Các bạn thân mến,
Khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, lời đầu tiên Người dành cho các ông là lời chúc bình an. Cùng với lời chúc bình an, Giêsu cho các ông xem chân tay và cạnh sườn Người.
Chân tay và cạnh sườn của Đức Giêsu là những nơi đã bị xé nát trong cuộc Thương Khó. Đó là những vết thương. Mỗi vết thương đều có một lịch sử. Mỗi dấu tích bầm dập đều là một câu chuyện. Khơi lại vết thương có thể làm người ta nhức buốt. Vết thương của Giêsu có thể gợi lên trong các môn đệ tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc Thương Khó.
Trong cuộc Thương Khó, các môn đệ liên tục bị đặt trước những hình ảnh không mấy vẻ vang và đẹp đẽ của Thầy mình. Một Giêsu run lẩy bẩy, lo sợ, khóc lóc. Một Giêsu bị sỉ nhục cười cợt bởi những tên lính quèn. Một Giêsu bị đánh đập hành hạ. Một Giêsu tơi tả với vòng gai loang lổ máu quấn trên đầu. Một Giêsu trần trụi bất lực trên Thập giá. Một Giêsu dường như bị đẩy tới cùng đường của đức tin trong tiếng than khóc: “Cha ơi, sao Cha bỏ con?…” Xuất hiện với các môn đệ của mình, Đức Giêsu Phục Sinh đã không ngại gợi lại tất cả những sự thật ấy trước mắt các ông. Việc khơi gợi này có tác dụng gì chăng?
Để hiểu hơn giá trị lời chúc bình an của Đức Giêsu, chúng ta có thể hình dung lại hoàn cảnh của các tông đồ lúc ấy. Tất cả các ông đều là những người đã vấp phạm trong cuộc Thương Khó của Thầy mình. Thầy bị nạn, các ông bỏ chạy tan tác. Chẳng ai đủ can đảm để đồng hành với Thầy trên đường Thập giá, dù trước đó ai cũng lớn tiếng khẳng khái thề thốt sống chết với Thầy.
Sau cơn tai biến, mọi người dần quy tụ lại trong căn phòng nhỏ. Gặp lại nhau trong cùng căn phòng, nhưng liệu họ có dám nhìn thẳng vào mắt nhau chăng? Cùng chia nhau một tấm bánh, nhưng liệu họ có dám chia nhau những nỗi niềm sâu kín của mình chăng? Cái chết của Giêsu dường như đã cuốn đi rất nhiều hy vọng thầm kín của các môn đệ. Ai cũng mang trong lòng mình nhiều tâm tư u uẩn. Có ê chề thất vọng và mất định hướng khi ba năm theo Thầy dường như đã trở thành công cốc. Có mặc cảm yếu đuối vì những vấp ngã mà mình đã trải qua khi Thầy lâm nạn. Chắc hẳn không ít người còn đang tự dằn vặt mình… Với tất cả những điều ấy, tâm hồn họ có bình an được chăng? Họ có thể trốn tránh ánh mắt của người khác, nhưng làm sao họ có thể trốn tránh được ánh mắt phán xét của chính tâm hồn mình? Lúc này họ mong điều gì? Phải chăng họ mong mọi sự qua đi và thời gian sẽ là phương thuốc hữu hiệu xóa nhòa tất cả?
Giêsu đến, khoe ra những vết thương của mình. Tất cả những điều mà các môn đệ muốn chôn vùi bừng sống dậy.
Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến là để ban bình an. Bình an ấy không theo kiểu thế gian. Bình an của Đức Giêsu phải là bình an đến từ thẳm sâu tâm hồn mỗi người. Bình an ấy là một ơn ban, và chỉ trổ sinh hoa quả cho những ai biết đón nhận.
Sinh ra và lớn lên trong cuộc đời, dường như không mấy ai có được một môi trường lý tưởng để sống. Cuộc đời luôn để lại trong người ta nhiều vết thương. Có những vết thương ở thể lý và cũng có những vết thương trong tâm hồn. Vết thương nào cũng âm ỉ và dai dẳng. Ai cũng muốn tìm quên lãng những vết thương ấy để tiếp tục sống và sống vui.
Thế nhưng tìm quên là một hình thức của từ khước, của việc không dám đối mặt với sự thật. Khi người ta không đủ mạnh để đối mặt với những nhức buốt của nỗi đau và những lần vấp ngã, họ tìm cách chạy trốn bằng việc dẹp nó vào một góc nào đó của tâm hồn, bằng cách che đậy lên nó bởi những bận rộn lo toan khác của cuộc sống. Cách thế ấy có cho họ chút bình an nào chăng? Hay họ vẫn cứ lay lắt và héo hắt với một niềm ám ảnh mơ hồ không thể vượt thoát? Khi chọn tránh né để đi đường vòng người ta đẩy mình vào một cái quỹ đạo vòng xoay luẩn quẩn với tâm hồn luôn bất an ngột ngạt.
Ngay sau khi chúc bình an cho các môn đệ, Đức Giêsu cho các ông xem các vết thương của mình. Giêsu dạy các môn đệ mình một cách thế khác để sống bình an. Bình an không thể có được bằng việc chạy trốn. Bình an cũng không thể có được cho một tâm hồn không dám đối diện với sự thật. Bình an chỉ có được khi người ta biết đón nhận và đọc ra ý nghĩa của những biến cố đến trong cuộc đời mình. Bình an có được khi người ta đủ can đảm nhìn lại nỗi đau của mình và tìm ra ý nghĩa của nó. Thân xác phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu không hề phủ nhận những nỗi đau trong cuộc đời trần thế của Ngài. Mỗi vết thương đều còn lưu dấu lại nơi tâm hồn và thân xác Đức Giêsu, nhưng mỗi điều ấy đều có một ý nghĩa đặc biệt.
Dám thật lòng đón nhận mình với trọn vẹn con người của mình, chúng ta mới có thể đón nhận người khác với trọn vẹn con người của họ. Nói cho cùng, cho dù tôi như thế nào, tôi cũng đã được Chúa yêu thương và đón nhận. Cho dù người khác như thế nào, họ cũng đã được Chúa đón nhận và yêu thương. Không ai trong con người có thể đóng vai trò thẩm phán để xét xử người khác. Cũng không ai trong con người có thể đóng vai quan tòa để kết án chính mình.
Ước gì chúng ta đủ can đảm để cùng Đức Giêsu đón nhận tất cả những thánh giá đến trong cuộc đời mình. Nhờ đó, chúng ta được bước vào trong niềm vui và bình an Phục Sinh của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Hẳn các môn đệ đã phải ngạc nhiên lắm,
khi nhìn thấy những vết tích của cuộc Thương Khó
còn đọng lại trên thân xác Phục Sinh vinh hiển của Chúa.
Hẳn các ông đã phải ngỡ ngàng lắm
khi được diện kiến vinh quang của những niềm đau.
Chúng con thường không dám bước vào con đường khổ giá,
nên chúng con ít được hưởng nếm quả ngọt của Phục Sinh.
Chúng con thường trốn tránh đủ điều,
nên tâm hồn chúng con cứ bất an và phiền muộn.
Chúng con thường bận rộn với những phương tiện con người
nên tâm hồn chúng con ít khi có được bình an của Chúa.
Lạy Chúa, chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
tâm hồn chúng con mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Xin dạy chúng con luôn biết sống với Chúa,
biết đón nhận mọi biến cố cuộc đời trong Chúa,
biết nhìn thấy giá trị của những đắng cay
biết đọc ra ý nghĩa của nhiều đau khổ.
Vững tin rằng trong Chúa Phục Sinh
sầu buồn có thể hóa thành niềm vui,
khổ đau có thể dẫn đến vinh quang,
thiệt thòi có thể mang lại nhiều hy vọng.
Xin cho tâm hồn chúng con luôn sống vui
với niềm tín thác và bình an trong Chúa. Amen
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn