1. Ðức Hồng Y Duka làm phép Cột đài Ðức Mẹ ở Praha.

Hôm 15 tháng 8 vừa qua, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Ðức Hồng Y Dominik Duka, Tổng giám mục giáo phận Praha, thủ đô Cộng hòa Tiệp, đã làm phép Cột đài Ðức Mẹ ở thủ đô.

Ngay từ sáng sớm thứ Bảy vừa qua, hàng trăm tín hữu, trong y phục truyền thống, đã đến địa điểm Cột đài Ðức Mẹ cao 16 mét, ở Quảng trường Cổ Thành. Tượng Ðức Mẹ có đội triều thiên bằng các ngôi sao màu vàng, ở trên đầu cột.

Trước khi Ðức Hồng Y Duka làm phép cột đài sáng ngày 15/8, ngài đã cử hành thánh lễ kính Ðức Mẹ tại nhà thờ Tyn, một trong những thánh đường nổi tiếng ở thủ đô Praha. Tham dự thánh lễ có nhiều nhân vật chính trị, trong đó có cựu ngoại trưởng Karel Schwarzenberg và cựu bộ trưởng quốc phòng Alexandr Vondra.

Cột đài được dựng lên cách đây 370 năm để tưởng niệm và ghi ơn Ðức Mẹ, vì thành Praha đã được cứu thoát khỏi cuộc xâm lăng của quân Thụy Ðiển, vào cuối cuộc chiến tranh 30 năm, hồi năm 1648. Cột đài Ðức Mẹ bị đám đông phá đổ ngày 3 tháng 11 năm 1918, sau khi Tiệp khắc được thành lập.

Vấn đề tái thiết tượng đài Ðức Mẹ đã được thảo luận từ hai thập niên qua. Những người chống đối cho rằng cột đài nhắc nhớ sự khởi đầu cuộc chiếm đóng của triều đại hoàng đế Habsbourg Áo Hung và Công Giáo thống trị miền Bohemia. Cả những người vô thần và đại diện các Giáo hội Tin lành cũng chống lại đề nghị này. Cộng hòa Tiệp là nước có tỷ số vô thần cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng Giêng năm nay, việc tái lập Cột đài Ðức Mẹ đã được Hội đồng thành phố Praha thông qua, với 34 phiếu thuận trên tổng số 65 thành viên, tức là thắng chỉ nhờ ba phiếu. Thành quả này một phần cũng nhờ nỗ lực hòa giải Ðức Hồng Y Duka, dòng Ða Minh, cổ võ hòa giải giữa Công Giáo và các thành phần khác, đặc biệt trong cuộc tranh chấp giữa Giáo hội và nhà nước Tiệp về vấn đề chủ quyền trên nhà thờ chính tòa thánh Vito. Nhà thờ này bị nhà nước cộng sản Tiệp Khắc tịch thu. Giải pháp Ðức Hồng Y đề nghị và được chấp nhận là: Nhà nước giữ quyền sở hữu, nhưng để cho Giáo Hội Công Giáo sử dụng thánh đường.


Source:pch24.plKard. Dominik Duka pobłogosławił posąg Matki Bożej na Starym Rynku Pragi
2. Các Giám Mục Zimbabwe cáo buộc chính phủ vi phạm nhân quyền bắt bớ dân lành vô tội

Các Giám Mục Công Giáo ở Zimbabwe đã cáo buộc chính phủ thực hiện các hành vi chà đạp nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đáp lại chính quyền của Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhanh chóng phủ nhận những cáo buộc này, gọi đó là các cáo buộc “xấu xa” và vô căn cứ.

Trong một bức thư mục vụ được đọc tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào hôm Chúa Nhật, Hội đồng Giám mục Công Giáo Zimbabwe cho biết đất nước đang phải chịu “một cuộc khủng hoảng nhiều tầng”, bao gồm suy sụp kinh tế, nghèo đói sâu sắc, tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

“Nỗi sợ hãi chạy dọc xương sống của nhiều người của chúng ta ngày nay. Cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến là chưa từng có”, các Giám Mục nói trong bức thư với những lời lẽ mạnh mẽ.

“Đây có phải là Zimbabwe mà chúng tôi muốn không? Có quan điểm khác thì lập tức bị coi là kẻ thù.”

Đáp lại, Bộ trưởng Thông tin Monica Mutsvangwa đã chỉ trích người Đức Tổng Giám Mục Robert Ndlovu, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe và mô tả bức thư mục vụ là một “thông điệp xấu xa” nhằm châm ngòi cho một “cuộc diệt chủng kiểu Rwanda”.

Mutsvangwa tuyên bố với cùng một luận điệu ta thường thấy ở các quốc gia độc tài. Y nói: “Hành vi vi phạm pháp luật của Ndlovu là hành vi của một kẻ thủ đắc các ưu thế địa chính trị từ tư cách là một linh mục của mình để thay đổi chế độ, đó là dấu hiệu của tay sai cho các cường quốc phương Tây thời hậu đế quốc trong hai thập kỷ qua”.

Ít nhất 20 người biểu tình đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình chống lại tình trạng tham nhũng và tình trạng suy sụp kinh tế vào ngày 31 tháng 7. Tất cả đều bị buộc tội kích động bạo lực nơi công cộng và nhiều người trong số họ đã mất tích kể từ đó.

Các nhà phê bình chính phủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền cho rằng làn sóng bắt giữ và các vi phạm nhân quyền gần đây gợi nhớ đến những chiến thuật nặng tay mà người tiền nhiệm của Mnangagwa, là Robert Mugabe, đã áp dụng. Robert Mugabe đã cai trị Zimbabwe suốt 37 năm.

Dewa Mavhinga, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Nam Phi, nói với Al Jazeera: “Người dân Zimbabwe đang chứng kiến những vụ lạm dụng chưa từng có và có thể còn tồi tệ hơn những gì họ đã phải chứng kiến dưới thời Mugabe. Họ đang phải chứng kiến sự gia tăng mạnh các vụ bắt cóc, tra tấn và lạm dụng tình dục mà chính phủ và các lực lượng an ninh nhắm vào những người chỉ trích mình”.

Giống như Mugabe, Mnangagwa nói rằng các nước phương Tây đang tài trợ cho phe đối lập để lật đổ chính phủ của ông ta.

Mnangagwa lên nắm quyền sau khi quân đội loại bỏ Mugabe vào tháng 11 năm 2017. Ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm sau, hứa hẹn giải quyết nạn tham nhũng và vực dậy nền kinh tế đang điêu đứng của đất nước.

Tuy nhiên, giờ đây, Zimbabwe đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng được đánh dấu bởi lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu hụt ngoại hối và đồng nội tệ đang mất giá nhanh chóng so với đô la Mỹ.


Source:Al Jazeera
Catholic bishops accuse Zimbabwe gov't of rights abuses
3. Sứ thần Tòa Thánh bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Zimbabwe bị chính phủ tấn công.

Hôm Chúa nhật 16 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Paolo Rudelli, người Ý, Sứ thần Tòa Thánh tại Zimbabwe đã lên tiếng bày tỏ tình liên đới ủng hộ các Giám mục. Trước đó, chính phủ nước này đã tấn công và nhục mạ các Giám mục vì các ngài đã phản đối việc điều hành đất nước vô trách nhiệm của tổng thống.

Việc quản lý yếu kém cuộc khủng hoảng sức khỏe và nền kinh tế của tổng thống Emmerson Mnangagwa đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chính phủ đã phản ứng bằng các cuộc đàn áp, và bắt bớ hàng loạt. Một số quan sát viên, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế, mô tả rằng tại đất nước này hiện nay đang có một bầu không khí sợ hãi bao trùm với những vụ mất tích, bắt bớ, bắt cóc trên đường phố và tra tấn chống lại những ai lên tiếng chống lại chính phủ.

Ðáp lại lá thư mục vụ của các Giám Mục về tình hình đất nước, chính phủ của tổng thống Mnangagwa đã đưa ra một tuyên bố được phát trên truyền hình quốc gia vào tối thứ Bảy 15 tháng 8, trong đó tấn công các Giám mục với giọng điệu xúc phạm, đặc biệt cá nhân Ðức Cha Robert Christopher Ndlovu, Tổng Giám mục Harare, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Zimbabwe.

Nhận thấy việc xúc phạm các Giám mục như vậy là vô lý, Sứ thần Tòa Thánh đã lên tiếng bênh vực các vị chủ chăn của Giáo hội.

Trên các phương tiện truyền thông, những người Công Giáo và không Công Giáo ở Zimbabwe đã bày tỏ ủng hộ các Giám mục. Ðặc biệt, họ nhắc nhở các bộ trưởng và quan chức rằng các Giám mục là những mục tử không có tham vọng chính trị nhưng không thể im lặng trước quá nhiều đau khổ xã hội và quá nhiều nghèo đói.


Source:Catholic News Agency
Nuncio supports Catholic archbishop denounced by Zimbabwe official