1. Sách tiếng Việt nghi thức thánh hiến cho Trái Tim Đức Mẹ

Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ chủ sự một phụng vụ long trọng thánh hiến Hoa Kỳ cho Trái Tim Đức Mẹ vào ngày Thứ Sáu mùng 1 tháng Năm lúc 3g chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ.

Nhân dịp này Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ biên soạn một tập sách trước hết để các tín hữu có thể theo dõi nghi thức thánh hiến diễn ra vào ngày 1 tháng Năm.

Thêm vào đó, các Giám Mục Hoa Kỳ đã biên soạn công phu để tập sách này có thể được dùng bởi các Giám Mục để thánh hiến cho Đức Mẹ giáo phận của mình, các cha sở có thể dùng để thánh hiến giáo xứ của mình, các gia đình có thể dùng để thánh hiến gia đình mình và ngay cả các cá nhân cũng có thể dùng để thánh hiến chính bản thân mình. Chỉ cần đọc phần thích hợp dành cho mình.

Chúng tôi đã dịch toàn bộ tập sách này. Quý vị và anh chị em có thể download sách Nghi Thức Thánh Hiến Hoa Kỳ cho Trái Tim Đức Mẹ bằng tiếng Việt ở đây.
 
2. Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta qua đời ở tuổi 75

Thông cáo báo chí của Dòng Hiệp sĩ Malta đưa ra hôm 29 tháng Tư cho biết sáng sớm cùng ngày, Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre, Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng, đã qua đời tại Rôma, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng.

Thông cáo báo chí của Dòng cũng cho biết theo điều 17 của Hiến pháp Dòng Hiệp sĩ Malta, Hiệp sĩ Ruy Gonçalo sẽ là người lãnh đạo Hội cho đến khi bầu vị Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 81.

Trong điện văn được gởi đến Hiệp sĩ Ruy Gonçalo, Đức Thánh Cha viết:

Nhận được tin về sự qua đời của Hiệp Sĩ Tối Cao Dòng Hiệp sĩ Malta, tôi muốn bày tỏ cảm giác của tôi với toàn dòng về vị Hiệp Sĩ Tối Cao như một con người của văn hóa và đức tin. Tôi luôn nhớ đến lòng trung thành toàn vẹn của ông với Chúa Kitô và Tin Mừng, được kết hiệp với sự quảng dại dấn thân với tinh thần phục vụ cho thiện ích của Giáo Hội, cũng như sự tận tụy trước những đau khổ của nhân loại. Tôi hiệp với anh chị em trong nỗi đau này, trong lời cầu nguyện khi phó dâng linh hồn của ông cho Lòng Thương Xót Chúa, xin cho ông được nghỉ yên muôn đời. Tôi xin gởi đến anh và nhà dòng cũng như gia đình tang quyến lời chia buồn và phép lành Tòa Thánh.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Dòng các Hiệp sĩ Malta đã vướng vào hàng loạt các vụ tai tiếng và chia rẽ trong những năm gần đây.

Ngày 22 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Thủ tướng.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, lúc đó là Hiệp Sĩ Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre đã được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta vào ngày 2 tháng 5, 2018 và hứa sẽ tiếp tục công cuộc cải cách Dòng này bắt đầu từ năm 2017 khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo tạm thời.

Giacomo sinh tại Rome vào ngày 9 tháng 12 năm 1944, và theo học khoa khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật của Kitô giáo tại Đại học Rome. Ông dạy tiếng Hy Lạp cổ điển tại Đại học Giáo Hoàng Urbanô của Rôma và là giám đốc thư viện và văn khố của trường đại học.

Giacomo đã là một thành viên Dòng Hiệp sĩ Malta từ năm 1985 và đã thực hiện những lời thề long trọng vào năm 1993.

 
3. Thánh lễ tại Santa Marta 30/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân vô danh của đại dịch

Lúc 7 sáng thứ Năm 30 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những đã chết do Covid-19, đặc biệt những người chết vô danh, được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã khuất, những người đã chết vì đại dịch; và đặc biệt những người quá cố vô danh mà chúng ta đã thấy qua những bức ảnh các ngôi mộ tập thể.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về Bài Đọc Một trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 8: 26-40)

Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40

“Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ”. Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia”. Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?” Nhà quan trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi”. Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: “Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian”. Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: “Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?” Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” Philipphê nói: “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Nhà quan đáp lại: “Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy”. Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng ngay cả các tiên tri cũng đã báo trước điều này: “Và tất cả sẽ được Thiên Chúa hướng dẫn”. Chính Thiên Chúa thu hút người ta đến chỗ nhận biết Chúa Giêsu. Không có sự thu hút này, người ta không thể biết Chúa Giêsu. Vâng, người ta có thể học, thậm chí học Kinh Thánh, thậm chí có thể biết rõ Người được sinh ra như thế nào, và Người đã làm gì. Nhưng sự hiểu biết từ bên trong, sự thấu hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô chỉ dành cho những người được Chúa Cha lôi cuốn.

Đây là những gì đã xảy ra với bộ trưởng kinh tế của nữ hoàng xứ Ethiopia. Chúng ta có thể thấy rằng ông ta là một người ngoan đạo và ông ta đã dành thời gian, bên cạnh các công việc đa đoan của mình, để đến thờ phượng Chúa. Và khi ông đang trên đường trở về nhà và đang đọc sách tiên tri Isaia. Thánh Thần đưa Philipphê đến và bảo ông: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia”. Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?” Nhà quan trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi”. Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình, và ông giảng giải cho viên quan. Tôi không biết bao lâu, tôi nghĩ ít nhất một vài giờ Philipphê đã giải thích về Chúa Giêsu cho viên quan ấy.

Sự bồn chồn mà viên quan này cảm thấy khi đọc sách tiên tri Isaia xuất phát từ về Chúa Cha, Đấng đã lôi kéo ông đến với Chúa Giêsu: Chúa Cha đã chuẩn bị cho ông, đã đưa ông từ Êtiôpia đến Giêrusalem để thờ phượng Chúa và sau đó, với bài đọc này, Thiên Chúa đã chuẩn bị tâm hồn cho ông để đón nhận mạc khải về Chúa Giêsu đến mức ngay khi nhìn thấy nước, ông nói: “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?”, nghĩa là ông đã tin.

Sự kiện “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy” có giá trị cho hoạt động tông đồ của chúng ta, cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta như các Kitô hữu. Tôi đang nghĩ về sứ vụ truyền giáo. “Bạn sẽ làm gì trong sứ vụ truyền giáo?” - “ Tôi à, tôi sẽ cải đạo người ta” - “Nhưng dừng lại, bạn sẽ không cải đạo được bất cứ ai trừ khi Chúa Cha lôi cuốn tâm hồn họ nhận biết Chúa Giêsu”. Truyền giáo là đưa ra chứng tá đức tin của mình, không có chứng tá, anh chị em sẽ không làm được gì cả. Truyền giáo không có nghĩa là xây dựng các công trình to lớn, có đủ mọi thứ và dừng lại như thế. Không: các cấu trúc phải đi kèm với các chứng tá chân thực. Anh chị em có thể xây một bệnh viện, hình thánh các cấu trúc giáo dục hoàn hảo tuyệt vời, phát triển vĩ đại, nhưng nếu một cấu trúc không có chứng tá Kitô thì đó không phải là việc rao giảng chân thực về Chúa Giêsu: đó chỉ là công việc bác ái xã hội rất tốt ! - nhưng không có gì hơn.

Khi Simôn Phêrô khẳng định với Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Chính Chúa Cha đã lôi cuốn, và cũng lôi cuốn với chứng tá của chúng ta. “Tôi sẽ làm nhiều việc, ở đây, ở kia, ở đó, về phương diện giáo dục, về phương diện này, về phương diện kia”, nhưng nếu không chứng tá, những việc ấy chỉ là những điều tốt, nhưng chúng không phải là việc loan báo Tin Mừng, chúng không phải là những nơi tạo ra khả năng cho Chúa Cha lôi kéo con người đến chỗ biết Chúa Giêsu. Hãy làm việc và làm chứng.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra nguyên tắc này như là nền tảng cho công việc tông đồ của chính chúng ta trong việc truyền bá Tin Mừng. Điều có giá trị cho các hoạt động tông đồ của chúng ta, cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta như các Kitô hữu là: công việc chuyển đổi không phải là điều chúng ta làm. Chỉ có Chúa mới có thể chuyển đổi một ai đó. Chỉ có Chúa Cha mới có thể lôi kéo ai đó đến với Chúa Giêsu.

Công việc của chúng ta là làm chứng. Trong công cuộc truyền giáo, chỉ đơn giản là dạy hoặc hướng dẫn mọi người về những chân lý đức tin thôi thì không đủ. Để trở thành một lời loan báo thực sự, chúng ta phải làm chứng trong cuộc sống của chính mình, và như thế là tạo điều kiện cho Chúa Cha lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô.

Chứng tá và cầu nguyện đi cùng với nhau. Không có chứng tá và cầu nguyện, anh chị em không thể làm công việc rao giảng tông đồ. Một lời rao giảng có thể rất hay, nhưng nếu không có hành động của Chúa Cha, mọi người sẽ không bị lôi cuốn bởi Chúa Kitô.

Chứng tá của chúng ta mở ra cánh cửa tâm hồn của mọi người, dẫn dắt họ chào đón thông điệp và mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Cầu nguyện sau đó mở ra trái tim của Chúa Cha, để chính Ngài sẽ lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu.

Để kết luận. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta ân sủng để tiến hành các công việc của chúng ta với chứng tá và lời cầu nguyện để Chúa Cha có thể lôi cuốn mọi người đến chỗ nhận biết Chúa Giêsu.