Tình hình dịch bệnh đang có những diễn tiến bất thường và ngày một phức tạp, làm cho thế giới đang phải chao đảo và hoang mang, mỗi Kitô hữu được mời gọi hết sức tin tưởng, phó thác, bình an và đầy hy vọng để làm chứng cho một Thiên Chúa là Chúa tể muôn loài, Thiên Chúa điều khiển hết mọi sự trên trần thế, Thiên Chúa sẽ quan phòng mọi sự trên thế giới, và nhất là làm chứng cho niềm hy vọng về một Thiên Chúa hằng yêu thương hết mọi người.
Giờ đây cũng là lúc mỗi người Kitô hữu thể hiện niềm tin tưởng vào sự hướng dẫn kỳ diệu của Chúa Thánh Thần, niềm xác tín vào sự Chúa quan phòng, để luôn thể hiện tinh thần lạc quan và đầy hy vọng.
Chính vào lúc tai ương ập xuống trên thế giới, chính lúc mọi người đang cần được một nơi để làm động lực cho đời sống tinh thần, thì lần lượt các tòa Giám mục các Giáo phận đã có thông báo tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn.
Việc tạm dừng là để đáp ứng và tuân thủ các phương thức phòng ngừa dịch bệnh, mọi người dù đau khổ, dù xót xa, dù bị tổn thất, song chúng ta đón nhận quyết định này trong niềm tín thác và trong niềm hy vọng.
Chúng ta chỉ TẠM DỪNG chứ không phải là đã hết.
Dù Việc tạm dừng là một quyết định bất khả đối với các Đức Giám mục các Giáo phận, và như là một tổn thất lớn về tinh thần đối với đoàn chiên của Chúa, nhưng Hội Thánh vẫn cần cử hành thánh lễ hằng ngày để kêu cầu Chúa tuôn đổ lòng thương xót trên nhân loại. Các nhà thờ vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng trước Chúa Giêsu Thánh Thể; chúng ta lại càng ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, hoặc riêng tư hay trong gia đình, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, hoặc sốt sắng tham dự lễ trực tuyến…
Chúng ta tin là Thiên Chúa sẽ có cách tốt nhất cho nhân loại, “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37). Chúng ta tin vào điều đó và xác tín mạnh mẽ về lòng thương xót, về tình yêu, về sự quan phòng mà Thiên Chúa dành để cho nhân loại.
Trong lúc này đây, chúng ta không thất vọng, không bi quan nhưng lại đầy hy vọng, vì có Thiên Chúa hằng yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đón nhận ta rồi, Chúa yêu chúng ta trước, Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5, 5-8) Thật vậy, Thiên Chúa đã trả một giá rất đắt mà chuộc chúng ta về, vì thế, chúng ta luôn tin tưởng, tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. (x. 1Cr 6, 20)
Chúng ta có niềm tin, có niềm hy vọng nên chúng ta chẳng lo lắng mà luôn bình an vì mọi sự đã có Chúa quan phòng. Chúng ta luôn nhớ rằng, Chúa đang nắm tay dẫn ta đi. Giờ là lúc ta bình an, hướng về nhau nhiều hơn, yêu thương nhau nhiều hơn, tha thứ cho nhau nhiều hơn, quan tâm nhau nhiều hơn, quảng đại với nhau hơn, hiệp thông với nhau nhiều hơn, liên đới với nhau trọn vẹn hơn và cầu nguyện cho nhau nhiều hơn. Hơn nữa, chính giờ phút này, chúng ta hãy can đảm lên, chúng ta không lo sợ, vì chúng ta đang có Chúa cùng đồng hành trên chiếc thuyền của Hội Thánh.
Ta xin Chúa cho ta ơn bình an. Luôn nhớ, bình an nghĩa là không phải không có điều gì xẩy ra, bình an là dù có gì xẩy ra, ta vẫn tin là có Chúa bên mình. Giống như đứa trẻ đi với bố mẹ trong mưa bão, nó sợ, nhưng nó vẫn luôn an tâm bước đi, vì nó biết tay ba mẹ nó vẫn đang cầm lấy tay nó, nó bước đi, dù sợ, nhưng vẫn bình an. Thế nên, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta có Chúa, chúng ta tin có Thiên Chúa, nên chúng ta cũng luôn tín thác và hy vọng.
Giờ là lúc chúng ta sám hối, trở về làm hòa cùng Thiên Chúa. Lúc này đây, khi nhìn lại mình, ta thấy rằng, ta giới hạn, yếu đuối, bất toàn, ta chẳng là gì cả. Nhưng, dù chúng ta chưa làm được gì cho Chúa, thì ta hãy tạ ơn Chúa và yêu mến, tin tưởng, hy vọng nhiều hơn, chứ không phải nhìn lại để bi quan. Bởi vì một điều duy nhất, Chúa yêu ta một cách nhưng không, ơn cứu độ được ban cho ta không vì ta có công trạng mà chỉ vì Thiên Chúa yêu ta mà thôi.
Lúc này đây, chúng ta đang thiếu vắng thánh lễ, thiếu vắng các sinh hoạt tôn giáo, thiếu vắng tình yêu thương, thiếu vắng tình hiệp thông, thiếu vắng sự tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em tín hữu, và hơn hết là chúng ta thiếu vắng dự cảm nếm Thiên Chúa qua thánh lễ, qua các bí tích, qua sự hiện diện của cộng đoàn. Nhưng, chúng ta lại có cơ hội để cảm nếm sâu xa ơn Thiên Chúa cho mình, có cơ hội để nhìn lại chính tương quan của mình với Thiên Chúa, có cơ hội để nhìn lại tương quan của mình với anh chị em cùng chung niềm tin, có cơ hội để khao khát niềm tin, khao khát tình yêu, khao khát niềm hy vọng, khao khát chính Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ.
Xin được chia sẻ và thấu cảm với sự thiếu vắng thánh lễ của anh chị em. Quả thật, chỉ nghe tin phải dừng thánh lễ thôi, thì biết bao nhiêu tâm hồn nghẹn ngào. Nhưng, tạ ơn Chúa, vì quả thật, trong con hoạn nạn, trong cơn bĩ cực này, chúng ta càng cảm nếm sâu xa hơn ơn Thiên Chúa đã dành cho chúng ta mỗi ngày mà chúng ta không nhận ra. Quả thật, giờ đây chúng ta cảm nghiệm được lời Chúa nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia cóp: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” (Ga 4, 9-10).
Cuộc đời người Kitô hữu chúng ta cần lắm một sự nhận ra ân huệ của Thiên Chúa nơi bản thân mình, ân huệ đó chính là ân sủng Thiên Chúa ban luôn luôn không do công trạng của ta. Nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban mỗi ngày, ban dồi dào, ban dư dật, ban tràn đầy trên ta nhưng ta lại quá thờ ơ. Giờ đây là lúc ta cần nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban để ta sống lời tạ ơn và sống bình an hơn.
Lúc này đây, chúng ta có cơ hội mỗi ngày tự vấn chính mình: nếu tôi nhận ra ân huệ Thiên Chúa dành cho tôi, thì hẳn là tôi đã xin Người cho được sự bình an, vì biết rằng, tất cả mọi sự tôi có đều nhờ bởi ơn Chúa. Bao ân huệ Người dành cho tôi nhưng tôi lại không nhận ra, tôi sống thờ ơ với ơn Người quá. Vì thế, nếu tôi nhận ra được những gì Thiên Chúa đang làm trong cuộc đời tôi, thì hẳn là tôi bình an tin tưởng và cậy trông, vì Thiên Chúa luôn bên tôi.
Hơn lúc nào hết, Đây là thời gian thuận tiện, đây là cơ hội quý báu để nhìn lại chính mình, là lúc chúng ta cần nhận ra Thiên Chúa yêu thương mình mà quay trở về làm hòa với Thiên Chúa.
Dù hôm nay, thiếu vắng Thánh lễ, nhưng, chúng ta đón nhận với lòng tin tưởng, tinh thần yêu mến và lạc quan hy vọng, vì chắc chắn đây là lúc Thiên Chúa làm cho chúng ta biết về tình yêu của Người.
Thánh lễ chỉ tạm thời dừng lại, mọi sinh hoạt tôn giáo chỉ tạm thời hoãn lại để là dịp chúng ta vừa suy gẫm vừa cảm nhận sự êm dịu ngọt ngào của tình yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta qua đời sống phụng vụ của Giáo Hội.
Giáo hội phải buộc lòng đưa ra các giải pháp nhằm cộng tác vào các nhà chức trách để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Chúng ta tin rằng, đây là một giải pháp của đức tin, của lòng tín thác, của niềm hy vọng, của tình bác ái. Đây cũng là lúc chúng ta được mời gọi ý thức hơn giá trị và ý nghĩa của các hình thức trong tương quan với Thiên Chúa, đọc kinh, nguyện gẫm, chiêm niệm, thánh lễ, ...
Giờ là lúc chúng ta thể hiện niềm tin, là lúc chúng ta xác tín rằng chúng ta được ơn lãnh nhận làm con cái Chúa, chúng ta tin thật và xác tín niềm tin của chúng ta, nhất là trong những ngày của thời gian này, tình hình dịch bệnh lan tràn, gây hoang mang và làm nhiều người thất vọng. Phần chúng ta, là người Kitô hữu, chúng ta thể hiện niềm tin của chúng ta bằng việc thể hiện niềm hy vọng, niềm cậy trông, thể hiện tình liên đới, sự hiệp thông và nhất là tâm hồn bình an. nhìn thấy sự khao khát thánh lễ của anh chị em tín hữu, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt của bà con, cổ họng chúng ta như nghẹn lại. Quả thật, bà con khao khát thánh lễ là thực tế, bởi Thánh Lễ là trung tâm phụng tự của Giáo hội, là việc tưởng niệm ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Giáng sinh, Tử nạn, và Phục sinh của Người; là bữa ăn của Chúa nơi đó con người được mời gọi tham dự bàn tiệc thần linh, nhờ rước Mình và Máu Chúa Kitô chúng ta đón nhận sự sống đời đời; là nơi Chúa Kitô trao ban chính mình cho nhân loại khi Ngài cầm lấy bánh bẻ ra trao cho các môn đệ, người tín hữu biểu lộ sự hiệp nhất và kiến tạo đời sống hiệp thông trong Giáo Hội; Thánh lễ cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, để từ cảm nghiệm này người tín hữu sẽ dẫn người khác đến gặp gỡ Ngài.
Thật vậy, Chúa yêu thương và chết vì tôi và khi rước lễ là rước Mình Chúa, thì khi bước ra cuộc sống, tôi cũng biết yêu thương, hy sinh cho người khác như Chúa đã làm. Để từ đó, tôi đem cuộc sống này làm của Lễ dâng lên cho Chúa. Chỉ khi ta biết sống kết hợp với Chúa, chấp nhận chịu thương tích vì Chúa bằng đời sống yêu thương, hy sinh thì khi cầu nguyện, ta sẽ thấy Chúa thật sống động. Thánh Lễ là toàn bộ đời sống của chúng ta.
Chúng ta cùng kêu mời tất cả các tín hữu Chúa Kitô, hơn lúc nào hết chúng ta hãy làm bừng sáng lên niềm hy vọng trong lúc bi thương, làm sáng lên niềm tin trong lúc quẫn bách, làm sáng lên niềm tín thác vào Chúa quan phòng trong cơn hoạn nạn. Đồng thời, chúng ta hiệp thông trọn vẹn với nhau để dù không có được sự tương quan hữu hình qua thánh lễ, qua các sinh hoạt tôn giáo, thì trong Thiên Chúa chí thánh, chúng ta được tương quan với nhau qua sự hiệp thông trọn vẹn trong cõi lòng của chúng ta, trong sự liên đới với hết mọi người và trong chính sự hiệp nhất của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Giuse Maria Lê Xuân Dinh, MF
Nguồn tin: mfvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn