Thứ Tư tuần 31 thường niên.

Thứ ba - 05/11/2019 08:43

Thứ Tư tuần 31 thường niên.

"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

 

Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: "Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi".

"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

 

 

 

Suy Niệm 1: Từ bỏ hết

Suy niệm:

Sống là chấp nhận từ bỏ.

Có những điều xấu phải từ bỏ

như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc...

Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:

chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống...

Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.

Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.

Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.

Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.

Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.

Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.

Người mẹ “là mẹ hơn” qua những hy sinh vất vả.

Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.

Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.

Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,

chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,

chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.

Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.

Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.

Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.

Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,

trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,

trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.

Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,

nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối

khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.

Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,

đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.

Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.

Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.

Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,

chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.

Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.

Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pisa.

Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.

Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.

Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày

thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.

Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.

Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.

Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.

Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.

Cần từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.

Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,

vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.

Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.

Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.

Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,

dám bán tất cả để thấy mình giàu có.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Từ Bỏ Ðể Theo Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu. Tuy cùng hướng đi trên con đường dẫn đến Giêrusalem, nhưng đám đông không mang cùng một mục đích với Ngài. Trong khi Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết khổ nhục trên Thập giá, thì đám đông lại tưởng rằng Ngài lên Giêrusalem lần này để đánh đuổi ngoại xâm và tái lập vương quốc Israel.

Ðể đánh tan sự chờ đợi sai lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi những kẻ theo Ngài hãy suy nghĩ đắn đo, tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực theo Ngài hay không: Ngài đòi buộc những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm chỗ đứng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình: "Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi được".

Việc theo Chúa là một việc khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như khi xây cất hay đánh giặc, do đó người môn đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo Chúa không thể tính toán bao nhiêu, bao lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là thái độ quyết liệt, gạt ra một bên tất cả để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng Nước Trời, đi giao chiến với sự dữ và và cái chết để được chiến thắng hiển vinh. Người đi theo Chúa phải từ bỏ mọi của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là chôn dấu đi hay sử dụng nó theo sở thích của mình, nhưng là làm ích cho người khác, nhất là cho những người nhỏ bé, nghèo hèn.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được lòng can đảm, dứt khoát với tất cả những gì cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được thực tâm đi xây dựng Nước Trời và làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Hy Sinh Từ Bỏ

Bài Phúc Âm hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như là một sự giảng dạy thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm từ phía con người chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm chỉnh dấn thân theo Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.

Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi", Chúa Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh từ bỏ. "Không Thầy chúng con không thể làm chi được", hãy sống trong tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.

Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.

Lạy Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con theo Ngài qua con đường thanh luyện và hy sinh.

Xin ban ơn giải thoát chúng con khỏi những gì đang ngăn cản chúng con đến với Chúa. Xin dạy con theo Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, không chùn bước trước những thách thức và hy sinh. Xin cho con được cùng vác thập giá với Chúa để được chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Muốn có huy chương vàng

Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi được.

“Quả thế ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua ấy đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc. 14, 27-33)

Một đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu, Người muốn họ biết phải làm gì để đi theo Người. Nên Người quay lại giải thích cho họ về nước trời. Không phải là tòa nhà xổ số, nhưng là sân vận động Ô-lim-pic trao huy chương vàng cho vận động viên vô địch.

Phải hoàn toàn cố gắng hy sinh

Ai không sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu thì không thể làm môn đệ Người. Đức Giêsu vượt trên mọi sự, trên cả mối giây gia đình. Gia đình là chỗ an toàn, ở đó người ta yêu và được yêu. Đức Giêsu không bảo họ quay về chống đối gia đình, nhưng phải sẵn sàng phục vụ người không bị vướng mắc trở ngại gì, dù là người thân nhất. Lòng trung thành với Đức Giêsu phải đặt lên hàng đầu, trên cả mạng sống mình, Người đòi phải từ bỏ hoàn toàn. Do thái coi kẻ bị treo trên thập giá là kẻ bị chúc dữ. Để nên môn đệ Đức Giêsu, phải chấp nhận bị chúc dữ đó, từ bỏ tất cả, dù là gia đình mình, phải theo Người tới cùng; không thể hòa hoãn; đó là giá của vinh quang.

Phải nhận biết khả năng mình

Cần xem xét sáng suốt những khả năng của mình để biết có thể đi tới đích không. Trước cuộc mạo hiểm như xây tháp hay trận chiến, Đức Giêsu gợi ý cần ngồi lại suy nghĩ tính toán, phải trả giá bao nhiêu. Điều đó muốn nói rằng người ta phải xem xét chắc chắn và cần quyết tâm với hết sức mình để tới đích. Phải có thiện chí và đức tin giúp cho các phương tiện đạt tới đích.

Cũng cần xem xét đánh giá những khuynh hướng và tính tình của mình. Ta có phải chiến đấu sát cánh với Đức Giêsu không? Và đòi phải có quyết định sáng suốt sau khi đã xem xét cân nhắc tương quan về phương tiện, hoàn cảnh và thiện chí của mình.

Nhiều người không thể làm môn đệ của Người vì không sẵn sàng từ bỏ những mối giây ràng buộc và của cải để theo Người. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được kêu gọi trở về với Người, người ta có thể theo Người bằng nhiều cách khác nhau. Cách làm môn đệ đòi hỏi rất gắt gao và muốn được chọn, cần chính mình phải thực hiện lời khuyên trước và phải cân nhắc cẩn thận những điều thuận nghịch. Tốt hơn đừng thử đi theo rồi lại từ chối giữa đường.

RC

 

Suy Niệm 5: ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ (Lc 14, 25-33)

Xem CN 23 TN C

 “Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”; hay: “Bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được”; và: "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được".

Thoạt nghe, không ai trong chúng ta lại không cảm thấy “sốc” vì lời mời gọi này của Đức Giêsu xem ra có vẻ ngược đời và không thể chấp nhận được!

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của mặc khải, chúng ta mới hiểu được thật chí lý khi Đức Giêsu đưa ra lời đề nghị này:

Trước tiên, Ngài muốn nói đến sự dứt khoát để đặt ý Thiên Chúa lên trên hết. Nếu vì lý do tình cảm mà mất ơn nghĩa hay hạnh phúc Nước Trời thì phải lựa chọn Chúa trước, còn mọi sự khác tính sau. Khi đã có tình yêu và được tình yêu của Chúa chi phối, hẳn sẽ bao trùm và định hướng tình cảm gia đình cũng như người thân...

Thứ hai, là sự thanh thoát. Đức Giêsu mời gọi những người muốn đi theo và làm môn đệ của Ngài, khi cần thiết phải từ bỏ ngay cả những gì là của mình, do mình làm ra và có khi phải từ bỏ ngay chính bản thân mình nữa... Bởi nếu không từ bỏ chính mình thì kể như những thứ ta bỏ trước trở thành vô ích, đây là điều khó khăn nhất đối với chúng ta!

Thứ ba, là phải vác thập giá mình mà theo. Đức Giêsu không bảo chúng ta vác thánh giá của Ngài, nhưng là thập giá của chính mình. Thập giá của chính mình là gì? Thưa có thể là người vợ lắm lời, ông chồng xay xỉn, bổn phận phải chu toàn... vác thập giá còn là từ bỏ ý riêng, là sống theo ý Chúa, tuân giữ luật Ngài trong lòng mến... Những thứ đó làm nên chất liệu quý và giá trị của người Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng theo Chúa trong vai trò là người môn đệ. Tức là từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn...

Sống siêu thoát là giúp mình khỏi vướng bận vào của cải trần gian để tâm hồn được thanh thản hầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng được tốt hơn.

Sẵn sàng vác thập giá của mình cách yêu mến, chứ không chỉ tôn thờ thánh giá của Chúa mà thôi. Luôn chu toàn bổn phận hằng ngày cách trung thành. Tránh tình trạng vác thập giá cả làng nhưng thập giá của mình thì lại đè đầu cưỡi cổ người khác và bắt họ vác thay. Bởi vì chính Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta bằng thập giá, vì thế, đời môn đệ mà thiếu vắng thập giá, thì hẳn sẽ mất hương vị và không phải cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát, biết đặt ý Chúa và sứ vụ của Ngài lên trên ý riêng cũng như tình cảm tự nhiên, biết từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày theo chân Chúa đến cùng. Amen.

 Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM:

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân, đó là những người thân yêu nhất của chúng ta, để trở nên môn đệ đích thật của Người.

Hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân vì Đức Giê-su, đó không phải là để đoạn tuyệt hay hạ thấp, nhưng là để nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban, bởi tình yêu và lòng thương xót của Người, và để chúng ta biết yêu thương nhau; yêu thương nhau không theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa thương yêu chúng ta. Vì Chúa đến không phải để hủy bỏ, nhưng để hoàn tất.

1. Dứt bỏ điều không thể

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta hoảng sợ, thậm chí không chấp nhận được, và nếu có chấp nhận, thì cũng không thể thực hành được, chắc chắn là lời này:

Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Để trở thành môn đệ của Người, Đức Giê-su đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu! Hiểu như vậy có lẽ là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Ki-tô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, trong lời mời gọi từ bỏ, Đức Giê-su có nêu ra “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả những người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Vậy phải làm sao đây, trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giê-su, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi “suy đi nghĩ lại trong lòng” theo gương Đức Maria, để hiểu Lời Chúa, trước khi nghĩ đến việc thực hành. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, và nhất là với lời mời gọi này của Đức Giê-su, nếu chúng ta đem ra thực hành ngay, chúng ta sẽ đi đến bế tắc, thậm chí tự làm hại mình và làm hại nhau. Chẳng hạn, như khi Đức Giê-su mời gọi người nghe phải “móc mắt, chặt tay…” (x. Mt 5, 29-30). Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giê-su?

Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là kì lạ. Kì lạ, vì ở đây, Đức Giê-su không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể. Và kì lạ, nhất là vì Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không thể chia tay được!

Nhưng, ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện với chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.

2. Dứt bỏ để nhận lại

Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau.

Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Chúa ban, và cùng với người con “ơn huệ Isaac” là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quỵ. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật dồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: « Thưa Bà, đây là con của Bà ». Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

* * *

Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng “dứt bỏ” Người Con duy nhất, là Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh, và cùng với Người, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bởi cái chết trên Thập Giá của Đức Ki-tô.

3. Và để yêu mến theo cách thức của Đức Giê-su

Vì thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận Mình và Máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói:

Anh em hãy yêu mến nhau
như Thầy yêu mến anh em.(Ga 15, 12)

Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệch lạc, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Đức Ki-tô và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong đời tu, nhưng cả trong Cộng Đoàn Giáo xứ và trong Giáo Hội của chúng ta nữa.

* * *

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Cái giá thật sự của người môn đệ – Suy niệm song ngữ ngày 6.11.2019

 

Wednesday (November 6): The true cost of discipleship

 

Scripture: Luke 14:25-33

25 Now great multitudes accompanied him; and he turned and said to them, 26 “If any one comes to me and does not hate his own father and mother and wife and children and brothers and sisters, yes, and even his own life, he cannot be my disciple. 27 Whoever does not bear his own cross and come after me, cannot be my disciple. 28 For which of you, desiring to build a tower, does not first sit down and count the cost, whether he has enough to complete it? 29 Otherwise, when he has laid a foundation, and is not able to finish, all who see it begin to mock him, saying, `This man began to build, and was not able to finish.’ 31 Or what king, going to encounter another king in war, will not sit down first and take counsel whether he is able with ten thousand to meet him who comes against him with twenty thousand? 32 And if not, while the other is yet a great way off, he sends an embassy and asks terms of peace. 33 So therefore, whoever of you does not renounce all that he has cannot be my disciple.

Thứ Tư    6-11           Cái giá thật sự của người môn đệ

 

Lc 14,25-33

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Meditation: 

 

Why does the Lord Jesus say we must ‘hate’ our families and even ourselves (Luke 14:26)? In Biblical times the expression ‘to hate’ often meant to ‘prefer less’. Jesus used strong language to make clear that nothing should take precedence or first place over God. God our heavenly Father created us in his image and likeness to be his beloved sons and daughters. He has put us first in his love and concern for our well-being and happiness. Our love for him is a response to his exceeding love and kindness towards us. True love is costly because it holds nothing back from the beloved – it is ready to give all and sacrifice all for the beloved. God the Father gave us his only begotten Son, the Lord Jesus Christ, who freely offered up his life for us on the cross as the atoning sacrifice for our sins. His sacrificial death brought us pardon and healing, new life in the Spirit and peace with God.

 

The cost of following Jesus as his disciples

Jesus willingly embraced the cross, not only out of obedience to his Father’s will, but out of a merciful love for each one of us in order to set us free from slavery to sin, Satan, and everything that would keep us from his love, truth, and goodness. Jesus knew that the cross was the Father’s way for him to achieve victory over sin and death – and glory for our sake as well. He counted the cost and said ‘yes’ to his Father’s will. If we want to share in his glory and victory, then we, too, must ‘count the cost’ and say ‘yes” to his call to “take up our cross and follow him” as our Lord and Savior. 

What is the ‘way of the cross’ for you and me? It means that when my will crosses with God’s will, then his will must be done. The way of the cross involves sacrifice, the sacrifice of laying down my life each and every day for Jesus’ sake. What makes such sacrifice possible and “sweet” for us is the love of God poured out for us in the blood of Christ who cleanses us and makes us a new creation in him. Paul the Apostle tells us that “God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit who has been given to us” (Romans 5:5). We can never outmatch God in his merciful love and kindness towards us. He always gives us more than we can expect or imagine. Do you allow the Holy Spirit to fill your heart and transform your life with the overflowing love and mercy of God?

The wise plan ahead to avert failure and shame

What do the twin parables of the tower builder and a ruler on a war campaign have in common (Luke 14:28-32)? Both the tower builder and the ruler risked serious loss if they did not carefully plan ahead to to make sure they could finish what they had begun. In a shame and honor culture people want at all costs to avoid being mocked by their community for failing to complete a task which they had begun in earnest. This double set of parables echoes the instruction given in the Old Testament Book of Proverbs: “By wisdom a house is built” and “by wise guidance you can wage a war” to ensure victory (Proverbs 24:3-6). 

In Jesus’ time every landowner who could afford it built a wall around his orchard or vineyard as a protection from intruders who might steal or destroy his produce. A tower was usually built in a corner of the wall and a guard posted especially during harvest time when thieves would likely try to make off with the goods. Starting a building-project, like a watchtower, and leaving it unfinished because of poor planning or insufficient funds would invite the scorn of the whole village. Likewise a king who decided to wage a war against an opponent who was much stronger, would be considered foolish if he did not come up with a plan that had a decent chance of success. Counting the cost and investing wisely are necessary conditions for securing a good return on the investment.

The great exchange

If you prize something of great value and want to possess it, it’s natural to ask what it will cost you before you make a commitment to invest in it. Jesus was utterly honest and spared no words to tell his disciples that it would cost them dearly to be his disciples – it would cost them their whole lives and all they possessed in exchange for the new life and treasure of God’s kingdom. The Lord Jesus leaves no room for compromise or concession. We either give our lives over to him entirely or we keep them for ourselves. Paul the Apostle reminds us, “We are not our own. We were bought with a price” ( 1 Corinthians 6:19b,20). We were once slaves to sin and a kingdom of darkness and oppression, but we have now been purchased with the precious blood of Jesus Christ who has ransomed us from a life of darkness and destruction so we could enter his kingdom of light and truth. Christ has set us free to choose whom we will serve in this present life as well as in the age to come – God’s kingdom of light, truth, and goodness or Satan’s kingdom of darkness, lies, and deception. There are no neutral parties – we are either for God’s kingdom or against it.

Who do you love first – above all else?

The love of God compels us to choose who or what will be first in our lives. To place any relationship or any possession above God is a form of idolatry – worshiping the creature in place of the Creator and Ruler over all he has made. Jesus challenges his disciples to examine who and what they love first and foremost. We can be ruled and mastered by many different things – money, drugs, success, power or fame. Only one Master, the Lord Jesus Christ, can truly set us free from the power of sin, greed, and destruction. The choice is ours – who will we serve and follow – the path and destiny the Lord Jesus offers us or the path we choose in opposition to God’s will and purpose for our lives. It boils down to choosing between life and death, truth and falsehood, goodness and evil. If we choose for the Lord Jesus and put our trust in him, he will show us the path that leads to true joy and happiness with our Father in heaven.

“Lord Jesus, you are my Treasure, my Life, and my All. There is nothing in this life that can outweigh the joy of knowing, loving, and serving you all the days of my life. Take my life and all that I have and make it yours for your glory now and forever.”

Suy niệm: 

 

Tại sao Đức Giêsu nói rằng chúng ta phải “ghét” gia đình của chúng ta và ngay cả bản thân (Lc 14,26)? Vào thời đó, thành ngữ “ghét” thường có nghĩa là để “thích ít hơn”. Đức Giêsu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để làm cho rõ ràng rằng không có gì được quyền ưu tiên hoặc chiếm chỗ nhất của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha trên trời đã tạo dựng nên chúng ta theo giống hình ảnh của Người để trở thành con cái yêu dấu của Người. Người đã nghĩ đến chúng ta trước trong tình yêu và sự quan tâm của Người về sự hạnh phúc và lợi ích. Tình yêu của chúng ta dành cho Người là sự đáp trả lại tình yêu và lòng tốt vượt trổi của Người dành cho chúng ta. Tình yêu đích thật đắt giá bởi vì nó không từ chối điều gì với người yêu – nhưng sẵn sàng trao ban tất cả và hy sinh tất cả cho người mình yêu. Chúa Cha đã ban cho chúng ta Con yêu dấu của Người, Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự nguyện phó mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá làm của lễ đền tội cho chúng ta. Cái chết hy tế của Người đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và chữa lành, sự sống mới trong Thần Khí và bình an với Thiên Chúa.

Cái giá của người môn đệ theo Đức Giêsu

Đức Giêsu vui lòng ôm lấy thập giá, không chỉ vì vâng theo ý Cha, mà còn vì tình yêu thương xót dành cho mỗi người chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, Satan, và mọi thứ ngăn cản chúng ta trước tình yêu, chân lý, và lòng tốt của Người.  Đức Giêsu biết rằng con đường thập giá là con đường của Cha dẫn đến chiến thắng trên tội lỗi và sự chết – và sự vinh quang cho chúng ta nữa. Người cân nhắc cái giá và thưa “vâng” với ý Cha. Nếu chúng ta muốn chia sẻ vinh quang và chiến thắng của Người, thì chúng ta cũng phải “cân nhắc cái giá” và thưa “vâng” với lời mời gọi của Người để “vác lấy thập giá mình và theo Người” là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.

 

Con đường thập giá dành cho bạn và tôi là gì?  Khi nào ý tôi đi ngược với ý Chúa, thì ý Người phải được thực hiện. Con đường thập giá liên hệ đến sự hy sinh, sự hy sinh bỏ mình mỗi ngày và mọi ngày vì Đức Giêsu. Điều làm cho sự hy sinh như vậy có thể thực hiện và “ngọt ngào” cho chúng ta là tình yêu của Thiên Chúa đã đổ ra cho chúng ta trong máu của Đức Giêsu Kitô, Đấng thanh tẩy chúng ta và biến chúng ta thành thụ tạo mới trong Người. Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta không bao giờ có thể vượt trổi hơn Thiên Chúa về tình yêu thương xót và tốt lành của Người dành cho chúng ta. Vì Người luôn luôn ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể mong đợi hay tưởng tượng. Bạn có cho phép Chúa Thánh Thần lấp đầy lòng mình và biến đổi đời mình với tình yêu và lòng thương xót dạt dào của Thiên Chúa không?

Có kế hoạch khôn ngoan để tránh sự thất bại và xấu hổ  

Dụ ngôn người xây tháp và người chỉ huy chiến trận có chung điểm gì (Lc 14,28-32)? Cả hai người xây tháp và người chỉ huy đều có nguy cơ tổn thất nghiêm trọng nếu họ không cẩn thận lên kế hoạch trước để chắc chắn họ có thể hoàn thành những gì họ đã khởi sự. Trong một nền văn hóa sợ mất danh dự và mặt mũi, bằng mọi giá người ta muốn tránh tất cả những lời mỉa mai của cộng đồng khi thất bại không hoàn thành được công việc mà họ đã khởi sự một cách nghiêm túc nhất. Cả hai dụ ngôn vang dội lời chỉ dẫn của sách Châm ngôn trong Cựu ước: “Có khôn ngoan mới dựng được nhà” và “Muốn thắng trận, cần nhiều cố vấn” (Cn 24,3-6).

Vào thời Đức Giêsu mỗi địa chủ, có đủ khả năng xây tường trong vườn của mình như là một sự bảo vệ khỏi những kẻ xâm nhập có thể ăn cắp hoặc gây tổn hại hoa trái của mình. Một cái tháp thường được xây dựng ở một góc tường, và người bảo vệ tháp, đặc biệt là trong thời gian thu hoạch khi kẻ trộm có khả năng sẽ cố gắng trộm cắp hoa màu. Bắt đầu một dự án xây dựng, như một tháp canh, và bỏ nó dỡ dang, bởi vì kế hoạch tồi tệ sẽ khiến cho cả làng coi thường. Tương tự đối với một vị vua, người quyết định mở một cuộc chiến tranh chống lại một đối thủ mạnh hơn, sẽ bị coi là ngu si nếu ông không dự trù một kế hoạch, đã có cơ hội phong nha của sự thành công. Tính toán cái giá và việc đầu tư khôn ngoan là những điều kiện cần thiết cho việc bảo đảm sự đáp tương xứng của sự đầu tư.

 

 

Sự trao đổi lớn lao

Nếu bạn đánh giá điều gì đó có giá trị lớn và muốn sở hữu nó, lẽ tự nhiên là phải hỏi xem nó sẽ đòi hỏi bạn bao nhiêu trước khi bạn đồng ý đầu tư cho nó. Đức Giêsu nói thành thật và thẳng thắn với các môn đệ của mình rằng chính họ cũng phải trả giá nếu họ muốn làm môn đệ của Người – nó sẽ đòi cả mạng sống của họ và tất cả những gì họ có trong sự trao đổi sự sống mới và cho kho tàng của vương quốc Thiên Chúa. Chúa Giêsu không cho lý do nào cho sự thỏa hiệp hoặc kỳ kèo. Hoặc chúng ta dâng hiến cuộc sống của chúng ta hoàn toàn cho Người, hoặc chúng ta giữ chúng lại cho bản thân mình. Thánh Phaolô nói, “Chúng ta không thuộc về mình. Chúng ta đã được mua với một giá” (1 Cr 6,19 b, 20). Trước kia chúng ta là nô lệ cho tội lỗi và vương quốc tối tăm và áp bức, nhưng giờ đây chúng ta được mua chuộc với giá máu châu báu của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chuộc chúng ta khỏi cuộc sống tối tăm và hủy diệt để chúng ta có thể bước vào vương quốc ánh sáng và sự thật của Người. Đức Kitô ban cho chúng ta tự do chọn lựa ai là người chúng ta sẽ phục vụ ở đời này và đời sau – vương quốc ánh sáng, sự thật, và tốt lành của Thiên Chúa hay vương quốc tối tăm, dối trá, và lừa gạt của Satan. Không có phe trung lập – một là chúng ta chọn vương quốc Thiên Chúa hay chống lại nó.

Bạn yêu ai trước hết và trên hết?

Tình yêu của Chúa buộc chúng ta chọn lựa ai hoặc những gì sẽ ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta. Đặt để bất kỳ mối quan hệ hay sở hữu nào trên Thiên Chúa là hình thức thờ ngẫu tượng – tôn thờ thụ tạo thay vì Đấng tạo hóa và Đấng cai quản mọi sự Người đã tạo nên. Đức Giêsu kêu gọi các môn đồ kiểm tra xem ai và cái gì mà họ yêu trước nhất và nhiều nhất. Chúng ta có thể bị cai trị và điều khiển bởi nhiều thứ – tiền bạc, thuốc, thành công, quyền lực hay thanh danh. Chỉ có một Thầy là Chúa Giêsu Kitô, mới có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi, tham lam, và sự tiêu diệt. Sự chọn lựa thuộc về chúng ta – chúng ta sẽ phục vụ và theo ai – con đường và số phận Chúa Giêsu đề ra cho chúng ta hay con đường chúng ta chọn lựa để chống lại ý định của Thiên Chúa và mục đích Người dành cho cuộc đời chúng ta. Nói tóm lại trong việc chọn lựa giữa sống và chết, sự thật và giả dối, tốt lành và sự dữ. Nếu chúng ta chọn Chúa Giêsu và tin cậy vào Người, Người sẽ chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới niềm vui và hạnh phúc đích thật với Cha trên trời.   

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Kho báu của con, là Sự sống của con, và là Tất cả của con. Không có gì trong cuộc sống này có thể vượt hơn niềm vui được biết, yêu thương, và phụng sự Chúa mọi ngày của đời con. Xin đón nhận cuộc sống con và tất cả những gì con có và biến nó thành của Chúa cho vinh quang Chúa bây giờ và mãi mãi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây