Thứ Ba tuần 23 thường niên.

Thứ hai - 06/09/2021 08:04

Thứ Ba tuần 23 thường niên.

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.

 

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

 

 

Suy Niệm 1: Thức suốt đêm cầu nguyện

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Giêsu là con người cầu nguyện:

đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.

Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,

từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)

đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).

Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,

là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.

Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).

đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.

Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),

nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)

hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).

Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),

hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).

Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.

Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.

Bài Tin Mừng hôm nay

cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.

Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).

Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.

Và đây là một quyết định quan trọng.

Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),

bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ

để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.

Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.

Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.

Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”

“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).

Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.

Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.

Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.

Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.

Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.

Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.

Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,

và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.

Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,

chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.

Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.

Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,

thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.

Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,

nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.

Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ đi vào sa mạc

để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.

Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn,

chờ đèn xanh ở ngã tư,

chờ món hàng đang được gói.

Khi lên cầu thang,

khi đến nơi làm việc,

khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột

con lại thấy mình sống an bình

trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,

những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

giúp con tỉnh thức

để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn

để tìm ra những sa mạc mới

và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

 

Suy Niệm 2: Tinh thần Giêsu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su từ trời xuống. Mang theo năng lực thần thiêng. Chữa lành hết mọi bệnh tật. Xua trừ hết mọi ma quỉ. Nhưng Người chỉ ở trần gian một thời gian. Cần phải có người kế tục sự nghiệp. Người chỉ khai mào trận chiến với ma quỉ và thế lực sự dữ. Cần phải có một đạo quân tiếp tục trận chiến cho đến thành công. Vì thế Người đã tuyển chọn các tông đồ. Đây là một việc hết sức quan trọng. Vì dùng người phàm để tiến hành cuộc chiến thiêng liêng. Người phàm nhưng phải có tinh thần Nước Trời. Cần phải kết hợp với Giê-su. Cần phải mang tinh thần Giê-su. Nên Người thao thức suốt đêm. Cầu nguyện để tìm được những con người xứng đáng. Cân nhắc để xem ai có thể đem tinh thần của Người thấm nhập trần gian.

Tình thần Giê-su là phải kết hợp chặt chẽ với Chúa. Xây dựng đời mình trên nền tảng Giê-su. Trước hết phải tách lìa thế gian. Không mê theo những hứa hẹn giả dối của thế gian ẩn trong “mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ”. Sâu xa hơn nữa, phải phá tung xiềng xích trói buộc của tà thần. Bằng cách chết cho con người cũ. Khi đó ta được “cùng mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người”. Khi đó “Người truất phế các quyền lực thần thiêng” Và cho ta được “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” nơi Người. Ta được sung mãn vì trở nên chi thể kết hợp với “Người là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (năm lẻ).

Tinh thần Giê-su khiến ta chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ của nước thế gian. Ta sẽ làm chủ bản thân. Không còn tranh giành kiện cáo. Vì không màng những lợi lộc của thế gian. Sẵn sàng chịu mọi bất công thiệt thòi ở đời này. “Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?”. Khi chiến thắng thế gian. Ta trở thành người xét xử thế gian. “Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ sét xử thế gian sao? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư? Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? Phương chi là những việc đời này” (năm chẵn).

Khi mọi người theo Chúa sống theo tinh thần Giê-su. Kết hợp với Chúa. Chết cho thế gian. Ta sẽ được Nước Trời. Có một đạo quân Nước Trời. Sẽ chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ. Xin cho tinh thần Giê-su ngự trị trong ta. Lan toả đến mọi người. Đem lại chiến thắng cho Nước Trời.

 

Suy Niệm 3: Chọn Nhóm Mười Hai

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.

Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.

Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.

Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.

Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".

Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Giáo Hội Mới Của Chúa

Trong đoạn Phúc Âm trên thánh sử Luca đã trình bày cho chúng ta một cộng đoàn quanh Chúa Giêsu. Cộng đoàn này là hình ảnh loan báo trước trong cộng đoàn Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thành lập và trao phó cho sứ mạng sau khi Người đã phục sinh từ cõi chết. Tất cả mọi thành phần của cộng đoàn này đều quy về một trung tâm duy nhất là Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được quyền năng Người chữa lành khỏi bệnh tật cũng như được bảo vệ khỏi những quyền lực của ma qủy. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thành phần của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu lúc đó. Trước hết là nhóm Mười Hai tông đồ vừa được tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, rồi đến các môn đệ và cuối cùng là đám đông dân chúng từ nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ dân Israel. Từ Giuđêa, Giêrusalem, nằm trong lãnh thổ của dân Chúa, và từ miền duyên hải Tia và Xiđon là miền nằm ngoài lãnh thổ của Do Thái Giáo.

Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.

Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.

Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm Mười Hai: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con". Các tông đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi của Chúa.

Lạy Chúa,

Chúng con tin và cảm tạ Chúa vì đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn qui tụ dân Chúa, một cộng đoàn có tổ chức được các tông đồ hướng dẫn qua mọi thời đại. Chúa không ngừng tuyển chọn những con người mới trong dòng lịch sử để tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian này. Sự yếu đuối của con người có thể xảy ra như đã xảy ra với Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội Chúa, nhưng chương trình cứu rỗi của Chúa không vì thế mà bị hư mất. Xin thương qui tụ chúng con lại trong tình yêu Chúa và củng cố đức tin chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Chọn mười hai tông đồ

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc. 6, 12-13)

Đây là một ngày đặc biệt với Đức Kitô. Đã đến giờ Người nghĩ phải tiến lên. Người sẽ phải ra đi, ngày đó không còn xa lắm. Cần phải bảo đảm tiếp tục công việc của Người. Cần cho lời Người được loan truyền đến tận cùng thế giới. Cần cho sứ điệp cứu độ đến chúc phúc cho mọi người. Vậy cần có những sứ giả đem giao ước Tin Mừng được Thiên Chúa quyết định hoàn tất cho loài người. Một giao ước mới vượt trên mọi giao ước đã có từ trước đến lúc này.

Ai có thể bảo đảm lãnh trách nhiệm này? ai xứng đáng trong những chàng thanh niên đang đi theo Người? Người biết những giới hạn và lòng quảng đại của họ. Người lên núi cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên Chúa để biết rõ chọn lựa chắc chắn. Tin Mừng Thánh Lu-ca kể Đức Giêsu cầu nguyện mười một lần, những lần đó luôn luôn là những lần quan trọng trong cuộc đời của Chúa: ở sông Gióc-đan trước lúc Thánh Thần ngự xuống trên Người, khi đông đảo dân chúng đến nghe Người giảng, trước khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, lúc Chúa biến hình, trước khi loan báo về cái chết của Người, lúc các môn đệ đi truyền giáo lần thứ nhất về, lúc dạy kinh lạy cha, trước khi chịu thương khó, cầu cho đức tin của Phê-rô đứng vững, lúc hấp hối trong vườn cây dầu, trong lúc treo trên thánh giá, lúc phó linh hồn trong tay Chúa Cha.

Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.

GF

 

Suy Niệm 6: Cầu nguyện để tìm Thánh ý Thiên Chúa

Xem lại thứ Sáu tuần 2 và thứ Tư tuần 14 TN.

Cầu nguyện là bản chất của người Công Giáo. Không cầu nguyện, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là ý Chúa và đâu là thiển ý của ta. Khi cầu nguyện, ta như được kín múc nguồn năng lượng từ Thiên Chúa, để mọi lời nói, hành động của ta được Thiên Chúa soi dẫn và chúc lành, hầu chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Hôm nay, Tin Mừng nhắc lại việc Đức Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện trước khi gọi và chọn 12  người mà Ngài gọi là Tông Đồ.

Khi Đức Giêsu cầu nguyện như vậy, Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng: sứ vụ của Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha, và những người được gọi, chọn cũng phải gắn bó với Ngài như vậy.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên ngôn sứ của Chúa, có trách nhiệm loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thành công khi biết gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận thánh ý của Ngài để thi hành.

Thật vậy, để lời mời gọi của Đức Giêsu thực sự trở thành hữu hiệu, và sứ vụ chúng ta đón nhận được thi hành cách tốt đẹp theo ý hướng của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua việc cầu nguyện.

Chính Đức Giêsu đã làm gương về chuyện này.

Ví dụ như khi sắp ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc; khi chọn các môn đệ, Ngài thức suốt đêm; khi sắp chịu nạn chịu chết, Ngài đã lên núi Cây Dầu cầu  nguyện ...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt để mọi công việc của mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì nhờ cầu nguyện với Chúa, chúng ta biết được thánh ý Ngài. Cầu nguyện để biết được phương cách thi hành tốt đẹp nhất. Cầu nguyện để phó thác nơi Chúa mọi sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được giá trị của lời cầu nguyện và luôn biết gắn bó với Chúa như Chúa luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa tuyển chọn mười hai Tông đồ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi chọn các Tông đồ. Điều này chứng tỏ việc tuyển chọn các Tông đồ rât quan trọng, vì các ngài tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu. Chúa gọi và chọn họ chứ họ không cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do Chúa chọn. Các môn đệ lại với Ngài, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi,  họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.

2. Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có những người ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ. Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài.

Đối với Chúa Giêsu, con số 12 có một giá trị tượng trưng: các Tông đồ là 12 viên đá sống thay thế cho 12 viên đá lấy ở sông Giorđan (Gs 4,1-6) cho đến thời mới. Các ngài là tổ phụ cho dân tộc mới và là quan xét để xét xử các công dân của vương quốc tương lai.

Ngày nay, tiếp nối sứ vụ của thánh Phêrô là Đức Giáo hoàng, và tiếp nối sứ vụ của các Tồng đồ là các Giám mục, và  Linh mục là đại diện của Giám mục trong việc chăm sóc và điều khiển dân Chúa. Ý nghĩa này khơi dậy cho người Kitô hữu có lòng yêu mến, vâng phục  và trung thành với Đấng Bản quyền của mình trong Hội thánh, và nhiệt tình góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển Hội thánh

3. Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ đã được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo hội, không phải là bậc tài ba xuất  sắc, cũng không phải là thành  phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế là hạng người thường bị khinh bỉ.

Đọc trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa yêu thích những tâm hồn rộng mở, biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em.

Ngài yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, thích sống cuộc đời khiêm nhường bình dị.

Ngài yêu thích những trái tim nồng nàn yêu thương luôn biết đón nhận thánh ý Chúa.

Ơn Chúa gọi là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu.

Chính vì thế mà chúng ta  nghe người ta diễn tả  về ơn của Chúa bằng một cụm từ thật gọn:

“Tất cả là hồng ân”.

4. Lịch sử cứu độ đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn... Tất cả những sự lựa chọn của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ một hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài. Nền tảng của Giáo hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con  mọi ngày cho đến tận thế. Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và  tình yêu của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

5. Thấy thái độ cầu nguyện sốt sắng của vị giáo sư toán nổi tiếng Blaise Pascal trước Thánh Thể, một sinh viên đã hỏi ông: “Làm thế nào mà một nhà toán học vĩ đại như giáo sư lại có thể tin và cầu nguyện khiêm nhường như vậy được”? Mỉm cười, vị giáo sư ôn tồn: “Này con, chẳng có ai là vĩ đại cả, và con người  chỉ trở nên vĩ đại  khi cầu nguyện với Thiên Chúa, vị Chúa tể trời đất mà thôi”.

Quả vậy, cầu nguyện là chuyện trò, là kết hợp với Thiên Chúa, và người cầu nguyện đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta một tấm gương  sáng về cầu nguyện: “Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”(5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Sự lựa chọn chẳng giống ai.

Đang cần một thư ký mới, giám đốc một doanh nghiệp định thẩm vấn những người xin việc qua một nhà tâm lý. Ba cô gái được phỏng vấn.

Nhà tâm lý hỏi:

- 2 với 2 là mấy ?

Cô thứ nhất trả lời cách chắc chắn: 4.

Cô thứ hai: có thể là 22.

Cô thứ ba: có thể là 22 và có thể là 4.

Khi các cô ra về, nhà tâm lý quay sang giám đốc và nói:

- Đó là những biểu hiện tâm lý. Cô thứ nhất nói điều hiển nhiên. Cô thứ hai nghi ngờ. Cô thứ ba có cả hai: ông sẽ chọn cô nào ?

Giám đốc không ngập ngừng:

- Tôi sẽ chọn cô có mái tóc vàng với cặp mắt xanh.

Vâng ! Việc Chúa tuyển chọn cũng như thế ! Chẳng giống một kiểu nào ở trần gian.

Chính vì thế mà chúng ta thường nghe người ta diễn tả về ơn của Chúa bằng một cụm từ thật vắn gọn: “Tất cả là một hồng ân”.

 

Suy Niệm 8: ,,,

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến lời Ngài.

- Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên một ngọn núi và cầu nguyện: Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc 5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1 22.32.40-46 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha thiết trong những lúc quan trọng (3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sức quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài mà cũng quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.

- Đó là việc gì? Là việc tuyển chọn từ số đông môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là tông đồ.

- Khi ghi nhận các tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Lc tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo Hội. Quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn nữa trong quyển Công vụ (chẳng hạn Cv 6,1-7). Môn đệ là tất cả những ai “đi theo” Chúa Giêsu; còn tông đồ là những môn đệ được tuyển lựa kỹ để làm “cán bộ”. Điều kiện để được tuyển là:

a/ Đã từng sống với Chúa Giêsu và chứng kiến việc Ngài chết và sống lại;

b/ Được “sai đi” (đây là ý nghĩa của chữ “tông đồ” apostolos) để loan báo Tin Mừng sống lại ấy.

Lc dành riêng danh hiệu “tông đồ” cho nhóm 12 vì chỉ có họ mới hội đủ 2 điều kiện này. Ngay cả với Phaolô, Lc cũng không gọi ông này là “tông đồ”, vì Phaolô là tông đồ theo một nghĩa khác hơn.

B.... nẩy mầm.

1. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ta hãy noi gương Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước mỗi khi làm một việc quan trọng.

2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng bị thất bại.

- Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con hợp tác với ơn Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.

- Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông đồ.

3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn… Tất cả những sự chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người… Từ một hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nến tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”… Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và tình yêu của Ngài ("Mỗi ngày một tin vui")

4. Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành tật bệnh” (Lc 6,17-18)

Cả 4 chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhựt tuần đầu tiên, chúng tôi phải hỏi thăm hết một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi ở chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi mù.

Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ không rộng, cũng chưa có cha xứ. Cha thì từ nơi khác về dâng lễ, còn giáo dân thì đến từ nhiều nơi khác nhau.

Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhựt nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hàng tuần. Họ ước ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna)

 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi ; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.

 1. Đức Giê-su lên núi

“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài.
(Tv 15)

Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con.
(Tv 18)

Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.

Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

 2. Đức Giêsu “chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”

Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.

« Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.

Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).

Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

 3. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi

Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện:

Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài,
vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra,
chữa lành hết mọi người. 
(c. 19)

*  *  *

Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô.

Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Đức Giêsu chọn mười hai tông đồ – SN song ngữ ngày 7.9.2021

 

 

Guestay (September 7): 

 

Jesus chose twelve apostles

Scripture: Luke 6:12-19  

12 In these days he went out to the mountain to pray; and all night he continued in prayer to God. 13 And when it was day, he called his disciples, and chose from them twelve, whom he named apostles; 14 Simon, whom he named Peter, and Andrew his brother, and James and John, and Philip, and Bartholomew, 15 and Matthew, and Thomas, and James the son of Alphaeus, and Simon who was called the Zealot, 16 and Judas the son of James, and Judas Iscariot, who became a traitor. 17 And he came down with them and stood on a level place, with a great crowd of his disciples and a great multitude of people from all Judea  and Jerusalem and the seacoast of Tyre and Sidon, who came to hear him and to be healed of their diseases; 18 and those who were troubled with unclean spirits were cured. 19 And all the crowd sought to touch him, for power came forth from him and healed them all.

Thứ Ba    7-9          

 

Đức Giêsu chọn mười hai tông đồ

Lc 6,12-19

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Meditation: What is God’s call on your life? When Jesus embarked on his mission he chose twelve men to be his friends and apostles. In the choice of the twelve, we see a characteristic feature of God’s work: Jesus chose very ordinary people. They were non-professionals, who had no wealth or position. They were chosen from the common people who did ordinary things, had no special education, and no social advantages. Jesus wanted ordinary people who could take an assignment and do it extraordinarily well. He chose these men, not for what they were, but for what they would be capable of becoming under his direction and power. 

 

Give yourself unreservedly to God – he will use you for greatness in his kingdom

When the Lord calls us to serve, we must not shrug back because we think that we have little or nothing to offer. The Lord takes what ordinary people, like us, can offer and uses it for greatness in his kingdom. Is there anything holding you back from giving yourself unreservedly to God?

 

 

Jesus offers true freedom and healing for all who are troubled or afflicted

Wherever Jesus went the people came to him because they had heard all the things he did. They were hungry for God and desired healing from their afflictions. In faith they pressed upon Jesus to touch him. As they did so power came from Jesus and they were healed. Even demons trembled in the presence of Jesus and left at his rebuke. 

Jesus offers freedom from the power of sin and oppression to all who seek him with expectant faith. When you hear God’s word and consider all that Jesus did, how do you respond? With doubt or with expectant faith? With skepticism or with confident trust? Ask the Lord to increase your faith in his saving power and grace.

 

 

 

“Lord Jesus Christ, you are the Son of God and the Savior of the world. Inflame my heart with a burning love for you and with an expectant faith in your saving power. Take my life and all that I have as an offering of love for you, who are my All.”

Suy niệm:  Ơn gọi Thiên Chúa dành cho đời bạn là gì? Khi Đức Giêsu khởi sự sứ mệnh của mình, Người đã tuyển chọn 12 người làm bạn hữu và tông đồ của Người. Trong sự chọn lựa nhóm 12, chúng ta thấy một nét đặc biệt nơi việc chọn lựa của Người: Đức Giêsu chọn những người rất bình thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có học thức cao, cũng không có uy thế trong xã hội. Đức Giêsu muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách phi thường. Người chọn họ không vì những gì họ có, nhưng vì những gì họ có thể là, dưới sự dẫn dắt và uy thế của Người.

Hãy dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa – Người sẽ dùng bạn cho sự cao cả trong  nước Người

Khi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ, chúng ta không nên lùi bước bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình có ít hoặc chẳng có gì để cho. Chúa đón nhận những gì nơi người bình thường như chúng ta, có thể dâng hiến và sử dụng nó cho sự cao quý trong vương quốc của Người. Có bất cứ điều gì níu kéo bạn lại không cho bạn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa không?

Đức Giêsu ban cho sự tự do đích thật và chữa lành cho tất cả những ai phiền muộn và đau khổ

Bất kỳ Đức Giêsu đi đâu, người ta đến với Ngài bởi vì họ nghe về tất cả những điều Người đã làm. Họ đói khát Thiên Chúa, và ao ước được chữa lành khỏi những buồn phiền đau khổ. Trong niềm tin vào Đức Giêsu, họ cố gắng chạm đến Người. Khi họ làm như thế, một năng lực từ Đức Giêsu phát ra và chữa lành cho họ. Thậm chí cả ma quỷ cũng phải run sợ trước sự hiện diện của Đức Giêsu và bỏ chạy khi Người quở mắng.

Đức Giêsu giải thoát tất cả những ai đến với Người với niềm tin, khỏi quyền lực của tội lỗi và ma quỷ. Khi bạn nghe lời Chúa và suy nghĩ tất cả những việc Đức Giêsu đã làm, bạn phản ứng thế nào? Với sự nghi ngờ hay với niềm tin kiên vững? Với chủ nghĩa hoài nghi hay với lòng tin cậy? Hãy cầu xin Chúa gia tăng niềm tin của bạn vào quyền năng và ơn sủng cứu độ của Người.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế. Xin thắp lên trong lòng con tình yêu nồng cháy dành cho Chúa và với niềm tin cậy vào quyền năng cứu độ của Chúa. Xin đón nhận cuộc đời con và tất cả những gì con có như một của lễ tình yêu dành cho Chúa, Đấng là Tất Cả của con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây