Thứ Bảy tuần 20 thường niên – THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.
“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.
* Thánh nhân còn được gọi là Na-tha-na-en, quê ở Ca-na. Chính tông đồ Phi-líp-phê là người đã giới thiệu thánh nhân với Chúa Giêsu ở bờ sông Gio-đan. Người nhập nhóm các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi. Người ta không biết đích xác về hoạt động tông đồ của người sau lễ Hiện Xuống. Tương truyền rằng người đã loan báo Tin Mừng ở Ấn Độ và đã chịu tử đạo ở đó.
Thánh Bartôlômêô, tông đồ
Các sách Phúc Âm nhất lãm và sách Công vụ Tông đồ ghi nhận Thánh Bartôlômêô là một trong người trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về Ngài, ngoài việc liên kết tên Ngài với Philipphê. Phúc Âm thứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Phúc Âm này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (x. Ga 43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau Phục Sinh (x. Ga 21,1-14). Từ thế kỷ XVI, nhiều học giả đã đồng hoá Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Narthanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptoleemy (Tlômêô), sinh tại Cana (x. Ga 21,2).
Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17). Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vị: Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô:
- Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các ngôn sứ chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là Chúa Giêsu con ông Giuse người Nazareth.
Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận:
- Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.
Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người:
- Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.
Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sự thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (x. Ga 21,1-14).
Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống tìm cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armennia, Mosopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai Cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.
Người ta kể rằng: khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câm họng. Ngài khua trừ ma quỉ. Giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám. Trong số này có cả nàng công chúa. Ngài liền được triệu vời đến triều đình. Trước mặt vua Ngài truyền quỉ thần phải nói sự thật bỉ ổi về số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng Ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.
Dĩ nhiên các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimiô bắt Ngài tống ngục. Ông nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, Ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời Ngài. Cuối cùng Ngài bị trảm quyết. Tương truyền rằng: xác Ngài được chuyển về Beneventô. Thánh tích của ngài được vua Ottô III đưa về và lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber vào thế kỷ X.
Lời Chúa: Ga 1, 45-51
Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.
Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
SUY NIỆM 1: Ðến mà xem
“Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”. Nathanael lặp lại một thành kiến không tốt về Nazareth, về quê hương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn tốt và cũng không ai là hoàn toàn xấu. Nathanael là con người tốt, nhưng cũng có khuyết điểm sống theo dư luận không có quan niệm tốt về Nazareth: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”.
Chứng tá đầy xác tín của Philipphê đã giúp đưa Nathanael ra khỏi sự mù quáng tinh thần: “Cứ đến mà xem, Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Chỉ kinh nghiệm sống trực tiếp với Chúa Giêsu mới có thể giúp các tông đồ, những kẻ đầu tiên được gọi theo Chúa Giêsu, vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể.
Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan đã mô tả ơn gọi sống như Chúa Giêsu như là một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Chúa và người được gọi. Và khi đã được gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu rồi, người được gọi mới vượt qua được những thành kiến tự nhiên đối với Chúa, và cảm thấy được thôi thúc chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa cho anh chị em chung quanh. Kinh nghiệm sống của Philipphê được chia sẻ cho Nathanael: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói đến, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Có thể nói đây là kiểu mẫu cho điều chúng ta gọi là việc tông đồ, là thông truyền và chia sẻ kinh nghiệm sống của chính bản thân về Chúa Giêsu cho anh chị em chung quanh, đây cũng là phương thế duy nhất giúp anh chị em vượt qua được những thành kiến không tốt về Thiên Chúa, để cùng chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngài. Chỉ nhờ đã gặp được Chúa trước rồi chúng ta mới có thể trở nên phương tiện để giúp anh chị em đến gặp Chúa: “Cứ đến mà xem”.
Ước chi đời sống chúng ta là một lời mời gọi liên lỉ anh chị em đến với Chúa.
