1. Chết 67 năm vẫn còn gây được khó khăn cho Chính Thống Giáo Nga

Đang có những đột biến nguy hiểm trong tình trạng dịch bệnh tại Nga. Tính đến thứ Hai 4 tháng Năm, tử vong tại Nga lên đến 1,280 người, trong số 134,687 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật 3 tháng Năm, Nga đã chứng kiến con số kỷ lục 10,633 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, là con số cao nhất từ trước đến nay tại quốc gia này.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã được chẩn đoán mắc coronavirus, ông nói trong cuộc họp video với Tổng thống Vladimir Putin phát trên kênh truyền hình Rossiya 24 do nhà nước điều hành vào hôm thứ Năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải mở rộng tình trạng cô lập đến 11 tháng Năm khi Nga tiếp tục chứng kiến sự gia tăng kinh hoàng trong các trường hợp nhiễm trùng coronavirus mới trong những ngày gần đây.

Tám container lạnh để lưu trữ thi thể của các bệnh nhân chết vì coronavirus đã được lắp đặt tại các bệnh viện ở St. Petersburg để phòng ngừa trường hợp số người chết tăng lên quá cao đến mức các nhà xác không còn đủ chỗ.

Trong một diễn biến hết sức đáng quan ngại, linh mục trưởng coi sóc nhà thờ chính tòa thủ đô Mạc Tư Khoa đã chết chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ sau khi bị nghi ngờ nhiễm coronavirus. Cha Alexander Ageykin đã qua đời vào ngày 21 tháng Tư, bắt đầu một loạt các đồn thổi và tranh cãi trong Chính Thống Giáo Nga.

Trước hết, có sự quan tâm đến tình trạng sức khỏe của Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga là người vài ngày trước đó vẫn thường xuyên đồng tế với Cha Ageykin.

Kế đến là lệnh treo chén đối với linh mục thần học gia Chính Thống Giáo Andrei Kurayev được đưa ra vào hôm 29 tháng Tư. Trong một chương trình truyền hình trước đó, thần học gia này cáo buộc vị linh mục quá cố Ageykin là người có “tham vọng nghề nghiệp điên cuồng”.

Trong sắc lệnh treo chén, Đức Thượng Phụ Kirill cho biết:

“Bởi vì anh đã công khai sỉ nhục ký ức về linh mục Ageykin, và vì các khiếu nại mà tôi đã nhận được về các hành vi trước đây của anh, anh bị cấm không được cử hành các nghi thức Phụng Vụ.”

Cha Kurayev sẽ bị cấm cử hành Thánh lễ cho đến khi một tòa án giáo hội xét xem ngài có thể bị huyền chức hay không, Đức Thượng Phụ Kirill cho biết như trên trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Phản ứng lại chuyện treo chén này, cha Kurayev mô tả lệnh cấm này là một “chuyện nhỏ”.

“Bạn chưa thể gọi tôi là một linh mục bị buộc hoàn tục vì chưa ai dám huyền chức tôi”, cha nói với kênh tin tức Podyom của Mạc Tư Khoa.

Trong chương trình này, cha Kurayev cáo buộc một chuyện gây xao xuyến rất lớn đối với các tín hữu Chính Thống Giáo Nga.

Một nhà thờ Chính thống khổng lồ nằm ở công viên quân sự Yêu Nước bên ngoài thủ đô Nga dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 9 tháng Năm để ăn mừng chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai. Bên cạnh chiến thắng của Liên Xô chống Quốc Xã Đức vào năm 1945, ngôi nhà thờ này cũng ca ngợi “những chiến công khác của lực lượng vũ trang Nga” bao gồm với Mạc Tư Khoa chiếm Crimea vào năm 2014.

Cao 96 mét và được trang hoàng với sáu mái vòm vàng, đây sẽ nhà thờ Chính Thống Giáo lớn thứ ba của Nga. Dự án chưa từng có này đã mang đậm tính biểu tượng. Chiều cao của tháp chuông là 75 mét - tượng trưng cho kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã.

Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết xe tăng và máy bay của Đức Quốc xã đã được nấu chảy để xây dựng các bậc thang của nhà thờ.

Ngay cả trước khi được khánh thành chính thức vào ngày 9 tháng Năm, nhà thờ đã trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích và chế giễu dữ dội. Người mạnh miệng chế diễu nhất là Cha Kurayev, người vừa bị treo chén. Ngài tiết lộ rằng đây sẽ là lần đầu tiên, Giáo hội Chính thống Nga buộc phải đồng ý để hình ảnh của Stalin – kẻ bách hại tàn bạo Chính Thống Giáo và các tôn giáo khác - được chưng trong nhà thờ.

Cha Kurayev còn đi xa đến mức tố cáo Đức Thượng Phụ Kirill từng làm mật vụ cho cộng sản Nga. 67 năm sau khi đã chết, Stalin lại một lần nữa đang làm khốn đốn Chính Thống Giáo Nga.
 
Thánh lễ tại Santa Marta 4/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện sao cho các gia đình có hòa bình và Giáo Hội có sự hiệp nhất

Lúc 7 sáng thứ Hai 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong những ngày qua, báo chí tại Ý nói nhiều đến vấn đề bạo lực trong gia đình, các cuộc gây gỗ vì tình trạng cô lập làm gia tăng các căng thẳng trong gia đình xuất phát từ các âu lo về kinh tế, dịch bệnh, những thay đổi về thói quen…Tình hình này xuất hiện tại hầu như khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu là tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tù nhân được tha bổng để tránh tình trạng lây lan trong các nhà tù đã giết chết đứa con ruột mới 9 tuổi của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra khỏi nhà giam.

Chính vì thế, trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cách riêng các gia đình có hòa bình và rộng lớn hơn cho Giáo Hội có sự hiệp nhất.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình ngày hôm nay: trong thời gian cách ly này, gia đình phải đóng cửa ở nhà, cầu xin cho họ cố gắng làm nhiều điều mới, nhiều sáng tạo với trẻ em, với mọi người, để tiếp tục sống theo thánh ý Chúa; đặc biệt là tránh vấn đề bạo lực gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình tiếp tục sống chung hòa bình với sự sáng tạo và kiên nhẫn trong thời gian cách ly này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư về Bài Đọc Một hôm nay trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 11: 1-18), trong đó Phêrô, bị các anh em của mình quở trách ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ. Trong Tin Mừng (Ga 10: 11-18) Chúa Giêsu nói rằng Ngài còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Chúa Giêsu cũng phải đưa chúng về chung một đàn chiên.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Khi Thánh Phêrô đi lên Giêrusalem, các tín hữu trách ngài vì đã vào nhà của những người không chịu cắt bì và cùng ăn với họ, với những kẻ ngoại đạo: điều đó là không thể, đó là một tội lỗi. Sự tinh khiết của pháp luật đã không cho phép điều này. Nhưng Thánh Phêrô đã làm điều đó bởi vì đó là Thần Khí Chúa đưa thánh nhân đến đó. Chuyện trách móc như thế luôn có trong Giáo hội, đặc biệt là trong Giáo hội sơ khai, bởi vì mọi sự không rõ ràng – có một não trạng rất thịnh hành cho rằng “chúng ta là người công chính, những kẻ khác là những kẻ tội lỗi”. Những từ ngữ “chúng ta” và “những người khác” tạo ra những chia rẽ. “Chúng ta có ưu thế trước mặt Chúa”. Còn “những người khác” là những người “bị kết án”. Và đây là một căn bệnh của Giáo hội, một căn bệnh phát sinh từ ý thức hệ hoặc từ não trạng phe phái trong tôn giáo. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này là vào thời Chúa Giêsu, ít nhất là đã có bốn phe phái tôn giáo: phe của người Pharisêu, phe của người Sađốc, phe của những người quá khích và phe của người Essen, và mỗi phe giải thích lề luật theo ý tưởng riêng của mình, theo các cảm giác rất trần tục của mình. Chúa Giêsu đã từng bị khiển trách vì vào nhà của những người thu thuế - những người, mà theo họ là những kẻ tội lỗi, và thậm chí Ngài còn dám ăn uống với họ, với những người tội lỗi, bởi vì sự trong sạch về luật pháp không cho phép điều đó và Ngài đã không rửa tay trước bữa trưa. Nhưng những lời trách móc luôn luôn tạo nên sự chia rẽ: đây là điều quan trọng, mà tôi muốn nhấn mạnh.

Có những ý tưởng, những quan điểm tạo nên sự chia rẽ, đến mức sự chia rẽ đó trở nên quan trọng hơn cả sự hiệp nhất. Ý tưởng của tôi quan trọng hơn những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Có một vị Hồng Y về hưu đang sống ở đây, tại Vatican này. Ngài là một mục tử tốt lành, thường nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em có biết rằng Giáo Hội cũng giống như một dòng sông không? Một số phần có thể quan trọng hơn những phần này, phần khác nhưng điều quan trọng là mọi người đều ở bên trong cùng một dòng sông”. Đây là sự hiệp nhất của Giáo hội. Không có ai bên ngoài, mọi thứ bên trong. Cũng có những đặc thù khác biệt: nhưng những điều ấy không thể gây chia rẽ, không phải là ý thức hệ. Những điều như thế là hợp pháp. Nhưng tại sao Giáo hội lại có chiều rộng của dòng sông? Thưa: Đó là vì Chúa rất muốn điều đó.

Trong bài Tin Mừng này, Chúa cho chúng ta biết: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Chúa nói: “Tôi có chiên ở khắp mọi nơi và tôi là mục tử của tất cả”. Cụm từ “tất cả” trong câu nói của Chúa Giêsu rất quan trọng. Hãy nghĩ đến dụ ngôn về tiệc cưới, khi các vị khách được mời đã không muốn đến đó: một ông vì mới mua ruộng, ông khác mới lập gia đình... tất cả mọi người đều lý do để không đi. Và chủ tiệc cưới đã tức giận và nói: “Hãy đi đến ngã tư đường và đưa mọi người đến bàn tiệc. Tất cả, lớn nhỏ, giàu nghèo, tốt xấu, mời hết. Tất cả. Cái “tất cả” này cách nào đó phản ảnh viễn kiến của Chúa, Đấng đã xuống thế làm người vì tất cả và đã chết cho tất cả. “Nhưng liệu ngài có chết cho tên bất lương là kẻ đã làm cho cuộc sống của tôi vô cùng khốn khổ như thế này không?” Chúa Giêsu cũng chết vì kẻ ấy. “Còn tên cướp đó thì sao?” Chúa Giêsu cũng đã chết vì tên cướp ấy. Ngài chết cho tất cả mọi người, cho cả những người không tin vào Người, và cả những người thuộc về các tôn giáo khác: Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Người đã chết cho mọi người, để công chính hóa tất cả mọi người.

Chúng ta chỉ có một Đấng Cứu chuộc, chỉ có một sự hiệp nhất: Chúa Kitô đã chết cho tất cả. Có một sự cám dỗ chia rẽ mà ngay cả Thánh Phaolô cũng phải chịu đựng điều đó: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô”, và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô”. Chúng ta cũng nghĩ về chúng ta, năm mươi năm trước, sau Công đồng có những chia rẽ mà Giáo hội phải chịu đựng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều. Đó là sự trách móc của Dân Chúa đối với Phêrô vì ông đã vào nhà của những người ngoại giáo. Điều thứ hai là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta Ngài có chiên ở khắp mọi nơi và Ngài là mục tử của tất cả khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người, bởi vì tất cả những người nam nữ, tất cả chúng ta đều cùng thuộc về một Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tâm lý chia rẽ, bè phái và giúp chúng ta thấy điều tuyệt vời này của Chúa Giêsu, đó là trong Người, tất cả chúng ta là anh em và Người là Mục Tử của tất cả chúng ta. Cầu mong sao cho cụm từ “Mọi người, tất cả mọi người!” đồng hành với anh chị em trong ngày hôm nay.

 
Source:Vatican NewsIl Papa: ci sia pace nelle famiglie e unità nella Chiesa