1.
Mấy ngày nay, nhất là đêm rồi, tôi nhớ về người bạn rất thân của tôi, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một cách đặc biệt.
Giữa ngài với tôi, có nhiều chuyện để nhớ lắm. Nhưng có một lời ngài nói với tôi đã lâu lắm rồi, mà nay chợt như sống lại, để an ủi tôi, vì tôi đang rất cần.
2.
Ngài nói: “Chú Tuần ơi, sau này hai chúng mình cùng về hưu. Lúc đó, hai chúng mình sẽ ở chung một nhà. Cùng nhau đón tiếp những ai muốn gặp Chúa”.
3.
Đêm rồi, tôi nhắc lại lời đó với người đã nói với tôi lời đó. Tôi nói: “Chú Thuận ơi, chú đang hưu ở trên trời, còn tôi đang hưu ở dưới đất. Cả hai cùng đang trong một nhà, đó là nhà tình thương Chúa. Chú có phần hơn tôi, vì đang được hưởng phúc ở trong tình yêu Chúa một cách thực sự. Còn tôi cũng đang ở trong tình thương Chúa nhưng nhờ đức tin. Xin chú đừng quên tôi”.
4.
Bạn tôi đã trả lời tôi. Ngài nhẹ nhàng nhắc cho tôi hiểu tình thương Chúa dành cho ngài và cho tôi là rất ngọt ngào. Thí dụ vài chi tiết sau đây:
5.
Tình thương Chúa cốt ở sự Chúa cứu độ. Chúa cứu cho khỏi lửa hỏa ngục ở đời sau, và cũng cứu cho khỏi mọi khổ đau ở đời này, khi cần cứu.
6.
Tình thương của Chúa được thực hiện một cách cụ thể, bằng những việc cụ thể, chứ không phải chỉ bằng những lý thuyết, bằng lời nói suông, bằng những lễ nghi, bằng những phong trào.
7.
Tình thương của Chúa được thực hiện một cách nhưng không. Như thái độ người cha đón đứa con phung phá trở về. Chứ không thực hiện một cách so đo tính toán.
Bạn tôi nhắc cho tôi hai điều, mà ngài cho là rất cần cho tôi lúc này:
8.
Thứ nhất, tình thương của Chúa là rất nhiệm mầu. Vì thế đừng bao giờ nên chủ quan cho mình là nắm được tình hình để đặt ra các chương trình này nọ một cách dứt khoát, như thể tình thương của Chúa phải theo đó mà cứu độ nhân loại và Hội thánh trong lịch sử hiện nay.
Do đó, phải rất khiêm tốn luôn cầu nguyện và tỉnh thức.
Thái độ khôn ngoan là hãy tập trung vào Chúa Giêsu, chỉ Chúa Giêsu là Đấng cứu độ.
Đừng bao giờ dại dột đề cao chính mình. Bởi vì chính mình cần được Chúa cứu, chứ không phải chính mình là kẻ đi cứu.
9.
Thứ hai, tình thương của Chúa là rất bao la. Có những kẻ bị mọi người cho là không đáng cứu, thế mà đã được Chúa cứu. Vì thế, chúng ta phải rất khiêm nhường, để chính chúng ta, cho dù không đáng được cứu như mọi người tưởng, nhưng sau cùng lại được Chúa thương cứu độ.
10.
Một thoáng gặp gỡ người bạn thân yêu, Đức Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, như tôi vừa kể, đã đọng lại trong tôi niềm vui thiêng liêng, như một động lực để sống trong hoàn cảnh phức tạp hiện nay.
Hoàn cảnh lúc này xem ra đang chuyển biến một cách nguy hiểm. Tôi chỉ có một con đường nên chọn để sống, đó là nhìn vào Chúa, với chỉ một lời cầu vắn tắt: “Lạy Chúa, xin xót thương con”.
11.
Hậu quả là Chúa đốt lên trong tôi ngọn lửa tình thương của Chúa. Khi được lửa tình thương Chúa cháy lên trong lòng, tôi thấy tình thương của Chúa mới là hạnh phúc thực của tôi.
12.
Cảm nghiệm được tình thương của Chúa, đó là một ân huệ vô cùng quí giá Chúa dành cho những kẻ Chúa thương.
13.
Bạn tôi, Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cho tôi biết là số người tại Việt Nam hôm nay được Chúa thương cho cảm nghiệm được tình thương của Chúa đang xuất hiện đó đây một cách lạ lùng. Họ không biết lý luận. Họ chỉ cảm thấy. Và đó là một hiện tượng về nội tâm, mà chúng ta cần để ý.
14.
Riêng tôi, tôi luôn nhận biết mình là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn, bất xứng, chỉ biết tin cậy vào tình thương của Chúa mà thôi.
15.
Và cũng từ sự nhận biết mình như vậy, tôi sẽ không kết án ai, và sẽ không áp đặt những trừng phạt nào trên ai.
16.
Lời chào từ giã, mà bạn tôi, Đức Cố Hồng Y Thuận, thường nói với tôi một cách tha thiết, đó là: Chú Tuần ơi, chúng ta hãy yêu thương trong khiêm nhường.
Và đây cũng là lời chào từ biệt, tôi xin gửi tới mỗi người anh chị em.
Long xuyên, ngày 02.04.2019
GM. GB Bùi Tuần