Như chúng ta đã biết, người thầy giáo luôn phải là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước, cho xã hội. Cũng đã có nhều cách ví von như “Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ!”. Điều đó quả không sai, người thầy tồi sẽ đem lại hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.
Trong thời gian qua, vấn đề sai phạm được nêu lên nhiều nhất thật đáng buồn đó lại là về giáo dục: từ sách giáo khoa, hệ thống giáo dục cho đến những “kiến trúc sư trí tuệ”… Bên cạnh những người thầy ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tạo nên những đóng góp không hề nhỏ cho nền giáo dục nói chung và đạo đức giáo dục nói riêng thì xã hội cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng trước những hiện tượng một bộ phận nhà giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách. Có lẽ nó đang có một chút lầm lẫn gì về lý tưởng của những con người này? Có lẽ thực sự người ta đã đặt việc giáo dục trở thành một “sản phẩm”, tức là có cung và cầu, có mua và bán (thương mại hóa giáo dục), để rồi thước đo của giáo dục chính là “đồng tiền”.
Trong bài viết: “Phát huy vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục đào tạo”[1] của Ban Tuyên Giáo TW, có đoạn khẳng định như sau: “Vai trò của nhà giáo dục chuyên nghiệp là thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động trên những luận cứ khoa học và nhân văn. Người thầy trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi là giáo dục và dạy học, hay giáo dưỡng”. Quả rất đúng, người thầy trước hết phải là một nhà giáo dục, bởi lẽ giáo viên có thể được xem là một nghề, nhưng nếu là nhà giáo dục thì không còn là “một nghề” nữa, mà nó trở thành một “sứ mệnh”, một “lời mời gọi”.
Vì thế, để đáp ứng nhu cầu xã hội và sự đổi mới trong giáo dục thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cần phải xây dựng và hình thành một phong cách giáo dục phù hợp. Đây cũng là điều tôi muốn gởi đến các nhà giáo trong dịp mừng lễ “Nhà giáo Việt Nam” năm nay.
1. Phong cách giáo dục là gì?
Trước hết, để hiểu được những gì chúng ta đang sắp nói với nhau sau đây, tôi và các bạn chúng ta cần trao đổi với nhau để hiểu thấu đáo về chủ đề chúng ta đưa ra: “Phong cách (style) giáo dục”. Hãy bắt đầu với những từ ngữ của tiêu đề, mà thoạt nhìn có vẻ như chúng ta đã biết khá rõ, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của chúng, chúng ta sẽ hiểu rằng có lẽ còn có điều gì đó vẫn chưa rõ ràng đối với chúng ta:
Trước hết, hạn từ “Giáo dục” xuất phát từ động từ tiếng Latinh “éduco”, nghĩa đen có nghĩa là đưa ra ngoài, là dẫn dắt hướng tới.
Tiếp đến, hạn từ “Phong cách” (style): là phương thức cư xử, là hành động, và là biểu hiện .
Không phải hiểu được ý nghĩa của hai từ này là chúng ta có thể hiểu được tất cả mọi thứ, nhưng mục đích của bài viết này là muốn cho ta nhìn thấy rõ nhất hiện trạng của giáo dục hôm nay: giáo dục thì ai cũng biết rồi, nhưng để xác định “style giáo dục” lại là một vấn đề chúng ta cần bàn ở đây.
Vì thế, chúng ta cần xem xét một chút về từ “style”, có rất nhiều điều mà từ này gợi ý cho chúng ta: trong ngữ cảnh của chúng ta, hiển nhiên một số người cho nó có vẻ tầm thường, biết rồi nói mãi, chê bai…, nhưng thực ra không phải vậy! Chúng ta hãy thử hiểu nó trong bối cảnh của một lễ hội (ngày cắm trại, hội thao chẳng hạn): ta sẽ nhìn thấy rõ đây là một nơi thể hiện các “phong cách” của mỗi đội chơi!; từ màu áo, slogan, quyết tâm xen lẫn cả đam mê (chơi vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của cả đội, vì bộ mặt của bản thân…!!!). Chúng ta hãy nhớ lại xem, với sự trợ giúp của ban tổ chức, tất cả những chiếc áo chúng ta đã mặc trong các ngày hội vừa qua, hãy cùng chiêm ngưỡng chúng và nhớ lại ý nghĩa của mỗi chiếc áo với khẩu hiệu, với logo thiết kế của nó!
Và lúc này đây, tôi muốn cùng các bạn đặt câu hỏi cho những ý nghĩa đằng sau của các lễ hội cũng như các cuộc thể hiện đầy tính phong cách này:
Phong cách riêng mà đội bạn tham gia do ai tạo ra?
Câu trả lời rất đơn giản: do những nhà sinh động (những đội trưởng), là những nhân vật chính của lễ hội này, những con người có nhiệm vụ cụ thể hóa “khẩu hiệu” của những chiếc áo thun để chúng không chỉ còn là những chữ viết vô hồn! Các bạn đồng ý với tôi về điều này chứ!
Những phong cách sinh động ấy thể hiện như thế nào?
Ở đây câu trả lời cũng rất đơn giản, với chiếc áo thun là một phép ẩn dụ về phong cách, nhằm mục đích là thể hiện một “cách ăn mặc” nổi bật vào lúc đó, nhưng như đã từng xảy ra với nhiều “mode” quần áo, sau một thời gian lỗi mode, chúng không còn hợp thời nữa, không một sinh động viên nào chịu mặc áo những chiếc áo lỗi thời đó nữa! Vì thế, những chiếc áo thun này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, cuối cùng nó sẽ nằm ở dưới cùng của ngăn kéo tủ, hoặc được treo một góc nào đó trong phòng riêng của bạn như một thứ kỷ niệm và chắc chắn một điều nó sẽ không bao giờ được mặc ra ngoài như thời kỳ hoàng kim của nó.
Quý thầy cô và các bạn rất mến!
Từ những gì chúng ta đã nói với nhau, rõ ràng ta nhận ra là “phong cách sinh động” đã thay đổi theo thời gian và nó cũng áp dụng cho cả những con người gia nhập sau này, chúng ta hãy nhìn xung quanh nhóm của mình bây giờ, chúng ta có thể tìm thấy bao nhiêu gương mặt mà kỳ lễ hội đó đã cùng gắn bó sống chết với ta? Chắc chắn là không thể có đầy đủ tất cả, có lẽ có nhóm còn lại vài người, có nhóm chẳng còn ai, hoặc chỉ còn một mình ta… Nói như thế để chúng ta hiểu rõ hơn những gì chúng ta sắp phải làm lúc này, đó là “hãy tạo một phong cách hữu hiệu hôm nay”, lúc này với số lượng nhân sự ta đang có trong tay, hãy làm nó hết mình, nhiệt tình.
Chúng ta hãy cố gắng nỗ lực hơn nữa bằng tư duy của mình và chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về ba nhân vật mà bây giờ tôi sẽ đề xuất cho các bạn, cố gắng làm nổi bật sự khác biệt giữa phong cách của họ.
Trong phần cuối của bài viết này, chúng ta có thể xác định rõ hơn ý nghĩa của việc giáo dục có phong cách, và chúng ta có thể làm điều đó bằng cách nhờ sự giúp đỡ của một người bạn mà ít nhiều chúng ta đã biết đến ngài như một nhân vật có phong cách giáo dục đặc biệt, đó chính là Don Bosco! Khi Don Bosco nói về một phong cách giáo dục, ngài không chỉ để tâm đến sự xa rời của những người trẻ khỏi những môi trường nhất định (chẳng hạn như đường phố, môi trường xấu), khỏi những thái độ, phong cách cá nhân nhất định …, mà hành động của ngài là một hành động giáo dục (= giáo dục, đưa ra, rút ra khỏi). Và với tư cách là một nhà giáo dục, ngài muốn mang lại những điều tốt đẹp cho mỗi đứa trẻ mà ngài gặp gỡ.
Như vậy, phong cách giáo dục của một “nhà giáo dục” không chỉ giới hạn trong việc phải tránh càng xa càng tốt với sự dữ, mà trước hết và trên hết là tiếp cận với cái thiện, cái thiện đó là SỰ THIỆN TỐI CAO: THIÊN CHÚA (THƯỢNG ĐẾ).
2. Phong cách giáo dục theo kinh nghiệm của chúng ta
Ơ đây tôi không đề cập đến một kiểu mang tính học thuật điển hình để đưa chúng ta đến tiếp xúc với phong cách giáo dục như một lý thuyết được áp dụng cho việc sinh động giáo dục. Chúng ta không ở đây để thảo luận lý thuyết trừu tượng, đôi khi xa rời cuộc sống. Chúng ta ở đây để nói về việc chúng ta trở thành những nhà giáo dục và về cam kết của chúng ta với các em, giữa những người trẻ, do đó chúng ta nói về chính cuộc sống của mình (bởi vì sự sinh động phải chính là cuộc sống của chúng ta, không chỉ là một phần của nó).
Điểm khởi đầu nằm ngay ở đây: hiểu rằng phong cách giáo dục là thứ mà tôi phải sống, chính xác theo logic đó là để trao tặng ai một thứ gì đó tôi nhất thiết phải sở hữu nó, nghĩa là tôi phải “có nó trong chính con người mình”.
Đừng bao giờ tự tin nói rằng chúng ta là những người giỏi ứng biến. Ngay cả Don Bosco cũng không thể ứng biến được như thế đâu. Nếu Don Bosco “rất” xem trọng việc giáo dục giới trẻ, thì chúng ta càng phải có nhiều lý do để phải làm cho Phong cách Giáo dục trở thành phong cách sống của cá nhân chúng ta.
“Hãy nhớ rằng giáo dục là điều thuộc về trái tim, và chỉ có Chúa (Thượng đế) mới là Chủ, chúng ta sẽ không thể làm gì nếu không có Chúa, chính Ngài sẽ dạy cho chúng ta nghệ thuật sư phạm và đưa cho chúng ta chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn người trẻ” (Don Bosco)
Quả thực, chúng ta không phải là một siêu anh hùng. Để sống với “STYLE”, chúng ta phải cần đến sự giúp đỡ từ một môi trường thực sự mang tính giáo dục. Chúng ta cần phải gắn cuộc sống mình trong một môi trường giáo dục, một môi trường biếti đặt mục tiêu chính là giáo dục lên hàng đầu, mấu chốt của mọi thứ là ở đây. Việc sống và làm việc trong môi trường giáo dục này cũng phải hướng chúng ta đến một môi trường sống, nghĩa là cảm nhận đó là gia đình và mình là nhân vật chính trong môi trường đó.
Do đó, sống trong một môi trường giáo dục, hoặc tạo ra một môi trường giáo dục, có nghĩa là mỗi người (các nhà giáo dục) phải biết cách phát triển khả năng mình trong nền giáo dục này, như tôi đã đề cập ở phần trên như là cách tiếp cận với Chúa (Chúa sẽ dạy ta nghệ thuật sư phạm và đưa cho ta chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn người trẻ). Một người không thể là một nhà giáo dục 100% nếu anh ta từ chối nói về niềm tin của mình (dù là tôn giáo nào đi nữa), cho dù sự sinh động giáo dục đó có là một cam kết xã hội thuần túy. Và vì thế rõ ràng sau đó, phải đi đến một cuộc gặp gỡ tiệm tiến với Chúa (Thượng Đế) nơi những nhà giáo dục, một cuộc gặp gỡ đầy sự tôn trọng về các giai đoạn và nhịp điệu riêng của mỗi người…! Nếu không đi đến đều này, xem như chúng ta đánh mất phong cách riêng trong môi trường sư phạm của chúng ta. Đây mới chính là một “kỹ sư tâm hồn” thực sự, một nhà giáo dục đúng nghĩa.
3. Sáu yếu tố để sống sâu sắc mối liên hệ trong giáo dục
Đây là những yếu tố làm nên một “style giáo dục” mang tên Giáo dục trong môi trường Salêdiêng Don Bosco (các trường nghề Don Bosco, các nguyện xá và trung tâm trẻ). Tôi xin gởi đến quý thầy cô (những nhà giáo dục) như một món quà trong ngày mừng lễ Nhà Giáo Việt Nam. Bởi lẽ, ngọc càng dũa càng sáng, kinh nghiệm giáo dục biết chia sẻ và cho đi sẽ làm giàu thêm kinh nghiệm cho chính mình.
3.1 Nhạy cảm với trẻ em.
Đây là điều kiện cơ bản để tạo sự sinh động giáo dục. Một người sẽ không thể là một nhà giáo dục nếu không có sự quan tâm này ở những người trẻ tuổi. Bởi lẽ, nếu ta xem các em như là con, là người yêu của mình, ta sẽ phải để ý, quan sát và muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về đối tượng của mình.
3.2 Mở lòng ra cho tất cả các em
Nó là một cái gì đó cụ thể hơn, có thể là điều mà chúng ta phải quan tâm sâu sắc. Điều quan trọng là chúng ta phải mở rộng tầm mắt trước nhiều tình huống mà trẻ em ngày nay gặp phải. Chúng ta được kêu gọi ở giữa các trẻ, với tư cách là những nhà giáo dục, và không chỉ là ở giữa “các con của tôi” mà là giữa “tất cả các trẻ em” được gởi đến cho tôi. Môi trường giáo dục không phải là nơi trục lợi hay chủ nghĩa bè phái, “chủ nghĩa lợi ích nhóm”, cũng không phải là môi trường mang tính cạnh tranh với các trường khác trong cùng thành phố hay trong khu vực lân cận.
Mỗi bạn trẻ bước vào môi trường giáo dục đều phải nhận được sự chú ý của chúng ta. Cánh cổng trường phải luôn mở cho tất cả mọi người. Nó là sự biểu hiện có ở bên trong trước khi một thái độ được biểu hiện ra bên ngoài. Tôi cảm nhận rằng, mình được gửi đến cho tất cả mọi người, không phải cho riêng một cá nhân nào.
3.3 Hãy coi chừng quan điểm đánh đồng trong giáo dục
Điều này không có nghĩa là cho phép chúng ta áp dụng tất cả các phương pháp giáo dục sẽ được lặp lại theo cùng một cách cho mọi trẻ như nhau. Chúng ta phải biết rằng các em là những cá thể khác nhau và mỗi người đều mang trong mình tính đặc trưng riêng và quý giá, cần được tôn trọng và trau dồi. Chính vì thế phải quay trở lại với số 1, nghĩa là phải biết và hiểu các em: gia cảnh, hoàn cảnh, tính cách, thể lý …
Trên sân cỏ: Không chỉ đá bóng mà hãy nhìn xung quanh! Quá thường xuyên khi lũ trẻ đang ở trong sân của nhà thi đấu, chúng ở một mình, lang thang tìm kiếm nhà giáo dục mà không biết phải làm gì, trong khi các nhà giáo dục đang “ở trong chính họ” (chỉ quan tâm đến chính bản thân mình, hoặc chỉ thể hiện tài năng, tài lẻ của mình, thể hiện qua việc cắm cúi chơi hoặc làm việc riêng) mà thiếu đi con mắt quan sát (nghĩa là quên mất mình ra sân chơi vì mục đích gì).
Mọi ngóc ngách của sân chơi, lớp học không xa khỏi tầm mắt của nhà giáo dục. Sự hiện diện của nhà giáo dục là một đảm bảo cho hình ảnh sống động thực sự. Quay trở lại ý nghĩa thực sự của hạn từ “giáo dục”: họ không hiện diện cách tích cực trong sân chơi, trong lớp học, là bởi vì các nhà giáo dục trong một cách nào đó họ đang phải bận tương tác với nhau, bàn chuyện riêng của họ, và chơi hết mình với những gì mình thích mà thôi. Vậy thì sao có thể biết điều hay, điều tốt nơi trẻ để kéo, để rút ra, để hướng dẫn một hướng đi cho chúng.
3.4 Đưa ra nhiều đề xuất
Đôi khi chúng ta không đến được với bọn trẻ không phải vì chúng ta xa chúng về mặt thể lý, mà vì chúng ta không thể cung cấp cho chúng nhiều hoạt động và sở thích. Nếu môi trường giáo dục của chúng ta chỉ dừng lại ở hoạt động trong sân chơi, chúng ta sẽ khó có thể “thu hút” được sự chú ý của những người trẻ mới, hoặc những người trẻ đã sống lâu năm trong môi trường giáo dục của chúng ta nhưng giờ đây dường như trở nên bất mãn và chán nản.
Chúng ta hãy nghĩ xem sẽ như thế nào nếu trong môi trường giáo dục của chúng ta có một chiều kích bác ái, có một sự sinh động mang tính truyền giáo, có một sự đào tạo tập trung hơn vào việc dạy giáo lý. Cần lắm một hoạt động mang tính chiều sâu như thế, bởi lẽ giáo dục là kéo ra, là rút ra từ bên trong mà. Và rồi chúng ta cũng nghĩ xem ai là người quan tâm đến những lãnh vực này, và ai là du khách chỉ lướt qua mà không dừng lại.
3.5 Không có gì phải tùy cơ ứng biến!
Điều rất quan trọng là nhà giáo dục, trong khi tổ chức các ngày lễ, ngoài việc xây dựng chương trình, phải xác định rõ mục đích và phải thông tri cho tất cả các thành viên hội đồng giáo dục mục vụ nắm rõ về các mục tiêu cần phải đạt được (mục tiêu mang tính giáo dục).
Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng đối với sự biết và hiểu sâu về một chủ đề cụ thể, không nên coi thường và phải suy nghĩ cẩn thận, không được chuẩn bị bởi một cá nhân mà phải được chia sẻ bởi tất cả các nhà giáo dục tham gia, nó có thể là một hoạt động thủ công, thảo luận hoặc kết hợp cả hai, điều quan trọng là nó luôn đa dạng, không bao giờ lặp đi lặp lại những điều giống nhau, cùng một phương pháp.
Trò chơi rất vui nhộn và thông qua trò chơi, các em xây dựng mối quan hệ với các bạn cùng lứa tuổi, học cách hòa nhập với những người khác, tự do đảm nhận vai trò tôn trọng đối với nhóm bạn thuộc về. Đối với mọi người, mọi người sẽ là một khoảnh khắc để “trải nghiệm” con người của chính họ, thực tế là đặt mình vào tình thế cùng với những người khác.
Cảnh báo! Vì những lý do này, trò chơi không phải là một “phụ kiện” trong ngày! Do đó, nó phải được chuẩn bị và tổ chức tốt. Đối mặt với sự nghiêm túc của tổ chức, các bạn trẻ sẽ thực hiện hoạt động với sự cam kết và tham gia. Trò chơi là một phương tiện không thể thiếu, là phương tiện đầu tiên, để thiết lập một tình bạn nhanh chóng và tự phát, là tiền đề để chuyển sang các giai đoạn huấn luyện khác. Chia sẻ với trẻ giúp trẻ được coi là “bạn” chứ không phải là thầy, là yêu những gì trẻ yêu, là ở bên cạnh để trẻ cảm thấy mình quan trọng.
Cầu nguyện là nền tảng của việc đào tạo mà chúng ta cung cấp cho những người trẻ tuổi để trở thành những nhà vô địch của tình yêu Thiên Chúa (hoặc Thượng đế của họ), qua đó chúng ta hướng đến việc đào sâu mối quan hệ hiếu thảo gắn kết chúng ta với Thiên Chúa Cha qua lời của Chúa Giêsu Kitô, người thầy duy nhất và đích thực của chúng ta trong cuộc sống. Đối với việc vui chơi và hoạt động, việc cầu nguyện phải được chuẩn bị cẩn thận, nghiên cứu, thánh hóa sao cho trở thành của riêng mình và trên hết là sống động để không mang đến cho các em một bữa ăn có sẵn mà là Lời Sự Sống đích thực đang mời gọi các em tự khám phá và chế biến thành món ăn tinh thần đích thực mà các em cần.
3.6 Lý trí, tôn giáo, lòng thương mến
Ba từ để tóm tắt khía cạnh quan trọng nhất của phong cách giáo dục của chúng ta.
Lý trí: chúng ta nhớ rằng sự sinh động là điều buộc phải có trong một môi trường giáo dục. Sự sinh động không bao giờ có thể được tách ra khỏi ý nghĩa tốt đẹp của nó (hương vị tốt cho món ăn tinh thần), những gì tôi đề xuất với các em không có gì là bất thường!!! (nghĩa là phải thấu tình đạt lý, phải cắt nghĩa cho các em biết việc các em làm). Cách chúng ta ăn mặc, công tác chuẩn bị và chăm sóc môi trường, cách chúng ta nói năng, điều hành, khiến trẻ em hiểu chúng ta thực sự là ai!
Tôn giáo: vừa là phương pháp (việc dạy Giáo Lý) và mục tiêu (nghĩ về vai trò trung tâm của Chúa Giêsu và Lời của Ngài) là trung tâm của mọi ý định và là điểm hướng đến trong mọi công việc, mục tiêu cần đạt được với những mũi tên mà chúng ta có theo ý mình và chúng ta có thể đạt được bằng cách chăm sóc việc đào tạo kitô hữu qua việc mời gọi tham gia vào các bí tích.
Lòng thương mến là khía cạnh mà làm cho chúng ta hiểu được sự sinh động như là một cuộc gặp gỡ xuất phát từ trái tim. Don Bosco nói: “Giáo dục là công việc của trái tim”. Vậy thì những nhà giáo dục không thể không tập trung mọi thứ vào tình yêu. Chúng ta có nhiệm vụ giúp cho các bạn trẻ nhận thức được rằng chúng được yêu thương, không chỉ bởi chúng ta, nhưng bởi Thiên Chúa.
Tình thương còn là giữa những người làm công tác giáo dục với nhau, những người bạn đồng hành cùng chung mục tiêu, nên không có sự ganh đua và không bao giờ được phép làm việc theo kiểu “ao tù”, giúp đỡ lẫn nhau để nói lên rằng trong tập thể có sự hòa hợp và tình huynh đệ chân chính.
4. Kết luận
Phong cách Giáo dục không phải là một lý thuyết, mà là một cách xử lý sư phạm có hệ thống để áp dụng cho từng trường hợp một cách bình đẳng. Thay vào đó, nó là một trải nghiệm để sống, trước hết liên quan đến con người của chúng ta và sau đó là mối quan hệ của chúng ta với người trẻ. Mối tương quan giáo dục không phải là chuyện dễ dàng, không thể sống hời hợt.
Vì điều này, chúng ta được kêu gọi để trở nên có trách nhiệm với các học trò của chúng ta, những đứa trẻ không phải là “của chúng ta” nhưng được giao phó cho chúng ta từ gia đình của chúng và bởi Thiên Chúa, và chúng ta phải cảm thấy thực sự có trách nhiệm đối với sự trưởng thành của chúng, chúng ta được kêu gọi để giáo dục chúng chứ không chế nhạo hay xem thường! Chúng ta được kêu gọi để yêu thương và hướng dẫn chúng và cũng cảm thấy tội lỗi khi một số trong các em rời bỏ chúng ta hoặc chúng ta không thể đến gần các em và ngược lại.
Nhà giáo dục là một con người tận hiến vì lợi ích của các học trò bé nhỏ của mình, do đó họ phải sẵn sàng đối mặt với bất kỳ sự xáo trộn, khó khăn nào, mọi nỗ lực để đạt được mục đích cuối cùng, đó là nền giáo dục toàn diện.
Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb
Nguồn: donboscoviet.info
[1] Tạp chí Tuyên Giáo TW, Phát huy vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục đào tạo, (17/11/2019).
Hits: 27
Nguồn tin: conducmevonhiem.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn