ năm Tuần thánh.
Bài Tin mừng hôm nay ghi lại ba sự việc:
- Giuđa tìm dịp thuận tiện nộp Đức Giêsu.
- Các môn đệ chuẩn bị ăn mừng lễ Vượt Qua.
- Đức Giêsu tiên báo Giuđa sẽ nộp Thầy.
2. Trong hai ngày qua, thứ hai và thứ ba Tuần thánh, và hôm nay, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người môn đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một sự bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Đức Giêsu, Đấng đã biết trước mọi sự sẽ xẩy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Đức Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền 30 đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh (Mỗi ngày một tin vui).
3. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật trình tự về những toan tính của Giuđa lên kế hoạch nộp Thầy Giêsu cho nhà cầm quyền Do thái. Kế hoạch được tính toán bài bản, như một liên kết dây chuyền về tội. Từ tham tiền nên tìm mọi cách để kiếm tiền và làm cả những tội tầy đình nhất, mất cả tình cảm và lương tri, giả dối, liều mình rước Thánh Thể khi mang trong mình đầy tội lỗi, giao dịch với kẻ xấu, phản bội và cuối cùng tuyệt vọng đi thắt cổ.
Qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta dễ nhận thấy nơi con người và sự phản bội của Giuđa phản ảnh nhiều thực trạng của nhiều Kitô hữu chúng ta hôm nay. Giuđa không ngần ngại bán Thầy để được 30 đồng (bằng giá của một nô lệ), như thế ông chỉ là nô lệ cho “thần tiền” chứ không phải môn đệ của Đức Giêsu. Cũng không thiếu những người mang danh Kitô hữu – theo Chúa, nhưng thực chất chỉ vì quyền lợi, và sẵn sàng phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm, chối bỏ Giáo hội để giữ cái ghế, giữ cái nghề nghiệp, giữ lương bổng...
4. Cách viết của Tin Mừng thứ IV thật thâm thúy: “Giuđa ra đi, trời đã tối”. Vâng, mang trong mình sự toan tính, tham lam, tham lợi cho riêng mình, lừa thầy phản bạn, Giuđa bắt đầu bước vào bóng tối của sự lén lút mờ ám, ông bỏ giở hát bài Thánh vịnh với Thầy và đồng môn, bỏ sinh hoạt ăn uống chung, và cuối cùng, ông đã mất luôn ơn gọi Tông đồ và mất luôn đức tin. Đó là thực trạng của những người tham lam mờ ám, hành động lén lút trong bóng tối, đâm sau lưng và bán đứng nhau chỉ vì đồng tiền, cuối cùng, họ càng ngày càng loại mình ra ngoài cộng đoàn, ra khỏi Giáo hội, đánh mất cả ơn gọi và mất đời sống đức tin.
5. Phần Đức Giêsu, Đấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc. Ngài vẫn tôn trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tình nhất là khi Đức Giêsu tuyên bố: “Con Người ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn”.
Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố, không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này.
6. Ta hãy suy nghĩ về con đường của Giuđa đã đi: Anh ta được Chúa yêu thương gọi làm môn đệ, làm Tông đồ, lại còn được Chúa tín nhiệm giao cho việc giữ tiền; những đồng tiền đã dân dần không chế anh: “Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ người ta bỏ vào quĩ chung” (Ga 12,6). Đức Giêsu đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm anh, nhưng anh cũng không hồi tâm. Cuối cùng, anh đã đi ra lao mình vào bóng đêm.
Không ai phạm tội trọng trong một sớm một chiều. Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng, do để mình bị khống chế bởi những giá trị trên thế gian, do bưng tai bịt mắt trước những tiếng nhắc nhở âm thầm của Chúa.
7. Truyện: Tội từ nhẹ đến nặng.
Có một câu truyện ngụ ngôn kể rằng: Lúc ông Noe trồng nho, Satan tò mò để ý và mon men đến gạ chuyện.
- Ông trồng gì đấy?
- Cây nho.
- Thế, trồng nho thì được cái gì?
- Trái nho trông rất đẹp mắt, ăn vào ngon tuyệt, còn nước ép lên men sẽ làm ngây ngất tâm hồn.
- Vậy thì tôi sẽ giúp ông.
Satan đi bắt một con chiên, giết đi và đổ máu nó vào gốc cây nho. Hắn cũng giết một con sư tử, một con khỉ và một con heo, rồi cũng đổ hết máu những con vật ấy vào gốc cây nho. Cây nho hút hết những thứ ấy mà lớn lên.
Từ khi đó, mỗi lần người ta uống một chút rượu, họ trở nên hiền lành và duyên dáng như con chiên. Nếu hăng “đô” lên, họ sẽ mạnh mẽ và thô kệch như sư tử. Nếu cứ thế tiếp tục, họ sẽ trở nên ngổ ngáo như con khỉ. Và nếu, chẳng may, không chịu dừng ở đó, kết cuộc họ sẽ không khác gì như con heo (Frech Legend).
SUY NIỆM
1. Ông Giu-đa tác nhân
Không kể hai Bài Thương Khó, được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá và vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các bài Tin Mừng của ba ngày liên tiếp, thứ ba, thứ tư và thứ năm, đều được ghi dấu đậm nét bởi hình ảnh Giu-đa (Ga 13, 21-33.36-38; Mt 26, 14-25; Ga 13, 1-15). Và chắc chắn, mỗi khi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, Giu-đa cũng là một trong những khuôn mặt gây phản ứng, thắc mắc, đánh động, chất vấn… nơi chúng ta nhiều nhất.
Cũng như xưa kia, lời loan báo phản bội hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Thưa Thầy, có phải con không?” (Mt 26, 22; Mc 14, 19); “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 13, 22). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Như thế, khả thể Giuđa có ở nơi mọi người, với những mức độ và cách thể hiện khác nhau.
Tại sao Giu-đa lại đi nộp Thầy của mình? Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lý do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giuda không phải hành động vì tiền: ông đã hối hận và trả lại tiền; vấn đề là ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Tuy vậy, động lực “tiền nong” cũng không phải là không có trong cách chúng ta đi theo Chúa, làm việc cho Chúa.
Như thế, chắc là ông có một động lực khác nghiêm túc hơn, rồi nhân đó, kiếm thêm chút tiền bỏ vào quỹ chung. Đó có thể là vì ông thất vọng về cách hành xử của Thầy mình, và tâm tình này ít nhiều gì cũng có nơi các môn đệ khác; vì thế, đã có những người bỏ đi (Ga 6, 66). Do đó, ông muốn đặt Thầy của mình vào một tình huống buộc Thầy phải hành động bằng quyền năng để thoát thân, và nhân đó, tái lập Vương Quyền bằng sức mạnh thần linh. Nhưng ông đã không ngờ là Ngài không hành động gì, mà lại còn để cho mình bị kết án tử.
Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xảy ra trong lịch sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan, để “hiển dung”.
2. Ông Giu-đa nạn nhân
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ) về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27). Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13).
Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).
Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỷ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các bài Tin Mừng trong những ngày này đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao vậy ?
Như thế, điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.
* * *
Vậy thì phải “xét đoán” làm sao về Giu-đa? Đơn giản là ngưng ngay hành động xét đoán! Vì Đức Giê-su muốn như thế: “anh em đừng xét đoán!” (Mt 7, 1). Và chúng ta cũng chẳng có thể xét đoán được, nếu nhìn vấn đề một cách toàn diện theo các Tin Mừng; và nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm, mà chỉ có một mình Chúa biết.
Thật vậy, chứng kiến tận mắt hành động bách hại và giết hại chính mình, Đức Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Giu-đa chắc chắn cũng không biết hết được việc mình đang làm, là làm cho Satan; và một cách nhiệm mầu, cũng là “làm” cho Thiên Chúa. Vì chính khi Giu-đa ra đi, bước vào trong bóng tối, Đức Giê-su nói:
Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (Ga 13, 31-32)
3. Mầu Nhiệm Vượt Qua và Kế Hoạch Cứu Độ
Ý định giết chết Đức Giê-su có từ rất sớm (Mc 3, 6; 14, 1-2); vì thế, không có sự phản bội của Giu-đa, ý định chết chóc này cũng tất yếu sẽ đi đến cùng. Và “Giờ” đã đến; không chỉ là Giờ của Sự Dữ nhưng còn là Giờ của Thiên Chúa. Đó là thời điểm mà mọi sự đều đạt tới cực điểm: qua lời nói và việc làm, Đức Giê-su đã bày tỏ căn tính đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa và con người; người Do Thái không chấp nhận và quyết định giết Đức Giê-su; và Lễ Vượt Qua, cũng là một cực điểm, là thời điểm thuận tiện nhất cho cả hai phía, Đức Giê-su và người Do Thái, đi vào “cuộc chiến” quyết định.
Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, nhằm tưởng nhớ ơn giải thoát khỏi Ai Cập và tưởng nhớ những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân. Và chính trong bầu khí tưởng nhớ và hiện tại hóa ơn sự sống Thiên Chúa ban, mà Đức Giê-su quyết định làm hoàn tất, nghĩa là đẩy cho “đến cùng” ý định thông truyền sự sống cho Dân của Ngài, ngang qua Bí Tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua; và cũng chính trong bầu khí “ơn huệ sự sống” này mà các thượng tế và luật sĩ tạo ra bầu khí “bạo lực chết chóc”, là lập mưu, bắt lấy Đức Giê-su và giết đi. Những gì mà họ muốn làm cho Đức Giê-su, về những lần Ngài chữa bệnh vào ngày sa-bát (Mc 3, 1-6), vốn cũng là ngày tưởng nhớ ơn huệ, đạt tới đỉnh cao ở đây.
Như thế, chúng ta được mời gọi vừa nhận ra Khuôn Mặt đích thật của Thiên Chúa, ngang qua cung cách của Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, và vừa nhận ra diện mạo của chính Sự Dữ, mang tên Satan, hành động nơi những con người cụ thể. Đức Ki-tô đến là vì giờ phút này, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình và giải phóng sự sống của loài người chúng ta khỏi Sự Dữ. Bởi lẽ, Ngài không thể giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, mà không cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Sự Dữ. Trong chương trình cứu độ, có mặc khải Sự Dữ. Thoáng nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta dễ dàng nhận ra mặc khải thiết yếu này, nhưng hay bị bỏ quên. Vì thế, chúng ta được mời gọi khám phá ra bộ mặt thật của Sự Dữ từ từ trong suốt hành trình chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Nhưng vào lúc Thượng Hội Đồng họp ngay trong đêm để xét xử vội vàng Đức Giê-su, Sự Dữ đã để lộ ra ba đường nét thuộc về bản chất của nó:
a. Dùng mưu để bắt và dùng bạo lực để hành hạ và giết chết, để chứng minh sự chết là mạnh nhất, sự chết là điểm tận cùng, có thể “giải quyết” được tất cả, “giải quyết” ở đây không phải là đưa ra ánh sáng, nhưng dùng bóng tối để chôn vùi tất cả, như người ta tìm cách phi tang, “giải quyết” theo nghĩa “mọi sự rốt cuộc đều như nhau”, “huề cả làng”.
b. Tố cáo và lên án vô cớ; và trong trường hợp của Đức Giê-su, Satan không chỉ lên án người vô cớ, mà còn lên án Người Vô Tội, vô tội tuyệt đối. Như thế, càng tố cáo, điều xấu càng lộ ra không phải nơi Đấng Vô Tội, nhưng nơi Kẻ Tố Cáo. Thế mà “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan (Kh 12, 7-10).
c. Gian dối là chiều kích nền tảng có trong mọi đặc tính của Sự Dữ: lên án vô cớ là gian dối, dùng mưu là gian dối; và chiều kích này được thể cách rõ ràng nhất ở điều này: dùng điều tốt, để thực hiện ý đồ đen tối, ý đồ loại trừ và giết chết. Ở đây, điều tốt đẹp là bầu khí lễ Vượt Qua, là dấu hiệu tình bạn với Giu-đa và cả Lề Luật nữa (Rm 7, 7-13). Thật vậy, trong cuộc xét xử, vị Thượng Tế đã dùng công thức đức tin long trọng nhất: “Nhân Danh Thiên Chúa Hằng Sống…”, nhưng không phải để đi tìm sự thật, nhưng là với ý định khép tội chết, bằng cách giăng bẫy, tố cáo và kết án tử (Mt 26, 63); do đó, chính khi Vị Thượng Tế lên án Đức Giê-su phạm thượng, thì ông đang phạm thượng. Ông không chỉ “kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, nhưng còn dùng Danh của Thiên Chúa, làm cớ để giết Đấng Thánh của Thiên Chúa. Và tất cả đều diễn ra trong “Đêm Tối”, vốn là hình ảnh của Sự Dữ.
