Cúi Mình Xuống
Thứ năm - 02/01/2020 01:38
Cúi Mình Xuống
Lễ Hiển Linh
Hành hương Đất Thánh, khi đến Bêlem thăm Vương cung Thánh đường Giáng sinh, ai cũng trầm trồ và ngạc nhiên.
Thánh đường nguy nga đồ sộ nhưng cửa chính lại rất thấp và hẹp, chiều cao chừng 1mét, chiều rộng chừng 80 phân nên chỉ đủ chỗ cho một người “chui” vào. Có lẽ khi xây dựng, tác giả muốn nói đến ý nghĩa tâm linh. Muốn bước vào bên trong Thánh đường nơi Chúa Giáng Sinh, thì dù là ai đi nữa, thuộc màu da, chủng tộc, tôn giáo nào, dù là đấng bậc nào trong xã hội, tất cả đều phải cúi mình xuống thấp mà đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường, cúi mình để thờ lạy Thiên Chúa.
Thiên Chúa làm người, làm một Hài Nhi nằm trong máng cỏ.Thiên Chúa hạ mình và Ngài thật gần gũi con người.
Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do-thái.Từ nay, con người có thể gặp Thiên Chúa không chỉ trong đền thờ Giêrusalem mà còn nơi máng cỏ nghèo hèn. Từ nay gặp gỡ Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho tư tế mà còn cho những người bình thường như các mục đồng.
Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.Gặp gỡ Thiên Chúa không dành riêng cho dân tuyển chọn nhưng còn cho các đạo sĩ, những người từ phương Đông, những người không thuộc dân riêng của Thiên Chúa.
Như vậy, lễ Hiển linh là lễ Giáng sinh trọn vẹn, Thiên Chúa đến với con người, đến với tất cả mọi người.
Gaspar, Melchior và Balthasar là ba nhà Đạo Sĩ nổi tiếng ở Đông Phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoa học vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến Bê-lem, xứ Giu-đê để thờ lạy Đấng Cứu Thế. Họ đã dâng cho Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.
“Thấy” và “đến” là hai động từ diễn tả cuộc hành trình của ba nhà Đạo Sĩ. “Thấy ngôi sao”, hành vi không chỉ đơn thuần là những xung động của giác quan mà còn bao hàm cả một quá trình suy tư, phân định để đi tới nhận thức: đây chính là “ngôi sao của Ngài”. Lời trần tình của các nhà đạo sĩ “chúng tôi thấy” và “chúng tôi đến”- nghe thật giản đơn và dễ dàng; thế nhưng, trong thực tế, họ đã phải trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm, có lúc đã tưởng chừng như tuyệt vọng, mới có thể “đến để thờ lạy” Vị Vua mới sinh này.
Chúng ta cùng dừng lại nơi Hang đá Bê-lem có Hài Nhi Giêsu để suy niệm về sự lạ lùng của cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa các Mục Đồng, các Đạo Sĩ với Đấng Cứu Thế. Chỉ có các Mục Đồng, các Đạo Sĩ tìm gặp được Chúa. Có các Thiên thần, có một ngôi sao rực rỡ trong ánh sáng thần linh chiếu sáng cho họ. Đức Cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.
Khi các Mục Đồng canh giữ chiên ở ngọn đồi Bê-lem, họ bỡ ngỡ vì vẻ đẹp của Thiên Thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa (Lc 2, 10-12). Còn các Đạo Sĩ ở bên kia xứ Ma-đi-an và Ba-tư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến Hang đá tìm gặp Hài Nhi.
Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các Mục Đồng và các Đạo Sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một Hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ Máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Đó là các Mục Đồng và các Đạo Sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.
Các Mục Đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Đêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết Đấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong Hang đá Bê-lem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Đấng Chăn Chiên của họ.
Các Đạo Sĩ tìm gặp Đấng Cứu Thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Đối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba Đạo Sĩ làm cho họ lên đường khám phá.
Chính nhà bác học Newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Đối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của Thiên Chúa. Thế nên các Đạo Sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Đến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các Đạo Sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì Ngài sẽ là Tư Tế. Mộc dược, vì Ngài sẽ chết như mọi người. Các Đạo Sĩ đã tìm gặp được Đấng Khôn Ngoan.
Chỉ có các Mục Đồng và các Đạo Sĩ đã tìm gặp được Đấng Cứu Thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo Do thái không gặp được Ngài. Bởi lẽ: “Các Luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các Thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các Kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi Hài Nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc” (Đức Cha Bùi Tuần).
Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri... nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những Hê-rô-đê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy Thiên Chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các Mục Đồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các Đạo Sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi Giáo Hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.
Điều kiện tiên quyết để gặp được Thiên Chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các Mục Đồng mới gặp được Thiên Chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các Đạo Sĩ gặp được Thiên Chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.
Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã Giáng sinh trong Hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Các Mục Đồng và các Đạo Sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong Hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy Hài Nhi, Đấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các Mục Đồng và các Đạo Sĩ quỳ gối, có lẽ các Đạo Sĩ ghen với các Mục Đồng vì con đường của các Mục Đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.
Các Thượng Tế, các Kinh Sư thông hiểu Thánh Kinh, họ cắt nghĩa cho Hê-rô-đê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm Đấng Thiên Sai trong Thánh Kinh, nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những tâm hồn đơn sơ như các Mục Đồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các Đạo Sĩ lại được hạnh phúc nhận biết Người.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh Kinh, qua Giáo Hội, qua các Bí Tích, qua cuộc sống hàng ngày. Để gặp Ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.
Lễ Hiển linh cho thấy niềm vui lớn lao của Giáo Hội sơ khai khi thấy dân ngoại sẵn sàng đón nhận Tin Mừng qua ánh sao, qua lời rao giảng của các Tông đồ, của những người làm chứng. Lời nói của các vị đạo sĩ gợi lên cho chúng ta một trách nhiệm: "Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở phương Đông và chúng tôi đến để triều bái Người"(Mt 2,2). Trách nhiệm ở đây chính là Kitô hữu có trở nên là ngôi sao sáng cho thế giới hôm nay chưa? Nếu xưa kia, Chúa dùng ngôi sao để dẫn đường cho những người thiện tâm biết đến thờ lạy Chúa thì ngày nay, không thiếu gì người đến được với Chúa là nhờ những ngôi sao sống động của các Kitô hữu. Đời sống, gương lành, nhân đức của các Kitô hữu làm cho họ trở nên những ngôi sao sáng. Ánh sáng đó tỏa ra qua những công việc hằng ngày, nhờ vậy người ta nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong các Kitô hữu.
Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu cũng chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của mình có ánh sáng, phản chiếu ánh sáng đón nhận từ ơn Chúa ban và từ việc thực hành Lời Chúa trong đời sống hàng ngày.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An