Lạy Chúa,
Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh tông đồ Nathanael Batolomeo, mà chúng con mừng lễ hôm nay, xin Chúa thương giải thoát con khỏi những thành kiến ngăn cách con với Chúa, cũng như ngăn cách con với anh chị em. Xin thương mời gọi con đến với Chúa và củng cố đức tin còn non yếu của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Một người Israel đích thật
Chúa đã đích thân chiêu mộ các tông đồ trong giới hạng trung bình, giới thợ thuyền, công chức, thủ trưởng đoàn đội v.v... họ thuộc giới có đủ thời giờ lo lắng cho nước trời, vì công việc không làm họ u tối, trí độn. Họ không phải hạng người vô học, dốt nát. Họ là hạng người Do Thái đang mong đợi Đấng thiên sai Cứu Thế. Họ biết khá khá Kinh Thánh để đoán được thời giờ đã gần tới.
Họ có những ước đoán của lớp trung bình. Họ có thể hình dung một nhân vật lực lưỡng như rôbốt, mới chắc là Đấng Messia, Đấng Messia phải đáp ứng được những nét đặc trưng, nên không thể xuất thân “Từ Nadarét đâu có gì hay được”.
Đích thật....
Một kiểu người thuộc giới trung bình, Nathanael. Trước hết, ông nghi ngờ, rồi lắng nghe rồi đi đến cảm phục. Ông không khó tin, không khó đi theo Đức Giê-su, nhưng lòng nhiệt tình hăng say chốc lát biến đi, chỉ còn lại một con người chân thành! ông đã gặp Đức Ki-tô, Đấng Messia, ông không thể không hợp đoàn với Người.
Hạng trưởng giả
Nguy hiểm của hạng trưởng giả nhỏ (không xét đến lợi tức) đây chỉ xét đến khía cạnh đức tin, họ là thứ công tử bột, họ không như biệt phái, luật sĩ. Hạng trưởng giả này thoải mái hơn, dễ chịu hơn, ngay cả niềm tin cũng đỡ. Họ không lo lắng chuyện gì quá. Trời của họ khá được đảm bảo.
Hạng giầu thật, trong xã hội hơn là giầu niềm tin, là hạng trên mức đa số, họ được người ta cầu cạnh, kính nể, đáng chuộng: nhưng lối sống tiện nghi đừng để đến thái quá.
Người ta còn biết đến “hạng trưởng giả thánh” chính là hạng tri túc, tri thường. Các Tông Đồ đã chứng tỏ như thế. Dù sống thân mật với Đức Giê-su, họ chũng có vẻ trưởng giả gồm cả những tính xấu và tính tốt. Nhưng Thiên Chúa yêu họ. Chính là vì họ là trưởng giả nhỏ nên đã được Chúa chinh phục, được Phúc Âm kêu gọi.
Như thế đó! được chinh phục!
Sống với lòng xác tín của mình!
Sống với đức tin vủa mình.
J.M.
SUY NIỆM 3: Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Mỗi người đều có một lối sống, mỗi người đều có một phong cách khác nhau. Các thánh cũng vậy. Cuộc sống của các thánh luôn có một mẫu số chung: sống giống Ðức Kitô. Thánh Bathôlômêô, tông đồ, Giáo Hội tôn kính hôm nay cũng không nằm ngoài định luật muôn thuở: họa lại hình ảnh thật nhất của Chúa Giêsu Cứu Thế.
Barthôlômêô được tuyển chọn làm tông đồ
Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới,chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse,người Nagiarét”. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được?”. Ông Philipphê trả lời: “Cứ đến mà xem” (Ga 1,45-46).
Cứ đến mà xem là lời mời gọi ông Nathanaen trở thành tông đồ đích thực của Chúa Giêsu. Sự kỳ diệu và hết sức lạ lùng là khi Chúa Giêsu vừa thấy Nathanaen, Người đã nói: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47). Việc Chúa gọi Nathanaen tức Barthôlômêô thật là huyền nhiệm vì chính Chúa đã thấy, đã biết ông khi ông đang ở dưới cây vả (Ga 1,48). Chúa nói: “lòng dạ của Nathanaen không có gì gian dối”. Ðiều này nói lên hồng phúc của Barthôlômêô vì tâm hồn mới là quan trọng. Người ta thường ví von: “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại” (trong có gì thì biểu lộ ra bên ngoài). Chính lúc, Na-tha-na-en tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel” (Ga 1, 49). Chúa Giêsu đã tuyển chọn Na-tha-na-en làm “Apostoloi”, nghĩa là tông đồ. Ðó là giờ cứu độ, giờ hồng phúc của Barthôlômêô, giờ Barthôlômêô được lột xác trở nên hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Làm tông đồ nghĩa là thuộc trọn vẹn về Chúa.
Như mọi tông đồ, Bathôlômêô được sai ra khơi (duc in altum) thả lưới
Thả lưới nghĩa là phải ra xa bờ, chọn chỗ nhiều cá. Ra khơi có nghĩa là tin vào Chúa vì có thể trong cuộc hải hành sẽ gặp sóng to, gió lớn, sẽ gặp nhiều chuyện trục trặc, nhưng tin, cậy vào Chúa sẽ được Chúa giải thoát. Barthôlômêô đã cùng với các bạn trong nhóm 12, theo Chúa Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo, theo Thầy làm chứng có nước trời, có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Theo Thầy để học hỏi những kinh nghiệm của Thầy, lãnh nhận những tư tưởng, chân lý và Tin Mừng, giáo lý của Thầy hầu chuẩn bị cho việc ra khơi mai sau. Theo Thầy để lãnh nhận quyền và sự thật mà Thầy sẽ trao phó cho: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Và, sau khi Chúa về trời,các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Barthôlômêô được sai đi loan báo Tin Mừng tại Ấn Ðộ, vùng Lycôni và Arménie. Thánh Bar-thô-lô-mê-ô đã làm chứng cho Chúa phục sinh bằng gương sáng đời sống thánh thiện, đạo đức của Ngài, bằng những lời chân thật, tài lợi khẩu, hoạt bát và những phép lạ Chúa ban cho, thánh nhân đã đưa được biết bao người ngoại giáo trở về. Thánh nhân đã trở nên giống Chúa Kitô như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi” và “Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”. Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách thánh nhân.
Barthôlômêô đã thực hiện việc rao giảng bằng chính cuộc đời của Ngài: từ bỏ, hy sinh và hết lòng trở nên giống Chúa Kitô. Thánh nhân đã trừ quỷ cho công chúa của vua Polêmon và nhiều người khác, đặc biệt Ngài đã hoán cải và đưa cả gia đình nhà vua polêmon trở lại đạo công giáo.
Thánh nhân đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của mình đúng như lời Chúa phán: “Tôi tớ không hơn chủ”. Vì ghen tức thánh nhân, các sư sãi và các quan chức triều đình đã vu cáo, khai gian cho thánh nhân đủ điều và Ngài đã bị vua Attiges bắt, bỏ tù, hành hạ đủ mọi cực hình và lãnh án trảm quyết cho tới hơi thở cuối cùng vào năm 52.
Lạy thánh Barthôlômêô, tông đồ xin đến giúp chúng con để chúng con có lửa nhiệt thành như thánh nhân hầu làm chứng cho Chúa sống lại.
Xin cho chúng con ơn can đảm để chúng con luôn biết lướt thắg mọi thử thách chông gai của cuộc đời.
Xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con chỉ biết cậy trông vào Chúa.
(Lm Nguyễn Hưng Lợi)
SUY NIỆM 4: Thánh Barthôlômêô tông đồ
Các sách Tin Mừng nhất lãm và sách công vụ tông đồ ghi nhận thánh Bartôlômêô là một trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về Ngài, ngoài việc liên kết tên Ngài với Philipphê.
