Tin vui: Giáo Hội sắp phong chân phước cho vị giám mục phi thường trong cuộc sống thường nhật

Thứ ba - 16/02/2021 08:06

1. Đức Tổng Giám Mục San Francisco: Chính quyền không thể đóng cửa nhà thờ, 'khoa học' đứng về phía chúng tôi

Các quan chức chính phủ không thể đóng cửa các nhà thờ viện cớ việc thờ phượng là “không thiết yếu” trong đại dịch — đặc biệt là khi họ đang mâu thuẫn với “khoa học” khi làm như vậy, Đức Tổng Giám Mục San Francisco viết hôm thứ Năm.

Người Công Giáo “có bằng chứng khoa học chứng minh một cách tích cực rằng chúng tôi có thể cử hành Thánh lễ an toàn trong nhà”, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã đưa ra lập trường trên trong một bài báo cho Wall Street Journal hôm thứ Năm.

Ngài viết bài báo sau khi Tòa án Tối cao vào ngày 5 tháng 2 ra phán quyết rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của tiểu bang California là vi hiến.

“Giới tinh hoa chính trị ban hành lệnh y tế mà bản thân họ không tuân theo đang gây phẫn nộ, và hủy hoại vô số sinh kế mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho hành động đó”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý, khi nhắc đến các quan chức chính phủ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng.

Cordileone nói thêm rằng những tình tiết như vậy “đặc biệt” gây phẫn nộ cho người Công Giáo, những người đã có bằng chứng khoa học rằng các Thánh lễ trong nhà có thể được cử hành một cách an toàn.

“Chỉ có thẩm quyền tôn giáo mới có quyền quyết định những nghi lễ tôn giáo là rất cần thiết cho người dân của họ”, ngài viết.

Trận chiến của Tổng giáo phận San Francisco để được cử hành thánh lễ

Tổng giáo phận San Francisco đã đấu tranh với chính quyền trong nhiều tháng về việc hạn chế thờ phượng. Sau khi các nhà thờ bị đóng cửa trong nhiều tháng do đại dịch, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã diễn hành trong các cuộc rước Thánh Thể ngoài trời để phản đối, và nói rằng những hạn chế này đang chế nhạo Chúa Kitô.

Vào giữa tháng 9, thành phố cho phép tổ chức các buổi thờ phượng ngoài trời với sức chứa 50 người cùng một lúc, nhưng vẫn chỉ cho phép một người tại một thời điểm bên trong nhà thờ. Sau khi Bộ Tư pháp thông báo với thành phố các quy tắc của họ có thể vi hiến, San Francisco sau đó đã cho phép thờ phượng trong nhà ở mức 25% công suất.

Sau đó vào tháng 11, tiểu bang xác định rằng các quận San Francisco và San Mateo là một trong những khu vực có nguy cơ lây lan COVID-19 cao nhất. Theo quy định của tiểu bang, các quận không được phép tổ chức các buổi thờ phượng trong nhà — mặc dù các cơ sở kinh doanh khác như tiệm làm tóc và làm móng, tiệm mát-xa và tiệm xăm vẫn có thể mở cửa.

Những người chỉ trích lệnh này lưu ý rằng việc thờ phượng tôn giáo bị đối xử khắc nghiệt hơn là các hoạt động thế tục.

Một tuần trước lễ Giáng sinh, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã hướng dẫn các linh mục dâng Thánh lễ trong nhà “nếu thời tiết hoặc sự an toàn” đòi hỏi phải bất tuân lệnh của nhà nước về việc thờ phượng trong nhà.

“Tôi biết người dân của tôi phải có quyền viếng Thánh Thể, dù mưa hay nắng”, ngài nói trong bài viết của mình. Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý rằng ngài đã thiết lập các biện pháp an toàn cho các Thánh lễ trong nhà, bao gồm giới hạn số người tham dự ở mức 20% và yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.

Vào ngày 5 tháng 2, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỉ số 6-3 rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của California là vi hiến. Tòa án phán quyết rằng tiểu bang có thể giới hạn công suất trong nhà tại các buổi thờ phượng tối đa là 25% công suất, đồng thời cho phép tiểu bang cấm ca hát trong các buổi lễ.

Vào thời điểm ra phán quyết, tiểu bang đã đặt gần như tất cả các quận trong mức giới hạn hàng đầu dành cho những khu vực có khả năng lây lan virus tồi tệ nhất. Vì vậy, nhà nước đã có một lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc thờ phượng trong nhà.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone gọi quyết định này là “một bước tiến rất quan trọng đối với các quyền cơ bản”.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà với những hạn chế, các quan chức địa phương đã gửi cảnh báo đến các giáo xứ và sở y tế của thành phố đã đưa ra hai lệnh buộc tội vi phạm.

Sau chiến thắng tại Tòa án Tối cao, ngài nói rằng các Thánh lễ ngoài trời sẽ tiếp tục “khi thời tiết cho phép”. Nhưng quyết định này cho phép chúng tôi thực hiện quyền tự nhiên được bảo vệ theo hiến pháp của mình là thờ phượng Thiên Chúa mà không sợ bị các quan chức chính phủ quấy rối”, ngài viết.
Source:Catholic News AgencySan Francisco archbishop: State can't close churches, 'science' is on our side
2. Án phong chân phước của vị giám mục được biết đến với ‘tính phi thường trong cuộc sống thường nhật’

Hôm thứ Sáu 12 tháng 2, Giáo phận Rôma đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của án phong chân phước cho một giám mục người Ý và là người sáng lập Phong trào Ủng Hộ Việc Nên Thánh.

Tôi tớ Chúa Guglielmo Giaquinta “ không phải là một người đàn ông hay một linh mục bình thường: ngài mang trong mình những điều phi thường được thể hiện qua cuộc sống thường nhật nơi các cử chỉ, lời nói, và sứ vụ của ngài” Marialuisa Pugliese, cáo thỉnh viên án phong Chân Phước của ngài, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA,.

Đức Cha Giaquinta, qua đời năm 1994 ở tuổi 79, đang trong tiến trình phong chân phước. Án phong thánh của ngài đã được mở ra vào năm 2004 với một cuộc điều tra về sự thánh thiện của ngài.

Sinh ra ở Sicily, Cha Giaquinta thi hành chức vụ linh mục của mình ở Rôma cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục Tivoli.

Ngài đã dành cả cuộc đời mình để cổ vũ sự kêu gọi nên thánh toàn cầu. Để thúc đẩy sứ mệnh này, ngài đã thành lập Phong trào Pro Sanctity - Ủng Hộ Việc Nên Thánh, bao gồm một hội dòng dành cho các phụ nữ thế tục và một hội dòng dành cho các linh mục.

Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã chính thức khép lại giai đoạn cấp giáo phận về án phong chân phước cho Đức Cha Giaquinta trong một nghi thức được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 12 tháng 2.

Trong giai đoạn này, Pugliese giải thích, tòa án của giáo phận Rôma có mục tiêu thu thập “các tài liệu và tác phẩm để tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng của vị Tôi tớ Chúa, cũng như tìm kiếm những lời chứng về việc thực hiện các nhân đức và các dấu chỉ có thể có của một danh tiếng về sự thánh thiện”.
Source:Catholic News Agency
Beatification cause of bishop known for ‘ordinary extraordinariness’ moves forward
3. Giám mục Công Giáo ở điểm nóng Mozambique được chuyển đến một giáo phận ở Brazil

Hôm thứ Năm, trong một diễn biến hiếm thấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một giám mục Công Giáo đang phục vụ tại một giáo phận bị xung đột ở Mozambique để lãnh đạo một giáo phận ở quê hương Brazil của ngài.

Việc bổ nhiệm này liên quan đến Đức Cha Luiz Fernando Lisboa, Giám mục Giáo phận Pemba từ năm 2013. Ngài được bổ nhiệm coi sóc Giáo phận Cachoeiro de Itapemirim ở Vùng Đông Nam Brazil.

Hôm 11 tháng 2, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong cho vị giám mục 65 tuổi, thuộc Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là Passionists, tước hiệu “Tổng Giám Mục ad personam” – “ad personam” là tiếng Latinh, có nghĩa là trên cơ sở từng trường hợp nhất định, không phải luật chung.

“Tổng Giám Mục ad personam” là cấp bậc mà Đức Giáo Hoàng phong cho một số giám mục nhất định không phải là giám mục của các tổng giáo phận. Vì vậy, chức danh tổng giám mục được trao cho cá nhân ngài chứ không phải vì giáo phận mà ngài cai quản là một tổng giáo phận.

Sau tin tức về việc thuyên chuyển và nâng cấp lên hàng Tổng Giám Mục của Đức Cha Lisboa, các giám mục Công Giáo ở Mozambique đã bày tỏ sự cảm kích đối với sứ vụ của ngài trong cộng đồng dân Chúa ở quốc gia miền nam Phi châu.

Trong một tuyên bố, các thành viên của Hội đồng Giám mục Mozambique cho biết: “ Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng tôi, kể từ năm 2013 cho đến rất gần đây, nhà truyền giáo vĩ đại đến từ Brazil này làm giám mục Giáo phận Pemba yêu dấu của chúng tôi”.

“Chúng tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Dom Luís Fernando Lisboa vì công việc mục vụ quên mình đã được thực hiện giữa chúng tôi, trong Hội đồng Giám mục Mozambique và tại quốc gia này, ngay cả trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn như vậy”.

Với tư cách là Giám mục của Pemba, Đức Cha Lisboa là người thẳng thắn bảo vệ người dân của vùng Cabo Delgado gặp khó khăn ở phía bắc Mozambique, nơi thường xuyên là một mục tiêu bạo lực của các nhóm khủng bố Hồi giáo.

Đức Cha Lisboa sinh năm 1955 tại Barão de Japarana, Brazil. Ngài gia nhập chủng viện năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1983.

Năm 2001, ngài được cử đi truyền giáo đến Giáo phận Pemba, nơi ngài đảm nhiệm chức vụ phó xứ, linh mục quản xứ và giáo sư tại chủng viện Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Pemba vào tháng 6 năm 2013 và được tấn phong giám mục vào tháng 8 năm đó.

Năm 2018, Đức Cha Lisboa là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mozambique và điều phối viên của bộ phận xã hội của các giám mục.

Phát biểu với Radio Itapemirim ngay sau khi nhận được bổ nhiệm mới, Đức Cha Lisboa cho biết: “Tôi là một nhà truyền giáo và tôi đã đến Phi Châu và làm việc ở đó gần 20 năm; Tôi sẽ tiếp tục với tư cách là một nhà truyền giáo, bây giờ ở đây trên đất Brazil và trong Giáo phận Cachoeira de Itapemirim thân yêu này”.

“Tôi rất hạnh phúc với sự khởi đầu mới này, vì cuộc sống của chúng tôi chỉ như vậy, luôn là một khởi đầu mới. Và tôi sẵn sàng học hỏi, bởi vì tôi biết tôi sẽ phải học”.
Source:Catholic News Agency
Catholic bishop in Mozambique hotspot transferred to Brazilian diocese

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây