Ratzinger, một người thầy
Thứ bảy - 21/11/2020 07:27
Ratzinger, một người thầy
RATZINGER, MỘT NGƯỜI THẦY
Đọc sách Tiểu sử Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI “Servitore di Dio e dell’umanità” của Elio Guerriero
Tác giả: Lm Federico Lombardi, S.J.[1]
Chuyển ngữ: Thành Thi
WHĐ (20.11.2020) - Ngày 30-08-2016, quyển tiểu sử Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ấn bản tiếng Ý được phát hành tại Roma. Sách mang tên “Servitore di Dio e dell’umanità” (Tôi tớ của Thiên Chúa và của nhân loại). Tác giả là Elio Guerriero, nhà văn và nhà thần học; sách do Đức giáo hoàng Phanxicô đề tựa.
Sau đó, ngày 27-09, tại Roma, đã diễn ra buổi hội thảo giới thiệu tác phẩm. Trong buổi hội thảo này, có ba diễn giả trình bày cảm nhận về Đức Bênêđictô XVI qua thiên tiểu sử của ngài được Elio Guerriero biên soạn: Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin; Linh mục Federico Lombardi S.I., Giám đốc Quỹ Ratzinger, nguyên Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập Cộng đoàn Sant’Egidio.
Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả bài phát biểu của Linh mục Federico Lombardi tại buổi hội thảo trên.
I. SÁCH TIỂU SỬ: GIÁ TRỊ VÀ ĐẶC ĐIỂM
Công trình của ông Elio Guerriero[2] được chúng ta giới thiệu chiều nay quả là một tác phẩm được chờ đợi. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn khách quan để có thể nói đây thực sự là cuốn tiểu sử đầu tiên về Đức Joseph Ratzinger-Bênêđictô XVI, viết về trọn cuộc đời của ngài, từ ngày sinh ra đến hôm nay. Một cuộc đời đang tiếp diễn và có thể sẽ còn mang lại nhiều bất ngờ và tiếp tục trao ban - như quyển sách phỏng vấn ngài do Peter Seewald mới đây vừa thực hiện - đặt trong tổng thể những gì ngài đã làm liên quan đến những hoạt động sứ vụ, viết sách và giảng dạy.
Chúng ta đã từng được giới thiệu về những chặng đường cụ thể của cuộc đời đức nguyên giáo hoàng, chẳng hạn quyển “Tự thuật” do ngài viết, hiện là tư liệu tham khảo chủ yếu về phần thứ nhất cuộc đời của ngài, 50 năm đầu tiên, tính đến khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Münich. Chúng ta đã đọc quyển sách hấp dẫn do Gianni Valente viết về “Giáo sư Ratzinger”, một hợp tuyển lớn các chứng từ về thời dạy học của Ratzinger tại nhiều trường đại học ở Đức. Lại được đọc một công trình lớn về thời ngài cai quản tổng giáo phận Münich. Được đọc bốn quyển sách phỏng vấn, đến nay là năm, của Messori và Seewald vời thời kỳ ngài phục vụ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin và sau đó là Giáo hoàng. Còn nhiều đóng góp khác nữa, tất nhiên nông sâu khác nhau, về giai đoạn ngài làm giáo hoàng, chẳng hạn quyển gần đây của Roberto Regoli (quyển Oltre la crisi della Chiesa, tạm dịch: Bên kia cuộc khủng hoảng của Giáo hội)...
Nhưng chưa có ai thử phác họa một cách bao quát và thống nhất nhằm lý giải cuộc lữ hành phi thường về phương diện nhân bản, văn hóa, tinh thần, và giáo hội của Đức Joseph Ratzinger.
Đó chính là điều hôm nay Elio Guerriero đã làm, và ông làm từ vốn liếng hiểu biết được trang bị từ nhiều thập niên qua, khi tìm hiểu tiểu sử, bền bỉ đọc và nghiền ngẫm trước tác của đức nguyên giáo hoàng, trong thời gian dài làm Giám đốc ấn bản tiếng Ý của Communio, tạp chí thần học được khai sinh từ một dự án vốn Đức Ratzinger là người đóng góp chủ yếu. Guerriero đã dịch và hiệu đính rất nhiều bài viết của Đức Ratzinger xuất bản bằng tiếng Ý.
Có thể dễ dàng nhận ra như một đặc trưng rõ nét và quan trọng, đó là thế giá về thần học và sự am hiểu của Guerriero về tư tưởng của Đức Ratzinger được biểu lộ trong suốt công trình đồ sộ chúng ta đang cầm trên tay. Quyển tiểu sử này không chỉ là câu chuyện gồm những sự kiện tiếp nối nhau, trong đó nhân vật chính chuyển dịch từ quê hương Bavaria, qua những chặng đường với các thành phố đại học ở Đức, đến Münich rồi cuối cùng ở Roma, mà hơn nữa còn là thiên tự sự tinh thần và văn hóa về một lịch sử ơn gọi nghiên cứu và giảng dạy thần học, vì thế quyển tiểu sử hết sức phong phú về tư tưởng, do đó có thể khá khó khăn đối với những độc giả không có thị hiếu nhất định về suy tư thần học và cũng ít quen với loại suy tư này.
Tóm lại, không thể kể về cuộc đời của Đức Ratzinger mà lại không đề cập cuộc đời đó là của một nhà thần học, một “nhà tư tưởng”, ngay cả khi làm giáo hoàng. Khi thuật lại, cần phải nêu cho được những vấn đề cuộc đời đó đã đương đầu và cách thức đương đầu của cuộc đời đó, đâu là những vấn đề cuộc đời đó nhìn thấy đang đặt ra cho mình và cho Giáo hội trong việc phát triển sự nghiên cứu, và rộng hơn, trong cuộc tranh luận về văn hóa, đâu là những thách đố và nguy cơ đối với đức tin của người tín hữu và của cộng đoàn, đâu là kinh nghiệm và thái độ về phương diện thiêng liêng song song với suy tư của ngài về phương diện tri thức.
II. NHỮNG KHÍA CẠNH VÀ SỨ ĐIỆP CỦA MỘT CUỘC ĐỜI DẤN THÂN THẦN HỌC CHO GIÁO HỘI
Trong khung cảnh này, tôi muốn làm nổi bật ba khía cạnh tôi cho rằng quyển tiểu sử Đức Ratzinger do Guerriero biên soạn sẽ giúp chúng ta nhận thức những sự kiện và các giai đoạn trong lịch sử gần đây của Giáo hội mà chính Đức Ratzinger đã trải qua.
1. Công đồng Vatican II
Sự kiện Công đồng diễn ra đã được năm mươi năm, khiến nhiều người trong chúng ta không biết đến hoặc đã quên mất vai trò quan trọng của vị giáo sư trẻ tuổi Ratzinger trong các biến cố chuẩn bị và tiến hành Công đồng mà ngài đã tham gia với tư cách chuyên viên của Đức hồng y Frings. Những phát biểu của ngài rất nhiều và Guerriero giúp chúng ta hiểu rõ và sâu sắc sự đóng góp chính yếu và quyết định của ngài trong cuộc thảo luận gay go về “Lược đồ về những nguồn Mặc khải”, tiếp theo đó là vấn đề trung tâm của mối liên hệ giữa Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền được ngài làm rõ một cách thỏa đáng trong quá trình thảo luận về vấn đề này, và sau đó đã được chấp thuận vào cuối Công đồng. Ratzinger đã khai thác những trực cảm chính về đề tài Mặc khải của Thiên Chúa ngài đã từng cưu mang trong luận văn lừng lẫy và nhọc nhằn về thánh Bônaventura và thần học của ngài về lịch sử.
Không chỉ vậy, Guerriero còn giúp chúng ta hiểu đường hướng suy tư này sẽ còn tiếp tục và được gặp lại trong công việc của vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin (cụ thể là về thần học và việc giải thích Kinh thánh được đề cập đến trong các văn kiện quan trọng của Ủy ban Thần học quốc tế và Ủy ban Kinh Thánh), và cuối cùng sẽ gợi cảm hứng cho toàn bộ công trình lớn ngài viết về Chúa Giêsu, điểm nhấn thực sự trong triều đại giáo hoàng của ngài và trong toàn bộ cuộc đời của Ratzinger, một tín hữu, một nhà thần học và một vị mục tử của Giáo hội hoàn vũ.
Về vấn đề này, cho phép tôi được nhấn mạnh, vài tháng nữa sẽ xuất bản tập thứ nhất, ấn bản tiếng Ý, là một trong hai tập viết về Công đồng Vatican II được đưa vào bộ Opera Omnia (Toàn Tập) của ngài, và năm tới đã lên chương trình xuất bản tiếp bộ Opera Omnia với phần viết về thánh Bônaventura, song song với hội nghị quan trọng của Đại học Grêgôriana nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh Bônaventura. Đây là dịp để đào sâu và công bố những đóng góp mang tính nền tảng của Ratzinger cho thần học và giáo lý của Hội Thánh.
2. Thế nào là nền thần học trong Giáo hội?
Một khía cạnh nổi bật trong cuộc đời của Đức Joseph Ratzinger là khoảng cách ngày càng lớn giữa ngài và các nhà thần học Đức (trong đó Küng là ví dụ rõ rệt nhất) trong thời kỳ hậu công đồng.
Tôi cho rằng, việc tìm hiểu cội rễ của sự chênh lệch này không phải là việc vô nghĩa, mà liên quan đến bản chất và mục đích của khoa thần học trong Giáo Hội.
Trong quyển “Cuộc trò chuyện cuối cùng”[3], trả lời một câu hỏi phỏng vấn, Đức Bênêđictô XVI giải thích một cách đơn giản: “Tôi thấy thần học không còn là sự giải thích đức Tin của Giáo hội Công giáo, mà tự mình cho rằng đức tin hẳn là như thế và phải như thế. Nhưng đối với một nhà thần học Công giáo, trong đó có tôi, điều đó không đúng với thần học” (Seewald, tr. 149 - bản tiếng Ý).
Hơn nữa, ngài nhấn mạnh: “Một Giáo hội không có thần học thì đang làm nghèo mình đi và trở nên mù lòa, còn một nền thần học không có Giáo hội thì đang tự tiêu vong trong sự võ đoán” (Guerriero, tr. 238), và còn nói thêm: thần học phải có đức Tin trước đã “thần học sống bằng sự nghịch lý của đức tin kết hợp với khoa học” (Guerriero, tr. 239).
Theo cách diễn tả nổi tiếng của Balthasar, thần học phải biết “quỳ gối”, trở thành một “lời cầu nguyện”. Sự ăn ý giữa Ratzinger với Lubac và Balthasar như vậy đã cho ra đời tạp chí thần học Communio thay cho tạp chí Concilium. Với Communio, Ratzinger trở thành một trong những người gợi cảm hứng chính và bản thân ngài sẽ đăng rất nhiều bài đóng góp cho tạp chí. Vốn từng có nhiều thập niên cộng tác và phụ trách ấn bản tiếng Ý của tạp chí Communio, Guerriero có thể nói về những điều này một cách chắc chắn và có thẩm quyền.
Một điều rất lý thú là ông đã viết về cách thức của Ratzinger, là người sống và cảm nhận căn tính của mình là một nhà thần học, đón nhận và diễn đạt phận sự mới rất khó khăn là làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, vốn được coi là “người canh giữ sự Chính thống”, đồng thời tìm cách sống theo tinh thần cải cách của Đức Phaolô VI, người đã thấy Bộ này không chỉ có nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm, mà hơn nữa còn phải đưa ra đề nghị nhằm thúc đẩy giáo lý đức tin, làm nổi bật những khía cạnh tích cực của giáo lý. Đó là điều rất khó khăn như đã thấy qua những tình thế và trường hợp gây nhiều tranh cãi được Guerriero thuật lại một cách khách quan, khi nhắc đến những vụ việc như trường hợp Curran và Schillebeeckx, và Huấn thị Donum veritatis, huấn thị nhằm làm dịu bầu khí bằng cách nêu lên với một cung cách quân bình về mối liên hệ giữa huấn quyền và thần học: “Huấn quyền và các nhà thần học có những chức năng khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu: giữ gìn dân Chúa trong sự thật, nhờ đó dân Chúa trở thành ánh sáng muôn dân” (Guerriero, tr. 243).
Nỗi ưu tư về mối liên hệ đúng đắn giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và huấn quyền, gắn với Ratzinger suốt đời, đồng thời cho biết, như chúng tôi đã nêu trên đây, vì sao ngài trút hết say mê vào công trình viết về Chúa Giêsu.
Công trình viết về Chúa Giêsu là bằng chứng cho thấy vị giáo hoàng thần học gia này là người đồng hành và dẫn đường cho nền thần học từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Mấy tuần trước, khi thưa chuyện với ngài tại đan viện Mater Ecclesiae, một trong những điều ngài nói hiện còn khắc ghi trong tâm khảm tôi là: phải dùng cách tích cực mà giúp thần học tiến bước, để thần học được tiếp tục phát triển trong Giáo hội, và việc này phải diễn ra từ bên trong của chính thần học, chứ không phải từ bên ngoài, vì nếu can thiệp từ bên ngoài, sẽ chẳng làm được việc lớn… Về việc này, ngài luôn ước ao tạo điều kiện cho thần học được nuôi dưỡng sâu xa bằng đức Tin và sensus Ecclesiae (cảm thức của Giáo hội).
3. Đừng quên những vấn đề sau hết
Ở trang 159, Guerriero viết: “Cánh chung luận là một trong những vấn đề thần học rất được quan tâm trong giai đoạn giữa cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ ba. Đức Ratzinger đã đóng góp tiếng nói vào đề tài này không chỉ với thẩm quyền riêng mà hầu như còn trong cô độc. Giữa lúc thần học và huấn quyền dường như gác đề tài này sang một bên, ít nhiều cũng cho thấy sự lúng túng, Đức Ratzinger lại dành sự lưu tâm, không phải là không thường xuyên và nhất thời, cho suy tư về những thực tại sau cùng”.
Ngay từ năm 1957, ngay trong khóa trình đầu tiên về cánh chung học tại đại học Freising, Ratzinger đã có những suy tư phong phú về linh hồn, và hai mươi năm sau, khi dạy tại Ratisbonne, ngài xuất bản bộ “Tín lý Công giáo” trong đó có một quyển về cánh chung luận được coi là “dày công và kỹ lưỡng nhất”. Trong công trình này, với những bài viết về Kitô học, “ngài đề cập một cách xác tín một số điểm mới mẻ và độc đáo trong toàn cảnh nền thần học đương thời” (tr. 162) .
Cũng nên nhắc lại một văn kiện quan trọng của Ủy ban Thần học quốc tế về “Những vấn đề hiện nay của cánh chung học” (1990), mặc dù ngài luôn nhấn mạnh cần phải phân biệt giữa những gì ngài viết và các văn kiện của các cơ quan do ngài đứng đầu, nhưng khó có thể nói ngài hoàn toàn xa lạ với những nội dung được trình bày trong các văn kiện này.
Đến đây, tôi muốn nhắc đến quyển “Cuộc trò chuyện cuối cùng” của Đức Bênêđictô XVI với Seewald, nhìn chung, theo tôi phần quan trọng nhất là chứng từ của ngài với tư cách một tín hữu đang chuẩn bị đi gặp Chúa và chiêm niệm về mầu nhiệm ấy, kết quả của cả một suy tư lâu dài về những sự cánh chung. Vì vậy tôi vui mừng về hội nghị thần học sắp tới do Quỹ Ratzinger xúc tiến, được sự cộng tác của phân khoa thần học trường Đại học Thánh Giá, tổ chức vào tháng Mười Một, với chủ đề về cánh chung học, theo dự kiến sẽ có những phát biểu về sự đóng góp của Đức Ratzinger trong lĩnh vực này. Theo tôi, cần phải lưu tâm đến tầm quan trọng những vấn đề muôn thuở và không thể tránh khỏi, là những ‘novissimi’, những sự sau hết -sự chết, phán xét, hỏa ngục, thiên đàng- nếu chúng ta không uốn lừa mị người đương thời khi bỏ qua những điểm then chốt của đức tin Kitô giáo. Đức Ratzinger, vốn luôn quả cảm lội ngược dòng, đã giúp chúng ta bằng những đóng góp của ngài về thần học và qua chứng từ sống động của ngài đang đối diện với cái chết.
III. CẶP BÀI TRÙNG TUYỆT VỜI
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quyết triệu Đức Hồng y Ratzinger về Roma đảm nhận phận sự đứng đầu Bộ Giáo lý Đức Tin. Dù Đức Ratzinger rất muốn khước từ vì ý thức trọng trách đối với Tổng giáo phận Munich đã được Đức Phaolô VI trao phó trước đó không lâu, nhưng cũng đã phải cúi đầu trước ý định rõ rệt của Đức Gioan Phaolô II. Thế là bắt đầu quá trình cộng tác rất lâu dài, gần 24 năm, với Đức Gioan Phaolô II trong trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, một sự cộng tác có vai trò rất quan trọng đối với một trong những triều đại giáo hoàng dài nhất trong lịch sử, và từ chính con người của vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin và Niên trưởng Hồng y đoàn này đã gợi cho Hồng y đoàn một sự lựa chọn tự nhiên để bầu ra vị tân giáo hoàng. Chính những lúc vị Bộ trưởng gặp khó khăn và mệt mỏi về thể chất, khi những ý nghĩ từ chức ùa đến, Đức Gioan Phaolô II đã cho vị Hồng y Bộ trưởng hiểu rằng ngài không thể nào xem xét một việc như thế.
Sự khác biệt, đồng thời bổ túc cho nhau, của hai nhân cách lớn Wojtyla và Ratzinger, đồng thời sự hòa hợp tinh thần, vừa sâu xa vừa bền chặt, của hai vị đã khiến chúng ta có thể nói lên đó là một “cặp bài trùng tuyệt vời”. Về một số phương diện nào đó, khó có thể nghĩ đến vị này lại không liên tưởng đến vị kia.
Trong số những tác động quan trọng của Đức Gioan Phaolô II nhằm định hướng giáo lý của Hội Thánh, có sự đóng góp của Đức Ratzinger, tôi muốn nhắc đến hai văn kiện được bàn luận nhiều nhất, đó là Huấn thị về Thần học giải phóng và Tuyên ngôn Dominus Jesus.
Guerriero giúp chúng ta hiểu đây không phải là vấn đề tiến bộ hay bảo thủ, cởi mở hay khép kín, mà là cả Đức Giáo hoàng và Đức Hồng y Bộ trưởng đều thấy mình phải đưa ra lập trường rõ rệt và mạnh mẽ nhằm tránh cho đức Tin của Giáo hội rơi vào tình trạng lạc đường không thể chấp nhận được, như trong trường hợp những trào lưu cực đoan nhất của thần học giải phóng đã có nguy cơ làm sai lạc đức tin do nhiễm phải tư tưởng duy vật mácxít. Tuyên ngôn Dominus Jesus tái khẳng định một cách dứt khoát niềm tin của Giáo hội vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc, trong khuôn khổ Đại Năm Thánh 2000, đương đầu với sự lan tràn của chủ nghĩa tương đối. Nói về sự đồng thuận sâu sắc giữa Đức giáo hoàng và vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, trong quyển “Cuộc trò chuyện cuối cùng” vừa xuất bản, Đức Bênêđictô XVI kể lại một chi tiết thú vị liên quan đến Tuyên ngôn Dominus Jesus, đó là việc tuyên ngôn bị chỉ trích dữ dội vì bị coi là không có lợi cho đối thoại liên tôn và đại kết. Đức Gioan Phaolô II, sau khi nghe các chỉ trích và những lời đồn thổi tư tưởng của Đức Giáo hoàng khác với vị Bộ trưởng Giáo lý Đức Tin, đã muốn bày tỏ “một cách rõ rệt” việc ngài hoàn toàn ủng hộ bản tuyên ngôn, vì thế ngài xin Đức Hồng y soạn sẵn một bài theo chiều hướng đó để ngài đọc trong buổi Kinh Truyền tin Chúa nhật. Đức Ratzinger đã làm theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng, nhưng hình thức diễn đạt bản văn lại quá “kiểu cách”, đến nỗi cuối cùng “Tất cả đều bảo: ‘Chà, chính Đức Giáo hoàng cũng bỏ xa Đức Hồng y’” (tr. 163).
Guerriero cũng nêu lên tính chất “thành công” hiển nhiên và có ý nghĩa xây dựng của thời Đức Ratzinger phục vụ tại Bộ Giáo lý Đức Tin dưới thời Đức Gioan Phaolô II qua việc xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Dù lúc soạn thảo bị nhiều người ngờ vực và chỉ trích, nhưng bộ sách đã được đón nhận rất thịnh tình và ưng ý của đại đa số cộng đồng Công giáo, hầu như được coi là một “phép lạ”, một sự đóng góp vô giá, giúp Giáo hội tìm lại được sự bình tâm sau cả một giai đoạn dài hoang mang và lúng túng thời hậu Công đồng. Cũng vậy, chúng ta có thể nhắc đến Đức Phanxicô đã từng trích dẫn sách Giáo lý một cách trực tiếp và tự nhiên khi cần đưa ra lập trường của Giáo hội Công giáo đối với các vấn đề thời sự (như vấn đề đồng tính).
IV. MỘT CHỨNG TỪ
Về thời kỳ Đức Bênêđictô XVI làm giáo hoàng, chứng từ tôi đưa ra hơi mang tính chất riêng tư nhưng có lẽ cũng thích hợp và nên kể ra ở đây. Nếu có dịp trình bày trong một khung cảnh rộng rãi và đầy đủ hơn như Guerriero, tôi sẽ thoải mái trình bày những ấn tượng cá nhân đối với những sự kiện nhìn chung tôi đã dự phần vào. Vì thế tôi xin kể lại một vài thời khắc của triều đại giáo hoàng bản thân tôi đã gắn bó và gần gũi về tinh thần với Đức Bênêđictô XVI. Tôi xin kể lại bốn thời điểm.
- Trước hết, là Thư gửi các giám mục sau khi bãi bỏ và tuyệt thông đối với nhóm Lefebvre[4] và “vụ Williamson”.
Đây là một văn kiện hoàn toàn chân thành và riêng tư. Đức cha thư ký Gänswein còn nói với tôi trước khi công bố: đây là một văn kiện, có thể nói, “thuần chất Ratzinger”. Một bằng chứng về sự khiêm nhường, nêu ra cái sai nhưng không trút trách nhiệm của mình cho người cộng sự. Hết lòng bảo vệ sự thuần khiết và nghiêm cẩn của chủ đích dấn thân lâu dài cho công cuộc liên lạc với Do Thái giáo và sự hiệp nhất hữu hình của Hội Thánh. Thật quá bất công nếu làm ngơ trước những đóng góp quan trọng của Đức Bênêđictô XVI cho cuộc đối thoại với Do Thái giáo trong chiều sâu và có thực chất của suy tư thần học. Và thật bất công nếu không ghi nhận sự điều hành rất cẩn trọng của ngài trong cả một câu chuyện dài về việc liên lạc với nhóm Lefebvre trong suốt thời ngài làm Bộ trưởng Giáo lý Đức Tin theo sự chỉ đạo của Đức Gioan Phaolô II. Một câu trả lời can đảm cho những ai lợi dụng lúc khó khăn để tiếp tục đưa ra những chỉ trích ác độc. Xin nói rằng tôi luôn có ấn tượng về sự chân thành của Đức Ratzinger khi ngài chẳng ngại tranh luận hoặc đương đầu với những cuộc công kích ngài coi là bất công đối với mình; đó cũng là điều được ngài nhắc lại trong cuộc trò chuyện với Seewald: tôi cho rằng đây là một hành động chân thành phù hợp với quyết tâm tự mình đương đầu một cách thẳng thắn đối với những vấn đề khó khăn, cả trong lĩnh vực giáo lý cũng như phạm vi riêng tư. Vì thế trong lời mời gọi cuối thư, đã trích lời thánh Phaolô nói với các cộng đoàn Kitô hữu đang chia rẽ[5], thì tinh thần của lời Thánh Tông đồ mời gọi vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.
Guerriero nhận thấy “tiếng kêu nài” đáng trọng này của Đức giáo hoàng lẽ ra đã phải nhận được sự đánh giá cao, đồng thời thấy được Đức Bênêđictô XVI lúc đơn độc thì lại không được các công sự viên giúp đỡ đầy đủ, cung cấp trước những thông tin thích đáng để ngài đưa ra những quyết định của mình, nên phải chịu sự công kích trong một giai đoạn khó khăn. Mục đích của tôi ở đây không phải là trở lại một lần nữa để phân tích hoàn cảnh phát sinh vụ “Williamson và nhóm Lefebvre” mà muốn làm nổi bật sự quả cảm của việc xưng mình ở ngôi thứ nhất và phẩm chất đạo đức và Tin Mừng trong những lập luận và tự vệ của một vị giáo hoàng, cả trong giai đoạn trước đó cũng như lúc đảm nhận sứ vụ Phêrô, đã gặp nhiều đau khổ vì bị chỉ trích và tấn công.
- Một khía cạnh ít người biết đến nhưng đã gây nhiều ấn tượng sâu xa đối với tôi, đó là lòng quan tâm và xử sự tế nhị với mọi người, mong muốn được biểu lộ sự thấu hiểu, lòng nhân đạo và tình bác ái, ngay trong những lúc gặp khó khăn mà ngài cần phải can thiệp với những quyết định không dễ dàng, gây ra đau khổ. Phải luôn tìm cách chữa lành những vết thương và khuyến khích sự hòa giải và hòa bình.
Riêng tôi, có một thông cáo báo chí không thể nào quên được mà tôi coi như một chứng từ tuyệt vời về thái độ hiền phụ ấy.
Tuy là Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, nhưng trong thực tế, bản thông cáo này được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI biên tập từ chữ đầu đến chữ cuối, nhân buổi tiếp kiến một vị giám mục bị giải nhiệm, vị này lẽ ra phải từ chức sau khi xảy ra những sự kiện và căng thẳng nghiêm trọng. Diễn tiến sự việc thật đau lòng, cuối cùng Đức Giáo hoàng muốn kết thúc. Vì vậy bản Thông cáo đã viết, đại loại: “Giám mục X nhấn mạnh rằng ngài luôn cố gắng chu toàn sứ vụ giám mục một cách tận tâm và có ý thức. Với tất cả chân thành và khiêm nhường, ngài xác nhận mình đã mắc những sai phạm, đưa đến việc không còn được tin tưởng và việc từ nhiệm là không tránh khỏi. Một lần nữa ngài xin được tha thứ cho mọi sai lầm của mình, nhưng ngài đề nghị một cách chính đáng rằng, trước những sai lầm của ngài, mọi người đừng quên mọi việc tốt lành ngài đã làm. Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng lời cầu xin tha thứ sẽ được lắng tai nghe và rộng lòng đón nhận. Sau một thời kỳ diễn ra những cuộc tranh cãi vượt mức, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy hòa giải, hãy đón nhận nhau trong tinh thần thương xót của Chúa và phó thác theo sự hướng dẫn của Người. Riêng đối với anh em trong sứ vụ giám mục, Đức Thánh Cha xin hãy dành cho Đức cha X nhiều hơn nữa tình bằng hữu, sự thông cảm và giúp đỡ để ngài tìm được hướng đi đúng”. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết thêm một vài chữ cho giáo phận và kết luận: “Trong một thời kỳ xung đột và bất ổn, thế giới mong đợi các Kitô hữu hãy làm chứng về sự đồng tâm nhất trí được xây trên nền tảng gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, để có thể giúp nhau cũng như giúp xã hội tìm được con đường đúng đắn đi tới tương lai”.
Trong những năm vừa qua làm việc tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, tôi đã công bố các thông cáo báo chí thuộc mọi thể loại và mọi mức độ, do tôi soạn thảo, theo yêu cầu hoặc nhận được từ các cơ quan thuộc Phủ Quốc vụ khanh hoặc các cơ quan trung ương của Giáo triều, v.v. Lần này tôi hết sức xúc động được công bố một thông cáo được chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết từng chữ một cách trau chuốt và cẩn thận. Ý thức diễn tiến câu chuyện xảy ra trước đó rất lâu và đau lòng, đồng thời chính Đức Thánh Cha quyết tâm đưa sự việc đi đến kết thúc dưới dấu chỉ của lòng thương xót và hòa giải, nên tôi hết sức khâm phục và chẳng bao giờ quên được.
- Cung cách tự mình dấn thân, trong khiêm nhu và bác ái, còn bừng sáng trong một tình huống khác chính tôi được chứng kiến, hoặc nói khác hơn, tôi cũng dự phần rất lớn. Đó là cuộc gặp gỡ với các nạn nhân bị những người trong hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Guerriero cũng đã đề cập sự kiện này trong sách của mình. Tôi nghĩ cũng nên công khai nhắc lại việc này.
Rõ ràng vấn đề lạm dụng tình dục là một trong những sự kiện đau lòng nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI. Guerriero gọi đó là “thánh giá thật sự” của triều đại giáo hoàng, và tôi thấy Guerriero có lý. Nhưng cũng phải nhớ rằng đây không chỉ là thánh giá của thời ngài làm giáo hoàng mà còn chiếm phần lớn thời gian ngài làm Bộ trưởng Giáo lý Đức Tin, trở thành một vấn đề lớn được gửi về Bộ giải quyết, và vị Bộ trưởng, mỗi lúc một ý thức về sự nghiêm trọng và phức tạp của vấn đề, đã đảm nhận vai trò chính, cùng với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong việc chuyển thẩm quyền giải quyết về Bộ đối với hầu hết những trường hợp nghiêm trọng nhất, nhằm đưa ra biện pháp giải quyết nghiêm nhặt và nhất quán, để không bị phân tán giữa các Bộ vốn có những khác biệt không tránh khỏi và cũng không triệt để về tiêu chí.
Đức Hồng y Ratzinger, tức Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sau này, có công trong việc giúp và hướng dẫn Giáo hội đương đầu với những khủng hoảng và bão tố do nạn bạo hành tình dục thổi tới, đặc biệt trong hàng giáo sĩ. Công lao này được thể hiện nhiều lần qua những cách giải quyết phù hợp, trở thành các văn kiện chống lại những cuộc công kích liên hồi và phi lý, mô tả ngài là đồng phạm của thứ văn hóa che giấu và giả hình trong Giáo hội.
Ở đây tôi không có ý định trở lại câu chuyện dấn thân của ngài bằng cách thuật lại những quy định mới đã được áp dụng, rất nhiều bài phát biểu, bức thư nổi tiếng gửi người Công Giáo Ireland, cũng là nói với toàn thể Giáo hội… Trong quyển sách mới đây viết về triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI (Oltre la crisi della Chiesa, Lindau 2016), Roberto Regoli đã trình bày một bản tổng hợp đầy đủ những vấn đề trên. Tôi muốn minh chứng ngài thành tâm dấn thân, trên cả hai phương diện làm người và là Kitô hữu, nhằm tìm kiếm những con đường thích hợp, đó là thống hối, hoán cải, thanh luyện, nhằm đem lại ý nghĩa thực sự cho tiến trình tố tụng và các quy định và biện pháp pháp lý để truy tố tội phạm, và là điều kiện tiên quyết cho việc canh tân nền văn hóa Kitô giáo nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng.
Trong câu nói đến nay vẫn còn được nhắc đến “Có biết bao vết nhơ trong Giáo hội” vang lên trong buổi Via Crucis (Chặng đàng Thánh Giá) cuối cùng của triều đại giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã gợi lên cảm nghiệm đau đớn của vị Bộ trưởng Giáo lý Đức Tin trước những tin tức đến từ khắp nơi trên thế giới về những loại tội phạm và tội ác nặng nề nhất, đối chọi khốc liệt với sự thánh thiện được đặt ra cho các Kitô hữu.
Trong các bài diễn văn, điểm nhấn là những lời xin tha thứ. Nhưng hành động tiêu biểu nhất và nói lên nhiều nhất về thái độ hạ mình và chính mình cũng dự phần vào việc hoán cải chính là việc ngài gặp gỡ riêng với các nạn nhân bị lạm dụng. Một cách nào đó, hành động này là cần thiết nhằm đáp lại một cách đáng tin cậy trước sự chỉ trích cho rằng: các bề trên trong Giáo hội trong thời gian vừa qua chỉ chú ý đến hàng giáo sĩ hơn là lưu tâm đến nỗi đau khổ và việc bảo vệ các nạn nhân. Đức Bênêđictô XVI tự mình nhìn thấy điều đó và muốn cho các giám mục và Giáo hội thấy con đường đúng đắn phải theo chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe và đồng cảm với nỗi đau khổ của các nạn nhân. Như chúng ta biết, Đức Bênêđictô XVI đã sắp xếp để đích thân ngài gặp gỡ các nhóm nạn nhân trong nhiều chuyến tông du của ngài. Bắt đầu tại Washington (2008), tiếp đến Sydney (2008), London và Malta (2010), Erfurt ở Đức (2011), trong thực tế tại mỗi quốc gia ngài đến, nếu vấn đề lạm dụng vẫn còn dai dẳng trong Giáo hội và công luận, Đức Thánh Cha sẵn sàng gặp gỡ các nạn nhân.
Tôi còn nhớ rõ sự chờ đợi của giới truyền thông, nên cần phải khéo léo sao cho cuộc gặp gỡ được chuẩn bị kỹ lưỡng và an toàn, nhằm thông tin hoàn toàn đúng sự thật và làm nổi bật được tính nhân văn và tinh thần của sự gặp gỡ, tránh bóp méo và đi vào lối đưa tin giật gân, nhưng cũng khó tránh khỏi loại tin này và dù sao cũng hữu ích và cần thiết để truyền đi một sứ điệp tích cực. Tôi cũng nhớ rõ sự giản dị và tế nhị trong thái độ lắng nghe và vẻ cảm động của Đức Giáo hoàng, rồi ngài mời cầu nguyện. Hoàn toàn không phải là một việc làm hình thức, một yếu tố trong chiến thuật giao tiếp nhằm cho qua lúc khủng hoảng. Đây là nỗ lực bày tỏ sự cảm thông nỗi đau khổ của các nạn nhân nhằm đồng hành với họ trên con đường dài và khó khăn trong việc chữa lành từ bên trong. Đây chính là nỗ lực hoán cải và quyết tâm thanh luyện được Đức Bênêđictô XVI đặt ra không những cho cá nhân những người vi phạm hoặc đồng trách nhiệm, mà còn cho toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Bởi mỗi cuộc hoán cải đích thực, mỗi cuộc vượt qua cái ác tiến đến cái thiện đều đau đớn và phải trả giá. Đức Bênêđictô XVI đã trả giá cho phần của mình với tư cách là Bộ trưởng và Giáo hoàng, và ngài đã nêu gương cho chúng ta, vì chúng ta cũng phải trả giá. Như vậy hoán cải là con đường cần phải đi. Quả thực, hình ảnh Giáo hội đã bị hủy hoại, nhưng bề sâu hơn của vấn đề không phải là lau chùi hình ảnh, hoặc nếu cần thì đặt ra các thủ tục chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn, mà là canh tân từ cõi lòng. Đó không phải là quở trách người khác vì họ đã phạm tội, mà nhìn nhận mình cũng có tội và phải hoán cải vì chúng ta được kêu gọi nên thánh. Về điểm này, mọi lời nói và thái độ của Đức Bênêđictô XVI không hề để lại một chút hoài nghi nào nên chính vì thế tôi luôn luôn tin rằng việc truyền thông của Giáo hội thời Đức Bênêđictô XVI, trong chừng mực nào đó phụ thuộc vào tôi, đã hướng theo thái độ nội tâm đó.
Nếu bây giờ Giáo hội, dưới sự dẫn dắt của Đức Giáo hoàng Phanxicô, được an toàn và vững tin hơn, có thể tiếp tục đi theo con đường tích cực ngăn ngừa sự lạm dụng và không ngừng phổ biến rộng hơn văn hóa ngăn ngừa và bảo vệ trẻ nhỏ, thì không ít đã nhờ vào nỗ lực tinh thần của cá nhân Đức Bênêđictô XVI và sự khả tín của việc ngài làm.
- Nhưng không phải là chứng từ riêng của tôi chỉ nói về hoặc chủ yếu đề cập đến những khía cạnh đau buồn. Quả thật, sau thời Đức Bênêđictô XVI, lòng ngưỡng mộ của tôi đối với ngài không ngừng gia tăng, đặc biệt ngưỡng mộ cung giọng ngôn ngữ thần học linh đạo của ngài vút cao và trổi vượt.
Trong trang viết rất hay về những bài giảng đầu tiên của Ratzinger khi dạy tại chủng viện Freising, Guerriero kể lại câu chuyện này về một trong những học trò của vị giáo sư trẻ. Người học trò ấy nói: “Trước hết, ngôn ngữ của ngài rất lôi cuốn. Đó là thứ ngôn ngữ duyên dáng và hoàn toàn mới… Suốt kỳ nghỉ hè, thật sự tôi đã học thuộc lòng những bài giảng được ghi lại, chỉ để đắm mình vào ngôn ngữ này”. Rồi đến dòng tư tưởng, cũng người học trò này kể lại, gọi đó là dòng “suy tư-chiêm niệm”, được sinh ra từ đời sống thiêng liêng sâu sắc của ngài được xây dựng trên Thánh Kinh và các Giáo phụ. Và người học trò này nhớ lại bài dẫn nhập của Ratzinger tại Freising về chân lý. Chân lý là một ngôi vị, theo Ratzinger, và ta đạt đến chân lý bằng tình yêu. (tr. 57).
Phần tôi, một sinh viên trẻ học thần học ở Đức, tôi đã say mê đọc quyển “Dẫn vào Kitô giáo”, có lẽ đây là quyển sách mang hạnh phúc nhất đến cho ngài, một quyển best-seller phi thường, có thể khơi lên sự thích thú và thán phục đối với thế giới quan, cái nhìn đối với lịch sử và nhân sinh quan Kitô giáo; tôi ngấu nghiến đọc những giáo trình Giáo hội học của ngài về Giáo hội và Nước Chúa, được lưu hành rộng rãi trong các phân khoa thần học, và vào mùa hè, tôi đi từ Frankfurt (Đức) đến Salzburg (Áo) để dự tuần hội thảo của Ratzinger trong khuôn khổ khóa hè “Salzburger Hochschulwochen”[6] dành cho sinh viên. Lúc bấy giờ Ratzinger đang đạt độ chín trong công việc giảng dạy đại học, vừa chuyển về dạy tại Regensburg, và chắc chắn là một trong các giáo sư được nhiều người biết đến nhất ở Đức: giảng đường chật ních người nghe đang chăm chú lắng nghe với lòng ngưỡng mộ ngôn ngữ giàu chất lượng, khúc chiết và sâu sắc.
Thời làm giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI dùng hai loại huấn quyền mà ta không thể không đặc biệt chú ý, coi nhẹ tầm quan trọng của chúng, còn đối với tôi, những huấn từ này một lần nữa lại khiến tôi ngưỡng mộ, gợi lại cho tôi hình ảnh vị giáo sư lừng lẫy vài thập niên về trước: những bài giáo lý thứ Tư và các bài giảng trong Thánh lễ.
Guerriero khẳng định thật xác đáng tầm quan trọng của những bài giáo lý của Đức Bênêđictô XVI, cách riêng loạt bài về các thánh. Trong những năm đầu triều đại giáo hoàng của ngài, khi nghe ngài giảng giáo lý, tôi thường tự nhủ những bài giảng này đặc biệt giúp nâng cao văn hóa và đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, và quả là một vị “Giáo phụ” mới đang nói. Nhưng làm tôi xúc động và say mê hơn nữa chính là những bài giảng, trong đó có nhiều bài được ngài giảng trong các cử hành đông đảo người tham dự ở Vatican và trong những chuyến tông du nước ngoài. Đối với tôi, dường như nhiều bài giảng là cả một tổng hòa sống động tư tưởng thần học, suy tư về mầu nhiệm được thể hiện trong cử hành phụng vụ và về cuộc sống Kitô giáo và linh đạo phát sinh từ cuộc sống đó, có thể nói, sự tổng hòa này đạt đến một trình độ rất cao và rất uyên thâm. Có nhiều lúc, hầu như tự nhiên, tôi dùng từ “tuyệt vời” để nói về sự tổng hòa ấy, một từ lẽ ra phải được dùng một cách dè sẻn và cẩn trọng, nhưng đối với những trường hợp làm cho tinh thần được nâng cao thì có lẽ thích hợp. Ngay cả đến hôm nay tôi vẫn còn ấn tượng, như trong quyển “Cuộc trò chuyện cuối cùng” có nhắc đến, việc dọn bài giảng Chúa nhật cho “gia đình” tí hon ở đan viện Mater Ecclesiae, đối với Đức Bênêđictô XVI, là kết quả của suốt tuần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.
Đi vào cụ thể mới thấy sự quan tâm và coi trọng của Đức Ratzinger đối với phụng vụ, từ đầu cuộc đời làm tín hữu đến chặng cuối đời hiện thời, sống như một đan sĩ “Bênêđictô-Biển Đức”, không bận tâm đến các nghi lễ bề ngoài, mà thực sự thông phần vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu đang ngự giữa cộng đoàn của mình, gặp gỡ Chúa chịu đóng đinh và sống lại khi bẻ tấm bánh Thánh Thể. Ngài sống đúng như vậy. Chẳng phải ngẫu nhiên khi ngài nhấn mạnh phải đặt thánh giá ở giữa bàn thờ.
Và điều đó mang lại cho chúng ta bí quyết sâu xa bên trong và xuyên suốt để đọc và hiểu những khía cạnh đặc trưng khác của giáo huấn và tâm hồn Đức Ratzinger khi ngài cảm nhận giá trị của nghệ thuật, nhất là của âm nhạc trong phụng vụ, và còn hơn thế nữa. Guerriero thật xác đáng khi dành những trang đặc sắc viết về tất cả điều đó. Niềm quý trọng phụng vụ đi liền với lòng yêu mến cái đẹp cũng thuộc về chiều sâu của dòng tư tưởng Ratzinger: “Việc gặp gỡ cái đẹp có thể trở thành mũi tên bắn bị thương tâm hồn, và như thế, mở mắt cho tâm hồn…” -Đức Hồng y Bộ trưởng (Ratzinger) khẳng định trong Thư gửi Cuộc Gặp Gỡ Rimini 2002-. Bức thư nhắc lại định nghĩa trước đây về cái đẹp là “vẻ rạng ngời của chân lý” -Veritatis Splendor[7]. Cũng trong thư này, Đức Ratzinger còn nêu: “Tôi vẫn cho rằng sự biện hộ đích thực đối với đức Tin Kitô giáo, sự biểu lộ thuyết phục nhất về chân lý đức Tin chống lại mọi phủ nhận, một phần nhờ các Thánh, còn lại là nhờ cái đẹp do đức Tin sinh ra”.
Điều trên đây cứ như vọng lên khi được nghe các bài giảng Thánh lễ của Đức Bênêđictô XVI.
* * *
Tôi muốn được kết thúc bài phát biểu chứng từ của mình ở đây. Vẫn còn có thể nói lên rất nhiều điều như quyển sách tiểu sử đặc sắc của Guerriero đã gợi lên cho chúng ta. Sẽ còn nhiều dịp khác, chẳng hạn từ nay đến lễ mừng lần thứ 90 sinh nhật của Đức Bênêđictô cũng đã gần kề, hoặc sắp tới sẽ phát hành nhiều tập trong bộ toàn tập Opera Omnia bằng tiếng Ý, trong đó có tập về Công đồng hoặc về Thánh Bônaventura, và còn tiếp.
Như tôi đã nói lúc đầu, quyển sách viết về tiểu sử Đức Bênêđictô XVI là một đóng góp quan trọng, giúp độc giả có được một cái nhìn bao quát và xuyên suốt về sự phong phú bao la của tư tưởng và đường hướng Đức Bênêđictô XVI mang lại cho chúng ta.
Bản tiếng Ý: fondazioneratzinger.va
Bản tiếng Pháp: benoit-et-moi.fr
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 97 (Tháng 11 & 12 năm 2016)
Linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, sinh ngày 29-08-1942, tại Saluzzo, Piedmont (Italia), chịu chức linh mục năm 1972. Ngài từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Chương trình Đài Vatican Radio (1991-2005); Tổng Giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican (2001-2013); Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, thường gọi là Phát ngôn viên Tòa Thánh (2006-2016). Từ tháng Tám 2016 (sau khi mãn nhiệm Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh) đến nay là Giám đốc Quỹ Ratzinger tại Vatican.
Elio Guerriero, nhà thần học, nhà văn, sinh năm 1948, tại Capriglia Irpina (Italia), nguyên giám đốc tạp chí thần học Communio, ấn bản tiếng Y.
Nguyên bản tiếng Đức: Benedikt XVI, Peter Seewald: Letzte Gespräche, NXB Droemer, Đức, 2016; Bản dịch tiếng Ý: Benedetto XVI, Peter Seewald: Ultime conversazioni, NXB Garzanti, 2016
Bênêđictô XVI, Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công Giáo về việc bãi bỏ vạ tuyệt thông đối với bốn giám mục do Đức cha Lefebvre tấn phong, Tháng Ba 2009, Libreria Editrice Vaticana
X. Gl 5, 13-15: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!”
Khóa hội thảo hằng năm diễn ra vào mùa hè tại trường Đại học Salzburg. Hoạt động khoa học này đã có lịch sử 85 năm (từ mùa hè 1931), với mục đích giới thiệu và bàn luận trong giới học thuật về các vấn đề mang tính nền tảng và thời sự của thần học và các ngành khoa học xã hội. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI hồi còn là linh mục, giáo sư đại học, là một diễn giả có sức thu hút lớn đối với cử tọa và được giới học thuật đặc biệt chú ý.
Thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, công bố ngày 6 tháng Tám 1993.