Tin Mừng thứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Tin Mừng này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (Ga 43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau phục sinh (Ga 21,1-14). Từ thế kỷ 16, nhiều học giả đã đồng hóa Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Narthanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptoleemy (Tlômêô), sinh tại Cana (Ga 21,2).
Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17). Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vị: Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô: - Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth.
Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận: - Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.
Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người: - Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.
Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sư thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).
Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armennia, Mosopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.
Người ta kể rằng: khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câmhọng. Ngài khua trừ ma quỉ. Giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám. Trong số này có cả nàng công chúa. Ngài liền được triêu vời đến triều đình. Trước mặt vua Ngài truyền quỉ thần phải nói sự thật bỉ ổivề số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng Ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.
Dĩ nhiên các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimiô bắt Ngài tống ngục. Ong nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, Ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời Ngài. Cuối cùng Ngài bị trảm quyết.
Tương truyền rằng: xác Ngài được chuyển về Beneventô. Vào thế kỷ X, không rõ các di tích của Ngài có được vua Ottô III đưa về và còn được lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber không?
(Trích trong “Theo Vết Chân Người” - Chân dung các thánh nhân)
SUY NIỆM 5: Thánh Barthôlômêô tông đồ
Thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3). Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David. Đàng khác Bartholomew họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập. Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình. Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím. Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc. Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm. Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.
Phúc âm Matthew, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philip và Barthôlômêo. Phúc âm Gioan nhắc Philip giới thiệu Nathanael cho Chúa Yêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêo và Nathanael là một.
Barthôlômêo giảng đạo tại Ấn Độ với tông đồ Phillip và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì). Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Mathêu viết bằng tiếng Hy Bá. Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ. Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo. Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo. Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn. Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma. Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo. Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều. Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục. Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu. Người tin theo càng can đảm hơn. Họ lầm lí luận xử tử các ngài đạo sẽ tan. Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa. Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa. Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.
Bị bắt chung với Philip, quan tòa ra lệnh tha Bartholomew, còn Philip thì bị án tử. Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự. Bartholomew được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Bartholomew.
Chứng kiến cảnh Philip tử đạo, Bartholomew sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa). Ngày nay phần đất này nằm giữa biên cương Irăn và Sô Viết. Bartholomew là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Bartholomew không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này. Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông Đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo. Barthôlômêô có mặt vào khỏang năm 66-68. Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó. Hai năm 66-68, Bartholomew là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.
Bartholomew không trú ngụ hẳn tại Liên Sô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước. Tại Armenia, Bartholomew đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua. Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái. Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua. Nhóm này âm thầm ngầm bắt Bartholomew lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68. Nay là thành phố Derbend. Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.
Trong quá khứ các nhà địa lí dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay. Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề. Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.
Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định. Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi. Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ. Nơi nào xua đuổi các ngài âm thầm ra đi. Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó. Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng. Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.
Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối. Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ. Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại. Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.
Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác. Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì. Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.
Ngày nay xác thánh Bartholomew được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau. 508 vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia. Thế kỉ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily. Năm 809 xác được chuyển sang Benevento. Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.
Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Bartholomew. Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury.
Tóm lược trong tài liệu:
1.The Search for the Twelve Apostles của W. McBirnie
2. The Twelve Apostles của R. Brownrigg
(Lm Vũ đình Tường, Vietcatholic News)
SUY NIỆM 6: Cứ đến mà xem
Suy niệm :
Thầy Giêsu là người tìm thấy Philípphê và gọi anh đi theo (Ga 1, 43).
Sau khi gặp Thầy, Philípphê đi tìm Nathanaen.
Ông rủ bạn mình đến gặp Thầy Giêsu.
Nathanaen không được nhắc tên trong mọi danh sách nhóm Mười Hai.
Vào thế kỷ thứ 9, có người coi Nathanaen là Batôlômêô,
lý do vì trong mọi danh sách, Batôlômêô là tên luôn đi ngay sau Philípphê.
Chúng ta không chắc Nathanaen có phải là Batôlômêô không.
Nhưng điều đó không quan trọng mấy.
Dù sao Nathanaen cũng là một người môn đệ đã theo Thầy Giêsu,
và đã có mặt trong nhóm gặp Đấng phục sinh bên bờ hồ (Ga 21, 2).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể cho ta thấy ít nhiều
về khuôn mặt của vị tông đồ mà chúng ta mừng kính.
Sau khi được Thầy Giêsu tìm thấy và mời: “Anh hãy theo tôi” (c. 43).
Philípphê đã theo Thầy và hẳn đã ở lại với Thầy một thời gian.
Chính sự gần gũi và quen biết này
đã khiến ông tin Thầy là Đấng được tất cả Sách Thánh nói tới (c. 45).
Trong niềm vui sướng, Philípphê tìm thấy Nathanaen, và khoe:
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.”
Đấng ấy có tên là Giêsu, có cha là Giuse, có quê ở Nadarét.
Với một chút thành kiến, Nathanaen đã không thể tin được chuyện này.
Một ngôi làng vô danh như Nadarét, làm sao có thể sinh ra điều tốt được?
Nhưng Philípphê không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục mời gọi bạn mình,
như Đức Giêsu đã mời hai môn đệ đầu tiên: “Hãy đến mà xem” (cc. 39. 46).
Cuối cùng Nathanaen đã nhận lời, đã đến và đã xem thấy.
Cuộc hạnh ngộ diễn ra giữa Thầy Giêsu với Nathanaen.
Bằng cái nhìn thấu suốt, Thầy nhận ra cái tốt đẹp nơi con người anh:
“Đây là một người Israel đích thật, nơi anh không có gì gian dối” (c. 47).
Quả là một lời khen bất ngờ đối với Nathanaen, người mới gặp Thầy lần đầu.
Anh ngỡ ngàng khi thấy Thầy biết rõ bề sâu của lòng mình.
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” (c. 48).
Làm sao Ngài biết tôi là người không thích quanh co, gian dối ?
Đức Giêsu bảo Ngài đã thấy anh dưới cây vả, trước khi Philípphê gọi anh.
Nathanaen nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Thầy Giêsu (c. 49).
Và Thầy hứa sẽ cho anh thấy trời mở ra để trò chuyện với con người.
Thầy như cái thang bắc từ trời, để các thiên thần lên xuống (c. 51),
để Thiên Chúa và con người gặp nhau.
Như Nathanaen, chúng ta cũng trở nên môn đệ nhờ có người giới thiệu.
Chỉ ai đã thực sự gặp mới hăng hái đi giới thiệu Chúa với người khác.
Chúa Giêsu hôm nay vẫn qua người khác mà gọi tôi theo Ngài.
Nhưng cuối cùng chính tôi vẫn phải gặp mặt Ngài và để Ngài chinh phục.
Dần dần Ngài dắt tôi vào mầu nhiệm của con người Ngài.
Ngài là Giêsu Nadarét, con ông Giuse, và là chính Con Thiên Chúa
Ngài là chiếc thang đưa tôi từ đất lên mà gặp gỡ trời cao.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 7: Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Trong danh sách các Tông Đồ, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô thường được 3 Phúc Âm Nhất Lãm nhắc đến (Mt 10,3 ; Mc gọi Ngài là Bar-Tolmai ; ngài được Phúc Âm Gioan gọi là Natanael (Ga 1,45-51). Người ta đoán rằng Nathanael là một thầy thông luật hay đệ tử của trường phái luật sĩ.
Theo truyền thuyết, Natanael rao giảng ở Ấn Độ, Mésopotamie và nhất là ở Arménie, cuối cùng chịu tử đạo tại đây. Di hài của ngài sau đó được chuyển về đảo Lipara và về Benevent. Hoàng đế Otto III cho chuyển về Rôma và đặt ở một cồn nhỏ trên sông Tibre. Trong Tin Mừng Gioan, Natanael là người môn đệ thứ tư được Chúa Giêsu kêu gọi.
- Khi Philipphê nói với Natanael rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Natanael tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nagiarét. Quả thực, sự tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của Đức Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua cớ vấp phạm này để nhận ra Đức Giêsu xuất thân từ Nagiarét tầm thường ấy chính là Đấng Messia. Một số người do thái đã không thể vượt qua như vậy, họ nói : “Ông này không phải là con của Giuse đấy ư ? Chúng ta há không biết cha mẹ của ông ta sao ? Thế mà tại sao bây giờ ông ta lại tuyên bố rằng ta từ trời xuống ? (6,42)
- Đức Giêsu nói với Natanaen “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh” : Trong Ga, Đức Giêsu thường tỏ ra am tường các biến cố và các con người (2,25 6,61 13,1). Hình ảnh cây vả hơi mơ hồ : có người hiểu đó là nơi các rabbi thích ngồi để nghiên cứu Thánh Kinh ; có người nghĩ đến cây biết tốt xấu trong vườn diệu quang. Có lẽ ý nghĩa ở đây là : Natanaen là người thích suy gẫm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia, và Đức Giêsu cho ông hay rằng những lời tiên báo về Đấng Messia ấy đã được thực hiện nơi Ngài.
- Lời của Đức Giêsu khiến Natanaen xúc động đến nỗi ông gọi Ngài bằng 2 tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Vua Israel”.
a/ Trong Ga, tước hiệu “Vua Israel” đồng nghĩa với tước hiệu Messia nhưng ít màu sắc chính trị hơn tước hiệu “Vua dân do thái” được nhắc tới trong cuộc chịu nạn của Ngài (18,33.39 19,3 19,21). Khi Ngài vào thành Giêrusalem, dân chúng cũng tung hô Ngài bằng tước hiệu “Vua Israel” (12,13).
b/ Còn tước hiệu “Con Thiên Chúa” chính là tước hiệu được gán cho Ngài khi Ngài đăng quang làm Messia (x. 2Sm 7,14).
- Nathanaen sẽ “được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” : bây giờ Đức Giêsu chỉ mới mạc khải với ông bằng lời, sau này Ngài sẽ còn dùng dấu chỉ để loan báo tương lai, nhất là dấu chỉ Cana trong đó Ngài sẽ “biểu lộ vinh quang của Ngài”.
- Đức Giêsu có nhắc tới việc “thiên thần Chúa lên xuống”. Có thể có liên hệ với chiếc thang Giacóp trong St 28,12 “Này đây được dựng từ đất một chiếc thang mà đầu cuối chạm tới trời ; các thiên sứ lên xuống trên thang đó”. Như thế, chi tiết này muốn nói rằng trong tư cách là “Con Người”, Đức Giêsu chính là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa trời và đất.
(http://giaophanvinhlong.net)
SUY NIỆM 8: Chân dung Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Trong Tân ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả xác định ngài với Nathanael (còn viết là Nathaniel), một đàn ông người Cana ở Galilê đã được Philipphê nói cho biết về Chúa Giêsu.
Giáo hội mừng kính Thánh Batôlômêô vào ngày 24-8 hàng năm. Ngày này là ngày các hội chợ truyền thống, như Hội chợ Batôlômêô ở Smithfield (London, Anh quốc) xuất hiện từ thời Trung Cổ, có diễn hài kịch của Ben Jonson.
Thánh Batôlômêô được liệt kê thuộc Nhóm Mười Hai trong các Phúc Âm nhất lãm (Mt 10:1-4; Mc 3:13-19; Lc 6:12-16), và ngài là một trong ba nhân chứng khi Chúa Giêsu lên trời (Cv 1:4, 12-13). Trong Ga 1:45-51, ông Nathanael được giới thiệu là bạn của ông Philipphê. Ông được mô tả là người nghi ngờ về Đấng Mêsia đến từ Nadarét khi nói: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?”, nhưng sau khi ông Philipphê nói: “Cứ đến mà xem!”, ông đã đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khen ông: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1:47). Khi Nathanael hỏi tại sao Chúa Giêsu biết ông, Chúa Giêsu nói: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Điều mặc khải lạ lùng là Nathanael tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” (Ga 1:49). Chúa Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1:50).
Quả thật, Nathanael đã thấy những điều lớn lao hơn. Ngài là một trong các tông đồ được Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển Tibêria sau khi Ngài phục sinh (x. Ga 21:1-14). Lúc đó, họ đã đánh cá suốt đêm mà vô ích. Đến sáng, họ thấy một người đứng trên bờ nhưng không ai biết đó là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bảo họ thả lưới, họ làm theo và đánh được rất nhiều cá. Rồi Gioan nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21:7).
Truyền thống cho biết rằng Thánh Batôlômêô đi truyền giáo ở Ấn Độ, và đã để lại đây cuốn Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Các truyền thống khác nói ngài đi truyền giáo ở Ethiopia, Mesopotamia, Parthia và Lycaonia. Ngài tử đạo tại Albanopolis, thuộc Armenia. Truyền thống nói ngài bị chém đầu, nhưng phổ biến hơn là truyền thống nói ngài bị lột da rồi bị đóng đinh ngược. Truyền thống còn cho biết rằng ngài đã hoán cải Polymius, vua của Armenia. Chính người anh em của Polymius là Astyages đã ra lệnh xử tử Thánh Batôlômêô.
Một tu viện nổi tiếng tại Armenia là Tu viện Thánh Batôlômêô có từ thế kỷ 13, được xây dựng ngay tại nơi Thánh Batôlômêô chịu tử đạo là tỉnh Vaspurakan, thuộc Armenia (nay thuộc Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ).
Nghiên cứu của LM A.C Perumalil (Dòng Tên) và Moraes cho thấy rằng miền Bombay thuộc duyên hải Konkan, có thể đây là thành phố cổ Kalyan, là vùng hoạt động truyền giáo của Thánh Batôlômêô. Tác giả Theodorus Lector (thế kỷ 6), xác nhận rằng khoảng năm 507, Hoàng đế Anastasius đã giao hài cốt Thánh Batôlômêô cho thành phố Dura-Europos sau khi được tái phát hiện.
Năm 803, hài cốt ngài được đặt tại Giáo đường Thánh Batôlômêô tại Lipari, một đảo nhỏ thuộc duyên hải Sicily, do Constantinople kiểm soát. Năm 803, hài cốt ngài lại được chuyển tới Beneventum; rồi năm 980, Hoàng đế Otto II của Tòa Thánh đã chuyển hài cốt ngài tới Rôma, lưu giữ tại Giáo đường San Bartolomeo all’Isola. Một phần sọ của Thánh Batôlômêô được chuyển tới Giáo đường Frankfurt, còn một cánh tay của ngài được tôn kính tại Giáo đường Canterbury ngày nay.
Có nhiều phép lạ của Thánh Batôlômêô đã xảy ra trước và sau khi ngài chết, hai phép lạ nổi tiếng xảy ra cho dân thành phố nhỏ tại đảo Lipari.
Theo truyền thống, dân đảo Lipari rước tượng ngài bằng vàng và bằng bạc từ Giáo đường Thánh Batôlômêô đi khắp thành phố. Một lần nọ, khi đưa tượng ngài từ trên đồi xuống thành phố, bỗng dưng tượng ngài trở nên nặng trĩu, không thể đưa đi nơi khác, người ta cố đưa tượng đi nhưng tượng càng nặng hơn, thế là người ta phải đặt tượng ngài tại đó. Hồi thế chiến II, chế độ Phát-xít (Đức/Ý) tìm cách quản lý các hoạt động. Lệnh truyền phải đưa tượng Thánh Batôlômêô đi chỗ khác, tượng lại trở nên nặng hơn. Người ta đành “bó tay”!
Lạy Thánh Batôlômêô, xin cầu thay nguyện giúp. Amen.
(Trầm Thiên Thu)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn