Thành phố Sài Gòn đón lễ Giáng Sinh cách tưng bừng rộn rã. Các bạn trẻ ở đây thích đến nơi đông người có những hang đá được trang hoàng lộng lẫy để chụp hình lên mạng hơn là tìm tới những nơi thinh lặng để chiêm ngắm và cầu nguyện với Hài Nhi Giêsu. Thời nay, người trẻ bị chi phối bởi sự ồn ào bên ngoài nên phần nào làm mờ đi cảm thức về sự thánh thiêng của Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người “vì yêu” thương họ.
Ngày Giáng Sinh, tôi cùng chị em đi thăm viếng, tối về với thân xác mệt nhoài. Dù vậy, tôi vẫn có những phút hồi tâm để tạ ơn Chúa sau một ngày sống. Ở lại với Chúa Giêsu Hài Đồng nơi nhà nguyện nhỏ bé của Học viện, tôi thấy tâm hồn mình như chiếc bình rỗng khô cạn bởi hôm nay tôi đã không có khoảng lặng nào để cho Chúa giáng sinh trong cõi lòng riêng tư của tôi. Vì vậy, những ngày trong tuần bát nhật, tôi đã tạo cho tâm hồn mình có những giờ phút lặng một mình bên Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ để đi sâu vào tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.
Tôi suy niệm và Phúc Âm Gioan với những ý tưởng: Hài Nhi Giêsu là Ngôi Lời (logos) của Thiên Chúa, ĐẤNG MẠC KHẢI CỦA CHÚA CHA. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,1.14) Chỉ mình Chúa Giêsu biết bí mật của Thiên Chúa và Người đã đến để cho con người biết bí mật đó “Hỡi anh Philipphê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Qua Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc di dân từ trời xuống trần gian. Cuộc di dân ấy đã giao duyên lại giữa trần gian với thiêng đàng và nối kết lại tình yêu của con người với Thiên Chúa sau khi tổ tiên loài người phạm tội.
Chúa Giêsu là MỘT CON NGƯỜI đích thực. Một Thiên Chúa có từ đời đời đã đến “cư ngụ” với con người, mang lấy thân phận mỏng manh như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Khi thân xác mệt mỏi, Người ngồi bên bờ giếng xin nước; Người có bạn thân là Ladarô, Marta và Maria và Người cũng khóc khi biết bạn thân Ladarô của mình chết (Ga 11,33.35); Ngài chấp nhận kiếp phù sinh như con người: được sinh ra, lớn lên trong sự giáo dục của cha mẹ…Quả đúng là “Con Thiên Chúa đã trở thành người phàm, để chúng ta trở nên con Thiên Chúa.” (Thánh Athanasiô)
Con Thiên Chúa đến không ồn ào nhưng trong sự nghèo hèn của đêm đông giá lạnh, “Hài Đồng là Lời mà thẳm lặng” (Kinh cầu Đức Chúa Giê su Hài Đồng). Tôi cảm nhận cách sâu sắc về Ngôi Lời chính là tiền thân của đời sống thánh hiến. “Lời mà thẳm lặng” là một chân lý đến từ Thiên Chúa. Chân lý ấy mời gọi tôi đặt đời mình chìm sâu trong sự thẳm lặng của Hài Nhi Giêsu để chiêm ngắm sự vâng phục, nghèo khó trong một tình yêu tuyệt đối của Ngài.
Ở lại trong sự thẳm lặng ấy giúp tôi sống đức khó nghèo và vâng phục với tâm hồn bình an. Nhờ đó, tôi thực hiện những cuộc di dân từ cộng đoàn này đến cộng đoàn khác, từ nông thôn lên miền núi, vào thành phố hay ra khỏi vùng ngoại biên xa xôi. Tôi sẽ tái định cư lại nơi vùng đất mới trong tinh thần từ giận hờn qua yêu thương, từ vị kỷ tới tha thứ và từ vùng bóng tối của tội lỗi trong tâm hồn đến vùng ánh sáng của Thần Linh.
Trong thẳm lặng của Ngôi Lời, tôi sống đức khiết tịnh thánh hiến nơi cộng đoàn với một tình yêu vĩ đại trong sự kiên nhẫn để đón nhận những giới hạn của nhau. Chỉ trong sự thẳm lặng ấy, tôi mới đủ sức thực hiện cuộc biến đổi để sống hòa hợp với chị em. Nhờ cảm nhận mình được yêu, tôi chiến thắng được yếu đuối bên trong của bản thân.
Mùa giáng sinh quả là một mùa ân sủng để tôi chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Giáng sinh là thời gian để tôi và mỗi người khám phá lại tình yêu từ muôn thuở của Thiên Chúa (Gr 31,3). Tôi sống lại những cảm thức thánh thiêng của Ngôi Lời Nhập Thể đến trao ban ơn lớn lao cho loài người là làm con của Thiên Chúa.
M. Goretti Cương (Kinh viện), FMI
Nguồn tin: conducmevonhiem.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn