(Xin gửi đến quý thầy cô nhân ngày 20/11)
Ông lái đò vẫn ung dung bẻ lái cho chiếc đò êm trôi trên mặt nước, nhìn vào ai cũng nghĩ công việc ấy thư thái và nhàn hạ quá sức. Nhưng không! Để chiếc đò trôi đi cách đúng hướng và nhanh chóng tới bến như vậy, không hề dễ chút nào cả.
Công việc ấy là cả một sứ mạng hẳn hoi. Ông phải đảm bảo việc đón khách ở hai đầu bến, đưa đến nơi mà họ muốn, trong vai trò là cầu nối trung gian. Như thế, ông phải trung thành với sứ mạng của mình không phải một ngày một bữa, mà suốt cả đời mình cho tới lúc không đảm nhận việc này được nữa, dù trời nắng hay trời mưa, lúc khỏe mạnh hay khi bệnh tật. Điều này đòi hỏi nơi ông một sự kiên trì và lòng yêu nghề khủng khiếp. Gắn bó keo sơn với bao nhiêu mưa nắng cuộc đời, ông thực thi trọn vẹn sứ mạng của mình.
Ông là một người âm thầm nhỏ bé hết sức. Dẫu biết vị trí lái của ông là quan trọng vô ngần, vì thế dân gian mới có câu: “mũi dại lái chịu đòn”, nhưng khi bước lên đò có mấy vị khách để ý tới vị trí của ông đang đứng. Trong tâm khảm của họ chỉ có cái bến phía trước, có người họ yêu mến, có bữa cơm nhà đang đợi, có hạnh phúc riêng, có thành công chờ đón; còn người lái đò chỉ thui thủi sau những chuyến đò đưa. Ông lặng nằm gác chân nghỉ ngơi đôi chút, mở nắm cơm vắt ăn qua loa rồi tiếp tục chèo đưa. Sự cô đơn và âm thầm nơi người lái đò là một điều cao quý. Chỉ cần khách đi đò hạnh phúc là ông hạnh phúc, khách tới bến đỗ là ông an tâm, khách còn gọi nhờ ông đưa đò là ông biết mình còn hữu ích cho cuộc sống này.
Thêm nữa, ông phải có đôi mắt tinh tường, trí phán đoán nhanh nhạy, chính xác. Chuyến đò chỉ có một đường qua lại thôi, nhưng lái không chuyên thì chuyến đò cứ xoay vòng mà chẳng tới bến. Đó là còn chưa kể tới những con xoáy ngầm chực chờ hút con đò xuống đáy sông. Thế nên, với kiến thức và kinh nghiệm chuyên nghề, ông lái biết mùa nào nước ra sao, xoáy tập trung chỗ nào và đi như thế nào thì an toàn cho khách trên đò. Như vậy, đòi hỏi đặt ra cho một người lái đò thật khó, vừa chuyên nghề, vừa tinh tường và nhanh nhạy. Khi không còn đủ những tiêu chuẩn như thế, ông tự hiểu mình không còn lái đò được nữa.
Đã vậy mà đôi lúc ông còn chịu lời ra tiếng vào của khách. Trách sao được vì phận dãi dầu mưa nắng cả ngày, cái giới hạn con người làm sao không xảy ra với ông được. Những bực mình, không vui hay lắm lúc quát tháo là điều không tránh khỏi. Nhưng chắc chắn một điều là đạo đức trong nghề nghiệp cho thấy ông luôn một lòng muốn làm tròn trách nhiệm của người đưa đò. Không phải tiếng nóng giận, quát tháo ấy là vì tiền bạc, hay vì cuộc sống riêng mình; nhưng bởi đôi lúc sợ những đùa giỡn thái quá của ai đó trên chuyến đò sẽ gây nguy hiểm cho những người khác; sợ những hành vi thiếu ý thức trong phút chốc để lại hậu quả cho cả cuộc đời. Ông ưu tư và lo lắng nhiều. Thôi thì đành lẳng lặng mà chịu lời ra tiếng vào, nhưng cứ phải sống đúng cái nghĩa làm người đã là mừng.
Chưa hết, có ai từng lặng ngẫm về thân phận của người lái đò. Hình như ông đang hy sinh. Đúng rồi! Ông hy sinh cuộc đời riêng tư của mình cho ích chung của những chuyến đò. Hết chuyến này rồi sang chuyến khác. Hết đời khách này đến đời khách khác. Tới bến thì khách nào cũng vui mừng hớn hở, còn ông ngồi nhìn tóc đã điểm bạc rụng xuống và đếm xem mình còn đưa được bao nhiêu chuyến đò nữa trong phần đời còn lại. Đời phục vụ của ông không chớp nhoáng như con thiêu thân sa vào ánh sáng mà chết, nhưng nỗ lực cống hiến lâu dài cho cả một sự nghiệp đưa đò lớn lao.
Ông lái đò ơi! Cám ơn vì những lao tác miệt mài của ông. Đưa được bao nhiêu chuyến đò, bao nhiêu người đạt hạnh phúc riêng, còn ông vẫn ung dung, tự tại với đóng góp vào ích chung của mình. Cám ơn ông đã đưa tôi tới bến bờ nhỏ, từ bến nhỏ này sang bến nhỏ khác, tôi phải mang ơn bao nhiêu ông lái đò như thế. Cám ơn ông nhiều lắm ông lái đò ơi!
Little Stream
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn