Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Với biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan, mời bạn cùng tôi dừng bước để “chiêm niệm” lại chính phép rửa của mình và đời sống của người con cái Thiên Chúa.
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Lời từ trời cao vang dội xuống trần gian. Lời từ Cha Từ Ái gởi đến Người Con Duy Nhất đã vâng phục trong khiêm tốn, để thi hành thánh ý Cha ban. Thánh ý của tình yêu từ trời cao mang ơn cứu độ đến cho muôn người, trong đó có bạn và tôi nữa.
Với Chúa Giê-su và trong ân sủng của Thần Khí, một hồng ân cao quý được ban xuống cho chúng ta. Đó là mỗi người chúng ta, từ khi được Chúa nắn thành hình và làm nên, được Chúa trao ban hơi thở và đưa vào cuộc đời, được trở nên nghĩa tử, trở nên con cái của Cha trên trời. Hồng ân cao quý này luôn mang dấu ấn của tình yêu cao quý, và hồng ân này được hiển lộ rõ rệt hơn nữa qua chính bí tích Thánh Tẩy.
Dù bạn và tôi được đón nhận bí tích Thánh Tẩy khi còn là em bé khóc o oe chẳng biết gì, hay là một người trưởng thành đầy ý thức và tự do nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, thì chúng ta đều được ghi một dấu ấn thật đẹp. Dấu ấn đó là:
“Mỗi người chúng ta đều là người con yêu dấu của Cha trên trời”.
“Là con yêu dấu của Cha”, nên trong đôi mắt Cha mỗi người chúng ta là viên ngọc thật quý giá, thật quan trọng đối với Cha, vì thế Cha luôn trân trọng và mến thương. Dù cuộc đời có đưa ra biết bao chuẩn mực thước đo, để đánh giá và thẩm định một con người, thì với Cha trên trời bạn và tôi luôn quý giá. Cái quý giá của tình yêu từ trời cao ban tặng vượt trên mọi khuôn mẫu của cuộc đời này. Bạn giàu và tôi nghèo, Cha đều yêu thương. Bạn giỏi giang và tôi đơn hèn, Cha đều trân quý. Bạn hạnh phúc đầy đủ và tôi vất vả lầm than, Cha đều ở bên để chia sẻ, để đỡ nâng và để bảo ban dạy dỗ.
Thật vậy, từ ngày được sinh vào đời, từ ngày được trở nên con cái của Cha, được mang căn tính là một Ki-tô hữu, nghĩa là người có Chúa Ki-tô, người thuộc về Chúa Ki-tô, chúng ta trở thành người được Cha yêu thương, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu không dựa trên bất cứ chuẩn mực nào mà cuộc đời tự cho mình là thông minh và tự cho mình có quyền đưa ra.
“Là con yêu dấu của Cha” cũng là “em của Chúa Giê-su” nữa. Như vậy, “Anh Giê-su” đã sống thế nào để làm hài lòng Cha, thì chúng ta cũng bước đi trên nẻo đường đó.
Điều đầu tiên mà Anh Giê-su làm Cha hài lòng là gì vậy? Đó là vâng phục thánh ý tốt lành của Cha, là sẵn sàng đón nhận sứ mạng quan trọng. Sứ mạng làm cho người Con Yêu Dấu của Cha trở nên xác phàm, sống trong căn lều ngay giữa góc phố của nhân trần, và chia sẻ mọi điều vất vả lầm than, rồi còn gánh vác tất cả mọi khổ đau kể cả tội lội của nhân trần trên đôi vai của Ngài.
Vâng phục thánh ý, vâng phục Cha trên trời, vâng phục vì yêu thương, vâng phục để sống sứ mạng cứu rỗi những phận người đang sống trong tội lỗi, đang lần bước trong bóng đêm.
Ôi, vâng phục của tình yêu. Một sự vâng phục quá tuyệt vời! Sự vâng phục làm nên ý nghĩa của cuộc sống, sự vâng phục tạo nên giá trị của cuộc đời.
Nhìn Anh Giê-su với tinh thần vâng phục cao quý này, bạn và tôi đã “viết chữ vâng phục” trong đời mình như thế nào? Vẫn biết rằng ai cũng muốn khẳng định bản thân, vẫn biết rằng ai cũng có ý riêng, nhưng nếu cả đời chỉ ôm ấp “cái tôi” của mình, và mỗi hơi thở chỉ hướng về chính mình mà thôi, thì cuộc sống đó sẽ “chật chội” biết bao nhiêu.
Có khi nào chúng ta đã nắn nót viết chữ “vâng phục” thật đẹp trên một góc đường nào đó, chúng ta cảm thấy đời có đáng sống không? Tâm hồn có cảm nhận một niềm vui sâu lắng của người con đơn hèn vâng phục Cha và làm hài lòng Cha không?
Nhưng cũng có nhiều lúc, thật vậy không chỉ một lúc và nhiều lúc lắm, chúng ta đã “lắc đầu” với Cha, đã chẳng màng đến ý Cha và cũng chẳng thèm để ý đến Cha, và rồi hiên ngang kiêu hãnh tiến bước trên đường đời với tâm trạng “thật sảng khoái”, vì tự cho mình là trên hết, ý mình là tuyệt nhất, không có mình chẳng ai có thể làm gì được. Vì thế, không phải là ý Cha được thể hiện, mà là ý tôi cần được mọi người đón nhận và thực thi.
Ôi, cái đầu hiên ngang kiêu hãnh và cứng ngắc của một phận người thấp bé hèn kém có thể gục xuống bất cứ lúc nào!
Như hoa đồng cỏ nội, sáng nở chiều tàn, đời người có thể hôm nay khoẻ mạnh và lành lạnh, mai “được chú virus” nhỏ bé Covid viếng thăm, thì tự động đời phải khép lại, tự mà cách ly, tự mà sống quanh quẩn trong bốn bức tường, chưa kể đến những nỗi đau trên thân xác mà Covid gây ra, và rồi phận người kiêu hãnh đó có dám tự bảo đảm là mình chắc chắn vượt qua được thử thách thật khiếp đảm mà Covid đưa tới?
Sáng mai còn mở mắt là còn biết mình đang sống, là nhận ra sự sống mình là quà tặng. Kiêu hãnh làm gì, khi “tôi có gì mà không phải do Chúa ban”.
Vì thế, vâng phục thật là điều làm làm chúng ta “trở nên” con yêu dấu của Cha và làm hài lòng Cha. Đi với vâng phục chính là khiêm nhường. Anh Giê-su mặc trong mình bản chất khiêm nhường là nền tảng cho sứ mạng cứu rỗi.
“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Lời mời gọi thật quen thuộc của Anh Giê-su luôn vang lên và tiếp tục vang lên để nhắc nhớ chúng ta.
Chính Cha là khiêm nhường, chính Anh Giê-su là khiêm nhường. Vì thương yêu, Cha đã trao ban Người Con Duy Nhất, vì thương yêu Anh Giê-su, phận là Thiên Chúa, đã hạ mình khiêm nhường. Khiêm nhường được mặc vào toàn bộ cuộc sống của Anh Giê-su, Chúa của khiêm nhường.
Nói một cách rõ hơn, khiêm nhường là ngôn ngữ của Cha trên trời, của Thánh Thần Chúa và của Ngôi Hai là chính Anh Giê-su.
Trong khi người dưới thế kiêu ngạo gào lên: “Tôi, tôi, tôi!”;
thì Thiên Chúa Ba Ngôi nhỏ nhẹ nói: “Con, con, con!”
“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Lời mời gọi thật quen thuộc của Anh Giê-su luôn vang lên và tiếp tục vang lên để nhắc nhớ chúng ta: Đừng cứ cố gào lên “tôi, tôi và tôi, rồi lại tôi”, mà cùng trở về lại với phận người rất thật của mình là bụi tro, là bùn đất trước mặt Thiên Chúa.
“Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4,10). Tập cúi mình cuống, tập hạ mình xuống là bài học thật cấp thiết biết bao cho những phận người “bùn đất và tro bụi”. Đừng bao giờ tự cho mình lớn hơn Cha, cao hơn anh Giê-su, ngược lại cả đời chỉ mong chẳng còn gì để mà tự mãn, để mà tự cao tự đại, để nhờ đó “Chúa luôn lớn lên và tôi luôn nhỏ lại”.
“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 38, 5). Đời là kiếp phù du nghĩa là đời là một hành trình sẽ qua đi theo định luật sinh lão bệnh tử. Đôi khi tử còn đến nhanh hơn mình tưởng. Không ít lần, trước khi lão đến tử đã đến rồi. Ôi! “xin cho con đừng xao lãng và kiêu hãnh, ngược lại luôn khôn ngoan và thận trọng và chuẩn bị sẵn sàng, khi Chúa như kẻ trộm đến với nhà con”.
Vì thế, ai dám cao ngạo “xác định” mình sẽ sống đến trăm tuổi, mình sẽ khoẻ mãi và không có nếp nhăn, mình sẽ “make up” mỗi ngày để vẻ đẹp luôn nở tươi, thì người đó đang sống trong thế giới “ảo” của riêng mình. Đó là ảo tưởng của những “bùn đất” thích cao ngạo với “các chữ tôi” không bao giờ kết!
Tập đếm tháng ngày mình sống là biết sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời mình, để mà ý thức về phận hèn, để mà biết luôn hướng lòng về với Đấng sinh ra mình, Đấng cầm quyền sinh tử của mình.
Tập đếm tháng ngày mình sống, là biết “gạn đục khơi trong”, là dẹp đi mọi thứ “dư thừa” mà mình đã và đang gom góp, những thứ đối với mình là quan trọng lắm, nhưng những thứ đó lại không làm cho Cha trên trời hài lòng gì cả.
Kiếp người của tôi và của bạn đều phù du cả, không ai có thể quả quyết độ ngắn độ dài của đời mình đâu. Thật vậy, “đời người như thể phù du, sớm còn tối mất, công phu lỡ làng”, vì thế chúng ta cùng cố gắng mỗi ngày sống trong vâng phục, trong khiêm nhường như anh Giê-su để làm hài lòng Cha nhé.
Cuối cùng, với bí tích Thánh Tẩy và trong hồng ân là con cái Cha trên trời, cũng như mang căn tính Ki-tô hữu, Bạn và tôi cùng lên đường trong mỗi ngày sống với sứ mạng thật đẹp. Đó là yêu thương, là gieo và rải hạt giống Tin Mừng của Chúa trên mọi nẻo đường mình qua, là đến với từng Anh Chị Em và nói với họ rằng:
“Anh, Chị, Em và Bạn chính là
người con yêu dấu của Cha trên trời.
Nào chúng ta cùng nắm tay song bước trên đường,
cùng chung sống để làm hài lòng Cha,
Đấng là Nguồn và là Đích, Đấng cầm quyền sinh tử của mỗi chúng ta”.
Nürnberg, Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa 2021.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn