Niềm Hy Vọng Giữa Những Tuyệt Vọng

Thứ sáu - 22/03/2019 19:30

Những ngày đi cùng đoàn hành hương, mình thật may mắn khi tình cờ được gặp gỡ và trò chuyện với đan sĩ linh mục Phanxicô Xavie Trần An, người phụ trách “Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện Thiên An – La Vang”. Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đẹp không chỉ riêng mình mà có lẽ với bất cứ ai có dịp tiếp xúc với ngài. Dấu ấn đẹp mà mình muốn nói đến ở đây, chính là một cuộc thăng hoa từ đáy sâu của phận người để vươn lên sống một cuộc đời có ý nghĩa và đầy đủ phẩm giá của kiếp người.

 Mình và một vị bác sĩ làm việc tại khoa tâm lý trị liệu, cả hai đều tình cờ được đến thăm khu “Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện”. Với mình, đó là lần đầu tiên đặt chân đến. Vị bác sĩ kia cũng tình cờ gặp lại “thân chủ” sau một thời gian dài. Thật tình cờ, vị bác sĩ gặp lại “thân chủ” của ông trong một bối cảnh ông không ngờ được, bởi vị “thân chủ” của ông đã hoàn toàn dứt bỏ quá khứ nghiện ngập và sa đọa mà không sử dụng bất kỳ loại thuốc hay biện pháp cưỡng chế nào. Và cũng chính cơ duyên đã dẫn ông đến khu nhà này. Mình cũng tình cờ được dẫn đến khu nhà đầy ắp tình người ấy.

Mình hỏi Cha Trần An về phương pháp ngài dùng để cắt đứt và cai nghiện cho hơn 50 bạn trẻ đang trong độ tuổi tràn đầy sinh lực kia, ngài bảo chả có phương pháp nào cả. Ngài chỉ đơn giản mời họ đến ở cùng và sống với ngài như những người bạn, những người anh em. Mình lại hỏi “bí quyết” nào mà ngài đã thu phục được nhân tâm của hơn 50 bạn trẻ để rồi hôm nay, họ đang sống với nhau thành cộng đoàn, với đầy đủ các giờ kinh thần vụ và các giờ lao động như những đan sĩ thực thụ, ngài lại bảo chả có bí quyết nào cả. Ngài chỉ đơn giản nói với họ, ở đây chẳng có gông cùm, chẳng có xiềng xích, chẳng có tường rào, và ngài cũng chẳng phải là công an. Ngài bảo với các bạn trẻ đó rằng, ngài chỉ có con tim đồng cảm với họ, bởi lẽ chính ngài cũng đã trải qua những năm tháng nghiện ngập và tù tội trước khi trở thành một đan sĩ và một linh mục. Cách thức ngài áp dụng là chính khẩu hiệu trong đời đan sĩ là “Ora et Labora” (Cầu nguyện và lao động). Qua cầu nguyện, người ta có thể tìm lại chính mình và nâng tâm hồn lên trong mối tương giao cá vị với Đấng đã làm người và yêu con người đến cùng. Theo Thomas Merton, cầu nguyện giúp người ta vượt lên mọi ý niệm và khám phá ra Thiên Chúa không phải là một đối tượng khác biệt, nhưng là một thực tại bên trong thực tại, một hiện hữu bên trong hiện hữu, là sự sống của cuộc sống con người. Cầu nguyện chính là mầu nhiệm trong đó, Thiên Chúa mặc khải chính Ngài như là cốt lõi và trung tâm của chính bản ngã con người. Cũng chính qua cầu nguyện, người ta khám phá ra giá trị của bản thân, vốn đã đánh mất trong những đam mê của nghiện ngập và sa đà. Còn trong lao động, người ta không chỉ tìm ra được ý nghĩa mà còn khám phá được giá trị đích thực của cuộc sống con người trong cuộc đời này. Những con người này, ngày ngày đang sống những phút giây thánh thiện khi để cho những công việc của mình được thánh hóa bởi sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong con người họ. Đời sống của họ, có thể nói, đang chìm sâu trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Bởi thế, họ được bình an và thanh thản.

Trò chuyện với mình, ngài cho xem 4 chữ T được xăm kín trên 4 ngón tay. Ý nghĩa của 4 chữ T trên 4 ngón tay ngài xăm lúc trước có nghĩa là Tình – Tiền – Tù – Tội. Ngài bảo đó là dấu tích của những ngày xa xưa, và ngài cũng chẳng ngần ngại cho các bạn trẻ xem. Hỏi về cuộc đời và nhân duyên trở thành đan sĩ, cha Trần An cứ hồn nhiên kể về cuộc đời của mình một cách say mê, một cuộc đời đã trải qua những cung bậc thăng trầm của cuộc sống. Những thước phim ngắt quãng về cuộc đời ngài cứ thế lần lượt hiện lên trước mắt. Có những lúc ngài đã chạm đến đáy sâu của thất vọng và tuyệt vọng. Khi không tìm được động lực để sống và sống một cuộc đời có ý nghĩa, người ta sẽ đốt cháy đời qua những thử nghiệm bằng các sự kin và phó mặc cho sự may rủi. Một khi phẩm giá của một đời người bị phó mặc cho sự may rủi, nó chẳng khác gì một món hàng hay đồ vật. Cái bi đát của vấn đề nằm ở chỗ đó. 

Được sinh ra trong một gia đình khá giả, ngài đã lớn lên trong sự bảo bọc và chu cấp khá đầy đủ, kể cả sự chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai. Thế nhưng, cuộc đời cứ vần xoay và lúc đó, ngài như bị cuốn thốc vào cơn lốc xoáy của những thứ được gọi là “tứ đổ tường” (một thuật ngữ được sử dụng để chỉ những ai sa đà đều khó tránh khỏi việc ngồi “bóc lịch” trong nhà tù). Cũng như nhiều người khác, ngài đã lao vào những cuộc thử nghiệm đời mình bằng các sự kiện để tìm ý nghĩa và hạnh phúc, thay vì đặt trọn niềm tin vào đúng chỗ để có thể trở thành một sự giải thoát và là động lực sống. Tuổi trẻ của ngài đã một lần trải qua những tháng năm dài trong vòng luẩn quẩn như thế. Rồi ngài cũng gặp phải câu hỏi về con người và thân phận con người là gì trong cuộc đời này như bao người khác. Và rồi, từ trong sâu thẳm của những khắc khoải, ưu tư về cuộc đời và ý nghĩa của cuộc hiện hữu trên trần thế này, một thứ ánh sáng kỳ lạ đã len lỏi vào tâm hồn ngài, để rồi, chính ngài đã mở lòng ra, đón nhận thứ ánh sáng diệu kỳ ấy, và để cho thứ ánh sáng đó chỉ lối soi đường. Mở lòng đón nhận thứ ánh sáng đó chưa đủ, ngài đã quyết tâm dành trọn con tim và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để bước theo tiếng gọi của lòng mình, hầu có thể đáp trả cho đời những tháng ngày sống trong vô vọng và tuyệt vọng.

Đời người, có chăng, cũng chỉ khám phá ý nghĩa đích thực và động lực sống cho bản thân khi họ khám phá ra chiều sâu bên trong của nội tâm và sự nhận thức về những thứ họ quan tâm hay chú ý bên ngoài. Cốt lõi của đời người chẳng bao giờ bị đóng khung vào một sự vật cụ thể, và cũng chẳng dựa trên cái gọi là ý tưởng bề mặt của bản ngã và những mối liên hệ bên ngoài của nó.  

Với mình, ai ai rồi cũng phải sống cuộc đời của họ, và chẳng ai có thể sống cuộc đời của người khác, bởi mỗi người đều có những chọn lựa và định hướng cho riêng mình. Tất cả những bước chân đi qua trong cuộc đời của mỗi người, rồi sẽ trở thành lịch sử khi chính họ tự thân viết nên lịch sử đời mình. Chẳng ai có thể chối bỏ lịch sử của mình, bởi khi chối bỏ lịch sử của đời mình, họ chối bỏ luôn căn tính của họ khi họ quyết định chọn lựa làm điều này thay vì chọn lựa làm điều kia. Nhắc lại những biến cố trong lịch sử đời mình, co lẽ, ngài cũng đã cảm nhận được một sự thật và trân trọng nó như một dịp để tri ân đời và tạ ơn người, vì cuộc đời đã cho ngài một dịp để sống tron vẹn lẽ sống của một kiếp người. Có lẽ, đó chính là nét đẹp căn bản của tự do chọn lựa cho hành động của từng người. Đối với Merton, có một thứ tự do xuất phát từ những ảo ảnh làm cho con người chỉ nhắm đến những thứ có thể thấy được và phụ thuộc vào những gì bên ngoài của cái siêu tôi. Chính điều này đã dẫn con người trượt dài trong những đam mê vô vọng. Để có thể thoát ra khỏi vòng xoáy này, cần lắm một sự mở lòng ra với một thứ gọi là tự do nội tâm, vốn chẳng thể hiểu được bằng lý trí hay suy luận. Đó cũng chẳng phải là trạng thái của tầng vô thức, nhưng là một thứ gì đó thâm sâu hơn, thiết thực hơn. 

Có ít nhất hơn 4 bạn trẻ trong số đó đã khám phá ra chính ơn gọi của bản thân và đã trở thành đan sĩ từ cuộc hội ngộ đầy nhân duyên này. 

Hôm nay, từng lớp, từng lớp các bạn trẻ từ khắp nơi đang đổ về, để chỉ cùng cha Trần An khám phá ra tiếng lòng đang thổn thức trong cõi thâm sâu của từng người, vốn có khi bị che khuất bởi những lo toan, tính toán giữa những xuôi ngược trôi nổi trong dòng đời. 

 

Nguyên Minh

Nguồn tin: www.betrenthuongcap.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây