Trong các chuyện về Cọp, câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” thật đặc sắc.
Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi: – Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy? Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ! Cọp không hiểu, tò mò hỏi: – Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào? Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt: – Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy! Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi: – Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không? Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói: – Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít. Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói: – Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp: – Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm. Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát: – Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây! Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại. Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.
Với trí khôn, con người là thụ tạo cao cả nhất trong muôn loài tạo vật. Hiểu biết thật quan trọng, nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.
Giáo huấn trong phần 3 của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc vàng giúp việc phân định hành vi tốt xấu của con người: “Xem quả thì biết cây”. Một hành động là tốt khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái tốt. Chúa Giêsu dạy, muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài và sâu thẳm từ trong tâm hồn. Chúa Giêsu khẳng định rõ hơn: “Ở bụi gai, không có nho mà hái? Trên cây găng không có vả mà bẻ?”. Và Ngài kết luận: “Cây tốt sinh trái tốt và ngược lại cây xấu sinh trái xấu”; “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”. Đó là khuôn thước phân định để nhận biết tốt xấu. Cây xấu là những việc làm dù có vẻ tốt nhưng xuất phát từ động cơ xấu. Chúa dùng những lời khiển trách nặng nề gọi đó là “giả hình, mồ mả tô vôi, sói đội lốt chiên”. Để phát hiện những loại “cây xấu” ấy, Chúa dạy hãy nhìn vào những hoa quả của chúng. Việc làm trở thành xấu vì xuất phát từ tâm địa gian manh, tham lam, vị kỷ. Hoa quả tốt phát sinh từ “cây tốt” là tình yêu: nếu chúng ta có làm được mọi sự mà thiếu đức ái thì cũng chẳng ích lợi gì (x. 1Cr 13,1tt).
Ngày nay, người ta chán ngán nhiều người trong xã hội nói quá hay mà làm chẳng ra làm sao. Nhiều từ ngữ, nhiều tuyên bố kiểu đao to búa lớn, nghe rất kêu nhưng nội dung rỗng tuếch được lập đi lập lại hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, tivi, các chương trình quảng cáo, các bài giảng, bài báo, trong các mẩu đối thoại, những cuộc nói chuyện… Nhiều người lầm tưởng những người nói hay như vậy là những người tốt. Nhưng Chúa Giêsu đã cho một nguyên tắc phân định rất thực tiễn để biết được ai tốt ai xấu: Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một người là tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông minh và lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa hay nông cạn của người đó, chứ không nói lên được tính đạo đức, tình yêu thương, lòng quảng đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm của họ.
Bài đọc 1 trích sách Huấn ca cũng đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo của sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi họ. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay”. Thánh Giacôbê có kinh nghiệm về những hậu quả của lời nói trong đời sống của cộng đoàn ngài phụ trách, kinh nghiệm về sự khó khăn trong việc làm chủ miệng lưỡi, nên ngài viết: “Cái lưỡi thì không ai chế ngự được” (Gc 3,8), “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (3,2), và đừng có huênh hoang vì “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (3,2). Đồng thời ngài cũng cho thấy sự cần thiết phải làm chủ miệng lưỡi mình, vì “từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (3,10).
Lời nói thể hiện con người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 6). Nguyên nhân sâu thẳm của lời nói phát xuất từ bên trong, do tâm ý mà có. Vì thế, để có thể nói những gì tốt lành và hữu ích đòi hỏi ta phải chỉnh sửa và thanh lọc từ bên trong của lòng mình. Điều quan trọng nhất là có được tấm lòng yêu thương. Khi có một tấm lòng thực sự biết thương yêu mọi người, tự nhiên người ta biết cách phải nói như thế nào cho thích hợp và sinh ích lợi cho người nghe.
Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Ngài nói: “lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Miệng thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Như thế, làm chủ miệng lưỡi không dừng lại ở việc kiểm soát lời nói “uốn lưỡi bảy lần” nhưng còn phải lưu tâm đến việc thay đổi từ trong suy nghĩ, trong tình cảm dành cho người khác, cho cộng đoàn. Thực hành điều này sẽ làm cho lời nói “thật” hơn, vì nó xuất phát từ trong lòng: bụng nghĩ sao nói vậy, nhưng lời đó đầy yêu thương! Để cho “lòng đầy”, chúng ta “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Muốn nói ra những điều tốt đẹp, xây dựng, yêu thương, thì phải biết nghe trước đã. Nghe Lời Chúa, để cho tư tưởng của Chúa, cách suy nghĩ của Chúa, lòng yêu thương của Chúa ngấm vào nơi sâu xa của mình, rồi chúng ta sẽ phân định, sẽ chọn lựa, sẽ nói những điều cao đẹp. “Lắng nghe bằng trái tim” là chủ đề của “Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022”. Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì chúng ta hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa.
Sách Châm ngôn thường bàn về việc sử dụng lời nói của người khôn ngoan. Tác giả ca tụng những người dùng lời nói để khuyên nhủ kẻ khác: “Miệng kẻ khôn ngoan gieo rắc sự hiểu biết” (Cn 15,7). “Nếu muốn Hội Thánh là nơi chúng ta tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính thâm sâu là hiệp nhất với nhau, thì trước hết, chúng ta phải là một cộng đoàn, trong đó chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và tinh thần trách nhiệm” (Timothy Radcliffe).
Lời nói có ảnh hưởng lớn đối với gia đình và xã hội, đối với phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của kẻ khác (Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).
Lời nói đối với gia đình: Gia đình nào được bằng an hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, là nhờ chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh chị em có những lời nói hiền lành, nhịn nhục, lễ độ, cao thượng, trong sạch; có những lời nói thúc giục và khuyên bảo nhau làm lành, lánh dữ; có những lời đọc kinh cầu nguyện chung với nhau trong gia đình để thờ phượng Chúa.
Lời nói đối với xã hội: Sống trong xã hội, hằng ngày chúng ta phải liên lạc với đủ mọi hạng người: kẻ quen, người lạ; kẻ thương, người ghét; kẻ thông cảm, người ác cảm. Trong khi giao tiếp với họ, chúng ta làm sao tránh hết được mọi va chạm vì bá nhân bá tánh, trăm người trăm tính. Nhưng nếu trong khi sống chung giữa xã hội, chúng ta biết dùng lời nói nhã nhặn, lễ độ, ôn hoà, khiêm tốn, thì làm sao mà sinh ra cãi cọ hoặc đổ vỡ được: một sự nhịn, mua được chín sự lành; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lời nói đối với phần rỗi của chúng ta: Lời nói làm chúng ta dễ phạm tội mất lòng Chúa : tội phạm đến đức yêu người (nói lời vô lễ, to tiếng với nhau, cãi cọ nhau, chưởi bới nhau, nói xấu nhau, xúi nhau làm bậy, …); tội phạm đến đức công bình (đổ hô, bỏ vạ, cáo gian, nói lời chứng dối, …); tội phạm đến đức trong sạch (nói tục, nói nhớp, nói lời hai ba ý, nói chuyện hoa tình, nói lời dụ dỗ người khác phạm tội về giới răn thứ sáu, …); tội phạm đến đức vâng lời (cằn nhằn bề trên, cãi lại bề trên, nói xấu bề trên, nói láo với bề trên,…); tội phạm đến Giáo Hội (công kích Giáo Hội, nói xấu Giáo Hội, chỉ trích Giáo Hội, …); tội phạm đến Chúa (nói phạm thượng, nói lời chối Chúa vì hổ thẹn, nói lời bỏ Chúa vì sợ hãi, …).
Lời nói đối với phần rỗi của kẻ khác: Có kẻ không chịu tha thứ vì bị người khác xúi giục cứ trả thù; có kẻ sa vào tội dâm ô vì bị người khác dùng lời nói quyến rũ; có kẻ cắp trộm, tham nhũng vì bị kẻ khác xúi giục, bày vẻ cho cách làm; có kẻ bỏ Chúa vì bị kẻ khác xúi giục chạy theo vật chất tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này .
Khi tâm hồn thực sự yêu mến, biết ơn Chúa, chúng ta sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng việc làm đạo đức và cử chỉ biết ơn Thiên Chúa. Khi lòng đầy tràn tình yêu thương, trắc ẩn, chúng ta thể hiện ra bên ngoài bằng những việc làm yêu thương cách cụ thể. Khi lòng chứa đầy những điều tốt đẹp thì từ ánh mắt, cử chỉ, việc làm chúng ta sẽ thể hiện sự tốt đẹp, thiện chí và yêu thương với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, Chúa dạy nguyên tắc vàng để phân định “Xem quả thì biết cây”. Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.
Chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp.
Khi biết dùng những lời lẽ tốt lành, con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.
Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để tiếng Chúa nói trở thành lời con nói ra ngoài môi miệng.
Xin cho con xác tín luôn luôn, lời nói việc làm của con chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi khi con biết siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống của con chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” khi con được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình yêu.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình yêu để hoa trái con đem lại lợi ích cho mọi người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn