Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp hành với Giáo Hội

Thứ tư - 08/06/2022 06:52

Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp hành với Giáo Hội – Lễ Chúa Ba Ngôi

 

“Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước” (Thư Chung HĐGMVN năm 2011, số 19).

Giáo Hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo Hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo Hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo Hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo Hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo Hội. Giáo Hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo Hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1. Nguồn gốc của Giáo Hội

Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được đoàn tụ nhờ mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4). Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự; vậy, Người cũng là căn rễ, là nền tảng của Giáo Hội. Hơn nữa, mạc khải đã cho thấy rõ chỗ đứng độc đáo của Giáo Hội trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.Vì thế, ngay ở chương đầu của Hiến Chế về Giáo Hội, công đồng Vaticanô II đã xác định là Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ khôn ngoan của Chúa Con, và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội cũng là nơi kế hoạch của Thiên Chúa diễn tiến, là nơi hội tụ sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần.

Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tình yêu của con người. Giáo Hội không phải là công trình của con người, nhưng là sáng kiến của Thiên Chúa. Giáo Hội luôn được Chúa Cha nghĩ đến trong chương trình cứu độ, được chuẩn bị trong lịch sử giao ước với Israel, và được thiết lập ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Cũng như Đức Giêsu, Giáo Hội xuất hiện tự trời cao. Nguồn gốc của Giáo Hội không phải ở dưới đất, nhưng từ Thiên Chúa. Chính từ trời mà Con Thiên Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm, để làm cho nó được sống bằng sự sống của Ba Ngôi.Qua mầu nhiệm Phục sinh, Thần Khí đã đi vào thế giới cách viên mãn và vĩnh viễn, để thời gian của con người trở thành thời kỳ cánh chung, thời kỳ xen giữa hai lần Đức Kitô đến. Đây cũng là thời kỳ Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử nhân loại. Giáo Hội được sinh ra từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội là một ân huệ, một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Người ta không làm ra Giáo Hội, nhưng chỉ lãnh nhận. Giáo Hội như vầng trăng, toả chiếu ánh sáng của Mặt Trời duy nhất là Đức Kitô.

Giáo Hội nhất thiết là một Giáo Hội dấn thân, không phải để tìm kiếm lợi lộc như những kẻ có quyền trong thế gian, nhưng đứng về phía người nghèo, vì chính Giáo Hội cũng nghèo và yếu đuối, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Tử Nạn và Phục Sinh. Một Giáo Hội đồng hành với con người, dâng lên Thiên Chúa những lời van xin và nước mắt của họ. Đồng thời Giáo Hội cũng có khả năng loan báo cho họ Nước Thiên Chúa đang đến, một Nước khác hẳn những suy nghĩ thiển cận của con người. Một Giáo Hội loan báo niềm vui và hy vọng mà Giáo Hội có được nhờ sự vâng phục của Chúa Kitô. Một Giáo Hội tự do, không thoả hiệp với thứ luận lý của quyền lực thế gian. Tuy nghèo khó và phục vụ, nhưng Giáo Hội lại là tiếng của con người thưa lên Thiên Chúa và tiếng của Thiên Chúa nói với con người (x. Giáo Hội, hình ảnh của Ba Ngôi, Lm Micae Trần Đình Quảng).

2. Hiệp hành trong Ba Ngôi Thiên Chúa

Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (Hiến chế LG số 4). Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nói cách khác, vì Giáo Hội có nguồn gốc từ Ba Ngôi Thiên Chúa nên mầu nhiệm hiệp nhất của Ba Ngôi được phản chiếu nơi Giáo Hội. Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là căn nguyên của mọi loài hiện hữu. Việc tạo dựng và cứu chuộc luôn là một hành động tình yêu tự do của Thiên Chúa. Vì yêu và muốn thông ban nên Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật. Cũng vì yêu và muốn thông ban tình yêu nên Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hiệp nhất với Ngài…

Thiên Chúa hiệp hành trong chính nội tại của Ngài, nên Ngài cũng luôn hiệp hành trong nhiệm cục, và chính từ sự hiệp hành đó mà có muôn loài hữu hình và vô hình.

Luôn có sự hiệp hành nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đặc biệt trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Chúa Thánh Thần được gửi đến trong Nhân tính của Đức Giêsu qua ơn thường sủng để đồng hành với Đức Giêsu trong các hành động và lời nói giảng dạy của Ngài nơi sứ vụ cứu chuộc. Từ các phát xuất nội tại của Thiên Chúa mà sứ vụ hữu hình và vô hình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần nơi thụ tạo phát xuất ra. Vì thế, không thể nói tới sứ vụ hữu hình của Đức Giêsu mà không nhắc tới sứ vụ vô hình của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ. Giống như các hành động của Đức Giêsu đều bắt nguồn và hướng về Chúa Chua, sứ vụ của Chúa Thánh Thần cũng có nguồn gốc từ Chúa Cha và Chúa Con để quy tụ thụ tạo về vương quyền của Thiên Chúa thông qua Nhân tính của Đức Giêsu. Sứ vụ này vẫn được tiếp tục nơi Giáo Hội mà Đức Giêsu thành lập. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động nơi Giáo Hội được Chúa Giêsu xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ, như một Israel mới nhằm đưa mọi thụ tạo quy về vinh quang Thiên Chúa. (xem thêm: “Cội nguồn chiều kích hiệp hành trong Giáo Hội Công giáo”, Nội san Thần học số 106, tháng 6 năm 2022).

3. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng hiệp hành của Đức Giêsu Kitô

Việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa được bắt đầu từ khi Đúc Giêsu chính thức thi hành sứ vụ công khai của Ngài. Ngài loan báo về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa bằng việc chọn gọi các Tông đồ và thiết lập Nước đó ở giữa nhân loại. Giáo Hội được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ có sứ mạng quy tụ muôn dân nước về vương quyền của Thiên Chúa. Truyền thống Tông truyền được thiết lập từ các Tông đồ trở nên như khí cụ cho việc hiệp hành trong Giáo Hội và trên toàn thế giới. Sự hiệp hành qua Truyền thống Tông truyền không những được thể hiện qua cơ cấu phẩm trật hữu hình mà cả trong cơ cấu vô hình của Giáo Hội. Vì được Thánh truyền hướng dẫn, các thành phần trong Giáo Hội luôn quy hướng về một đức tin chân thật…

Nơi Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục hiệp hành với nhân loại. Sự hiệp hành được cụ thể hoá nơi người tín hữu. Mỗi khi chúng ta thi hành việc bác ái, đặc biệt cho những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ và bị bỏ rơi là chúng ta đang phỏng lại các phát xuất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi trong con người chúng ta. Sự hiệp hành nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi được nối dài ra trong sứ vụ của các Ngôi Vị trong nhiệm cục cứu độ và được tiếp tục nơi mỗi người. Chính vì vậy, có thể nói hiệp hành là cách thức mà Thiên Chúa sử dụng để đưa chúng ta trở về với Ngài. Từ sự hiệp hành nội tại Thiên Chúa, Ngài hiệp hành với chúng ta trong nhiệm cục. Và vì được tham dự vào sự hiệp hành đó, chúng ta, qua Giáo Hội được mời gọi hiệp hành với nhau để có thể tiến về hiệp hành với Thiên Chúa cách trọn hảo trong tình yêu và vinh quang của Ngài. (xem thêm: “Cội nguồn chiều kích hiệp hành trong Giáo Hội Công giáo”, Nội san Thần học số 106, tháng 6 năm 2022).

Nhìn lên cung thánh, chúng ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ. Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.

Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha. Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha,để thiết lập giao ước mới với Giáo Hội trong máu của Ngài. Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo Hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.

Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô. Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục đọc Lời Truyền Phép là khi Chúa Kitô nói qua môi miệng của Linh mục. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh. Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ. Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).

Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại gia đình, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ngự trong tâm hồn con. Xin giúp con nhận ra Chúa luôn ở trong con và nơi anh chị em con. Amen. 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây