1. Ðức Thánh Cha kính viếng Ðền thờ Ðức Bà Cả.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết chiều thứ Tư 05 tháng 8, lễ nhớ Cung hiến Ðền thờ Ðức Bà Cả, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến kính viếng Ðền thờ, cầu nguyện cho nhiều hoàn cảnh đau đớn đang xảy ra trên thế giới và đặc biệt cho tình hình ở Li Băng.

Ðức Thánh Cha đã đến cầu nguyện trước bức ảnh Ðức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma. Ngài vẫn có thói quen đến cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ này: Ngay hôm sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng, 14 tháng 3 năm 2013. Tiếp đến là mỗi lần trước và sau các chuyến tông du tại nước ngoài, hoặc trước mỗi biến cố quan trọng trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt trong lần gần đây nhất, Chúa nhật 15 tháng 3, ngài cũng bất ngờ rời Vatican đến cầu nguyện tại đây và sau đó đi bộ như một người hành hương đến nhà thờ Thánh Marcello nằm trên đường Corso, nơi có Thánh Giá làm phép lạ để khẩn nài Chúa Giêsu và Ðức Mẹ cho đại dịch chấm dứt, cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, xin cho các gia đình của các bệnh nhân tìm được niềm ủi an và khích lệ.

Sáng thứ Tư 5 tháng 8, lễ nhớ Cung hiến Ðền thờ đã do Ðức Hồng Y giám quản Stanislaw Rylko, người Ba Lan chủ sự. Theo truyền thống, trong lúc hát kinh Vinh Danh, có mưa hoa trắng tưởng nhớ trận tuyết rơi trong năm 358. Theo truyền thống, Ðức Trinh Nữ xuất hiện trong giấc mơ với Ðức Giáo hoàng Liberio và quý tộc Giovanni, yêu cầu xây một đền thờ dâng kính Ðức Mẹ ở nơi mà Mẹ sẽ chỉ. Sáng hôm sau 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè, trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino. Vì thế Ðền thờ đã được xây dựng tại đây.


Source:Vatican NewsPope visits Saint Mary Major on feast of Basilica's dedication
2. Người biểu tình Beirut yêu cầu câu trả lời về vụ nổ chết người

Các lực lượng an ninh đã bắn hơi cay vào một đám đông ở Beirut, khi sự tức giận bùng lên đối với giới cầm quyền, là những người bị kết tội đã quản lý đất nước yếu kém dẫn đến sự sụp đổ kinh tế. Một số người đã ném đá vào cảnh sát, đánh dấu sự quay trở lại kiểu biểu tình đã trở thành một nét đặc trưng của cuộc sống khi người Li Băng chứng kiến tiền tiết kiệm của họ bốc hơi và hệ thống tiền tệ tan rã.

Người dân địa phương Beirut ngày càng tức giận sau khi có các bằng chứng cho thấy các quan chức đã phớt lờ những cảnh báo được lặp đi lặp lại về kho chứa hóa chất nguy hiểm được nghi ngờ là đã tạo ra những vụ nổ chết người ở thủ đô Beirut của Li Băng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ những người biểu tình khi đi thăm các đường phố bị tàn phá của Beirut.

Tổng thống Pháp cũng kêu gọi chính phủ Li Băng đối phó với tham nhũng và áp dụng các biện pháp cải cách.

Li Băng hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém dẫn đến sự mất giá chưa từng có của đồng tiền Li Băng, siêu lạm phát, thất nghiệp gia tăng và các hạn chế ngân hàng. Hệ thống y tế cũng khủng hoảng. Tình trạng mất điện và các cuộc biểu tình trên đường phố đã làm rung chuyển cả nước vài tháng trước khi đại dịch coronavirus bùng phát.

Trong những năm gần đây, Li Băng đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Syria và Iraq, nhiều người trong số họ là người Hồi Giáo, như những người tị nạn Palestine. Theo dữ liệu chính thức, Li Băng hiện có gần 2 triệu người tị nạn, chiếm khoảng một phần ba tổng dân số.


Source:Sky News Australia
Beirut protesters demand answers over deadly blasts
3. Khủng hoảng ammonium nitrate lan sang đến Úc Đại Lợi

Bom nổ tại Li Băng nhưng cách xa hơn nửa vòng trái đất, người Úc đang tái mặt.

Nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, thủ đô của Li Băng, đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy dường như một vụ hỏa hoạn đã kích nổ một nhà kho tại hải cảng chính của thành phố này.

Các nhân chứng báo cáo đã nhìn thấy một đám mây màu cam kỳ lạ giống như thường xuất hiện khi khí nitro dioxide độc hại thoát ra sau một vụ nổ liên quan đến nitrat.

Do đó, nhiều người tin rằng nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut có thể là do phản ứng hóa học từ ammonium nitrate.

Thủ tướng Li Băng, Hassan Diab, cho biết 2, 700 tấn ammonium nitrate đã phát nổ sau khi được tàng trữ không an toàn trong một nhà kho trong sáu năm qua.

Những tin tức này từ Li Băng đã gây quan ngại sâu xa cho người dân sống trên đảo Kooragang của thành phố Orica gần cảng Newcastle của Úc Đại Lợi, đặc biệt là sau khi các quan chức tại cảng này thành thật khai báo rằng họ đang tàng trữ một lượng ammonium nitrate nhiều gấp 5 lần tại cảng Beirut của Li Băng.

Chris Kenny của Sky News Australia cho biết người dân địa phương ở Newcastle đã hết sức lo ngại về việc tàng trữ hàng chục tấn ammonium nitrate cảng Newcastle.

Các phương tiện truyền thông Úc cho rằng tại Orica 12, 000 tấn ammonium nitrate đang được chứa tại cảng Newcastle; nhiều hơn đến gần sáu lần so với những gì được lưu trữ ở Beirut khi nó phát nổ làm tan hoang cả thành phố.

Theo Kenny, nổ ammonium nitrate không phải là chưa từng xảy ra tại Úc. Tại Queensland vào năm 2014, một chiếc xe tải chở khoảng 50 tấn ammonium nitrate đã bốc cháy và phát nổ.

Đã có những lời kêu gọi mở các cuộc biểu tình tại cảng Newcastle nhưng cảnh sát cho biết họ sẽ mạnh tay với người biểu tình vì những lo ngại liên quan đến coronavirus.


Source:Sky News Australia
Concerns continue over ammonium nitrate stockpile in Newcastle
4. Li Băng nhận thấy có thể có 'sự can thiệp từ bên ngoài' vào vụ nổ ở cảng Beirut

Tổng thống Li Băng cho biết cuộc điều tra về vụ nổ lớn nhất trong lịch sử của Beirut sẽ xem xét liệu nó có phải do bom gây ra hay do sự can thiệp từ bên ngoài, trong khi người dân nước này đang tìm cách xây dựng lại những ngôi nhà và cuộc sống tan nát của họ.

Các toán tìm kiếm đang sàng lọc những đống đổ nát trong cuộc chạy đua cứu sống bất cứ ai bị chôn vùi trong đống đổ nát sau vụ nổ hôm thứ Ba tuần trước khiến gần 200 người thiệt mạng, 5, 000 người bị thương, phá hủy một vùng thành phố Địa Trung Hải và phát ra các sóng địa chấn xung quanh khu vực.

“Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Có khả năng có sự can thiệp từ bên ngoài bằng hỏa tiễn, bằng bom hoặc bằng các hành động khác”, Tổng thống Michel Aoun nói với truyền thông địa phương.

Trước đó, tổng thống Aoun cho biết ammonium nitrate đã được cất giữ không an toàn trong nhiều năm tại cảng. Ông nói thêm rằng cuộc điều tra cũng sẽ cân nhắc xem vụ nổ này có phải là do sơ suất hoặc do tai nạn hay không. Ông cũng thông báo rằng, cho đến nay đã có 20 người bị giam giữ.

Trong khi Hoa Kỳ nói rằng họ không loại trừ một cuộc tấn công, Israel, quốc gia đã từng tham gia một số cuộc chiến với Li Băng, đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng so sánh vụ nổ với vụ đánh bom năm 2005 khiến cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri thiệt mạng.

Sayyed Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của nhóm Shi'ite mạnh nhất của Li Băng là nhóm Hezbollah, do Iran hậu thuẫn, đã bác bỏ những gì ông nói là các “định kiến” cả trong và ngoài nước rằng nhóm này đã có các vũ khí được lưu trữ tại cảng.

Ông kêu gọi một cuộc điều tra công bằng và quy trách nhiệm nghiêm minh cho bất kỳ ai chịu trách nhiệm mà không có bất kỳ bao che chính trị nào.

“Ngay cả khi vụ này xảy ra vì một chiếc máy bay tấn công, hoặc cho dù đó là một hành động cố ý, thì hiển nhiên rằng khối lượng ammonium nitrate này đã có mặt tại cảng trong nhiều năm qua, nghĩa là một phần của vụ án này là sự cẩu thả và tham nhũng, ” ông nói.

Giám đốc hải quan và một người tiền nhiệm đã bị bắt vào hôm vào thứ Sáu.


Source:Reuters
Lebanon sees possible 'external interference' in port blast