* * *
Khi để cho mình bị đóng đinh, Chúa muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá, hình thù rất thật và rất cụ thể của SỰ DỮ và TỘI LỖI.
Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ, ơn chữa lành và ơn cứu độ, nghĩa là được giải thoát khỏi sự dữ và sự chết. Như chính Người đã nói:
Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 14-16)
Tuần Thánh 2021
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Wednesday (March 31): The tragedy of the betrayal
Gospel Reading: Matthew 26:14-25 14 Then one of the twelve, who was called Judas Iscariot, went to the chief priests 15 and said, “What will you give me if I deliver him to you?” And they paid him thirty pieces of silver. 16 And from that moment he sought an opportunity to betray him. 17 Now on the first day of Unleavened Bread the disciples came to Jesus, saying, “Where will you have us prepare for you to eat the Passover?” 18 He said, “Go into the city to a certain one, and say to him, `The Teacher says, My time is at hand; I will keep the Passover at your house with my disciples.'” 19 And the disciples did as Jesus had directed them, and they prepared the Passover. 20 When it was evening, he sat at table with the twelve disciples; 21 and as they were eating, he said, “Truly, I say to you, one of you will betray me.” 22 And they were very sorrowful, and began to say to him one after another, “Is it I, Lord?” 23 He answered, “He who has dipped his hand in the dish with me, will betray me. 24 The Son of man goes as it is written of him, but woe to that man by whom the Son of man is betrayed! It would have been better for that man if he had not been born.” 25 Judas, who betrayed him, said, “Is it I, Master?” He said to him, “You have said so.” |
Thứ Tư 31-3 Bi kịch của sự phản bội
Mt 26,14-25 14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? “23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! “25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? ” Người trả lời: “Chính anh nói đó! “ |
Meditation:
Why did Judas betray his Master? Was his treachery motivated by greed, bitter disappointment with Jesus, or hatred because of disillusionment? It may be that Judas never intended for his Master to die. Maybe he thought Jesus was proceeding too slowly and not acting aggressively enough in setting up his messianic kingdom. Perhaps Judas wanted to force Jesus’ hand by compelling him to act. Nonetheless, his tragedy was his refusal to accept Jesus as he was.
The power of greed can only be overcome with the power of Christ’s love poured out for us Origen (185-254 AD), a bible scholar and early church father, comments on Judas’ betrayal: “Let us consider what Judas said to the Jewish priests: What will you give me if I hand him over to you? He was willing to take money in exchange for handing over the Word of God. They do the same thing who accept sensual or worldly goods in exchange for handing over and casting out from their souls the Savior and Word of truth who came to dwell with them. Indeed, it would be fitting to apply Judas’s example to all who show contempt for the Word of God and betray him, as it were, by committing sin for the sake of money or for any selfish motive. People who behave in this way appear openly to be calling out to the powers of the enemy who offer worldly gain in return for the sin of betraying God’s Word, saying, What will you give me if I hand him over to you? And they gave him thirty pieces of silver. The number of coins they gave Judas was equivalent to the number of years the Savior had sojourned in this world. For at the age of thirty, he was baptized and began to preach the gospel, like Joseph was thirty years old when he began to gather grain for his brothers (Genesis 41:46). Just as at that time the grain was prepared by God for the sons of Israel but given also to the Egyptians, so also the gospel was prepared for the saints but preached also to the unfaithful and wicked.” (Commentary on Matthew 78.) The Lord will test our hearts to show us where we need his love and strength to do his will Jesus knew beforehand what would befall him. As Jesus ate his last supper meal with his twelve apostles he put them under trial and suspicion (one of you will betray me) to teach them to examine themselves rightly, lest they be high-minded and think themselves more strong than they were. We, also must examine ourselves in the light of God’s truth and grace and ask him to strengthen us in faith, hope, and love that we may not fail him or forsake him when we are tempted. Do you pray with confidence in the words Jesus gave us to pray: Do not lead us into temptation, but deliver us from evil (Matthew 6:13)? “God our Father, we are exceedingly frail and indisposed to every virtuous and gallant undertaking. Strengthen our weakness, we beseech you, that we may do valiantly in this spiritual war; help us against our own negligence and cowardice, and defend us from the treachery of our unfaithful hearts; for Jesus Christ’s sake.” (Prayer of Thomas a Kempis) |
Suy niệm:
Tại sao Giuđa đã phản bội Thầy mình? Sự phản bội của ông có bị thúc đẩy bởi tham lam, thất vọng tràn trề về Ðức Giêsu, hay căm phẫn vì sự vỡ mộng không? Rất có thể Giuđa không bao giờ có ý định để Thầy mình chết. Có thể ông ta nghĩ Ðức Giêsu đang thực hiện một cách chậm chạp và không tích cực đủ trong việc xây dựng vương quốc Mêsia của Người. Có thể Giuđa muốn ép Ðức Giêsu phải ra tay hành động ngay. Tuy nhiên, tấm thảm kịch của ông ta là sự khước từ để đón nhận Ðức Giêsu như Người là. Sức mạnh của lòng tham chỉ có thể lướt thắng với sức mạnh tình yêu của Đức Kitô ban cho chúng ta Origen (185-254 AD), một nhà nghiên cứu kinh thánh và là một giáo phụ, bình luận về sự phản bội của Giuđa như sau: “Chúng ta hãy nghĩ về những gì Giuđa nói với những tư tế Dothái: Các ông sẽ cho tôi bao nhiêu nếu tôi trao nộp người cho các ông? Giuđa đã muốn lấy tiền trong việc giao dịch trao nộp Ngôi lời Thiên Chúa. Ai đón nhận đam mê xác thịt hay của cải vật chất thế gian trong việc trao đổi và đuổi Đấng cứu thế và ngôi Lời, Đấng đến ở trong họ, thì họ cũng phản bội tương tự như Giuđa. Thật vậy, việc áp dụng trường hợp điển hình của Giuđa cho những ai coi thường ngôi Lời Thiên Chúa và phản bội ngài là điều rất phù hợp, qua việc phạm tội vì mục đích tiền bạc hay vì bất cứ lý do dâm dục nào. Những ai ứng xử theo cách này, ngang nhiên xuất hiện đến nhờ cậy sức mạnh của kẻ thù, những kẻ đáp lại bằng việc đề cử lợi lộc thế gian, về tội phản bội ngôi Lời Thiên Chúa, nói rằng, các ông sẽ đưa tôi bao nhiêu nếu tôi trao nộp người cho các ông? Và họ đã đưa cho y 30 đồng bạc. Số tiền họ đưa cho Giuđa bằng số năm Đấng cứu thế đã sống nơi trần thế này. Khi vào tuổi ba mươi, ngài chịu phép rửa và bắt đầu rao giảng Tin mừng, giống như Giuse lúc 30 tuổi khi ông bắt đầu tích trữ lúa cho anh em mình (Kn 41,46). Chính vào thời gian đó Thiên Chúa đã chuẩn bị lúa cho con cái Israel, đồng thời cũng cho người Aicập, cũng vậy, Tin mừng được chuẩn bị cho người thánh thiện, và cho cả những người tội lỗi” (Chú thích Tin mừng thánh Matthêu 78). Chúa sẽ thử lòng chúng ta để cho thấy chúng ta cần đến tình yêu và sức mạnh của Người để thực thi ý Người Ðức Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra với mình. Trong bữa tiệc ly với 12 môn đệ, người đặt để họ trong thái độ kiểm thảo và nghi ngờ (một người trong các ngươi sẽ phản bội ta) để dạy họ xét mình nghiêm túc, để họ không tự đại và nghĩ mình mạnh mẽ. Chúng ta cũng phải xét mình trong ánh sáng chân thật và ân sủng của Chúa, đồng thời xin ngài ban thêm lòng tin, cậy, mến để chúng ta không sa ngã hay lìa bỏ ngài trong những cơn cám dỗ. Bạn có tin tưởng cầu xin khi đọc lời nguyện mà Ðức Giêsu đã dạy: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ (Mt 6,13) không? Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con rất nhu nhược và miễn cưỡng trong việc tập tành các nhân đức và làm điều thiện. Xin thêm sức cho sự yếu hèn của chúng con, để chúng con có thể can đảm trong trận chiến thiêng liêng này; xin Chúa giúp chúng con chống trả lại sự thờ ơ và hèn nhát của mình, và đừng để chúng con phản bội Chúa bao giờ; vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con. (Lời cầu của Toma Kempis) |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn