Thứ bảy tuần 19 thường niên.

Thứ sáu - 16/08/2019 07:57

Thứ bảy tuần 19 thường niên.

"Đừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".

 

Lời Chúa: Mt 19, 13-15

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Chúa Giêsu Với Trẻ Nhỏ

Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: "Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.

Tin Mừng Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay đề cập đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những lời của Chúa Giêsu: "Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời". Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Ðặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành; họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù theo phong tục người Do thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.

Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù là một đức trẻ. Các nhà chú giải đã xem đoạn Tin Mừng này như là căn bản cho việc rửa tội trẻ nhỏ được cộng đoàn tiên khởi thực hiện.

"Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng". Chúng ta có thái độ kỳ thị, ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Chúa không? Có những người lớn, những bậc cha mẹ rơi vào tâm thức của các môn đệ ngày xưa: họ không đem con cái đến với Chúa Giêsu, họ không nêu gương sống đức tin cho con cái, cũng không muốn cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nại lý do tôn trọng tự do của con cái, đợi chúng lớn lên và tự quyết định muốn rửa tội hay không. Ðây là thái độ sai lầm về ơn cứu rỗi của Chúa: Ơn Chúa được ban nhưng không cho mọi người, chúng ta là ai mà dám xét đoán về điều kiện tuổi tác để được Chúa chúc lành và ban ơn cứu rỗi.

Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Cầu Nguyện Cùng Mẹ Maria

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tinh thần của những kẻ bé mọn và trẻ thơ. Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu rất quan tâm đến những cuộc gặp gỡ của Ngài với những kẻ bé mọn, hạng người bị bỏ rơi, mà đại biểu là trẻ em. Hình như các môn đệ luôn có thái độ vệ binh đối với Chúa Giêsu. Họ thường nghĩ có nghĩa vụ phải bảo vệ Ngài, bởi vì theo họ một bậc thiên sai và quân vương không thể để cho trẻ em và những kẻ hèn hạ đến gần. Nhưng Chúa Giêsu không phải là Ðấng Thiên Sai theo ý nghĩ và sự chờ đợi của các môn đệ, Ngài có cái nhìn về sứ mạng của Ngài và về con người khác với các ông.

Chúa Giêsu chỉ thực hiện sứ mạng thiên sai của mình qua con đường thập giá và Ngài chỉ thực sự gần gũi với những ai mang lấy gương mặt khổ đau như Ngài, tức là những kẻ bé mọn, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, Ðấng hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa, những kẻ bé mọn ấy không còn biết bám víu vào sức mạnh và quyền lực nào khác hơn là chính Thiên Chúa. Họ là những người nghèo của Giavê như Cựu Ước đã từng loan báo. Vũ khí của họ, sức mạnh của họ, nơi nương tựa duy nhất của họ, lẽ sống của họ là chính Chúa. Chúa Giêsu đề cao những con người ấy và Ngài mời gọi những ai muốn làm đồ đệ Ngài cũng hãy mặc lấy tâm tình phó thác và tin yêu những con người ấy.

Kỳ thực, lịch sử vẫn tiếp tục chứng minh rằng chìa khóa của nhiều vấn đề lớn của nhân loại không nằm trong khoa học kỹ thuật và sức mạnh của vũ khí. Sứ điệp và bí mật Fatima đã được ứng nghiệm. Ba trẻ em vô học và nghèo nàn tại một ngôi làng nhỏ bên Bồ Ðào Nha đã chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh vô song của lời cầu nguyện, tức của lòng tin và lòng phó thác của con người. Lời tiên tri của Mẹ Maria vẫn tiếp tục được ứng nghiệm: Người cất khỏi tòa cao những người quyền thế và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

Kính nhớ Mẹ trong ngày thứ bảy này, chúng ta cùng cầu nguyện với chính tâm tình của Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Như trẻ em

Bấy giờ, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. (Mt. 19, 13-15)

Câu nói chiếu sáng cho cả đoạn Tin Mừng này là: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em.” Nước Trời đang hiện diện mọi lúc trong đời sống con người, trong đời sống Giáo Hội. Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Chúa luôn nhấn mạnh đến giai đoạn hiện tại và giai đoạn cánh chung. Nhưng giai đoạn cánh chung được tiếp nối với giai đoạn hiện tại, tùy thuộc chúng ta hôm nay sống Nước Trời hay không.

Hoàng tử nhỏ.

Hoàng tử nhỏ của Nước Trời là trẻ em, không phải vì bất lực hay nghèo khó, nhưng vì đời sống phong phú dồi dào, vì lòng trông cậy mạnh mẽ và con tim trong trắng đơn sơ, ngay thẳng. Tấm lòng trong trắng này làm cho con mắt tâm hồn trong suốt như thủy tinh. “Ai có lòng trong sạch được thấy Thiên Chúa” ngay trong đời sống này, chúng thấy được Thiên Chúa trong các tạo vật được dựng lên theo hình ảnh Ngài và được Ngài quan phòng hướng dẫn.

Sao con người lại bị mất vẻ trong sáng của tuổi thơ? khi nói tới ai có một tâm hồn trẻ thơ, người ta cảm thấy người đó sống bằng con tim thuần khiết.

Ở đâu?

Khi đứa bé qua đời, nó được sống trong Nước Trời, nó rất khó phải ở nơi khác! nếu nó yếu đuối phạm tội, chắc chắn nó sẽ ăn năn vì mến Chúa như Ngài đã yêu nó không hềloại trừ nó…

Sau những thí dụ đó Thiên Chúa công nhận trẻ em như là mẫu người được mời vào dự tiệc Nước Trời.

“Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ…” đây là một ấn văn chứa đầy trong Tin Mừng …. Tại sao chúng ta không cố gắng thực hiện? tại sao chúng ta không sống theo lời mời gọi của Chúa? tại sao lời đó không trở nên qui tắc cho đời sống đạo của chúng ta?

J.M

 

Suy niệm 4: NÊN NHƯ TRẺ NHỎ MỚI ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI (Mt 19, 13-15)

Xem lại CN 27 TN B, Thứ Bảy tuần 7 TN.

Đơn sơ, trong trắng là những đặc tính quý giá nơi trẻ em. Vào thời Đức Giêsu, đã nhiều lần Ngài dùng hình ảnh, đời sống và tính cách các trẻ em để dạy cho các môn đệ hay dân chúng những bài học sâu xa về mầu nhiệm Nước Trời.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu muốn nói rõ hơn về đặc tính ấy khi thấy một em bé được người ta bế đến để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Các môn đệ tỏ vẻ không đồng ý vì coi đây là chuyện vớ vẩn. Các ông nghĩ nên dành thời gian để Đức Giêsu nghỉ ngơi và làm những chuyện lớn lao hơn! Mặt khác, các ông cũng không muốn bị quấy rầy bởi những chyện tầm thường, nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tỏ thái độ khác hoàn toàn với lối suy nghĩ của các ông, nên Ngài đã nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng".

Thật vậy, trẻ nhỏ thì đơn sơ, trong trắng và thủy chung. Chúng luôn cần đến sự trợ giúp của người khác và thường nải nỉ xin cha mẹ và những người lớn điều chúng muốn.

Nhân đây, Đức Giêsu không có ý nói là phải nhỏ bé lại theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa bóng, tức là hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ, đó là: hãy sống trong trắng, đơn sơ, chân thành, không nghi kỵ, vòng vo, gian dối, không tự kiêu, tự mãn, nhưng biết phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng. Luôn yêu thương và gắn kết trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì: “Mọi gánh nặng hãy trút bỏ cho Ngài, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên đơn sơ như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 5: Để trẻ em đến với Thầy

Suy niệm:

Bàn tay con người thật là cao quý.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê

để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).

Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase

bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).

Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.

Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).

Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).

Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).

Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.

“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).

Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.

Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).

Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).

Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),

thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,

để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).

Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,

trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).

Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.

Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm

hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.

Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.

Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”

Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,

người lớn không được phép xâm phạm.

Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:

“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).

Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,

nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.

Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,

và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.

Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.

Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,

vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,

phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).

mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.

Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.

Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.

Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.

Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.

Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:

“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”

Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,

nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu

những công việc bé nhỏ mỗi ngày,

những công việc âm thầm,

những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,

vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,

nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,

đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,

sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,

dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,

nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người

và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,

xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,

con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa

trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,

và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ, vì chúng chưa đến Hội đường để học cho nên chưa biết Luật Môisê. Trong chuyện này, các môn đệ cũng theo quan niệm khinh thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông đuổi. Đó là thái độ khai trừ.

Chúa Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng.” Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng) được Chúa đề cao không phải vì chúng khờ dại hay yếu ớt mà vì 2 lý do:

1. Chúng bị xã hội "khai trừ". Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở

2. Chúng ngoan ngoãn, lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời). Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.

B- suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Người đời quen phân biệt, ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình khinh thường. Ngày xưa, người Do Thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và Tôn giáo. Đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công Giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.

Nhưng đó mới chỉ là thái độ của Chúa Giêsu thôi. Đó có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa?

2. “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng”: Người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách: không dẫn chúng đến nhà thờ, không tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, làm gương xấu, gieo vào đầu óc ngây thơ của chúng những ý tưởng đen tối.v.v...

3. Một cậu bé gõ cửa nhà một bà cụ già, và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng mà cậu vừa hái được.

Bà trả lời: “Có, bà sẽ xách xô của cháu và đong hai lít”.

Cậu bé đứng ngoài đùa giỡn với con chó.

Bà nói: “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao?”

Cháu không sợ! Vì làm thế bà sẽ nhận được điều xấu nhất.

Ý cháu muốn nói là gì?

Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ nhưng bà tự biến bà thành kẻ trộm. (Góp nhặt)

4. Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng.” (Mt 19,14)

Con đường nhỏ xíu, chạy ngoằn ngoèo, nước chảy lênh láng, những dãy nhà nhô ra thụt vào mất trật tự như đám con nít xóm này. Không thể tưởng tượng ở đâu ra nhiều con nít như thế. Chúng dơ bẩn, quần áo cũ rích, chạy lung tung ngoài đường, nói bậy luôn mồm. Một cậu bé mải chơi đâm sầm vào một bà đi đường. Té ngã, thằng bé văng tục. Bà kia quát: “Đồ du côn, đồ mất dạy”... Lời giáo huấn tưởng chừng như không bao giờ kết thúc.

Là ai, nếu không phải người lớn vô tình làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của các em. Hơn ai hết, chúng đủ tư cách hưởng hạnh phúc nhất. Nhưng xã hội rất nhẫn tâm đè bẹp những cánh hoa mong manh ấy bằng những gương xấu, bằng những cơ chế nghèo hèn, thất học. Thậm chí những em bé kém may mắn bị đẩy ra ngoài đời sớm còn tiêm nhiễm biết bao thói hư tật xấu. Thiên Đàng của các em là đấy!

Xã hội phân hóa giàu nghèo, con người quay cuồng với miếng cơm manh áo. Nhưng xin Chúa cho chúng con luôn biết nhớ và tôn trọng quyền được chăm sóc và giáo dục của trẻ em. (Hosanna)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây