Tác Động Tiêu Cực Của Việc Ngưng Thánh Lễ Dành Cho Giáo Dân Vì Covid -19
Thứ bảy - 18/04/2020 07:43
TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA VIỆC NGƯNG
THÁNH LỄ DÀNH CHO GIÁO DÂN VÌ COVID -19
Có người bảo rằng ngưng Thánh lễ một thời gian khiến cho người giáo dân cảm thấy khao khát và quý trọng Thánh lễ hơn. Cũng giống như: lâu lâu cúp điện cúp nước, người ta mới thấy quý điện quý nước. Hơn nữa, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, người giáo dân cũng có được những trải nghiệm độc đáo, đó là việc tham dự Thánh lễ trực tuyến (online) và việc rước lễ thiêng liêng… Tuy nhiên, đối với nhiều người nhất là những người già, việc tham dự Thánh lễ trực tuyến là vượt quá khả năng của họ, nếu họ không có con cháu trợ giúp, vì họ không thành thạo sử dụng các phương tiện Internet, hoặc nếu họ biết sử dụng đi nữa thì có thể “không gian” và “thời gian” không thật sự thích hợp lắm để họ tham dự Thánh lễ. Kỳ thực, không phải giáo dân nào cũng sốt sắng tham dự Thánh lễ online. Vì thế, việc ngưng Thánh lễ dành cho giáo dân về lâu về dài sẽ để lại những tác động tiêu cực không nhỏ đối với các giáo xứ và giáo dân. Cụ thể:
- Về phương diện tài chánh.
Phần lớn các giáo xứ chỉ trông chờ vào nguồn thu từ tiền bỏ quả của giáo dân, thêm chút tiền xin khấn Đức Mẹ hay các thánh. Nay ngưng Thánh lễ dành cho giáo dân đồng nghĩa với việc không còn khoản thu nào. Nếu ngưng Thánh lễ một tuần hai tuần thì còn được; còn nếu ngưng tháng này qua tháng khác, chắc chắn sẽ gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Vì không có nguồn thu để đóng tiền điện, tiền nước, tiền hoa nến,… Thực tế, dù không có Thánh lễ dành cho giáo dân, nhưng tiền điện, tiền nước cũng không giảm bao nhiêu, vì vẫn phải duy trì các sinh hoạt khác. Rồi còn phải chi phí cho việc bảo trì bảo dưỡng nhà thờ nhà xứ, trả thù lao cho nhân viên chăm sóc cây kiểng, trực nhà thờ; có một số giáo xứ (ở các thành phố lớn) còn phải trả thù lao cho cả nhân viên bảo vệ, v.v... Rất nhiều khoản chi phí.
- Về phương diện thiêng liêng
+ Đối với những người đạo hạnh thường có thói quen đi lễ mỗi ngày. Họ có thể đánh mất thói quen tốt lành này. Khi phải ngưng Thánh lễ một hai tuần, họ còn cảm thấy bứt rứt khó chịu, nhưng khi không đi lễ trong một thời gian dài có thể khiến cho họ lười ra, và không còn thích đi lễ nữa. Thay vì phải vất vả dậy sớm đi tham dự Thánh lễ, ở nhà nằm ngủ sướng hơn (nếu là buổi sáng), hoặc xem tivi, lướt web và tán gẫu trên mạng vui hơn (nếu là buổi tối); thay vì đi lễ nhà thờ, ở nhà “đi lễ tivi” thoải mái hơn. Việc tập một thói quen tốt là rất khó, nhưng bỏ nó thì vô cùng dễ.
+ Đối với những người khô khan nguội lạnh thì sao? Đối với những người này, ngưng Thánh lễ càng lâu có khi họ lại càng thích. Thời gian cách ly xã hội là thời gian sung sướng đối với họ, vì không phải đi học đi làm đã đành, họ còn không phải đi nhà thờ nhà thánh. Nhiều thanh thiếu niên và nhiều phụ huynh trong thời gian ngưng Thánh lễ, không hề thấy bóng dáng của họ ở nhà thờ. Không phải vì họ chấp hành nghiệm chỉnh qui định về việc cách ly xã hội cho bằng họ không thiết đến nhà thờ.
Khi giáo xứ và giáo phận không có Thánh lễ dành cho giáo dân vì dịch bệnh, họ có lý do chính đáng để không phải đi lễ (kể cả Thánh lễ ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng - lễ Phục Sinh chẳng hạn) mà không áy náy là mình phạm tội, và họ cũng không bị cha mắng mẹ la, vợ con phàn nàn. Bởi thế, đối với những người kém đức tin và lòng đạo khô khan, việc ngưng Thánh lễ trong một thời gian dài khiến họ trở nên khô khan hơn, xa cha xa Chúa hơn. Đây là một nguy cơ thực sự!
Mong sao trong thời gian cách ly xã hội, không có Thánh lễ dành cho cộng đoàn, người giáo dân cảm thấy khao khát Chúa và khao khát Thánh lễ hơn, để khi các sinh hoạt phượng tự được tiếp tục trở lại, thì họ cảm thấy vui mừng hân hoan quay lại với thói quen lành thánh, đó là siêng năng tham dự Thánh lễ mỗi ngày và sốt sắng tiếp nhận Thánh thể Chúa, hầu kín múc được nguồn sức sống thiêng liêng từ Thánh lễ cho bản thân và gia đình, mà không một việc đạo đức nào có thể thay thế được.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long