Thứ Năm tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

Thứ tư - 07/04/2021 08:01

Thứ Năm tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

"Đấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh".

 

 

Lời Chúa: Lc 24, 35-48

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma.

Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

 

 

SUY NIỆM 1: Anh em là chứng nhân

Suy niệm:

Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.

Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.

Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,

nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.

Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,

họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.

Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách

để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.

Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài

để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.

Ngài còn ăn một miếng cá nướng

để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.

Khi các môn đệ yếu đức tin,

họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.

Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,

họ mới thấy Ngài có thực.

Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,

vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,

giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,

hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.

Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.

Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.

Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.

Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.

Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.

Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.

Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.

Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi

ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.

Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.

Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.

Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.

Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.

Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.

Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.

Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,

và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.

Họ phải là nguồn sống dồi dào,

sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.

Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.

Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.

Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.

Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.

Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,

nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,

chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,

bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.

Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.

Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ

thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới

chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,

xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,

xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,

xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,

xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con cảm được

cơn đói đang giày vò bao người,

xin cho con nghe được lời mời của Chúa:

“Các con hãy cho họ ăn đi.”

Ước gì chúng con dám trao

tất cả những gì chúng con có cho Chúa,

để Chúa trao tất cả những gì Chúa có

cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2GIÊSU: ĐIỂM TỚI CỦA THÁNH KINH

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nếu có ai đưa cho ta một bản đồ bí mật chỉ chỗ cất giấu kho tàng, chắc chắn ta không ngần ngại bỏ công sức nghiên cứu tìm tòi cho ra con đường dẫn đến kho tàng đó. Thánh Kinh chính là tấm bản đồ chỉ cho ta chỗ kho tàng chôn giấu trong ruộng. Thánh Kinh cho ta biết kho tàng cao quí nhất là Chúa Giê-su. Sao ta không cất công nghiên cứu kỹ lưỡng tấm bản đồ quí giá này để tìm cho ra kho tàng Giê-su?

Nếu có ai bảo ta Chúa hiện ra ở chỗ này, Mẹ hiện ra ở chỗ nọ, chắc chắn ta không ngại bỏ công sức, thời giờ và tiền bạc để đến kính viếng nơi linh thiêng in dấu chân Chúa, thấp thoáng tà áo Mẹ. Thánh Kinh là nơi Chúa tỏ mình, sao ta không chịu đến chiêm ngưỡng dung nhan thực sự của Chúa?

Thánh Giê-rô-ni-mô quả quyết: Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giê-su. Không biết ở đây không chỉ là không biết đến. Nhưng còn là không biết cặn kẽ. Người Do Thái rất thông thuộc Thánh Kinh. Thế mà không biết Chúa Giê-su.

Hôm nay Chúa Giê-su đã mở lòng trí cho các Tông đồ hiểu Thánh Kinh. Và dẫn chứng Mô-sê, các tiên tri và các Thánh Vịnh đều chép về Người. Và những điều ấy đã được ứng nghiệm.

Trong bài giảng đầu tiên, thánh Phê-rô cũng nhắc lại cho người Do thái thấy mọi điều trong Thánh Kinh, từ Mô-sê cho đến các tiên tri đều ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su là điều Thánh Kinh hướng đến. Người là Đấng hoàn thành lời hứa. Người là Đấng thực hiện những lời tiên báo về Đấng Cứu Thế. Người chính là điểm đến của Thánh Kinh.

Xin cho chúng con biết yêu mến Thánh Kinh. Vì Chúa ẩn mình trong đó. Xin cho con đọc Thánh Kinh với lòng yêu mến. Chỉ có ánh sáng của trái tim mới thấu hiểu được sứ điệp tình thương trong Thánh Kinh. Xin cho con đọc Thánh Kinh với lòng khao khát Chúa. Chỉ có người khát nước mới tìm được nguồn nước hằng sống. Xin cho con biết kiên tâm tìm kiếm Chúa là kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng Thánh Kinh. Xin cho con biết mài dũa Thánh Kinh để lộ ra viên ngọc Giê-su cao đẹp.

 

SUY NIỆM 3: Ðau khổ là một hồng ân

Trong ánh sáng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Khi hiện ra cho hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu đã dẫn giải cho các ông về ý nghĩa của đau khổ trong tương quan với sự phục sinh của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào vinh quang. Cuộc khổ nạn là tiền đề bắt buộc của sự sống lại. Như Phêrô có lần đã can ngăn, các môn đệ khách cũng không chấp nhận được sự kiện Chúa Giêsu phải chết, và vì thế các ông cũng không tin ở sự phục sinh của Ngài.

Trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn vào nỗi cay cực khốn khổ hiện tại của chúng ta. Trong huấn thị về việc làm cho chết êm dịu công bố năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã viết:

"Sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, mang một ý nghĩa đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, đau khổ là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kết hợp với Hy Tế cứu rỗi của Ngài. Hy Tế mà Ngài đã dâng hiến như của lễ đẹp lòng Chúa Cha".

Mẹ Têrêsa Calcutta thì coi đau khổ như một hồng ân của Chúa, Mẹ nói:

"Tôi tự hỏi thế giới này sẽ ra sao, nếu không có những người vô tội đang đền bù cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của những người đau khổ. Ðau khổ không phải là một trừng phạt. Ðau khổ là một hồng ân. Chính vì thế cần có tâm hồn trong sạch để nhận ra bàn tay Chúa, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong đau khổ của chúng ta".

Ước gì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu dọi vào tăm tối của những đau khổ thử thách của chúng ta, để trong mọi sự chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa và làm chứng cho tình yêu ấy bằng thái độ phó thác và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Mở trí cho hiểu Kinh Thánh

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây!” (Lc. 24, 36-39)

Trong đoạn Kinh thánh này, thánh Lu-ca đã thâu tóm lại vào buổi chiều phục sinh tất cả các việc xảy ra suốt bốn mươi ngày từ ngày phục sinh đến ngày Đức Giêsu lên trời. Thực vậy, mười một tông đồ chỉ có thể dần dần “lãnh hội được đầy đủ sứ điệp phục sinh” (theo chú giải bản dịch TOB).

Đối với những kẻ thấy Người họ tưởng là ma, Đức Giêsu đã cho họ xem những lỗ đinh đóng ở chân tay Người. Đối với kẻ quá vui mừng khi thấy Thầy thật rồi, Đức Giêsu cho họ cùng ăn uống với Người. Đối với kẻ coi cuộc thương khó là gương mù, gương xấu, Người giải thích Thánh kinh để họ nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đối với kẻ còn do dự, Người đòi họ trở nên nhân chứng rao giảng Tin mừng từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến cùng cõi trái đất.

Tin Đức Giêsu không phải là đặc ân riêng cho mình, mà chính là ơn gọi làm chứng về Tin mừng đến mọi nơi. Mỗi cuốn Tin mừng đều biểu lộ cho người ta thấy nhiệm vụ chính thức của các tông đồ và của Giáo hội là rao giảng Tin mừng “và có thể chỉ một đoạn nhỏ Tin mừng cũng đủ trình bày tổng quát về ý nghĩa mầu nhiệm phục sinh” (A. George). Đức Giêsu lên trời để Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng cho những chứng nhân của Người thiết lập.

Đức tin của chúng ta phải thành ơn gọi thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi những vấn đề cá nhân để tiến sâu vào sứ mệnh phổ biến ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần luôn linh ứng hướng dẫn Giáo hội, nhưng chính chúng ta chậm trễ theo ơn Ngài, chính những cánh buồm tâm hồn chúng ta không mở căng ra. Các mầu nhiệm nói về các vết thương Đức Kitô như những môi miệng kêu gọi tình yêu của kẻ đã nhận biết. Chúng ta sẽ lấy gì, làm gì để tỏ lòng mến Thiên Chúa? Chịu lấy những vết thương hằn sâu trong hy sinh để thành chứng nhân của Đức Kitô, hay chỉ coi đó là những nhãn mác lòe loẹt ngoài mặt thôi?

Trong khi chờ đợi Chúa lại đến, chúng ta phải sống âm thầm dấn thân mạo hiểm nhiều, chứ không chỉ giải những đáp số, nhưng chịu trách nhiệm săn sóc chăm lo cho chính bản thân mình và anh em mình. Khi Đức Giêsu hiện đến, Người chỉ hỏi một điều giản dị: “Các con có gì ăn không?”. Đối với chúng ta phải sống cuộc đời tạm bợ, phải làm việc mò mẫm luôn, phải kiếm ăn vất vả nặng nhọc … không phải là những chứng nhân diễn kịch cho khán giả coi, nhưng là gợi lên ý nghĩa hy sinh tử đạo …

L.P

 

SUY NIỆM 5: Thầy Ðây Ðừng Sợ

Vào một ngày nọ, từ mảnh vườn nhỏ nằm phía sau nhà, bỗng có một tiếng khóc của cậu con trai duy nhất mới 5 tuổi khiến cho cha mẹ cậu lo lắng. Họ vội vàng bỏ dở công việc chạy ra ẵm lấy cậu bé. Tiếng khóc của cậu nức nở đầy tức tối và tiếc nuối. Vừa khóc, cậu vừa chỉ vào con rùa nằm bật ngửa bất động: con rùa thân yêu của cậu bé đã chết, làm cho cậu bé khóc một hồi rồi mới dỗ dành được. Họ hứa sẽ cử hành đám tang con rùa thật trọng thể. Cha cậu sẽ lấy chiếc hộp sắt đẹp nhất mà bấy lâu nay gia đình đựng bánh kẹo để làm hòm đựng con rùa. Sau khi chôn cất xong, mẹ cậu sẽ làm một bữa tiệc để mời bạn bè của cậu và những người đã dự đám tang con rùa.

Tiếng khóc đã biến mất, thay vào đó là một nụ cười. Ðể trấn an cậu, người cha lại hứa hẹn thêm: "Ba sẽ dẫn con ra phố và mua cho con chùm bong bóng và những quả bóng tròn to tướng, mặc sức con vui đùa với chúng bạn. Ðang khi cậu mỉm cười sung sướng với giấc mơ của mình, thì trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú rùa đã lật sấp trở lại rồi từ từ bò đi. Thấy chú rùa như vậy, cậu bé vội hét lên: "Ba ơi, chúng ta giết quách con rùa đi cho rồi".

Anh chị em thân mến!

Thái độ đau buồn hoặc vui mừng của cậu bé trước cái chết của chú rùa thân yêu cũng giúp cho chúng ta hiểu được tâm trạng của các tông đồ sau cái chết của Thầy mình là Ðức Kitô. Tâm trạng ấy được thánh Luca tường thuật thật rõ nét trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sau khi Chúa Giêsu đã chết và xác Ngài được chôn cất trong mồ, các môn đệ rơi vào tình cảnh đau buồn, tuyệt vọng. Họ ngồi lại với nhau vì sợ người Do Thái; họ ngồi lại với nhau để than khóc u sầu hơn là đợi chờ hy vọng. Có hai môn đệ không chịu nổi cảnh này đã bỏ về quê. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai ông và hai ông vội vã trở về Giêrusalem báo Tin Mừng. Nhóm còn lại vẫn chưa tin việc Chúa Kitô Phục Sinh. Rồi Chúa Giêsu lại hiện ra giữa họ, nhưng họ vẫn nghi ngờ là ma, không nghĩ là Thầy mình. Vì thế, Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy thân xác thật sự của Ngài. Họ vẫn chưa tin, Ngài lại phải xin một miếng cá nướng và ăn uống bình thường với họ và họ được trấn an.

Tuy nhiên, chỉ khi được Kinh Thánh soi sáng về ý nghĩa biến cố Tử Nạn và Phục Sinh, chỉ khi được Chúa Giêsu soi lòng mở trí cho thì các môn đệ mới vững tâm và vui mừng thật sự. Và chính lúc này Ngài trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui: vui vì được Chúa từ trời cao xuống viếng thăm, vui vì được ban tặng ơn cứu rỗi, vui vì từ thân phận nô lệ tội lỗi được nâng lên hàng con cái và vui vì cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đang đón chờ. Một tôn giáo của niềm vui nhưng đã bị coi là tôn giáo của khổ chế, hy sinh, và thập giá vì cuộc sống của các thành viên chưa phản ánh đủ căn bản của niềm tin, như các môn đồ được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thực tế, cuộc sống trước mắt đã khiến cho các Kitô hữu u buồn và bi quan mà quên đi sự cao quí của hy sinh Thập Giá. Ðau khổ dẫn đến vinh quang. Cái chết trên Thập Giá sẽ mang lại sự phục sinh khải hoàn. Ðành rằng, con người bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, không thể biến viễn ảnh thành hiện tại.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà viễn ảnh trở thành ảo ảnh phản ánh Phục Sinh vinh quang của Kitô hữu là nối dài của điểm khởi đầu biến cố Phục Sinh của Ðức Kitô. Ðây là một biến cố đã được Ðức Kitô báo trước và đã xảy ra và mãi mãi là chất men làm sống dậy những cuộc sống khác.

Lạy Chúa, trên hành trình đức tin, nhiều lúc con đã ngại ngùng sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi con bước tới. Con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Xin Chúa cho con hiểu rằng, bên trên các gai nhọn là đóa hồng rực rỡ. Bên trên lớp mây mù ảm đạm là vầng thái dương huy hoàng. Có được một xác tín như vậy, chắc chắn cuộc sống của con sẽ là chuỗi ngày vui mừng, hy vọng và tràn trề cậy trông vào Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 6: “BÌNH AN CHO ANH EM” (Lc 24, 35-48)

Xem lại CN III Phục Sinh B

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người vênh vang tự đắc, kiêu ngạo, ích kỷ, bất nhân và luôn tìm cách hại người khác bằng nhiều thủ đoạn...! Lại có những người tự ty, buồn khổ, chán trường, thất vọng và đôi khi lại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc sống mà họ cho là “bể khổ” trần ai.

Cả hai lựa chọn trên đều không tốt và không có hậu. Như thế, họ đều là những người gây gương xấu. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề khiến cho họ có những lựa chọn như vậy là: không có bình an thực sự trong tâm hồn.

Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông.

Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi thấy Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông.

Biết được tâm lý nơi môn sinh của mình, nên sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông và câu đầu tiên Ngài ban cho các ông là: “Bình an cho anh em”.

Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những ngày đen tối trong lo âu sợ hãi...

Khi ban bình an cho các ông, Đức Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi đến tự ty, sự ngờ vực đến thất vọng... và khơi gợi lên trong lòng họ niềm tin và sự gắn bó với sứ vụ mà Ngài sắp trao phó.

Cũng từ đây, Đức Giêsu đã khai mở lòng trí để họ nhớ lại những đoạn Kinh Thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài đã thi hành.

Đến đây, các ông xác tín chính là Thầy mình đang hiện diện ở giữa họ, nên họ vui mừng khôn tả.

Chính niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng, vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ nghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Trở thành nhân chứng của Ngài khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Nhưng trước hết, chúng ta phải có được sự bình an của Chúa trong tâm hồn, để đẩy lui những lo lắng, sợ hãi, bực bội, tức giận, hận thù, ganh ghét, kiêu ngạo..., có thế, chúng ta mới trở nên chứng nhân của Chúa cách đúng nghĩa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban bình an của Chúa xuống cho chúng con, xin cho chúng con sau khi đã đón nhận được bình an của Chúa thì cũng biết chia sẻ bình an đó cho anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Chúa Phục Sinh ban bình an

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: “Đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống”. Ông đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: Đó là sự bình an”.

Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con” (Trích Lẽ sống).

Suy niệm

Khi các tông đồ đang tụ họp nghe các môn đệ từ Emmaus trở về tường thuật gặp Chúa Phục Sinh. Các ông đang bàn tán, tranh luận. Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, các ông sợ hãi vì tưởng thấy ma! Chúa nói: “Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24,38).

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta luôn phải đối diện với sự sợ hãi từ nhiều hoàn cảnh làm tác động đến tâm lý: trước một sự nguy hiểm mà chúng ta gặp phải hay một mối nguy chúng ta được cảnh báo như thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh. Có khi chúng ta hoang mang chính mình vì sợ bị thất bại, những lo lắng thái quá đó làm chúng ta sống thiếu bình an. Đôi khi sợ khẳng định mình vì tự kỷ mình thua kém người khác trong học tập, trong công việc... Sợ vì một sự việc đã xảy ra nơi bản thân hoặc gia đình vì cảnh chết chóc của chiến tranh, vượt biên hoặc lo lắng sợ hãi những chuyện không vui, thiếu may mắn và nguy hiểm sẽ xảy ra trong hiện tại hoặc tương lai cho bản thân hoặc gia đình mình như gặp tai ương.

Chúng ta hoang mang khi nghe hoặc nhìn thấy những sự việc, hiện tượng hoặc chính bản thân mình cảm nghiệm như tai nạn, tra tấn, tù đày… Sợ phải sống trong những đau khổ về tinh thần, sợ mất những gì chúng ta đang có, sợ những đau đớn về thể lý, bệnh nan y của thời đại. Chúng ta cần có sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc đời như Ngài hiện diện giữa lúc các môn đệ đang hoang mang sợ hãi.

Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”… cùng với các môn đệ chia sẻ bữa ăn và mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh để các ông hiểu về sự chết và phục sinh của Ngài ứng nghiệm Kinh Thánh. Ðức Giêsu Phục Sinh cũng hiện diện và chúc lành cho mọi gia đình hòa thuận, khu xóm an vui, giáo xứ êm ấm... là những cộng đoàn được Chúa chúc phúc…

Xin Chúa Phục Sinh đến với gia đình chúng ta, giáo xứ cộng đoàn và làm nên sự hiệp nhất. Chính Ngài hướng dẫn và đem bình an hạnh phúc cho chúng ta.

Ý lực sống: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con” (Ga 14,27).

 

SUY NIỆM 8: Đời sống chứng nhân

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Thánh Luca tiếp tục tường thật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Phục sinh, lần này là hiện ra cho các Tông đồ ở Giêrusalem:

a) Hai môn đệ Emmau vừa trở về báo tin cho các Tông đồ hay là Đức Giêsu đã sống lại.

b) Đức Giêsu hiện ra với các ông ở nhà Tiệc ly:

- Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước (có tay chân xác thịt, biết ăn uống).

- Ngài cắt nghĩa bài học Kinh Thánh: Đức Kitô phải trải qua cái chết mới tới phục sinh.

- Ngài bảo các ông hãy nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.

2. Ban tối, khi các Tông đồ đang tụ họp trong nhà Tiệc ly để nghe các môn đệ từ Emmau trở về thuật lại việc đã gặp Chúa Phục sinh. Các ông đang bàn tán, tranh luận, Chúa Phục sinh hiện ra với các ông làm các ông hoảng sợ vì thấy ma! Nhưng Chúa đã trấn an các ông: “Sao anh em lại hoảng hốt, Thầy đây”(Lc 24,38).

Đức Giêsu không một lời trách móc về sự cứng tin của các ông, lại còn chúc lành và còn cho các ông xem các thương tích của Ngài, ăn cá nướng và mật ong trước mặt các ông, để chứng minh cho các ông biết chính là Ngài chứ không phải là ai khác, là người đã sống với các ông trước đây. Với tất cả những lời nói và cử chỉ đó, Chúa muốn minh chứng cho các môn đệ biết Ngài đã sống lại thật sự.

3. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: ma đâu có xương thịt như Thầy có đây” (Lc 24,39).

Đức Giêsu xác định cho các môn đệ là chính Ngài, không là ai khác, Ngài có xương có thịt như xưa. Vì vậy ngày nay Chúa Phục sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không  phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.

4. “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ phải là chứng nhân của Ngài. Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu Thế... các ông đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các Ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

5. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Không cần phải làm những công việc hiển hách, lớn lao, chỉ làm những công việc bình thường theo nhiệm vụ của mình, miễn sao làm gương sáng cho người khác để từ đó họ sẽ biết Chúa.

Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayer đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau: “Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

 “Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự: “Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn vô cùng”.

Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin Mừng theo thánh Matthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng: “Các con là ánh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời” (Hạt giống âm thầm, tr 178).

6. Truyện: Làm chứng bằng đời sống.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài “Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến của những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hòa hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn, không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở báo chí, phim ảnh... chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình Công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

SUY NIỆM

Lời mời gọi cuối cùng Đức Ki-tô phục sinh ngỏ với các tông đồ, và qua các ngài, với tất cả chúng ta, là mời gọi trở thành chứng nhân : «Chính anh em là những chứng nhân về những điều này » (c. 48). Nhưng đâu là cách thức hay con đường để trở thành chứng nhân của Đức Ki-tô ?

Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên ; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay. Có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau : kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh.

 1. Kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân (c. 35)

Kinh nghiệm đầu tiên là kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân. Điều này có nghĩa là, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngạc nhiên, vì kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (c. 35)

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Đức tin và ơn gọi của chúng ta cũng dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Theo trình thuật Tin Mừng, kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô phục sinh được diễn ra theo hai cách thức :

  • Cách thứ nhất : Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp.
  • Cách thứ hai : Ngài mở trí để hiểu toàn bộ Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, tương tự Ngài đã thực hiện đối với hai môn đệ Emmau.

 2. Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra (c. 36-43)

Ngay cả khi Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp, các tông đồ và các bạn vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra Ngài là ai ; điều này chứng tỏ, Ngài vẫn là Ngài trước đó, nhưng đã đi vào một cách thể hiện hữu khác hẳn, vượt qua bình diện thể lí[1] :

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: « Bình an cho anh em! » Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma ! (c. 36-37)

Chúng ta hãy đồng cảm với các ông trong sự sợ hãi. Bởi vì, các ông thực sự có đủ lí do để sợ hãi : chúng ta hãy tưởng tượng, một người thân yêu đã chết, đã được chôn táng, và mọi sự đã diễn ra được mấy ngày rồi ; vậy mà giờ đây lại thấy xuất hiện ngay trước mặt chúng ta ! Chính vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Ki-tô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không « thấy » Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao : « Phúc cho những ai không thấy mà tin » (Ga 20, 29)[2]. Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ. Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Ki-tô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ « bẻ bánh », trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.

Sau khi phục sinh, Đức Ki-tô đi vào trong sự sống mới, vượt không gian và thời gian. Chính vì thế, người ta không bao giờ nhận ra Chúa ngay ; đó là trường hợp của bà Maria Magdala, hai môn đệ Emmau, mười một tông đồ và các bạn hữu. Chỉ khi nào Chúa cho nhận ra, thì mới nhận ra, như ở đây :

  • Nhìn chân tay thầy coi…”. Ngôi vị lạ lùng mà họ đang gặp gỡ cũng chính là ngôi vị đã từng sống với họ, và nhất là cũng chính là ngôi vị đã bị đóng đinh.
  • Chúa muốn « ăn », để gợi lại những bữa ăn xưa kia ; như trường hợp bữa ăn đối với hai môn đệ Emmau.

Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh. Chân lí này có ý nghĩa trọng đại cho đức tin của chúng ta:

  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa là một, nhưng cũng rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài: đó là những vết thương, những dấu đinh ở chân tay, vết đâm ở cạnh sườn… Điều này mang lại cho chúng ta tràn đầy niềm vui và hi vọng, vì lòng thương xót, ơn tha thứ và ơn chữa lành được bày tỏ trong cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa, mãi mãi tồn tại nơi Đức Ki-tô phục sinh. Bởi vì, “muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui phục sinh, và sự sống phục sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay. Như thánh Phao-lô nói:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

3. Kinh nghiệm nhận biết Đức Ki-tô ngang qua Kinh Thánh (c. 44-48)

Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giê-su và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp : như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (c. 44-45)

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”

Bởi vì, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách (Sách Thánh); nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua của Đức Ki-tô.

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2021
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chính vì thế, không nên hữu hình hóa Đức Ki-tô phục sinh, chẳng hạn bằng việc đúc tượng. Vì nhận ra Đấng Phục Sinh luôn luôn là một kinh nghiệm thiêng liêng, và do đó, chỉ có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ của các Tin Mừng và bằng việc chia sẻ thiêng liêng mà thôi. Khi hữu hình hóa Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có nguy cơ làm sai lạc sự hiện diện « phi thể lí », vượt không gian và thời gian, sống động và mới mẻ của Người.

[2] Ma quỉ hiện ra nhiều lần nói với một vị ẩn tu : « Ta là Đức Ki-tô đây ». Nhưng lần nào, vị ẩn tu cũng cúi mặt xuống không thèm nhìn. Một ngày kia, ma quỉ sốt ruột hỏi : « Đức Ki-tô đây, tại sao thầy không ngước lên mà nhìn ? ». Vị ẩn tu trả lời : « Tôi không cần phải ‘thấy’ Đức Ki-tô để sống đức tin và đời tu của mình ! » (tuyển tập « Chuyện các vị ẩn tu »).
 

Đức Giêsu mở trí họ để họ hiểu được Kinh Thánh – SN song ngữ 8.4.2021

 
 

Thursday (April 08): Jesus opened their minds to understand the Scriptures

 

Scripture: Luke 24:35-48

35 Then they told what had happened on the road, and how he was known to them in the breaking of the bread. 36 As they were saying this, Jesus himself stood among them. 37 But they were startled and frightened, and supposed that they saw a spirit. 38 And he said to them, “Why are you troubled, and why do questionings rise in your hearts? 39 See my hands and my feet, that it is I myself; handle me, and see; for a spirit has not flesh and bones as you see that I have.” 41 And while they still disbelieved for joy, and wondered, he said to them, “Have you anything here to eat?” 42 They gave him a piece of broiled fish, 43 and he took it and ate before them. 44 Then he said to them, “These are my words which I spoke to you, while I was still with you, that everything written about me in the law of Moses and the prophets and the psalms must be fulfilled.” 45 Then he opened their minds to understand the Scriptures, 46 and said to them, “Thus it is written, that the Christ should suffer and on the third day rise from the dead, 47 and that repentance and forgiveness of sins should be preached in his name to all nations, beginning from Jerusalem. 48 You are witnesses of these things.

Thứ Năm     8-4                 Đức Giêsu mở trí họ để họ hiểu được Kinh thánh  

 

Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? “42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

Meditation: 

 

Aren’t we like the apostles? We wont believe unless we can see with our own eyes. The Gospel accounts attest to the reality of the resurrection of Jesus from the grave. Jesus goes to great lengths to assure his disciples that he is no mere ghost or illusion. He shows them the marks of his crucifixion and he explains how the Scriptures foretold his death and rising.

Jerome (347-420 AD), an early church bible scholar, comments:

“As he showed them real hands and a real side, he really ate with his disciples; really walked with Cleophas; conversed with men with a real tongue; really reclined at supper; with real hands took bread, blessed and broke it, and was offering it to them… Do not put the power of the Lord on the level with the tricks of magicians, so that he may appear to have been what he was not, and may be thought to have eaten without teeth, walked without feet, broken bread without hands, spoken without a tongue, and showed a side which had no ribs.” (From a letter to Pammachius against John of Jerusalem 34)

The door to heaven and key to paradise is through the cross

The centrality of the Gospel message is the cross – but fortunately it does not stop there. Through the cross Jesus defeated our enemies – death and Satan and won pardon for our sins. His cross is the door to heaven and the key to paradise. The way to glory is through the cross. When the disciples saw the risen Lord they disbelieved for joy! How can death lead to life, the cross to victory? Jesus shows us the way and he gives us the power to overcome sin and despair, and everything else that would stand in the way of his love and truth. Just as the first disciples were commissioned to bring the good news of salvation to all the nations, so, we, too, are called to be witnesses of the resurrection of Jesus Christ to all who live on the face of the earth. Do you witness the joy of the Gospel to those around you?

 

 

“Lord Jesus, open our minds to understand the Scriptures that we may fully comprehend the truth of your word. Anoint us with your power and give us joy and boldness to proclaim the Gospel in word and deed.”

Suy niệm:

 

Chẳng phải chúng ta cũng giống như các tông đồ sao? Chúng ta không tin trừ khi chúng ta nhìn bằng chính đôi mắt của mình. Các Tin mừng làm chứng về thực tại của sự sống lại. Ðức Giêsu đi một đoạn đường dài để bảo đảm với các môn đệ rằng Người không phải là ma hay là sự ảo giác. Người cho họ thấy những dấu đinh và giải thích Kinh thánh đã tiên báo về cái chết và phục sinh của Người như thế nào.

Giêrome (347-420 AD), nhà thông thái về Kinh thánh ở thời sơ khai của Giáo hội giải thích:

“Khi Người bày tỏ cho họ thấy: đôi tay và cạnh sườn thật của mình, Người thật sự ăn uống với các môn đệ; thật sự đi với Cleophas; nói chuyện với họ bằng lưỡi thật; thật sự nằm dựa ở bữa ăn; với đôi tay thật bẻ bánh, chúc tụng, bẻ ra, và trao nó cho họ. Đừng đặt quyền năng của Chúa ngang hàng với những trò mánh khóe của các nhà ảo thuật để Người có thể xuất hiện với những gì Người không có, và nghĩ rằng Người ăn mà không có răng, bước đi mà không có chân, bẻ bánh mà không có tay, nói chuyện mà không có lưỡi, và cho thấy cạnh sườn mà không có xương.” (Trích từ lá thư gởi cho Pammachius chống lại Gioan thành Giêrusalem 34, ở thế kỷ thứ 5).

Cánh cửa và chìa khóa để vào được Thiên đàng phải đi qua thập giá

Điểm quy chiếu của Tin mừng là thập giá; nhưng may mắn thay, nó không dừng lại ở đó. Ngang qua thập giá, Ðức Giêsu đã đánh bại những kẻ thù của chúng ta – sự chết và Satan, và đem lại ơn tha thứ cho những tội lỗi của chúng ta. Thập giá của Người là cửa vào Thiên đàng và là chìa khóa để vào Thiên đàng. Con đường vinh quang phải kinh qua thập giá. Khi các môn đệ nhìn thấy Chúa phục sinh, họ không tin đó là niềm vui! Làm thế nào cái chết dẫn tới sự sống và thập giá dẫn tới chiến thắng được? Ðức Giêsu chỉ cho chúng ta con đường và ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi, thất vọng, và mọi thứ khác có thể cản đường yêu thương và chân lý của Người. Giống như các môn đệ đầu tiên được trao phó nhiệm vụ đem Tin mừng cứu rỗi cho mọi quốc gia, chúng ta cũng được kêu gọi trở nên những nhân chứng về sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô cho tất cả những người đang sống trên mặt đất này. Bạn có làm chứng cho niềm vui của Tin mừng cho những người xung quanh bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng trí chúng con để hiểu được Kinh thánh để chúng con có thể hiểu trọn vẹn chân lý của lời Chúa. Xin đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa và ban cho chúng con sự dũng cảm để rao giảng Tin mừng trong lời nói và việc làm.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây