Sáng sớm từ cộng đoàn chúng tôi đi bộ khoảng 5 phút đến một công viên nằm trên sườn dốc của thung lũng Hin-nom. Nơi đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy khu vực chôn cất của người Do Thái, họ cho rằng ngôi mộ hiện nay là của gia đình Hêrôđê. Mộ được đục sâu trong lòng đá, cửa mộ được lấp bằng một tảng đá tròn rất nặng. Người ta cho rằng ngôi mộ của Chúa Giêsu cũng không khác so với ngôi mộ này.
Ngồi gần ngôi mộ trống, chúng tôi cầu nguyện với chủ đề Phục sinh. Cầu nguyện ở đó xong, tôi băng qua thung lũng để vào Mồ Chúa trong nội thành. Không may là hôm nay các cổng thành đều kiểm tra nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, vì vấn đề nào đó đang xảy ra trong thành. Dẫu sao trước đó mấy ngày, tôi thường lui tới để cầu nguyện trước Mộ Chúa, được tham dự thánh lễ trong Mộ Chúa, nên cũng dễ dàng để tôi nhập vào khung cảnh của buổi sáng ngày Chúa Giêsu phục sinh.
Với ơn xin cho ngày hôm nay là cảm nghiệm được niềm vui thầy Giêsu đã sống lại và hăng say loan báo tin vui Phục sinh đến cho nhiều người.
1. Ngôi Mộ trống
Mấy bữa nay kể từ khi Thầy bị bắt và chết trên thập giá, cả thành Giêrusalem đều bàn tán xôn xao với nhau. Đâu đâu người ta cũng nói về đề tài liên quan đến cái chết của thầy Giêsu. Vì là ngày lễ Vượt Qua, nên họ chỉ ở nhà mừng lễ và trong bữa tiệc, người già trẻ con đều biết hôm nay Giêsu thành Nazarét đã chết. Các môn đệ thì sợ hãi trốn trong nhà nơi hôm trước họ cùng với Thầy ăn bữa Tiệc Ly. Các cửa đều đóng kín vì họ cũng đang trong tầm ngắm của người Do Thái. Biết đâu xử xong Thầy, họ lại xử nhóm của Thầy thì sao. Bởi đó các môn đệ cùng vài bà đạo đức khác đều im hơi lặng tiếng.
Riêng các thượng tế, nội bộ Thượng Hội Đồng cũng xôn xao. Họ nhớ lời thầy Giêsu khi còn sống đã nói sau ba ngày Thầy sẽ chỗi dậy. Bởi đó họ đến thương thảo với Philatô để xin tổng trấn cho người canh giữ mộ Giêsu kỹ càng, kẻo các môn đệ Thầy đến lấy trộm xác rồi phao tin Thầy từ cõi chết trỗi dậy (Mt 27,62-66). Lúc ấy tình hình còn phức tạp hơn. Phần các môn đệ sợ đến nỗi không dám ra ngoài, nói chi đến chuyện động trời là ăn cắp xác của Thầy! Thế là lính tráng ra mồ của thầy Giêsu, niêm phong tảng đá và cắt cử lính canh giữ cẩn thận.
Nếu ngày thứ Sáu náo nhiệt ồn ào và chấn động bao nhiêu, thì hôm nay ngày Sa-bát bầu không khí yên ắng tĩnh lặng bấy nhiêu[1]. Tờ mờ sáng các con đường không một bóng người. Đồi Can-vê và toàn khu vực Mộ Chúa chỉ còn vài lính canh. Khác với những ngày Sa-bát trước, hôm nay Con Thiên Chúa đã chết và được mai táng trong mồ.
Cả bốn Tin Mừng đều trình thuật lại câu chuyện ngôi mộ trống. Các ngài muốn nói đây là dữ kiện quan trọng đầu tiên cho thấy thầy Giêsu đã phục sinh. Lần cầu nguyện này, khung cảnh ngôi mộ trống giúp tôi xác tín vào Chúa Phục sinh nhiều hơn. Số là sáng sớm ngày Chúa Nhật, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cùng tên, đi ra viếng mộ. Tới nơi họ thấy đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra. Thấy cảnh tượng ấy lính canh khiếp sợ run rảy chết ngất đi.
Riêng các bà được Thiên Thần báo rằng Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh đã trỗi dậy từ cõi chết. Các bà vừa mừng vừa sợ, vừa hoang mang vừa lo lắng, hết hồn hết vía trước cảnh tượng hãi hùng ấy. Tức khắc bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy về báo tin cho các môn đệ. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Thầy Phục sinh vẫn còn là ẩn số đối với mọi người lúc này.
Dẫu sao sau khi nghe Ma-ri-a Mác-đa-la nói thế, ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ. Gioan tới trước và cúi xuống nhìn vào trong thì thấy băng vải còn ở đó. Ông Phêrô tới và vào thẳng trong mộ, thấy băng vải và khăn che đầu còn ở đây. Các khăn ấy được quấn lại, xếp riêng ra một nơi. Gioan cũng vào. Ông đã thấy và đã tin – tin lời Thầy tiên báo rằng Thầy sẽ phục sinh sau ba ngày trong mồ.
Vậy là thầy Giêsu đã phục sinh. Ngôi mộ không còn giam giữ Thầy nữa. Thầy ra khỏi mồ để lại một ngôi mộ trống là chỉ dẫn đầu tiên về thực tại Chúa sống lại (Lc 24,5-6). Ngày nay ngôi mộ của Thầy nằm chính giữa vòm (dome) nhà thờ Mồ Thánh. Hằng ngày đều có đông đảo khách hành hương đến chiêm ngắm nguyện cầu với Chúa Phục sinh quanh ngôi mồ trống này.
Vào ngày 26 tháng 10 năm 2016, người ta bắt đầu tu bổ và sửa sang lại ngôi mộ Chúa và đã hoàn tất vào tháng 3 năm 2017. Là giám đốc chỉ huy chính của việc mở Mộ Chúa lần này, sau những ngày tháng nghiên cứu trên bình diện khoa học về Mộ Chúa, giáo sư Antonia Moropoulou phát biểu với giới truyền thông rằng: “Everything here conveys the massage of Resurrection: the hope and blessing for millions of people. Mọi thứ nơi đây đều chuyển tải một thông điệp Phục sinh: Niềm hy vọng và ơn phúc cho hàng triệu người.”[2]
Chúa phục sinh là niềm hy vọng và mối phúc cho con người. Từ đây thầy Giêsu đã chiến thắng tử thần và mở cửa Thiên Đàng cho con người bước vào. Không chỉ linh hồn mà chúng ta còn tin rằng thân xác mai này cũng được phục sinh với Thầy. Trong mầu nhiệm phục sinh, chúng ta cũng tin rằng linh hồn con người không bất tử theo như triết thuyết của Plato hay Aristotle[3]; nhưng khi phục sinh linh hồn chúng ta với chính thân xác của chúng ta hợp làm một con người trọn vẹn để được sống lại với Thầy. Bởi sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay.
Ước sao khi chiêm ngắm ngôi mộ trống hôm nay, tôi cũng đã thấy và đã tin như thánh Gioan sáng nay khi ra ngôi mộ trống của Thầy. Hoặc nói như ĐGH Phanxicô: “Chúa Giêsu đã chết, được mai táng, Ngài đã phục sinh và hiện ra. Chúa Giêsu là sự sống! Đó là thông điệp chính yếu của người Kitô hữu.”
2. Đức Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmau
Sau thời khắc thấy ngôi mộ trống đó, người ta còn thấy thầy Giêsu hiện ra với nhiều người, nhiều lần khác nhau. Thầy hiện ra lần đầu với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, những lần hiện ra với các môn đệ, lần hiện ra tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, v.v. Nhưng hôm nay tôi được Thầy dẫn về một làng quê cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Trên con đường ấy Thầy đã chuyện trò với hai môn đệ để giúp các ông nhận ra Chúa phục sinh. Chỉ có Tin Mừng Luca quay lại thước phim thú vị này.
Còn nhớ mới đây thôi, hai ông cũng như nhiều người đổ về Giêrusalem vì nghe biết thầy Giêsu là Đấng Mê-si-a, là vua người Do Thái đang mong chờ. Thầy đã đến, họ cũng đã gặp và muốn kết thân với Thầy với hy vọng Thầy sẽ giải phóng dân, cho họ được tự do thái bình.
Bỗng chỉ sau một đêm nơi Vườn Dầu, sau một tòa án bất công, họ mất hết hy vọng. Giấc mơ của họ tan thành mây khói. Chính mắt họ thấy Thầy chết trên thập giá, được chôn cất trong một ngôi mộ còn mới của ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê. Mọi ước mơ hoài bão họ đặt nơi Thầy đều bị chôn vùi tựa thân xác Thầy trong mồ vậy. Do đó, Giêrusalem không còn là nơi hấp dẫn họ ở lại. Với họ lúc này, khăn gói về quê là con đường tốt nhất.
Dẫu sao sáng nay hai ông cũng kinh ngạc nghe các bà kể chuyện các thiên thần bảo Đức Giêsu đã sống lại. Trên đường về Emmau, chắc hai ông cũng vẫn bàn tán về câu chuyện đó thực hay hư, đúng hay sai và chắc chắn họ còn chuyện trò quanh đề tài thầy Giêsu đã chết. Đang lúc chuyện trò bàn tán thì đức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Câu chuyện về ba người trên đường lúc này thêm phần hấp dẫn hơn.
Vì mắt họ còn bị ngăn cản nên chưa nhận ra Thầy đã phục sinh. Người hỏi họ đang bàn tán về chuyện gì vậy? Họ dừng lại với vẻ mặt buồn sầu thất vọng. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” Ông nói chính xác vì tất cả mọi người trong thành đều biết về câu chuyện một ông Giêsu Nazarét bị các thượng tế và thủ lãnh người Do Thái nộp cho Philatô và họ đã đóng đinh Người vào thập giá.
Tôi thấy Thầy mỉm cười và tiếp tục khơi gợi câu chuyện để họ giãi bày tâm sự. Dĩ nhiên là người trong cuộc, nên Thầy biết hết. Là Đấng phục sinh, Thầy có thể làm mọi sự, phán một lời để họ tin vào Thầy đã phục sinh. Nhưng Thầy chọn cung cách hành xử là đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chúc lành và trao ban để giúp người ta từ từ nhận ra Thầy. Phải chăng đây cũng là lối nẻo và là sức năng động mà Thầy muốn chỉ cho người loan báo Tin Mừng cần đi vào cuộc sống, văn hóa, tâm tư tình cảm của con người; từ đó giúp họ tự do đón nhận Thầy Giêsu phục sinh.
Con đường về làng Emmau còn dài phía trước, nên Thầy cùng họ bước đi, đồng thời chia sẻ với họ về tất cả những lời các sách Cựu ước đã giải thích liên quan đến thầy Giêsu. Khi Thầy nói chuyện và giải thích Kinh Thánh thì lòng họ bừng cháy, nhưng mắt họ vẫn chưa nhận ra người đàn ông này là Thầy của họ. Họ cần thời gian và thầy Giêsu cho họ cơ hội để tự trong sâu thẳm của tâm hồn, họ có thể nhận ra Thầy.
Con đường phía trước dần ngắn lại bởi biết bao lời giải thích của Thầy. Thầy Giêsu muốn đi qua khỏi ngôi làng ấy, nhưng họ nài ép và mời Người ở lại với họ, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Lời mời ấy tôi vẫn được thôi thúc để nói với Thầy trong cuộc sống hằng ngày: “Xin Thầy ở lại với con, vì trời đã xế chiều, bóng đêm đang buông dần. Có Thầy, con an tâm hơn.”
Thế là họ vào nhà để nghỉ ngơi và dùng bữa tối sau những giờ đi đường mệt mỏi.
Chiều hôm nay là dấu mốc cho ngôi làng Emmau được nổi danh vì có Chúa Phục sinh đã hiện ra. Thầy vào bàn ăn cùng với hai môn đệ. “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Lúc này mắt họ liền mở ra và nhận thấy thầy Giêsu bằng xương thịt đang ngồi đây. Thầy đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc ấy thầy Giêsu cũng biến mất, để lại trong lòng hai ông ngọn lửa bừng cháy tin yêu vì thầy Giêsu đã phục sinh.
Làng Emmau vẫn yên bình như ngày nào, trước giờ vẫn thế. Chỉ khác là sau biến cố lần này, làng bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, du khách kéo về thăm quan hành hương nhiều hơn. Hiện trong làng có nhà của Cleopas, nhà thờ chánh tòa, dòng các sơ người Đức, dòng Phanxicô và nhiều di tích lịch sử khác.
Lập tức họ đứng dậy, chạy nhanh vào thành gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp với nhau tại phòng Tiệc Ly. Thấy hai ông trở lại, cả nhóm vui mừng kể cho hai ông biến cố thầy Giêsu phục sinh đã hiện ra với Si-mon. Còn hai ông thuật lại tất cả câu chuyện với thầy Giêsu trên con đường về làng, và khi Thầy bẻ bánh, họ mới biết là Thầy đã phục sinh. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh, nhanh như lúc thầy Giêsu bị dẫn vào thành chịu chết vậy. Lúc này các ông bắt đầu một hành trình mới mà thầy Giêsu phục sinh sẽ vạch ra cho các ông.
3. Chúa Giêsu lên Trời và lời truyền để lại
Nhóm các môn đệ dĩ nhiên được Chúa Giêsu phục sinh ưu tiên hiện ra nhiều lần để giúp họ lấy lại hy vọng trong hành trình mới. Mỗi Tin Mừng kể những lần Thầy hiện ra với các ông trong bối cảnh khác nhau. Thánh Mác-cô và thánh Luca “quay” lại cảnh Chúa Giêsu lên trời, riêng thánh Gioan và thánh Mát-thêu ghi lại cảnh Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ và trao sứ mạng. Trong những khác biệt đó, sứ điệp chung của Tin Mừng phục sinh là thầy Giêsu được rước lên trời sau khi Thầy sai các ông ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.
Lúc này tôi muốn ở lại khung cảnh nhà thờ Chúa Lên Trời tại khu vực Núi Cây Dầu, gần làng Bê-ta-ni-a. Tại đó ngày nay vẫn còn lưu lại dấu chân trái của Thầy khi Ngài rời khỏi thế gian mà về trốn trời cao. Lúc này thánh Luca thuật lại việc Thầy giơ tay chúc lành cho các ông và trong lúc đó Thầy được đem về trời. Các ông trở lại Giêrusalem và ở trong đền thờ hằng chúc tụng Thiên Chúa.
Trong khi đó, thánh Mát-thêu “quay” lại cảnh Chúa phục sinh cùng mười một môn đệ lên ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Khi ấy Thầy trao cho các ông lệnh truyền rõ ràng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ hãy tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Thánh Mác-cô cũng thuật lại lệnh truyền tương tự như thánh Mát-thêu (Mc 16,15-16).
Sau cùng, Chúa phục sinh đã hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Ti-Bê-ri-a mà thánh Gioan đã trình thuật chi tiết. Qua đó, tôi thấy ba lần Chúa hỏi Phê-rô về lòng yêu mến, ba lần Phê-rô đều trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-19). Với tình yêu nồng cháy Phê-rô dành cho Chúa, Chúa an tâm trao sứ mạng chăm sóc chiên của Thầy.
Tôi muốn khép lại câu chuyện thầy Giêsu phục sinh với tâm hồn rộng mở. Mở ra để đón Chúa phục sinh, mở ra với anh chị em để cùng chia sẻ niềm vui phục sinh và mở ra để đảm nhận tương lai phía trước.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Cảm ơn quý độc giả đã theo Chúa Giêsu trong hành trình Hành Hương Online năm nay. Mong có một ngày nào đó, quý vị cũng được hành hương đến Đất Thánh. Những bài tôi chia sẻ được trích từ tập sách: Giuse Phạm Đình Ngọc, Những Câu Chuyện Tại Giêrusalem, Tôn Giáo, 2018. (Sách được bán tại các nhà sách Công giáo).
[1]Đó là luật có từ trước tới giờ: “Ông Mô-sê triệu tập con cái Ít-ra-en và nói: Đây là những điều Đức Chúa truyền phải thi hành: Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng đối với anh em, ngày thứ bảy sẽ là một ngày thánh, một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dành cho Đức Chúa. Kẻ nào làm việc trong ngày ấy sẽ bị xử tử.” (Xh 35,1-2).
[2] Xem thêm: Tạp chí The Holy Land review: The Tomb is Opened, Mùa hè 2017, tr.32-35
[3] Linh hồn bất tử là chủ đề mà Plato và Aristole luận bàn nhiều. Chẳng hạn trong tác phẩm Phaedo, qua lời Plato cho thấy Linh hồn bất tử sau khi chết. Đối với Aristole cách riêng linh hồn có thuộc tính thiêng liêng và bất tử. Tuy nhiên cả hai triết gia điều không bàn đến vấn đề sống lại của thân xác, và có nhập vào linh hồn bất tử đó hay không. Chỉ trong biến cố phục sinh, hay trong Đức Giêsu Kitô, vấn đề kẻ chết sống lại, linh hồn và thân xác mới được tỏ lộ.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn